Phạm Trần
Đại tướng cộng sản Việt Nam Võ Nguyễn Giáp, nhân vật lịch sử của
hai cuộc chiến “chống Pháp giành độc lập” và “chống Mỹ cứu nước” của Việt Nam,
theo cách nói của những người thuộc phe cộng sản trong cuộc chiến, đã từ trần
lúc 18 giờ 9 phút ngày 4/10/2013, hưởng thọ 103 tuổi.
Ông là người sau cùng trong số những “tông đồ tiền phong” của
người sáng lập ra Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1930, ông Hồ Chí Minh, ra đi sau
hơn 59 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc (07/05/1954) để Việt Nam bị chia
đôi nhưng đã đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp lên hàng danh tướng với nhiều đánh giá
chưa có sự đồng thuận ở hai chiến tuyến quốc gia và cộng sản.
Bài viết này không có mục đích cạnh tranh với lịch sử nhưng chỉ
nêu lên một số “thắc mắc” dựa theo các sự kiện gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp
quân sự và chính trị của ông Giáp.
Tiêu diệt các đảng phái quốc gia
Thắc mắc thứ nhất là ông Võ Nguyên Giáp đã căn cứ vào cơ sở
pháp lý nào để chủ động lực lượng công an và quân đội tấn công, tiêu diệt các đảng
phái quốc gia, đặc biệt Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng vào
ngày 16/06/1946 tại Hà Nội rồi sau đó lan qua các địa phướng khác ?
Về phương diện thẩm quyển, tài liệu Bách khoa Toàn thư viết : “Ngày
29-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 82-SL về việc ủy nhiệm Huỳnh
Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay Chủ tịch Chính phủ đi vắng, ký công văn
hàng ngày và chủ toạ họp Hội đồng Chính phủ.Theo Sắc lệnh số 23/SL của Chính phủ
ngày 21 tháng 3 năm 1946, Việt Nam công an vụ là cơ quan thuộc Bộ Nội vụ, như vậy
theo quy định luật pháp thì thẩm quyền chỉ đạo lực lượng công an nằm trong tay
của phó chủ tịch nước Huỳnh Thúc
Kháng. Như vậy từ trước khi lực lượng công an nhân dân phá vụ án phố
Ôn Như Hầu, Võ Nguyên Giáp đã không còn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông cũng không ở
trong nội các, nên về nguyên tắc theo quy định của pháp luật thì không có thẩm
quyền trong việc điều động chỉ huy lực lượng công an và Vệ quốc đoàn. Phải đến
khi sắc lệnh 230 ra ngày 30/11/1946 có hiệu lực thì ông Võ Nguyên Giáp theo quy
định của pháp luật mới có thẩm quyền tổng chỉ huy lực lượng quân đội toàn quốc”.
Vẫn theo tài liệu của Bách khoa Toàn thư thì : “ Việt Nam
Quốc Dân Đảng và sử gia người Mỹ Cecil B. Currey cho rằng : với sự trợ giúp của
quân Pháp, chính Võ Nguyên Giáp là người đã chỉ huy lực lượng công an và quân đội
khám xét và bắt giữ các thành phần chống đối. Theo nhà sử học người Mỹ Cecil B.
Currey, ngày 15 tháng 6, Võ Nguyên Giáp bắt đầu chỉ huy lực lượng an ninh khám
xét các tổ chức có thể đe dọa đến Chính phủ. Số 7 Ôn Như Hầu chỉ là nơi làm việc
bình thường của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Lực lượng công an dưới sự chỉ đạo của
Võ Nguyên Giáp đã tấn công nơi này trong lúc Việt Nam Quốc Dân Đảng không đề
phòng sau đó dựng hiện trường giả để có cớ tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Còn theo sử gia Trần Trọng Kim thì
khi được hỏi về công việc, bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã nói với ông
: “Bây giờ việc gì cũng do địa phương tự trị cả, thành ra không có việc gì
mấy, và khi có việc gì, thì họ làm sẵn xong cả rồi, tôi chỉ có vài chữ ký mà
thôi“.
Vậy mà vào thời buổi ấy, phe cộng sản đã tung ra tài liệu viết rằng
: “Theo những kết quả điều tra và những kiến giải của Công An Nhân dân
Việt Nam trong thời điểm đó, những tổ chức thực hiện kế hoạch đảo
chính này do Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng thuộc Mặt trận Quốc
Dân Đảng Việt Nam phối hợp với thực dân Pháp, dự định tiến hành
vào ngày 14/7/1946. Cụ thể hơn, kế hoạch của Việt Quốc và Việt Cách là dự định
nhân ngày Quốc khánh nước Pháp (14/7), khi quân đội Pháp sẽ diễu binh trên một
số đường phố lớn ở Hà Nội, người của Quốc Dân Đảng sẽ ném lựu đạn vào quân
Pháp, từ đó tạo cớ cho phía Pháp tấn công bao vây các cơ quan trung ương, bắt
cán bộ lãnh đạo và nhân viên Chính phủ, lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa, nhân dịp đó Quốc Dân Đảng sẽ tuyên bố đảo chính, lập Chính phủ mới.[6].[7] Do lực lượng công an đã điều tra, thu
thập thông tin nên sớm phát hiện âm mưu của Việt Quốc, Việt Cách. Ngày
12/7/1946 lực lượng công an nhân dân đã tiến hành khám xét trụ sở bí mật của Quốc
Dân Đảng ở số nhà 132 phố Duvigneau (nay là phố Bùi Thị Xuân). Cùng ngày, công
an tấn công một loạt cơ sở khác của Quốc Dân Đảng ở Hà Nội, trong đó có nhà số
7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội). Tiếp sau Hà Nội, lực lượng
công an nhân dân đã tiến hành khám xét các cơ sở của Việt Quốc, Việt Cách ở Hải
Phòng và một số tỉnh khác ở miền Bắc” (Bách khoa Toàn thư).
Tài liệu tố cáo tiếp : “Trong quá trình khám xét trụ sở của Việt
Quốc, Việt Cách, công an đã thu được nhiều vũ khí, truyền đơn, tài liệu, giấy bạc
giả, dụng cụ tra tấn… Việc phá vụ án này có ý nghĩa to lớn góp phần củng cố
chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới còn non trẻ, để từ đó chuẩn bị bước
vào cuộc chiến tranh chống
lại sự tái xâm lược của thực dân Pháp trong giai đoạn 1946 –
1954”.
Nhưng, Bách khoa Toàn thư cũng lưu ý rằng : “Theo quan điểm của
phía Việt Nam Quốc Dân Đảng và
các nhà sử học như Cecil B. Currey (Hoa Kỳ), thì kế hoạch này không có thật và
đây một vụ việc do phía Việt Minh, dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp, dựng lên
nhằm triệt hạ đối thủ chính trị của mình là Việt Nam Quốc Dân Đảng. Một số học
giả khác như Gisèle Luce Bousquet và Pierre Brocheux (Pháp) thì cho rằng đến
nay chưa ai biết sự thật vụ việc này như thế nào”.
Như thế rõ ràng một điều là ông Võ Nguyên Giáp có chủ động vụ tấn
công các đảng phái quốc gia không ủng hộ đảng cộng sản Việt Nam, nhưng bằng chứng
đưa đến lời cáo buộc của phe cộng sản để bảo vệ lý do tấn công chưa được làm
sáng tỏ đối với một số học gỉa người nước ngoài.
Lịch sử quanh vụ này còn mang nhiều nghi vấn, nhưng Đại tướng Bộ
trưởng công an Trần Đại Quang đã mau chóng lập lại “thành tích này” của ông
Giáp, chỉ sau 3 ngày ông lìa đời, dựa theo quan điểm của phiá cộng sản năm 1946
để nói về tính “nhậy bén trong nhiệm vụ” của lực lượng công an.
Tướng Quang viết : “Trước những khó khăn, phức tạp của cuộc đấu
tranh chống phản cách mạng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, trên cương vị
bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo thống nhất tổ chức,
nhiệm vụ và bổ sung cán bộ, củng cố lực lượng công an trong cả nước theo Sắc lệnh
số 23-SL ngày 21/2/1946 do chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành về thành lập Việt
Nam Công an vụ.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và
của đại tướng, lực lượng công an nhân dân đã đập tan nhiều âm mưu, hoạt động chống
phá của bọn phản cách mạng, đặc biệt đã đập tan âm mưu đảo chính của Quốc Dân Đảng
câu kết với thực dân Pháp trong vụ án phản động xảy ra tại phố Ôn Như Hầu, Hà Nội
(gọi tắt là vụ án Ôn Như Hầu) trong bối cảnh chính quyền cách mạng còn non trẻ
như “ngàn cân treo sợi tóc” (Báo Công an Nhân dân, 07/10/2013).
Và ngay chính ông Giáp, 49 năm sau ngày “càn quét” các đảng phái
quốc gia 16/06/1946 để sau đó làm tan rã Chính phủ liên hiệp Quốc-Cộng đầu
tiên, cũng đã xác nhận vai trò của ông ngày ấy, theo lời kể của tướng công an
Trần Đại Quang : “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá cao những thành tích,
chiến công xuất sắc của lực lượng công an nhân dân thời kỳ này và chỉ rõ : “Vụ
án Ôn Như Hầu đã trấn áp được bọn phản động. Nhưng trong lúc trấn áp vừa diệt
được lực lượng chống đối, phá được cuộc đảo chính, lại tranh thủ được sự đồng
tình, ủng hộ của nhân dân ; đoàn kết rộng rãi hơn nữa, kể cả dư luận trong nước
cũng như ngoài nước… Vụ án Ôn Như Hầu là một thành tích tốt, rất tốt của công
tác phản gián của ta, của công an nhân dân. Ý nghĩa của nó không những chỉ dập
tắt âm mưu của bọn phản động câu kết với nước ngoài để cướp chính quyền ở Hà Nội
– một hành động đảo chính để làm tay sai cho Pháp, mà còn làm cho mọi người, kể
cả những người còn mơ hồ, thấy rõ bọn nào là bọn phản quốc và chính sách đại
đoàn kết của Chính phủ, càng làm cho toàn dân ủng hộ chúng ta, tạo điều kiện
cho chúng ta củng cố thêm chính quyền một bước. Tôi đánh giá vụ án đó là một vụ
án rất quan trọng. Các đồng chí làm giỏi, sắc bén, có tinh thần trách nhiệm”
(Bài phát biểu của đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội thảo về vụ án Ôn Như Hầu,
ngày 14/3/1995).
Chuyện quanh vụ án Ôn Như Hầu cũng giống như chuyện “cuộc Cách mạng
mùa Thu” tháng Tám, 1945 do “đảng cộng sản lãnh đạo toàn dân đứng lên gìanh độc
lập” chứ không bao giờ, theo như “kinh sách giáo điều” tuyên giáo của nhà nước,
là “một cuộc cướp chính quyền từ tay chính phủ non yếu nhưng hợp pháp Trần Trọng
Kim”.
Cải cách ruộng đất
Thắc mắc thứ hailà sau khi đất nước chia đôi, hai miền Nam-Bắc
có hai chế độ chính trị khác nhau thì đã có trên 1 triệu người dân miền Bắc chạy
bỏ cộng sản di cư vào miền Nam. Xã hội và người dân miền Bắc bắt đầu cuộc sống
nô lệ nghèo đói. Cuộc cách mạng vô sản làm kiệt quệ cả sức người và tài nguyên
đã đặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa miền Bắc vào hàng ngũ các quốc gia cộng sản
hà khắc nhất Thế giới.
Thanh trừng bắt đầu tiếp nối từ Cuộc cải cách ruộng đất khốc liệt,
tàn bạo và dã man ngay cả với những ân nhân của “cách mạng” từ năm 1953 đến năm
1956.
Ước khỏang có từ 10 đến 15,000 người mất mạng sống, tài sản gồm
ruộng vườn, nhà cửa và của riêng bị tịch thu. Hàng ngàn gia đình bị phân tán, đầy
đọa, ngục tù oan khiên khiến ông Hồ Chí Minh phải nhìn nhận sai lầm và sửa sai
tại Hội nghị Trung ương 10 của Đảng Lao động Việt Nam, tháng 9 năm 1956 với lời
tự phê bình : “Giai đoạn vừa qua có nhiều sai lầm và khuyết điểm. Đặc biệt là
trong cuộc cải cách nông nghiệp và điều chỉnh tổ chức. Hội nghị Trung ương lần
thứ 10 đã phân tích chi tiết các khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân và thống nhất
những biện pháp khắc phục. Hội nghị thừa nhận nguyên nhân của những khuyết điểm
là sự yếu kém của bộ máy lãnh đạo. Vì thế Ban chấp hành Trung ương nhận khuyết
điểm của mình. Các ủy viên tham gia trực tiếp đã kiểm điểm trước TƯ theo tinh
thần tự phê, và chấp nhận những hình thức kỷ luật nghiêm khắc” (Tài liệu
Bách khoa Toàn thư).
Tài liệu này cũng cho biết : “Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã
nói về tình cảnh oan sai như sau, trong diễn văn đọc trước Mặt Trận Tổ Quốc,
ngày 30 tháng 10 năm 1956 tại Hà Nội :”Qua cuộc Cải cách ruộng đất ta thấy bao
nhiêu các chiến sĩ cách mạng thành tích lộng lẫy, có người ngực gắn tới hai huy
chương kháng chiến bị kết án là phản động, cường hào gian ác và, sau khi nhận tội,
bị tống giam hay bị hành hình. [...] Trong cuộc kháng chiến anh dũng của ta, những
đồng bào đã hi sinh, có thể nói được, chết với trong lòng chan chứa nỗi vui sướng
vì chết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi nanh vuốt của địch. Họ chết vì địch,
cho ta, đó là cái chết tích cực, cái chết vẻ vang, cái chết oanh liệt mà Tổ quốc
ghi nhớ muôn thuở. Trái lại, các người chết oan vì các sai lầm trong cuộc Cải
cách ruộng đất này, lúc tắt thở, cay đắng đau xót vì chết với một ô danh. Chúng
ta đã xoá bỏ cái ô danh đó, nhưng con cháu của các nạn nhân tài nào mà không ngậm
ngùi ? Đau đớn hơn, bây giờ ta làm thế nào mà biến cái khổ cực của người tắt thở
thành một niềm an ủi cho họ được ?”.
Vẫn theo Tài liệu này thì : “Ngày 29 tháng 10 năm 1956, Đại tướng Võ Nguyên Giáp,
người không tham gia trực tiếp vào sai lầm chương trình Cải cách Ruộng đất,
thay mặt chủ tịch nước đọc bản báo cáo của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành
Trung ương đảng tại nhà hát lớn Hà Nội,
kê khai sai lầm và phát động chiến dịch sửa sai, phục hồi các chức vụ tài sản
cho cán bộ, bộ đội bị đấu tố”.
Rất đáng chú ý là trong số các nạn nhân có cả cụ phó bảng Đặng Văn Hướng, bị
đấu tố chết tại quê nhà Diễn Châu (Nghệ An).
Cụ Hướng là bố ruột của trung tá Quân Đội Nhân Dân Việt Nam
Đặng Văn Việt, từng là trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 - một
trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân Dân Việt Nam.
Tài liệu Bách khoa Toàn thư viết : “Ông từng được người Pháp mệnh
danh là “Con hùm xám đường số 4″ do thành tích chỉ huy đơn vị mình
trong Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, bắt sống cả 2 chỉ huy binh đoàn
Pháp là các Trung tá Marcel Lepage và Pierre Charton…Ngày
19 tháng 12 năm 1953, Luật Cải cách Ruộng đất được thông qua. Đầu năm
1954, gia đình ông trở thành nạn nhân của cuộc đấu tố tàn khốc. Cha ông bị đấu
tố đến chết tại quê nhà khi đương chức là Quốc vụ khanh đặc
trách công tác ở 3 tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh trong Chính phủ Hồ Chí Minh, gia
đình ông ly tán khắp nơi. Bản thân ông bị rời khỏi chức vụ Trung đoàn trưởng,
được điều sang Trung Quốc làm công tác luyện quân, thực chất bị loại trừ khỏi vị
trí chỉ huy quân đội.
Năm 1954, ông trở về Việt Nam, được phân công giảng dạy ở Trường
sĩ quan lục quân. Năm 1958, ông được phong quân hàm trung tá. Năm 1960,
ông xuất ngũ và được điều sang làm cục phó Cục Vật liệu xây dựng, rồi cục phó Cục
Xây dựng cơ bản thuộc ngành Thủy sản đến khi nghỉ hưu”.
Tôi nêu ra trường hợp cụ Đặng Văn Hướng để thắc mắc không hiểu
trong báo cáo trước Hội nghị 10 Ban Chấp hành Trung ương đảng ngày 29/10/1956,
tướng Võ Nguyên Giáp có nói gì đến trường hợp cụ Hướng không và chẳng nhẽ ông
không biết trung tá Đặng Văn Việt, người Trung đoàn trưởng nổi tiếng dưới quyền
ông là con của nạn nhân Quốc vụ khanh trong Chính phủ Hồ Chí Minh, đã bị “đầy”
đi Trung Quốc ?
Và nếu ông Giáp bị rơi vào chỗ oan ức của trung tá Đặng Văn Việt
thì ông sẽ xử trí ra sao, hay là ông cũng là người lính nên chỉ biết thi hạnh lệnh
cấp trên để “đạt mục tiêu bằng mọi gía”, dù phải hy sinh bao nhiêu mạng lính
trên chiến trường ?
Bởi vì, như lời cựu đại tá Bùi Tín, một người rất gần ông trong
nhiều năm chiến tranh, từ tháng 8 năm 1945, đã viết : “Ông mang danh là một
viên tướng «Sát Quân», sát quân một cách lạnh lùng” (VOA tiếng Việt,
09/10/2013).
Hai người bạn – Hai chiến tuyến
Thắc mắc thứ ba, từ câu nói của cựu đại tá Bùi Tín, nguyên phó tổng
biên tập báo Quân Đội Nhân Dân, tôi lại nhớ đến lần tham quan Sài Gòn
của tướng Giáp đầu tháng 5 năm 1975, sau khi Sài Gòn “được giải phóng”. Theo
Nhà báo Bùi Tín thì đây là lần đầu tiên trong suốt cuộc chiến tranh 20 năm xâm
lăng miền Nam mà ông Giáp đã có phần trách nhiệm lớn xua hàng trăm ngàn thanh
niên, thiếu nữ miền Bắc vượt Trường Sơn vô Nam đổ máu cho cuộc chiến mang danh
nghĩa “giải phóng”, tướng Giáp mới có dịp đặt chân đến thành phố mang tên “hòn
ngọc viễn Đông”.
Tôi thắc mắc không biết tướng Giáp đã nghĩ gì khi ông thấy cảnh
sống nhộn nhịp và nhà phố nguy nga của Sài Gòn “được giải phóng” không giống
như Hà Nội lạnh lùng, xác xơ “ không thấy phố/ không thấy nhà /chỉ thấy mưa sa
/ trên màu cờ đỏ” (thơ Trần Dần) ?
Cũng từ thành phố này, lệnh gọi quân-cán-chính và đảng viên các
đoàn thể chính trị, xã hội và văn nghệ sỹ miền Nam đi “tập trung học tập cải tạo”.
Và trong số những chính trị gia nổi tiếng phải đi “cải tạo” có cả người bạn thời
chống Pháp của ông Giáp, luật sự, cựu dân biểu, cựu phó thủ tướng Việt Nam Cộng
Hòa Trần Văn Tuyên.
Luật
sư Tuyên từng là giáo sư trường Thăng Long (Hà Nội) cùng với ông Giáp và một
thời từng là bạn cùng chí hướng chống thực dân Pháp, nhưng ông Giáp đi theo
cộng sản còn luật sư Tuyên, là một lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng chống cả
Pháp và cộng sản.
Sự
thân thiện giữa hai nhân vật khác chiến tuyến được giáo sư Nguyễn Quốc Khải,
viết trongVietnam Review và báo Ngày Nay ngày
21/10/2005 như sau :
“Trong
lần cuối cùng gập gỡ nhau nhân hội-nghị sơ bộ với Pháp khai mạc vào ngày
19/4/1946 tại trường Yersin, Đà Lạt để chuẩn bị cho hội nghị Fontainebleau,
tướng Giáp thuộc phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng-Hòa (Việt-Minh) còn kêu gọi
luật sư Tuyên trở về hợp tác với ông Hồ Chí Minh. Sau khi bị từ khước tướng
Giáp còn nói với luật sư Tuyên một câu bằng Pháp ngữ nguyên văn như sau : “Alors,
tu restes toujours mon ami”. (Dù sao anh cũng sẽ mãi mãi là bạn của tôi). Luật
sư Tuyên và tướng Giáp vẫn kính mến nhau mặc dù hai người ở hai chiến tuyến
khác nhau. Luật sư Tuyên đã nhắc lại kỷ niệm đó với một ký giả của tờ báo the
Korea Herald trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9/1972”.
Vẫn
theo giáo sư Khải thì : “ Sau khi Miền Nam thất thủ, tướng Giáp cử một
sĩ quan cao cấp vào Sài Gòn đưa thư đề nghị luật sư Tuyên viết thư cho Bộ Chính
Trị tại Hà Nội để khỏi đi học tập cải tạo. Luật sư Tuyên đã cám ơn tướng Giáp
nhưng không chấp thuận đề nghị của ông”.
Ngày
16/05/1975, chính quyền cộng sản tại Sài Gòn đã bắt luật sư Tuyên vào “trại cải
tạo” tại Long Thành. Khi bị bắt buộc viết bản tự kiểm thảo, theo lời kể của gia
đình, luật sư Tuyên chỉ viết có mấy hàng chữ : “Tôi không có tội gì
với tổ quốc và đồng bào của tôi cả. Nếu có tội thì đó chỉ là tội chống cộng
sản, chống thực dân, chống độc tài và bất công”.
Sau
đó, luật sư Tuyên bị đưa ra giam và lao động cực nhọc tại một trại ở Hà Nam (Hà
Sơn Bình). Theo các nhân chứng, ông bị ngất xỉu trong một buổi nghe quản giáo
“thuyết giảng”. Sai khi y tá trại đến tiêm cho ông một mũi thuốc thì trại giam
đã chở ông đi bằng xe vận tải chở đá.
Một
ngày sau, trại giam loan báo luật sư Tuyên từ trần từ ngày 28 tháng
10 năm 1976 nhưng mãi đến năm 1978 thì chính quyền Hà Nội mới
xác nhận cái chết của ông khi Chính phủ Pháp và các Tổ chức nhân quyền đòi cộng
sản Việt Nam cho biết tin.
Khi
qua Pháp vào tháng 6/1977 để xin viện trợ, thủ tướng cộng sản Việt Nam Phạm Văn
Đồng đã phải nói dối luật sư Tuyên vẫn sống và khoẻ mạnh vì sợ công luận Pháp
nổi giận.
Lãnh
tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã từ chối rời Sài Gòn trước ngày 30/4/1975 dù có sự
giúp đỡ của hai chính phủ Pháp và Mỹ. Ông nói với người con gái, bà Trần
Đạm-Phương theo chồng sống tại Mỹ trước ngày 30/4/1975 : “Thà chết vì bàn
tay của kẻ thù còn hơn sống yên thân trong sự khinh thường của đồng bào, của
bạn bè, của đồng chí và đồng minh”.
Là
bạn thân của luật sự Tuyên, tôi không biết tướng Võ Nguyên Giáp đã nghĩ như thế
nào về nhân cách con người của nhà cách mạng Trần Văn Tuyên cũng như “cách nói
dối của ông Phạm Văn Đồng” ?
Nướng quân, một giá phải trả ?
Thắc mắc thứ tưlà tôi không biết tướng Giáp có suy nghĩ như thế
nào khi ông nhìn thấy, hoặc không bao giờ được trông thấy hình những “thiếu
binh” quân cộng sản chưa đầy 18 tuổi chết ở chiến trường rừng cao su Dầu Tiếng,
tỉnh Bình Dương mà chân họ vẫn còn bị cột giây xích sắt vào cây cao su để không
được bỏ chạy khi lâm trận ?
Tại
sao phải làm như thế với một người lính ? Cũng như tại sao chỉ vì nhu cầu “phô
trương thanh thế chính trị tại bàn Hội nghị hòa đàm ở Paris năm 1972 mà nhiều
trung đoàn chính quy quân đội miền Bắc đã phải “chôn chân” để bị thiệt hại nặng
nề, có Tiểu đoàn chỉ còn 7 người sống sót, trong suốt 81 ngày đêm ở mặt trận cố
thủ Cổ thành Quảng Trị ?
Ước
tình có từ 5.000 đến 10.000 quân lính miền Bắc đã bỏ xác ở mặt trận này từ
28/06 đến 16/09/1972.
Tướng
cộng sản Việt Nam Lê Phi Long được Báck khoa Toàn trích nói với BBC vào năm
2008 : “Chiến dịch Quảng Trị kéo dài, thương vong rất lớn, có thể nói
là lớn nhất so với tất cả các chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến. Mỗi lần
nghĩ lại tôi rất đau lòng. Mãi đến bây giờ (2008), tôi và nhiều đồng nghiệp vẫn
chưa hiểu vì sao ta phải cố thủ thành cổ với một giá đắt như vậy, ai chủ
trương, ai chịu trách nhiệm trước lịch sử ? Có cán bộ cấp trên giải thích rằng
do yêu cầu của đấu tranh ngoại giao, cần giữ vững thành cổ để phối hợp với cuộc
đàm phán tại hội nghị Paris. Nhưng quyết định chiến trường phải là người lính”.
Cũng
như trong trận tấn công Tết Mậu Thân của lực lượng cộng sản ở miền Nam năm năm
1968, ai trong Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam hay chỉ hai ông tổng bí thư
Lê Duẩn và Lê Đức Thọ phải chịu trách nhiệm vế số thương vong từ 85.000 đến
100.000 quân cộng sản bị loai khỏi vòng chiến, so với thiệt hại của đồng minh
có trên 6.000 tử thương, ngót 30.000 bị thương và trên 1.000 quân bị mất tích.
Tính
riêng tại Huế trong 26 ngày đêm thành phố bị quân cộng sản chiếm đóng cũng đã
có từ 5.000 đến 6.000 người chết và mất tích, đa số bị quân cộng sản thảm sát
bằng nhiều hình thức, kể cả chôn sống hay đập đầu cho chết vì muốn tiết kiệm
đạn để chiến đấu.
Cuộc
thảm sát thường dân vô tội ở Huế của bộ đội cộng sản có làm ông Giáp mủi lòng
không, hay ông đã nghĩ gì về lời lên án của bà bộ trưởng y tế Dương Quỳnh Hoa
của chính phủ gọi là Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nói rằng các
cấp chỉ huy quân sự miền Bắc có chủ ý để cho lính của Mặt trận Giải phóng miền
Nam hy sinh đến 80% lực lượng trong cuộc tấn công Mậu Thân ?
Tướng
Võ Nguyên Giáp không có mặt ở Việt Nam khi cuộc tấn công Mậu Thân xẩy ra mà ông
đi chữa bệnh ở Hung Gia Lợi, nhưng ông lại là người tích cực sọan thảo kế họach
tổng tấn công Việt Nam Cộng Hòa từ sau khi ký kết Hiệp định Paris năm 1973.
Cuối
cùng thì miền Bắc, được quân viện ào ạt của Nga và Trung Quốc đã thắng cuộc
chiến ngày 30/04/1975 vì miền Nam không còn súng đạn và yểm trợ của Hoa Kỳ.
Nhưng sau chiến tranh, thay vì “trả thù tắm máu” thì chính quyền cộng sản đã
hủy họai cả tinh thần lẫn vật chất của người miền Nam.
Ngoài
các trại tù lao động được ngụy trang bằng danh từ mỹ miều “học tập cải tạo” đã
làm cho nhiều ngàn quân lính Việt Nam Cộng Hòa bị chết vì lao động cực nhọc,
thiếu ăn và bị đầy đọa nơi rừng thiêng nước độc, vợ con lính và công chức Việt
Nam Cộng Hòa còn bị đuổi ra khỏi thành phố đến các khu kinh tế mới không nước,
không nhà, không lương thực.
Rồi
trên 1 triệu người miền Nam, trong số có hàng ngàn tinh hoa trí thức, đã phải
liều chết vượt biên, vượt biển đi tìm tự do. Bao nhiêu chục ngàn con dân nước
Việt, kể cả phụ nữ, trẻ em và người gìa đã chết chìm, bị hải tặc hãm hiếp, cướp
bóc, bị giết mất xác trên biển Biển Đông chỉ vì không sống nổi với “đạo quân
giải phóng miền Bắc”.
Chắc
tướng Võ Nguyên Giáp phải biết tất cả những chuyện đau lòng và tủi nhục này vì
ông đã dự phần vào việc sọan thảo và bàn bạc chính sách của đảng.
Nhưng
không ai biết tướng Giáp đã nghĩ gì về câu nói của thủ tướng Võ Văn Kiệt : “Chiến
thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng
đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân
miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên
kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến
tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó
là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm
nó thêm rỉ máu” (Tuần báo Quốc Tế, 18/04/2005).
Ông
Kiệt nói không sai vì đất nước sau ngày chiến tranh chấm dứt tuy đã có độc lập
nhưng người dân chưa có tự do và dân chủ như ông Hồ Chí Minh từng ước ao “không
gì qúy hơn độc lập tự do”. Đói nghèo đối với số rất đông trong 87 triệu
người dân vẫn thường xuyên năm này qua năm khác. Những người lính của Quân đội
Nhân Dân cầm súng theo lệnh tướng Giáp đã được hưởng gì trong hòa bình sau hai
cuộc chiến hay vẫn nghèo xơ nghèo xác để thấy người dân hai miền Nam-Bắc vẫn
tiếp tục “xa mặt cách lòng” hơn bao giờ hết ?
Và
sau 38 năm thống nhất đất nước, chưa bao giờ những kẻ có chức có quyền lại được
tự do hành dân và được tự do tham nhũng làm giầu như thời hậu 1975.
Trong
khi ấy thì văn hoá dân tộc bị suy đồi, lịch sử giữ nước và dựng nước của tiền
nhân bị quên lãng chạy đua song song với mức lên cao các loại tội ác và bất
công trong xã hội.
Bên
ngoài thì nguy cơ xâm lược đã đến gần. Tài nguyên và biển đảo của Tổ tiên đang
mất dần vào tay Trung Quốc. Bên trong thì tài nguyên, vật lực của quốc gia đang
chạy vào túi riêng của các nhóm lợi ích quant ham, lòng dân ly tán, mất tin
tưởng vào lãnh đạo lên cao.
Chắc
hẳn là khi còn khỏe mạnh và tỉnh táo trước ngày phải vào ở trong quân y viện
108 cách nay vài năm, tướng Giáp đã biết những thứ gì dân “cần” và dân “thiếu”,
cũng như ông phải biết tại sao thế hệ thuộc hàng con cháu ông đang nắm quyền
trong đảng và nhà nước đã có một thời không coi ông ra gì (1983-1984) và lại
còn dám “bỏ ngoài tai” cả lời khuyên của ông bảo đừng để cho người Tầu Trung
Quốc vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên.
Ông
bảo họ rằng : “Việc xác định một chiến lược phát triển Tây Nguyên bền vững
là vấn đề rất hệ trọng đối với cả nước về kinh tế, văn hóa và an ninh quốc
phòng” (thư gửi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 2009).
Giờ
đây, sau 103 năm sống trên thế gian và 73 đi theo cộng sản, ông Võ Nguyên Giáp
đã ra người thiên cổ, mang theo những tấm Huy Chương chói lòa trên ngực của một
quân nhân nổi tiếng xuống lòng đất quê hương Quảng Bình nhưng những thắc mắc
quanh ông vẫn còn ở lại với lịch sử.
Phạm Trần (10/2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét