Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

VÀI SUY NGHĨ VỀ ÔNG GIÁP: CẢM THƯƠNG NHƯNG KHÔNG KÍNH PHỤC


Huỳnh Thục Vy

Ông ta đã thực sự rời bỏ cuộc chơi, đã từ giã cõi nhân sinh điên đảo này. Không ai biết ông sẽ đi về đâu nhưng ông đã để lại di sản đầy đau đớn và nhiễu nhương, để lại cho tất cả chúng ta một Việt Nam với tiếng ai oán khắp nơi. Thôi thì cũng cầu chúc ông ra đi trong thanh thản, dù ông đã  lặng thinh một cách vô cảm trước biết bao người đã ra đi một cách bi thương  khác.
Là người đã có công khai sinh ra một Việt Nam cộng sản, thiết nghĩ không cần bàn đến chuyện ông có lý tưởng hay không lý tưởng và sự cần thiết hay không của những cuộc chiến tranh vô nghĩa mà ông đã đóng vai trò lãnh đạo quân sự tối cao, ông phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về sự im lặng của mình trước những trang lịch sử bất công, gian trá và đau thương mà người Việt Nam đã trải qua. 


Không ít người ca ngợi ông là một trí thức lớn, là nhà văn hoá. Tôi không muốn bàn những chuyện ấy nữa vì đã có nhiều tài liệu lịch sử có sẵn cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về ông Giáp. Chỉ xin hỏi: Ông đã làm gì khi luật sư Nguyễn Mạnh Tường kêu gọi dân chủ pháp trị để rồi sau đó bị thất sủng? Nếu là một trí thức lớn thực sự, lẽ ra ông phải biết dân chủ pháp trị cần cho một quốc gia như thế nào trước cả cụ Tường bởi thực tế cho thấy chủ nghĩa cộng sản đã tàn phá quốc gia như thế nào? Nếu không nhận ra khiếm khuyết của một chế độ độc tài cộng sản, ông có xứng đáng với danh xưng một đại trí thức? Và cứ cho là ông không biết gì về độc tài- dân chủ nhưng khi luật sư Tường lên tiếng về xã hội dân chủ, ông không có động tĩnh gì, đó có phải là biểu hiện của một nhân cách lớn?



Lại nữa, ông đã ở đâu, đã làm gì khi những Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Hữu Loan bị đấu tố, bị đọa đày? Ông có chút tủi nhục, cảm thương hay phẫn nộ nào không khi hàng triệu người miền Nam bỏ nước ra đi trong tức tưởi khi Việt Nam Cộng Hoà bị cưỡng chiếm để rồi hàng trăm nghìn người trong số họ đã vùi thân ngoài biển cả? Ông nghĩ gì khi tướng Trần Độ đã dũng cảm lên tiếng rồi bị đàn áp? Ông đã làm gì khi cụ Hoàng Minh Chính đã tỏ thái độ đối kháng để rồi bị bỏ tù? Ông đã đứng bên lề bao biến cố đau thương của đất nước. Đó có phải là vị trí xứng đáng của một trí thức hay không?



Dù họ là ai, một người vừa mới qua đời nên được cầu nguyện cho sự ra đi bình an. Tôi đã rất phân vân khi viết những dòng này. Có nên viết những lời cay đắng cho một người chết không? Có nên kể tội họ khi họ đã mãi mãi không còn khả năng biện bạch? Nhưng quả tình, tôi không viết những dòng này nhắm vào tướng Giáp, tôi viết cho những người còn sống, cho những người  còn bị ám thị bởi cái ảo ảnh hào quang mà những người cộng sản đã tạo ra. Đa số thanh niên Việt Nam hiện nay sống trong sự lừa gạt đó mà không biết, và cũng không có ý chí vượt thoát ra.



Ông Giáp, vị “đại tướng quân” trong mắt nhiều thanh niên Việt Nam, là người góp công to lớn để tạo dựng và bảo vệ chế độ độc tài tàn bạo này. Ông đã sống quá xa cái tuổi “cổ lai hy” và ra đi trong tình thương yêu của gia tộc, trong sự ngưỡng vọng của nhiều người. Nhưng ông có biết đâu, một người có công gây dựng nên một tập đoàn tội ác như ông lại ra đi thanh thản và vinh quang, trong khi chính những nạn nhân vô tội của chế độ thì lại hứng chịu thảm trạng bi đát của gia đình để rồi phải ra đi trong uất ức, tủi nhục.



Đó chính là một Đặng Ngọc Viết hiền lành, siêng năng bị chính quyền cướp đất, phẫn uất cùng cực đến mức phải ra tay giết chết một quan chức tỉnh Thái Bình rồi tự sát bằng một viên đạn vào tim. Đó là một Thomas Nguyễn Tự Thành-một thuyền nhân bị cưỡng bách hồi hương về Việt Nam từ Thái Lan, bị sách nhiễu và phong toả kinh tế liên tục bởi chính quyền cộng sản đến nỗi uất ức quá phải tự vẫn bằng cách thắt cổ vào ngày 3 tháng 10, trước ngày ông Giáp chết một ngày. Tại sao ông lại được vinh danh khi chính ông là một phần nguyên nhân của những cái chết đau đớn ấy?



Tất nhiên, ông Giáp không còn là lãnh đạo đất nước từ lâu, các chính sách, hành động của chính quyền này ông không tham gia. Nhưng chính  cái quá khứ “oai hùng” và  cái hiện tại vô trách nhiệm của ông tạo nên tính chính đáng cho chế độ tàn ác này. Chế độ này vẫn lấy ông ra làm cái bệ đỡ để biện minh cho những hành động bán nước hại dân của họ. Ông là cái phao cứu sinh khi những người lãnh đạo cộng sản đối diện với sự căm phẫn của người dân vì sự tham quyền cố vị của họ. Vậy mà, không hiểu vì tuổi già làm tiêu hao ý chí, vì sự sợ hãi làm xói mòn lương tâm, hay vì danh lợi của con cháu làm tiêu tan tinh thần trách nhiệm mà cho đến những năm cuối đời ông Giáp vẫn lặng thinh trước hiện tình đất nước vật vã dưới chế độ độc tài, vẫn để cho nhà cầm quyền tiếp tục lợi dụng ông cho chế độ bất nhân của họ. (Chỉ có một lần ông lên tiếng yếu ớt cho vấn đề Boxite Tây nguyên)



Giá như ông lên tiếng cổ vũ cho Nhân quyền Tự do thì tiếng nói của ông đã tác động mạnh mẽ đến lương tâm tuổi trẻ và có thể xoay chuyển ý thức của biết bao người dân đang bị ám thị. Một ông Giáp đại tướng quân chắc chắn có khả năng thức tỉnh quần chúng, làm rúng động đảng cộng sản hơn hẳn một Lê Công Định, Phạm Hồng Sơn, Huỳnh Ngọc Tuấn, Phạm Thanh Nghiên hay Phương Uyên chứ? Thế nhưng, ông đã chọn cách sống trong sự co rút và chết trong cờ xí, kèn trống của chế độ cộng sản, hơn là cách sống trong sự phản tỉnh và chết như một chiến sĩ dân chủ. Đáng lẽ tuổi già phải là giới hạn cuối cùng của sự sợ hãi nhưng ông đã để nó đi cùng ông sang tận thế giới bên kia.



Có người nói: chúng ta không ở vị trí của ông nên không thể hiểu hết những gì ông phải đối mặt. Đúng. Chúng ta không hiểu hoàn cảnh và vị trí của ông. Nhưng chúng ta có thể hiểu được hoàn cảnh của những bạn sinh viên vì biểu tình yêu nước mà bị nhà trường đuổi học và  mất cả tương lai không? Chúng ta có từng đặt mình vào vị trí Phương Uyên, cô bé sinh viên phải chịu biết bao nhiêu sợ hãi, tổn thương tinh thần khi bị bắt và giam giữ chỉ vì cô bé biểu thị lòng yêu nước? Hay như hoàn cảnh gia đình tôi, ba tôi ở tù khi chị em chúng tôi còn thơ dại và mồ côi mẹ; mười mấy năm trời gia đình tôi sống trong cảnh bần hàn, thất học và sự khủng bố của chính quyền. Hoàn cảnh của ông Giáp có ngặt nghèo hơn hoàn cảnh của những người kể trên hay không? Hay để dễ hình dung hơn, tình huống của ông có khó khăn hơn tình huống của tướng Trần Độ, của cụ Hoàng Minh Chính hay không? Tôi cho rằng, vấn đề là ở lương tâm và bản lĩnh!



Ông đã ra đi để lại tất cả, một chế độ độc tài dai dẳng,  những mảnh đời oan khuất, những cuộc đàn áp tiếp diễn, những cái chết oan khiên... Nhưng những dòng này không phải để kể tội ông. Quả thật, thế giới này tồn tại trong trạng thái tương đối của mọi giá trị. Nhưng vẫn có cách để phân biệt những trí tuệ và nhân cách lớn CHÂN THẬT với  sự tô vẽ KHÔNG THẬT. Cầu cho ông ra đi được bình an và xin gởi tới ông sự cảm thương cho một kiếp người đa đoan trong thế giới vô minh này nhưng sự tôn kính thì tôi xin giữ lại cho những con người sống với lương tâm, trách nhiệm và ý chí và chết với nỗ lực lên tiếng cho sự thật. Việt Nam còn rất nhiều người để chúng ta thành tâm ca ngợi và kính ngưỡng, nhưng đó không phải là ông.


 Sài Gòn ngày 6 tháng 10 năm 2013

Huỳnh Thục Vy 

6 nhận xét:

  1. Cám ơn Huỳnh Thục Vy đã viết ra những cảm nghĩ này mà tôi hoàn toàn đồng ý và chia xẻ. Rất chính xác. Xin cám ơn.

    Trả lờiXóa
  2. Cái chết không ai thoát khỏi. Cho dù đó là một ông Vua, ông Tướng hay người nô lệ, người tù, tử tù…

    Cái chết của ông Giáp vừa qua, được báo chí trong ngoài nước đưa tin nhanh, tranh luận ồn ào qua nhiều bài viết khác nhau, quá tải trong mấy ngày qua… Nhưng hôm thì đã hơi im lại, có lẽ vì mưa bão lụt ở Miền Trung xứ Quảng…
    Ông Giáp, ông Hồ, ông Duẩn, ông Kiệt và Ông Tướng Trần Độ đã đi vào lịch sử…Nhưng đẻ lại nhiều hậu quả bất hạnh cho các thế hệ trẻ Viêt Nam trong tương lai…

    Các nước phát triển văn minh Châu Âu, nơi đẻ ra Chủ Nghĩa Cộng Sản, nhân dân đã dẹp bỏ Cộng Sản và thùng rác từ lâu… Nhân dân đất nước con người Việt Nam, còn u muội không được may mắn như họ…

    Lấy tên điển hình của ba (3) ông, sinh ra ở (3) Miền khác nhau. Đó là ông Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, và ông Tướng Trần Độ.
    Thiết nghĩ cả ba (3) ông công thần, theo Đảng Cộng Sản Việt Nam, như ông Võ Nguyên Giáp, ông Võ Văn Kiệt, ông Tướng Trần Độ. Trước khi nhắm mắt lìa đời họ đã hiểu rõ thực trạng xã hội Viêt Nam Cộng Sản ngày nay!!!
    Như cơn bão ập đến rồi tan. Sau cơn bão xẩy ra ngập lũ, tàn phá tan nát ruộng vườn nhà cửa…
    Vâng. Lịch sử là quá khứ, nhưng cái quá khứ đó nó đeo bám, để cho lại cho một hậu tương lai gánh chịu trả giá…
    Đọc qua tập (Hồi Ký--Phóng Sự) của nhà báo Huy Đức viết về :
    “Bên Thắng Cuộc” Quyền Bính. Chương 15. Tướng Giáp Vụ Án “ Năm Châu—Sáu Sứ”.
    http://viteuu.blogspot.com/2013/01/ben-thang-cuoc-quyen-i-giai-phong_6235.html

    Tác giả niêu lên được bộ mặt thật về những con người cầm quyền Cộng Sản Việt Nam… Bản chất và thử đoạn… Nhân vật Tướng Giáp cũng được tác giả đề cập đến...

    Chương 6 (Vượt Biên) Người Việt Nam tị nạn chạy trốn Cộng Sản...
    http://viteuu.blogspot.com/2013/01/ben-thang-cuoc-quyen-ii-quyen-binh_5937.html

    Huy vong những người viết về lịch sử Việt Nam. Họ sẽ nghiên cứu tham khảo và viết trung thực…


    Trả lờiXóa
  3. Các cụ ta có câu: biết thì thơn thớt, không biết dựa cột mà nghe....
    Chú có đọc bài của cháu, quả thực đây là lời lẽ của kẻ ít chữ, thiếu hiểu biết và bất kính
    Hãy chịu khó học 10 năm nữa đọc lại bài này chắc cháu sẽ rất xấu hổ và không đủ Kiên nhẫn để đọc hết bài...
    Hãy lưu ý " xảy chân dễ chữa, xảy mồm khó chữa"
    Lời chân tình của chú để cháu trở thành "người"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những kẻ thua lý thì thường hay đả kích cá nhân. Đồ hèn.

      Xóa
  4. VNG không hề chỉ huy trận DBP. Tướng Tàu hình như là Vi Quốc Thanh chỉ huy gần 10 tướng Tàu khác, VNG chỉ là 1 tiểu tướng trong số gần 10 tướng này. Các tướng này đã ra hồi ký kể rõ về cuộc chiến với những chi tiết mà chỉ kẻ tham dự trực tiếp mới có.
    http://danlambaovn.blogspot.com/2013/09/nhung-su-that-can-phai-biet-phan-19-su.html#.Ul3aKtJwp8E
    Sau chiến thắng DBP, các tướng Tàu vế để được vinh danh = thưởng.
    Nếu không trưng ra được bằng cớ VNG đã từng ra chỉ thị cho các tướng Tàu, thì đích thị chỉ là 1 tiểu tướng!
    Chính vì biết được sự kiện này, Lê Duấn mới dám đày VNG đi làm:
    Ngày xưa đại tướng cầm quân,
    Ngày nay đại tướng cầm quần chị em!

    Trả lờiXóa
  5. Xem trong hình ông Giáp mặc áo quân phục thật là trơ trẽn. Bài viết về ông Giáp sau đây của một bộ đội cho thấy ông ta háo danh, trơ trẽn, ác độc, hèn nhát đến độ nào. Mời xem:

    VĨNH BIỆT HUYỀN THOẠI

    Nhìn dòng người xếp hàng chờ viếng ông trên đường phố Hà Nội, gợi tôi nhớ đến hình ảnh người dân Bắc Hàn than khóc trong tuyết lạnh trên đường phố Bình Nhưỡng để chia tay với vị lãnh tụ kính yêu Kim Chính Nhật.
    Tôi lớn lên ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đến tuổi đi bộ đội thì cuộc nội chiến đẫm máu Bắc-Nam kết thúc. Nhưng bất hạnh thay, chiến tranh vẫn không buông tha đất nước này. Thế hệ chúng tôi phải tham dự vào một cuộc chiến kế tiếp nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đảng gọi chúng tôi là ‘’Quân tình nguyện’’. Thế giới gọi chúng tôi là ‘’Quân xâm lược’’. Bốn năm trong đội quân do ông chỉ huy, là khoảng thời gian đủ dài để tôi suy ngẫm về sự tàn bạo của chiến tranh và những trò đùa trên số phận con người.

    Với tôi, cái lòng chảo Điện Biên chỉ là một vạc dầu oan nghiệt u mê, ấu trĩ, cuồng tín. Tôi sẽ gọi ông là thánh nếu ông giành độc lập mà không cần phải có một Điện Biên Phủ hung tàn. Nhìn sang những quốc gia lân cận Ấn Độ, Miến Điện, Malasia, Singapore, Indonesia, người ta cũng giành độc lập mà không cần nhiều xương máu như ông.

    Bao nhiêu thế hệ trai làng quê tôi ra đi không trở lại. Có gia đình chết đến tám người con trai. Tuổi thơ của tôi ngập ngụa trong sợ hãi đớn đau, oán giận, khóc than. Nỗi kinh hoàng cứ ập đến mỗi gia đình hằng đêm khi nghe tin người thân của mình đã chết. Tôi căm ghét chiến tranh. Nhưng chiến tranh lại cứ liên miên. ‘’Năm năm, mười năm, hai mươi năm, hoặc lâu hơn nữa…’’ Đất nước hoang tàn. Còn đâu là đời người, còn đâu là nòi giống.

    Diễn văn nhận chức của Tổng Thống Obama có nhắc đến Khe Sanh như một niềm tự hào về sự chiến đấu ngoan cường và lòng quả cảm của người Mỹ. Tết Mậu Thân là môt bằng chứng ông đã thất bại trong trận đánh đẫm máu này. Người Mỹ đã nhận ra sự tàn khốc của cuộc chiến. Họ hy sinh lòng kiêu hãnh để cứu vớt mạng người. Đó là một quyết định khôn ngoan và nhân đạo. Lòng nhân đạo không chỉ giành cho những công dân Mỹ, mà cho cả chúng ta. Nếu nước Mỹ không làm như vậy, thì có lẽ tôi đã không còn ngồi đây viết những dòng này và cái chế độ mà ông phục vụ chắc cũng đã tiêu tan từ đời kiếp nào!

    Tôi đã học, đọc nhiều về thiên tài quân sự của ông, nhưng có một câu hỏi đến nay tôi vẫn không tìm thấy câu trả lời. Năm giờ sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, người Tầu đã dùng đến 15 quân đoàn, tấn công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới có chiều dài khoảng 1500 km, xấp xỉ với khoảng cách từ Hà Nội đến Sài Gòn, nhưng ông không hay biết gì. Phải chăng đó là một sỉ nhục của ngành tình báo do ông lãnh đạo.

    Qua sự việc này chúng tôi mới thấy rõ được đích thực ‘’thiên tài quân sự’’ của ông Tổng Tư Lệnh Giáp!
    Ông rời quân ngũ, rời trận mạc đã lâu, vậy mà càng về già ông càng hay mặc quân phục rất chỉnh tề, thậm chí nằm trên giường bệnh cũng mang quân hàm. Cả nước này, ai không biết ông là tướng. Nhìn lon đại tướng bốn sao ông mang trên vai áo, nhìn những huân chương ông mang đầy ngực, tôi thấy hơi lố bịch và tàn nhẫn. Bởi những huân huy chương kia đồng nghĩa với giết chóc, máu lửa, tử khí, oan hồn.

    Năm triệu người thiệt mạng để ông khai sinh ra một chính quyền. Nhưng chính quyền của ông lại tồi tệ hơn những chính quyền mà ông đã khai tử. Liệu vong linh của những người đã chết có cho ông được bình yên nơi chín suối.

    Nhiều người rất mãn nguyện và nở mày nở mặt vì đám tang của ông được đảng tổ chức trọng thị. Từng sợi tóc của ông được chẻ làm tư để ca ngợi. Quan tài của ông lung linh qua những khải hoàn môn. Nhưng những người dân nước Việt được ông giải phóng vẫn đang vùng vẫy trong lầm than, oan ức, bất công, tủi nhục, đói nghèo.

    Tôi đốt nén nhang vĩnh biệt ông với tình người và Vĩnh Biệt những chiến công thật ra chỉ là huyền thoại.

    Bộ Đội Trần Hồng Tâm từ Việt Nam

    Trả lờiXóa