1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 CHƯƠNG KẾT
- Cung, cung, cung!
Viên quản giáo nông dân đứng trong khung cửa, mặt dửng dưng
buông một câu trống không. Thành ngồi im, đầu gối quá tai, không tỏ ra phản ứng
nào.
Tôi ngơ ngác: anh ta gọi tôi? Hay gọi Thành?
- Cung, cung, cung!
Anh ta nhắc lại.
Ðến lúc ấy Thành mới nói:
- Ông quản giáo gọi ông kìa!
Ra thế! Vậy mà anh chàng quản giáo cù lần kia không nói rõ là đi
cung cho rồi, cứ lằng nhằng mãi cái từ ngữ thổ tả của nhà tù, bắt tội tôi phải
hiểu.
- Mặc quần áo vào còn đi chứ! - Thành lại giục.
Khốn nạn, tôi có còn gì nữa mà mặc! Tôi đã mặc hết cả rồi. Trong
xà lim lạnh buốt tôi đã phải đắp lên mình tuốt tuột những gì tôi có mà vẫn còn
thấy rét. Nhiệt độ mấy ngày qua tụt xuống đùng đùng. Mùa đông thực sự đã đến. Nằm
khàn trong xà lim, không bị gọi ra đi cung, tôi ngán ngẩm nghe gió bấc thổi ù ù
bên ngoài. Nếu tôi bị bắt muộn vài ngày chắc chắn tôi đã có thêm cái áo len.
Hôm bị bắt trời còn ấm, may mà tôi lại vận áo bông.
- Nhanh lên! - Viên quản giáo nhắc.
Tôi cẩn thận khép chặt hai vạt áo bông cho gió khỏi lùa vào
trong người. Chỉ còn có việc xỏ chân vào giày là xong. Giày cũng không cần buộc
dây. Dây giày đã bị thu, chắc hẳn người ta nghĩ rằng có thể dùng nó mà treo cổ.
Phải dành vài dòng cho đôi giày, nó đáng được nói đến. Tôi bị tê
thấp. Lo sắp tới mùa đông vợ tôi xăng xái kiếm cho tôi một đôi giày đen, da
Mông Cổ hẳn hoi. Ðôi giày bị Huỳnh Ngự khám rất kỹ, tưởng y sẽ dùng dao banh cả
đế ra để tìm cái y muốn thấy. Ðôi giày đẹp là thế, da mềm lắm, đóng cũng khéo,
nhưng về mặt thực dụng, khốn nạn cho tôi, nó lại thua xa đôi dép lốp rẻ tiền.
Tù xà lim buổi sáng được ra ngoài làm vệ sinh thân thể một lần
cho cả ngày. Mỗi lần được dăm phút, không tính thời gian đóng cửa mở cửa. Xà
lim có hai người, mỗi người được ngót nghét hai phút rưỡi. Chúng tôi phải đi
như chạy (nhưng không được phép chạy thật) để vào phòng tắm đổ bô, rửa bô, rửa
mặt rồi đi về. Thế mà sau này, áp dụng vận trù học tôi và Thành còn đi đại tiện
được (xin lỗi), còn tắm được trong mấy phút ngắn ngủi ấy mới tài.
Tôi còn có thể làm nhanh hơn nếu không vướng đôi giày. Ði rửa phải
xếp nó ở xa cái vòi nước chảy tồ tồ trong phòng tắm chật hẹp. Rửa xong phải nhảy
lò cò tra chân và cho nhanh để trở về phòng giam, có khi phải đi cà nhắc vì một
bàn chân chưa xỏ hẳn được vào giày. Bất tiện là thế nhưng lại không thể quăng
nó đi được. Nhà tù Việt Nam không có lệ phát dép. Trừ một bộ quần áo, một cái
chăn sợi, một manh chiếu, người tù nhập trại không được phát một thứ đồ dùng
thiết thân nào khác. Bàn chải, thuốc đánh răng, xà-phòng đều do gia đình tiếp tế
(1). Bên cạnh Thành tôi là người vô sản chính cống. Khác với tôi, khi bị bắt
anh đã biết phải mang theo cái gì.
Chúng tôi đi qua xưởng thợ, nơi mấy người tù áo xọc đang cặm cụi
gò hàn. Họ chăm chú làm việc, không để ý đến chúng tôi. Nhưng không phải, những
con mắt tò mò vẫn liếc xéo quan sát người tù đi qua. Viên quản giáo đứng trên đống
sắt ngổn ngang la hét, giọng Nghệ An đặc sệt: " Ê, anh tê, mần đi chợ! Ngọ
ngọ cải chi? Vào nơi ni rồi phãi chăm chĩ lao động! Không chăm chĩ lao động thì
đừng cỏ hòng về, chị cỏ chệt mục xương!" Trong khu xà lim tù binh cây
thông Noen ủ rũ vẫn đứng đó, mấy ngọn đèn màu leo lét. Cái máy ghi âm vẫn chạy,
tiếng méo xẹo. Ðỗ Nhuận vẫn ê a "Hồng Hà mênh mông...trôi cát tới chân
làng quê.ê.ê...Cuối sông, ngoài bến Việt Trì có những chàng áo nâu về..."
Lần này viên quản giáo không đưa tôi tới phòng hỏi cung lần trước
mà đi xa hơn, tới gần cổng Hỏa Lò, nơi có một lối đi hẹp dẫn vào những ngôi nhà
dài thuộc cánh phải. Anh ta bảo tôi đứng đợi trong lối hẹp đó.
Từ chỗ tôi đứng mở ra một nhánh nhỏ với một dẫy phòng đóng kín cửa.
Nhìn bề ngoài những phòng này giống các phòng tập thể cho cán bộ độc thân,
nhưng tôi nhanh chóng gạt đi ý nghĩ đó - ở cửa mỗi phòng là một cái khóa Tuto
treo lủng lẳng.
Bỗng tôi giật mình: cách tôi chừng mươi mét, phía ngách hành
lang, một người tù già tóc bạc phơ, dáng đi nặng nhọc, hai tay bưng tô cơm, một
con cá khô cắm đầu xuống giương chẽ đuôi cứng đơ lên trời. Người tù ngẩng mặt
lên và tôi nhận ra tướng Ðặng Kim Giang. Bác Giang của tôi gày xọm, râu mọc
dài, cũng bạc như cước. Chao ôi, chúng nó đã làm gì bác mà mới có hơn hai tháng
tù bác thay đổi nhiều đến thế? Nhưng phong thái ông xem ra vẫn không thay đổi,
vẫn đàng hoàng lắm. Nhìn thấy tôi ông mỉm cười. "Ðừng sợ, cháu! Phải cứng
rắn lên!", cái nhìn của ông nói. Một giây sau ông đi khuất vào một khúc
quanh, theo sau là một quản giáo màu hoàng thổ. Có phải với cái nhìn ấy, nụ cười
ấy ông muốn nhắn tôi phải kiên định, không nhận gì hết. Nhưng tôi thì kiên định
cái quái gì chứ! Tôi có gì để mà nhận? Hay ông lo tôi bị dụ dỗ, bị lung lạc, do
quá sợ hãi mà bị bọn chấp pháp ép cung, khai bậy bạ cho người khác?
Tướng Ðặng Kim Giang hoạt động cách mạng cùng với cha tôi từ những
năm 30, từng ở tù cùng cha tôi tại ngục Sơn La. Trước khi trở thành đảng viên cộng
sản ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Quốc dân đảng. Trong kháng chiến chống Pháp
ông làm tổng cục phó Tổng cục Hậu cần, là chủ nhiệm hậu cần mặt trận Ðiện Biên
Phủ. Hòa bình lập lại, ông phụ trách khối bộ đội chuyển sang làm nông nghiệp, với
chức vụ thứ trưởng Bộ Nông trường. Nhanh nhẹn trong chiếc áo choàng bằng dạ
kaki cấp tướng, ông xăng xái lúc ở chỗ này lúc ở chỗ khác trên địa bàn rộng lớn
miền Bắc. Chúng tôi, những đứa cháu con bạn ông, rất yêu ông. Trong ông chẳng
có gì của vị tướng trong cái hình dung thông thường của mọi người. Ông giản dị,
xuề xòa và hồn hậu. Cũng giống như chúng tôi, những người lính nông dân vừa rời
tay súng về cầm cày không coi ông là tướng, mà là người cha, người chú trong
gia đình.
Khi nổ ra cuộc xung đột ý thức hệ Trung-Xô, ông không do dự đứng
ngay về phía Liên Xô. Là đảng viên cộng sản lão thành, nhưng ông không rành lý
thuyết cộng sản bao nhiêu. Ông, theo chỗ tôi biết, là một nho sĩ với phương
châm xử thế bất biến lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm đầu. Với tinh thần nho
sĩ ông gay gắt lên án Stalin giết hại đồng chí để củng cố quyền lực, ông chống
Mao, mà ông gọi là "tên đồ tể" cũng mạnh mẽ không kém.
- Stalin ngập trong máu, bác biết lắm chứ, nhưng đó không phải
là chủ nghĩa xã hội. - ông nói với tôi - Cái nhà không xấu chỉ vì chủ nhà là một
thằng khốn nạn. Bác nghĩ thế. Hôn quân có thể làm sập một vương triều, nhưng
không làm mất nổi một đạo. Cháu thấy không, các triều vua thay nhau đổ trong
khi Nho giáo, Khổng giáo vẫn cứ trường tồn. Chủ nghĩa Mác với tư tưởng giải
phóng nhân loại còn mãi. Chủ nghĩa Mác không muốn thấy một nhân loại như bây giờ.
Nhân loại phải được sống hạnh phúc. Con người phải được sống như con người.
Khrusov lên án sùng bái cá nhân là phải lắm, người có luân thường tất không thể
làm khác. Mao mới là tên ăn cháo đá bát. Lợi dụng chống Khrusov chống luôn Liên
Xô. Thử hỏi không có Liên Xô làm sao Trung Quốc có ngày nay? Công nghiệp gang
thép ai dựng cho? Rồi công nghiệp máy cái, tàu bay, tàu biển, ô tô? Trước kia
Trung Quốc có gì? Ngày nay có gì? ỉ thì lãnh đạo Liên Xô cư xử không nên không
phải khi nổ ra bất đồng, nhưng ai là người đổ mồ hôi sôi nước mắt giúp Trung Quốc
vững vàng được như bây giờ? Là nhân dân Liên Xô chứ, là người lao động Liên Xô
chứ. Xét cho cùng, cũng chẳng lấy gì làm lạ - mộng vương bá là cố tật của người
Trung Hoa. Cứ xem sử Trung Quốc thì thấy, mỗi vùng mỗi vua, anh nào cũng lăm le
bá chủ thiên hạ, chưa bá chủ được chưa yên. Nước ta rồi còn khổ với mấy cái anh
bá này!
Trong thời gian làm thứ trưởng Bộ Nông trường ông đã đề xuất những
chủ trương táo bạo như khuyến khích sản xuất bằng lợi ích vật chất, chia ruộng
phần trăm cho nông trường viên, hợp tác đầu tư với các nước xã hội chủ nghĩa,
cho các nông trường liên doanh với các nông trường nước bạn. Tất cả những chủ
trương cách tân đó đều bị Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ coi là "xét lại",
"đi theo con đường tư bản chủ nghĩa".
Tướng Giang đi khuất rồi, tôi còn phải đứng đợi một lúc nữa mới
thấy viên quản giáo xuất hiện.
Anh ta lẳng lặng dẫn tôi tới một phòng hỏi cung khác nằm sâu
trong dãy nhà bên cánh trái Hỏa Lò. Ðợi tôi ở đó là một người đàn ông cao to,
da mặt bì bì, đẹp trai như một con hà mã. Trong quân phục dạ dành cho cấp tá,
không quân hàm, bên trong chiếc áo choàng cũng bằng dạ, y lừ lừ nhìn tôi.
Thế là chúng nó phải thay người làm việc với mình, tôi nghĩ.
Nhìn Huỳnh Ngự khúm núm bên cạnh y, tôi đoán y là cấp trên của Huỳnh Ngự.
Ðã một tuần lễ trôi qua kể từ hôm tôi bị bắt, nếu không hơn.
Trong những ngày đó, sau cuộc cãi vã tay đôi làm Huỳnh Ngự tức điên, y còn gọi
tôi ra vài lần nữa, nhưng cứ vừa nhìn thấy y là tôi bắt viên quản giáo đưa tôi
lộn lại xà lim. Cái lối chơi chướng ấy thế mà được việc. Cần phải cho chúng nó
biết tôi không dễ nhá. Cha tôi nói về đối sách của ông với nhân viên sở Liêm
phóng:"Chỉ cần run sợ một chút là chúng lấn tới. Cho chúng nó đánh, cho
chúng nó tra khảo, tra chán rồi chúng nó mệt, chúng nó bỏ. Chứ tỏ ra sợ đòn thì
cứ cần hỏi gì là chúng nó lại lôi ra".
- Tôi đã đọc những báo cáo về anh. - người đàn ông đặt tập hồ sơ
đang đọc khi tôi bước vào lên bàn - Hôm nay tôi bố trí thời gian gặp anh...
Tôi lặng thinh nhìn y.
- Chỉ để khuyên anh một điều, với tư cách người lớn tuổi...
Tôi không nói gì.
- Trước hết, tôi khuyên anh không nên cố chấp. - bằng giọng
không có hồn, y dề dà nói - Anh là trí thức, hẳn anh biết cổ nhân có
câu:"chấp kinh thì phải tòng quyền"...
Tôi liếc nhìn Huỳnh Ngự. Bên cạnh con người này y nhỏ bé hẳn, so
rụi hẳn, chẳng giống Huỳnh Ngự những ngày trước.
Không đợi con hà mã nói hết, tôi hất hàm chỉ Huỳnh Ngự, làm ra vẻ
không biết hoặc không nhớ tên y:
- Nếu anh có ý định phổ biến nội quy trại giam cho tôi một lần nữa,
như anh này đã phổ biến thì tôi xin cảm ơn, tôi đã được nghe kỹ...
- Khoan đã. Tôi hiểu anh đang bực bội trong lòng. Bực bội là phải
thôi, ai muốn mình bị Ðảng coi là kẻ thù của cách mạng? Nhưng cho tới giờ đã có
ai coi anh là kẻ thù đâu! Sai thì có, sai quá đi ấy chứ. Do nhận thức sai nên
hành động sai. Cũng là lẽ thường tình. Sai thì sửa. Mao chủ tịch dạy: chỉ có
hai thứ người không sai thôi - ấy là đứa trẻ trong bụng mẹ và người nằm trong
quan tài. Mình chưa hiểu ra cái sai, Ðảng biết thì Ðảng chỉ ra, Ðảng uốn nắn
cho, sửa chữa cho. Vì thế, như tôi vừa nói với anh, tôi nhắc lại lần nữa anh
nghe cho rõ: đừng cố chấp. Nội quy, xét cho cùng, nó là cái gì? Nó chẳng là cái
gì hết - một quy ước được soạn ra cho cuộc sống tập thể mà mọi người có trách
nhiệm tuân thủ để duy trì trật tự chung...
- Tôi nói rồi: tôi không thích cái nội quy ấy. - tôi lạnh nhạt,
đồng thời cương quyết - Tôi không chấp nhận nó.
- Bình tĩnh, bình tĩnh nào! Nghe tôi nói đã. Sáng nay anh Thành
(2) thay mặt anh Sáu, có vào đây gặp các anh, từng người một. - người đàn ông vẫn
bình thản, nhưng qua giọng nói, cách nói của y tôi hiểu y phải cố gắng lắm mới
giữ được bình tĩnh như thế - Nhưng rồi do công tác đột xuất lại phải quay về
ngay, không gặp được. Anh Thành ủy nhiệm tôi phổ biến cho các anh quyết định mới
nhất của Bộ Chính trị và Ban tổ chức Trung ương...
Người được ủy nhiệm của Bộ Chính trị và Ban tổ chức Trung ương
không thèm tự giới thiệu. Sau mới biết tên y là Trúc, không rõ họ gì, cục trưởng
Cục chấp pháp. Trúc là nhân vật quan trọng nhất trong đám quan binh mà tôi được
tiếp kiến kể từ khi bước chân vào Hỏa Lò. Trong ngành công an người giữ chức cục
trưởng quan trọng hơn thứ trưởng ở các bộ khác.
Y đúng là một nhà mác-xít - lê-nin-nít chân chính. Y nói nhân
nói nghĩa, nhưng không nhích một li khỏi lập trường chuyên chính vô sản. Tôi
không ngạc nhiên nếu sau những lời phi lộ dài dòng đầy nhân ái y sẽ nói tới những
quyết định tàn bạo.
Có thể nói toàn thể cán bộ hồi ấy được Ðảng nhuộm đỏ một màu
máu. Bạo lực được tôn sùng như biểu hiện của tính kiên định cách mạng. Những
câu cách mạng đầu lưỡi được đánh giá như nhiệt tình chiến đấu cho sự thắng lợi
của đường lối mác-xít.
Tại tòa soạn chúng tôi học tập liên miên. Tài liệu học tập là những
bài giảng của Trung ương gửi xuống, của Nhà xuất bản ngoại văn Bắc Kinh do sứ
quán Trung Quốc phát không. Công việc củng cố lập trường chiếm hết thời giờ làm
báo. Ðược cái làm báo xã hội chủ nghĩa không khó. Tờ báo là công cụ giáo dục
nhân dân, không cần bán chạy, chỉ cần minh họa các chủ trương của Trung ương
sao cho khéo là được. Không ai trách anh nếu anh viết giống bài nào đó đã in rồi
trong báo Ðảng. Nhai lại những gì báo Ðảng viết đã không mang tội đạo văn thì
chớ, lại còn được khen: ý thức tổ chức cao. Nay có viết giống Ðài phát thanh Bắc
Kinh hoặc Nhà xuất bản ngoại văn Bắc Kinh thì cũng được khen không kém: lập trường
vững.
Trong những buổi kiểm điểm theo tinh thần nghị quyết 9 các nhà
báo ngồi cùng các nhân viên tòa soạn, cả anh tiếp phẩm lẫn chị cấp dưỡng. Mọi
người đua nhau lên án bọn xét lại hiện đại chủ trương chung sống hòa bình giữa
các chế độ xã hội khác nhau, thi đua hòa bình, quá độ hòa bình lên chủ nghĩa xã
hội. Ai đọc được nhiều tài liệu của Ðảng, của Trung Quốc, lại có trí nhớ tốt,
phát biểu hăng hái, thì được coi là tích cực học tập.
Trong Hỏa Lò Huỳnh Ngự cũng ông ổng chửi chung sống hòa bình:
- Là người thời không thể sống với dã thú. Mà bọn tư bản là dã
thú, chung sống làm sao được với chúng nó. Bây giờ anh đã thấy đường lối nớ sai
chưa?
- Chưa. - tôi đáp - Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có
hòa bình trước đã, tôi quan niệm như vậy. Còn cụm từ chung sống hòa bình mà báo
chí quen dùng là do dịch sai gây ra hiểu nhầm. Người Nga nói mirnoe
soshushestvovanie, người Pháp nói coexistence pacifique không có nghĩa chung sống
hòa bình, mà là cùng tồn tại trong hòa bình.
Huỳnh Ngự hừ một tiếng không rõ rệt.
Vài năm sau trên báo chí không thấy dùng cụm từ chung sống hòa
bình nữa. Người ta dùng đúng như tôi nói hôm đó: cùng tồn tại trong hòa
bình.
Cuốn Người Với Người Là Bạn của nhà văn Liên Xô Boris Polévoii
(3) bị đặt lên bàn mổ. Nó bị phỉ nhổ là lá cờ rách của "chủ nghĩa nhân đạo
chung chung", thứ đồ bỏ nhặt từ trong đống rác thối tha của chế độ tư bản.
Các nhà tuyên giáo (4) nói rằng thứ nhân đạo chung chung của bọn xét lại hiện đại
không mê hoặc nổi ai. Nhưng cứ phải cảnh giác (!), họ nhấn mạnh, bởi vì nó thường
dùng hình thức văn học là cái đi vào lòng người một cách êm ái.
Chủ nghĩa cộng sản, cũng theo các nhà tuyên giáo, đương nhiên
hàm chứa chủ nghĩa nhân đạo tiến bộ nhất, văn minh nhất, rộng rãi nhất, cao cả
nhất. Mọi thứ chủ nghĩa nhân đạo khác, không phải của giai cấp vô sản, chỉ là
những ngôn từ rỗng tuếch, là lời lẽ mị dân.
Chúng tôi họp suốt ngày. Không phải một hai ngày, mà ngày này
qua ngày khác. Dưới cái quạt trần quay vù vù và sự chủ tọa của thư ký tòa soạn
Nguyễn Thanh Ðịch, các cán bộ của tờ báo mồ hôi nhễ nhại phê phán tính chất
nhân đạo phi giai cấp của những bộ phim xô-viết: Số Phận Con Người, Ðàn Sếu Bay
Qua và Bài Ca Người Lính (5). Dù không tán thành, mỗi người cũng phải phụ họa
đôi ba câu vô thưởng vô phạt. Tôi ngồi im. Ngồi im cũng là một thái độ, và các
nhà mác-xít cấp phường nhìn tôi bằng cặp mắt hằn học. May cho tôi, bí thư chi bộ
Hoàng Nguyên Kỳ là một họa sĩ. Anh chỉ giữ ý thức tổ chức đến mức vừa đủ. Anh dặn
tôi: "Chớ có phát biểu ngang xương đấy nhá!".
Nhân đợt học tập chống chủ nghĩa xét lại hiện đại, những chồng
báo lưu của tòa soạn được mang ra. Dưới ánh sáng của Nghị quyết 9, người ta đọc
lại các số báo xuất bản một hai năm trước bằng kính lúp. Một số bài bị mang ra
phê phán, trong đó không thể thiếu những bài của tôi. May cho tôi - những câu
chữ bị đem ra mổ xẻ, bị lên án hóa ra lại là của quý vị Phạm Văn Ðồng, Trường
Chinh, Lê Duẩn, mà tôi đã lười biếng cóp vào bài viết. Thậm chí tôi còn nghịch
ngợm đóng vai phản tỉnh, đề nghị cho tôi được nghỉ học để ngay lập tức viết thư
lên các vị lãnh đạo. Tôi giận các vị lắm, tôi nhất quyết buộc các vị phải công
khai nhận sai lầm, chính vì các vị mà tôi sai lầm theo. Thư ký tòa soạn tỉnh giấc
đấu tranh vội vã ngăn tôi lại.
Không khí chỉnh huấn tưởng đã vĩnh viễn lùi xa vào quá khứ nay
trở lại với sức mạnh gấp đôi.
Nạn nhân đầu tiên của cuộc tiến công ầm ĩ vào chủ nghĩa xét lại
là Minh Tranh, giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật. Là một Nhà xuất bản chuyên cho ra
những cuốn kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, lẽ thường giám đốc phải là người
con trung thành của những giáo điều mác-xít. Ai ngờ Minh Tranh lại là một trong
những tên xét lại cứng đầu. Mấy anh cán bộ tuyên giáo không có thông tin cập nhật,
không biết tôi là phần tử có nghi vấn nói với tôi: "Bọn xét lại có ba pháo
đài kiên cố là Viện Triết học, Nhà xuất bản Sự Thật và ỷy ban khoa học nhà nước".
Viện Triết có Hoàng Minh Chính, Nhà xuất bản Sự Thật có Minh Tranh, còn ỷy ban
khoa học nhà nước thì có Tạ Quang Bửu.
Minh Tranh không bị hạ ngục. Ông được Ðảng ban cho ân huệ được rời
bỏ cái ghế giám đốc mà chính ông không thiết tha. Trước khi rời Hà Nội ông tới
chia tay với cha tôi. Hai người lững thững đi bộ dọc đường Hai Bà Trưng. Tôi
không biết họ nói gì với nhau trong buổi chiều đầy lá rụng hôm đó. Cha tôi đánh
giá cao Minh Tranh, coi ông là một đồng chí có học và có tinh thần cách mạng
kiên định. Tôi không rõ Minh Tranh đi đâu. Ông biến khỏi thành phố, như rời xa ổ
dịch. Không ai nghĩ ông sợ. Mọi người đều hiểu - ông đi vì chán ngán.
Tôi buồn. Tôi ngơ ngác. Tôi không thể hiểu nổi những lời thóa mạ
bỗng dưng nổi lên đùng đùng nhằm vào một kẻ thù không biết mặt. Cứ như thể mọi
người chung quanh tôi bất thình lình phát điên. Không điên thì không thể nói ra
những luận điệu phi nhân như thế với bè bạn, anh em mình. Ðến chủ nghĩa Mác họ
cũng chỉ biết bập bõm thì làm sao họ biết được mặt ngang mũi dọc cái chủ nghĩa
xét lại chủ nghĩa Mác nó thế nào.
Nhìn sâu vào phong trào chửi bới chủ nghĩa xét lại, tôi rùng
mình. Chưa bao giờ tôi chứng kiến một sự hư hỏng trong tâm hồn người như thế.
Người ta bới lông tìm vết trong các đồng chí với nhau, người nọ vu cáo người
kia, anh này hại anh khác, đấu đá nhau không thương tiếc. May là số đông vẫn cố
giữ đạo đức truyền thống. Họ tham gia cuộc đại đấu đá do Ðảng đề xướng một cách
vừa phải, chỉ đủ để trình ra cái lập trường không thể thiếu, để cấp trên khỏi
quên họ trong những đợt xét lên lương, xét thăng chức. Mỗi người đều có những đứa
con phải nuôi, một ngân sách gia đình eo hẹp, tất cả đều bị viêm màng túi, như
chúng tôi thường cay đắng tự nhạo báng. Nỗi sợ hãi bị Ðảng nghi ngờ làm cho người
ta phải ra sức chứng minh rằng họ trước sau một lòng một dạ trung thành với Ðảng.
Cái sợ được vun trồng, chăm bón nhiều năm đã cho vụ mùa bội thu.
Năm 1963 tôi có viết một kịch bản điện ảnh nhan đề Ðêm Cuối
Cùng, Ngày Ðầu Tiên. Nội dung kể chuyện một anh du kích đường sắt trong đêm
chót của chiến tranh đã lặn lội đi gỡ trái mìn anh dặt và dự tính sẽ được giật
nổ sáng hôm sau. Lệnh ngừng bắn làm đảo lộn kế hoạch của anh. Anh du kích đã mất
cả gia đình trong chiến tranh. Anh coi chú bé liên lạc đi cùng anh như con ruột.
Hai người bị quân Pháp trong một đồn ven đường phát hiện. Chú bé hy sinh. Vượt
qua nỗi đau anh du kích tiếp tục gỡ mìn, thực hiện lệnh trên. Kịch bản được
thông qua để đưa vào sản xuất. Những biên tập viên Xưởng phim truyện Hà Nội tâm
đắc đoạn cuối tả con tàu dừng lại trước người du kích đường sắt vừa gỡ xong quả
mìn. Những người lính Pháp trên chuyến tàu "ngượng nghịu tháo những cái mũ
sắt nặng nề xuống, cầm trước bụng bằng hai tay, như cách cầm mũ phớt, đầu cúi
thấp trước thi hài người du kích tí hon, người anh hùng đã cứu họ khỏi cái chết
cầm chắc...Trước khi là lính, mọi người lính đều là dân".
Anh Phạm Văn Khoa (6) đề nghị tôi để anh làm đạo diễn. Ðoàn làm
phim được thành lập. Tôi được lĩnh một món tạm ứng kha khá cho kịch bản, là của
hiếm trong những năm ấy. Kịch bản hoàn toàn phù hợp với tinh thần hướng về nền
hòa bình chung và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Những nhà điện ảnh Việt Nam vừa
dự Liên hoan phim ở Leiptzig (7) về đã nghĩ tới Giải thưởng lớn hoặc một Huy
chương vàng cho nền điện ảnh nước nhà.
Ðùng một cái, tướng Nguyễn Chí Thanh đăng đàn diễn thuyết trong
một hội nghị cán bộ trung cao cấp quân đội kịch liệt lên án kịch bản này. Ông
tướng nông dân buộc tội tác giả kịch bản trắng trợn tuyên truyền cho chủ nghĩa
nhân đạo chung chung, tính người chung chung bên ngoài tính giai cấp. Giọng điệu
của Nguyễn Chí Thanh khi phê phán các tác phẩm văn học không khác giọng điệu
Ðài phát thanh Bắc Kinh là mấy.
Bộ phim chưa được quay bị đình lại, coi như xóa sổ.
Hồi ấy Xưởng phim truyện Việt Nam đã cho đánh máy kịch bản Ðêm
Cuối Cùng Ngày Ðầu Tiên thành nhiều bản để chuyển cho các cơ quan văn nghệ nghiên
cứu, hi vọng dùng ý kiến của nhiều nguồn dư luận khác nhau buộc Nguyễn Chí
Thanh rút lại ý kiến của ông (8). Nhưng chẳng ai dại gì đối đầu với viên đại tướng
nhà quê tự thị trong cảnh loạn lạc của cuộc đấu tranh không biết lối ra ở
đâu.
Thời gian này các nhà lãnh đạo bỗng nổi cơn sính văn chương. Các
nhà-thơ-lãnh-tụ xuất hiện, lúc đầu còn bẽn lẽn, còn dè dặt, càng về sau càng tự
nhiên. Nguyễn Chí Thanh không làm thơ được như Trường Chinh, Lê Ðức Thọ (9) thì
làm nhà phê bình. Các tác phẩm vốn đã bị các tên lính gác cổng tư tưởng ở các
Nhà xuất bản, các cấp tuyên giáo xét nét duyệt đi duyệt lại, nay lại thêm ông
tướng Quảng Lạc (10) nhảy vào soi mói. Lác đác cũng có những tác phẩm không đến
nỗi tồi, nhưng chỉ cần trong đó có vài dòng không vừa lòng ông tướng, thế là sấm
sét lại nổi lên đùng đùng trên bầu trời văn chương, tác giả của chúng bị đánh
tơi tả. Ðó là những trường hợp xảy ra với Hà Minh Tuân (tiểu thuyết Vào Ðời), với
Phù Thăng (tiểu thuyết Phá Vây).
Tôi đã đi hơi xa sự kiện trong Hỏa Lò.
Cục trưởng Cục chấp pháp bắt tôi phải chờ đợi một lúc lâu để tôi
ý thức được tầm quan trọng của điều y sẽ nói:
- Quyết định mới nhất của Ðảng về việc xử lý vụ của các anh là
như sau...
Tôi chẳng bao giờ hiểu nổi khái niệm Ðảng trong những ông cán bộ
này. Họ thường nói Ðảng chủ trương thế này, Ðảng quyết định thế nọ, nhưng Ðảng
là Ðảng nào - Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban tổ chức Trung ương, hay là đảng
đoàn Bộ thì người ta lại không nói rõ. Tại đồng bằng sông Hồng thậm chí tôi còn
được nghe một câu nói thế này trong một hội nghị cán bộ xã:"Chúng ta đã cấy
hết diện tích theo đúng kế hoạch trên giao xuống trong điều kiện"toàn Ðảng
toàn dân ho gà...". Hóa ra toàn Ðảng có nghĩa là cái Ðảng bé của xã, có
khi chỉ là một chi bộ mươi người, chứ không phải cái Ðảng to. Không hiểu cái Ðảng
mà ngài cục trưởng đang nói tới có phải là Ðảng to không, hay chỉ là Ðảng bé, Ðảng
đoàn Bộ Nội vụ chẳng hạn?
Tôi dán mắt vào mặt y, chờ đợi lời phán quyết của Ðảng.
- Bộ Chính trị đã họp và quyết định để vụ của các anh trong phạm
vi nội bộ.
Tôi không tin ở tai mình. Thế tức là chủ trương của cái Ðảng lớn
rồi! Không phải của Ðảng bé!
- Do đó - y nói tiếp, cố ý để tôi nuốt từng lời - vụ án sẽ được
xử lý nội bộ, coi như mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ Ðảng, nội bộ nhân dân, nội
bộ phong trào cộng sản quốc tế, chứ không áp dụng luật pháp hoặc các biện pháp
xử lý hành chính...
Chao ôi, chẳng lẽ một sự bắt bớ ồn ào như thế, rùm beng dư luận
như thế, để rồi kết thúc lặng lẽ thế này ư? Nhà cầm quyền đã tỉnh, hay là dư luận
xã hội đã đánh thức họ?
Xử lý nội bộ có nghĩa là chúng tôi sẽ được thả, sẽ được trở về
nhà mình, sau khi phải viết những bản xưng tội, phải đấm ngực mà kêu rên thống
thiết mea culpa, mea maxima culpa (11). Một thứ xà lách chỉnh huấn trộn xà lim?
Hãy cảnh giác, không có lẽ mọi chuyện lại đơn giản như vậy.
- Có phải chúng tôi sắp được về? - tôi thọc một mũi thăm dò - Ðảng
bao giờ cũng sáng suốt.
- Cái đó tôi không biết - Trúc nhăn nhó - Ðảng sẽ thả các anh
hôm nay, ngày mai hay thả lúc nào là do Ðảng quyết định. Mà giá có biết chúng
tôi cũng không được phép nói trước khi Ðảng lệnh xuống cho chúng tôi.
Y nói tràng giang đại hải một hồi về chính sách nhân đạo của Ðảng,
rằng chủ trương của Ðảng bao giờ cũng nhất quán là trị bệnh cứu người. Vả lại,
phòng bệnh hơn chữa bệnh, thậm chí có trường hợp chưa tới mức phải bắt mà Ðảng
vẫn bắt thì chẳng qua cũng chỉ nhằm để các anh không đi quá xa. Ðảng đau lòng lắm,
y nói, khi phải bắt cán bộ của mình, nhưng trong sự việc cụ thể này những hành
động sai trái của chúng tôi đã vượt quá giới hạn mà Ðảng có thể chịu đựng, cho
nên Ðảng buộc phải dùng biện pháp giam giữ, tuy nhiên giam giữ thế này cũng
không nhằm mục đích nào khác hơn là "giáo dục các anh, để đưa các anh trở
lại trong lòng Ðảng..."
Nghĩa là, than ôi, chẳng có gì mới. Chúng tôi vẫn tiếp tục ở tù.
Lạy Chúa tôi lòng lành! Ðảng của chúng tôi tốt quá, tử tế quá!
Tôi buồn ngủ. Dù sao con béc-giê của Huỳnh Ngự cũng làm tôi ngủ
ít hơn là không có nó. Tôi nói ngủ ít hơn vì đòn đánh của Huỳnh Ngự không gây
được hiệu quả mong muốn. Thành xé một mụn giẻ, tước sợi tơi ra như bông, chúng
tôi vê lại làm nùi nhét vào lỗ tai, gắng rồi cũng ngủ được.
Tôi cúi xuống, giấu cái ngáp trẹo quai hàm.
- Sở dĩ Ðảng giao việc trông nom các anh cho cơ quan an ninh
chúng tôi vì cơ quan chúng tôi có điều kiện tốt nhất, thích hợp nhất để giúp đỡ
các anh cải tạo tư tưởng...
Tôi không nhịn được cười. Thì ra người ta tin rằng xà lim Hỏa Lò
là điều kiện thích hợp nhất, tốt nhất cho sự cải tạo tư tưởng. Cứ đà này Ðảng sẽ
lần lượt cho hết thẩy cán bộ vào ở xà lim để cho tư tưởng họ tiến bộ hơn, trung
thành với chủ nghĩa xã hội hơn.
- Các anh đang làm một công việc rất cần thiết cho Ðảng, đó là:
bằng những báo cáo của mình giúp Ðảng củng cố tổ chức, để Ðảng đã vững mạnh rồi
còn vững mạnh hơn nữa. Có nghĩa là ngay tại đây các anh cũng có công tác để
làm, cũng tham gia chống Mỹ cứu nước.. Chúng tôi có trách nhiệm giúp đỡ các anh
hoàn thành nhiệm vụ. Công việc của chúng ta càng được tiến hành khẩn trương bao
nhiêu thì Trung ương càng có điều kiện quyết định tương lai của các anh sớm bấy
nhiêu. Tôi mong chóng được gặp lại các anh trên những cương vị công tác mới...
Trời hỡi, cứ như tôi là đứa trẻ không bằng! Ban tổ chức Trung
ương muốn quăng một mẻ lưới lớn đây. Nhưng sai những con chim mồi ngớ ngẩn đi
làm mẹ mìn thì ngu quá!
Viên cục trưởng không nhận thấy cái nhếch mép của tôi.
- Tôi cũng thông báo để các anh được biết: chiếu cố công lao của
các anh đối với cách mạng, Ðảng giữ nguyên biên chế cho các anh. Giữ nguyên
biên chế có nghĩa là các anh vẫn được hưởng nguyên lương, nhưng gia đình chỉ được
lĩnh một nửa, cho tới khi các anh trở về. Mọi tiêu chuẩn cung cấp ở ngoài thế
nào ở đây thế vậy, nguyên như trước...Tiêu chuẩn thịt của anh bao nhiêu nhỉ?
- Một cân.
- Hơn cả tôi đấy. Ðường bao nhiêu?
- Cân rưỡi.
- Nhiều thế?
Nghe trong câu hỏi của y có âm sắc khó chịu. Y tiếc cho nhà nước
hay ghen tị với tôi?
Tôi lạnh nhạt:
- Ðó là tiêu chuẩn cho phóng viên phải công tác xa tòa soạn
trong điều kiện chiến tranh (12)...
- Ra thế! Anh sẽ được hưởng đúng tiêu chuẩn của anh khi còn ở
đây, coi như đang công tác xa tòa soạn...
Từ chỗ chúng tôi đang ngồi tới phòng làm việc của tôi tại tòa soạn
chưa đầy hai trăm mét tính theo đường chim bay. Theo cách y diễn đạt thì không
phải tôi đang ở tù, tôi chỉ công tác xa tòa soạn mà thôi.
Không biết trong những ngày này ở tòa soạn người ta đang nói gì
về tôi? Nhiều người thương tôi, tôi biết. Kể cả những người buộc phải nói theo
Ðảng rằng tôi là tên phản động. Với nửa lương của tôi vợ tôi khó bề xoay xỏa để
nuôi hai đứa con. Khi chưa bị bắt lương tôi đã chẳng ra gì, nhưng hàng tháng
còn kiếm thêm chút ít bằng nhuận bút dịch và viết, cũng đỡ. Trong những ngày đó
tôi không biết tôi sắp có đứa con thứ ba.
Sau khi cha tôi bị bắt, gia đình tôi được một tổ sản xuất thương
binh giúp đỡ. Không hề quen biết riêng cha tôi hoặc tôi, các anh thương binh thời
chống Pháp tỏ ra có lòng nhân ái không ngờ. ỏi ngại cho một gia đình cách mạng
bị trấn áp, các anh tự tìm đến bàn cách giúp chúng tôi sinh sống. Ðó là một việc
mạo hiểm. Ngôi nhà số 5 Hai Bà Trưng bị theo dõi ngày đêm. Những người đến thăm
đều bị công an hỏi: đến gặp ai, có việc gì, nói những chuyện gì? Các anh chân
thật và mộc mạc trong sự phản kháng thầm lặng.
Mẹ tôi lúc đầu còn e dè: hay họ là cá chìm (13)? Chẳng bao lâu
sau chúng tôi hiểu ra: tình đồng chí vẫn còn lại trong những con người bình dị.
Các anh đã có mặt bên cạnh gia đình tôi trong suốt thời gian hai
cha con tôi nằm trong tù. Chúng tôi mãi mãi coi các anh là ân nhân. Làm sao có
thể quên anh Trường cụt một tay một chân, anh Phúc thương tích đầy mình, đã nhường
cơm xẻ áo cho chúng tôi trong những ngày khốn khó.
Cho đến ngày tôi bị bắt, chúng tôi đã được lĩnh hai lần tiền
công dán túi ni-lông trong hợp đồng mà các anh thương binh nhường cho.
Mẹ tôi đếm tiền, nhẩm tính, rồi vui mừng ra mặt:
- Sống được, các con ạ!
Ðang vui bà bỗng ngẩn người:
- Nếu chúng nó chặn nốt cả đường sống này nữa thì biết làm sao
đây? Thời Pháp thuộc mẹ còn chống chọi được, bọn thực dân tiếng thế chứ không đến
nỗi ác như bọn này. Bây giờ khó lắm, mọi sự làm ăn đều khó, chúng nó bịt kín mọi
đường, bắt mọi người muốn sống phải phụ thuộc chúng nó. Lạy Trời, nếu chúng nó
không phá thì các anh ấy giúp được. Mẹ tin các anh ấy, có các anh ấy mẹ thấy
yên tâm hẳn. Nhưng nếu các anh không giúp được nữa thì các con phải tự lo, tính
trước đi thì vừa...
(1) Quà gia đình gửi vào cho người tù. Gọi bằng tiếp tế trong thời
kỳ này rất sát nghĩa, bởi vì phần nhiều quà gửi vào là thực phẩm để cho người
tù đỡ đói.
(2) Nguyễn Trung Thành, nguyên vụ trưởng Vụ bảo vệ Ðảng vào thời
kỳ đánh xét lại. Trong thư gửi Tổng bí thư Ðảng cộng sản Việt Nam Trần Minh Việt
(Lê Quang Dụ), phó bí thư thành ủy Hà Nội kiêm phó chủ tịch ỷy ban hành chính
Hà Nội, bị bắt ngày 18.10.1967 có viết:"Hai người trực tiếp tham gia vụ
đàn áp này là ông Thành (nguyên vụ trưởng Vụ bảo vệ Ðảng, Ban tổ chức Trung
ương) và ông Dương Thông (Bộ Nội Vụ)".
(3) Vào thời kỳ này cuốn Người Với Người Là Bạn của nhà văn
xô-viết Boris Polévoy đang bị những lý thuyết gia cộng sản Việt Nam phê phán về
lập trường tính người chung chung.
(4) Tuyên truyền và giáo dục.
(5) Vào giai đoạn sau Ðại hội XX ÐCSLX, ngành điện ảnh Liên Xô
đã cho ra đời nhiều tác phẩm tiến bộ như Ðàn Sếu Bay, Số Phận Con Người, Bài Ca
Người Lính...Những tác phẩm này bị các cơ quan tuyên giáo Trung Quốc, Việt Nam
tấn công dữ dội. Ðài phát thanh Bắc Kinh dành hàng tháng trời để phê phán
chúng.
(6) Nguyên giám đốc Quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh được thành
lập năm 1953, tiền thân của ngành điện ảnh Việt Nam, năm 1954 làm giám đốc Xưởng
phim truyện Hà Nội, rồi đạo diễn phim truyện.
(7) Một tỉnh thuộc Cộng hòa Dân chủ Ðức (Ðông Ðức), thường được
tổ chức các cuộc Liên hoan phim trong các nước xã hội chủ nghĩa.
(8) Sau khi tôi ra tù, vào cuối thập niên 70, nhà biên kịch
Hoàng Tích Chỉ, giám đốc một trong hai Xưởng phim truyện Hà Nội muốn tiếp tục
công việc bỏ dở đã cho người đi tìm kịch bản này, nhưng không tìm ra. Bản thảo
bị công an thu khi khám nhà đã không được trả lại.
(9) Trường Chinh có bút danh Sóng Hồng, Lê Ðức Thọ (Phan Ðình Khải)
dùng chính bí danh.
(10) Tướng trong các vở tuồng, khi bước ra sân khấu bao giờ cũng
vỗ ngực xưng danh "Như ta đây...!". Quảng Lạc là một gánh hát thời
trước Cách mạng Tháng Tám, sau lập một nhà hát mang tên của gánh tại Hà Nội.
(11) Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng (tiếng la-tinh, lời cầu
nguyện hàng ngày của tín đồ Thiên chúa giáo).
(12) Vào thời gian này cán bộ được mua nhu yếu phẩm theo tiêu
chuẩn hàng tháng như sau: gạo - 13,5kg, thịt 0,3kg, đường 0,5 kg, đậu phụ 1kg,
vải 4,5m/năm... Nhưng không phải các hàng tiêu chuẩn đều được mua đúng với tên
gọi của chúng: gạo thường được thay bằng ngô hoặc nửa ngô nửa gạo, thịt thường
được thay bằng đậu phụ hoặc cá khô vv...
(13) Công an mật.
Vui lòng đăng lại Chương 12. Cám ơn.
Trả lờiXóaXin chân thành tri ân Bác Phong Nguyễn đã cảnh báo lỗi xuất bản - Chúng tôi đã kịp thời điều chỉnh lại sự khác biệt giữa hai chương VII và chương XII rồi.
Trả lờiXóaXin cáo lỗi cùng quý độc giả. Và một lần nữa xin chân thành tri ân Bác Phong Nguyễn về commnet trên đây để chúng tôi kịp thời điều chỉnh.
Trân Trọng
KÝ TẾ