Trọng Đạt
Sau khi
miền nam VN mất về tay Cộng Sản ngày 30-4-1975 nhiều người kết tội Dương Văn
Minh đầu hàng giặc, dâng nước cho Bắc Việt, họ nói vì ông mà miền Nam mất. Những
người cảm tình với Dương Văn Minh nói ông có công cứu Sài Gòn và miền Nam Việt
Nam thoát chết, “nếu ông không ra lệnh đầu hàng thì nó pháo kích chết hết !!!”
Sau khi ra Hải ngoại trả lời phỏng vấn báo chí ông nói : “Tôi không cứu được nước
nhưng tôi phải cứu dân”.
Sự thực
ông ấy không có tội mà cũng chẳng có công, dù ông có hay không ra làm Tổng thống
‘hơn một ngày rưỡi’ thì tình hình miền nam VN và Sài Gòn cũng vẫn y nguyên như
thế. Hẳn mọi người đều biết, vào thời điểm ấy miền nam VN hầu như vô chính phủ,
các vị Tổng thống, Thủ tướng, các vị Bốn sao , Ba sao, các ông lớn…đều đã “tẩu
vi thượng sách”, Việt Cộng đang tiến quân vào.
Ngược
dòng thời gian tháng 11-1972 khi sắp ký Hiệp định Paris Hoa kỳ đã vội vã cung cấp
cho VNCH khoảng gần 600 máy bay các loại gồm : 200 máy bay phản lực chiến đấu,
khoảng 340 trực thăng các loại và mấy chục máy bay vận tải, thám thính, ba tiểu
đoàn pháo binh 175mm, hai tiểu đoàn thiết giáp M-48, 286. (Theo Nixon, No More
Vietnams, trang 170-171). Miền Bắc bị thiệt hại nặng sau trận mùa hè đỏ lửa
1972, họ mất khoảng 100 ngàn quân, 700 xe tăng (Nguyễn đức Phương- Chiến Tranh
Việt Nam Toàn Tập trang 587), lại nữa cuối 1972, TT Nixon cho B-52 oanh tạc dữ
dội Hà nội, Hải phòng đánh phá tan nát bộ máy chiến tranh của Bắc Việt”( No
More Vietnams. Trang 158). Sau ngày ký Hiệp định Paris 27-1-1973, VNCH yên tâm
vì tiềm năng quân sự miền Nam mạnh hơn miền Bắc.
Tuy nhiên
tình hình thay đổi rất nhanh, cán cân lực lượng hai miền đã đảo ngược từ 1974,
CS quốc tế vẫn tiếp tục vẫn viện trợ quân sự đều đặn cho Hà Nội: Giai đoạn
1969-1972 BV được Nga, Trung Cộng viện trợ 684,666 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật.
Giai đoạn 1972-1975 họ nhận được 649,246 tấn hàng vũ khí, số lượng hàng viện trợ
của hai giai đoạn tương đương nhau.(Bản tin của BBC.com ngày 5-10-2006). Theo
Kissinger, Hà nội đã xin được viện trợ của Xô viết tăng gấp bội. Thàng 12- 1974,
một viên chức cao cấp Nga viếng Hà Nội lần đầu tiên kể từ sau ngày ký Hiệp định
Paris . Tổng tham mưu trưởng Nga Viktor Kulikov tới tham dự họp chiến lược với
Bộ chính trị BV, nay họ bãi bỏ hạn chế trước đây. Xô Viết đã chở vũ khí viện trợ
quân sự cho Hà Nội tăng gấp 4 lần trong những tháng sau đó. Nga khuyến khích BV
gây hấn (Years of Renewal trang 481)
Trong khi
đó miền nam bị Quốc hội Mỹ xiết cổ từ từ, Hạ Viện Mỹ 1972 Dân chủ chiếm đa số
242 ghế, Cộng Hòa 192 ghế, họ chống đối chiến tranh VN rất mạnh, trước hết họ cắt
giảm quân viện xương tủy mỗi năm khoảng 50%: Từ 2,1 tỷ tài khóa 1973 xuống còn
một tỷ tài khóa 1974 và xuống còn 700 triệu tài khoá 1975, cón số này thực ra
chỉ bằng 500 triệu vì dầu thô lên giá, tiền mất giá (theo Henry Kissinger, Years
of Renewal trang 471). Ngày 15-8 -1973 ban hành luật của Quốc hội cắt bỏ tất cả
các ngân khoản dùng trực tiếp gián tiếp cho các hoạt động quận sự Mỹ tại Đông
Dương. Ngày 7-11-1973 Quốc Hội ban hành luật War Powers Resolution hạn chế quyền
Tổng thống trong chiến tranh, Tổng thống muốn đem quân ra ngoại quốc phải đưa
ra Quốc hội để trói tay hành pháp thì số phận của VNCH coi như đã được quyết định
rồi.
Kỳ bầu cử Hạ viện Mỹ tháng 11-1974, Dân chủ chiếm đại đa số, tỷ lệ 66.9% Hạ viện
với 291 ghế, Cộng Hòa 144 ghế. Dân chủ chống chiến tranh Đông Dương quyết liệt,
cắt bỏ bất cứ ngân khoản viện trợ nào giành cho Đông Dương. VNCH lâm vào tình
trạng đen tối. Hậu quả của cắt giảm quân viện khiến cho miền Nam ngày càng thiếu
thốn tiếp liệu đạn dược. Từ tháng 7-1974 quân đội chỉ xử dụng khoảng 19 ngàn tấn
đạn một tháng so với 73 ngàn tấn một tháng thời gian trước đó, hoả lực giảm
trên 70%. Theo ông Cao Văn Viên nạn đào ngũ (Những ngày cuối VNCH trang 79) khiến
cho quân số thiếu hụt. Hàng tháng lính đào ngũ trung bình lên tới 1,5 hay 2 phần
trăm tổng số quân và như vậy hàng năm quân đội mất đi gần 1/4 quân số, hàng năm
phải tuyển mộ từ 200 tới 240 ngàn người để thay thế số thương vong, đào ngũ
nhưng trên thực tế không tuyển mộ được đủ số tân binh như phỏng định vì nạn trốn
quân dịch.
Cuối 1974
đầu 1975 CSBV đánh chiếm Phươc Long để thăm dò Mỹ. Trước nguy cơ sụp đổ,
TT Thiệu gửi thư cho TT Ford xin Viện trợ bổ túc 300 triệu. Tháng 3-1974 BV tấn
công chiếm Ban Mê Thuột, Quốc hội Mỹ bác bỏ khoản viện trợ cho miền Nam và không
chuẩn chi cho năm tới 1976.
Tình hình
quân sự ngày càng thê thảm, ông Cao Văn Viên (Những Ngày Cuối VNCH, trang 92)
cho biết vào tháng 2-75, đạn tồn kho chỉ còn đủ dùng khoảng 30 ngày. Tháng
4-1975, đạn tồn kho ở bốn kho dự trữ tuột dốc xuống mức thấp nhất chỉ đủ xài từ
14 đến 20 ngày. Kể từ sau Hiệp định Paris VNCH không còn trông cậy vào yểm trợ
của B-52 nữa.
Cuối
tháng 3-1975, do kế hoạch tái phối trí lực lượng sai lầm của TT Thiệu đã khiến
VNCH mất hai quân khu I và II, mất luôn cả hai quân đoàn 1 và II trong hai tuần
lễ từ 14-3 tới 30-3-75. VNCH mất 5 sư đoàn bộ binh (22, 23, 1, 2, 3), 11 liên
đoàn Biệt động quân, mất gần hết 2 sư đoàn tổng trừ bị.. vũ khí đạn dược coi
như mất hết, một phần lớn lọt vào tay Cộng quân.
BV hối hả
đưa nốt 3 sư đoàn tổng trừ bị (thuộc quân đoàn 1) vào Nam, Hà Nội dùng mọi
phương tiện không quân, hải quân, đường bộ để chuyển quân gấp rút vào Nam bao
vây Saigon. Họ dốc toàn bộ lực lượng vào Nam Lực lượng tham chiến của BV vào
khoảng gần 20 Sư đoàn (gồm 4 quân đoàn 1, 2, 3, 4 và đoàn 232, sáu trung đoàn đặc
công, 6 trung đoàn độc lập). Vũ khí đạn dược của BV gấp bội lần năm 1972.
Trong thời
gian này tại Hoa Thịnh Đốn Kissinger báo cáo trong phiên họp Nội các:
“Toàn bộ
lực lượng của QĐBV hiện đã vào nam, chỉ cần một Lữ đoàn TQLC là ta có thể chiếm
hết miền Bắc, một sự vi phạm trắng trợn.
Ông cũng
nói “Chúng ta không còn tiền để chơi ván bài”, sự thật Hành pháp đã bị Quốc hội
trói tay.
Ngày
10-4-1975 VNCH còn hy vọng vào viện trợ khẩn cấp 722 triệu do TT Ford đưa ra Quốc
hội, ngày 18-4 ngân khoản này bị bác bỏ. Nhiều chính khách nhận định khoản viện
trợ này nếu được chấp thuận cũng chỉ kéo dài thêm sự hấp hối của miền Nam mà
thôi. Ngày 21-4-1975 TT Thiệu từ chức, Phó Tổng Thống Trần văn Hương lên thay,
mấy ngày sau ông Thiệu và Thủ tướng Khiêm rời Sài Gòn ra đi hôm 24-4..
Trở lại chuyện ông Dương văn Minh. Sải gòn có nhiều tin đồn về việc ông Dương
Văn Minh sắp lên làm Tổng Thống thay Trần Văn Hương.
Cụ Hương
lên thay ông Thiệu được bốn năm ngày bèn ngỏ lời với đồng bào về hiện tình đất
nước trên đài phát thanh Sài Gòn, giọng sướt mướt, vừa nói vừa khóc.
“Thưa đồng
bào, tình hình hiện nay vô cùng bi đát… Một vùng Hai miền Trung đã hoàn toàn
tan rã, vùng Ba, vùng Bốn nay cũng đã bị nhiều sứt mẻ. Rồi mai đây những trận
đánh sấm sét sẽ đổ xuống và rồi thủ đô Sài Gòn này sẽ thành cái núi xương sông
máu. Tôi đã nghĩ đến cái cảnh núi xương sống máu ấy và đã bàn với anh Dương văn
Minh, tôi có nói với ảnh như vầy “Bây giờ tôi bàn giao chính quyền cho anh,
nhưng bàn giao để anh tìm cái giải pháp hoà bình cho đất nước chứ bàn giao cho
anh để anh đầu hàng thì bàn giao làm gì. . hở trời!!.
Người dân
vừa sợ vừa thông cảm cho cụ già vì cụ quá thật thà, cụ đã đem hết mọi bí mật quốc
gia nói huỵch toẹt trên đài phát thanh!! Thực ra nay cũng chẳng còn bí mật gì để
giữ.
Những lời
đồn nay đã thành sự thật, ông Dương văn Minh sẽ lên làm Tổng thống. Theo lời kể
của ông Nguyễn đình Toàn trong bài “Đại Tướng Dương Văn Minh: Em Làm Chứng Cho
Goa” (Người Việt Dallas, tháng 4-2011), ông Toàn và các ông Đỗ đình Tứ, Nguyễn
Văn Bình đi thuyết phục Dương Văn Minh ra nhận nhiệm vụ, Đại tướng thất vọng
nói:
“Đại Tướng
trầm ngâm suy nghĩ, cúi đầu xuống một lúc rồi nói: “Em thấy đó, tối hổm Trung
Tướng Đôn đã trình bày cho chúng ta biết về tình hình quân đội, về khả năng tái
phối trí của quân đội… quân của mình hầu như tan hàng hết rồi, không thể nào có
thể tái phối trí được nữa, quân tản mạn, phân tán khắp nơi, còn các kho vũ khí,
súng đạn của mình trên nguyên tắc là dự trữ từ 3 đến 6 tháng, nay cũng không
còn kiểm soát được nữa. Cả chục sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt đang áp sát Sàigòn,
hàng chục ngàn hỏa tiễn 130 ly và 222 ly đang sẵn sàng bắn vào đây. Ngay cả chủ
quyền tối thiểu của mình cũng không còn, phi trường Tân Sơn Nhất người Mỹ họ ra
vào tự do, muốn đưa ai đi thì đưa, họ dùng đoàn xe MP và Thủy Quân Lục Chiến mở
đường để đưa người của họ vào, Quân Cảnh mình có chặn lại cũng bị MP và Thủy
Quân Lục Chiến Mỹ lên đạn uy hiếp nên đành phải để cho họ đi… Tình hình như vậy
em bảo làm sao mà ” Goa ” dám nhận nữa? Vậy em nghĩ sao?”
Ông Toàn
và mấy người bạn nói
“Nếu Đại
Tướng thương nước thương dân thì Đại Tướng phải biết hy sinh chứ? Nếu bây giờ Đại
Tướng nói tình hình nó nguy hiểm như thế, nó khó khăn như vậy mà Đại Tướng
không nhận nữa… thì Đại Tướng đâu có thương dân thương nước.
Tôi thuyết phục Đại Tướng cả gần tiếng đồng hồ như vậy, hai anh bạn tôi cũng
nói thêm vào. Cuối cùng Đại Tướng nhìn thẳng vào tôi và nói:
“Bây giờ
em nói sao? Em nói “Goa” phải ôm, nó là cái vạc dầu đang sôi, em biểu “Goa” ôm,
“Goa” ôm rồi “Goa” chết một mình sao?”
Nghe lời
thuyết phục của ông Toàn, về sau Đại Tướng Minh nhận ra trách nhiệm cứu nước.
Tình hình
quân sự khi ấy vô cùng nguy khốn. Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Quân đoàn
Ba VNCH tổ chức phòng thủ Sài Gòn trên 5 tuyến chính với khoảng cách tới trung
tâm thành phố xa hơn tầm pháo của đại bác 130 ly của BV.
Phía Tây
Bắc là Tuyến Củ Chi. Tuyến Bình Dương ở phía Bắc. Tuyến Biên Hoà phía Đông Bắc.
Tuyến Vũng Tầu và Quốc lộ 15 phía Đông. Tuyến Long An phía Nam . Lực lượng mỗi
tuyến chưa tới một Sư đoàn trong khi VNCH gần hết đạn phải đương đầu với một lực
lượng địch đông gấp năm, sáu lần với hỏa lực áp đảo.
Chiều
ngày 28-4 Đại Tướng Dương Văn Minh lên nhậm chức Tổng Thống do Cụ Trần Văn
Hương trao lại. Ông đọc diễn từ ngỏ lời cùng đồng bào, một lúc sau năm máy bay
CS ném bom phi trường Tân Sơn Nhât gây kinh hoàng cho cả thành phố Sài Gòn.
Ðúng bẩy giờ đài BBC đọc bản tin tóm tắt về tình hình Việt Nam
“- Hôm
nay tại Sài Gòn ông Dương Văn Minh được cử lên giữ chức vụ quyền Tổng thống
thay thế ông Trần Văn Hương để chuẩn bị cho một cuộc đầu hàng.
-Năm phi
cơ lạ ném bom phi trường Tân Sơn Nhất.
-Nhiều loạt
súng nổ tại Sài Gòn không biết thuộc phe nào.”
Qua phần
bình luận và nhận định người xướng ngôn cho biết lễ bàn giao chức vụ Tổng thống
tại Dinh Ðộc lập chứng tỏ cho thấy sự tan rã của chính quyền Sài Gòn.
Sáng ngày 29-4 Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đọc Văn thư của Tổng thống Dương Văn Minh
yêu cầu cơ quan Tùy viên quân sự DAO phải rút lui trong vòng 24 giờ đồng hồ.
Ngay sau đó đoàn trực thăng gồm 80 chiếc từ hạm đội vào phi trường Tân Sơn Nhất
và tòa Ðại Sứ Mỹ để di tản 1,000 người Mỹ và 6,000 người Việt ra ngoài hạm đội
sau 19 giờ bay liên tục.
Tối 29-4
ông Dương Văn Minh vẫn kêu gọi các lực lượng Quân đội VNCH trên đài phát thanh,
lời kêu gọi lập đi lập lại suốt đêm.
“Các vị
Tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn hãy giữ vững vị trí và chờ lệnh mới”
Các Tướng
Tư lệnh Lý Tòng Bá, Lê Minh Đảo, Lê Nguyên Vỹ, Trần Quang Khôi… đã chiến đấu rất
anh dũng trong những giờ phút cuối cùng nhưng không cứu vãn nổi tình thế. Cộng
quân đã phá vỡ các phòng tuyến VNCH và tiến vào Thủ đô Sài Gòn. Lúc 10 giờ rưỡi
sáng 30-4-75, ông Dương Văn Minh kêu gọi các cấp quân đội giao nạp vũ khí cho Quân
đội Cộng Hòa miền nam VN nơi gần nhất để tránh đổ máu vô ích. Lúc 12 giờ trưa,
Quân dội BV tràn vào dinh Độc Lập bắt ông Dương Văn Minh lên đài phát thanh
tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
Tính ra
ông Dương Văn Minh làm Tổng thống từ chiều tối ngày 28 -4 cho tới 12 giờ trưa
30-4 thì chỉ được có hơn một ngày rưỡi, chưa tới hai ngày. Nhiều người trách
ông không rút về Quân khu Bốn tiếp tục chiến đấu nhưng vấn đề không đơn giản, nếu
làm được thì người ta đã làm rồi. Khi ông vừa lên nhậm chức thì CSBV tấn công hối
hả, ông chưa kịp trở tay thì đã bị địch sông vào dinh Độc lập thộp cổ rồi. Vấn
đề rút về Quân khu Bốn không đơn giản, đạn dược còn bao nhiêu? tinh thần còn
bao nhiêu? chiến đấu được bao lâu? Cầm chắc cái thua trong tay rồi chết thêm có
lợi ích gì không?
Tác giả
Vũ Ánh trong bài: 30 Tháng 4, 75 Và Cụ Nguyễn Văn Huyền, đăng trên trang mạng
Nguoivietboston tháng 4-2012 đã tiếp xúc với Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền
khi ông tới đài Truyền hình Sài gòn chiều tối 28-4-1975. Cụ Phó cho biết đã nhịn
nhục vào Tân Sơn Nhất gặp phái đoàn CS chỉ để yêu cầu họ đừng tấn công bằng hỏa
tiễn vào Sài Gòn, chết người thêm vô ích. Cụ nói khi ông Thiệu bỏ đi ai cũng biết
tình hình cuối cùng sẽ bi đát như hiện nay, cụ ra nhận trách nhiệm khi biết rõ
không còn phương cách nào có thể cứu vãn được. Trước khi cụ quyết định nhiều
người ngăn cản đừng dại gì làm việc trong hoàn cảnh này nhưng là kẻ sĩ thì
không thể thiếu trách nhiệm được, thời bình thì xe ngựa xênh xang, khi đất nước
tan hoang thì bỏ trốn.
Nhiều người trách ông Dương văn Minh đầu hàng giặc, nhưng nếu ông không ra cứu
nước thì tình hình cũng không khác gì hơn. Chiều 28-4 các vị Tổng Tham mưu trưởng,
Tư lệnh Quân đoàn Ba đã “tẩu vi thượng sách”. Cụ Hương biết làm gì hơn? cụ cũng
sẽ lên đài phát thanh than thở, khóc lóc cùng đồng bào và Cộng quân cũng sẽ tiến
vào dinh Độc Lập bắt tuyên bố đấu hàng, hoặc một người thay mặt cụ tuyên bố
hàng. Ông Dương Văn Minh chẳng có tội gì với đất nước.
Nhiều người
khen ông Minh có công cứu nguy Sài gòn, nếu ông không lên làm Tổng thống và nếu
không kêu gọi đầu hàng thì Việt Cộng đã pháo kích chết hết, thành phố tan nát.
Như đã nói ở trên Tướng Toàn thành lập năm tuyến phòng thủ Sài Gòn cách trung
tâm thành phố 27 cây số, bằng tầm pháo cùa đại bác 130 ly của quân thù.
Tại trận Ban Mê Thuột tháng 3-1975, Cộng quân không đánh theo lối bóc vỏ mà
đánh chiếm thị xã trước rồi từ đó mới đánh ra các quận bên ngoài. Khi đánh Sài
Gòn thì ngược lại, họ đánh theo lối bóc vỏ, tấn công phá sập các tuyến phòng thủ
bên ngoài rồi mới tiến vào trung tâm thành phố. Mà thực ra sau khi vòng đai bảo
vệ Sài Gòn sụp đổ thì các ổ kháng cự bên trong thành phố không còn bao nhiêu,
VC chẳng cần phải pháo kích cho tốn đạn, ông Dương Văn Minh cũng chẳng có công
trạng gì.
© Trọng Đạt
HỒ SƠ DƯƠNG VĂN MINH
THÂN THẾ VÀ GIA ĐÌNH
- Ông Dương Văn Minh
sinh năm 1916 ở tỉnh Mỹ Tho. Cha là ông Dương Văn Huề, khi đi học mướn lấy tên
là Dương Văn Mau (tên của người bà con), làm thầy giáo, sau làm tri phủ, rồi
đốc phủ sứ (hàm).
Ông Dương Văn Huề và
bà Nguyễn Thị Kỹ có bảy người con: bốn trai, ba gái. Ông Minh là con cả. Dương
Thanh Nhựt là con trai kế, có tham gia hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng
tháng Tám (năm 1944) và suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, là đại
tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Dương Thanh Sơn, em trai thứ năm, là sĩ quan chế
độ cũ.
Gia đình ông Minh theo
đạo Phật, lễ giáo, nề nếp.
- Năm 1940, Dương Văn
Minh học trường đào tạo hạ sĩ quan và sĩ quan dự bị của Pháp. Năm 1942 vào quân
đội Pháp.
Sau Cách mạng tháng
Tám năm 1945, Dương Văn Minh tham gia lực lượng vũ trang cách mạng chống Pháp
xâm lược. Pháp trở lại, gia đình ông Minh tản cư về Chợ Đệm (Tân An). Lần đó,
ông về thăm nhà, đơn vị rút đi, ông bị kẹt lại chưa tìm được đơn vị thì bị Tây
bắt, buộc ông trở lại làm việc cho quân đội Pháp. Năm 1946, Dương Văn Minh là
thiếu úy, đại đội phó quân đội Pháp. Lần lượt lên đến cấp tá, rồi qua Pháp học
trường võ bị, là một trong những sĩ quan đầu tiên của quân đội “Việt Nam Cộng
Hoà”.
Ông Minh cũng theo đạo
Phật, nhân từ, thương người. Sợ sát sinh, sợ phải giết người. Thấy ai bị nạn
thì ra tay cứu như can thiệp cho em trai bà Bùi Thị Mè (1) là thiếu tá chế độ
cũ bị tình nghi hoạt động cho “Việt Cộng” được thả ra; giúp ông Nguyễn Minh
Triết (Bảy Trung), cán bộ của ta và là em bạn dì ruột bị địch bắt giam ở nhà
lao Phú Lợi, được ra tù…
- Ông Minh là người
rất tự trọng. Sau ngày 30/4/1975, ông được về nhà (98 đường Hồng Thập Tự, nay
là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3) sống với tư cách một “công dân của một
nước độc lập” (2). Đời sống khó khăn, ông lại bị bệnh tiểu đường, bị đau dạ
dày. Có lúc lãnh đạo Thành phố (đồng chí Võ Văn Kiệt) nhờ bà Bùi Thị Mè gợi ý
khéo là Đảng và chính quyền thành phố muốn hỗ trợ ông trong cuộc sống. Nhưng
ông Minh từ chối với lý do: “Các anh các chị sống được thì tôi cũng sống được
nếu chưa quen thì phải tập lại cho quen”.
Năm 1983, ông Minh
được Chính phủ ta chấp thuận để ông sang Pháp trị bệnh và thăm con. Toà Tổng
Lãnh sự Pháp ở Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Ngoại giao Pháp giúp ông Minh
vé máy bay và tiền gửi hành lý nhưng ông Minh từ chối, nói rằng “đã có Chính
phủ Việt Nam lo rồi”.
Khi đi, ông Minh chỉ
xin mang theo một ít đồ cổ trong nhà. Sang Pháp, ông không nhờ vả gì Chính phủ
Pháp, không xin trợ cấp xã hội Pháp.
Dương Văn Minh
QUÁ TRÌNH BINH ĐỊCH VẬN ĐỐI VỚI TƯỚNG DƯƠNG
VĂN MINH
Công tác binh địch vận
đối với tướng Dương Văn Minh bắt đầu từ năm 1962, với nhiều lực lượng, nhiều
ban ngành tham gia: Binh vận Trung Ương Cục, Tình báo, An ninh T4 (Sài Gòn -
Gia Định), Trí vận…
1/ Ban binh vận Trung Ương Cục miền Nam
Năm 1960, theo yêu cầu
của Ban binh vận Xứ ủy Nam bộ (sau này là Trung Ương Cục miền Nam), đồng chí Võ
Văn Thời, Cục trưởng Cục địch vận Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam
đề nghị và được cấp trên đồng ý điều động đồng chí Dương Thanh Nhựt (3) về Cục
để giao nhiệm vụ về miền Nam vận động Dương Văn Minh. Đồng chí Nhựt được đặt bí
danh là Mười Ty. Cuối tháng 12/1960, đồng chí Mười Ty lên đường.
Tháng 8/1962, đồng chí Mười Ty móc
được với gia đình, trước hết là với ông Nguyễn Văn Di, cậu ruột; qua cậu, móc
vợ là Sử Thị Hương, nhắn vợ về thăm mẹ và tìm hiểu thái độ của anh hai Dương
Văn Minh. Sau đó Mười Ty thăm em trai là Dương Thanh Sơn, sĩ quan quân đội Sài
Gòn và em thứ tám là Dương Thu Vân.
Thấy tình hình thuận
lợi, đồng chí Mười Ty hướng dẫn cán bộ mật đem ý kiến của lãnh đạo trao đổi với
Dương Văn Minh về việc đảo chính Chính phủ Ngô Đình Diệm.
Trong lúc Tướng Minh đang bực tức Ngô Đình Diệm độc tài, gia đình trị, phủ nhận
công lao của mình (tảo thanh Bình Xuyên và các giáo phái Hoà Hảo). Tướng Minh
hứa sẽ tìm cách làm.
Ngày 01/11/1963, Trung tướng Dương
Văn Minh nhân danh Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng phát lệnh đảo chính
Chính phủ Ngô Đình Diệm và lên làm Quốc trưởng Việt Nam Cộng Hòa lần thứ nhất.
Đồng chí Mười Ty nắm được ý định Tướng Minh chuẩn bị đảo chính Diệm và có báo
cáo về Ban binh vận Trung Ương Cục.
Sau cuộc đảo chính Ngô
Đình Diệm một thời gian, đồng chí Mười Ty có vào nhà Dương Văn Minh (98 Hồng
Thập Tự, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), sau đó qua nhà em là Dương Thanh
Sơn ở mười ngày. Qua nhiều lần gặp và trao đổi với Dương Văn Minh, đồng chí
Mười Ty cho rằng Tướng Minh trước đây mơ hồ về Mỹ là tên xâm lược, nay thì hết
tranh cãi về điều này, nhưng vẫn còn cho là Mỹ có giúp đỡ miền Nam. Tướng Minh
hứa hủy bỏ ấp chiến lược, cho nhân dân về nhà cũ với ruộng vườn, mồ mả ông bà.
Trong thời gian làm
Quốc trưởng lần thứ nhất. Dương Văn Minh có một số hành động tiến bộ có
lợi cho cách mạng:
+ Quyết định hủy bỏ
16.000 ấp chiến lược. Đại sứ Mỹ Cabot Lodge hỏi Dương Văn Minh vì sao làm thế?
Ông trả lời, đại ý: Người Việt Nam có phong tục tập quán riêng, không người nào
muốn xa rời mảnh đất đã gắn bó đời mình và mồ mả ông cha. Dồn dân vào ấp chiến
lược là chủ trương sai, vì lẽ đó tôi giải tán ấp chiến lược để người dân trở về
quê cũ của mình.
+ Bộ trưởng quốc phòng
Mỹ Mc Namara và Tướng Harkin yêu cầu Quốc trưởng Dương Văn Minh để cho Hoa Kỳ
ném bom ra miền Bắc, không ném ồ ạt mà ném bom nổ chậm trên đê sông Hồng. Miền
Bắc sẽ bị lũ lụt mất mùa, người dân sẽ đói… Dương Văn Minh lắc đầu từ chối.
+ Tháng 1/1964, Đại sứ
Cabot Lodge yêu cầu Quốc trưởng Dương Văn Minh nghiên cứu, chuẩn y và thực hiện
kế hoạch 34A (hoạt động gián điệp, biệt kích chống miền Bắc). Dương Văn Minh
không trả lời.
+ Theo lời kêu gọi của
Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (4) Dương Văn Minh tỏ ý muốn thương lượng
để tuyển cử tự do, thực hiện một chế độ trung lập, lập Chính phủ liên hiệp.
Nhưng Mỹ cự tuyệt hòa đàm, chống mọi xu hướng trung lập.
- Do những chủ trương
và hành động của Dương Văn Minh không theo đúng ý đồ “Bắc tiến” của Mỹ, theo
chỉ thị của Tổng thống Mỹ Johnson, cuối tháng 01/1964, chính quyền Mỹ đã đưa
Nguyễn Khánh lên làm Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng kiêm Thủ tướng Chính
phủ Cộng Hòa Việt Nam bằng một cuộc đảo chính. Nguyễn Khánh tuyên bố: “Tôi đảo
chánh Dương Văn Minh để cứu đất nước này khỏi rơi vào tay Cộng sản”.
Mỹ thấy Dương Văn Minh
có hậu thuẫn ở miền Nam, nhưng khó điều khiển nên chỉ thị cho Chính quyền Sài
Gòn phong Dương Văn Minh làm đại tướng và cử làm đại sứ lưu động ở Đài Loan. Mỹ
mời ông Minh qua Mỹ một thời gian rồi cho lưu vong ở Thái Lan (từ đầu năm 1965)
có sự giám sát của CIA, làm con bài dự trữ.
Cuối năm 1967, theo chỉ đạo của
đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Trung Ương Cục miền Nam) và Ban
binh vận Trung Ương Cục, đồng chí Mười Ty có chuyến qua Pháp, ở nhà em rể là
Charlot để móc người em gái thứ 8 là Dương Thu Vân qua Pháp. Có thời gian Mười
Ty ở nhà Dương Minh Đức (con trai Dương Văn Minh). Được biết, khi người em gái
thứ 6 Dương Thu Hà bị ung thư chết, Dương Văn Minh có qua Pháp dự đám tang em
gái, sau đó ở lại Pháp hơi lâu, có ý chờ tin của Mười Ty.
Nhưng vì bọn CIA bảo trung tá Đẩu (sĩ quan tùy viên của Tướng Minh) kêu ông
Minh về Thái Lan, nên không ở lâu hơn được nữa.
Khi chị Dương Thu Vân
qua Paris gặp Mười Ty cho hay là ông Minh không thể qua Pháp được nữa, thì Mười
Ty mới chuyển kế hoạch qua em (Dương Thu Vân) và cháu (Dương Minh Đức) truyền
đạt ý kiến của cấp trên cho Dương Văn Minh. Sau đó Đức báo lại ý kiến của cha
anh với Mười Ty như sau: “Lập Chính phủ ba thành phần là khó lắm, cần
đánh cho văng Thiệu, Mỹ phải rút đi là hết chiến tranh. Tôi có
ra làm chính phủ ba thành phần khi bầu cử thì ông Thọ (Luật sư Nguyễn Hữu Thọ)
cũng thắng cử, tôi có thất cử cũng không nghĩa lý gì, miễn có lợi cho đất nước
là hơn”. Dương Minh Đức nói thêm: Ba cháu không còn lực lượng,
không biết làm chính trị, không giỏi bằng ông Thọ; ra ngoài (ra khu) lúc này là
không có lợi, ở trong này khi cần có lợi hơn…
Sau đó, đồng chí Mười
Ty về Hà Nội, được đồng chí Lê Duẩn gặp và mời cơm (với đồng chí Võ Văn Thời).
Sau khi nghe đồng chí Mười Ty báo cáo đầy đủ chuyến đi công tác ở Pháp, đồng
chí Lê Duẩn khen và nói: “Dương Văn Minh trả lời như vậy là thành thật, nói
như vậy là làm được, chứ hứa hết có khi không làm được…”
Cuối năm 1970,… theo chỉ đạo của
Trung Ương và Trung Ương Cục miền Nam, Ban binh vận Trung Ương Cục tìm một
người khác, để tiếp cận vận động Dương Văn Minh. Đó là chuẩn tướng Nguyễn Hữu
Hạnh, cơ sở của ta trong sĩ quan là bạn bè và thầy trò có thể tiếp cận được với
Dương Văn Minh. Đồng chí Nguyễn Tấn Thành (tức Tám Vô Tư), bác của Nguyễn Hữu
Hạnh, được Ban binh vận Trung Ương Cục giao nhiệm vụ trực tiếp nắm và bồi dưỡng
cho Nguyễn Hữu Hạnh.
Tháng 3 và 4/1975, đồng chí Tám Vô Tư
thường gặp ông Nguyễn Hữu Hạnh. Sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, đồng chí Tám
Vô Tư gợi ý ông Hạnh nên tiếp cận và vận động Dương Văn Minh nếu lên làm Tổng
thống thì tìm cách kết thúc cuộc chiến có lợi cho nhân dân.
Khi được tin ông Dương
Văn Minh lên làm Tổng thống, ngày 28/4/1975, từ Cần Thơ, ông Nguyễn
Hữu Hạnh bằng mọi cách, vượt mọi khó khăn lên Sài Gòn gặp Dương Văn Minh và
được ông giao làm phụ tá Tổng tham mưu trưởng, thay Tổng tham mưu trưởng ở bên
cạnh ông, sau đó là Quyền Tổng tham mưu trưởng. Với các cương vị này, ông Hạnh
đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh
làm cho quân đội Sài Gòn “án binh bất động”, tan rã tại chỗ, không nổ súng và
thúc đẩy Chính phủ Dương Văn Minh sớm bàn giao chính quyền cho cách mạng.
2/ Thâm nhập vào “nhóm Dương Văn Minh”
Tháng 9/1972, Ban
An ninh T4 (Thành phố Sài Gòn - Gia Định) thành lập Cụm
điệp báo mới, bí số là A10, với nhiệm vụ xây dựng lực lượng điệp báo bí
mật trong một số đối tượng, trong đó có lực lượng thứ ba, đặc biệt
là “nhóm Dương Văn Minh”… (các thành viên bộ tham mưu nhóm Dương Văn
Minh, ban biên tập bản tin nội bộ nhóm Dương Văn Minh, thư ký tòa soạn báo Điện
Tín, báo Đại dân tộc…).
Đầu năm 1975, đồng chí Trần Quốc
Hương (Mười Hương), Trưởng Ban An ninh T4, chỉ đạo A10 tìm cách thâm nhập vào
lực lượng thứ ba và nhóm Dương Văn Minh để tác động, vận động lực lượng này
chống đối, cô lập, chia rẽ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Thời gian này, Cụm
điệp báo A10 tiếp cận, bám sát “nhóm Dương Văn Minh”, có lúc họa sĩ Ớt (Huỳnh
Bá Thành) ở luôn trong nhà Dương Văn Minh; tham gia viết và in tuyên cáo “chống
Chính phủ Thiệu không có Thiệu”, đòi Trần Văn Hương từ chức (Tổng thống).
Ngày 01/3 và cuối
tháng 3/1975, đồng chí Huỳnh Bá Thành (lần sau có thêm các đồng chí Trần
Thiếu Bảo, Huỳnh Huề…) vào căn cứ báo cáo với đồng chí Mai Chí Thọ (Bí thư
thành ủy), Trần Thanh Vân (Phó trưởng Ban An ninh T4). Đồng chí Mai Chí Thọ chỉ
đạo: “…Phải bằng mọi cách để Dương Văn Minh thay Nguyễn Văn Thiệu, rồi
giao chính quyền cho cách mạng. Đó là chủ trương của Đảng nhằm tránh đổ
máu, tránh tổn thất cho nhân dân”.
3/ Tác động vào Chính phủ Dương Văn Minh
Cụm điệp báo VĐ2 thuộc
phòng tình báo chiến lược M22, cục tham mưu Miền cũng có chỉ đạo vận động
tác động nội các Dương Văn Minh đầu hàng thông qua kỹ sư Tô Văn Cang trong
những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Theo ông Tô Văn Cang, sáng ngày
28/4/1975, ông Cang đến gặp Đại tá Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí) ở nhà ông Ba Lễ
(cơ sở tình báo) hẻm đường Triệu Đà, Sài Gòn, để báo ý kiến của ông Nguyễn Văn
Diệp (trong Chính phủ Dương Văn Minh) muốn tìm gặp đại diện Chính phủ cách mạng
lâm thời Cộng hòa miền Nam để xin ý kiến xử trí tình hình Sài Gòn. Đồng chí Sáu
Trí phân tích tình hình và “khuyên Chính phủ Dương Văn Minh chấp nhận đầu
hàng vô điều kiện”. Ý kiến này được ông Cang phản ánh lại cho ông Diệp
và sau đó ông Diệp có báo cáo lại cho bộ ba Dương Văn Minh – Nguyễn Văn Huyền –
Vũ Văn Mẫu.
4/ Xây dựng lực lượng thứ ba ở đô thị
Sau hiệp định Paris
(1973), Hội nghị lần thứ 21 Ban chấp hành Trung Ương (tháng 7/1973) đề ra nhiệm
vụ: “Xây dựng lực lượng thứ ba ở đô thị”; “mở rộng hơn nữa Mặt
trận dân tộc Giải phóng gồm mọi giai cấp, tôn giáo, lực lượng hòa bình, độc
lập, dân chủ ở miền Nam và Việt kiều ở nước ngoài”.
Năm 1974, theo chỉ đạo của
đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Phó Bí thư Trung Ương Cục miền Nam, đồng
chí Quốc Hương (Mười Hương), Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban An ninh T4 đã chọn
một số thanh niên, sinh viên cài vào hoạt động trong lực lượng thứ ba.
Trên thực tế thì lực
lượng ta đã hình thành trước khi có hiệp định Paris qua tổ chức “Lực lượng
quốc gia tiến bộ” do luật sư Trần Ngọc Liễng và nhà tư sản dân tộc (ngành
vật liệu xây dựng) Phan Văn Mỹ thành lập tháng 6/1969 với mục tiêu là: đòi các
lực lượng ngoại nhập (Mỹ và đồng minh) phải rút khỏi miền Nam, thành lập chính
phủ hòa giải dân tộc. Sau đó, lợi dụng lúc Thiệu đi nước ngoài, luật sư Trần
Ngọc Liễng lập “Lực lượng hoà giải dân tộc”. Sau hiệp định Paris,
tháng 02/1974, nhóm luật sư Trần Ngọc Liễng lập “Tổ chức nhân dân đòi thi
hành hiệp định Paris”, xác định mình là lực lượng thứ ba,
mục tiêu chính là đòi thi hành hiệp định Paris, Mỹ
rút quân, thành lập Chính phủ hoà giải dân tộc.
Thành viên của “nhóm
Dương Văn Minh” gồm một số trí thức, dân biểu đối lập, ký giả, tướng lĩnh .
Hằng tuần, nhóm họp bàn về tình hình thời sự chính trị (lúc tình hình sôi động
mỗi tuần họp hai lần). Cạnh tướng Dương Văn Minh có Văn phòng báo
chí. Lúc báo Điện tín bị đóng cửa, “nhóm Dương Văn
Minh” ra bản tin bán công khai để phát cho các tổ chức, đoàn thể,
báo chí trong và ngoài nước.
- Theo ông Lý Quý
Chung (Hồi ký), tuần lễ đầu tháng 4/1975, tướng Dương Văn
Minh và “nhóm Dương Văn Minh” đã họp tại Dinh Hoa Lan (nhà ông Minh) bàn và
quyết định công bố ý định thay thế Nguyễn Văn Thiệu để góp phần chấm dứt chiến
tranh.
5/ Phối hợp phong trào đấu tranh chính trị của
nhân dân Sài Gòn
Với các khẩu hiệu
“đuổi Mỹ, lật Thiệu”, đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, đòi thi hình hiệp định
Paris, hòa bình, chấm dứt chiến tranh, đòi dân chủ, cải thiện dân sinh… các
cuộc xuống đường diễn ra liên tục, mạnh mẽ thu hút hàng ngàn, hàng vạn người.
Như cuộc xuống đường của 200 ký giả Sài Gòn ngày 10/10/1974, ngày “ký giả đi ăn
mày” lôi cuốn gần hai vạn quần chúng tham gia đã có tiếng vang lớn cả trong và
ngoài nước. Cuộc tuần hành ngày 20/4/1974 của hàng vạn công nhân lao động, sinh
viên, học sinh, trí thức, thương phế binh… đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, đòi
thi hành hiệp định Paris, đòi hòa bình, cơm áo, chống sa thải, chống thuế VAT…,
là cuộc đấu tranh lớn nhất từ sau hiệp định Paris.
MỸ, PHÁP VỚI TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH
* Mỹ: Năm 1971, Mỹ yêu
cầu Dương Văn Minh ra tranh cử Tổng thống với Nguyễn Văn Thiệu để tỏ ra chế độ
Cộng hòa miền Nam có dân chủ, nhưng phải thất cử để trở
thành lãnh tụ của phe đối lập trong nghị viện. Tướng Dương Văn Minh từ chối.
Đại sứ Mỹ Bunker còn trắng trợn hỏi ông Minh cần bao nhiêu đô-la cho cuộc tranh
cử. Ông Minh cố nén giận, nhưng giữ lịch sự, đưa tay chỉ đại sứ Mỹ về phía của
phòng (không tiếp đại sứ Mỹ nữa). Cuộc bầu cử đó, Tướng Dương Văn Minh có ra
ứng cử, nhưng đến giờ chót quyết định rút lui, chỉ còn Nguyễn Văn Thiệu trở
thành ứng cử viên Tổng thống “độc diễn”, làm bẽ mặt Mỹ – Thiệu.
Sau khi Thiệu từ chức,
Phó tổng thống Trần Văn Hương lên thay tổng thống, tuyên bố “cương quyết tử thủ
dù phải hi sinh đến nắm xương tàn”, đã bị nhân dân và báo chí Sài Gòn đấu tranh
đòi Chính phủ Trần Văn Hương từ chức ngay lập tức. Trần Văn Hương trì hoãn việc
giao quyền cho Dương Văn Minh, mãi đến ngày 26/4/1975, lưỡng
viện Sài Gòn đã bầu Dương Văn Minh làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa với 147/151
phiếu.
* Pháp: Theo đồng chí
Phan Nhẫn, ngày 27 (hoặc 28/4/1975), Bộ Ngoại giao Pháp gặp đồng chí Phạm Văn
Ba (Giám đốc Trung tâm thông tin Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền
Nam) gợi ý Chính phủ Cách mạng lâm thời nên đi vào đàm phán.
Lúc đó, Pháp hi vọng “giải pháp Dương Văn Minh” và khả năng thương lượng với
Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam.
Theo chuẩn tướng
Nguyễn Hữu Hạnh và ông Lý Quý Chung, sáng ngày 30/4/1975, tướng tình báo Pháp
Vanuxem đến Phủ thủ tướng (số 7 Thống Nhất, nay là đường Lê Duẩn) gặp Tổng
thống Dương Văn Minh, gợi ý ông Minh nên kêu gọi Trung Quốc can thiệp để cứu
miền Nam không rơi vào tay Cộng sản Bắc Việt. Ông Minh từ chối, nói rằng: “Tôi
đã từng làm tay sai cho Pháp rồi cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục
làm tay sai cho Trung Quốc”.
TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH VỚI 3 NGÀY LÀM TỔNG THỐNG
15 giờ chiều ngày
28/4/1975,
Tướng Minh làm lễ nhậm chức Tổng thống, cử Nguyễn Văn Huyền làm Phó tổng thống,
Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng.
Tổng thống Dương Văn
Minh cử một số Bộ trưởng và người phụ trách quân đội, cảnh sát, trong đó có
đảng viên và cơ sở của ta là: Luật sư Triệu Quốc Mạnh, Giám đốc Nha cảnh sát đô
thành, và chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng tham mưu trưởng sau là quyền
Tổng tham mưu trưởng.
Về Bộ quốc phòng, Tổng
thống Dương Văn Minh chỉ định Giáo sư Bùi Tường Huân, Giáo sư Đại học Huế
(không phải tướng tá) làm Bộ Trưởng. (Theo ông Lý Quý Chung, việc Tổng thống
Dương Văn Minh chỉ định ông Bùi Tường Huân làm Bộ trưởng quốc phòng để chứng tỏ
chính phủ này không muốn chiến tranh).
17 giờ ngày 28/4/1975, phi đội 5 chiếc A37
của Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo ông Hồ Ngọc Nhuận
(Hồi ký), tối hôm đó, Tướng Minh giao cho ông chuẩn bị chiếm đài phát thanh (đề
phòng Nguyễn Cao Kỳ làm đảo chính).
Đêm 28/4, Tướng Dương Văn Minh
và gia đình dời đến ở nhà một người bạn của tướng Mai Hữu Xuân ở đường Phùng
Khắc Khoan do sợ Nguyễn Cao Kỳ ném bom dinh Hoa Lan (nhà ông Minh).
Theo cựu dân biểu
Dương Văn Ba (Hồi ký), đêm 28/4/1975, hai đại tá phi công lái hai máy bay trực
thăng phục vụ tổng thống đậu trên nóc dinh Độc Lập, gặp Tổng thống Dương Văn
Minh đề nghị đưa Tổng thống và tất cả những người trong bộ tham mưu tổng thống
và gia đình bay ra Đệ Thất Hạm Đội. Ông Minh trả lời: “Hai em có thể yên lòng
lái máy bay ra Đệ Thất Hạm Đội, bất cứ ai có mặt ở đây muốn đi theo thì có thể
ra đi. Phần tôi, tôi nhất quyết không đào ngũ bỏ chạy; không thể nào
bỏ dân chúng Sài Gòn, không thể nào bỏ miền Nam như con rắn mất đầu”.
Ngày 29/4/1975
Tổng thống Dương Văn
Minh, Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu bàn và ra lệnh
cho Giám đốc Nha cảnh sát đô thành Triệu Quốc Mạnh thả tù binh chính trị; gửi
công văn yêu cầu Đại sứ Mỹ Martin cho cơ quan Viện trợ quân sự Mỹ (DAO) rời
khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ để giải quyết hòa bình ở Việt Nam.
Đến 16 giờ chiều ngày
29/4,
đã thực hiện xong việc trả tù binh chính trị (trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm). Chỉ
huy các ban và cảnh sát 18 quận, huyện đã tan rã (trừ bộ phận biệt phái).
Tổng thống Dương Văn
Minh chỉ thị không được di chuyển quân, không được phá cầu. Dựa vào chỉ thị
trên, chiều ngày 29/4/1975, phụ tá Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hạnh đã ra
lệnh cho các đơn vị không được phá cầu. Đơn vị nào muốn phá cầu phải có lệnh
của Bộ Tổng tham mưu.
Sau đó, khoảng 15 giờ,
phái đoàn do Luật sư Trần Ngọc Liễng cầm đầu có Linh mục Chân Tín, Giáo sư Châu
Tâm Luân vào Trại David, được đồng chí Võ Đông Giang, Phó trưởng phái đoàn ta
tiếp. Ông Liễng đã thông báo với phái đoàn ta về chủ trương “không chống cự”
của Tổng thống Dương Văn Minh, mà ông coi là niềm vui sướng nhất trong đời ông,
vì đã thông báo cho bên trong biết “Sài Gòn không chống cự” vào
giờ chót của cuộc chiến tranh. Theo Luật sư Liễng, Tổng thống Dương Văn Minh đã
chấp nhận đầu hàng từ buổi trưa hôm đó (ngày 29/4/1975).
Từ chiều và tối ngày 29/4,
cũng có một số người tác động Tổng thống Dương Văn Minh hướng “Thành phố để
ngõ”, đầu hàng. Như ông Lý Quý Chung, họa sĩ Ớt (Huỳnh Bá Thành). Thông qua ông
Phan Xuân Huy và ông Đoàn Mai, thượng tọa Thích Trí Quang nói điện thoại trực
tiếp với Tổng thống Dương Văn Minh: “còn chờ gì nữa mà không đầu hàng”.
Ngày 30/4/1975
- 6 giờ, chuẩn tướng Nguyễn
Hữu Hạnh quyền Tổng tham mưu trưởng (tướng Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng đã
chuồn) và tướng Nguyễn Hữu Có đến báo cáo với Tổng thống Dương Văn Minh về toàn
bộ tình hình quân sự. Sau đó, ông Minh (cùng các ông Hạnh và Có) đến Phủ Thủ
tướng (số 7 Thống nhất, nay là đường Lê Duẩn).
Tổng thống Dương Văn
Minh họp với Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và một số
người trong nội các “nhóm Dương Văn Minh”, bàn và quyết định không
nổ súng và giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam.
Thủ tướng Vũ Văn Mẫu soạn bản thảo tuyên bố này.
- 9 giờ,
Tổng thống Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm.
Chuẩn tướng Nguyễn Hữu
Hạnh đề nghị và được Tổng thống Dương Văn Minh đồng ý có nhật lệnh cho quân
đội. Ông Hạnh soạn thảo nhật lệnh này. Đồng thời tướng Nguyễn Hữu Hạnh gọi điện
thoại cho tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu cố gắng thi hành
lệnh của Tổng thống trên đài phát thanh.
9 giờ 30: Đài phát thanh phát
tuyên bố của Tổng thống Dương Văn Minh: “Đường lối của chúng tôi là hòa giải
và hòa hợp dân tộc”; “yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Cộng Hòa ngưng nổ
súng, và ở đâu thì ở đó”; “Chúng tôi chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm
thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam để thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong
vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào”.
Sau đó, cả các ông
Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu cùng nội các đến Dinh Độc Lập để
chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng.
Sau khi đọc tuyên bố
“đầu hàng” xong, Tướng Dương Văn Minh nói với mọi người (trong Chính phủ): “Mọi
việc coi như đã xong. Bây giờ ai muốn đi hay ở thì tùy”.
11 giờ 30, xe tăng quân giải
phóng vào Đinh Độc Lập. Xe quân giải phóng đưa ông Dương Văn Minh và ông Vũ Văn
Mẫu đến đài phát thanh để đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
KẾT LUẬN
1/ Tướng Dương Văn
Minh là người có tinh thần dân tộc, yêu nước. Từ chỗ lúc đầu còn mơ hồ về việc
Mỹ xâm lược miền Nam, cho rằng Mỹ có giúp đỡ miền Nam, dần dần tỏ thái độ chống
Mỹ: chống Mỹ đưa quân viễn chinh Mỹ và đồng minh vào miền Nam, kéo dài và mở
rộng chiến tranh, muốn có hòa bình, độc lập và hòa hợp dân tộc.
2/ Theo ông Nguyễn Hữu
Hạnh và ông Lý Quý Chung, Tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng thống không có ý để
thương thuyết với cách mạng vì đã thấy không còn khả năng thương thuyết; cũng
không có ý để tiếp tục chiến tranh vì lâu nay ông Minh chủ trương hoà bình,
chấm dứt chiến tranh. Điều này thể hiện rõ ở Tổng thống Dương Văn Minh chỉ định
hai cơ sở của ta (chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh và luật sư Triệu Quốc Mạnh) nắm
hai lực lượng vũ trang: quân đội và cảnh sát; cử một người dân sự (giáo sư Bùi
Tường Huân) làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; chưa đầy một ngày sau khi nhậm chức
thì ngày 29/4/1975, đã ra lệnh thả tù chính trị, đuổi phái đoàn DAO của Mỹ;
không di chuyển quân, không phá cầu v.v..
3/- Trong điều kiện
cuộc tổng tiến công quân sự của các binh đoàn chủ lực kết hợp với cuộc tiến
công và nổi dậy của các lực lượng vũ trang và quần chúng ở thành phố Sài Gòn –
Gia Định đã tạo sức ép quân sự lớn; công tác vận động, binh địch vận của nhiều lực
lượng ta với Tướng Dương Văn Minh; được sự đồng tình, tác động tích cực của
những người chủ yếu trong nội các, lực lượng thứ ba và “nhóm Dương Văn Minh”;
Tổng thống Dương Văn Minh đã quyết định “không chống cự”, tuyên bố “ngưng nổ
súng và ở đâu ở đó vào 9g30 (sau đó tuyên bố “đầu hàng vô điều kiện” vào 11g30)
ngày 30/4/1975 là hành động thức thời, làm giảm ý chí đề kháng của đại bộ phận
quân đội Sài Gòn vào những giờ chót của cuộc chiến tranh, tạo thuận lợi cho
quân giải phóng tiến nhanh vào giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn còn
nguyên vẹn và không đổ máu. Nhiều thành phố và thị xã khác cũng được giải phóng
nguyên vẹn, ít tổn thất. Chúng ta biết rõ giành được thắng lợi to lớn này, cuộc
tổng tiến công của các quân đoàn kết hợp với các cuộc tiến công và nổi dậy của
lực lượng vũ trang và quần chúng địa phương đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên,
công bằng mà nói, hành động thức thời của Tổng thống Dương Văn Minh và nội các
của ông đã góp phần làm cuộc chiến kết thúc sớm, tránh đổ nhiều xương máu của
binh sĩ và nhân dân, thành phố Sài Gòn và nhiều đô thị còn nguyên vẹn. Đó là
nghĩa cử yêu nước, thương dân của ông Dương Văn Minh.
LỜI PHÂN TRẦN CỦA TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH VỀ NGÀY 30 THÁNG 4 NĂM 1975
|
Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã trôi qua được trên 31 năm. Thường
thì thời gian là yếu tố xóa nhòa mọi nỗi đau của quá khứ, nhưng đối với đa số
người miền Nam, vết đau 30 tháng 4 còn tươi rói vì những đau đớn, mất mát xảy
ra cho họ và gia đình do Cộng sản gây ra sau ngày 30 tháng 4. Hàng ngàn người
bỏ mình trong những trại tù cải tạo độc ác, tàn bạo của Cộng sản, hàng trăm
ngàn người bỏ mình trên biển cả khi vượt biển tìm tự do. Nghĩ đến ngày 30 tháng
4, đa số người dân miền Nam oán trách Đại tướng Dương văn Minh ra lệnh đầu hàng
để đưa đến cảnh ' nước mất nhà tan " sau này. Từ trước đến nay đã có nhiều
dư luận phê phán chuyện đầu hàng ô nhục của tướng Minh nhưng tâm tư và suy nghĩ
của tướng Minh khi quyết định đầu hàng Cộng sản là chuyện không ai suy đoán nổi.
Ông Minh không viết sách và tránh trả lời phỏng vấn nên khó ai đoán biết tâm tư
, suy nghĩ của ông khi đầu hàng như thế nào. Sau này mới biết tướng Minh đã bộc
bạch tâm tư suy nghĩ của ông về quyết định đầu hàng trong biến cố 30 tháng 4
trong một lá thư gửi cho một người đàn em cũ là Trung tướng Nguyễn chánh Thi
vào năm 1987 khi tướng Minh ở Pháp. Xin cám ơn Trung tướng Thi đã cho phép
người viết bài này công bố bức thư của tướng Minh để soi sáng phần nào lịch sử
Việt Nam cận đại.
Đại tướng Dương văn Minh nhậm chức Tổng thống do Tổng thống Trần
văn Hương trao lại chỉ vài ngày trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.( Dương văn Minh
nhậm chức tổng thống vào ngày 27 tháng 4 năm 1975..Bởi vậy người ta thường gọi
Dương văn Minh là tổng thống 3 ngày ). Buổi chiều nhậm chức tổng thống trong
dinh Độc lập thì trời u ám và có mưa.. Phóng viên Nguyễn mạnh Tiến ( hiện nay
đang làm ở Đài Á châu tự do) lúc ấy đang làm cho Đài phát thanh Sài Gòn, đã
tường thuật buổi lễ nhậm chức này. Phóng viên Tiến đã bắt đầu bài phóng sự tường
trình bằng câu nói " Buổi lễ nhậm chức tổng thống xảy ra vào buổi chiều
trong dinh Độc lập trong khi bên ngoài trời mưa u ám như tình thế đất nước hiện
nay.." Trực giác cảm nhận của Phóng viên Tiến thật chính xác vì chỉ vài
ngày sau, miền Nam rơi vào tay Cộng sản để rồi đưa đến bao tang tóc, mất mát
cho dân chúng miền Nam.
Toàn bộ bức thư của tướng Dương văn Minh viết cho tướng Nguyễn
chánh Thi có nội dung như sau:
15-4-87
" Thi,
Được tin Thi tôi rất mừng. Lúc nào tôi cũng nhớ anh em thuở xưa,
mà tôi còn lưu lại rất nhiều kỷ niệm.
Từ khi tôi đến nước Pháp tới nay, lật bật đã gần sáu năm rồi,
sống với một cuộc đời réfugié tuy có thong thả nhưng lúc nào cũng bận tâm.
Thoát được chế độ Cộng sản với hai bàn tay không _ Pháp chẳng giúp đỡ gì _ mình
sống ẩn thân trong một đô thị thật nhỏ, kể ra cũng tạm yên.
Nghe Thi kể chuyện các anh em quân nhân, tôi rất khổ tâm. Lúc đó
tôi bị đày ở Bangkok cho nên có nhiều việc tôi không được rõ hết.
Anh em có đọc sách của anh Đỗ Mậu kể chuyện lại cho tôi nghe;
tôi phải công nhận anh Đỗ Mậu kể chuyện như vậy là rất can đảm. Lên án Cần- lao
và Công-giáo đến mức đó là cùng. Ngoài ra, anh Đỗ Mậu có trách tôi không biết
tự tử như các bực tiền bối, cũng có phần đúng. Nhưng đây chỉ là một vấn đề quan
niệm mà thôi.
Theo tôi, tự tử không phải lúc nào cũng là đúng. Đôi khi mình
phải dám sống để hứng nhận những hậu quả cho sự quyết định của mình gây ra. Có
lẽ anh Đỗ Mậu (cũng như nhiều người) không rõ là tôi lấy quyết định cuối cùng
sau khi đã tham khảo ý kiến với một số những vị dân biểu và nghị sĩ còn lại,
với những anh em quân nhân đến gặp tôi vào giờ chót, với các thầy mà trong đó
thầy Trí Quang và Trí Thủ đã nói và đã nhắn nhủ để cứu dân.
Riêng tôi, tôi không tự tử không phải vì thiếu can đảm, nhưng vì
những lý do rất đơn sơ:
- Tôi không tự sát vì thân thể mình do Trời Đất ( Ân trên) kết
tạo, cha mẹ sanh dưỡng, mình không có quyền hy sinh.
- Mình có quyền hy sinh: tên tuổi, uy tín, tài sản, công nghiệp
v..v Tóm tắt mình chỉ có quyền hy sinh những gì mình tạo ra mà thôi.
Đây là một lý thuyết tôi đã hấp thụ từ khi biết khôn và áp dụng
suốt đời, đối với tôi cũng như đối với tất cả người khác. Hôm nay tôi nói ra để
cho Thi hiểu, vì lúc nào tôi cũng xem Thi như một người em trên mọi mặt, chớ
không phải nói ra để phân trần chi chi. Tôi đã dám làm thì tôi cũng dám chấp
nhận những búa rìu bất cứ từ đâu tới. Không có gì thắc mắc cả, và tôi coi đây
chỉ là một giai đoạn thôi. Cầu xin dân ta và anh em giữ vững tinh thần thì có
ngày sum họp trên quê cha đất tổ.
Tôi đã nói nhiều quá ! Lúc nào tôi cũng nhớ anh em, nhờ Thi gởi
lời thăm tất cả. Tôi không mong gì hơn được gặp lại các bạn.
Thân mến
Dương văn Minh
Đọc những lời phân trần trên của tướng Minh cho thấy những ảnh
hưởng đến từ bên ngoài về quyết định đầu hàng Cộng sản ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Ông cũng biện bạch cho quyết định không tự tử của ông sau khi đầu hàng. Thật ra
những người đặt vấn đề tướng Minh nên tự tử vì nhìn gương của những bậc tiền
bối như cụ Phan thanh Giản đã uống thuốc độc tự tử khi phải giao mấy tỉnh ở
miền Nam cho Pháp và quan Tổng đốc Hoàng Diệu treo cổ tự tử khi thành Hà Nội
mất vào tay quân Pháp. Sau này nhìn những tấm gương tử tiết của 5 vị tướng Phạm
văn Phú, Trần văn Hai, Lê nguyên Vỹ, Lê văn Hưng, Nguyễn khoa Nam người ta lại
tiếc cho tướng Dương văn Minh đã không tử tiết để nêu gương anh dũng cho ngàn
sau. Dĩ nhiên quyết định tìm đến cái chết không phải lúc nào cũng là một quyết
định dễ dàng trong bất kỳ tình huống nào của cuộc sống. Tướng Minh đã biện luận
cho quyết định không tự sát để duy trì mạng sống của ông vì lề lối suy nghĩ của
ông và ông cho biết là ông sẵn sàng nhận chịu mọi sự phê phán của thế gian.
Tướng Minh đã qua đời cách đây mấy năm ở California, Hoa Kỳ, Tổng thống Thiệu
cũng qua đời ở Boston, Hoa Kỳ không lâu sau khi ông Minh từ trần.
Phải nói rằng khi Tổng thống Nguyễn văn Thiệu từ chức ngày 21
tháng 4 năm 1975 thì tình hình miền Nam đã đi tới giai đoạn hết thuốc chữa.
Quyết định không viện trợ khẩn cấp 300 triệu của Quốc Hội Mỹ coi như cái chết
của miền Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Sau này có nhiều dư luận đặt vấn đề
là tại sao Tổng thống Nguyễn văn Thiệu không bán đi 16 tấn vàng để lấy tiền mua
vũ khí cho quân đội miền Nam tiếp tục chiến đấu. Dĩ nhiên Tổng thống Thiệu
không phải ngu dại gì mà không biết đến điều ấy nhưng phải thấy rằng chuyện
giật sập miền Nam năm 1975 là quyết định của Mỹ và chắc chắn Mỹ sẽ không dễ
dàng cho phép ông Thiệu bán vàng để mua vũ khí bảo vệ miền Nam. Số vàng 16 tấn
này sau này lọt vào tay Cộng sản sau 1975 và theo sự tiết lộ của Bùi Tín thì số
vàng này cũng dần dần bị tẩu tán bởi những tay lãnh đạo tham ô ở miền Bắc.
Phải nói là ở thời điểm ký Hiệp định Paris năm 1973, chắc chắn ở
cương vị lãnh đạo, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu cũng nhìn thấy rõ sự rút lui
chạy làng của người đồng minh Hoa Kỳ.. Đáng lý ra ông Thiệu phải lo xây dựng
chiến khu ở miền Tây để phòng sau này Sài gòn có bị mất thì ông sẽ về miền Tây
lãnh đạo cuộc kháng chiến. Nhưng ông Thiệu không phải là người lãnh đạo yêu
nước, thương dân. Ông chỉ quan tâm nhiều đến mạng sống và của cải của ông và gia
đình. Ông tiếp tục bám víu quyền lực ngày nào còn viện trợ Mỹ, nghĩa là ngày
nào còn xôi thịt. Cuộc bầu cử độc diễn năm 1971 cho thấy ông Thiệu dùng mọi thủ
đoạn xấu xa, bẩn thỉu để duy trì quyền lực. Đến khi đất nước lâm nguy, Mỹ cúp
viện trợ thì lúc ấy ông mới từ chức và tình chuyện " được làm vua, thua
chạy trước ". Tội làm mất miền Nam là của Tổng thống mặt trơ trán bóng vô
liêm sỉ Nguyễn văn Thiệu chứ nhất định không phải là tội của tướng Dương văn
Minh.
Một điều nữa cũng nên nói ra ở đây là trong những ngày hấp hối
của miền Nam, có một chuyện lạ kỳ là Trung Cộng đã tìm cách liên lạc với chính
phủ Dương văn Minh với ý định muốn viện trợ cho miền Nam chống lại sự tấn công
của Cộng sản miền Bắc. Trong một cuộc nói chuyện thân mật với anh em sinh viên ở
Pháp sau khi định cư ở Pháp , tướng Dương văn Minh có kể lại chuyện này và cho
biết ông từ chối đề nghị giúp đỡ của Trung Cộng vì nghĩ rằng Trung Hoa là kẻ
thù truyền kiếp của dân tộc Việt. Ông Minh cho rằng chuyện nhận viện trợ của
Trung Cộng là một chuyện làm không có lợi cho đất nước Việt Nam. Cựu dân biểu
Lý quý Chung (vốn là bộ trưởng thông tin trong chính phủ Dương văn Minh) trong
cuốn sách " Hồi ký không tên " xuất bản ở Việt Nam mới đây cũng có
nói đến chuyện này nhưng ông Chung không dám nêu đích danh Trung Cộng mà chỉ
nói đến một cách bóng gió. Lý do là mối quan hệ giữa Việt Cộng và Trung cộng
đang hồi thắm thiết hữu nghị nên ông Trung không dám nêu đích danh Trung Cộng
là kẻ đã tìm cách viện trợ cho chính phủ Dương văn Minh của Việt Nam Cộng Hòa
nhằm cứu vãn sự sụp đổ của miền Nam trước sự tấn công của miền Bắc.
Tại sao Trung cộng đã viện trợ cho Việt cộng trong nhiều năm mà
lại tìm cách cứu vãn miền Nam khỏi sự sụp đổ trong những ngày tháng cuối cùng?
Câu trả lời là mặc dù Trung cộng viện trợ cho Việt cộng vì là anh em trong khối
xã hội chủ nghĩa nhưng Trung cộng rất ngại chuyện Việt cộng chiến thắng ở miền
Nam vì Trung cộng nghĩ rằng một nước Việt Nam thống nhất và hùng cường sẽ là
trở ngại cho âm mưu bành trướng bá quyền của Trung cộng. Đó là nguyên nhân
Trung cộng làm một chuyện rất nghịch lý và khó hiểu là tìm cách thương thảo để
viện trợ cho chính phủ Dương văn Minh của miền Nam trong những giờ phút hấp
hối. Trung cộng tìm cách viện trợ cho miền Nam không phải vì thiện ý mong muốn
nhân dân miền Nam được sống trong tự do mà vì không muốn nhìn thấy một nước Việt
Nam thống nhất hùng cường, và chuyện này có hại có âm mưu bành trướng lãnh thổ
của Trung cộng.
Sau ngày đổi đời 30 tháng 4 năm 1975, Cộng sản đã không cho
"tắm máu " hàng loạt như một số phóng viên ngoại quốc dự đoán nhưng
đã cho " phơi xương" từ từ những người miền Nam ngã ngựa trong những
trại tù cải tạo. Chính vị sự chết chóc do Cộng sản gây ra cho người miền Nam
sau 30 tháng 4 làm cho người ta oán trách quyết định đầu hàng của Dương văn
Minh. Nói Dương văn Minh đầu hàng để tránh sự đổ máu cho nhân dân miền Nam là
một nhận xét không hoàn toàn đúng. Sài gòn không bị san thành bình địa vì quyết
định đầu hàng của Dương văn Minh nhưng máu của người miền Nam vẫn tiếp tục đổ
sau ngày 30 tháng 4.. Cựu Thủ tướng Vc Võ văn Kiệt đã thẳng thắn ca ngợi quyêt
định đầu hàng của Dương văn Minh trong một bài viết kỷ niệm ngày 30 tháng 4 mới
đây. Dĩ nhiên quyêt định này đã tiết kiệm nhiều sinh mạng bộ đội miền Bắc. Cộng
sản trả ơn cho Dương văn Minh bằng cách không đưa Dương văn Minh vào trại cải
tạo và cho ra đi nước ngoài định cư sau này. Nếu sau ngày 30 tháng 4 mà không
có sự trả thù tàn bạo của Cộng sản đối với những người miền Nam ngã ngựa thì dư
luận phê phán chắc chắn sẽ bớt nghiêm khắc về quyêt định đầu hàng của Dương văn
Minh.
Đỗ Mậu trong cuốn hồi ký " Việt Nam máu lửa quê hương tôi
" đã phê phán ông Minh vận động để lên chức tổng thống trong những ngày
cuối của miền Nam là một chuyện " ách giữa đàng, mang vào cổ " . Đó
là một nhận xét chí lý. Ôâng Minh không phải là một nhà chính trị khôn ngoan,
can đảm, quyền biến. Ông đã sai lầm khi tìm cách giành chức tổng thống trong
giờ phút đất nước dầu sôi lửa bỏng nên ông đã phải hứng chịu nhiều sự chê
trách, phê phán trong quyết định đầu hàng nhục nhã trong ngày 30 tháng 4.
Có đọc lá thư trên mới thấy Dương văn Minh là con người hiền
hòa, nhưng rõ ràng ông không có cái Dũng của một người làm tướng. Về điểm này
ông giống Đại tướng Võ nguyên Giáp của miền Bắc, cúi đầu nhận chức Cai đẻ mà
không dám hó hé phản đối. Trong phạm vi gia đình, sai lầm của người chủ gia đình
có thể dẫn tới chuyện gia đình ấy suy sụp, tan vỡ. Còn nếu làm tới chức vụ
nguyên thủ quốc gia như tướng Dương văn Minh mà "tham sinh úy tử",
nhu nhược, thiếu khôn ngoan quyền biến thì chỉ đưa quốc gia đến chỗ suy tàn,
thảm bại. Bài học Dương văn Minh dành cho những người làm chính trị là phải
luôn tự lượng sức mình, nếu mình " tài hèn, trí đoản " mà cứ nhắm tới
những chức vụ to tát lãnh đạo quốc gia thì chức vụ cao trọng này không mang lại
vinh quang mà chỉ mang lại cho mình những sự nhục nhã ê chề và bị bia miệng
ngàn đời chê trách.
Los Angels, một chiều hiu quạnh, đìu hiu đầu tháng 10 năm 2006
TRẦN VIẾT ĐẠI HƯNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét