Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

HAI CUỘC ĐẢO CHÍNH 11/11/1960 VÀ 01/11/1963 (ĐẠI TÁ PHẠM VĂN HƯỞNG TƯỜNG THUẬT)

Phạm Văn Hưởng “…Ba tháng sau khi lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, Mỹ lại bật đèn xanh cho các Tướng Khánh, Khiêm, Viên làm chỉnh lý ngày 30 tháng 01 năm 1964, không mất một viên đạn, bắt 4 Tướng Đôn, Kim, Xuân và Đính giam tại Đà Lạt…”

Vài lời nói đầu: Hồi còn ở làng quê miền Bắc, nhà ông bà cụ thân sinh của Đại tá Phạm Văn Hưởng là chỗ lối xóm với nhà bố mẹ tôi; nhưng tôi không biết ông, chỉ nghe nói về ông, một phần vì tuổi tôi quá nhỏ so với ông, phần khác vì từ lâu, ông đã đi học xa.

Vận nước nổi trôi. Mấy thế hệ ‘trai thời loạn’ cũng theo vận nước mà trôi nổi.
Cuối năm 1983, sắp tới ngày Lễ Chúa Giáng Sinh, gần một trăm tù cải tạo chúng tôi được chuyển từ Trại A20, Xuân Phước, Phú Khánh (Tác giả Nguyễn Chí Thiệp gọi là Trại Kiên Giam) về Trại Z30A, gần chân núi Gia Rai, Ngã ba Ông Đồn đi vào. Tại đây, tôi gặp Đại tá Phạm Văn Hưởng đã chuyển từ miền Bắc vào trước đó.
Đại tá Hưởng cỡ tuổi mấy ông anh lớn của tôi, cho nên ông coi tôi như em út. Gặp ông, tôi hỏi tại sao ngày ‘sập trời’, gia đình ông đi hết mà ông còn ở lại. Ông bảo: ‘Chú coi, tôi trách nhiệm cả hai chục ngàn tân binh, làm sao tôi bỏ mà đi được!’.
Bẵng đi một thời gian, nhân dịp nghỉ Lễ Độc Lập nước Hoa Kỳ đầu tháng 07/2011 vừa qua, tôi và một đàn anh đồng môn xưa, đi Oklahoma City thăm một vị ân sư, rồi thăm Đại tá Phạm Văn Hưởng. Cả hai vị đang nghỉ hưu tại thành phố này. Suốt hai tiếng đồng hồ, chúng tôi bị thu hút bởi câu chuyện về cuộc đời học tập, phục vụ và chiến đấu của vị cựu Đại tá. Trước khi chúng tôi từ giã, Đại tá Hưởng đưa tôi vào thư phòng, lấy xuống cho tôi những cuốn sách tôi cần. Duy có cuốn Nhớ Lại Những Ngày Ở Cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm của Cố Đại tá Nguyễn Hữu Duệ ký tặng ông, ông lấy ra, ngần ngừ một lát, rồi lại bỏ lên kệ. Tôi hiểu ra ngay và không dám hỏi xin, vì tôi kính trọng tình cảm sâu nặng của ông đối với cựu Đại tá Duệ, người bạn từng chiến đấu sát cánh với ông để bảo vệ Tổng thống Ngô Đình Diệm năm xưa. Người bạn đồng chí nay đã ra người thiên cổ, ông giữ sách của bạn để thấy sách cũng như thấy người. Vả lại, tôi đã có đọc qua những bài viết của Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, và nếu cần, tôi vẫn có thể tìm đọc lại cuốn sách đó trên mạng vantuyen.net. Cuối cùng, Đại tá Hưởng đưa cho tôi 2 bài đánh máy tường thuật cuộc đảo chính 11/11/1960 và cuộc đảo chính 01/11/1963, trích từ cuốn hồi ký ông viết để tặng riêng cho con cháu.
Về nhà, đọc hai bài tường thuật của Đại tá Hưởng, tôi thấy nội dung có những chi tiết sống động mà chỉ người trong cuộc mới nghe và thấy được. Do 2 cuộc chính biến xẩy ra cách nay đã quá lâu và do trí nhớ không còn được như xưa của một vị đại lão 88 tuổi, cho nên rất có thể tác giả không tránh khỏi một vài thiếu sót. Song nói chung, phải công nhận Đại tá Phạm Văn Hưởng quả là một trong số những người công chính đã viết một cách công chính về một nhân vật công chính là Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Tôi gọi xin Đại tá cho phép tôi được chuẩn bị, đánh máy vào computer để phổ biến hai bài này vào dịp Lễ Giỗ thứ 48 của Tổng thống Ngô Đình Diệm, tức là ngày 01/11/2011. Đại tá Hưởng đã đồng ý.
Trước khi mời quý độc giả đọc 2 bài tường thuật của Đại tá Phạm Văn Hưởng, để độc giả biết thêm chút ít về Cựu Đại tá Phạm Văn Hưởng, sau đây, tôi xin tóm lược tiểu sử của ông, căn cứ vào những gì tôi được nghe ông kể và những chi tiết thâu nhận được từ hai bài tường thuật của ông.
Sơ lược tiểu sử Đại tá Phạm Văn Hưởng:
Sinh năm 1923 tại Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình.
Cựu đệ tử Dòng Chúa Cứu Thế Huế và Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội.
Tình nguyện nhập học Sĩ quan Khóa 2, Huế.
Sau khi mãn khóa, đi hành quân các Tỉnh Thái Bình, Bùi Chu, Nam Định và Hòa Bình.
Tháng 06/1952, học Khóa Chiến thuật Chiến lược tại Hà Nội.
Trong Chiến dịch Lotus (Tỉnh Hòa Bình), được Quốc trưởng Bảo Đại gắn Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ Đẳng và Anh Dũng Bội Tinh với ngành dương liễu tại mặt trận.
Sau đó, trong Chiến dịch Tây Bắc (Sơn La, Lai Châu), ông bị Cộng sản bắt làm tù binh từ tháng 11/1952 tới tháng 12/1954 thì được thả.
Tháng 01/1955, trốn vào Nam.
Tháng 08/1955, được gọi tái ngũ.
Sau khi tham dự Khóa Tham mưu, ông lần lượt được cử giữ các chức vụ: Trưởng Phòng I Chiến dịch Trương Tấn Bửu, Trưởng Cơ quan Thanh toán Chiến dịch TTB, Chánh văn phòng Tham Mưu Trưởng Liên quân/Bộ Tổng Tham Mưu. Tại đây, ông được gắn Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương.
Tháng 02/1958, Đại úy Trưởng Phòng An ninh Bộ Quốc phòng.
Tháng 10/1958, Tham Mưu Phó Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống.
Ngày 01/01/1961, thăng Thiếu tá.
Sau đảo chánh 01/11/1963, bị giam giữ một tuần.
Tháng 01/1964, thuyên chuyển ra Vùng II, thuộc Sư đoàn 23, đóng tại Ban Mê Thuột.
Tại đây, được cử làm Quân trấn trưởng, kiêm Trưởng phòng Ấp Tân Sinh Khu 23 Chiến thuật.
Tháng 05/1964, về làm Chánh sự vụ Sở Nông Thôn thuộc Nha Ấp Tân Sinh. Sau nâng cấp thành Tổng Nha, rồi thành Bộ Xây Dựng Nông Thôn.
Tháng 06/1967, thăng Trung tá, Phó Giám đốc Nha Phát Triển Nông Thôn. Bị thương nặng khi đi công tác ở Quảng Tín, Vùng I, được ân thưởng Chương Mỹ Bội Tinh và Chiến Thương Bội Tinh.
Tháng 06/1970, thăng Đại tá và trở về Quân đội, phục vụ tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung.
Từ Tháng 06/1972 – 30/04/1975, giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Trung tâm Huấn luyện Quang Trung qua 4 vị Chỉ Huy Trưởng. Tại đây, ông được gắn Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương.
Tù cải tạo từ Tháng 06/1975 tới tháng 08/1987.
Tháng 03/1991, sang Hoa Kỳ đoàn tụ với gia đình theo diện HO6.
*Bạch Diện Thư Sinh
Đảo chính 11/11/1960
*Tường thuật của Cựu Đại tá Phạm Văn Hưởng, nguyên là Tham Mưu Phó Lữ đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống.
Tháng 10/1958, sau khi bàn giao Trưởng Phòng An Ninh Biệt Bộ Tham Mưu Bộ Quốc Phòng cho Đại úy Nguyễn Văn Long, cháu Bs. Nguyễn Quang Diệu, Đổng lý Văn phòng, tôi (Phạm Văn Hưởng, lúc ấy mang lon Đại úy) về nhận nhận chức vụ Tham Mưu Phó Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống. Tham Mưu Phó đặc trách tiếp liệu và thay phiên ứng trực phòng thủ với hai vị Tư lệnh và Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn. Mỗi lần Tổng thống đi kinh lý ở đâu, một trong ba chúng tôi phải tới địa điểm kinh lý trước một ngày, để xếp đặt vấn đề an ninh. Tôi còn lo việc tôn giáo cho binh sĩ Lữ đoàn, vì cả hai vị Tư lệnh và Tham Mưu Trưởng đều không phải là tín hữu Công giáo.
Diễn tiến
Khoảng 11giờ đêm ngày 10 rạng sáng ngày 11/11/1960, nghe điện thoại reo, tôi nhấc máy và nghe báo: ‘Thưa Đại úy, Thành Cộng Hòa và Dinh Độc Lập bị tấn công’. Tôi cúp điện thoại, vội khoác lên người cái áo dạo phố, rồi cùng Trung úy Ngô Thế Linh, thuộc Sở Liên Lạc, ở ngay trước mặt nhà tôi, lấy chiếc xe mang số ẩn tế, vọt ra cổng sau Cư xá Sĩ quan Chí Hòa, hướng về phía Dinh Độc Lập. Chúng tôi tới ngã tư Phan Đình Phùng – Công Lý thì bị Nhảy Dù chận lại. Một sĩ quan Nhảy Dù tới yêu cầu hai chúng tôi xuống xe và lên ngồi chồm hổm với khoảng hơn hai chục người khác trên vỉa hè đường Công Lý, sát hàng rào Dinh Độc Lập. Cứ khoảng 15 phút một lần, viên sĩ quan Nhảy Dù dùng loa phóng thanh cầm tay nói lớn tiếng: ‘Lính Lữ đoàn làm loạn, bắt Tổng thống làm con tin, Nhảy Dù đem quân về cứu Tổng thống’.
Số người bị bắt giữ mỗi lúc một đông, trong khi tiếng súng thưa dần rồi im lặng.
Tờ mờ sáng, nhóm người bị giữ được lệnh đứng dậy và đi biểu tình. Viên sĩ quan Nhảy Dù nói: ‘Anh chị em đi thẳng đường Công Lý, tới trước Dinh, khi nghe tôi hô một câu ngắn, các anh chị đáp lại: ‘Đả đảo!’
Tới góc Công Lý – Thống Nhất, tiếng loa hô: ‘Đả đảo Ngô Đình Diệm độc tài!’. Chỉ nghe vài tiếng đáp lại rời rạc: ‘Đả đảo!’. Đột nhiên, súng đại liên từ nóc Dinh bắn vào hàng cây dọc đường Thống Nhất. Thừa dịp, những người biểu tình bất đắc dĩ lẹ làng giải tán theo đường Alexandre de Rhodes. Tôi chạy bộ lại tư thất Trung tá Lê Ngọc Triển, Tư lệnh Lữ đoàn, để hỏi tin tức. Phu nhân Trung tá cho biết Trung tá đã vào Dinh ngay khi nghe tiếng súng đầu tiên.
Đêm vừa qua là phiên trực của Thiếu tá Phan Đình Tùng, Tham Mưu Trưởng. Trung tá Tư lệnh trực 3 ngày cuối tuần. Tôi là Tham Mưu Phó trực ngày Thứ Hai và Thứ Tư. Sĩ quan trực ở cùng phòng với sĩ quan tùy viên, cạnh buồng ngủ của Tổng thống.
Dinh được phòng thủ bởi:
1/ Đại đội cận vệ 150 quân nhân. Mỗi đêm, 50 được phép ở nhà, 100 phải ứng trực.
2/ Lúc nào cũng có một Đại đội Bộ binh 150 quân nhân, thay phiên vào mỗi buổi chiều.
3/ Một Chi đoàn chiến xa thường trực trong Dinh.
Tổng thống chi tiêu tính từng đồng và xử dụng người rất kỹ. Trước đó, có một đại đội Bộ binh thuộc Lữ đoàn nằm ứng chiến trong vườn Tao Đàn gần kề Dinh. Về sau, Tổng thống chỉ thị cho Trung tá Triển, Tư lệnh Lữ đoàn, phải liên lạc với Tư lệnh Quân khu 5, để luôn phiên cử một đại đội Bộ binh xuống giúp tỉnh bình định những huyện cần giúp. Kỳ này Đại đội 5 do Trung úy Lục chỉ huy đang giúp Quận Ông Đốc, Cà Mau. Vì thế, dẹp xong đảo chính được một ngày, Trung úy Lục mới kéo quân về tới Lữ đoàn.
Tôi nhờ em tôi, đang phục vụ ở Sở Nghiên cứu Chính trị, lấy xe gắn máy chở tôi đi quan sát một số cơ sở Quân đội và Hành chánh, như Trung đoàn 135, Tòa Hành chánh Tỉnh Gia Định, Bộ Chỉ huy Cảnh sát Tỉnh Gia Định… Tất cả đều đóng kín.
Hai anh em tôi quay lại Dinh Độc Lập. Lính Dù canh gác có vẻ lỏng lẻo. Dân chúng chen nhau bám vào hàng rào sắt chung quanh Dinh, tò mò nhìn vào trong. Bốn năm xác chết mặc đồ Dù còn nằm quanh cột cờ.
Khoảng 10 giờ, hai anh em lại tới nhà Bác sĩ Tuyến trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Vì chúng tôi là chỗ quen thân, cho nên phu nhân Bác sĩ cho biết, vừa nghe tiếng súng nổ, Bác sĩ đã đến ở số X, đường Công Lý. Tôi là bạn học của Bác sĩ Tuyến hồi còn học Tiểu học và mấy năm Trung học ở Phát Diệm. Khi tôi làm Chánh văn phòng cho Đại tá Trần Thiện Khiêm, Quyền Tham Mưu Trưởng Liên Quân, tôi đã giới thiệu Đại tá Khiêm với Bác sĩ Tuyến và từ đó, hai ông trở thành bạn thân với nhau.
Gặp Bs. Tuyến, ông cho biết, từ sáng sớm, đã phái người đi Biên Hòa xin Trung tá Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Sư đoàn 7, đưa quân về ngay, nhưng vẫn chưa thấy gì. Tôi yêu cầu Bác sĩ dùng Truyền tin của Dinh liên lạc trực tiếp với Đại tá Trần Thiện Khiêm, Tư lệnh Sư đoàn 21 ở Cần Thơ, xin đem quân về gấp; đồng thời xin Đại tá Khiêm kéo Thiếu tá Thơ, Tỉnh trưởng Mỹ Tho, và Thiết giáp của Tỉnh cùng về theo. Bác sĩ Tuyến đồng ý và điện thoại ngay. Tôi còn xin Bác sĩ viết một lá thư tay cho Đại tá Khiêm, giao cho Trung úy Châu, người Nam và là Trưởng phòng Chiến tranh Chính trị Lữ đoàn, và Trung sĩ Hường lãnh nhiệm vụ mang thư đi. Hai người này đã trao bức thư cho Đại tá Khiêm ở quãng đường giữa Cầu Bến Lức và Tỉnh lỵ Long An.
Khoảng 4 giờ chiều ngày 11, đơn vị đầu tiên của Đại tá Khiêm về tới Dinh là một Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến do Thiếu tá Lê Nguyên Khang chỉ huy. Tiểu đoàn này, lúc đó đang hành quân ở Khu Tiền Giang, đã vào Dinh cùng mấy chiến xa, có cả Trung tá Thiện, Chỉ huy trưởng Thiết giáp đi theo. Tôi đã đợi sẵn ở cổng và vào theo.
Thấy tôi, Thiếu tá Phan Đình Tùng, Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn, trực Dinh mừng rỡ chạy lại nói: ‘Anh Hưởng à, nhờ anh trực thay, tôi về nhà xem sao, vì từ sáng tới giờ tôi đã điện thoại nhiều lần mà ở nhà không ai nhấc máy’. Tôi nói với ông: ‘Anh cứ về lo gia đình. Tôi trực thay cho anh’. Nhà Thiếu tá Tùng ở trong Cư xá Lữ đoàn trên đường Yên Đổ. Vừa khi nghe tiếng súng, mười mấy sĩ quan Lữ đoàn vội chạy vào Thành Cộng Hòa qua cửa trên đường Hồng Thập Tự, trước Sân vận động Hoa Lư, nhưng tất cả đã bị lực lượng Dù bắt nằm sấp tới chiều.
Trung úy Vũ Thế Quang dẫn một đại đội Nhảy Dù tới cổng trước của Thành Cộng Hòa hỏi sĩ quan Lữ đoàn là bạn cùng khóa: ‘Có phải các anh bắt Tổng thống không?’. Sĩ quan Lữ đoàn trả lời: ‘Đâu có’. Hai bên trò truyện vui vẻ, không giao tranh. Trung úy Quang cầm chân quân Lữ đoàn, không cho hành động chi cả.
Tổng thống, ông cố vấn và Thiếu tướng Nguyễn Khánh ngồi trong phòng Ông Tôn Thất Thiết, Chánh sự vụ Sở Nội Dịch, ở tầng dưới, sát bếp. Đại úy Hoàng Đình Tư, Đại đội trưởng Đại đội cận vệ bị thương nặng ở chân khi chỉ huy chiến đấu, phải nằm bệnh xá. Quân lính Cận vệ và Lữ đoàn ở các vị trí chiến đấu. Tôi vừa là Tham Mưu Phó trực Dinh vừa tạm thời thay thế Đại đội trưởng Đại đội cân vệ.
Khoảng 7 giờ tối, điện thoại reo. Tôi nhấc máy và nghe rõ tiếng Đại tá Khiêm. Tôi nói ngay: ‘Thưa Đại tá Tư lệnh, tôi Đại úy Hưởng đây’. Đại tá Khiêm nói: ‘Anh Hưởng hả?. ‘Dạ’. ‘Nhờ anh trình Tổng thống, Sư đoàn 21 đã vào Sài Gòn, Pháo binh hiện đặt tại Phú Lâm. Nhà tôi đã bị Dù bắt, nhưng tôi xin trung thành với Tổng thống’. Tôi thưa: ‘Xin Đại tá giữ máy, tôi đưa máy để Đại tá trình thẳng Tổng thống. Ông cố vấn và Thiếu tướng Khánh đang cùng ngồi bên Tổng thống’.
Xin nói lại, Nhảy Dù bắt đầu tấn công Dinh vào khoảng 11 giờ đêm thì chỉ nửa giờ sau, Thiếu tướng Nguyễn Khánh, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, đã đập cổng Nguyễn Du xin vào Dinh. Trung úy Nguyễn Văn Lễ, Đại đội trưởng canh gác, không dám mở cổng, sợ Nhảy dù tràn vào. Trung úy Lễ xin cho thòng dây xuống để Thiếu tướng leo vào. Trong dịp đầu năm 01/01/1961, Bộ Tổng Tham Mưu lập hồ sơ thăng cấp cho một số quân nhân có công trong vụ dẹp đảo chính, Thiếu tướng Khánh đích thân đề nghị cho Trung úy Lễ lên đại úy nhiệm chức. Tổng thống duyệt và không thuận vì Trung úy Lễ mới có một năm thâm niên. Tướng Khánh phải nài nỉ tới lần thứ ba mới được Tổng thống chấp thuận. Tổng thống hiếm khi cho thăng cấp đặc cách.
Đêm ngày 11 rạng ngày 12, Tổng thống, có ông cố vấn và Thiếu tướng Khánh bên cạnh, đã nói chuyện điện thoại với Đại tướng Lê Văn Tỵ, có Trung tá Vương Văn Đông bên cạnh. Qua Đại tướng Tỵ, phe đảo chánh muốn đưa ra cho Tổng thống 4 yêu sách:
1/ Tổng thống sẽ cải tổ Nội các, mở rộng Chính phủ.
2/ Phe đảo chính sẽ tổ chức một cuộc biểu tình vào sáng ngày 12.
3/ Lữ đoàn Nhảy Dù sẽ canh gác Dinh chung với Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống.
4/ Hai bên cử phái đoàn để thảo luận 3 yêu sách trên đây.
Trong khi Tổng thống nói chuyện điện thoại, Bà Ngô Đình Nhu im lặng, đi đi lại lại, từ phòng Tổng thống ngồi đến Phòng Truyền tin của Tham mưu Phó Lữ đoàn trực Dinh, hoặc ra ngoài hành lang. Vừa nghe thấy yêu sách để lính Dù gác Dinh chung với lính Lữ đoàn, Bà Nhu nói to: ‘Xin Tổng thống không chấp thuận khoản này. Lính Lữ đoàn hiền lành, còn lính Dù dữ quá. Để lính Dù gác Dinh, có ngày họ làm thịt hết cả gia đình mình đó’. Ông cố vấn ngước mắt nhìn vợ và chậm rãi nói: ‘Em đừng nói. Để Tổng thống suy nghĩ và quyết định’.
Tổng thống đang nói chuyện bỗng ngưng và đưa máy cho Thiếu tướng Khánh. Thiếu tướng Khánh mở to đôi mắt và nhăn mặt lớn tiếng: ‘Trung tá Đông hả? Tại sao Tổng thống đang nói chuyện với Đại tướng, toa dám giành máy? Vô lễ quá!’.
Sau đó, hai bên cử phái đoàn ra thương thảo ngay trên đường Thống Nhất, khúc giữa Dinh và Nhà thờ Đức Bà. Phe đảo chính cử Đại tá Nguyễn Chánh Thi làm đại diện. Tổng thống cử Thiếu tướng Nguyễn Khánh thay mặt. Thiếu tướng Khánh nhất quyết đi để gây ảnh hưởng.
Kết quả cuộc thương thảo: Tổng thống sẽ mở rộng Chính phủ. Phe đảo chính không tổ chức cuộc biểu tình vào sáng ngày 12/11. Không có việc Nhảy Dù gác Dinh chung với Lữ đoàn.
Suốt đêm 11 rạng ngày 12, toàn Thành phố yên tĩnh.
Sáng ngày 12/11, Sư đoàn 7 vào Sài Gòn.
Tảng sáng, một số quân nhân Thiết Giáp và Thủy Quân Lục Chiến, mới vào tăng cường trong Dinh, nổi lửa pha cà phê, pha trà. Số khác trèo lên tháp chiến xa nhìn ra ngoài. Bỗng một loạt súng máy bất thần từ bên ngoài bắn vào. Có những tiếng kêu thất thanh. Lập tức, chiến xa trong Dinh bắn đáp trả vang rền. Thiếu tá Lê Nguyên Khang và tôi vội chạy ra. Thiếu tướng Nguyễn Khánh, từ phòng Tổng thống, cũng vội vã ra hành lang quát to: ‘Ai cho lệnh bắn?’. Kế tiếp, ông cố vấn ra hỏi: ‘Tại sao bắn?’. Thiếu tá Khang bình tĩnh trả lời: ‘Thưa ông cố vấn, lính của tôi bỗng dưng bị bắn chết 3 người và bị thương năm sáu người, nên tự động bắn trả’. Nghe tiếng súng nổ, xạ thủ đại liên trên nóc Dinh chiếu ống nhòm nhìn thấy hai bên Đại lộ Thống Nhất có nhiều biểu ngữ thóa mạ Tổng thống “Đả đảo Ngô Đình Diệm’, cũng nóng mắt xả đạn như mưa lên những tàn cây. Những cành cây gẫy đổ làm đám biểu tình phải giải tán. Không ai bảo ai, tất cả vất bỏ biểu ngữ, giày dép mà chạy tán loạn.
Lúc này, lực lượng phe đảo chính đã rời rạc và đang tan rã. Tình hình chỉ còn căng thẳng trong Vườn Tao Đàn. Thực sự thì Nhảy Dù đã ngừng tấn công kể từ trưa ngày 11/11.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 12/11, Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 12, Sư đoàn 7 đã chiếm được Đài Phát thanh. Sau đó Đại úy X (Thành thực xin lỗi vì không còn nhớ tên vị Đại úy này), Đại đội trưởng Biệt Động Quân gọi vào Dinh, trình lên đã bắt được Thiếu tá Phan Trọng Chinh, Chỉ huy lực lượng đảo chánh tại Vườn Tao Đàn. Tổng thống chỉ thị Đại úy X đưa Thiếu tá Chinh vào Dinh và lệnh cho Chánh sở Nội dịch trao cho tôi 50.000 $ (năm mươi ngàn đồng VN) cầm ra cổng trao cho Đại úy Đại đội trưởng Biệt Động quân để thưởng cho Đại đội của ông. Tổng thống đích thân hỏi truyện Thiếu tá Phan Trọng Chinh.
Khoảng 11 giờ trưa, toàn Sài Gòn trở lại yên tĩnh. Thiếu tướng Khánh, thừa lệnh Tổng thống, điện thoại cho phe đảo chính. Tướng Khánh nói với họ: Tổng thống chấp thuận tha Thiếu tá Chinh để cùng đáp chuyến bay chở các sĩ quan đảo chính chủ chốt đào thoát sang Nam Vang và yêu cầu họ thả phu nhân Đại tá Khiêm. Theo yêu cầu của Thiếu tá Chinh, tôi chở ông ra Thảo Cầm Viên để ông muốn đi đâu thì đi. Thiếu tá Chinh không chịu đi Nam Vang. Ông ở lại và cuối năm 1963, đã lãnh án nặng nhất trong số các sĩ quan đảo chính.
Có người cho là Sư đoàn 7 có công lớn hơn trong việc dẹp đảo chính. Sự thật là Sư đoàn 21 mới là đơn vị về cứu giá đầu tiên vì đã vào Sài Gòn ngay từ chiều ngày 11/11, trong khi Sư đoàn 7 mãi sáng ngày 12/11 mới về tới.
Những nhân vật biết rõ về những cuộc điện đàm trong đêm 11 rạng ngày 12 Tháng 11 năm 1960 chỉ còn sót lại Bà Ngô Đình Nhu (đã qua đời ngày 24/04/2011 tại Roma, Ý), Tướng Nguyễn Khánh, Tướng Trần Thiện Khiêm, Ông Vương Văn Đông và tôi (Phạm Văn Hưởng). Không biết khi Bà Nhu viết hồi ký có thuật lại đầy đủ không?
Sau khi dẹp xong đảo chính, nhân dịp Năm Mới 01/01/1961, Bộ Tổng Tham Mưu đề nghị thăng thưởng một số sĩ quan đã lập công và trình lên Tổng thống duyệt ký thăng các cấp đại tá, trung tá và thiếu tá; các cấp úy do Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng ký.
Cấp tá: Bốn thiếu tá nhiệm chức thăng thiếu tá thực thụ: Thiếu tá Lê Nguyên Khang, Thiếu tá Phan Đình Tùng, Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ. Đại úy thực thụ Phạm Văn Hưởng thăng lên Thiếu tá nhiệm chức.
Sau đó, Trung tá Cao Văn Viên được chỉ định về làm Tư lệnh Lữ đoàn Nhảy Dù. Mấy ngày sau, Tổng thống tới ủy lạo Nhảy Dù. Tổng thống nói: Chỉ có một số sĩ quan cao cấp có lỗi đã trốn đi Nam Vang, đa số chỉ thi hành lệnh, cho nên Tổng thống không trách. Nhảy Dù cảm động, vì thế, ba năm sau, khi cuộc đảo chính 01/11/1963 xảy ra, Dù không tham gia.
Trung tá Lê Ngọc Triển tự xét mình có lỗi, không làm tròn nhiệm vụ, khiến Tổng thống phải lo âu, nên đã đệ đơn xin từ chức. Tổng thống không chấp thuận, nhưng Trung tá Triển cố nài nỉ, cuối cùng, Tổng thống đành ưng thuận và cử Trung tá đi làm Tỉnh trưởng Phú Yên.
Thiếu tá Phan Đình Tùng, Tham Mưu Trưởng Lữ đoàn, xin về lại Pháo binh.
Trung tá N. N. K., người Quảng Trị, cán bộ cao cấp trong Quân ủy Cần Lao được gọi về làm Tư lệnh Lữ đoàn. Trung tá K. chuyên môn về tham mưu cho nên đã xin một Thiếu tá đã từng chỉ huy một Trung đoàn tác chiến về làm Tham Mưu Trưởng. Nhiều sĩ quan được đề cử về làm Tham Mưu Trưởng Lữ đoàn:
- Thiếu tá Trần Cửu Thiên, người miền Nam về làm được một tuần,
- Thiếu tá Võ Văn Cảnh, Trung đoàn trưởng của Sư đoàn 23, về làm được 2 tuần,
- Thiếu tá Thân Ninh, Trung đoàn trưởng của Sư đoàn 2, về làm được 2 tháng,
- Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 12, Sư đoàn 7, về làm Tham Mưu trưởng Lữ đoàn cho tới ngày 31/12/1963.
- Thiếu tá Phạm Văn Hưởng làm Tham Mưu Phó Lữ đoàn cho tới ngày 31/12/1963.
Vài nhận xét:
Phe đảo chính tấn công bất ngờ cho nên đã chiếm được lợi thế ban đầu, nhưng sau đó chịu thất bại. Tại sao?
1. Phe đảo chính không nghiên cứu kỹ chiến trường. Tại sao Dù tấn công vào mặt tiền của Dinh để phải chịu nhiều bất lợi, như phải băng qua một sân trống trải, rộng rãi, khá xa Dinh mà đèn điện lại sáng trưng. Nếu tấn công phía sau Dinh có nhiều ưu điểm hơn, như có nhiều gốc cây lớn để nấp, không gian tối hơn, khoảng cách gần hơn và sẽ ít thiệt hại nhân mạng hơn.
2. Quân sĩ Dù một nửa là người Bắc di cư. Họ thương mến Tổng thống vì Người đã giúp đưa gia đình và người thân của họ vào Nam, lại giúp cho phương tiện sinh sống được an vui. Họ mau chóng khám phá ra là cấp trên đã đánh lừa họ: bảo họ là đi cứu nguy Tổng thống, kỳ thực là đi bắt Tổng thống; thêm vào đó, họ thấy đồng đội của họ lớp bị chết, lớp bị thương ngay từ phút đầu giao chiến, cho nên họ mất tinh thần.
3. Lực lượng Dù chiến đấu cô đơn, không có một đơn vị bạn nào giúp sức, ngoại trừ một Đại đội Biệt Động Quân.
Nhiều người cho là Tổng thống chỉ dùng người miền Trung, Công giáo và Cần Lao. Theo tôi biết, Người không quan tâm những chi tiết đó. Xin dẫn chứng ngay vào thời điểm đảo chính:
1. Các viên chức then chốt tại Phủ Tổng thống: Ông Đổng lý văn phòng Quách Tòng Đức là người Nam, nguyên là Đổng lý văn phòng Bộ Tư pháp. Sau đảo chánh 11/11/1960, ông lại về làm Đổng lý văn phòng Bộ Tư pháp. Bác sĩ riêng của Tổng thống là Bs. Bùi Kiện Tín, người Nam. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, người Bắc, phụ trách Bệnh xá Dinh và Lữ đoàn. Bí thư Trần Sử, người Trung. Chánh văn phòng Võ Văn Hải, người Trung. Chánh Sở Nội Dịch Tôn Thất Thiết. Tất cả đều không phải là tín hữu Công giáo.
2. Các sĩ quan bảo vệ an ninh cho Tổng thống: Trung tá Cao Văn Viên, Biệt bộ Tham mưu Trưởng Phủ Tổng thống, sinh quán Lào. Trung tá Lê Ngọc Triển, Tư lệnh Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống, người Bắc. Thiếu tá Phan Đình Tùng, Tham Mưu Trưởng Lữ đoàn, người Trung. Tất cả đều không phải là tín hữu Công giáo.
3. Tổng thống không phân biệt Nam, Bắc, Trung: Sau đảo chính hụt, Trung tá N. N. K … mới về làm Tư lệnh Lữ đoàn, muốn thuyên chuyển một số sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ người Bắc và Nam để lấy người miền Trung về thay thế. Một số đã bị thuyên chuyển, nhưng số khác bất mãn, đã tuyệt thực được một ngày. Đại úy Bằng, tức Thơ, là sĩ quan hầu cận Tổng thống biết sự việc, liền trình Tổng thống. Sau đó, thấy ông cố vấn chỉ thị cho Trung tá Phạm Thu Đường, Chánh văn phòng của ông cố vấn, xuống tập họp tất cả sĩ quan Lữ đoàn lại và nói: ‘Tổng thống không bao giờ phân biệt Nam, Trung, Bắc, Công giáo hay không Công giáo. Tất cả phải đoàn kết’.
4. Tổng thống còn chỉ thị cho Ông Võ Văn Hải, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống, gửi văn thư sang cho Trung tá Kỳ Quan Liêm, Giám đốc Nha nhân viên Bộ Quốc Phòng, nói: ‘Từ nay, mọi thuyên chuyển quân nhân các cấp thuộc Phủ Tổng thống phải được Tổng thống duyệt trước’.
Số quân nhân tuyệt thực vì phải thuyên chuyển đi Vùng I và II, nay được về Vùng III hoặc IV.
*Phạm Văn Hưởng
Đảo chính 01/11/1963 
*Tường thuật của Cựu Đại tá Phạm Văn Hưởng, nguyên Tham Mưu Phó Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, kiêm Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn I phòng thủ Dinh Gia Long, 1963.
Sau đảo chính Thi Đông 11/11/1960 thất bại. Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ chính thức làm Tham mưu trưởng (TMT) Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống (LĐ), Thiếu tá Phạm Văn Hưởng tiếp tục giữ chức Tham mưu phó (TMP) và Thiếu tá Huỳnh Văn Lạc, cựu sĩ quan tùy viên (1954-55) từ trường Võ bị Đà Lạt về, làm Đại đội trưởng Cận vệ thay Đại úy Hoàng Đình Tư nằm bệnh viện. Sau ngày hai sĩ quan Không quân ném bom Dinh Độc Lập, các tổ phòng không được tổ chức chu đáo hơn. Ngoài Đại đội Công vụ, Ban Quân Nhạc, Đại đội Truyền tin, Quân Y và Đại đội Cận Vệ Biệt Lập, Lữ đoàn còn có 6 Đại đội Bộ binh, chia làm 2 Tiểu đoàn: A và B.
Lữ đoàn lập ra 2 Chiến đoàn: Chiến đoàn I do tôi (Thiếu tá Phạm Văn Hưởng) chỉ huy, có nhiệm vụ phòng thủ Dinh Gia Long, gồm Tiểu đoàn A với 3 Đại đội Bộ binh và ½ đơn vị Thiết giáp Lữ đoàn. Bộ Chỉ huy Chiến đoàn đặt trong nhà lều, cạnh gốc cây đa trước cửa chính Dinh Gia Long. Chiến đoàn II, gồm Tiểu đoàn B với 3 Đại đội Bộ binh, ½ thiết giáp còn lại và Đại đội Công Vụ, có nhiệm vụ phòng thủ Thành Cộng Hòa và ứng chiến tổng quát, do Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, Tham Mưu Trưởng, làm Chiến đoàn trưởng. Tư lệnh Lữ đoàn là Trung tá N. N. K., chỉ huy tổng quát, đóng tại Thành Cộng Hòa. Trong những ngày tháng 10/1963, dân chúng chuyền tai nhau sắp có đảo chánh… Quân nhân Lữ đoàn cấm trại 100% về đêm. Trưa và chiều 50% chia nhau về ăm cơm. Những hàng rào thép gai và ngựa sắt bao rộng vây quanh Dinh, chỉ mở một lối nhỏ cho dân chúng đi lại.
Ngày 12/10/1963, Tổng thống (TT) đi kinh lý Đà Lạt và hôm sau đến thăm trạm phát tuyến Phát Chi cách thị xã Đà Lạt hơn 20 km. Tôi và Đại úy Nguyễn Văn Lung, Đại đội trưởng Truyền tin Lữ đoàn tháp tùng Tổng thống. Tại đây, Đại úy Lung trình Tổng thống một mật thư từ Bangkok gửi cho Tướng Minh, nói ra phi trường nhận. Tướng Đính trình Tổng thống xin cho chận đường Tướng Minh lúc về, tịch thu bức thư để khai thác. Tổng thống bảo: ‘Không được’. Người tôn trọng luật pháp. Trong đêm Tướng Đính chỉ huy Quân đội và Cảnh sát khám các chùa, tôi nghe Tướng Đính cũng đã điện đàm trình Tổng thống cho xông vào Usaid bắt Thượng tọa Thích Trí Quang. Tổng thống cũng trả lời là ‘Không được’.
Diễn tiến
Ngày 01/11/1963, Lễ Các Thánh, nghỉ buổi sáng. Độ 1 giờ trưa, nghe thấy tiếng súng liên thanh lẫn súng trường nổ chát chúa phía sân vận động Hoa Lư, trước cửa nhà tôi số 17, đường Hồng Thập Tự. Tôi vội chạy sang Thiếu tá Duệ buồng bên cạnh để bàn luận. Thiếu tá Duệ nói: ‘Anh gấp lên Dinh, có gì tôi báo anh ngay’. Tôi bảo nhà tôi: ‘Chắc không sao. Anh phải lên Dinh gấp’. Dân chúng quanh Dinh nhớn nhác. Các tiệm bắt đầu đóng cửa. Tôi cho lệnh quân nhân Chiến đoàn vào vị trí chiến đấu và khép kín những cổng nhỏ đã mở cho dân chúng đi lại. Vừa tới văn phòng đã nghe tiếng Tham Mưu Trưỏng: ‘Anh Hưởng, tôi đã cho Thiết giáp Lữ đoàn dồn hết Thủy Quân Lục Chiến vào Sân Hoa Lư rồi. Chung quanh Thành Cộng Hòa yên tĩnh. Tình hình Dinh thế nào?’. ‘Thưa anh, Dinh cũng yên. Tổng thống và ông cố vấn đang ngồi ở tầng dưới, có đầy đủ sĩ quan tùy viên và hầu cận’. ‘Anh yên tâm, tôi đã cho Đại úy Phạm Minh Xuân đem Thiết giáp ra chận cầu Phan Thanh Giản, thế nào Sư đoàn 5 cũng vào lối đó’. Thiếu tá Duệ điện thoại tới TMT Biệt khu Thủ đô, rồi TMT Quân đoàn III để biết rõ tình hình. Tất cả đều trả lời không biết gì rõ rệt.
Ít phút sau, Đài phát thanh đường Phan Đình Phùng trổi nhạc hùng rồi tuyên bố: ‘Quân đội đứng lên làm cách mạng lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm độc tài và gia đình trị’. Danh sách các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp chỉ huy trưởng các cơ quan được xướng lên. Khởi đầu là Trung tướng Dương Văn Minh, kế đến là các tướng lãnh khác. Lữ đoàn rất đau lòng khi nghe xướng tên Trung tá N. N. K, Tư lệnh Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống và là cán bộ lãnh đạo đảng bộ Cần Lao, có tên trong danh sách tham dự lật đổ Tổng thống. Trong khi nghe đọc danh sách, Đại úy Tôn Thất Đình (anh Tướng Đính) gọi nói với Thiếu tá Duệ: ‘Tướng Đính hứa nếu Lữ đoàn đầu hàng, các sĩ quan Lữ đoàn được thăng một cấp’. Nghe tới đó, Thiếu tá Duệ đập bàn la to: ‘Tướng Đính làm loạn hả?’, rồi bỏ máy. Nhiều sĩ quan Phòng 3 nghe và kể lại như thế.
http://ethongluan.org/images/stories/images/duong_van_minh_nngoctho.jpg
Dương Văn Minh và Nguyễn Ngọc Thơ
sau khi lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Khoảng 4 giờ. Đại úy Vũ Đức Lâm, Tiểu đoàn trưởng báo: ‘Có một số xe GMC chở quân nhân võ trang từ đường Trần Hưng Đạo, Chợ Lớn tiến về Chợ Bến Thành như muốn vào Dinh’. Tôi ra lệnh: ‘Bắn chỉ thiên chận lại. Nếu cứ xông vào thì bắn thẳng’. Những tràng trung liên nổ dòn. ‘Anh Hưởng, Thiếu tá Duệ lớn tiếng hỏi, trên Dinh có gì mà nổ dòn thế?’. ‘Thưa anh, có một số xe từ Chợ Lớn’. ‘Ấy chết, anh cho lệnh ngừng ngay. Ngừng ngay. Đoàn xe này do em tôi là Chuẩn úy Nguyễn Sỹ Anh hướng dẫn, đưa quân của Tiếu đoàn 41 Biệt Động Quân về theo mình đó. Chính tôi đã thuyết phục được họ’.
Một phi cơ phóng pháo bất thình lình xuất hiện trên bầu trời Thành Cộng Hòa trút một quả bom nhỏ, làm mấy binh sĩ bị thương. Thiếu tá Duệ lệnh cho Đại úy Trần Văn Xuân, Đại đội trưởng Đại đội 2, có Chi đoàn Thiết giáp yểm trợ ra chiếm Đài phát thanh Quân đội, để Trung úy Bảo phát thanh hiệu triệu của Tổng thống. Nửa giờ sau, Xuân báo cáo đã chiếm được đài. Mọi người chờ đợi nghe hiệu triệu. Đợi mãi không nghe gì, hỏi lại mới biết Xuân chỉ chiếm từng dưới. Thiếu tá Duệ cho lệnh Xuân, bằng mọi giá phải chiếm lầu trên gấp.
Trong trại tù Hà Tây, cựu Đại tá Phạm Lợi (Quân nhu) đã thân mật tâm tình với cựu Đại tá Nguyễn Văn Bảo (Công binh): ‘Trung tá Đỗ Bá Liên và tôi ở trên lầu với ba chuyên viên, chỉ có mấy khẩu súng lục, sợ đái ra quần. Không hiểu sao lính Lữ đoàn không lên. Lên là chúng tôi đầu hàng liền’. Đại tá Bảo nói: ‘Sao lính Lữ đoàn nhát thế?’. Ông Xuân người Huế, sợ nguy hại bản thân sau này, cho nên đã bắt chước Trung tá tư lệnh LĐ?!
Khoảng 5 giờ chiều, Đại tá Thiệu, Tư lệnh Sư đoàn 5 dẫn đầu Sư đoàn từ Biên Hòa theo xa lộ vào Sài Gòn. Bị Thiết giáp Lữ đoàn chặn lại ngay đầu cầu Phan Thanh Giản; ông liền vòng lại và vào lối Gò Vấp.
Một giờ sau, Trung tá Vĩnh Lộc, Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp, dẫn đoàn xe Thiết giáp vào cầu Phan Thanh Giản. Bị chặn lại, ông xuống xe, một mình tiến lên hỏi: ‘Ai chỉ huy ở đây?’. ‘Thưa Trung tá, Đại úy Phạm Minh Xuân, Liên đoàn trưởng Thiết giáp’. Trung tá Vĩnh Lộc: ‘Em mời Đại úy ra đây gặp Trung tá’.
Dùng võ lực, Trung tá Vĩnh Lộc nhắm chắc sẽ thất bại vì quân nhân Lữ đoàn nhiều kinh nghiệm, có tinh thần, lại được trang bị toàn xe loại mới với vũ khí tốt; trong khi Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp chỉ có xe và vũ khí cũ kỹ, quân nhân các đơn vị về học, ít tinh thần chiến đấu, làm sao đối địch được với quân của Lữ đoàn. Đại úy Xuân đi tới và lễ phép đứng nghiêm chào: ‘Thưa thầy’. Trung tá Vĩnh Lộc nói: ‘Em à, chúng mình là quân nhân, đánh nhau có tội với tổ quốc. Chúng mình không làm chính trị. Ai làm kệ họ. Em cho thầy vào Sài Gòn được không?’. Xuân trả lời: ‘Thưa được, mời thầy vào’. Trung tá Vĩnh Lộc băng cầu vào thẳng Đài phát thanh, kịp ngăn không cho Lữ đoàn chiếm lầu Đài phát thanh.
Đại úy P.M.Xuân Thiết giáp là cán bộ cao cấp Đảng Cần Lao, đã mở cửa cho địch vào Sài Gòn. Sau 30/04/1975, Trung tá Xuân ở tù tại Yên Bái; bị nhiều người phiền trách, ông đã 2 lần cắt máu tay tự sát và qua đời. Nấm mồ ông chôn trên đồi bên kia hồ cá lớn của các ‘bò lục’ (tiếng lóng trong tù Cộng sản chỉ các sĩ quan cấp đại tá) .
Tôi đi lên Dinh rồi, ít phút sau, vợ tôi bà Bạch Yến ra cửa trước số 17 đường Hồng Thập Tự, ngó ra đường thấy lính Thủy Quân Lục Chiến gác đường. Bà vào lấy nữ trang, ít tiền và quần áo bỏ trong bị xách tay, rồi dẫn đàn con 6 đứa ra đi, Thanh Hương lớn nhất 11 tuổi, Thu Hồng nhỏ nhất mới lên 2. Bố tôi nhất định ở lại coi nhà.
Lính canh thấy bà bầu sắp tới ngày sinh dẫn đoàn con thơ đi, đã không ngăn cản. Mẹ con phải đi bộ trên trăm mét quá ngã tư mới gặp taxi. Tiếng súng nhiều hướng bắt đầu nổ. Mẹ con tới nhà Bác Long (ông Hòa Phát đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận), anh ruột Bạch Yến, mặt mày lo lắng, sợ hãi. Suốt đêm ấy, vợ tôi nghe tiếng súng đã không ngủ được; chợt thấy đau bụng, sợ tới ngày sinh, mới cho chị dâu biết. Chị nói: ‘Cô đừng lo, sinh ở đây có đầy đủ áo và tã lót’. Thực ra, Bạch Yến lo là lo cho chồng đang chiến đấu trong Dinh. Đài phát thanh ra rả thông báo: ‘Tất cả Quân đội, Hải Lục Không quân đứng lên làm cách mạng lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm độc tài, gia đình trị. Một lữ đoàn Phủ tổng thống làm sao chống lại được cả Quân đội’. Bạch Yến nghe càng lo lắng thêm, đã điện thoại vào gặp chồng, nhắc lại luận điệu của Đài phát thanh và khuyên chồng nên bỏ về nhà. Tôi trả lời: ‘Anh nghe rồi, em đừng nói nữa!’.
Khoảng 6 giờ chiều, Thiếu tá Phạm Văn Phú, Chỉ huy phó Sở Liên Lạc, cử Thiếu úy Hòa, sĩ quan cận vệ của ông, lên gặp tôi trước cửa Dinh Gia Long. Hòa nói: ‘Thưa chú, Thiếu tá Phú cho cháu lên thưa với chú: Lữ đoàn đưa Thiết giáp và 2 Đại đội Bộ binh lên phối hợp với Lực lượng Đặc biệt đánh thẳng vào tòa nhà chính nơi các tướng lãnh đang họp. Bộ Tổng Tham Mưu hiện chỉ có tân binh Quang Trung canh gác. Lữ đoàn yểm trợ hỏa lực và Lực lượng Đặc biệt đánh mìn 3 cầu thang. Thắng lợi chắc chắn 100%. Hòa gọi vợ chồng tôi là chú dì ruột. Tôi trình Thiếu tá Duệ, Tham Mưu Trưởng và hai chúng tôi cùng thảo luận. Cuối cùng Thiếu tá Duệ trình lên Tổng thống. Tổng thống thảo luận với ông cố vấn rồi cho lệnh: ‘Không được. Hãy dành lực lượng và võ khí để đánh Cộng sản. Người nhà không nên tàn sát lẫn nhau. Lữ đoàn hãy bảo vệ Bưu Điện và Kho Bạc’.
Trong khi tôi và Chuẩn úy Phạm Như Khuê, sĩ quan Truyền tin đang đi bộ trước Dinh Gia Long thì Pháo binh Trường huấn luyện Phú Lợi đặt đại bác 105 ly trên xa lộ rót vào vườn cây trước Dinh Độc Lập hai trái. Sợ Truyền tin Phủ Tổng thống đặt tại nhà lều bị hại, tôi ra lệnh dọn vào tầng dưới Tòa án bên kia đường.
Khoảng 9 giờ tối, Đại úy Bằng, hầu cận Tổng thống, điện thoại cho tôi xin mở cổng và dọn đường để xe 2 ngựa của Ông Cao Xuân Vĩ chở ít hồ sơ mật về Tòa Đô Chính. Thực ra, chiếc xe ấy đưa Tổng thống và ông cố vấn ra khỏi Dinh. Sau khi cho mở cổng, tôi ra lệnh chiến xa chạy tuần tiễu ầm ầm quanh Dinh, để Đại úy Trang Khánh Hưng, sĩ quan tham mưu Ông Cao Xuân Vĩ lái xe 2 ngựa chở Tổng thống và ông cố vấn ra khỏi Dinh qua cổng Pasteur, chạy về phía Tòa Đô Chính, rồi quẹo về Chợ Lớn. Dinh Gia Long chẳng có con đường hầm nào như báo chí hồi đó tưởng tượng loan tin.
Trước khi ra đi, Tổng thống đảo mắt âu yếm nhìn nhóm sĩ quan tùy viên và những sĩ quan có mặt như muốn tạm biệt. Trung úy Lê Công Hoàn, tùy viên, người Công giáo Phủ Cam trình xin được đi hầu cận Tổng thống. Tổng thống nhìn Hoàn nói: ‘Hoàn đã có vợ có con, cần phải ở lại với vợ con. Đỗ Thọ độc thân sẽ đi theo Tổng thống’. Đại úy Đỗ Thọ là cháu ruột Đỗ Mậu, đã chết mất xác năm 1964 trong một tai nạn máy bay. Không hiểu tại sao nhiều người suy luận, nếu Hoàn đi theo, chắc Tổng thống không chết thê thảm như thế. (Sau 01 tháng 11 năm 1963, Hoàn thuyên chuyển lên Pleiku và sau khi miền Nam thất thủ, bị tù 10 năm. Lúc về, thân thể tiều tụy, bệnh tật. Trung tá Lê Công Hoàn qua đời ngày 27/12/1990 vì bệnh phổi. Rất đông bạn hữu thời Đệ nhất Cộng hòa, các tướng tá, các vị trong Giám sát viện, các vị dân biểu… tiễn anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Vợ con anh đã sang Mỹ diện HO năm 1992.)
Sau khi Tổng thống đi rồi, Thiếu tá Lạc điện thoại hỏi tôi, có nên di chuyển vào Dinh Độc Lập không? (Dinh đang được xây cất lại). ‘Thưa anh, không nên, vì ở đó, dễ bị bom dội hoặc pháo binh địch tự do hoạt động và mình khó phòng thủ vì thiếu đạn dược’. Thiếu tá Duệ điện đàm yêu cầu Đại úy Xuân Thiết giáp đón chở ông lên Dinh. Xuân từ chối, viện lý do mắc đi tuần tiễu. Có lẽ Xuân bất mãn vì đã bị Tham Mưu Trưởng rầy la đã không làm tròn nhiệm vụ, để cho Trung tá Vĩnh Lộc tự do đưa Thiết giáp Vạn Kiếp vào Sài Gòn.
11 giờ đêm, Thiết giáp Vạn Kiếp dẫn đầu bao vây Thành Cộng Hòa. Trung tá Vĩnh Lộc cho xe húc đổ cánh cổng sắt đường Thống Nhất, tức cửa chính Lữ đoàn và hô binh sĩ Lữ đoàn đầu hàng. Những loạt súng các loại từ nhiều hầm trong nhà bắn trả lời.
Để không bị bắt, Thiếu tá Tham Mưu Trưởng và toàn Bộ tham mưu, đa số người Bắc và không Công giáo, lẻn đi về khu cư xá gia đình sĩ quan Liên đoàn, rồi phân tán. Cuộc chống cự yếu dần.
Cuối cùng, Đại úy Y sĩ trưởng Lữ đoàn, Bs. Nguyễn Tuấn Anh, cũng người Bắc, không Công giáo tập họp tất cả quân nhân còn lại trong Thành Cộng Hòa, gồm Quân Nhạc, Quân Y, Công Binh và Văn Phòng cầm cờ trắng ra hàng.
Thanh toán xong Thành Cộng Hòa, vào khoảng nửa đêm, tất cả lực lượng đảo chính dồn lên bao vây Dinh Gia Long. Tổng thống đã ra khỏi Dinh, nhưng phòng thủ vẫn kiên cố và liên tục. Thiếu tướng Khiêm điện thoại cho Thiếu tá Lạc, Đại đội trưởng cận vệ cách bật đèn để xin ra hàng nếu tình trạng bắt buộc. Quân nhân Lữ đoàn, từ trên các cao ốc quanh Dinh, lác đác bắn tỉa. Lực lượng đảo chính tiến bước chậm chạp, có chiến xa Vạn Kiếp dẫn đầu.
Ngày 02/11/1963, khoảng 3 giờ sáng, đoàn quân đảo chính tiến về Dinh Gia Long. Nhận thấy Văn phòng chỉ huy phòng thủ Dinh ở gốc cây đa quá nguy hiểm, tôi trèo qua 2 mái nhà, dọn điện thoại và máy truyền tin vào một phòng nhỏ trên lầu thượng của tòa nhà Đại sứ Lào, có mặt tiền trên đường Pasteur. Khoảng 4 giờ 30, Thiếu tá Lạc nhận lệnh và chuyển tiếp nguyên văn lệnh của Tổng thống cho tôi: ‘Tổng thống và ông cố vấn được bình an. Tổng thống cảm ơn tất cả chúng con. Các con hãy ra đầu hàng để khỏi bị tàn sát’.
Khoảng 5 giờ, xe thiết giáp tiên phong của đảo chính tiến sát Dinh. Trung úy Ngãi dẫn đầu đoàn quân, lãnh viên đạn tử thần. Trung úy Bùi Thông Tiêm, sĩ quan nghi lễ Phủ Tổng thống, đứng trong Dinh, nấp sau cột quan sát, cũng lãnh viên đạn vào giờ thứ 25, đúng vào lúc Thiếu tá Hùynh Văn Lạc cầm cờ trắng ra hàng. Tất cả Đại đội cận vệ tập họp ngồi trước thềm Dinh. Đoàn quân tiên phong đảo chính Sư đoàn 5 ùa vào Dinh tìm bắt Tổng thống và ông cố vấn. Họ thi nhau mở tủ, mở các ngăn kéo, lật các nệm giường…
Tôi ra lệnh Chiến đoàn I dưới quyền tan hàng. Rồi tôi mượn tạm nhân viên tòa Đại sứ Lào một bộ quần áo để về nhà được an toàn.
Sáng ngày 02/11/1963, Lễ Các Linh Hồn. Tờ mờ sáng, Bạch Yến đã nhờ anh chở về nhà cũ lấy giấy tờ cần thiết. Hai anh em vào nhà qua cửa nhỏ nhà in. Trong khi anh đứng nói chuyện với một người lính Thủy Quân Lục Chiến, Bạch Yến đi về phía buồng ngủ. Bố tôi gặp con dâu về, bất chợt khóc, mừng mừmg, tủi tủi!. Bạch Yến ôm lấy ông cụ, thấy bố chồng bình yên cũng bật khóc vì vui mừng, làm cho ông cụ rất cảm động và được an ủi rất nhiều. Bạch Yến vào buồng, nhanh tay mở tủ sắt, lấy giấy tờ bỏ vào giỏ, rồi cùng bố chồng và anh ra đi ngay.
Trên đường về, bố tôi kể lại: Đêm qua, nghe tiếng súng nổ dữ quá, ông cụ sợ nằm một xó. Thiếu tá Duệ phải sang dẫn cụ xuống hầm ngủ với binh sĩ. Tuy vẫn không ngủ được, nhưng cụ bớt sợ. Sau đó, hai anh em trở lại lần nữa, tính lấy thêm ít quần áo và đồ dùng. Vào nhà, hai anh em thấy 3 người cởi trần, mồ hôi nhễ nhãi, đang thay phiên nhau dùng cuốc chim bổ tủ sắt. Hai anh em đành ra về tay không, vì buồng nào cũng có người vào lục soát. Bạch Yến đau lòng nhìn sản nghiệp, đồ đạc của gia đình tiêu tan. Tới nhà khoảng 11 giờ trưa, Bạch Yến vui mừng nhìn thấy chồng bình an, khoẻ mạnh, đang điện thoại cho Thiếu tá Duệ và hẹn cùng nhau 4 giờ chiều vào trình diện Bộ Tổng Tham Mưu, để tránh mọi rắc rối có thể xảy ra.
Trung tướng Khiêm, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân đội thay Đại tướng Lê Văn Tỵ, cho hai Thiếu tá Lữ đoàn vào ngay, khỏi phải đợi lâu. Ông đứng dậy bắt tay hai người rồi nói: ‘Tổng thống và ông cố vấn đã qua đời. Các anh là sĩ quan trong Quân đội không làm chính trị, các anh không có tội gì. Các anh về lại Lữ đoàn kêu gọi tất cả quân nhân tiếp tục làm việc’. Suy nghĩ mấy phút, ông nói tiếp: ‘Để tiện làm việc, hai anh về Biệt khu Thủ đô trình diện Thiếu tướng Là’.
Cũng cần nhắc lại: Thiếu tá Duệ là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 12 khi ông Khiêm làm Tư lệnh Sư đoàn 4 ở Biên Hòa và Thiếu tá Hưởng từng là Chánh văn phòng cho ông khi ông làm Quyền Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Tôi (Thiếu tá Hưởng) cũng đã điện đàm với ông khi ông đem Sư đoàn 9 về cứu giá vụ đảo chính 11/11/1960 và đã chuyển máy để ông trực tiếp thưa chuyện với Tổng thống.
Tới Biệt khu Thủ đô, hai Thiếu tá Liên đoàn đứng nghiêm chào Thiếu tá Nguyễn Hữu Dụng, Tham Mưu Trưởng Biệt khu Thủ đô. Thiếu tá Duệ nhắc lại lời Trung tướng Khiêm. Thiếu tá Dụng lên giọng nói: ‘Thiếu tướng Là mất chức rồi, hiện ngồi chơi! Trung tướng Đính, Tư lệnh Quân đoàn 3, kiêm luôn Tư lệnh Biệt khu Thủ đô’. Cũng nên biết Dụng đã làm Tham Mưu Trưởng cho Tướng Nguyễn Văn Là hơn 3 năm! Nói xong, Thiếu tá Dụng ra đi và độ 15 phút sau, ông trở lại với bộ lon Trung tá mới trên vai do Tướng Đính gắn cho. Hai sĩ quan Lữ đoàn đứng nghiêm chào: ‘Xin chúc mừng Trung tá!’. Dụng lên tiếng: ‘Tôi đã trình Trung tướng về hai anh. Trung tướng chỉ thị các anh làm một bản Thông cáo đại diện quân nhân Lữ đoàn, nói Lữ đoàn đã phục vụ cho một chế độ độc tài, gia đình trị…’. Hai chúng tôi cương quyết từ chối. Dụng điện thoại lại cho Tướng Đính. Sau khi nhận chỉ thị của Tướng Đính, Dụng nói: “Các anh muốn viết gì tùy ý’. Hai anh em thảo luận, rồi đưa bản Thông cáo đại ý: ‘Chế độ cũ đã tàn và chế độ mới ra đời. Quân nhân các cấp thuộc Lữ đoàn hãy về ngay Thành Cộng Hòa tiếp tục phục vụ trong Quân đội, không nên sợ hãi mà trốn tránh kẻo phạm tội đào ngũ’. Tướng Đính đồng ý bản Thông cáo và hai chúng tôi được đưa tới Đài Phát thanh Quân đội. Thiếu tá Duệ đọc bản Thông cáo. Cùng ký tên: Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, Cựu TMT Liên đoàn và Thiếu tá Phạm Văn Hưởng, Cựu Tham mưu phó LĐ. Sau đó, hai chúng tôi bị đưa về trại giam An ninh Quân đội thuộc Biệt khu Thủ đô ở Chợ Lớn. Có lẽ Tướng Đính báo thù hai chúng tôi vì câu trả lời của Thiếu tá Duệ: ‘Thiếu tướng Đính làm loạn hả?’.
Nhìn từ ngoài cổng, tòa nhà như một biệt thự thường, nhưng vào trong có nhiều ngựa giăng kẽm gai. Bước vào hành lang chính, trông về trước là một nhà tôn và sau đó là một dẫy nhà lá rào kẽm gai rất dầy. Không thấy một cửa sổ nhỏ, không lối ra vào, chỉ có một lỗ nhỏ, đủ để đút chén cơm, ly nước. Thành phần nào bị giam trong đó? Chúng tôi bị nhốt trong đó sao? Không, chúng tôi bị giữ trong nhà tôn trống, không tường, nằm giữa nhà chính và nhà lá. Hai người bị lột thắt lưng, bị khám xét có dao kéo không. Tôi điện thoại xin Trung tá Triển, Giám đốc Quân Nhu, gửi mỗi người hai bộ quần áo, một mùng và một mền.
Ngày hôm sau, chúng tôi nhận giấy bút để kê khai lý lịch và tài sản (bắt buộc phải khai chi tiết). Nhiều người nghĩ những sĩ quan Lữ đoàn được nhiều ân huệ! Thực sự Tổng thống mỗi tháng cho quân nhân các cấp mỗi người 50$, gọi là tiền bao thơ của Tổng thống. Ngày Tết, Tổng thống chỉ thị Sở Nội Dịch hái xoài trong Dinh cho Lữ đoàn ăn Tết! Trung bình, hai người được một quả. Các sĩ quan xin không lãnh mà nhường cho binh sĩ.
Tôi kê khai rất rõ: Tôi bị tù trong Chiến dịch Tây Bắc tại Sơn La từ Tháng 11 năm 1952. Được tha vào Tháng 12 năm 1954. Tháng 01/1955, trốn vào Nam cùng bố, mẹ, vợ, con với hai bàn tay trắng. Tháng 8 năm 1955, được gọi tái ngũ. Thời gian ở tù coi như không bị gián đoạn quân vụ và được truy lãnh khoản tiền trong thời gian bị tù CS.
Sau một tuần bị giam, hai chúng tôi được tự do. Vui mừng vì được thả, nhưng khi về Lữ đoàn lại gặp cảnh đau lòng: Trung tá N. N. K., tiếp tục chỉ huy, đã bắt Đại úy Lâm Văn Thuận, Trưởng phòng Tài chánh mua 6 bó bông to đẹp đi mừng 6 tướng đã thành công giết Tổng thống. Đó là 6 tướng: Minh (Cồ), Kim , Đôn, Khiêm, Xuân và Đính. Ngoài ra, ông còn họp Bộ Tham Mưu Liên đoàn trách chúng tôi: ‘Các anh chiến đấu mà không nghiên cứu tương quan lực lượng, một lữ đoàn mà dám chống lại cả Quân đội Thủy, Lục, Không quân’.
Sợ nguy hại cho bản thân mình, ông đã quên nhiệm vụ của Lữ đoàn mà ông đảm nhận là bảo vệ Tổng thống và gia đình Người. Ông đã quên lời ông thề hứa với Tổng thống, mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán, khi đem các sĩ quan TMT và TMP lên chúc thọ Người. Có một số sĩ quan cao cấp đã không theo đảo chính. Một số bị sát hại, như Đại tá Hồ Tấn Quyền, Tư lệnh Hải quân; Đại tá Lê Quang Tung, Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt và em ông là Thiếu tá Lê Quang Triệu, TMT. Riêng hai vị Thiếu tướng Nguyễn Văn Là, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, bạn Tướng Minh và Đại tá Cao Văn Viên, Tư lệnh Nhảy Dù, bạn Tướng Khiêm chỉ bị canh giữ, rồi tha. Nhiều người nói: đảo chính không dám hại ông Viên, sợ Nhảy Dù ra quân chống đảo chính nếu ông Viên bị hại.
Đầu Tháng 01 năm 1964, Trung tá Đầy về làm Tư lệnh thay Trung tá N.N.K. Trung tá K. được điều về Phủ Tổng thống. Sau đó, đi làm Thị trưởng Đà Nẵng. Còn các sĩ quan cao cấp Lữ đoàn, đàn em ông, bị thuyên chuyển đi các vùng chiến thuật I và II: Thiếu tá Duệ bị giam thêm hai tuần tại Nha An ninh Quân đội, rồi đi vùng I. Thiếu tá Hưởng đi Ban Mê Thuột, Vùng II. Thiếu tá Lạc xuống Cần Thơ, Vùng IV và Bác sĩ Anh đi Pleiku, Vùng II… Lúc mà tôi (Thiếu tá Hưởng) nhận lệnh thuyên chuyển, Trung tướng Khiêm, Tổng Tham Mưu trưởng Quân đội đang đi công du ngoại quốc, Trung tướng Đôn tạm thay. Tướng Đôn ký cho tôi đi Sư đoàn 23 ở Ban Mê Thuột và ghi: “Đương sự 8 năm ở Sài Gòn làm văn phòng, Sư đoàn cho đi đơn vị tác chiến”.
Năm 1954, sau khi ở tù Cộng Sản về, tôi được học Khóa tham mưu và mãn khóa xuất sắc, bò từ Trưởng phòng I Chiến dịch Trương Tấn Bửu lên Chánh văn phòng Tham Mưu trưởng Liên quân Bộ Tổng Tham mưu, rồi Trưởng phòng An ninh Bộ Quốc phòng và cuối cùng Tham mưu phó Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống. Bất cứ ở cấp bậc nào và đảm nhận chức vụ gì, tôi luôn phục vụ tận tâm, làm tròn mọi công việc giao phó.
Tôi trình diện Sư đoàn đúng ngày ấn định. Sau khi xem kỹ hồ sơ, Đại tá Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Sư doàn 23, chỉ định tôi làm Quân trấn trưởng Ban Mê Thuột, lo phòng thủ an ninh và kỷ luật Quân đội trong thị xã, đồng thời kiêm Trưởng phòng Ấp Tân Sinh Khu 23 Chiến thuật thay Thiếu tá TMT Sư đoàn.
Tướng Đính nhận mình có công đầu, đã tự thăng lên trung tướng, nắm Bộ Nội Vụ và thăng cấp cho một số đàn em. Việc làm đầu tiên của Tướng Đính là cho nhảy đầm tự do và bỏ lơ quốc sách Ấp Chiến lược (Chính thức, mãi tới ngày 09/03/1964, Thủ tướng Nguyễn Khánh mới kí hủy bỏ quốc sách Ấp Chiến Lược) khiến cho các ấp chiến lược bị tan rã, tình hình an ninh xuống dốc nhanh chóng. Việt Cộng nằm vùng và du kích tự do xâm nhập các ấp quấy phá và ám sát… Đồng bào bỏ nhà cửa ruộng vườn vào các thành phố, nhất là Sài Gòn – Gia Định, để lánh nạn. Nhiều tướng lãnh lộng hành ký thăng cấp cho đàn em hoặc người trong gia đình. Tướng Mai Hữu Xuân, Tổng giám đốc Công an, bắt bỏ tù những người ông không ưa. Thí dụ: Ông Trần Vững, người An Lộng, Quảng Trị, công chức chính ngạch, Trưởng phòng xuất ngoại Tổng Nha Cảnh sát, bị Tướng Xuân bỏ tù sau đảo chính. Họ tưởng ông giàu có. Sau một tuần điều tra, người ta chỉ thấy nhà ông ở phía sau Dòng Chúa Cứu Thế trong khu ổ chuột. Một nửa nhà nằm trên trên đất liền, nửa nhà sau nằm trên ruộng rau muống. Trong nhà không gì có vật gì đáng giá, ngoài hai chiếc xe đạp. Lương tháng nào xào tháng đó. Ông hiền lành đạo đức. Cuối cùng, ông được tha, nhưng bị sa thải. Ông phải đi làm công cho trại gà Scala của Dòng Chúa Cứu Thế.
Một lần, Đại tá Hoàng Lạc và tôi có dịp gặp lại Thiếu tướng Đỗ Mậu, lúc đó là Phó Thủ tướng đặc trách Văn hóa (ông chỉ có bằng tiểu học Pháp). Ông than phiền: ‘Mới rời Quân đội một tháng đã bị Bộ Tổng Tham Mưu cho đòi nhà, đòi xe và đòi người. Không biết tôi có công hay có tội trong vụ lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm?’.
Ba tháng sau khi lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, Mỹ lại bật đèn xanh cho các Tướng Khánh, Khiêm, Viên làm chỉnh lý ngày 30 tháng 01 năm 1964, không mất một viên đạn, bắt 4 Tướng Đôn, Kim, Xuân và Đính giam tại Đà Lạt. Sau này, Tướng Dương Văn Minh cũng bị đẩy đi làm Đại sứ lưu động!
Thiếu tá Nhung, tùy viên của Tướng Minh, người đã dùng dao găm và súng sát hại anh em Tổng thống, bị Nhảy Dù bắt giam. Mấy ngày sau nghe tin ông đã treo cổ tự vẫn.
Bộ Tổng Tham Mưu phải mất một thời gian điều chỉnh lại cấp bậc cho các sĩ quan đã được thăng cấp sau vụ đảo chính 01/11/1963.
Chắc có độc giả thắc mắc: Tại sao tôi bị tù Cộng Sản 2 năm, khi về lại được tín nhiệm đảm trách nhiều chức vụ quan trọng? Xin thưa: ‘Trước là nhờ Chúa và Đức Mẹ, sau là có vài lý do. Sau khi mãn Khóa Sĩ quan 2 ở Huế, tôi đi hành quân hai năm liên tiếp khắp miền đồng bằng Bắc bộ: Thái Bình, Nam Định và Hòa Bình. Trong Chiến dịch Lotus, tôi được Quốc trưởng Bảo Đại gắn tại mặt trận Đệ ngũ đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với ngành dương liễu. Tháng 6 năm 1952, tôi được gọi theo khóa Chiến thuật Chiến lược tại Hà Nội cùng với 50 sĩ quan cao cấp: Trung tá Dương Văn Đức, Thiếu tá Nguyễn Khánh…; các Đại úy Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, Đỗ Mậu; các Trung úy Ngô Dzu, Phạm Xuân Chiểu, Vương Văn Đông, Hoàng Lạc, Lê Ngọc Triển… và tôi (Phạm Văn Hưởng).
Ở tù về, tất cả các bạn cùng khóa đã thăng Trung tá, Đại tá, thấy tôi sa cơ thất thế, ai cũng hết lòng thương nâng đỡ. Người nâng đỡ đầu tiên là Đại tá Trần Thiện Khiêm. Ông cử tôi làm Trưởng phòng Nhân viên Chiến dịch Trương Tấn Bửu và 3 tháng sau, cử làm Trưởng cơ quan Thanh toán Chiến dịch. Khi về giữ quyền Tham mưu trưởng Liên quân Bộ Tổng Tham Mưu, ông cử tôi làm Chánh văn phòng cho ông. Nhiều người hỏi tôi là người Bắc hay Nam, có họ thế nào với Đại tá Khiêm? Rồi Trung tá Hoàng Lạc giới thiệu tôi về Bộ Quốc Phòng. Trung tá Triển hỏi ý kiến Trung tá Viên, Biệt bộ Tham mưu Phủ Tổng thống và Trung tá Đỗ Mậu, Giám đốc Nha An ninh Quân đội. Cả hai đồng ý không trở ngại và nói Hưởng là người hiền lành đạo đức. Trung tá Triển trình lên Tổng thống đề cử tôi làm Tham mưu phó Lữ đoàn Liên Binh Phòng vệ Phủ Tổng thống. Thấy ý kiến hai Trung tá, Tổng thống chấp thuận.
Như thế, làm sao tôi không trung thành với Người trong hai cuộc đảo chính?
Phạm Văn Hưởng

Nguồn: VietCatholic News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét