Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

THẬT GIẢ HỖN CHIẾN

Bs Nguyễn Đan Quế - "...Trong cuộc hỗn chiến giành tự do internet, tất cả các xã hội dân sự của chúng ta đều xuất phát từ hạ tầng cơ sở, cùng quyết tâm nói lên nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng mình. Chính những xã hội dân sự hừng hực khí thế đấu tranh dân chủ cấu thành sức mạnh quần chúng. Và sức mạnh quần chúng có sứ mạng là áp đảo tập đoàn Bộ chính trị Hà nội, buộc chúng phải chấp nhận lộ trình dân chủ hóa từ dưới lên..."
Năm 1986 Việt Nam buộc phải mở cửa ra với thế giới bên ngoài. Đầu tư tăng nhanh và thương mại nở rộ. Hối mại quyền thế và tham nhũng ngay lập tức đồng hành, có mặt khắp nơi từ trên xuống dưới. Nội bộ đảng cộng sản chia rẽ vì ăn chia không đều. Hố giàu - nghèo khoét sâu thêm trong xã hội: cán bộ có chức có quyền cùng phe nhóm lợi ích giàu ‘khủng’, còn dân nghèo làm việc đầu tắt mặt tối suốt ngày không đủ nuôi con ăn học.

Tuy nhiên có mặt tích cực của mở cửa. Đó là sự hình thành giai tầng trung lưu trẻ, năng động, ham mê internet đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Chính giai tầng trung lưu này đi đầu tố cáo bất công xã hội, lột mặt tuyên truyền bịa đặt một chiều của cộng sản, chỉ trích những sai lầm trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế... bằng thông tin đa chiều và nêu cao giá trị của tiến bộ, tự do, dân chủ trên thế giới.

Chỉ vì không chịu cải tổ hệ thống chính trị lỗi thời, kinh tế Việt Nam lâm vào suy thoái từ năm 2010 với lạm phát tăng, thất nghiệp cao, giá sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Thất bại về kinh tế, cộng nguy cơ khó đòi / mất Hoàng Sa - Trường Sa làm người dân bực tức kẻ cầm quyền từ trung ương đến địa phương.

Sợ bất ổn xã hội, Nguyễn Tấn Dũng tăng cường công an trị và ký nghị định số 72/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-9-2013, với lý do nói là để bảo vệ tác quyền, nhưng chủ ý nhằm kiểm soát người viết blog trên mạng, chỉ cho phép chia xẻ thông tin cá nhân, cấm đăng lại bài trên báo điện tử khác (dù là của nhà nước) mà không dẫn nguồn hay xin phép tác giả. Nhiều blogger đã bị bắt, như Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, Đinh Nhật Uy, Điếu cầy, Tạ Phong Tần, các nhạc sĩ Việt Khang, Trần Vũ An Bình... Nhưng bất ổn xã hội vẫn tăng. Đã có đổ máu và thương vong trong tranh chấp đất đai ở Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình. Ở Nghệ An giáo dân và công an đã ‘giao tranh bằng gạch đá’, Giám mục Nguyễn Thái Hợp kết tội chính quyền địa phương đàn áp tôn giáo.

Đưa tầm mắt ra ngoài Việt Nam, chúng ta thấy nổi lên nhiệm vụ phát triển vùng của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (Asean), và vai trò chiến lược hàng đầu của Châu Á - Thái Bình Dương. Tương tác giữa các siêu cường đang hướng về “Cộng tác trong Cạnh tranh” / “Cạnh tranh trong Hợp tác”. Và các siêu cường đều đã lên tiếng ủng hộ Asean đi vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Liệu Việt Nam có thể đi ngược lại nhận thức chung và quyết tâm chính trị chung của cả khối Asean? Ít ra trong lúc này chúng ta có thể nói một Việt Nam chuyển từ độc tài sang dân chủ, là viễn cảnh mà Asean mong đợi từ lâu. Mỹ cũng trông chờ điều này xảy ra để hội nhập Việt Nam vào tổ chức Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang hình thành.

Dân chủ hóa Việt Nam rõ ràng không thể tránh khỏi và mang tính cấp bách. Không có con đường nào khác, vì phát triển và dân chủ phải đi đôi với nhau.

NHƯNG hiện đang xảy ra hai hướng giải quyết đối nghịch nhau:

- Một mặt, Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam đang ra sức giữ độc quyền lãnh đạo bằng cách: đàn áp những tiếng nói chân chính đòi dân chủ và thi hành dân chủ giả hiệu từ trên xuống. Dễ có thể thấy qua những đòn ngón bá đạo như kiểu lấy phiếu “tín nhiệm cao, tín nhiệm vừa, tín nhiệm thấp” các cấp lãnh đạo, hay đến nhà ép dân phải đồng ý với những sửa đổi hiến pháp 1992 hoặc đang tính cải biến Mặt trận Tổ quốc cho có dáng dấp là tiếng nói phản biện của những tổ chức trong xã hội…

- Mặt khác, khi tham gia vận động nhân quyền và dân chủ, những người tranh đấu luôn sát cánh cùng quần chúng để thiết lập Dân Chủ thực sự từ dưới lên. Nhiều giới trong xã hội đang dùng internet lên tiếng đòi giới cầm quyền phải tôn trọng những nhân quyền căn bản của người dân. Thí dụ: trí thức, thanh niên, sinh viên, giới trẻ, giới làm báo đòi phải có tự do tư tưởng, tự do thông tin, tự do phát biểu ý kiến; tín đồ các tôn giáo đòi phải bỏ ‘giáo hội quốc doanh’ và tôn trọng quyền tự do hành đạo; người lao động đòi quyền sở hữu đất đai, đòi công đoàn độc lập, đòi quyền được đình công... Đây chính là những mầm mống xã hội dân sự đang hình thành và lớn mạnh trong đấu tranh.

Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng âm mưu sử dụng nghị định 72 và điều luật 258 hòng tiêu diệt sự ra đời của các xã hội dân sự. Nhưng đây là tiếng nói của phong trào quần chúng gồm đông đảo người dân bị bóc lột, bị áp bức thuộc đủ mọi tầng lớp, đủ mọi ngành nghề trong xã hội. Đòi hỏi có chính nghĩa, hàng ngũ tham gia ngày càng đông, lại thêm có kỹ thuật mới hỗ trợ chống kiểm duyệt internet, cho nên phong trào bằng mọi giá phải đánh bại 72 và 258.

Trong cuộc hỗn chiến giành tự do internet, tất cả các xã hội dân sự của chúng ta đều xuất phát từ hạ tầng cơ sở, cùng quyết tâm nói lên nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng mình. Chính những xã hội dân sự hừng hực khí thế đấu tranh dân chủ cấu thành sức mạnh quần chúng. Và sức mạnh quần chúng có sứ mạng là áp đảo tập đoàn Bộ chính trị Hà nội, buộc chúng phải chấp nhận lộ trình dân chủ hóa từ dưới lên.

Chúng ta cũng cảnh cáo trước: những tổ chức xã hội dân sự quốc doanh trong Mặt trận Tổ quốc, hoặc bất cứ hình thức nào dù chìm hay ‘lơ lửng nổi’ nhằm giúp Hà nội thực hiện dân chủ bịp bợm, đều là phản động và sẽ lụn bại vì ‘hồn Trương Ba da hàng thịt’ (*).

10-2013

Bs Nguyễn Đan Quế


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét