Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

NHỮNG KẺ LÀM ÁC THƯỜNG GIEO TIẾNG ÁC


Nguyên Thạch  - Thiết nghĩ, qua dòng thời gian đã bao năm dường như những nhà đấu tranh, những chiến sĩ dân chủ, những tấm lòng vì dân vì nước đã cố trầm mình trong thầm lặng. Họ không muốn thanh minh hoặc nói nhiều về những nghĩa cử cao cả của mình cho Quê Hương và Dân Tộc. Nghĩa cử ấy, xuất phát từ tiếng gọi của con tim, của lương tâm và trách nhiệm cùng bầu nhiệt huyết đã thôi thúc họ chẳng quản ngại hy sinh. Sự hy sinh trong thái độ thầm lặng ấy, dẫu biết rằng họ vững tin “Hữu xạ tư nhiên hương”, “Vàng thật không sợ lửa” hay “Làm thiện, không cần tiếng”... Nhưng tiếc thay, thái độ cao thượng đó, ít nhiều đã bị phản ngược lại bằng những rêu rao đầy hoài nghi và oan ức.

Trong một xã hội mà nền luân lý đã bị xuống cấp thê thảm, sự gian dối đã trở thành một nếp sống tự nhiên, con người nói dối không hề ngượng miệng, thủ đoạn mưu thâm... mà không hề ngại ngùng về “Quả báo nhãn tiền”. Vô thần vô thánh theo một thứ chủ nghĩa vô vọng thì hành xử theo phong cách của người trượng phu quân tử, thiết nghĩ, không thực tế cho lắm.

Do đó, hôm nay tôi mạn phép được nêu lên những vấn đề sau đây với ước mong cho nó được sáng tỏ, bởi sự minh chính sẽ được xem là những món quà khích lệ trên những bước đường đấu tranh đầy gian nan trước mặt.

1- Đấu tranh vì được nhận tiền từ các thế lực thù nghịch

Một điều chắc chắn, chúng ta đã nhiều lần, vô vàn lần đọc đi đọc lại từ những trang báo, mạng “Lề Phải” rằng thì là những kẻ tự cho mình là những người đứng lên đấu tranh cho Dân chủ Nhân quyền này nọ nhưng thực chất là chỉ để được nhận tiền cung cấp từ các thế lực thù địch, nhằm chống phá nhà nước nhân dân ta... Vô số lần phải nghe những tên lãnh đạo mà miệng lúc nào cũng như con vẹt thuộc lòng, nào là diễn biến hòa bình, thế lực thù địch luôn tìm cách bôi nhọ lãnh đạo, chống đối nhà nước, gây bất ổn xã hội, gieo hận thù, chiến tranh, chết chóc... Những kẻ phản động này đã đi ngược lại với nhân dân đặt niềm tin vào đảng và đáng phải trừng trị v.v... và v.v...

Ai đó đã chủ trương rằng, sự gian trá, nói một ngàn lần không ai tin, một vạn lần chưa chắc đã tin nhưng cứ lập đi hàng triệu lần thì nó sẽ trở thành sự thật!. Lập luận này, ví như con dao hai lưỡi, ngoài tác dụng là nó có thể đáp ứng cho những gì mà chế độ mong muốn nhưng nó cũng còn một tác động khác là nêu lên phương cách của một chế độ mị dân mỗi một khi sự thật đến được nhận thức của người nhận sự lừa mị ấy.

2-Đấu tranh để tranh quyền và vì hận thù

Không ít những nguồn dư luận được xuất phát từ những người trong guồng máy cầm quyền cho rằng những kẻ thất trận muốn ngoi dậy để lật đổ chính quyền nhằm mục đích tiếp tục con đường bán nước cho đế quốc, cho ngoại bang!. Nếu cho rằng những vu khống từ những cái tâm hèn trí hẹp này là khả dĩ có “cơ sở”, có lý do thì thử hỏi những lớp trẻ, thế hệ sinh sau cuộc chiến 1975, có gia đình, có lý lịch cha ông là cộng sản, không dính dáng gì đến chế độ cũ, càng hơn thế nữa, họ sinh ra lớn lên và được đào tạo dưới mái trường XHCN, tại sao họ cũng đấu tranh?. Tại sao họ lại khẳng khái khước từ những ưu ái mà chế độ đã có chỗ dành riêng cho họ?. Và có phải chăng họ đã nhìn thấy được vấn đề mà họ không muốn bị dây dưa trong tủi hổ là lớp con cháu của những kẻ phản bội dân tộc, đẩy đất nước đến trì trệ tụt hậu, hiếp đáp chính dân mình và đê hèn quì lạy ngoại bang?.

Nếu cho rằng vì hận thù thì thế hệ trẻ này đã có gì liên quan đến quyền lực của chế độ cũ để mất mát mà hận với thù?. Họ có quyền và có lý do để hùa theo với cha anh kế vị cầm nắm cũng như cai trị nhưng tại sao họ lại dũng cảm, chẳng những không lợi dụng sự ưu tiên đó mà tại sao họ còn chống?. Há chẳng phải rằng họ đã quá bất mãn với bao mụ mị trí trá, với bao nhiễu nhương bất chính, với bao ươn hèn quị lụy... mà vì lòng tự trọng, không cho phép họ thản nhiên trên con đường phi nghĩa ấy.

3- Dân trí

Từ cơ chế bưng bít, nó đã giam hãm toàn bộ tư duy của người dân, nhất là những người dân quê, khối đa số của xã hội. Như đã nêu trên, với hệ thống báo chí loa đài cứ liên tục rỉ rả ngày đêm, năm này qua năm khác rêu rao một cách trơ trẻn và bền bỉ, nghe riết thành quen và cho đó là sự thật. Người dân không có hoặc rất bị giới hạn về nguồn thông tin đa chiều để mà so sánh, từ đó, họ có những câu nói, những phát biểu rất ngô nghê khiến người nghe không tránh khỏi đau lòng.

Tôi đã quá nhiều lần phải đối diện với nhiều sự phũ phàng ấy:

- Chống đối nhà nước là phản động.
- Những người đấu tranh là những người nhận tiền từ nước ngoài.
- Đi biểu tình là gây rối trật tự.
- Đấu tranh làm chi để phải vào tù rục xương.
- Công việc nhà không lo làm mà đi lo chi chuyện xã hội...

Nhiều lắm! Với thái độ bàng quang dửng dưng của không ít thành viên của một xã hội bưng bít, cho thấy rằng đó là những vấn đề đáng quan ngại và nó ảnh hưởng không ít cho những người đấu tranh, đó là chưa nói đến những hành vi tố giác để lập công với công an, để mua lấy sự bình yên. Ngày nào trình độ dân trí chưa được nâng cao thì ngày ấy vẫn còn đầy dẫy những trở ngại cho công cuộc đấu tranh.

4- Những người đứng lên tranh đấu, họ là ai và tại sao họ phải đấu tranh?

Người viết mong rằng những bài viết như thế này sẽ là những lời phải trái và mong được xem như những dòng tâm sự.

Trước viễn ảnh của đất nước đang bên bờ vực thẳm, trước tương lai mờ mịt của cả khối dân tộc và trước sự bế tắc toàn diện mà nhà đương quyền đang dồn toàn dân vào ngõ cụt của con đường tiệt lộ, những công dân đã ý thức được bổn phận và trách nhiệm cũng như đã lường được những gì thê thảm sẽ xảy ra cho Quê Hương này mà họ hy sinh dấn thân.

Họ là những con người đầy trăn trở, đang ở trong nước và ngay cả ở hải ngoại. Họ là những Luật sư, Bác sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư, Quân nhân, Cán bộ, Đảng viên, Doanh nhân, Công nhân, Nông dân… thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội. Họ là những nhân tố hoàn toàn khác biệt với những Tổng bí thơ, Thủ tướng, Chủ tịch, Bộ trưởng cùng quan quyền các ngành các cấp thuộc bộ máy cầm quyền đương đại. Họ không là công an mật vụ, không là du côn đồ tể hung tàn. Không thuộc loài sâu mọt tàn phá Quê Hương. Họ là những nhân vật khẳng khái tài ba, họ không chấp nhận một guồng máy mục ruỗng đưa đất nước đến lầm than lạc hậu, một bọn tham nhũng, một lũ hung bạo, phá vỡ toàn bộ nền luân lý truyền thống và nhất là họ không thể qui hàng ngoại bang một cách nhục nhã đê hèn.

Họ là những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà bình luận, những bloggers, những chủ bút của những trang mạng “Lề Dân” đã không quản ngại ngày đêm như những chiến sĩ âm thầm trên con đường chiến đấu. Họ đã hiến dâng bao trí tuệ cũng như dồn hết khả năng của mình để viết ra những tâm tư để đánh động nhận thức trước sự tồn vong của đất nước, họ không quản ngại thời gian ngồi canh chừng những tên phá phách, những ý kiến xuyên tạc và vu khống, những hackers len lỏi để phá phách hầu ngăn chận tiếng nói đến những người cần đến tri thức và sự thật đa chiều.

Với trình độ đã được đào tạo cùng sự năng nỗ, những nhà đấu tranh họ cũng đã có thể kinh doanh, làm việc, làm giàu như bao kẻ bình thường khác nhưng đã không coi trọng sự giàu có bạc tiền bằng tiền đồ và tương lai của cả một dân tộc hoặc ví như ngược lại là đàng khác. Họ đã chi phí mọi tốn kém bằng nguồn tài chánh của riêng mình cho công cuộc mà không hề nhận lại từ bất cứ tổ chức nào như báo chí và nhà nước Việt Nam liên tục rêu rao và vu khống. Một cách khác, họ không như những quan chức, cán bộ trong guồng máy cầm quyền hiện tại, nghĩa là các quan chức, cán bộ, công an, cảnh sát này không hề coi trọng tiền đồ mà chỉ nhắm vào tiền đô.

Cuối cùng, những nhà đấu tranh chân chính là những con người sẵn sàng hy sinh tất cả cho Tổ Quốc và đồng bào ruột thịt của mình đang quằn quại dưới ách toàn trị và qui hàng ngoại bang. Họ tự nguyện dâng hết sức lực, bầu nhiệt huyết và ngay cả tánh mạng cho cho chính nghĩa, cho lý tưởng mà họ tin rằng sống cho đáng một con người đáng sống.

Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Đan Quế, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên, Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, Đinh Nguyên Kha, Đinh Nhật Uy, Đỗ Thị Minh Hạnh và nhiều nhiều hơn nữa, không phải họ đã và đang hy sinh đến ngay cả tài sản và tính mạng của mình đó sao?.

Tránh gian dối, tránh lừa bịp, nói lên sự thật... ngoài sự thể hiện tâm lành, nó còn nêu lên được trình độ lãnh đạo, cung cách làm việc cũng như mức hiểu biết, còn gọi nôm na là dân trí.


Nguyên Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét