Hôm qua Tòa án thành phố Hà Nội tuyên án 30 tháng tù giam cùng với 1,2 tỉ tiền
phạt, truy thu 600 triệu đồng đối với luật sư, nhà đấu tranh nhân quyền Lê Quốc
Quân với tội danh “trốn thuế.” Trong khi đó, cách đây vài ngày một người khác ở
Bắc Ninh trốn thuế 11 tỉ đồng nhưng chỉ bị tù treo. Thấy lạ chưa? Và sự liên
quan giữa những chuyện như thế này và nền chính trị của Việt Nam là như thế
nào?
Cách
đây hai tuần tôi cùng một số đồng nghiệp từ nhiều nước khác nhau đã tập hợp tại
Praha để cùng trao đổi về một vấn đề khá thú vị: Đó chính là những vấn đề nổi
bật trong việc giới thiệu và tìm hiểu về chính trị ở Việt Nam cho những người
có quan tâm.
Điều
nghịch lý là công trình này ban đầu xuất phát từ sự quan tâm của một số người
ngoài Việt Nam muốn có cách hiểu rõ hơn về nền chính trị của Việt Nam đương
đại. Những người này, vốn đang theo học những chương trình cao học ở
Trung Âu, đã gặp không ít khó khăn khi bắt đầu nghiên cứu về chính trị-xã hội
Việt Nam.
Vấn
đề chủ yếu những sinh viên cao học đã nêu rõ là tư liệu sẵn có về chính trị ở
Việt Nam có nhiều hạn chế. Những bài báo dù thú vị thường là quá đơn giản.
Những bài viết học thuật có tính chất quá cụ thể và phức tạp.
Ban
đầu chúng tôi đã đặt câu hỏi, sinh viên (ở ngoài Việt Nam) muốn tìm hiểu về
chính trị ở Việt Nam phải đặt trên cơ sở nào? Thế nhưng, sớm trong quá trình
trao đổi chúng tôi thấy rõ sự quan trọng của câu hỏi này đối với cả nước Việt
Nam nói chung.
Biết
giới thiệu về môn chính trị ở Việt Nam hiện nay như thế nào đây? Bản thân tôi
biết một chút thôi. Chẳng hạn biết về chương trình học Mác-Lê-Hồ Chí Minh trong
năm đầu của các trường đại học trong phạm vi cả nước. Lo ngại cơ bản
của tôi đối với nội dung trong những chương trình thuộc mô hình này là nó
chủ yếu mang tính mà người Việt gọi là “nhồi sọ.” Ra lệnh các sinh viên (hay
“đối tượng”?) “phải nghĩ gì,” không khuyến khích một ý thức hệ độc lập, khách
quan.
Thực
vậy, ngoài những môn này, có vẻ ở Việt Nam chính trị vẫn là một lĩnh vực dân
thường không được khuyến khích tìm hiểu một cách độc lập. Thay vì nó, chính trị
ở Việt Nam vẫn mang ý nghĩa nhất định theo đường lối đảng, quan điểm chủ quan,
lý thuyết giáo điều nên người dân không có cơ hội tiếp cận một cách khách quan.
Nghiên
cứu về chính trị một cách khoa học, có tính phê bình, mà vẫn tôn trọng những
phương pháp kinh nghiệm hiếm có ở Việt Nam. Nó khác hoàn toàn với việc bày tỏ
chính kiến trên Blog hay Facebook.
Hơn
nữa, cũng có những cách tiếp cận chính trị khác nhau. Chẳng hạn, lĩnh vực
thường được gọi là “khoa học chính trị” (political science) hay “chính trị học”
(politics) là một cách tiếp cận tương đối hẹp vì chủ yếu liên quan đến nhà
nước, chính phủ, và những vấn đề xoay quanh nó. Trong khi đó, xã hội học chính
trị (political sociology) mang một ý nghĩa rộng hơn, cho rằng chính trị là về
mối quan hệ giữa quyền lực và những nỗ lực để giành được, duy trì và mở rộng
quyền lực.
Theo
tôi biết, gần đây cũng đã có một số nỗ lực ở Việt Nam để phát triển một ngành
chính trị học gần gũi hơn với ngành này ở ngoài Việt Nam. Nhưng làm như thế
cũng khó trong khi vẫn còn một môi trường hạn chế.
Trong
những tháng tới, chúng tôi (một nhóm những nhà khoa học xã hội) sẽ phấn đấu cho
ra đời những tư liệu có thể giúp những người muốn tìm hiểu về chính trị ở Việt
Nam. Trong quá trình làm việc sẽ trao đổi, tiếp xúc với nhiều người Việt Nam từ
mọi phía.
Tư
liệu này sẽ được dịch sang tiếng Việt và sẽ có mục tiêu làm rõ những khái niệm
cốt lõi, những quan điểm lý thuyết khác nhau, và những phương pháp lý thuyết
phải biết khi bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về chính trị ở Việt Nam. Chúng tôi
hy vọng công trình sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những vấn đề chính trị của
đất nước hiện nay. Hiểu rõ hơn những cơ hội và rủi ro trước mặt. Và góp phần
vào nỗ lực xây dựng một Việt Nam thịnh vượng và văn minh.
Jonathan London
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét