TÔI PHẢI SỐNG 33
Bút Ký của
Lm. Nguyễn Hữu Lễ
Tung hỏa
mù
Tù nhân
trong trại Gia Ray bắt đầu xôn xao, bàn ra tán vào về nguồn tin đó. Các “nhà
bình luận thời cuộc” lại có dịp bày tỏ sự hiểu biết của mình về lý do tại sao
phải chuyển trại. Tại sao lại đưa về Đồng Tháp mà không thể đưa đi nơi khác? Và
ở đó sẽ ra sao? Sau khi bàn đi tán lại đủ điều, họ đưa ra câu kết luận là:“Rất
tốt!”
Lúc mới vừa
bị dồn lên trong trại này, chúng tôi ai cũng lo ngại sẽ bị đưa ra Bắc. Hai tiếng
“ra Bắc” là hai tiếng cấm kỵ. Trong tù ai cũng sợ, cũng kiêng, không ai dám nhắc
tới nó. Hai tiếng “ra Bắc” đồng nghĩa với ba tiếng “đến tử địa” nên không ai
dám nghĩ là mình sẽ rơi vào trường hợp ra Bắc. Chúng tôi không muốn nhắc tới
hai tiếng đó, mặc dù lúc nào nó cũng tiềm ẩn ở một nơi nào đó trong lòng của từng
người tù chúng tôi.
Bây
giờ có tin đi Đồng Tháp, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Nỗi lo canh cánh bên lòng
bây giờ được giải tỏa, như vừa trút bỏ được gánh nặng ngàn cân. Ở Đồng Tháp có
điều gì hay thì chưa biết nhưng mọi người đều hân hoan với viễn ảnh là đến đó
thì được tha hồ mà dùng nước! Vì Đồng Tháp là vùng sông ngòi, trong khi ở Gia
Ray này, một giọt nước quý như một giọt máu. Chúng tôi vui mừng hớn hở và yên
tâm chờ đợi ngày được đi Đồng Tháp. Một viễn ảnh tốt đẹp cho kiếp tù đang le
lói trong lòng của hơn ngàn tù nhân trong trại lúc bấy giờ.
Vào một
buổi trưa Chúa Nhật của tuần lễ đầu tháng Tư, có một anh Công giáo trong đội
nhà bếp tới gặp tôi để xưng tội. Sau đó anh kéo tôi ra gần bờ rào trại để nói
chuyện riêng. Anh nói với tôi:“Con báo cho Cậu Bảy biết, qua tuần tới, tức là
sau lễ Phục Sinh sẽ có một đợt chuyển tù ra Bắc, trong số đó có tên Cậu Bảy.
Xin cậu hãy giữ kín chuyện này vì nếu tiết lộ con sẽ bị nguy hiểm. Con xin cậu
cũng đừng hỏi tại sao con biết việc này, cậu chỉ biết là không phải con làm việc
cho tụi nó đâu.” Anh bạn nói với tôi với tất cả sự xác tín. Tôi biết đây là một
hung tin, nhưng tôi vẫn hy vọng biết đâu tin này không chính xác. Trong lúc đó,
hàng ngày anh em vẫn bàn tán sôi nổi về việc đi Đồng Tháp. Riêng tôi được biết
tin bí mật này, nhưng vì tính cách nghiêm trọng của nó và vì lời hứa, tôi phải
giữ kín, không hề hở môi ra cho bất cứ ai. Lúc đó đội tôi vẫn đi làm lao động
bên ngoài, khai hoang, dọn đất cho các đội trồng rau xanh.
Những
ngày sau đó đầu óc tôi lúc nào cũng hoang mang lo lắng về tin ra Bắc mà tôi được
biết. Bắt đầu từ Thứ Hai sau lễ Phục Sinh, ngày nào tôi cũng hồi hộp và chờ đợi
coi có động tĩnh gì không. Nỗi khổ tâm của tôi lúc bấy giờ là không thể tiết lộ
với ai. Trong khi đó hàng đêm, sau khi vào buồng, anh em ngồi tụm năm tụm ba
bàn tán về cuộc chuyển trại về Đồng Tháp sắp tới. Điều này càng làm cho tôi khốn
khổ hơn, vì biết được một việc có liên quan tới số phận của quá nhiều người,
nhưng vì lời hứa, tôi không thể nào tiết lộ được.
Ngày
thứ Hai trôi qua, không có gì xảy ra, rồi ngày thứ Ba...và các ngày tiếp theo
trong tuần, ngày nào tôi cũng hồi hộp chờ đợi nhưng vẫn không thấy gì. Tới sáng
ngày thứ Bảy vẫn lặng yên như tờ. Tôi rất vui trong lòng vì biết là nguồn tin
anh bạn nhà bếp nói không đúng sự thật. Tôi không trách anh ấy, vì trong tù các
tin đồn, tù nói tội nghe vẫn là chuyện thường xảy ra. Vả lại tin anh ta báo “ra
Bắc” mà không đúng sự thật là một hồng ân đối với tôi rồi. Xế trưa thứ Bảy,
chúng tôi cũng xếp hàng, báo số đi lao động buổi chiều như thường lệ. Trong lúc
lao động, tôi cảm thấy thật hân hoan vì anh bạn nói chắc chắn là nội trong tuần
này sẽ có đợt chuyển tù ra Bắc, mà lại có tên tôi trong danh sách, thế mà bây
giờ là chiều thứ Bảy rồi, tôi còn gì phải lo nữa?
Sau
giờ lao động, lúc đó quãng 5 giờ chiều, đội chúng tôi xếp thành hàng 4 trở về
trại như thường lệ. Trên đường về trại, tôi thở phào nhẹ nhõm. Một nỗi vui xâm
chiếm lấy tôi, một nỗi vui rất lớn mà ít khi nào tôi có được tâm trạng đó. Lòng
tôi sung sướng hân hoan trong lúc chân đang đều bước trong hàng trên đường về
trại. Tôi nhớ tới ngày mai với một viễn ảnh tươi đẹp. Ngày Chủ Nhật sẽ nghỉ
ngơi và thăm viếng, tiếp xúc với anh em, bạn bè.
Suốt tuần
qua tôi bị tin “ra Bắc” ám ảnh và dày vò. Lúc nào tôi cũng mệt nhọc như đang
đeo gánh nặng hàng trăm cân trên người. Cũng may thời gian lo lắng chỉ có một
tuần, nếu tình trạng này kéo dài hơn, chắc tôi sẽ ra nghĩa địa trước khi ra Bắc
(nếu có!). Chiều nay tôi mới thực sự thoải mái! Tôi ngước đầu lên nhìn bầu trời
xanh và hít một hơi thật dài trong tư thế của một người vừa có niềm vui lớn. Niềm
vui của người vừa thoát qua một tai nạn, một tai nạn có thể kết liễu đời mình.
Khi cúi đầu
xuống, chợt tôi thấy từ đàng xa, trên con đường vào trại từ hướng ngã ba Ông Đồn
có một cái gì rất lạ! Sau khi định thần nhìn kỹ, tôi thấy một đoàn xe tải quân
đội đang chạy nối đuôi nhau làm tung lên đám bụi mịt mù trên con đường đất đỏ
hướng vào trại. Tôi chới với gần như ngộp thở khi thấy cảnh này! Thì ra những
gì tôi đã hồi hộp lo lắng cả tuần nay, bây giờ đã tới. Nó tới vào lúc tôi không
ngờ nhất. Trong khi đó, thật vô cùng trớ trêu, một số người trong đội tôi vỗ
tay vui mừng, vì nghĩ rằng đoàn xe mà họ chờ đợi từ lâu để đưa họ đi Đồng Tháp,
bây giờ mới tới!
Khi chúng
tôi vừa nhập trại, chưa kịp lấy thức ăn, nước uống thì có tiếng kẻng tập họp bất
thường. Toàn thể tù nhân tập trung ra giữa sân trại cho ban giám thị nói chuyện.
Chỉ cần thấy đoàn xe tải đang đậu dọc theo sân, ai cũng đoán biết là sắp có cuộc
chuyển trại, và phải là đi Đồng Tháp! Sau khi tập trung chỉnh tề, ông trại trưởng
cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo và vì trại này quá đông,
do đó không thể lo lắng đầy đủ được cho tất cả mọi người, nên một số sẽ được
chuyển đến một nơi mà điều kiện nước nôi rất thoải mái. Cuộc chuyển trại chia
làm nhiều đợt và đợt đầu sẽ là các anh có tên trong danh sách. Sau đó cán bộ đọc
một danh sách 350 người, trong đó có tên tôi.
Lúc giải
tán về các buồng, ai cũng nghĩ là sẽ đi Đồng Tháp nên rất vui mừng. Cả trại nhốn
nháo và lộn xộn không tả được. Anh em từ giã nhau, các nhóm sinh hoạt chung thì
chia chác đồ ăn, thức uống hoặc đồ dùng. Một số người cảm thấy thiệt thòi vì
chưa được đi “Đồng Tháp” trong đợt đầu, vì ở đó có nước máy theo lời cán bộ trại
trưởng nói.
Lúc
bấy giờ sự việc đã tới và không cần giữ bí mật nữa, tôi nói với anh em là số tù
này bị chuyển ra Bắc, nhưng không mấy người tin vào lời tôi nói. Có người còn
cho là tôi cố ý hù dọa anh em, họ gọi tôi la người nằm mơ giữa ban ngày. Đêm
hôm đó, cán bộ võ trang tuần canh bên ngoài nghiêm nhặt bằng mấy lần ngày thường.
Sở dĩ tôi biết, vì suốt đêm đó anh bạn thân của tôi là Phạm Thế Khải và tôi thức
trắng đêm, chờ một cơ hội thuận tiện.
Con đường
vô định
Qua ngày
Chủ Nhật hôm sau, những người trong danh sách chuyển trại được cấp phát mỗi người
một bao tải loại lớn nhất để chứa đồ đạc, áo quần, chăn màn nhưng không được đựng
thức ăn và chai lọ. Sau khi cho đồ vào bao và cột miệng thật chặt, mỗi người được
phát hai cái thẻ có mang số giống nhau. Một thẻ cột vào miệng bao và thẻ kia giữ
trong người. Lúc đi đường mỗi người được mang theo một túi xách nhỏ đựng những
thứ lặt vặt cần dùng. Suốt ngày Chủ Nhật hôm ấy, chúng tôi bận rộn thu dọn đồ đạc.
Ai vô bao xong, mang để trên hội trường.
Tới
chiều tối chúng tôi được lệnh lên mấy chục xe đang đợi sẵn. Sau khi lên xe,
chúng tôi bị còng tay từng đôi một, các tấm bạt che hai bên hông xe được hạ xuống,
cài lại cẩn thận và chúng tôi không còn thấy được gì bên ngoài. Khi xe chuyển
bánh rời trại thì trời đã tối hẳn, tôi đoán phải là mười giờ đêm, bên ngoài tối
đen như mực.
Mặc dù bị
nhốt trong xe bít bùng, nhưng theo hướng xe chạy chúng tôi cũng biết là đang đi
về hướng Sài Gòn. Một số người trên xe vui mừng hí hửng, luôn mồm phát biểu:“Rõ
ràng là xe đang hướng về Đồng Tháp, mình nói có sai đâu!” Xe chạy một thời gian
khá lâu thì dừng lại. Chúng tôi vẫn được lệnh ngồi yên trên xe và các tấm bạt vẫn
che kín hai bên nên chúng tôi không biết xe đang dừng lại ở địa điểm nào. Một hồi
lâu sau, chúng tôi được lệnh xuống xe và lúc bấy giờ mới biết là chúng tôi được
chở tới bến Tân Cảng, ngay đầu cầu xa lộ Sài Gòn.
Trên bến
tàu rất đông công-an, cảnh-sát mặc sắc phục và trang bị súng ống đạn dược đầy
người. Nhìn xuống sông, một chiếc tàu biển loại lớn có tên SÔNG HƯƠNG đang đậu
cập cầu tàu. Dưới ánh đèn điện chập chờn, tôi thấy thân hình nó to lù lù trong
đêm như một con quái vật dưới lòng sông vừa trồi lên mặt nước. Điều làm chúng
tôi ngạc nhiên một cách thích thú khi thấy lại cái “vật lạ” bằng gỗ trong láng
mộc trước kia mà chúng tôi thắc mắc không biết là cái gì, bây giờ được dựng đứng
bên thành tàu. Thì ra nó là cây thang bắc lên tàu Sông Hương!
Chúng
tôi được lệnh xuống xe, vẫn còn bị cùm dính nhau từng đôi một, xếp thành hàng ngay
ngắn trên bến cảng, chờ cán bộ làm thủ tục bàn giao. Một điều rất buồn cười là
đến lúc đó, vẫn còn có người khẳng định là tàu Sông Hương sẽ đưa chúng tôi đi Đồng
Tháp!
Có lẽ tôi
cũng nên dừng lại ở đây để giải thích tại sao “hiện tượng Đồng Tháp” ám ảnh quá
mãnh liệt một số trong nhóm tù chúng tôi như thế. Một lần nữa, chúng tôi phải
ngả mũ trước thủ đoạn dùng mẹo vặt của người cộng-sản. Người cộng-sản biết rằng
các tù nhân rất sợ bị đưa ra Bắc. Nếu để chúng tôi biết có dấu hiệu ra Bắc, chắc
chắn sẽ có hậu quả không hay. Ít nhất là sẽ có một số người tìm cách vượt ngục
ngay từ trong miền Nam. Yếu tố tâm lý thứ hai là lúc ở trại Gia Ray quá đông
người và thiếu thốn đủ các thứ, nhất là nước uống, ai cũng mong được tới một trại
nào có đủ nước để dùng thì Đồng Tháp có nhiều sông ngòi là địa điểm lý tưởng để
lường gạt. Nhưng cái mẹo vặt của họ là cho một anh cán bộ hạng bét ra tỉ tê với
cô gái bán hàng có cảm tình với tù nhân trong trại. Anh ta cho biết là sẽ vắng
mặt một thời gian để áp tải một số tù về Đồng Tháp, và cẩn thận dặn cô gái: “đừng
tiết lộ với ai tin này”! Chính nhờ lời căn dặn này mà tin đó loan vào trại
nhanh hơn và rộng rãi hơn.
Thật đúng
như họ mong muốn, chỉ một ngày sau cả trại đều biết và tin là sẽ có một đợt
chuyển tù về Đồng Tháp. Tin được đưa về Đồng Tháp làm nhiều người vô cùng phấn
khởi và hy vọng. Ngay cả lúc bị đưa tới bến Tân Cảng và sắp sửa bước lên chiếc
tàu biển thật to đang chờ sẵn, họ vẫn nghĩ là “phải” đi Đồng Tháp, không thể là
một nơi nào khác hơn được! Sự nhẹ dạ và khờ khạo của con người đôi lúc làm
chúng ta phải kinh ngạc.
Giã biệt
miền Nam
Chúng tôi
phải đứng chờ khá lâu trong tâm trạng hoang mang lo lắng. Phần tôi, vì đã biết
rõ số phận mình, nên khi đứng trên bến tàu tôi cố gắng mở to đôi mắt như muốn
ghi nhận tất cả những hình ảnh của miền Nam thân yêu, mà tôi biết là sẽ rất lâu
hoặc chẳng bao giờ tôi còn nhìn thấy lại được. Sau khi chờ đợi chán chê, chúng
tôi được lệnh bước lên tàu. Từng đôi một lần theo những nấc của chiếc thang kỳ
dị do tù nhân trại Gia Ray đóng và đã có một thời chúng tôi thắc mắc về nó. Sau
khi lên tới boong tàu, chúng tôi băng qua một đoạn đường ngắn dẫn tới một ô cửa.
Bên trong có cầu thang bằng sắt dẫn xuống phía dưới. Tại đây, chúng tôi được
tháo còng, sau đó từng người một lần bước theo cầu thang hình trôn ốc, chỉ vừa
đủ cho một người, lần mò đi xuống. Sau khi được mở còng, tôi quay lại nhìn toàn
bộ khung cảnh bến Tân Cảng. Mặc dù trong đêm tôi không thấy được nhiều, nhưng
tôi cố gắng ghi nhận khung cảnh cuối cùng của miền Nam thân yêu, nơi tôi được
sinh ra và lớn lên.
Tôi biết
mình sẽ bị đưa ra Bắc, mở màn cho kiếp sống của người tù biệt xứ và tương lai
không biết rồi sẽ ra sao? Tôi tự hỏi, không biết mình còn có dịp trở lại miền
Nam thân yêu này nữa hay không? Tự nhiên một cơn cảm xúc mạnh vồ lấy tôi, nước
mắt tôi dâng tràn khi tôi sắp sửa phải từ giã một giá trị tinh thần vô
cùng quý yêu. Cho tới phút đó tôi mới nhận ra hết ý nghĩa thiêng liêng của
những chữ “nơi chôn nhau cắt rốn”. Nước mắt vẫn lưng tròng, tôi quay lại với thực
tế, lần bước theo cầu thang bằng sắt có hình trôn ốc lần mò đi xuống bên dưới.
Cuối cầu thang là một hầm tàu rộng và đen ngòm, được soi sáng bằng một vài bóng
điện nhỏ từ trên cao chiếu xuống. Vách thành tàu bám toàn là bụi than đá và
trên sàn cũng vương vãi than vụn.
Thì ra
đây là hầm chở than của tàu Sông Hương. Trong góc phía xa có một số thùng làm bằng
các tấm ván ghép lại, có quai bằng dây sắt, dùng để các tù nhân tiêu tiểu vào
đó. Lúc mới bước xuống, tôi có cảm tưởng là hầm tàu rất lớn, nhưng khi số tù
nhân xuống hết, khoang tàu lại trở nên chật chội. Sau khi chúng tôi xuống hết
dưới hầm, cánh cửa sắt ngay cuối cầu thang sát với hầm tàu được đóng lại và có
dây lòi tói quấn chung quanh, hai đầu được khóa lại bằng ống khóa đồng to tướng.
Cảnh tượng
trong hầm tàu thật hỗn độn. Ai nấy lo di chuyển tìm chiếm một góc nào đó làm cơ
ngơi riêng. Những nhóm anh em từng sinh hoạt chung trong trại thì tìm nhau để
kéo về một góc. Mọi người lúc đó đều bận rộn, kẻ lo lau chùi sàn tàu, người
quét tước, dọn dẹp chỗ nằm, tạo ra cảnh rộn ràng như một tổ ong. Lúc này chúng
tôi trở thành đám đông hỗn tạp, vô tổ chức. Không còn những “sĩ quan” do ban
giám thị trại chỉ định, không còn đội trưởng đội phó, và mọi người trở nên bình
đẳng trong thân phận một người tù trong hầm tàu u ám và dơ bẩn này.
Tàu rời bến
vào khoảng sau nửa đêm. Sở dĩ chúng tôi biết tàu chạy là nhờ khi nhìn lên bầu
trời thấy các vì sao đang di chuyển ngược chiều. Lúc mới vừa xuống hầm, chúng
tôi cứ ngỡ là chỉ có nhóm chúng tôi, nhưng khi gõ vào thành tàu làm hiệu, chúng
tôi nhận được tín hiệu đáp lại của “phe ta” từ các khoang khác. Như thế, tàu
Sông Hương vào Nam “bốc hàng” của nhiều trại tù khác nhau cung cấp. Tổng số tù
trên tàu bao nhiêu chúng tôi không thể biết được, nhưng căn cứ vào tầm vóc con
tàu, chúng tôi nghĩ là phải hơn 1000 tù nhân trong chuyến đi này.
Hy vọng
và Hy vọng
Trong
khung cảnh một đám tù nhân láo nháo hỗn độn dưới hầm tàu tối đen như đàn vịt vừa
mới bị lùa vào chuồng như vậy, không hiểu từ đâu lại có nguồn tin nói là chúng
tôi nằm trong diện trao đổi tù binh và con tàu này đưa tới địa điểm trao trả!
Có mấy
anh em có vẻ đạo mạo và tỏ ra am hiểu thời cuộc, đang lôi kéo sự chú ý của rất
nhiều người khi họ “xì” ra tin này. Họ cho biết, theo nguồn tin đáng tin cậy,
thì hiện nay bên ngoài đang diễn ra cuộc thương lượng giữa Mỹ và chánh phủ Việt
Nam về vấn đề Mỹ bồi thường chiến tranh 3 tỷ đô-la cho Việt Nam. Ngược lại phía
Việt Nam phải trao cho Mỹ tất cả số tù nhân hiện đang có mặt trong các “trại cải
tạo”! Như thế không có nghĩa là quân nhân mà thôi, mà tất cả những ai đang nằm
trong các nhà tù cộng sản đều sẽ được trao cho Mỹ. Và địa điểm trao trả sẽ được
hai bên thỏa thuận .
Những nhà
bình luận thời cuộc trong tù cũng nghiêm túc cho biết, số tù nhân sau khi được
trao trả sẽ được đưa thẳng sang Hoa Kỳ. Nghe thế có nhiều anh vỗ tay và reo
lên:“ Thế thì nhất! Không ngờ mình đi tù lại hóa ra may, bên ngoài xã hội bao
nhiêu người mong đi Mỹ mà không đi được”. Tôi thấy có nhiều người phụ họa để
bàn thêm tin này cho tới nơi tới chốn.
Trong khi
tôi ngồi ủ rũ nhìn cảnh này, tôi nhớ lại câu nói của người bạn tù làm nhà bếp
đã nói với tôi tuần trước:“ Tuần tới sẽ có một đợt chuyển tù ra Bắc, và trong
đó có tên Cậu Bảy”. Tôi không biết gì về xuất xứ của nguồn tin “ trao trả tù
binh” này, nhưng tôi hồ nghi là nó cũng bắt nguồn từ hãng thông tấn “ Đồng
Tháp” mà hiện thời có rất nhiều người đang có mặt trên chuyến tàu định mệnh này
bám vào đó như một nguồn hy vọng để sống.
Theo tôi
nghĩ, tâm trạng của hầu hết anh em tù nhân trong khoang tàu tối om và dơ bẩn
lúc này ai cũng nghĩ mình sẽ đi Đồng Tháp, hoặc đi đến dị điểm trao trả tù
binh, hoặc đến nơi nào tốt đẹp hơn theo ý họ muốn. Nhất định không thể
nào có chuyện ra Bắc được, mặc dù đã có những dấu hiệu quá rỏ về sự chuẩn bị
cho cuộc Bắc du như những chiếc bao tải đựng“nội vụ”, chiếc tàu biển đen sì như
con thủy quái khổng lồ và những cán bộ nhận bàn giao lúc nãy trên bến Tân Cảng
nói rặt giọng miền Bắc.
Xét
cho cùng, tôi không chê trách các anh em, vì hoàn cảnh chúng tôi lúc bấy giờ
còn gì khác hơn là niềm hy vọng để mà sống. Hơn nữa hy vọng lại không mất tiền
mua, thì tội gì mà không nuôi hy vọng?
Biển vẫn
đợi chờ
Đêm đó,
vì quá mệt nhọc nên đa số lăn ra sàn tàu ngủ say như chết. Tôi cũng cuộn tròn lại
như con chó con, nằm trong một góc sàn tàu bằng sắt lạnh buốt và cố dỗ giấc ngủ.
Thật lạ lùng, đêm đó tôi ngủ được một giấc rất ngon với một ý định đã được
thành hình trong đầu. Ý định này phát sinh ngay từ lúc tôi bước lên nấc chiếc
thang gỗ, để leo dần lên tàu Sông Hương.
Sáng
ngày, khi tôi giật mình thức giấc thì mặt trời đã lên cao. Ánh nắng chói chang
ban mai giữa biển, dọi vào bên phải thành tàu đang ngon trớn trực chỉ về hướng
Bắc. Điều buồn cười và đáng nhắc lại ở đây là, mặc dù từ dưới hầm tàu, chúng
tôi không được nhìn thấy mặt trời và cảnh vật chung quanh, nhưng căn cứ vào
bóng nắng dọi vào thành tàu, thì cho dù một đứa trẻ con vừa có ý niệm phương hướng
cũng biết tàu đang đi về hướng Bắc. Thế mà có một số người tù vẫn nhất quyết là
tàu đang đi về hướng Nam của vùng “Đồng Tháp”! Thì ra cái mẹo vặt của cán bộ cộng-sản
đánh lừa các tù nhân, cộng với sự hy vọng hão huyền về một xứ Đồng Tháp có nhiều
sông rạch, cùng với nỗi lo sợ phải bị đưa ra Bắc đã có tác dụng làm lú lẫn tâm
trí của một số người, mà tôi nghĩ là trước kia họ cũng có trí khôn rất bình thường!
Nhưng số người lú lẫn này khá ít, so với đa số người khác đã biết được thực trạng
thân phận của mình.
Từ dưới hầm
nhìn lên, tôi thấy cán bộ đứng trên boong tàu, tựa vào hàng rào sắt ngó xuống.
Tôi chợt nhớ lại ngày trước, những lần vào thăm sở thú Sài Gòn, khi tới chuồng
gấu chó, những khách thăm sở thú đứng tựa vào hàng rào sắt bên trên nhìn xuống
đàn gấu đang đi lại bên dưới như thế. Tới giờ rửa chuồng và cho thú ăn, có người
cầm vòi xịt nước xuống và ném thức ăn xuống cho bầy thú đang đứng dưới hầm chồm
lên chờ đợi đón lấy thức ăn.
Bây giờ
chúng tôi cũng vậy, tới giờ dọn vệ sinh, cán bộ đứng bên thòng dây có móc sắt
xuống và bảo chúng tôi móc vào quai các thùng phân, thùng nước tiểu, để họ kéo
lên. Tới giờ cho ăn, người từ bên trên ném thức ăn xuống, phần nhiều là mì gói,
đám tù chúng tôi chụp lấy và chia nhau ăn. Cán bộ tuần tra bên trên cúi đầu
nhìn xuống để ra lệnh và quát tháo khi thấy chúng tôi quá ồn ào mất trật tự. Có
lúc họ còn dọa nạt và lên cò súng đòi bắn xuống vì có chuyện lôi thôi bên dưới.
Nhưng tôi biết họ chỉ dọa thôi, vì số lượng “hàng” đã được bàn giao và ký nhận,
nếu anh cán bộ nào lỡ dại bắn chết một “đơn vị hàng”, chắc là anh ta sẽ phải
vào thay thế cho đủ số.
Sau
giờ quét “chuồng” và giờ cho ăn của buổi sáng đầu tiên xong, các tù nhân chúng
tôi ngồi thành từng nhóm nhỏ rải rác trong hầm tàu. Trên gương mặt mỗi người hiện
lên nét mệt nhọc chán chường và ngồi yên lặng nhìn nhau. Thấy bầu khí trong tàu
có vẻ căng thẳng, tôi đi tới lui thăm một vài nhóm để tìm hiểu, nhờ đó tôi đoán
biết có chuyện sắp xảy ra.
Một vài
nhóm đang kéo bè kéo cánh và bàn tính chuyện hỏi tội các tay làm ăng-ten đang
có mặt trên tàu. Lúc này đúng là cơ hội lý tưởng để làm chuyện đó, vì trong đám
đông hỗn tạp và vô tổ chức này, ai có anh em đông, người đó có sức mạnh. Lúc đó
tôi là Linh mục duy nhất trong một hầm tàu đầy người mà quá phân nửa là người
Công giáo, nên tiếng nói của tôi được nhiều người lắng nghe cũng không có gì là
khó hiểu. Những tay làm ăng-ten trong trại trước kia bây giờ trở nên hoàn toàn
thất thế. Họ biết rõ số phận của họ hơn ai hết, nhất là sau khi “đánh hơi” được
bầu khí hận thù đang dâng cao, họ lại càng lo sợ hơn.
Tôi thấy
mấy anh có tên trong sổ đen đang ngồi co ro một góc, mặt mày tái mét. Mỗi khi
có nhóm người hung hăng đi gần tới, mấy anh chàng trước kia từng gây tai họa
cho anh em trong trại lại phải cúi đầu né tránh. Hình ảnh này càng làm cho hạng
người trước kia, khi có uy quyền đã thẳng tay làm khổ anh em, bây giờ trông
càng đáng kinh tởm hơn. Lúc bấy giờ tự nhiên có mấy người tự động di chuyển tới
nằm gần bên chỗ tôi. Có vài người bắt đầu bày tỏ thái độ lễ phép và thân ái với
tôi với một dụng ý thấy rõ, làm tôi ngượng.
Trù tính
kế hoạch
Trong
hoàn cảnh đó, tôi đã lên tiếng thuyết phục các nhóm bỏ ý định trả thù các tay
ăng-ten. Tuy nhiên, công việc không dễ dàng, vì không phải nhóm nào tôi cũng có
ảnh hưởng đối với ho. Dù vậy, sau khi tôi nói còn một việc quan trọng chúng ta
phải làm trong lúc này, anh em mới chịu từ bỏ ý định. Liền ngay sau đó, tôi âm
thầm quy tụ một số đông, hầu hết là người trẻ, để trình bày một kế hoạch mà tôi
đã ấp ủ trong đầu. Việc này tôi cũng đã bàn kỹ với Kỹ sư Dương Văn Lợi. Lúc ở
trại Gia Ray, anh Lợi là đội trưởng đội nhà bếp, một người lanh lợi và khẳng
khái. Đặc biệt anh có nhiều bạn bè và đàn em hiện đang có mặt trên tàu. Tôi mời
anh Lợi cùng ngồi bàn việc.
Ngồi giữa
số đông anh em, tôi nói rõ ý mình và xin anh em mỗi người cho biết ý kiến. Tôi
vẫn quan niệm rằng, một khi đã bước chân vào tù cộng-sản, thì sẽ không còn biết
tương lai vận mệnh đời mình sẽ ra sao. Nhất là với kiểu tù mang danh tập trung
cải tạo như thế này, làm gì có thời điểm để hy vọng! Tốt nhất là mình phải tự cứu
lấy chính mình.
Tôi đã từng
biết dưới chế độ cộng-sản ở Nga ở Tàu và các nước cộng sản khác, những người
không đồng ý với chế độ sẽ bị thanh trừng, hoặc đưa lên các trại tập trung và rất
nhiều người không bao giờ trở lại. Ở Việt Nam cũng thế. Vì vậy, từ lúc bị bắt
vào tù, tôi coi việc vượt ngục là con đường sống. Việc giải thoát những tù nhân
khác khỏi sự giam giữ bất công là một bổn phận. Không lúc nào ý định vượt ngục
rời khỏi tâm trí tôi, và tôi luôn để ý tìm cơ hội thực hiện ý định này, mặc dù
tôi biết đó là việc làm nguy hiểm và phải trả giá cao, có khi là giá của mạng sống
mình.
Trong đêm
cuối cùng ở trại Gia Ray, trước khi bị đưa xuống tàu ra Bắc là lúc tôi quyết
tâm nhất. Nhưng đêm đó cán bộ bên ngoài tuần canh nghiêm ngặt hơn bất cứ lúc
nào trước đó, làm tôi và người bạn thân là anh Phạm Thế Khải đành phải bỏ ý định,
sau khi đã thức gần suốt đêm rình chờ cơ hội [1]. Khi bước chân lên tàu Sông
Hương và biết là sẽ bị đưa ra miền Bắc, tôi càng quyết tâm phải tự giải cứu
mình và các bạn tù. Sau khi trình bày lý do và nguyện vọng, tôi đề nghị với anh
em kế hoạch đánh cướp chiếc tàu này. Tôi cũng cho anh em biết là kế hoạch này
tôi đã bàn thật kỹ với với anh Dương Văn Lợi và một số anh em tín cẩn khác rồi.
Khi tôi
trình bày xong, cả nhóm ngồi thinh lặng suy nghĩ trong một lúc. Sau đó tất cả mọi
người đều tán thành, và sự nhiệt tình hưởng ứng của họ làm tôi phải ngạc nhiên.
Kế hoạch được trù tính như sau: lợi dụng sự sơ hở của cán bộ trên tàu và áp dụng
yếu tố bất ngờ, chúng tôi sẽ uy hiếp và cướp quyền điều khiển con tàu. Tôi chủ
trương tuyệt đối không giết người, nhưng tất cả cán bộ và hành khách trên tàu sẽ
bị giữ làm con tin. Sau đó lái tàu tới một nước tự do gần nhất để thương thuyết,
dưới sự giám sát của một cơ quan quốc tế, để trao đổi tất cả số tù nhân trên
tàu với những con tin bị bắt giữ.
Chúng
tôi biết đây là một ý định táo bạo đầy nguy hiểm. Nhưng lúc bấy giờ hình ảnh của
sự chết dần chết mòn trong một nhà tù nào đó ở miền Bắc khiến chúng tôi nghĩ là
nếu phải chết do việc cướp tàu giải cứu tù nhân, vẫn còn nhẹ nhàng và có ý
nghĩa hơn cái chết rũ tù ở miền Bắc.
Đi vào
chi tiết
Trên
nguyên tắc, kế hoạch đã được chấp thuận. Còn lại là phần nghiên cứu các chi tiết,
nhưng phải làm cho thật nhanh vì thời gian rất giới hạn. Những chi tiết dự trù,
phần lớn tôi và anh Dương Văn Lợi cũng đã bàn và có cách giải quyết. Có những
việc phải giải quyết như cưa dây lòi tói khóa cửa cầu thang, vấn đề thang dây,
vũ khí cầm tay v.v. Ngay sau đó, tôi cho mời những sĩ quan Hải quân và những
người hiểu biết về tàu biển tới để hỏi han cặn kẽ các chi tiết liên quan tới việc
cấu trúc chiếc tàu biển, vị trí các nơi quan trọng, cách thức điều khiển, truyền
tin và tốc độ.
Sau khi
có được ý niệm căn bản và những yếu tố khả thi, tôi chọn ngay một ban tham mưu
và phân công nghiên cứu từng vấn đề. Tôi mời anh Dương Văn Lợi làm phụ tá và lo
về mặt nhân sự. Anh Lợi có người đàn em là Hồ Hoàng Khánh, trước là người
nhái,rất khỏe mạnh và tháo vát lo phụ giúp cho anh.
Kế hoạch
sẽ thực hiện như sau: khoảng 6 tiếng đồng hồ trước giờ G của ngày N (sẽ
do tôi ấn định), sẽ cưa đứt dây lòi tói khóa cửa cầu thang. Đúng giờ G, nhóm cảm
tử 25 người, trong đó có mấy anh võ sĩ, sẽ bò lên trước theo ngả cầu thang. Khi
lên trên sẽ ẩn nấp vào các hốc hẻm trên boong tàu, chờ cơ hội vô hiệu hóa thật
nhẹ nhàng lính canh, trói tay chân nhét giẻ vào mồm, băng miệng lại. Sau đó tức
tốc thả những thang dây xuống. Liền đó, nhóm tham gia, quãng 100 người, bám
thang leo lên, lợi dụng yếu tố bất ngờ ban đêm, chia nhau uy hiếp và chiếm giữ
những nơi trọng yếu.
Chủ
trương: tuyệt đối không giết người, nếu giết người chúng tôi sẽ thất thế về
sau. Nhưng phải uy hiếp cho được quyền làm chủ con tàu và bắt giữ con tin càng
đông càng tốt. Sau khi cướp được tàu, các sĩ quan Hải quân sẽ lái qua Phi Luật
Tân là quốc gia tự do gần nhất. Chấp nhận chuyện bại lộ. Nhưng tàu sẽ không bị
bắn chìm vì có một số rất đông cán bộ, hành khách và cả viên chức cao cấp của bộ
Nội Vụ từ Bắc vào Nam lãnh tù. Khi tới Phi, chúng tôi sẽ đặt vấn đề trao đổi
người, dưới sự giám sát của một cơ quan quốc tế có thẩm quyền.
Các vật
liệu cần thiết đã có: một nửa lưỡi cưa sắt của một bạn tù dấu được trong đôi
dép râu. Một số quần dài của nhiều người để nối lại làm thang dây. Một số khá nhiều
những đoạn mía thả xuống cho tù ăn, chúng tôi còn để lại dùng làm vũ khí cầm
tay. Trong khung cảnh lúc bấy giờ, việc chuẩn bị và bàn tán không thể nào lọt
qua cặp mắt và lỗ tai vốn rất thính của mấy tên ăng-ten đang ngồi co ro, im
thin thít, mặt mày tái nhợt, quây quần chỗ tôi nằm. Lúc này bọn chúng hoàn toàn
thất thế, đành phải ngồi im, và dù có muốn báo cáo lập công, chúng cũng không
dám và cũng không có cách nào liên lạc với cán bộ bên trên. Mọi cử động, sự đi
lại của đám này đều được chúng tôi canh chừng theo dõi cẩn thận. Tôi biết họ
cũng đang theo dõi chúng tôi từng chi tiết một.
Qua hôm
sau, ngày 19 tháng Tư, có 2 việc quan trọng phải làm. Trước nhất là thực tập việc
cưa dây lòi tói khóa cửa cầu thang, thứ nhì là làm sao cho cán bộ khinh thường và
đánh giá thấp đám tù nhân trong khoang tàu chúng tôi. Với chủ trương đánh lạc
hướng cán bộ canh gác và tạo tiếng động trong khoang tàu, tôi tổ chức cho anh
em hát thật to những bài hát “Giải phóng miền Nam”, “Trường Sơn đông Trường Sơn
tây.” Vừa hát, anh em vừa vỗ tay vang rền. Trong lúc đó, người lo việc cưa dây
lòi tói khóa cửa tha hồ mà thực tập, không sợ ai nghe được tiếng cưa sắt.
Ngoài ra,
để cán bộ khinh thường và đánh giá bọn tù chúng tôi không ra gì, mỗi khi thức
ăn được ném xuống, tôi tổ chức cho anh em trong nhóm giành giật, đánh lộn rượt
nhau tưng bừng. Trong khi đó người của chúng tôi lên tiếng bẩm báo xin cán bộ
giải quyết. Dĩ nhiên là chẳng anh cán bộ nào dại dột mò xuống đây, nhưng họ đứng
trên miệng hầm, thò đầu ra chửi bới và dọa nạt. Có lần tôi nghe họ nói vọng xuống:“Bọn
các người chỉ có biết giành ăn! Đúng là một lũ vô tích sự, cho chúng mày giết
nhau!” Tôi cười thầm:“Những con mồi của tôi đã vào bẫy!” Càng lúc càng có nhiều
vụ đánh nhau, giành ăn và rượt chạy tưng bừng trong khoang tàu. Lại có tiếng gọi
vọng lên báo cáo, nhưng mãi rồi cán bộ cũng chán, không thèm can thiệp chỉ để
“cho bọn mày giết nhau!”
Loại chiến
tranh tâm lý này tỏ ra rất công hiệu. Suốt ngày hôm ấy, nhóm chúng tôi hết hát
rồi lại vỗ tay tưng bừng, rồi lại đến các vụ giành ăn đánh nhau và báo cáo cán
bộ inh ỏi. Có lúc tôi thấy cán bộ bên trên nhìn xuống lắc đầu, và tôi đoán được
trong thâm tâm là họ coi nhóm tù trong hầm tàu này chỉ là loại người vô tích sự,
chỉ biết giành ăn. Lúc đó tôi mới thấy yên tâm về yếu tố bất ngờ. Chính yếu
tố này sẽ quyết định cho sự thành bại của kế hoạch sắp tới.
Tế sống
dũng sĩ
Trong đêm
18, trước lúc đi ngủ, tôi mời tất cả anh em sẽ tham gia kế hoạch ngồi lại với
nhau. Sau khi bày tỏ tâm tình và nói lên tính chất nghiêm trọng của việc làm có
thể dẫn tới cái chết. Tôi xin anh em, mỗi người tùy theo tín ngưỡng mình, cầu
nguyện cho việc sắp thực hành. Xin Đấng Bề Trên phù hộ cho việc làm. Nhưng nếu
thấy việc này không thể thi hành được thì xin Đấng Bề Trên can thiệp một cách
nào đó để tránh sự nguy hiểm và chết chóc cho nhiều người. Nghe tôi nói, anh em
ngồi thinh lặng nhìn nhau trong bầu khí trang nghiêm, nặng nề. Sau khi cho biết
việc chuẩn bị tiến hành thuận lợi và kế hoạch có thể tiến hành được. Tôi ấn định
ngày N là ngày khởi hành +2, tức là ngày 20, và giờ G là đúng 1 giờ sáng, như
thế còn 27 tiếng đồng hồ nữa để chuẩn bị thêm.
Sau khi
công bố ngày giờ hành động, tôi thay mặt cả nhóm cử hành nghi thức tế sống 25
dũng sĩ, là những người sẽ xung phong lên trước tiên. Trong bầu khí trang
nghiêm, tôi nói:“Chúng ta sắp làm một việc sẽ ảnh hưởng tới mạng sống mình và
nhiều người khác. Nhưng chúng ta phải làm vì đó là cách để tự giải thoát mình
và nhiều người khỏi sự tiêu diệt thật phi lý của chế độ cộng-sản. Trong số 25
anh em sẽ đương đầu với sự nguy hiểm đầu tiên, có thể các anh sẽ là những người
hy sinh trước hết. Vậy, thay mặt cho tất cả anh em cùng quyết tâm tham gia, tôi
xin anh em nhận một lạy của tôi như một nghi thức tế sống anh em. Nếu nhờ trời,
chúng ta hoàn toàn thành công, các anh sẽ là những người lập công đầu. Nếu
thành công nhưng các anh đã hy sinh rồi, chúng tôi sẽ vận động dựng tượng các
anh. Nhưng nếu rủi ro thất bại, chúng ta sẽ cùng chết với nhau trong một cái chết
có ý nghĩa, chết vì lý tưởng tự do. Cái giá của tự do rất cao, và lúc này chúng
ta phải trả cái giá đó bằng chính mạng sống mình.” Nói xong, tôi quỳ xuống chắp
tay và lạy một lạy để tế sống 25 dũng sĩ đang có mặt. Tất cả mọi người đều cảm
động, ngồi yên cúi đầu, có người rơi nước mắt. Một lúc sau cả nhóm giải tán
trong sự căng thẳng để về chỗ nghỉ ngơi lấy sức. Riêng tôi và ban tham mưu còn
ngồi lại bàn tính những chi tiết. Mặc dù đã trù tính hết mọi thứ, nhưng tôi vẫn
thấy những điều phải bàn dường như nằm trong danh sách dài vô tận.
Trong
ngày đầu tiên trên biển, thời tiết thật tuyệt vời. Gió nhẹ, bầu trời trong
xanh. Lâu lâu mới thấy có một áng mây trắng nhẹ nhàng lướt qua cửa hầm tàu. Gió
hiu hiu thổi. Con tàu đi rất êm, êm đến nỗi nếu không thấy mây bay ngược chiều
từ hầm tàu nhìn lên, chúng tôi sẽ không biết là tàu đang di chuyển. Thật đúng
như câu nói:“Tháng ba, bà già đi biển”. Đêm 18, sau nghi thức tế sống 25 dũng
sĩ, chúng tôi bảo nhau cố gắng ngủ thật ngon để lấy sức cho những việc làm quan
trọng sắp tới. Qua sáng ngày 19, thời tiết vẫn đẹp, chỉ hơi khác một điều là
ánh nắng ban mai có vẻ gay gắt hơn và trên bầu trời có khá nhiều mây. Nhưng biển
vẫn yên và tàu đi êm ái nhẹ nhàng.
Chúng
tôi vẫn sinh hoạt dưới hầm tàu theo kiểu bầy gấu chó trong sở thú Sài Gòn. Tới
giờ “dọn chuồng”, cán bộ bên trên thòng dây có móc xuống, chúng tôi móc vào
quai các thùng phân, thùng nước tiểu cho họ kéo lên. Sau đó các thùng không lại
được thả dây xuống để chúng tôi lấy đặt vào chỗ của nó. Tới giờ cho ăn, cán bộ
từ trên ném những gói mì ăn liền xuống, chúng tôi chụp lấy và chia nhau ăn. Thức
ăn lúc đó chỉ có mì gói, không còn gì khác. Trưa ngày đầu tiên được ném cho một
ít mía và dưa hấu. Nước uống thì rất hạn chế, đựng trong thùng sắt và được
thòng dây xuống.
Sau
gần 2 ngày đi đường, hầm tàu dơ bẩn, nước nôi be bét. Tại góc dùng làm cầu tiêu
dã chiến, mùi hôi thối từ các thùng phân, thùng nước tiểu không có nắp đậy,
xông lên nồng nặc. Hơn ba trăm người tù chen chúc nhau trong cái hầm tàu đen
ngòm và dơ bẩn, tự nó đã là cảnh ghê rợn. Cộng với những vụ dàn cảnh đánh nhau,
giành ăn và la hét có chủ ý của chúng tôi, khoang tàu lúc đó càng trở nên quái
đản và dị dạng hơn.
Càng gần
tới lúc thực hiện, tôi càng cảm thấy ruột gan cồn cào và có cảm tưởng thời giờ
qua đi quá nhanh. Mới đó mà đã tới trưa ngày 19, chỉ còn hơn 10 tiếng đồng hồ nữa
là tới giờ phút quyết liệt. Thần kinh tôi trở nên càng lúc càng căng thẳng mỗi
khi nhìn thấy thấy bóng nắng trên thành tàu càng lúc càng nhích dần lên
cao, theo nhịp độ của mặt trời ngã dần về phía Tây. Mặc dù lúc bấy giờ chúng
tôi mỏi mệt và thần kinh căng thẳng, nhưng thỉnh thoảng lại hát thật to, có tiếng
vỗ tay kèm theo làm náo động cả khoang tàu. Chúng tôi phải giữ thói quen này,
vì theo kế hoạch, đêm hôm đó phải cưa dây lòi tói khóa hầm tàu trong tiếng ca
hát vỗ tay để lấn át tiếng cưa sắt.
Tôi
đi một vòng để tiếp xúc và khích lệ tinh thần các anh em, đồng thời kiểm điểm
các thứ cần thiết. Những chiếc thang dây bằng những quần dài nối lại đã được
chuẩn bị. Những đoạn mía ngắn chừng 50 phân đã được cẩn thận thu xếp và sẽ được
cột vào người trong lúc hành động. Một chi tiết mà tôi không bao giờ quên được,
đó là trong giờ phút quyết liệt đó, tôi hay đưa tay lên sờ trán và mạch máu ở
thái dương bên phải tôi lúc đó căn phồng lên to như một chiếc đũa. Chứng tỏ là
tôi đang trong tình trạng căng thẳng đến tột độ.
Ý trời
Khoảng 3
giờ chiều, tự nhiên thời tiết có dấu hiệu thay đổi. Khi nhìn lên, tôi không còn
thấy bóng nắng trên thành tàu. Bầu trời có nhiều mây, những đám mây đen nghịt.
Một dấu hiệu thay đổi thời tiết thật bất ngờ và thật nhanh. Có cơn gió nhè nhẹ
nổi lên và thời tiết bắt đầu lạnh khi vài hạt mưa lất phất rơi. Lúc đầu, khi
nhìn thấy cảnh này tôi mừng thầm vì có thể là yếu tố thuận lợi cho việc thực hiện
kế hoạch đêm nay. Nếu trời đêm nay có mưa nhẹ, sẽ làm chúng tôi dễ ẩn nấp. Cơn
mưa sẽ che giấu tiếng động và các lính canh tuần sẽ chểnh mảng hơn.
Tới
khoảng 4, 5 giờ chiều, gió càng lúc càng mạnh, mưa nặng hạt hơn và tàu bắt đầu
lắc nhẹ. Mặc dù độ tàu lắc rất chậm nhưng cũng làm cho một số người khó chịu,
xây xẩm và tìm chỗ nằm. Khi mưa bắt đầu nặng hạt, thì một sự việc làm tôi
ngạc nhiên đến độ kinh hãi khi thấy một cái nắp bằng sắt khổng lo, được điều
khiển bằng điện, từ từ bò ra trở thành cái mái che bên trên hầm tàu. Chỉ chừa một
khoảng độ chừng vài thước cho chúng tôi có khí để thở. Từ lúc lên tàu và khi có
ý định cướp tàu, tôi chưa biết yếu tố này. Lúc bấy giờ tôi nghĩ, nếu có biến động,
bên trên họ sẽ bấm nút đóng kín hầm tàu, chúng tôi sẽ ra sao? Điều này khiến
anh em chúng tôi thực sự lo lắng. Một lúc sau, cơn mưa tạnh dần và tôi thấy cái
nắp hầm bên trên lại được thụt vào để lộ một bầu trời xám xịt có nhiều mây đen.
Những người biết về thời tiết trên biển nói đây là triệu chứng của một cơn bão
nhiệt đới. Một loại bão trái mùa thường xảy ra trên vùng biển Đông.
Một lúc về
sau, gió bỗng trở mạnh, gào thét, xô đi quật lại vào thành tàu làm con tàu lắc
lư chao đảo nhiều hơn. Đám tù chúng tôi trở nên uể oải, mệt nhọc và quá phân nửa
số người đã phải nằm dài xuống sàn. Một số người đã bị say sóng và nôn thốc nôn
tháo ra sàn tàu. Điều tệ hại xảy ra là lúc “rửa chuồng” chiều hôm đó, khi cán bộ
trên thành tàu kéo thùng phân từ hầm tàu lên trong cơn gió mạnh làm tàu tròng
trành. Khi kéo thùng phân lên gần tới nơi, bất ngờ anh bị ngã làm thùng phân
rơi xuống, bắn tung tóe vào trong hầm tàu! Thật là một thứ tai nạn mà tôi không
biết diễn tả làm sao. Chỉ xin dành cho độc giả dùng trí tưởng tượng của mình để
cảm thông cho tình cảnh chúng tôi lúc bấy giờ. Nhất là dưới hầm tàu lại không
có nước để rửa và không có gì để lau chùi.
Trong
giờ cho ăn chiều hôm đó, chỉ có một số ít ngồi lên nổi để lấy phần ăn, còn đa số
nằm sóng sượt như những xác chết chưa chôn. Càng về đêm, gió càng gào thét dữ dội
hơn, tàu tròng trành nghiêng ngả và mưa bắt đầu rơi. Nắp hầm tàu lại được trồi
ra để che mưa như lúc ban chiều. Nhìn thấy cảnh này, tôi mất hết hy vọng! Tàu
đang đi vào cơn bão bất ngờ và cơn bão đã đánh gục gần hết số người trong hầm
tàu chúng tôi.
Quãng
chừng 10 giờ đêm, khoang tàu trở nên vắng lặng, những người say sóng nằm lăn lộn
ói mửa, có người đang ngủ say. Chỉ còn 3 tiếng đồng hồ nữa là tới giờ hành động,
nhưng những người cố gắng đi lại như tôi và anh Dương Văn Lợi cùng vài anh em
trong ban tham mưu cũng bị chao đảo, đứng không vững vì tàu lắc quá mạnh. Tôi
nghĩ thầm “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, người muốn không bằng trời muốn!
Sau khi hội ý với một vài người còn lại, tôi tuyên bố bãi bỏ kế hoạch.
Phần tôi,
mặc dù rất mệt nhọc và căng thẳng trong 2 ngày qua, nhưng không tài nào chợp mắt
được. Tôi thức trắng đêm hôm ấy, nằm nghe gió thét mưa gào, trong lúc con tàu
đáng thương chao đảo như một quả trứng nằm trong chậu nước đang có người cầm
hai bên bờ thành chậu đong đưa.
Một điều
làm tôi vô cùng kinh ngạc và suy nghĩ mãi cho tới ngày hôm nay: gần sáng hôm
sau gió bắt đầu giảm. Càng về sáng gió càng nhẹ và tàu bớt lắc lư. Tới rạng
ngày thì gió ngừng hẳn, mặt biển lại trở nên yên lặng như tờ. Cái nắp che
trên miệng hầm lại được thụt vào để lộ nền trời cao xanh biếc. Mặt trời lại chiếu
ánh sáng êm dịu của ban mai vào thành tàu như trong hai ngày đầu.
Không
ai có thể giải thích hiện tượng bão táp ngắn ngủi đêm qua. Nhưng tôi hiểu ý
nghĩa của nó. Từ biến cố đó tôi càng tin mãnh liệt vào sự Quan Phòng của Thiên
Chúa. Vì trong những ngày đó tôi đã cầu nguyện thật tha thiết. Tôi cầu xin
Thiên Chúa, nếu điều chúng tôi dự tính không thể thực hiện được thì xin Ngài
can thiệp, đừng để hậu quả tai hại xảy ra. Tôi cho rằng cơn bão trái mùa hôm đó
là một phép lạ riêng tư cho cá nhân tôi. Phép lạ này đã xảy ra do lòng tin và lời
cầu khẩn của tôi, để chặn đứng một việc nguy hiểm có thể làm cho máu đổ ngập
khoang tàu.
Ân oán
giang hồ
Sáng
ngày, những người bị say sóng nằm lăn lóc đêm qua bây giờ tỉnh lại. Sinh hoạt
trong hầm tàu trở lại bình thường. Chỉ có một thay đổi lớn là chúng tôi đã bãi
bỏ kế hoạch cướp tàu, điều này khiến những người quyết tâm tham gia kế hoạch,
nhất là những anh em trẻ tuổi cảm thấy tiếc rẻ. Từ tâm trạng tiếc rẻ, họ trở
nên bứt rứt, ngứa ngáy tay chân và biến thành những con người hung hãn. Họ như
những võ sĩ tập luyện rất công phu và sẵn sàng thi đấu, nhưng cuộc tỉ thí vì một
lý do bất khả kháng phải bị bãi bỏ vào phút chót. Họ chẳng còn biết làm gì nên
đã quay sang mục tiêu khác để xả cơn bực tức và sức lực của họ. Mục tiêu đó
chính là bọn ăng- ten đang có mặt trong khoang tàu lúc bấy giờ!
Tôi muốn
nói rõ hơn về việc này. Ngay từ lúc cả nhóm bước xuống hầm tàu hai ngày trước,
đã có làn sóng phẫn nộ dâng cao định hỏi tội bọn ăn-ten trong trại Gia Ray. Lúc
đó, những người đã hãm hại anh em trước kia, không còn đường nào thoát thân, chỉ
còn cách đến với tôi tìm sự che chở như tôi đã nói ở trên. Trong tình thế đó, tôi
đã can thiệp và ngăn cản anh em. Vì nếu không, sẽ có tình trạng đi thái quá và
báo thù nhau vì các việc không đâu. Làn sóng phẫn nộ đã tạm thời lắng dịu từ
lúc chúng tôi dồn hết tâm trí vào một vấn đề khác. Tôi dùng chữ tạm thời lắng dịu
để nói lên rằng, việc ân oán giang hồ đối với hạng người làm mật báo hãm hại
anh em trong tù là vấn đề làm nhức nhối nhiều người và không dễ gì có thể bỏ
qua được.
Tôi
còn nhớ, ngay trong lúc chúng tôi họp bàn về kế hoạch cướp tàu giải thoát tù
nhân, cũng có người đến bên tôi xin, khi thành công sẽ cho thiết lập tòa án
ngay trên tàu để xử bọn ăng-ten. Người này còn đưa ra một danh sách thành phần
“ác ôn” trong trại Gia Ray mà theo anh, những tên này phải đền tội. Tôi đã gạt
ngang ngay ý nghĩ đó và cho biết rằng đó không phải là mục đích của chúng ta,
và nó lại càng không phải là việc của tôi.
Tôi
nói lên điều này để những độc giả nào chưa bao giờ phải bước chân vào nhà tù cộng-sản,
cảm thông được sự đau khổ và phẫn nộ của những người bị bọn ăng-ten hãm hại như
thế nào. Trong một bài khác, tôi có nói đến hành động phản bội và làm tay sai
cho cán bộ, để hãm hại anh em của một số tù chính trị miền Nam. Đó là điều làm
tôi cảm thấy nhục nhã và đau đớn nhất trong 13 năm tôi sống trong tù cộng-sản.
Buổi sáng
hôm đó, không ai có việc gì để làm, không còn vấn đề gì phải bận tâm nên làn
sóng “diệt” ăn-ten tự nhiên lại nổi là điều cũng dễ hiểu. Lúc đó không còn cách
gì có thể kềm hãm được cơn phẫn nộ của một sống đông đang dâng lên quá cao. Mặc
dù tôi đã ngăn cản được một số người, nhất là những anh em Công giáo, nhưng tôi
không thể nào ngăn chặn được tất cả. Bắt đầu vào khoảng 9 giờ sáng có vài cuộc
cãi vã, sau đó rượt đánh nhau gây rối loạn tại nhiều nơi.
Phong
trào diệt ăng-ten như một cơn dịch, càng lúc càng lan rộng ra và cường độ càng
lúc càng dữ dội hơn. Những người bị rượt đánh chỉ còn nước chạy vòng quanh lẩn
trốn. Nhưng chạy đâu cho thoát được ra khỏi cái khoang tàu đông nghẹt những người
này? Có mấy người bị đánh tơi bời, máu me lênh láng. Họ bị đánh bằng đủ các kiểu,
bằng tay chân, bằng ống điếu thuốc lào và bất cứ vật gì có thể dùng làm vũ khí.
Tôi còn nhớ lúc đó trong khoang tàu có 2 anh đau chân phải đi chống gậy là anh
Tô Tứ Hướng và anh Hùng “Si-cà-que”. Vô tình mấy cây gậy của 2 anh đã trở thành
vũ khí đắc dụng cho những người chủ trương diệt ăn-ten.
Tôi không
biết hết những ân oán giang hồ giữa họ với nhau trong trại Gia Ray, vì tôi mới
chuyển lên đó một thời gian ngắn. Thường là những người bị rượt đánh đều chạy tới
tôi để xin che chở. Trong hoàn cảnh ‘chẳng ai bảo ai’ được đó, tôi đã đứng ra
công khai giải thích và xin tất cả các anh em dừng tay lại. Sau khi tôi lên tiếng,
làn sóng phẫn nộ lắng dịu dần, dĩ nhiên là máu đã chảy ra khá nhiều. Nhưng cũng
chính vì sự lên tiếng đó mà về sau này, khi ra tới miền Bắc, tôi đã bị chính những
người tôi che chở tố cáo là tôi chủ trương đánh đập họ trên tàu. Tôi đã trả một
giá rất đắt về việc này.[1]
Cảng Hải
Phòng
Khoảng 5
giờ chiều ngày 20 tháng Tư năm 1977, tàu Sông Hương dừng lại. Chúng tôi biết là
mình đã tới một nơi nào đó ở miền Bắc, nhưng vì đang ở dưới hầm tàu nên không định
thần được là mình đang ở đâu. Tàu đã bỏ neo khá lâu, nhưng chúng tôi vẫn chưa
được lên bờ. Một lúc sau thấy có đoàn người ở các khoang khác bắt đầu lên bến.
Từ lòng hầm tàu nhìn lên, tôi nhận ra một số người tôi quen vì cùng ở chung với
tôi trong trại Phan Đăng Lưu, nhưng khi tôi chuyển lên Gia Ray, họ còn ở lại và
bây giờ cũng có mặt trên chuyến tàu này. Mãi tới chạng vạng tối tù nhân ở
khoang tàu chúng tôi mới được lên bờ, và khi lên tới nơi mới biết đó là bến cảng
Hải Phòng.
Khi
vừa lớn lên và bước vào tuổi mộng mơ, tôi luôn ôm ấp giấc mộng hải hồ. Tôi mong
ước khi lớn lên sẽ trở thành một sĩ quan hàng hải hoặc một thủy thủ của một chiếc
tàu biển để có dịp băng mình trên sóng nước đại dương. Nhưng điều tôi mong muốn
nhiều hơn là được dừng chân nơi những bến bờ xa lạ. Mặc dù khi lớn lên tôi
không thực hiện được giấc mộng hải hồ, nhưng không vì thế mà tôi mất đi tình
yêu biển cả, yêu những con tàu vượt sóng nước đại dương và ham thích khi được tới
những bến bờ xa lạ.
Hôm nay,
vô tình mong ước của cuộc đời tôi trở thành hiện thực, nhưng được thành tựu một
cách thật trớ trêu. Trong lần đi tàu biển đầu tiên này, tôi không phải như một
thủy thủ mà bị nhốt dưới hầm như thân phận của loài gấu chó trong sở thú Sài
Gòn. Giờ đây tôi đang được đặt chân lên một bến cảng xa lạ, nhưng không phải để
thỏa chí tang bồng mà là để bắt đầu kiếp sống vô vọng trong thân phận người tù
biệt xứ.
4
Lần
Ra Đất Bắc
Chúng
tôi, những tù nhân miền Nam bị đày ra Bắc trên chiếc tàu Sông Hương vào tháng 4
năm 1977. Nhóm chúng tôi thuộc đủ mọi thành phần và mọi lứa tuổi, nhưng đa số
là những người trẻ. Số tù tập thể này được gọi tên chung là “tù phản động”,
nghĩa là những người bị bắt sau năm 1975 vì các hoạt động liên quan tới việc chống
chế độ cộng-sản dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Trong đó cũng có những
người bị bắt vì trốn trình diện.
Tàu Sông
Hương, mà chúng tôi gọi là chuyến tàu vét, là chuyến tàu cuối cùng chở tù ra Bắc.
Tàu khởi hành từ bến Tân Cảng gần cầu xa lộ Sài Gòn vào sáng sớm ngày 18 tháng
4 năm 1977, chở theo khoảng 1200 tù nhân chính trị được chọn ra từ nhiều trại ở
miền Nam, trong đó nhóm chúng tôi 350 người từ trại Gia-Ray, tỉnh Xuân Lộc, còn
gọi là Z30 D. Trại này trước kia là hậu cứ của Trung đoàn 54. Khu trại nằm trên
đồi cao có tên rất thơ mộng là “đồi Phượng Vĩ”, vì nghe nói trên đồi này trước
đây có trồng nhiều hoa phượng. Thực ra ai đã ở đó rồi thì mới biết đồi Phượng
Vĩ chẳng thơ mộng tí nào!
Trước mặt
trại là núi Chứa Chan, nằm sừng sững trong tư thế lười biếng và thách thức. Có
mấy anh sầu đời vì tù lâu quá, bực mình nổi cáu gọi nó là núi Chán Chưa! Những
anh tù trẻ còn hăng máu phản bác lại, gọi nó là núi Chưa Chán! Người có chút
máu nghệ sĩ gọi là núi Chan Chứa...tình yêu! Tội nghiệp cho quả núi đất vô tri,
nằm một đống ở đó làm gì để bọn người bất mãn vì thời cuộc này đem ra hành tội,
cho thay danh đổi họ liên hồi như các cô ca sĩ thay áo khi trình diễn trên sân
khấu.
Khi
rời trại Z30 D, chúng tôi bị còng tay dính nhau từng đôi một, đi xe ca xuống bến
Tân Cảng và leo lên tàu vào nửa đêm, khi xuống tới hầm tàu mới được mở còng ra.
Lúc mới lên tàu, tưởng là chỉ có nhóm chúng tôi, nhưng khi gõ vào thành tàu làm
hiệu, chúng tôi liền nhận được tín hiệu của “phe ta” ở các khoang khác đáp lại,
nhưng lúc đó có bao nhiêu người trên tàu thì không rõ. Tàu Sông Hương chạy khá
nhanh, chỉ sau 2 ngày 3 đêm đã tới bến Hải Phòng. Trong mấy ngày lênh đênh trên
biển, có nhiều chuyện xảy ra trong hầm tàu chở nhóm chúng tôi.[1]
Bến cảng
Hải Phòng
Tàu Sông
Hương thả chúng tôi lên bến cảng Hải Phòng vào một buổi chiều ảm đạm. Từ dưới hầm
tàu nhìn tốp lên trước, tôi thấy có một vài người ở trại Phan Đăng Lưu với tôi
trước kia, trong số đó có cha Phạm Hữu Nam, còn được gọi là cha Bosco Thiện, một
Linh mục dòng Chúa Cứu Thế. Sau khi lên bờ, nhóm lên trước được phân phối đi
đâu tôi không rõ. Khi nhóm trong khoang tàu chúng tôi lên bờ thì trời đã nhá
nhem tối.
Cảm giác
đầu tiên của tôi khi đặt chân lên bến cảng Hải Phòng là tưởng chừng mình đang ở
một đất nước nào khác, với cảnh vật tiêu sơ, buồn thảm và đầy đe dọa. Cả những
con người ở đây cũng không tạo cho tôi một chút ấn tượng nào cho biết là tôi
đang đứng trên phần đất của quê hương, và họ là những đồng bào với tôi. Từ cảnh
vật tới con người đều mang vẻ nặng nề ảm đạm và chết chóc. Tôi đảo mắt nhìn
quanh khung cảnh của bến cảng Hải Phòng mà tôi đã được nghe nói tới rất nhiều,
có cả một bản nhạc để ca tụng mang tên “Hải Phòng thành phố quê tôi”! Đó đây
nhà cửa cũ kỹ đen đủi nằm rải rác một cách vô tổ chức; có nhà còn nguyên, có
cái đã thủng lỗ hoặc sụp một góc. Những thùng chứa hàng, đường sắt cũ, xe hư nằm
rải rác chỗ này một chiếc, chỗ kia một cái.
Người
dân ở đây sao hơi khác với những hình ảnh quen thuộc mà tôi đã từng thấy nơi
người miền Nam. Nhưng sự khác biệt đó là gì tôi không thể nói được. Hình như đồng
bào của tôi ở đây hơi nhỏ con và nước da đen hơn. Tôi nghĩ có lẽ là do lối ăn mặc,
vì đa số mang dép râu và đội nón cối. Có thể vì thế làm cho người ta trông luộm
thuộm và lùn ra chăng? Ngoài màu áo vàng của một số khá đông công-an có mang
súng, đa số những người có mặt trên bến cảng lúc đó mặc đồ bộ-đội màu cứt ngựa,
đầu đội nón cối, chân mang dép râu. Lúc mới nhìn qua, tôi tưởng họ là bộ-đội
nhưng sau này tôi mới biết ai cũng có thể mặc đồ bộ-đội, đội nón cối và mang
dép râu.
Lúc
bấy giờ có một hình ảnh đập mạnh vào mắt tôi và không biết tại sao nó cứ ám ảnh
tôi mãi, cho dù cố quên cũng không thể nào quên được. Đó là hình ảnh của một nữ
công-an mặc đồng phục màu vàng, đầu đội nón cối, chân đi dép gì tôi không để ý,
có lẽ cũng là dép râu. Điểm đặc biệt là người nữ công-an đó tóc thật dài và bện
thành cái đuôi sam thả thõng xuống gần đụng gót chân. Hình ảnh này tôi mới thấy
lần đầu tiên và cảm thấy rờn rợn khi nhìn cái đuôi sam đó. Khi nhìn cái đuôi
sam, tôi liên tưởng tới những tấm hình trong cuốn sách nói về loạn Quyền Phỉ
(Boxers) vào thời Mãn Thanh ở Trung Hoa, diễn tả thời kỳ hỗn loạn chém giết
nhau như ngóe.
Tôi đọc
quyển sách này không bao lâu trước khi bị bắt. Trong sách có các tấm hình những
người đàn ông bị chặt đầu đều có đuôi sam! Có bức hình người ta cột hai ba cái
đầu người lại với nhau bằng đuôi sam kiểu như nhà quê người ta cột dừa khô,
dùng các cọng râu của trái dừa cột lại để có thể xách được nhiều quả cùng một
lúc. Cái đuôi sam quá dài của cô cán bộ trên bến cảng Hải Phòng chiều hôm đó
làm tôi nhớ lại các tấm hình gớm ghê này. Tôi nghĩ, giá mà cô ta không đội nón
cối có lẽ tôi ít sợ hơn. Nếu có ai hỏi tại sao, tôi cũng không trả lời được, chỉ
biết rằng một người phụ nữ đầu trần thắt đuôi sam thì tôi không sợ, nhưng thắt
đuôi sam mà đội nón cối làm tôi sợ, nhất là cái đuôi sam đó lại quá dài.
Bến cảng
Hải Phòng chiều hôm đó trở nên nhộn nhịp khác thường, vì tàu Sông Hương vừa cất
lên bến rất nhiều “hàng hóa biết đi.” Một đám đông người lớn và trẻ con hiếu kỳ
đứng hai bên đường nhìn ngó, chỉ trỏ và nói năng loạn xạ bằng một giọng nói hơi
lạ tai đối với tôi lúc bấy giờ. Tôi cũng chẳng biết họ nói với nhau những gì,
nhưng nhìn gương mặt và điệu bộ của họ, tôi nghĩ có lẽ tôi không nghe và không
hiểu thì tốt hơn.
Mọi
việc đã được chuẩn bị từ trước, nên khi chúng tôi vừa lên bờ, liền bị còng tay
lại từng đôi một và leo lên những chiếc xe ca nằm chờ sẵn. Sau khi ổn định vị
trí trên xe, mỗi người được phát một chiếc bánh mì nướng làm thức ăn đi đường.
Cán bộ áp tải phổ biến nội quy đi đường xong thì đoàn xe chuyển bánh. Trời bắt
đầu tối.
Thình
lình, đá sỏi từ hai bên đường bay lên xe như mưa! Tôi vội vàng dùng tay tự do
còn lại che mặt trước cơn “mưa đá” trái mùa này. Bằng mọi giá tôi phải bảo vệ
đôi mắt vì nhỡ có hòn sỏi vô tình nào bay đúng vào kính đeo mắt tôi thì khốn nạn,
có thể mù mắt như chơi. Anh em tù nhân trên xe cũng vội vàng lo chống đỡ theo
phản ứng tự nhiên. Trong cơn hỗn loạn bất ngờ đó, tôi nghe loáng thoáng tiếng
trẻ con la hét từ bên vệ đường: “ĐM chúng mày, lũ ngụy, lũ uống máu ăn gan người!”
Tiếng chửi bới này càng lúc càng nhiều và to hơn. Một giọng nói khác, tiếng của
cán bộ, vang lên trong xe:“Các anh thấy chưa? Nếu đảng không đưa các anh vào
đây để bảo vệ các anh thì nhân dân đã giết chết các anh!” Lúc xe chạy ra khỏi
vùng bão tố, tôi mới biết có vài anh tù trên xe bị thương nhẹ. Riêng tôi bị hòn
đá ném đúng vào đầu u lên một cục khá to. Tôi cảm thấy đau, nhưng đau cho thân
thể tôi thì ít mà đau cho số phận dân tộc tôi thì nhiều.
Đoàn xe
chạy trong đêm trên đoạn đường khá dài từ Hải Phòng qua Hải Dương, Hà Nội, Phủ
Lý... Sở dĩ tôi biết được các địa danh ấy nhờ trên xe có anh Đào Anh Tuấn, mà
anh em gọi là Tuấn Phở, vì anh có tiệm phở ở Sài Gòn, nguyên quán ở Hải Dương
ngoài Bắc, di cư vào Nam năm 1954. Khi xe qua nơi nào, anh giới thiệu nơi đó một
cách rành mạch, như vai trò của các hướng dẫn viên du lịch!
Lúc
ngồi trên xe, tôi cảm thấy mệt nhọc và ngao ngán, chẳng biết và cũng không thắc
mắc họ sẽ đưa chúng tôi về đâu. Những cảm giác lúc ban đầu khi vừa đặt chân lên
đất Bắc trong kiếp người tù biệt xứ đã để lại trong tôi ấn tượng khó quên được.
Tôi muốn dành cho người đọc tưởng tượng ra cảnh thân phận một tù nhân trên đường
đi đày, vừa bước chân lên vùng đất xa lạ là gặp ngay những con người chất chứa
đầy hận thù. Nói cho đúng hơn là được huấn luyện để bày tỏ sự hận thù, như đám
trẻ con “chào đón” chúng tôi tại bến cảng Hải Phòng. Tôi nhớ mà thương
cho số trẻ con đã chửi bới và ném đá vào chúng tôi đó. Người tù biệt xứ này
cũng chẳng biết mình sẽ bị đưa về đâu, những gì chờ đợi trước mắt và còn có
ngày trở về hay không? Nếu còn có hy vọng đó thì bao lâu nữa sẽ được về, vì đây
là loại tù... “mù”, tức là đi tù nhưng không có kêu án, được gọi cái tên thật đẹp
nhưng đầy gian trá là “Tập Trung Cải Tạo”.
Lúc
đó tôi biết những gì xảy ra trên bến cảng Hải Phòng chỉ là màn mở đầu, màn đầu
của sự hận thù đang trói buộc thân thể dân tộc tôi, và người ta đang tận tình
khai thác lòng hận thù đó đối với những người bại trận miền Nam.
Quãng
nửa đêm đoàn xe qua phà Phủ Lý, sau đó chạy vào con đường ngoằn ngoèo chật hẹp,
hai bên là vách núi, như đang đi vào một hang động. Đến gần sáng, chúng tôi tiến
vào một khu vực có hàng rào kẽm gai bao bọc chung quanh. Dưới ánh sáng của những
bóng điện lờ mờ, tôi thấy có nhiều dãy nhà thấp nằm ngay hàng thẳng lối chấu đầu
vào nhau. Đoàn xe dừng lại giữa cái sân khá rộng. Đó là trại Nam Hà, còn được gọi
là trại Ba Sao thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Chúng tôi được lệnh xuống xe trong một
đêm khuya lạnh buốt và có sương mù dày đặc.
Giai đoạn
mới
Tôi chẳng
ghi nhận được nhiều khung cảnh trại Nam Hà trong đêm vừa mới tới, nhưng cảm
giác đầu tiên của tôi lúc bấy giờ là đang bước vào một trại tù lâu đời, gọn sạch
và được tổ chức hẳn hoi; hoàn toàn khác với sự bề bộn của trại giam Gia Ray, tỉnh
Long Khánh trong Nam mà chúng tôi vừa từ bỏ ra đi. Dưới ánh đèn điện lờ mờ
trong đêm, tôi thấy những dãy nhà lợp ngói thấp lè tè, có tường gạch bao quanh
và trên tường có hàng rào kẽm gai. Các dãy nhà này được xếp đều hai bên một sân
trại khá rộng nằm ngay chính giữa, chia trại ra làm hai khu riêng biệt.
Khi vừa
bước vào cổng trại, nhìn về phía tay phải, tôi thấy có một cái giếng cạn tròn
thật to, có lẽ đường kính tới 10 thước, trên miệng giếng có bờ tường cao chừng
80 phân bao bọc chung quanh, bên cạnh có dãy nhà tắm thấp, tôi biết đây là khu
vực tắm giặt của trại.
Vì tới muộn,
nên chúng tôi được chia tạm thời ra từng nhóm và vào một số buồng nghỉ qua đêm.
Khung cảnh trại mới này đối với tôi thật xa lạ và làm tôi ngỡ ngàng. Hình dạng
trại cũng lạ, nhà cửa lạ, thời tiết lạ, giọng nói của các cán bộ cũng lạ tai.
Đêm đó, mặc dù rất lạnh và không có chăn mền, nhưng vì đi đường quá mệt và đã
muộn, nên tôi ngủ một giấc ngon nhưng nhiều mộng mị.
Sáng
hôm sau, chúng tôi thức đậy trong một thời tiết lạnh cóng và có sương mù. Vì vừa
ở miền Nam ra, chúng tôi chưa quen với cái lạnh giá buốt của miền Bắc nên nhiều
người co ro trông rất thảm hại. Lúc trời đã sáng, ngồi trong buồng nhìn qua
song sắt cửa sổ và đám sương mù, tôi vô cùng ngạc nhiên về khung cảnh trước mắt.
Chung quanh trại Ba Sao là một vùng nước mênh mông bao bọc. Điểm đặc biệt là
trên mặt nước có rất nhiều trái núi nhỏ và tròn, mọc nhô lên như những cây nấm
khổng lồ, nằm rải rác trong cánh đồng.
Chúng tôi
ngạc nhiên một cách thích thú trước hình ảnh này và tưởng chừng như các trái
núi nhỏ, tròn và đồng dạng đó là những quân cờ trong một bàn cờ của người khổng
lồ đã chơi và bỏ lại sau khi họ về trời! Cũng có thể so sánh hình dạng các núi
nhỏ đó như những quả trứng của loài chim khổng lồ đã tuyệt chủng. Các quả trứng
này chôn nửa phần dưới nước và nửa phần trên nhô lên trên không. Nhìn xa hơn nữa,
tận chân trời là dãy núi thật dài, trùng trùng điệp điệp, bao bọc lấy khu trại
nằm trên vùng núi đá vôi mà chúng tôi vừa dọn tới đêm qua.
Vào lúc
nhập trại Nam Hà ngày 21 tháng Tư năm 1977, trong trại đã có hơn 600 tù nhân miền
Nam. Những người này đã tới đây từ cuối năm 1975 hoặc đầu năm 1976 và ở các buồng
phía trái từ cổng trại nhìn vào. Phía này được gọi là khu A để phân biệt với
nhóm chúng tôi 350 người mới, ở phía tay phải và được gọi là khu B.
Cảm giác
đầu tiên của tôi khi thấy các người tù khu A là họ rất trầm lặng, có dáng vẻ xa
xôi. Phần đông đã lớn tuổi hoặc trung niên. Nhiều người trắng trẻo, sạch sẽ và
tươm tất trong bộ đồng phục màu xanh của nhà tù, áo cổ cao, giống kiểu áo của
người Tàu. Họ tỏ ra an phận, tự giác, dễ bảo và chấp nhận hoàn cảnh, cho dù là
chấp nhận một cách miễn cưỡng. Thật vậy, khi nhìn tướng mạo và nghe qua tên tuổi,
kèm với chức vụ trước kia, tôi biết đây là những người đã có một thời vàng son
và đầy uy quyền.
Sau
này tôi biết, họ thuộc thành phần viên chức chính phủ, các chức vụ dân cử như
nghị sĩ, dân biểu, sĩ quan cảnh sát, đảng phái quốc gia. Có người đã từng nắm
giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền miền Nam mà tên tuổi nhiều người
nghe biết như Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc, cụ Vũ Hồng Khanh, Thượng nghị sĩ Huỳnh
Văn Cao, Bộ trưởng Đàm Sỹ Hiến, Bộ trưởng Trần Ngọc Oành và nhiều người có tên
tuổi khác.
Tôi không bao giờ quên được tâm trạng đau buồn mỗi lần nhìn thấy các đội khu A
xếp hàng dài giữa sân trại trước giờ báo số lượng tù để xuất trại ra ngoài lao
động, nhất là trong những buổi trưa nắng gắt của vùng núi đá vôi Nam Hà. Đa số
tù nhân ăn mặc giống nhau, áo quần đồng phục màu xanh của tù, đầu đội nón lá,
chân mang dép râu, vai mang một bị nhỏ may bằng vải bao cát, trong đó đựng cái
lon Guigoz nước uống, trên miệng bị có treo lủng lẳng cái ống điếu thuốc lào.
Khi
nhìn những con người đã một thời quyền uy trong xã hội miền Nam trước kia đang
ngồi cúi đầu thành hàng dài trong sân trại, trong đó người giữ chức vụ cao cấp
nhất một thời là cựu Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc, tôi xót xa nhớ tới thân phận con
người,và luật tuần hoàn của vũ trụ. Những người này trình diện học tập cải tạo
theo thông cáo của Ban Quân Quản sau khi cộng-sản vừa chiếm được miền Nam. Lúc
này họ có vẻ mệt nhọc, câm lặng, chán chường và cam tâm chịu đựng cuộc đổi đời.
Có lẽ trong thâm tâm nhiều người muốn chứng tỏ mình cải tạo thật tốt, tránh vi
phạm nội quy để sớm được hưởng sự khoan hồng của đảng và nhà nước, như lời cán
bộ vẫn thường nói:“Cải tạo tốt, lao động tốt là con đường ngắn nhất để được về
sum họp với gia đình!”
Trình diện
học tập
Cũng cần
nói thêm, sau khi chiếm được miền Nam, người cộng-sản biết dân miền Nam và nhất
là những sĩ quan, binh sĩ và viên chức của chế độ Cộng Hòa vừa sụp đổ đều bàng
hoàng lo sợ, nhưng có thể phản ứng chống lại, mặc dù tình thế lúc đó không thể nào
lật ngược thế cờ. Tuy nhiên, nếu có sự chống đối trong lúc người cộng-sản chưa
có đủ thì giờ củng cố guồng máy cai trị tại vùng đất màu mỡ vừa mới cướp được
thì cũng là điều bất lợi cho họ. Bởi thế, điều quan trọng là phải làm sao bắt
giam cho hết những sĩ quan, viên chức chính phủ nào còn ở lại trong nước, sau
khi một số lớn những người đã từng nắm giữ chức vụ chóp bu tại miền Nam đã
nhanh chân bỏ chạy từ trước như cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, cựu Phó Tổng
thống Nguyễn Cao Kỳ, cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, đương kiêm Thủ Tướng Nguyễn
Bá Cẩn, Đại tướng Cao Văn Viên v.v...
Người
cộng-sản đủ tinh khôn để hiểu rằng không thể nào lùng bắt hết những người họ muốn
nhốt vào tù, chỉ có cách hay nhất là giăng lưới để tóm hàng loạt. Đây là điều
tôi thực sự khen ngợi đầu óc giảo hoạt của người cộng-sản. Kế hoạch của họ như
sau. Vừa chiếm được miền Nam xong, Ban Quân Quản thông báo trên đài phát thanh
ra lệnh cho tất cả hạ sĩ quan và binh sĩ “ngụy” (thắng làm vua thua làm ngụy!)
trình diện tại địa điểm gần nhất để học tập đường lối chính sách của đảng và
nhà nước cách mạng. Khi đi, nhớ mang theo thức ăn, đồ dùng đủ trong 3 ngày.
Mặc
dù các anh em binh sĩ chế độ miền Nam rất lo sợ, nhưng lúc đó đã nằm trong tay
họ rồi, nếu không tuân lệnh sẽ rất tai hại, hơn nữa thông cáo có nói đem đồ
dùng trong 3 ngày, nên cũng còn chỗ để hy vọng. Đại đa số những người trong diện
này đã trình diện học tập. Và sau ba ngày, họ được cấp giấy chứng nhận ra về.
Điều này làm sự sợ hãi và nghi kỵ của dân miền Nam đối với chế độ mới đã bắt đầu
giảm đi. Người ta bắt đầu tin vào các lời tuyên truyền về “chính sách khoan hồng
của đảng và nhà nước”, hoặc “đánh kẻ chạy đi chớ không ai đánh kẻ chạy lại!”
v.v...
Không bao
lâu sau, một thông cáo khác của Ban Quân Quản được đọc trên đài phát thanh. Lần
này tới phiên các sĩ quan và công nhân viên chức cao cấp trình diện tại các địa
điểm được ấn định. Khi đi nhớ mang theo lương thực, tiền bạc, áo quần và
đồ cá nhân đủ dùng trong trong một tháng. Dĩ nhiên thông cáo nào cũng kết thúc
bằng câu đe dọa “ai bất tuân sẽ bị trừng trị theo luật pháp hiện hành.”
Nhớ lại
vào sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi đoàn quân cộng-sản ào ạt tiến vô Sài
Gòn, dân chúng miền Nam thật hoang mang lo sợ, những người chức vụ cao và các
sĩ quan của miền Nam càng khiếp đảm hơn.
Họ có lý
do để sợ, vì hình ảnh Tết Mậu Thân năm 1968, với hàng chục ngàn người thường
dân vô tội bị Việt cộng đập đầu, mổ bụng. Có nhiều người bị trói tay dính chùm
bằng dây điện và chôn sống tại Huế chưa phai mờ trong ký ức của nhiều người.
Bây giờ những kẻ chôn sống người đó đã chiến thắng, làm sao những sĩ quan và
công nhân viên chức cao cấp của chế độ miền Nam vừa sụp đổ lại không lo sợ cho
được. Vì thế, khi nghe được thông cáo “đủ dùng trong một tháng” họ mừng như nắng
hạn gặp mưa rào. Trước đây, số hạ sĩ quan và binh sĩ mang đồ đủ dùng trong 3
ngày theo như thông cáo, và họ chẳng được ra về sau 3 ngày là gì?
Tâm trạng
chung lúc bấy giờ là ai cũng mong học tập cho xong để trở về làm ăn sinh sống
bình thường và hợp pháp trong chế độ mới. Thế là hàng hàng lớp lớp người đi
trình diện học tập, người ta vội vã trình diện, người ta chen nhau đi trình diện,
người ta vui vẻ giã từ vợ con để đi trình diện và hẹn tháng sau sẽ gặp lại. Có
người sau khi vào trại còn hãnh diện khoe với mọi người, nhờ sự quen biết và
khéo léo nên đã “chen” được vào trung tâm trình diện khi nơi này đã đầy người.
Ai cũng mong đi học tập trong đợt đầu để sẽ được về sớm.
Lúc bấy
giờ, những cái gọi là “Trại Cải Tạo” được mọc lên như nấm để nhốt những người tự
nguyện đi học tập. Thành phần chánh trị và hành chánh do “Công-an Nhân dân” quản
lý, thành phần quân đội do “Quân-đội Nhân dân” quản lý. Số người đi trình diện
hí hửng nghĩ rằng một tháng sẽ được về, nhưng....
Ôi! Chữ
“nhưng” sao quái ác!
Khi tôi
vô tù một thời gian, được nghe các anh em trình diện kể lại câu chuyện đau
lòng, câu chuyện cười ra máu mắt như sau: Số là khi nghe thông cáo của Ban Quân
Quản, khi đi trình diện nhớ mang theo tiền bạc, thức ăn và đồ dùng đủ cho một
tháng. Những người trình diện đi tù bắt đầu đếm từng ngày. Khi “học tập” tới đầu
tuần lễ thứ tư, cả nhóm vui mừng hí hửng! Có người còn mơ màng về khung cảnh của
ngày lễ mãn khóa thật linh đình vào cuối tuần tới, chắc là phải vui và cảm động
lắm. Sẽ có đại diện các “cải tạo viên” đứng lên đọc diễn văn cám ơn công lao
giáo dục của đảng. Rồi có các bà vợ, những người con và thân nhân sẽ có mặt
trong lễ mãn khóa để đón người thân yêu đã được đảng cải tạo thành người công
dân tốt trở về đoàn tụ với gia đình.
Trong đêm
cuối cùng của tháng “học tập”, nhiều người không thể ngủ được, họ đi bắt tay từ
giã anh em cùng khóa, buồn buồn, tủi tủi, nói lời chia tay tạm biệt với những
anh em đã một thời chung vai sát cánh trong cuộc chiến đấu anh dũng của quân
dân miền Nam chống bọn cộng-sản tham tàn. Nhưng giờ đây lịch sử đã qua trang, kẻ
tham tàn đã chiến thắng và đang ngự trị! Đã qua rồi một cuộc chiến, anh em quân
nhân viên chức chế độ miền Nam vừa sụp đổ chỉ mong từ nay được sống yên hàn với
vợ con trong chuỗi ngày còn lại của cuộc đời.
Sáng hôm
sau là đủ 1 tháng kể từ ngày đi trình diện, nhiều người thức dậy sớm đánh răng
rửa mặt và chuẩn bị đồ đạc ngồi chờ “lễ mãn khóa.” Nhưng lễ mãn khóa chờ đâu chẳng
thấy! Lúc tới giờ, tiếng kẻng tập họp đi lao động vang lên lanh lảnh ở cổng trại
như mọi ngày. Nghe tiếng kẻng, nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên nhìn nhau thắc mắc
nhưng không ai nói gì, chỉ biết cúi đầu xếp hàng báo số đi lao động như thường
lệ. Sự thắc mắc bao trùm suốt ngày hôm đó và mỗi người cố tìm một lý do có lợi
để giải thích cho sự chậm trễ này. Anh em tụm năm, tụm ba bàn giải thắc mắc, và
lý do được nhiều người coi là hợp lý nhất: tháng này có...31 ngày!
Vậy lễ mãn khóa phải diễn ra ngày mai, ngày thứ 31! Mọi người yên tâm đi ngủ chờ
tới ngày mai.
Ngày mai
đã đến rồi lại đi, rồi ngày kia và những ngày kế tiếp cũng đến và đã đi qua
nhưng chẳng thấy có gì khác lạ. Thái độ bất mãn hiện rõ trên mặt nhiều người.
Anh em cứ lập đi lập lại câu hỏi “thế này là thế nào?”, nhưng không ai có thể
tìm được lời giải đáp cho câu hỏi đơn sơ ngắn gọn đó. Cho đến một hôm không còn
đủ kiên nhẫn, một anh đánh bạo chất vấn cán bộ trong một buổi sinh hoạt trên hội
trường:
-Báo cáo anh, tôi có thắc mắc.[1]
- Gì thế? Anh có thắc mắc gì nói xem nào?
- Báo cáo anh, theo thông cáo của Ban Quân Quản kêu gọi chúng tôi trình diện học
tập một tháng. Nay đã quá ngày rồi tại sao chúng tôi chưa được về?
Anh cán bộ ngồi gật gù, nhếch mép cười, nụ cười đầy vẻ tinh quái, hất hàm hỏi:
- Ai bảo cho anh biết học tập một tháng được về?
Anh bạn đáng thương lúc này mất bình tĩnh, gằn giọng từng tiếng:
- Báo cáo anh, thì trong thông cáo của Ban Quân Quản, tôi còn nhớ từng lời, từng
chữ là 'khi đi nhớ mang theo tiền bạc thức ăn và đồ dùng, đủ trong vòng 1
tháng', tôi nghĩ rằng tất cả mọi người ở đây ai cũng nghe như thế.
Anh bạn
chưa dứt lời đã nghe tiếng cả hội trường lào xào rầm rì phu họa: “Đúng rồi,
đúng rồi, trong vòng một tháng”. Chừng đó anh cán bộ buộc lòng phải nói, anh
nói thậm chậm rãi và rõ ràng:
- Các anh ngu quá! Tôi thật không ngờ là các anh ngu quá! Thông cáo bảo các anh
mang tiền bạc, đồ dùng, đủ trong vòng một tháng, còn thời gian tiếp theo là đảng
sẽ lo cho các anh, hiểu chưa? Chỗ nào trong thông cáo nói học tập một tháng được
về đâu, anh chỉ tôi xem? Đảng đâu có dối gạt các anh, tại các anh ngu không hiểu
ra đấy thôi!
Mặc dù
câu nói của cán bộ nhỏ nhẹ và ôn tồn, nhưng sau khi nghe, mọi người thấy lùng
bùng trong lỗ tai như vừa nghe tiếng sấm gầm giữa lúc trời đang nắng chói
chang.
Khu A và
Khu B
Lối sống
và thái độ “cải tạo” của 2 nhóm, khu A và khu B trong trại Nam Hà lúc bấy giờ
hoàn toàn trái ngược nhau. Các bậc đàn anh khu A rất trầm lặng, mực thước trong
việc tuân hành nội quy của trại và lễ phép với cán bộ. Trong khi đó nhóm khu B,
nhất là các anh em trẻ, sống hiên ngang bộc trực và bày tỏ thái độ khinh mạn
cán bộ một cách công khai thấy rõ. Họ cứ gọi lén cán bộ là “chèo”! Cán bộ cấp
nhỏ thì gọi là “chèo nhí”. Tôi cũng không biết chữ “chèo” này bắt nguồn từ đâu.
Một hôm xảy ra câu chuyện nhỏ, nhưng gây ấn tượng mạnh và làm tôi nhớ mãi.
Hôm đó
trong giờ lao động khu vực chung quanh buồng 12 của tôi ở, cán bộ quản giáo gọi
anh Đặng Hữu Nam, một anh bạn trẻ chừng ngoài 20 tuổi trong nhóm Phục Quốc, bảo
nhắc cái ghế lại cho cán bộ. Anh Nam giả vờ đáp:
-Báo cáo cán bộ, tôi không ngồi ghế!
Anh cán bộ quen thói hách dịch quắc mắt hỏi:
- Anh bảo gì? Tôi bảo anh nhắc cái ghế lại đây cho tôi. Ai cho phép anh ngồi ghế
ở đây? Anh này hay nhỉ?
Anh Nam bình thản trả lời:
- Báo cáo cán bộ, nếu cán bộ ngồi ghế thì nhắc lấy mà ngồi, sao lại sai tôi?
Tôi vào đây để học tập cải tạo, đâu có vào đây để nhắc ghế cho cán bộ ngồi.
Cả nhóm chúng tôi lúc đó yên lặng theo dõi câu chuyện làm anh cán bộ xấu hổ
buông ra một câu chửi thật vô duyên:
- Ăn nói bố láo!
Anh Nam đốp chát ngay:
-Cán bộ không được quyền nói tôi như vậy, tôi sẽ báo cáo việc này lên ban giám
thị!
Anh Nam nói chưa hết câu thì cán bộ quản giáo đã bỏ đi, vừa đi vừa nhổ toẹt một
bãi nước bọt.
Kể từ lúc
chúng tôi nhập bọn, các bậc đàn anh đáng kính bên khu A mới bắt đầu nghe nói tới
những tiếng cấm kỵ trong tù như, vượt ngục, chống đối lao động, biểu tình, tuyệt
thực. Có lần các vị này phải nổi da gà, xanh máu mặt khi nghe các buồng khu B
chúng tôi hô to trong giờ ăn trưa: “Đả đảo cộng-sản!”, tất cả mọi người gân cổ
lên la thật to: “Đả đảo! Đả đảo!” Dĩ nhiên, những điều này không bao giờ ban
giám thị của trại bỏ qua, họ sẽ trả đòn bằng kiểu gì lúc ấy chưa ai biết được.
Những người
chưa sống trong tù cộng-sản cũng nên biết qua một chút về chiến thuật “mềm nắn
rắn buông” của người cộng-sản. Tôi nghe kể lại, hôm anh em trong buồng 9 khu B
hô “đả đảo cộng-sản” trước mặt cán bộ giáo dục tên Huy, mặc dù anh ta giận tím
gan tím mật, nhưng vẫn vui cười nói nhỏ nhẹ như nói với người yêu: “Các anh à!
Bây giờ đảng ta quản lý cả nước rồi, nếu không sống với đảng thì các anh sống với
ai? Tôi biết các anh còn trẻ, dễ nóng giận, nếu có điều gì không vừa ý các anh
cứ phản ảnh để ban giám thị giải quyết cho các anh.” Đúng là giọng của mẹ mìn,
ngọt như mía lùi của những kẻ có bàn tay sắt bọc nhung.
Bọn
Ăng-ten
Vào những
tháng trước lễ Giáng Sinh năm đó đã có nhiều vụ tuyệt thực phản đối lao động,
gõ thùng gõ thau nhà bếp, đập đánh mấy tên làm ăn-ten mà anh em gọi là bọn “chó
săn”. Cuộc sống trong trại lúc bấy giờ, hay nói rõ hơn là bên khu B rất căng thẳng,
giống như một quả bóng căng tròn nhưng người ta vẫn còn muốn bơm mãi, bơm mãi!
Đa số tù nhân trong trại lúc bấy giờ là người Công giáo và chỉ có một mình tôi
là Linh mục. Không cần phải nói, ai cũng biết là tôi đương nhiên trở thành mục
tiêu cho sự theo dõi, dò xét và qui trách nhiệm các vụ chống đối xảy ra.
Người
cộng-sản dùng tù theo dõi tù, dùng tù báo cáo và hãm hại tù. Những tên tù làm
tay sai này thường được gọi chung là bọn “ăng-ten”, kiểu như cây ăng-ten của
cái Radio kéo lên để bắt được các làn sóng phát thanh. Đôi khi chúng còn được gọi
bằng cái tên sát nghĩa hơn, nhưng nghe nặng tai là bọn “chó săn”, và tại sao bọn
này có tên đó chắc ai cũng hiểu.
Kinh
nghiệm đời tôi trong 13 năm tù dưới chế độ cộng-sản cho tôi thấy bọn “chó săn”
trại nào cũng có, thành phần nào cũng có, tuổi tác nào cũng có, cấp bậc địa vị
nào ngoài xã hội trước kia cũng có. Tôi coi đây là điều sỉ nhục lớn nhất cho tập
thể tù chính trị miền Nam. Tù hình sự thì tôi không nói làm gì, nhưng đối với tập
thể những con người cùng chung số phận trong hàng ngũ bại trận, khi vô tù lại
làm tay sai cho kẻ thù để hãm hại anh em mình là điều làm tôi nhục nhã và đau đớn.
Nhất là từ khi biết con đường cải tạo còn dài thăm thẳm, và chỉ có những người
lập công mới có hy vọng được về như lời cán bộ hứa, thì đội ngũ bọn ăn-ten càng
đông đảo hơn. Dĩ nhiên làm “ăn-ten” cũng được coi là một nghiệp vụ, nên cũng được
chiêu mộ và được huấn luyện.
Nhân đây
tôi nhớ lại chính tôi cũng có lần được chiêu mộ làm việc này. Năm 1976 lúc tôi
còn ở trại Phan Đăng Lưu, Gia Định. Thời gian này mới bị bắt không lâu, các tù
nhân còn đang bị thẩm vấn khai thác (trong tù cộng-sản gọi là làm việc), chưa
phải đi lao động. Chúng tôi bị nhốt trong các buồng trống trơn như những lớp học,
trong góc buồng có một bể nước có vòi chảy vào, nằm kế bên một cầu tiêu lộ
thiên, mỗi buồng chừng 60 người. Vì không phải đi lao động nên cả ngày chúng
tôi ngồi nói chuyện, chơi cờ, đọc báo Nhân Dân, chờ tới giờ được mở cửa cho ăn.
Một hôm
tôi được cán bộ gọi lên cơ quan “làm việc”. Người cán bộ gặp tôi là một người
miền Nam chất phác, có đôi gò má cao và chải đầu rẽ ngôi giữa đỉnh. Giọng anh
nói rất ôn tồn nhẹ nhàng. Sau khi thuyết một hồi về việc mở đường cải tạo cho
tôi, để tôi sớm được về với gia đình và làm lại cuộc đời. Lúc đó tôi biết anh
ta đã muốn gì nơi tôi.
Tôi
đoán không sai, sau khi thuyết một hồi, anh ta kết luận là nếu tôi muốn được
khoan hồng về sớm thì nên lập công bằng cách phát hiện và báo cáo những hiện tượng
tiêu cực trong buồng. Tôi ngồi nhìn anh ta mà thấy thương hại! Thương hại cho
anh đã chọn lầm người để tâm sự và kéo về phe mình. Với dụng ý sẽ chơi khăm,
tôi nhận lời! Anh ta vui vẻ ra mặt. Có lẽ anh ta không ngờ hôm đó anh quá may
trong công tác của một công-an cai ngục. Chắc là cấp trên anh ta sẽ rất hài
lòng khi biết có một Linh mục vui vẻ nhận làm “ăng-ten”.
Anh ta tiễn
tôi ra về với nụ cười thật tươi, hai bờ mép kéo dài gần tới mang tai và hứa một
lúc nào đó sẽ gọi tôi lên gặp lại anh. Một thời gian sau tôi lại được gọi lên
cơ quan “làm việc”. Trong lúc đi đường tôi nghĩ thầm, chắc là anh cán bộ hôm nọ
đang ngồi nhịp chân trên văn phòng và đang cười thầm với ý nghĩ:“Ngay bọn cha cố
mà mình cũng chiêu mộ được!”
Tôi bước
vào phòng và anh ta đón tôi rất niềm nở. Trà tàu và thuốc lá được mời một cách
rộng lượng. Trà nước xong đâu đó, anh ta vào đề, một lối vào đề mà nãy giờ tôi
biết anh ta rất nôn nóng:
- Anh Lễ, tôi vui mừng được biết anh có tiến bộ trong cải tạo. Vậy anh cho biết
anh có phát hiện được hiện tượng gì xấu trong buồng anh không?
Tôi buồn cười với câu “anh có tiến bộ trong cải tạo”, nhưng vẫn cố trả lời một
cách nghiêm trọng:
-Báo cáo anh, có, có nhiều lắm!
-Có gì nói hết đi anh Lễ, nói hết đi, tôi hứa giữ kín, anh không phải lo.
Tôi nghiêm trang nói:
- Báo cáo anh, trong buồng tôi nhiều người ăn nói bậy bạ quá!
Mắt anh ta sáng lên như gặp của quý, vội hỏi:
-Ăn nói như thế nào?
- Họ chửi thề nói tục không thể tưởng tượng được. Nhất là mấy anh trẻ, mở miệng
ra là 'ĐM' với 'đéo bà'!
Nụ cười vụt tắt trên môi, anh cán bộ tỏ vẻ thất vọng, cố hỏi thêm:
-Họ có nói gì phản động như chống chế độ, tuyên truyền nói xấu đảng không? Còn
chửi thề thì không quan trọng.
- Báo cáo anh, tôi chỉ để ý nghe họ chửi 'ĐM' nhiều quá thôi, các thứ anh hỏi
tôi không nghe!
Đó là lần
“báo cáo” đầu tiên và cũng là cuối cùng, vì sau đó không bao giờ tôi bị gọi lên
để giao công tác nữa. Cho tới nay có lẽ anh cán bộ nọ cũng không hề nghĩ là tôi
có ý chơi khăm anh ta, nhưng cứ nghĩ là tôi quá dốt trong loại công tác này. Biết
đâu anh ta cũng tiếc mấy điếu thuốc thơm và ấm trà ngon đã mời tôi.
Công tác
nào cũng có người giỏi người dở, người đắc lực, người kém hiệu quả, và tùy theo
kết quả công tác mà chúng được “chủ” thưởng công. Cũng có nhiều loại phần thưởng
khác nhau, phần thưởng lớn nhất dĩ nhiên là một lời hứa hẹn được “đảng và nhà
nước khoan hồng cho về sớm”. Nếu ai chưa biết, tôi xin nói lúc đó chúng tôi đi
tù... mù, tức là bị nhốt vào tù mà không có kêu án nên không ai biết được lúc
nào mình sẽ được tha và lúc nào cũng nuôi niềm hy vọng được thả về. Vì thế
chiêu bài “sự khoan hồng của đảng và nhà nước” là miếng mồi thật thơm để nhử bọn
“chó săn”, làm cho chúng rỏ nước dãi và săn lùng hăng hơn, phản bội anh em nhiều
hơn, hại anh em nặng nề hơn. Có người còn nhẫn tâm giết chết anh em để lập
công.[1]
Phần thưởng
nhỏ có nhiều loại, như khỏi phải đi lao động nắng gió và nặng nề, chỉ ở nhà để
“rình” và báo cáo những anh em khác. Có khi phần thưởng là được thăm gặp
vợ qua đêm “48 tiếng” tại phòng hạnh phúc nằm ngay trong nhà thăm nuôi! Loại phần
thưởng này nói ra nghe hơi ngượng, nhưng thực sự nó là mục tiêu phấn đấu cho
nhiều người. Những anh cải tạo không tốt thì cho dù có xa vợ hàng chục năm đi nữa,
khi bà xã ra thăm cũng chỉ được ngồi đối diện trên chiếc bàn dài để nói vài câu
chuyện trời trăng mây nước, và ngay ở đầu bàn có người công-an áo vàng ngồi một
đống sừng sững như để “chia xẻ niềm vui vợ chồng lâu ngày sum họp”! Anh tù thuộc
dạng này cho dù có thương nhớ vợ đến chết người đi chăng nữa cũng không được sờ
tay bà xã, đừng có mơ màng tới phần thưởng xa hoa “48 tiếng” trong căn phòng hạnh
phúc.
Cũng
cần biết thêm là những bà vợ được “48 tiếng” với chồng, khi ra về được trại cấp
cho một giấy chứng nhận có “qua đêm” với chồng. Nếu về nhà có bầu thì đưa giấy
tờ ra để tránh tiếng thị phi của làng nước và khỏi gặp rắc rối với dòng họ nhà
chồng! Dĩ nhiên nếu không có bầu thì thôi, khoe giấy tờ loại đó ra mà làm gì,
ngượng chết! Lối giải quyết bằng giấy chứng nhận như vậy cũng hay để khỏi rắc rối
về sau, nhất là trong hồ sơ HO.[1] Một loại phần thưởng khác có thể là được
chỉ định làm đội trưởng hay tổ trưởng, hoặc được làm nhà bếp có nhiều cơ hội ăn
no (giàu nhà kho no nhà bếp!).
Phần thưởng
lớn hơn có thể được cất nhắc lên chức vụ cao cấp trong tù như Trật tự, Văn Hóa,
Y tá. Đây là những “sĩ quan” thực sự trong tù, mặc dù không phải tất cả những
sĩ quan này đều là ăng-ten.
Mỗi khi
nhắc tới hạng người làm ăng-ten trong tù, ai cũng bày tỏ sự khinh bỉ và bực tức.
Tuy nhiên có một trường hợp làm tôi phải phục con người làm công việc này. Lúc
đó tôi đang bị giam trong một buồng tập thể tại trại Phan Đăng Lưu, tỉnh Gia Định.
Một hôm cán bộ đưa vào buồng tôi một anh tù mới. Anh này tướng tá nhỏ con, gầy ốm
và xanh xao, có đôi mắt to và lồi, tròng trắng nhiều hơn tròng đen, má hóp làm
hai gò má nhô cao. Điểm đặc biệt, anh ta có mái tóc quăn bồng bềnh thật dầy làm
cho hình dạng anh ta mất cân đối, phần đầu to hơn phần thân.
Vì
trong buồng nóng nực nên anh cởi trần, mặc quần đùi để lộ thân hình con người
chỉ có xương với gân, không có thịt. Mới nhìn qua, tôi thấy bộ dạng anh không
giống với ai trong buồng. Khi anh buồng trưởng lo thu xếp chỗ nằm cho anh và
anh thư ký buồng ghi tên tuổi, anh ta tỏ ra lầm lỳ, hỏi đâu nói đó, chẳng tỏ ra
một chút cố gắng nào để hòa mình với những người khác trong buồng. Anh ta khai
tên là Hòa, họ gì tôi không còn nhớ. Sau đó Hòa ngồi một góc, dựa lưng vào tường,
ngó trước nhìn sau, cặp mắt ốc nhồi trắng dã của anh quét qua quét lại liên hồi.
Anh
ngồi yên khá lâu, chẳng nói chuyện với ai và cũng chẳng ai nói chuyện với anh.
Gần tới giờ lấy thức ăn trưa, trong khi trong buồng đang ồn ào như thường lệ, đột
nhiên anh Hòa đứng lên và nói thật to làm cả buồng giật mình thinh lặng. Anh tự
giới thiệu là một cán bộ cấp huyện, bị bắt vì nhận hối lộ. Anh cũng cho biết
chính anh là người đã bấm hai quả mìn giết chết khá nhiều người trong vụ nổ nhà
hàng Mỹ Cảnh ở bến Bạch Đằng trước đây.
Sau khi tự
giới thiệu, anh nói tiếp bằng một giọng rất trang nghiêm:“Mặc dù bị tù nhưng
tôi vẫn là một cán bộ của đảng. Tôi yêu cầu tất cả mọi người trong buồng đừng
có ai tuyên truyền phản động và nói xấu đảng. Tôi sẽ báo cáo tất cả!” Nói xong
anh ta ngồi xuống và trở lại với thái độ lầm lỳ như trước. Dĩ nhiên là từ đó cả
buồng chúng tôi sợ anh ta. Có người ghét anh, nhất là sau khi biết anh ta đã nổ
mìn giết thường dân vô tội. Nhưng tôi phục anh ta trong cách thức bày tỏ lập
trường của anh với đảng.
Phần tôi,
tôi biết rõ về tôi hơn ai hết, khi đã sa chân lỡ bước vào con đường này, tôi đã
chấp nhận tất cả, kể cả cái chết. Điều tôi luôn quyết tâm và cầu nguyện xin
Chúa giúp cho tôi được sống xứng đáng vai trò của một Linh mục làm chứng nhân của
tình yêu Thiên Chúa giữa những anh em tù nhân, và là chỗ dựa tinh thần cho anh
em trong cơn thử thách. Tôi biết rất rõ người cộng-sản coi các tôn giáo là kẻ
thù, mà Công giáo là kẻ thù số một. Là một Linh mục, đến nay đã 34 tuổi đời và
6 năm trong chức vụ, tội danh tôi khá rõ: Linh mục phản động, chống đối cải tạo,
khuyến khích những cuộc nổi loạn trong trại. Một chuỗi “tội” như vậy làm sao
tôi không đoán được số phận của mình.
Ngoài ra
còn có những sự việc cụ thể sau đây càng cho tôi hiểu về số phận của mình hơn.
Khi vừa nhập trại Nam Hà không bao lâu, tôi bị cán bộ gọi lên thẩm vấn nhiều lần
về vụ tàu Sông Hương. Có những lần phải làm việc với sĩ quan an ninh của trại,
gặp cán bộ cao cấp ở Bộ Nội Vụ xuống, và cũng có lần gặp chính Trung tá Hoàng
Thanh là người có trách nhiệm vào Nam đón chúng tôi. Họ hạch hỏi tôi về dự mưu
đánh cướp tàu. Khi thì bằng giọng nói ngọt ngào như đường phèn, khi thì đe dọa
quát tháo sủi bọt mép. Lần nào tôi cũng trả lời một câu duy nhất: “Tôi không biết
vụ này, và nếu ai báo cáo với cán bộ, cho tôi gặp người đó”.
Thường là
buổi làm việc chấm dứt sau câu nói này của tôi. Làm sao họ có thể cho tôi giáp
mặt với những người này. Mặc dù tôi không biết hết những tay ăng-ten đã bẩm báo
rành mạch “vụ tàu Sông Hương”, nhưng tôi biết chắc chắn một vài người trong số
này. Những tháng về sau này, tôi không còn bị gọi lên hỏi về vụ tàu Sông Hương
nữa, nhưng không phải như thế mà vụ đó đã xong. Khi anh em khu B bắt đầu phong
trào diệt ăng-ten cao độ, những tay “chó săn” bị anh em trùm chăn đánh đập què
chân, sứt mõm thường được cán bộ đưa vào buồng tôi và được chỉ định nằm kế bên
tôi. Tôi hiểu rất nhanh về việc này. Nhưng chính việc tôi sắp kể ra sau đây mới
đóng dấu vào quyết định cho số phận tôi.
Học tập
khai báo
Vào tháng
10 năm 1977, sau khi tôi tới trại Nam Hà được 6 tháng, trại có tổ chức đợt học
tập khai báo lý lịch cho một số 400 tù nhân khu A, cộng với 19 người trong buồng
12 của tôi, mặc dù tôi thuộc về khu B. Lúc này trong trại đã có thêm một số khá
đông anh em tù quân đội từ trại Hoàng Liên Sơn chuyển về, đang ở khu nhà mới
xây gần nhà bếp, nâng tổng số tù toàn trại lên hơn 1000 người. Tù khu B chiếm từ
buồng 7 tới buồng 12, mỗi buồng chừng trên dưới 60 người. Riêng buồng 12, nơi
tôi ở chỉ có 20 người thuộc đủ mọi thành phần được lựa ra ở riêng và tôi cũng
chẳng biết theo tiêu chuẩn nào. Số người trong buồng rất là thập cẩm, có Linh mục,
có đảng phái, có thương gia, có Mục sư người Thượng, lại có cả một ông Tàu già
tên Nùng Bá Lâm, nghe nói là cựu tướng lãnh đã từng chỉ huy một sư đoàn của Tưởng
Giới Thạch.
Nghe nói
năm 1949 khi Tưởng Giới Thạch bị Mao Trạch Đông đuổi chạy ra đảo Đài Loan, Thiếu
tướng Nùng Bá Lâm không theo ra Đài Loan mà lại dẫn tàn quân qua biên giới Miến
Điện, sống bằng nghề lục lâm thảo khấu. Thực sự có đúng như vậy không và tại
sao ông lại bị bắt vào đây thì tôi không biết. Ông ta người cao lớn dềnh dàng.
Tuy già nua và ốm yếu, có lẽ đã 80 tuổi, nhưng đôi mắt ông ta đầy thần sắc và
lúc nào cũng đỏ ngầu như mắt loài hổ báo, nấp dưới đôi chân mày rậm và dài như
chổi xuể trông càng dữ tướng hơn. Ông là điển hình của một con sư tử về già.
Có lúc
tôi nghĩ, mấy chục năm trước đây, ai rủi ro sa vào tay ông chắc không khá được!
Ông không biết nói tiếng Việt, hay giả vờ không nói được tôi cũng chẳng biết, mặc
dù nghe nói ông ta sống ở Việt Nam khá lâu. Đặc điểm nơi ông ta là ở dơ. Trong
tù đã là ở dơ bẩn rồi nhưng ông Tàu già này ở dơ hơn hết mọi người ở dơ trong
tù! Ông chẳng bao giờ tắm, chẳng bao giờ giặt, chẳng bao giờ rửa.
Ông nằm
trong góc buồng lủi thủi một mình, chẳng nói năng, tiếp xúc với ai bao giờ. Chỗ
ông nằm cũng quá bẩn và hôi hám không ai dám tới gần, cả cán bộ cũng chịu thua
và không nhắc ông ta làm “nội vụ” bao giờ.[1] Ở trong buồng tôi được 5
tháng thì ông Nùng Bá Lâm chết, đó là người chết đầu tiên trong nhóm tù khu B
chúng tôi tại trại Nam Hà vào năm 1977. Lúc bấy giờ tôi nghĩ, cái chết đã giải
thoát cho ông, mặc dù tôi vẫn bùi ngùi mỗi khi nhìn qua góc phòng trống vắng
nơi mà người bạn tù ngoại quốc già nua ốm yếu đã từng nằm ở đó. Ông đã đi hết
đoạn đường đời của ông, trong khi tôi vẫn tiếp tục con đường còn lại mà không
biết những gì đang chờ đợi tôi phía trước. Ông chết đi buồng tôi còn lại 19 người.
Mới nghe
qua việc khai báo lý lịch cũng chẳng thấy có gì là nặng nề và đáng ngại, nhưng
sự thực không phải đơn giản như cái tên gọi của nó. Đây là một trong những điều
tôi sợ nhất trong tù. Mỗi lần khai báo như vậy, các tù nhân phải “đào mả 3 đời”
nhà mình lên và đem giao nạp cho đảng! Việc đào gia phả này được lập đi lập lại
nhiều lần, không có định kỳ nhất định.
Tôi không
hiểu được hết mục đích của việc làm này, nhưng chắc trong đó phải có ý đo lường
sự thành thật của tù nhân. Vì thế, nguyên tắc sống còn là phải nhớ cho bằng được
lần đầu mình đã khai báo thế nào, để lần sau và những lần sau nữa cũng phải viết
y như vậy, không thêm không bớt. Có người không để ý nguyên tắc sống còn này,
tưởng là càng thành thật khai báo thì càng mau được về sớm, nên đã thêm vào nhiều
chi tiết trong lần khai báo tiếp theo. Họ đã phải trả cái giá thật đắt cho hành
động dại khờ này.
Tôi không
còn nhớ phải viết bao nhiêu lần trong suốt 13 năm tù, có lẽ trên dưới chục lần.
Khóa học tập khai báo thông thường được diễn ra như sau: Có một số cán bộ trung
ương tới trại để thuyết về tầm quan trọng của việc khai báo và chỉ cách “đào mả”
thế nào cho nó “tốt”! Cũng nên biết, vì thời gian khai báo sẽ “động não” rất
nhiều nên cần bồi dưỡng. Thí dụ như trường hợp của tôi, vì không ra ngoài lao động
nên mức ăn chỉ có 9 ký một tháng, trong khi người đi lao động ăn 12 ký. Trong
thời gian khai báo tôi cũng được ăn 12 ký. Ký ở đây không phải là ký gạo, làm
gì có đủ gạo cho tù ăn, người ta thay vào bằng ngô, khoai, sắn, bo bo, có lúc
còn ăn bã đậu nữa.
Sáng ngày
khai mạc, chúng tôi được tập trung lên hội trường để nghe cán bộ trung ương
thuyết trình. Các bài thuyết trình lần nào cũng như lần nào về chính sách khoan
hồng của đảng và nhà nước, thành khẩn khai báo là con đường ngắn nhất để về
v.v... Điều làm tôi ngạc nhiên là cả người nói lẫn người nghe đều biết đó là
láo khoét! Thế mà không hiểu tại sao các “thợ nói” này không thấy ngượng mồm
ngượng miệng! Trong các bài thuyết trình, lần nào cũng có một bài chỉ dẫn phải
khai báo như thế nào cho “đạt”!
Cuộc học
tập tại hội trường kéo dài 2 ngày và chiều ngày thứ hai là thảo luận. Đề tài thảo
luận do cán bộ chọn và chỉ định một anh tù lên phát biểu ý kiến, để những người
khác dựa vào đó mà thảo luận. Trong lần học tập khai báo này, tôi được chỉ định
nói đề tài: “Anh có yên tâm cải tạo không và cho biết lý do tại sao?” Câu hỏi
này như là một gợi ý để làm mạnh thêm cách nói “yên tâm cải tạo”, và nó đã mặc
nhiên trở thành câu “kinh thánh” trong tù. Có những câu khác dài hơn như:
“tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của đảng” hoặc câu “tuyệt đối
tin tưởng vào chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước.” Đó là những câu thần
chú phải được đọc lên đúng thời, đúng chỗ cho những ai muốn được yên thân và
còn muốn có ngày sum họp với vợ con. Cán bộ dặn tôi về suy nghĩ đề tài và ngày
mai lên phát biểu cho nó “tốt”!
Lựa chọn
thái độ
Suốt đêm
đó tôi trằn trọc không ngủ được vì phải làm một sự lựa chọn lớn, sự lựa chọn có
thể ảnh hưởng tới mạng sống mình. Đêm đó tôi cầu nguyện thật nhiều, tôi có thói
quen cầu nguyện khi gặp sự khó, xin Chúa soi sáng cho tôi biết phải làm như thế
nào. Tôi biết đây là cái bẫy họ giương ra cho tôi. Nếu chiều ngày mai khi lên đứng
trước mặt cán bộ và hơn 400 anh em tù nhân, đại đa số là người Công giáo, mà
tôi nói theo giáo điều là “Tôi yên tâm cải tạo”, thì mọi người, kể cả cán bộ cộng-sản,
sẽ khinh bỉ vì họ thấy tôi hèn nhát và nói láo. Các anh em Công giáo có mặt hôm
đó sẽ cảm thấy xấu hổ và thất vọng, vì tôi vẫn là chỗ nương tựa tinh thần cho họ.
Trong trường hợp này cuộc đời tôi coi như đã hết, mặc dù thân xác tôi còn sống.
Ngược
lại, nếu tôi nói lên sự thật của lòng mình, có thể tôi phải trả cái giá bằng
chính mạng sống mình, nhưng tôi sẽ được sống và sống mãi trong lòng mọi người.
Mặc dù là một Linh mục, nhưng tôi vẫn là con người, vẫn có sự sợ hãi trước cái
chết, đó là bản chất tự nhiên của con người. Tôi nằm trằn trọc cân nhắc, suy đi
tính lại gần suốt đêm. Có lúc, tôi ngồi lên suy nghĩ, cầu nguyện. Có lúc tôi bước
vô cầu tiêu hút thuốc lào.[1] Cuối cùng tôi quyết định là phải nói lên sự
thật của lòng mình.
Sáng hôm
sau lại tập họp lên hội trường để nghe cán bộ hướng dẫn về hình thức và nội
dung phải khai báo như thế nào. Về hình thức, các tù nhân được chia thành từng
tổ nhỏ, mỗi tổ có một cán bộ phụ trách, thường là cán bộ quản giáo của đội
mình. Khi viết, ngồi riêng ra và không ai được quan hệ với người bên cạnh. Giấy
và bút mực do trại phát. Giấy nháp màu nâu không hàng kẻ. Bản chính thức là giấy
trắng và có hàng kẻ. Bút là loại bút có cán và chấm mực. Mỗi người được phát một
cây bút, một lọ mực và 2 tập giấy, một nâu một trắng. Nếu ngòi bút hỏng thì báo
cáo cán bộ.
Địa
điểm viết là tại buồng mình ở hay do cán bộ phụ trách chỉ định. Bắt đầu viết
vào giấy nháp trước. Viết xong tờ nào phải đưa cho cán bộ duyệt, nếu cán bộ thấy
“đạt” sẽ ký tên vào và cho phép viết vào bản chính. Nếu cán bộ chưa vừa ý, phải
xé đi và viết lại cho tới khi “đạt”! Khổ nỗi có người viết đi viết lại mấy lần
vẫn chưa đạt, dĩ nhiên là chưa đúng ý của cán bộ. Ai mệt thì báo cáo cán bộ ra
ngồi nghỉ, hoặc hút thuốc nhưng không được “quan hệ” linh tinh. Hết mệt vào viết
tiếp. Chiều lại phải nạp tất cả cho cán bộ bản chính thức và bản nháp. Một lần
“đào mả” như vậy có khi kéo dài đôi ba ngày, có người kéo dài hàng tuần. Tôi
nghe nói có người viết hàng tháng trời vẫn chưa xong và nghe đâu tập “luận án”
này cuối cùng dày đến cả ngàn trang.
Nhưng
quan trọng và đáng nói hơn vẫn là phần nội dung. Nội dung có 2 phần: Lý lịch và
quá trình hoạt động bản thân. Về lý lịch, ngoài những mục thông thường như tên
họ, ngày và nơi sanh, trú quán, tôn giáo, vợ con, học lực, cấp bằng, huy chương
v.v... còn có mục phải khai tên tuổi của ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, cậu mợ
của đương sự và của vợ (hoặc chồng nếu là tù nữ), phải khai rõ họ đang ở đâu và
làm gì. Còn có mục phải khai báo các loại bạn bè và địa chỉ của họ, cho
dù họ đang ở trong nước hay đã đi nước ngoài, kể cả những bạn bè đang ở trong
tù.
Phần
chính là quá trình hoạt động bản thân. Phần này mỗi người phải viết lại tất cả
cuộc đời mình từ ngày có trí khôn cho tới giờ này! Cán bộ cho biết phải viết lại
tất cả, nhớ được cái gì phải khai báo hết, không được bỏ qua một chi tiết nào.
Nhớ có lần, tôi khai báo hồi còn nhỏ tôi có tật hay đái dầm, cán bộ coi bản
nháp nhíu mày suy nghĩ một hồi rồi nói: “Đái dầm không phải là phản động, nên
anh không cần viết vào đây!” Từ đó tôi mới biết, đối với đảng, đái dầm không phải
khai báo, nhưng dù sao thì đảng cũng thấy được sự thành thật khai báo của tôi!
Trong
lần khai báo nào cán bộ cũng bắt tôi nhận “có tội với nhân dân”. Tôi cãi lại,
tôi chỉ nhận có tội với đảng cộng-sản vì tôi không theo đảng, chứ tôi không bao
giờ có tội với nhân dân, nếu không muốn nói là có công với nhân dân. Vì lý tưởng
đời tôi là phục vụ và lo lắng cho người khác. Tôi giữ lập trường này cho tới
cùng, mặc dù tôi bị mắng chửi và đe dọa đủ kiểu.
Chiều hôm
bế mạc lớp học tập khai báo là một buổi chiều nắng gay gắt. Cái xứ Nam Hà quê
hương của núi đá vôi này, nắng một mà nóng hai, vì sức nóng trong đá vôi tỏa ra
khi mặt trời đã lặn. Như thường lệ, chúng tôi xếp thành hàng đôi tiến lên hội
trường. Hội trường là một nhà gạch lợp ngói thấp lè tè, nằm khá xa bên ngoài trại,
gần khu nhà cán bộ. Bên trong hội trường có các ghế dài bằng gỗ cho tù nhân ngồi.
Khi
vô tới bên trong hội trường, tim tôi đập mạnh và người tôi nôn nao khác thường
vì chiều nay tôi phải làm một việc quan trọng. Sau phần khai mạc như thường lệ,
cán bộ phụ trách chương trình giới thiệu các đề tài thảo luận. Anh ta đọc tên
những người được chỉ định trình bày các đề tài và dặn các tù nhân khác phải
nghiêm chỉnh thảo luận cho đạt yêu cầu. Bỗng dưng tai tôi ù lại, không còn nghe
rõ những gì cán bộ nói. Sự sợ hãi như vồ lấy tôi. Tay tôi bắt đầu run nhè nhẹ
và mồ hôi vã ra. Tim tôi đập mạnh hơn và mặt nóng ran như người lên cơn sốt. Tự
nhiên tôi cảm thấy khó thở như đang bị hụt hơi sắp chết ngạt. Lúc ấy tôi lại mắc
đi đại tiện!
Có tất cả
3 đề tài do 3 anh tù được chỉ định lên nói. Giọng anh cán bộ dõng dạc: “Người
thứ nhất là anh Nguyễn Hữu Lễ buồng 12, đội 20 sẽ lên đây trình bày đề tài 'Anh
có yên tâm cải tạo không và cho biết lý do tại sao?'” Giây phút tôi vừa lo sợ lại
vừa mong đợi suốt hơn một ngày qua, bây giờ đã tới!
Tôi bật đứng
lên khi nghe tên mình và hiên ngang bước ra lối đi ở giữa hội trường, tiến lên
cái bục gỗ nằm chéo góc bên tay phải. Trong vị trí đó, người nói chuyện có thể
thấy được cả lớp tù ngồi bên dưới và bàn chủ tọa của cán bộ ngồi trên quay xuống.
Tôi cố lấy bình tĩnh bằng những bước đi chậm, thật vững và hiên ngang, tay cầm
tờ giấy đã soạn sẵn. Từ chỗ tôi đến bục gỗ không xa, nhưng sao tôi cảm thấy đi
thật lâu và bầu không khí lúc đó sao quá nặng nề!
Lên gần tới
bục gỗ, tự nhiên tôi thấy bình tĩnh trở lại. Bước lên bục, tôi đứng yên lặng hồi
lâu, hai tay dang rộng nắm lấy thành bục về phía trước. Tôi lấy thế, đứng thẳng
người và nhìn xuống đám đông. Tự nhiên nỗi sợ hãi chợt tan biến. Tôi thấy bình
thản và thích thú một cách lạ thường. Cảnh này đã quá quen thuộc với tôi mặc dù
lâu rồi tôi không nhìn thấy lại. Tôi có cảm tưởng mình đang đứng trên bục giảng
Nhà thờ Chánh tòa Vĩnh Long, nơi tôi phục vụ cho đến ngày cộng-sản chiếm miền
Nam.
Nhìn
xuống hơn 400 anh em bạn tù và cả hàng ghế cán bộ, tôi có cảm tưởng đây là một
buổi lễ và tôi đang bắt đầu thuyết giảng. Lúc này mọi người đang chờ đợi để lắng
nghe tôi giảng lời Chân Lý. Đã 3 năm rồi tôi không có dịp rao giảng công khai,
giờ đây cảnh tượng này trả tôi về với thiên chức Linh mục. Giờ phút này không
còn phải là tôi nói nữa, nhưng là Thiên Chúa sẽ nói qua miệng tôi. Nếu cách đây
vài phút tôi hoàn toàn bị động và lo sợ một cách tự nhiên theo bản năng con người,
thì bây giờ tôi cám ơn cơ hội đã đưa tôi lên đứng đây.
Tôi
đứng yên, đảo mắt một vòng, nhìn các anh em bạn tù bằng cái nhìn đầy yêu thương
và xúc động mãnh liệt. Tôi nhìn nhóm cán bộ và mong cho họ nhận ra con đường
yêu thương mà dân tộc mình phải đi. Các cán bộ ngồi nhìn tôi bằng những con mắt
ngạc nhiên, có lẽ họ cũng đoán được một cái gì bất thường sẽ xảy ra không đúng
ý họ, nhưng lúc này đã quá muộn để chận đứng điều đó.
Sau lúc
thinh lặng, để tạo thế làm chủ tình hình, tôi bắt đầu nói theo ý tôi đã soạn
trong tờ giấy cầm tay. Tôi nói với tất cả sức mạnh của âm thanh trong cổ họng,
với tất cả sự quyết tâm thách đố bạo quyền, với tất cả sức mạnh tinh thần, quyết
tạo niềm tin vững vàng cho các anh em bạn tù, nhất là các anh em Công giáo:
“Kính
thưa các cán bộ, các anh em đồng cảnh thân mến.
Tôi vô
cùng sung sướng có cơ hội đứng đây để nói lên điều trong lòng tôi xác tín: Tôi
không yên tâm cải tạo. Tôi cũng nói điều này thay cho anh em, vì tôi biết nhiều
người trong anh em nói yên tâm cải tạo là nói dối cho vừa lòng đảng và nhà nước.”
Cả hội
trường như bị điện giật ngồi chết trân. Nhìn sang phía hàng ghế cán bộ tôi nói:
“Thưa quý
ông, yên tâm thế nào được khi các ông vào chiếm miền Nam. Nhà cửa chúng tôi bị
tịch thu, con cái chúng tôi phải bỏ học đi bán báo, bán bánh mì. Gia đình chúng
tôi tan nát và tôi nói điều này với lời xin lỗi trước các anh em tôi, tôi biết
giờ này có những bà vợ ở nhà đã phải làm đĩ nuôi chồng đang ở tù! Yên tâm thế
nào được khi các ông vô miền Nam đã tịch thu tài sản nhà thờ, chủng viện trường
học, tòa giám mục v.v... Tôi nói điều này cách công khai và tôi chịu trách nhiệm
hoàn toàn về những gì tôi đã nói. Xin quý ông cứ đánh điện vào miền Nam xác nhận
điều tôi nói có đúng hay không? Tôi đứng đây chờ các ông.”
Nói xong
câu này, tôi đứng yên lặng nhìn hàng ghế cán bộ trong lúc họ nhìn tôi bằng những
cặp mắt không có lời để diễn. Tôi tiếp tục:
“Khi
chúng tôi còn ở trại Gia Ray trong miền Nam, các ông bắt chúng tôi đi khai
hoang, cuốc các bãi mìn, nhiều anh em tôi đã bị mìn nổ banh thây hoặc tật nguyền.
Tôi có cảm tưởng mỗi nhát cuốc là tự đào huyệt chôn mình, thì làm sao yên tâm cải
tạo được? Như vậy tôi xin các ông hãy làm cho chúng tôi yên tâm, đừng bắt chúng
tôi phải nói yên tâm cải tạo.”
Tôi đột
ngột kết thúc ở đây và đứng yên tại chỗ. Lúc đó cả hội trường bất động, không
ai biết phải làm cái gì và bắt đầu như thế nào. Cán bộ thì như bị sét đánh
ngang tai, mặt mày tái xám, anh em tù thì ngơ ngác, sung sướng nhưng lo sợ. Tôi
vẫn đứng yên tại chỗ.
Chừng
30 giây sau, tự nhiên có một tiếng vỗ tay nghe “bốp” của một anh tù nào đó từ ở
cuối hội trường. Thế là một tràng pháo tay vang dội của bạn tù, tưởng chừng vỡ
cả nóc hội trường thấp lè tè. Tôi biết anh em sung sướng vì có người đã nói
thay những gì ẩn ức trong lòng mà họ không thể nói ra được. Nhưng nghe tiếng vỗ
tay, tôi nghĩ thầm: “Đây là tiếng pháo hạ huyệt của chính mình.”
Bàn tay sắt
bọc nhung
Dĩ nhiên
là trong lần khai báo đó, bài vở của tôi được chiếu cố kỹ lưỡng hơn. Sau đó tôi
chờ đợi bị gọi đi làm việc. Một tuần sau cũng chưa thấy gì, rồi những ngày tiếp
theo cũng bình thường như không có chuyện gì xảy ra, mặc dù tôi biết đây là sự
yên lặng bất thường trước những cơn bão lớn. Đòn cân não này làm tôi cảm thấy mệt
và ngày nào tôi cũng mong được gọi đi làm việc. Tôi hình dung ra cuộc chạm trán
tay đôi sắp tới với cán bộ sẽ rất căng thẳng và đã chuẩn bị lời lẽ phải đối
phó. Nhưng tôi đã lầm! Mọi việc không xảy ra như tôi dự đoán.
Mãi gần một
tháng sau tôi mới bị gọi lên cơ quan làm việc. Anh em trong buồng ai cũng ái ngại
cho tôi khi thấy tôi theo cán bộ ra đi. Khi đi qua dãy hành lang các cơ quan,
nhìn vào thấy rất nhiều cán bộ áo vàng, áo trắng đang ngồi bên trong, tự nhiên
tôi thấy sao con người mình bé nhỏ quá so với bộ máy công-an kềm kẹp trong trại
này. Lúc đó tôi lại nghĩ tới một bộ máy công-an lớn hơn đang kềm kẹp cả một dân
tộc, và tư tưởng này làm tôi lắc đầu ngao ngán.
Tôi được
đưa vô căn phòng nhỏ có cán bộ giáo dục ngồi chờ sẵn đàng sau chiếc bàn nhỏ,
trên bàn có cái bình thủy, một khay trà cũ kỹ và vài ba cái chén nhỏ úp xuống.
Trong phòng này cái gì cũng nhỏ, cả người cán bộ cũng thuộc loại nhỏ con. Trên
mặt bàn có vài cái bìa đựng giấy tờ mà tôi đoán là trong đó có hồ sơ cá nhân của
tôi. “Chào cán bộ!” Tôi lên tiếng khi vừa bước vào. Anh cán bộ tay chỉ
cái ghế trống bên kia bàn: “Anh Lễ đấy à, anh ngồi đi.”
Sau khi
tôi ngồi xuống, anh ta bắt đầu câu chuyện một cách vui vẻ như đôi bạn thân lâu
ngày mới gặp lại nhau. Điều này làm tôi ngạc nhiên. Anh ta hỏi thăm tôi về hết
mọi chuyện từ sức khỏe tới nơi ăn chốn ở trong trại, đến việc gia đình, cha mẹ
tôi có khỏe không, gia đình sinh sống ra sao. Thái độ lịch thiệp có dụng ý này
của anh ta làm tôi thấy ngượng. Tôi biết đây hoàn toàn là một màn kịch, cảnh
mèo vờn chuột của những kẻ có bàn tay sắt bọc nhung.
Trong
lúc anh ta lúi húi pha chè (nước trà) trong bộ ấm chuyên bằng sứ loại rẻ tiền,
tôi có giờ quan sát anh ta kỹ hơn. Người anh ta ngăm ngăm đen, mặt dài không có
gì để gây ấn tượng, trán thấp, tóc chải lướt về phía sau rẽ ngôi giữa đỉnh đầu,
mắt nhỏ linh lợi và sắc bén. Khi anh ngưng nói để với lấy lon chè, lúc đó gương
mặt anh ta có vẽ dữ tợn, nhưng khi nói chuyện gương mặt anh vừa vui vừa tếu! Miệng
anh lúc nào cũng mỉm cười, hay đúng hơn là cố gắng làm ra vẻ mỉm cười. Sau khi
mời tôi uống chè và hút thuốc lá, anh ta độc thoại một thôi một hồi về các chuyện
không đâu rồi anh ta đột nhiên nghiêm nghị hỏi:
-Anh Lễ, anh có biết chúng tôi gọi anh lên đây có việc gì không?
Tôi để ý cách anh ta dùng chữ “chúng tôi” thay vì chữ tôi, cách nói này có vẻ
nghiêm trọng. Tôi trả lời đơn giản :
-Báo cáo cán bộ, tôi không biết.
Anh ta nghiêm nét mặt nhìn tôi.
-Thế anh không biết thật à?
Tôi bình thản trả lời.
- Báo cáo cán bộ, làm sao tôi biết được việc của cán bộ làm.
Anh ta yên lặng một lúc, cầm cây bút Bic xoay xoay trong mấy ngón tay tương đối
nhỏ nhắn và sạch. Như để tạo thêm sự quan trọng của câu chuyện, anh ta cầm đầu
cây bút, chỉ cán bút vào mặt tôi hỏi:
-Anh còn nhớ những gì anh phát biểu vừa rồi tại hội trường không?
Vì đã chuẩn bị trước nên tôi đáp ngắn gọn:
-Báo cáo cán bộ, có chứ, làm sao tôi quên được chuyện đó.
Anh ta làm ra vẻ rất tự nhiên
- Anh Lễ này! Tôi biết anh là người có tài nhưng chẳng qua vì bất mãn cá nhân
nên anh nói thế thôi. Chúng tôi không coi chuyện đó quan trọng đâu, chỉ mong
anh học tập cải tạo cho nó tốt.
Tôi định
nói thêm nhưng anh ta vội quay trở lại dáng vẻ rất thân thiện, mời tôi uống
thêm nước chè, nói mấy câu bâng quơ rồi đưa tôi ra cửa. Khi đi ra về tôi đã thầm
nghĩ, đâu phải họ chỉ đơn giản gọi tôi lên, cho uống trà hút thuốc lá, mà còn
có một cái gì đó rất nghiêm trọng bên trong mà họ chưa muốn nói ra. Tôi lầm bầm
trong miệng:“Đúng là thứ cáo già có bàn tay sắt bọc nhung!”
Những
ngày cuối năm
Lúc này
đã gần tới lễ Giáng Sinh và ai cũng biết người cộng-sản coi các tôn giáo là kẻ
thù, nên lễ Giáng Sinh trong một trại hơn 1000 tù nhân, mà đại đa số là Công
giáo là dịp mà ban giám thị phải cảnh giác đề phòng là chuyện đương nhiên. Đó
là chưa kể mấy ngày trước lễ, cán bộ đã phải vất vả đi lùng các buồng khu B để
triệt hạ các thứ trang hoàng Noel, như lồng đèn, ngôi sao, hang đá, máng cỏ. Có
buồng anh em còn bớt phần ăn sắn (khoai mì) để lấy sắn luộc nhào thành bột dẻo
nặn tượng Chúa Hài Đồng đặt nằm trong máng cỏ!
Mấy
đêm trước lễ, các buồng khu B lại hát vang lừng những bản thánh ca rất phổ
thông như “Hang Bê-Lem” của nhạc sĩ Hải Linh và bài “Cao Cung Lên” của nhạc sĩ
Hoài Đức v.v... Những hành động này của anh em Khu B như thách thức, trêu ngươi
cán bộ trong trại. Lúc bấy giờ tôi là Linh mục duy nhất trong trại nên cũng dễ
hiểu tại sao tôi trở thành mục tiêu cho họ theo dõi và những tên ăng-ten trong
trại bám sát tôi như hình với bóng.
Vào khoảng
2 tuần trước, có lần đội chúng tôi đi phơi lạc trong trại, gần khu gia cư của
cán bộ. Lúc ấy là mùa đông và thời tiết rất lạnh. Đi phơi đậu cả ngày đầy bụi bặm
nên chiều tối chúng tôi bắt buộc phải tắm, vì không tắm ngứa ngáy không chịu được,
mặc dù là nước trong bể lạnh như nước đá. Không ngờ tắm xong đêm đó tôi bị sưng
cuống phổi và sốt nằm mê man bất tỉnh. Qua ngày hôm sau tôi té xỉu giữa buồng
trước lúc điểm danh ban chiều và anh đội trưởng Nguyễn Trọng Ngạn đã phải cõng
tôi trên vai đưa đi bệnh xá của trại. Tôi vẫn nhớ ơn anh Ngạn mãi về việc này.
Khá lâu sau tôi mới hồi phục và có thể đi lại, nhưng quá suy nhược và đi
lại phải chống gậy nên chưa có thể theo đội đi lao động, mặc dù đội chúng tôi
chỉ lao động bên trong trại.
Đau đớn
hơn nữa, lúc đó tôi được thư chị tôi cho hay Má tôi vừa mất hôm tháng Tám.
Trong thư chị nói từ khi hay tin tôi bị vào tù má ngày nào cũng nhắc ghế ra ngồi
dưới bóng cây dừa trước ngõ để đợi tôi về. Ngày má không còn sức ra ngồi đó nữa
là ngày cuối trong đời. Má tôi mất đêm đó. Trong lúc má lìa đời, người anh lớn
của tôi cũng đang ở tù tại trại Bến Giá trong Nam.
Đọc
thư chị xong, tôi ngồi chết lặng như một pho tượng. Lạ một điều, lúc đó tôi muốn
khóc nhưng không chảy được một giọt nước mắt nào! Sau này tôi mới biết, sự đau
đớn đã vượt quá những cảm xúc của cơ thể, biến tôi trơ ra như đá!
Có
nhiều anh em, trong đó có mấy người Công giáo thấy hoàn cảnh tôi yếu nhược đến
thăm hỏi an ủi, có người còn cho tôi ít thức ăn, có một anh cho tôi hộp sữa.
Tôi muốn nói chi tiết như vậy, vì lúc bấy giờ không một sự việc nhỏ nhặt nào có
liên quan tới tôi mà lọt qua được cặp mắt cú vọ (nghĩa đen) của Đặng Báo, một
anh chàng người Công giáo chuyên theo dõi tôi để báo cáo.
Vì những
lời báo cáo của anh ta, nên vào lúc xế trưa ngày 24 tháng 12, cán bộ an ninh gọi
tôi lên làm việc. Khi tôi vừa ngồi xuống, cán bộ hỏi tôi quan hệ với các anh tù
khác trong trại như thế nào trong mấy ngày qua, những ai tới lui với tôi, họ tới
với mục đích gì, họ cho tôi những gì, ai cho hộp sữa v.v... Cuối cùng anh ta cười
nhếch mép hỏi tôi:
- Anh Lễ, anh cho tôi biết chủ trương phá trại đêm nay của anh ra sao?
Qua câu hỏi
này, tôi biết họ nghĩ gì về tôi, nhưng câu hỏi đó cũng hàm chứa một sự giễu cợt,
mỉa mai, dựa trên lời báo cáo láo lếu. Tôi nổi nóng trả lời:
-Báo cáo cán bộ, nếu cán bộ đã biết thì đêm nay sẽ không có gì xảy ra vì đó là
do những người báo cáo láo. Còn nếu tôi đã có ý định gì, không bao giờ cán bộ
có thể biết được. Xin lỗi cán bộ cho tôi nói điều này, tôi chỉ thua cán bộ ở
cái vị thế, chứ tôi không thua trí cán bộ đâu. Cán bộ đừng dùng câu hỏi đó để sỉ
nhục tôi!
Bị phản ứng
quá bất ngờ, anh cán bộ tỏ ra bối rối và quay qua nói chuyện khác. Qua cuộc tra
vấn này tôi biết là tình thế đã tới lúc rất căng thẳng. Suốt buổi chiều áp lễ
Giáng Sinh tôi suy nghĩ mãi, thử suy đoán xem những gì có thể xảy ra và cảm thấy
dường như có dấu hiệu bất thường.
Lúc
6 giờ chiều, sau khi phát thức ăn, khu B được lệnh đổi buồng. Có một số anh tù
mới, được chuyển vào buồng 6 của tôi, thay cho một số được chuyển đi buồng
khác. Nói tóm lại cả ngày 24 tháng 12 năm đó, bầu khí trong trại Nam Hà rất
căng thẳng. Tôi có linh tính là sẽ có một biện pháp mạnh xảy ra, trước tình trạng
gần như nổi loạn của nhóm tù khu B trong những ngày qua.
Đêm Thánh
vô cùng
Lúc ấy
vào khoảng 10 giờ đêm, sau tiếng kẻng báo giờ đi ngủ, tôi ngồi trong màn âm thầm
dâng Thánh lễ Chúa Giáng Sinh. Lễ Giáng Sinh, cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào,
cũng là một ngày đặc biệt đối với những tín đồ Thiên Chúa Giáo. Đối với tôi, là
một Linh mục Công giáo, thì ngày lễ đó lại mang một tầm vóc và ý nghĩa quan trọng
hơn. Những ngày trước, trong lúc có dịp trà trộn với anh em trong trại, tôi đã
nhắc nhở và giúp cho anh em Công giáo, cả khu A lẫn khu B, xưng tội và chuẩn bị
tâm hồn trong dịp này.
Chúng tôi
thông báo cho nhau biết đúng vào đêm 24 tháng 12, sau khi trại đánh kẻng đi ngủ,
giờ đó tôi sẽ dâng Thánh lễ và xin anh em cùng hướng về buồng 6, là buồng của
tôi để hiệp ý dâng lễ. Mặc dù trong buồng cũng có một số anh em Công giáo,
nhưng không ai dám tới chỗ tôi để dự lễ vì những ngày này các tay làm ăn-ten
theo dõi tôi rất gắt. Một điều thật trớ trêu, chính người được cán bộ giao công
tác theo dõi từng bước đi, từng lời nói của tôi lúc bấy giờ lại là một anh
chàng Công giáo.
Vừa dâng
lễ xong, trong lúc tôi đang lúi húi thu dọn các thứ cho vào túi vải thì bất thần
nghe có tiếng chìa khóa lách cách bên ngoài. Tôi giật mình lắng tai nghe. Rõ
ràng cán bộ đang mở cửa buồng tôi! Tiếng chìa khóa khua nghe rất mạnh bạo và hối
hả. Có điều gì rất đặc biệt khác với tiếng mở cửa thông thường của cán bộ điểm
danh hàng ngày.
Kinh nghiệm
cho tôi biết, mỗi lần cửa buồng giam được mở đột ngột vào ban đêm như thế này
là luôn luôn có việc chẳng lành. Lần này lại có vẻ rất khác thường, nhất là sau
những biến động căng thẳng trong trại vừa rồi. Tự nhiên tôi có linh tính như có
chuyện liên quan tới tôi. Tôi có lý do để suy đoán như vậy vì từ khi nhập trại
Nam Hà hơn 8 tháng qua, có quá nhiều sự việc dính líu tới tôi. Chỉ nói riêng những
gì vừa mới xảy ra trong ngày 24 tháng 12 này từ sáng tới giờ, nhất là họ hạch hỏi
tôi về âm mưu phá trại cũng đủ cho tôi có lý do để suy đoán như vậy.
Nhận biết
có chuyện bất thường, tôi lẹ tay thu gọn đồ đạc, chồm người nhìn xuống lối đi
giữa buồng. Qua ánh sáng lờ mờ của bóng điện giữa buồng, tôi thấy một số cán bộ
đang đứng lố nhố ở lối đi. Có việc gì rất nghiêm trọng sắp diễn ra. Bỗng một giọng
cán bộ dõng dạc vang lên giữa buồng:
- Tất cả các anh vắt màn lên và ngồi yên tại chỗ. Khi nghe cán bộ gọi tên anh
nào, hãy lấy hết “nội vụ” và khẩn trương bước ra khỏi buồng!
Cả buồng
tự nhiên chộn rộn. Có tiếng xào xạc từ đầu tới cuối dãy của hơn 60 tù nhân
trong buồng, tất cả thi hành như cái máy. Trong chốc lát, các màn được vắt lên
và chúng tôi ngồi ngay hàng thẳng lối tại chỗ nằm của mình chờ đợi. Do phản ứng
tự nhiên, trống ngực tôi đập càng lúc càng mạnh hơn, cho dù tôi cố muốn bình
tĩnh cũng không được.“Anh Nguyễn Hữu Lễ!” Tên tôi được gọi nghe sang sảng trong
đêm.
Mặc dù đã
có linh tính và sẵn sàng chờ đợi, nhưng khi nghe gọi đến tên, tôi cũng giật
thót người và bật dậy như chiếc lò xo. Tôi vội tháo màn, cuốn chăn chiếu, áo quần
và tất cả đồ đạc cho vào bao bị. Nói là đồ đạc nhưng thực sự lúc đó tôi chẳng
có gì ngoài cái lon Guigoz, ống điếu thuốc lào và một vài món linh tinh.
Lúc
ấy nghe có tiếng lạo xạo của rất nhiều người bên ngoài. Tôi nhìn vội qua song cửa
sổ, thấy trong sân có nhiều ánh đèn pin quét qua quét lại, có cả tiếng lách
cách của súng ống chạm nhau, tiếng chân người chạy tới chạy lui nhộn nhịp một
cách bất thường.“Anh Nguyễn Sỹ Thuyên!” Giọng cán bộ lúc nãy lại vang lên một
cách dõng dạc. Khi nghe gọi tên anh Thuyên, tự nhiên tôi cảm thấy được “an ủi”
vì ít ra cũng có người đồng cảnh. Tư tưởng này có hơi ích kỷ, nhưng thực sự là
như vậy. Khi con người mình phải lâm vào cảnh khốn khổ nào mà có người khác
cùng chung số phận sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Bạn hãy tưởng tượng một lớp có 50
học sinh đi thi mà một mình bạn bị rớt, bạn sẽ thấy buồn hơn là có vài người
khác cũng rớt như bạn.“Khẩn trương lên! Mang tất cả nội vụ và bước ra ngoài. Khẩn
trương!” Giọng quát tháo càng lúc càng mạnh.
Tôi quay
nhìn anh Thuyên, trông anh đến tội nghiệp. Lúc ấy anh đã 50 tuổi, dáng người nhỏ
thó thấp lùn, đầu tóc bạc phơ làm anh có vẻ già trước tuổi. Bộ râu màu cháo
lòng vì ám khói thuốc lào càng làm anh trông tàn tạ hơn. Tay chân anh quờ quạng
trong trạng thái mất bình tĩnh khi quơ các “nội vụ” nhét vào túi xách không ra
cái túi xách, nhét vào lại rơi ra. Buồng giam có tầng gỗ bên trên và cả hai
chúng tôi cùng nằm ở tầng trên đó. Tôi bám cây cột gỗ có đóng mấy cục gu, leo
xuống đất, trong khi các anh em bên cạnh giúp chuyển đồ đạc cho.
Khi bước
xuống tới sàn nhà, tôi chạm trán với một số cán bộ lạ mặt đang đứng đợi sẵn, mặt
lạnh như tiền. Họ nhìn vào mặt tôi chăm chăm và không nói không rằng. Trông cái
cách họ nhìn, tôi có thể đọc được ý nghĩ trong đầu của ho:“À! Thì ra mầy là thằng
cha cố nguyễn hữu lễ (viết chữ thường) đây à?!”
“Khẩn
trương lên nào!” Tiếng quát to lại giục giã trong khi tôi cố vẫy tay chào các
anh em trong buồng, lúc ấy đang ngồi nhìn hai anh em tôi một cách ái ngại.
Cảnh chia
tay nào cũng buồn, nhất là chia tay trong tù càng xúc động hơn, vì ngầm nói lên
là có thể không bao giờ sẽ có dịp gặp lại. Tôi theo sau anh Thuyên lẫn vào giữa
đám cán bộ, khệ nệ ôm đồ đạc bước ra khỏi buồng đi vào trong bóng đêm bên
ngoài. Lúc ấy tôi rất hoang mang lo lắng, chưa biết những gì đang chờ đợi tôi
trong màn đêm âm u đó, nơi mà tôi vừa nghe những thứ âm thanh đầy đe dọa và chết
chóc.
Tôi vẫn
thường nghe nói có nhiều nơi, một vài tù nhân bị dựng dậy vào ban đêm, dẫn ra
khỏi buồng và không bao giờ trở lại. Khi đứng chơi vơi trong bóng đêm dầy đặc
và giá buốt bên ngoài, tôi cố giương mắt nhìn khắp các buồng trong trại như là
cử chỉ giã từ. Giã từ hơn 1000 anh em đồng cảnh cả khu A lẫn khu B của trại Nam
Hà mà tôi đã có dịp sống chung và chia sẻ buồn vui trong hơn 8 tháng qua. Lòng
tôi dâng lên nỗi chua xót!
Khi bước
ra khỏi buồng, tôi mới thực sự chạm mặt với bàn tay sắt của những người cộng-sản.
Bàn tay sắt trần trụi của sự đe dọa và mang tính chất tiêu diệt. Màn đêm u tối
bên ngoài làm tôi rợn người. Qua ánh đèn bấm chớp tắt khắp nơi trong sân, tôi
càng kinh ngạc hơn khi thấy đám đông cán bộ súng ống đầy người đứng đầy trong
sân trước buồng. Tiếng người nói lộn xộn, tiếng chỉ thị, tiếng chân người chạy
tới chạy lui một cách vội vã, tiếng súng ống chạm nhau, tiếng còng sắt rổn rảng
trong đêm tạo thành một thứ âm thanh ghê rợn.
Tôi chưa
kịp phản ứng thì bị một ánh đèn bấm chói chang chiếu thẳng vào mặt, kèm theo một
tiếng quát thật to bảo tôi bỏ các các đồ đạc trên tay xuống. Một anh cán bộ bước
tới còng 2 tay tôi với chiếc còng số 8. Trong mấy năm qua tôi không còn xa lạ
gì với chiếc còng loại này, nhưng đêm nay tôi thấy rợn người khi bị còng 2 tay
ra sau. Bỗng dưng tôi thấy choáng váng khó chịu và buồn nôn.
Lúc
mới ra sân, tôi ngỡ là chỉ có buồng 6 của tôi có biến động, không ngờ nhìn qua
các buồng, thấy lúc đó cũng lộn xộn và đầy nghẹt cả người. Tôi đoán là trong
khu B cũng có người bị dẫn ra sân như tôi và anh Thuyên. Tôi nhắm mắt cúi đầu lặng
yên vì sắp phải từ giã anh em để ra đi và chưa biết là sẽ đi về đâu. Tôi nghĩ
lúc này anh em trong buồng của tôi đang hoang mang, ngơ ngác và lo ngại cho số
phận của hai người bạn vừa bị tách ra khỏi đàn.
Bài Thánh
ca Giáng Sinh
Một lúc
sau, tôi bị dẫn đi về phía sân trại, có anh cán bộ mang súng dài đi sau. Khoảng
sân lớn giữa trại lúc này rất đông người đang đứng láo nháo, hỗn độn như một chợ
trời. Tôi thoáng thấy bóng dáng một số anh tù cũng bị còng tay đang tiến lại
phía tôi. Tập trung thành nhóm giữa sân trại xong chúng tôi được tháo còng. Lúc
gặp nhau tôi không ngạc nhiên vì vài người có mặt trong lúc này đã dính líu trực
tiếp trong vụ Tàu Sông Hương với tôi, một số khác là những gương mặt nổi trong
những vụ chống đối trong trại, một số khác đã đánh đập bọn ăng-ten trong mấy
tháng nay.
Tới lúc
có lệnh xếp hàng tôi mới biết có tất cả 20 người. Chúng tôi được lệnh leo lên
chiếc xe ca đậu chờ gần cổng vào trại và khi đã lên xe xong, bị còng tay từng
đôi một. Sau khi cán bộ kiểm tra lại lần chót và dặn dò luật lệ đi đường, xe bắt
đầu chuyển bánh, lúc bấy giờ quảng 11 giờ đêm.
Khi xe bắt
đầu chạy, chúng tôi không ai bảo ai cùng nhau hát thật to bài Thánh Ca Giáng
Sinh, “Hang Bê Lem”. Bài Thánh ca Giáng Sinh rất phổ biến này của nhạc sĩ Hải
Linh tôi đã hát rất nhiều lần, nhưng có lẽ đây là lần tôi hát một cách sốt sắng
và cảm động nhất. Tiếng hát rền vang của 20 người tù phá tan màn đêm u tối của
trại tù Nam Hà trong đêm Giáng Sinh 1977, một lễ Giáng Sinh đặc biệt đáng ghi
nhớ trong đời tôi. Trong khi đó, chiếc xe chở chúng tôi đang nặng nề bò theo
con đường có nhiều ổ gà như một con rắn khổng lồ bị thương, đang cố lết đi ẩn
mình thoát nạn.
Sau
khi bài thánh ca chấm dứt, chúng tôi đã rời trại một đỗi và ngồi yên lặng nhìn
nhau như để trấn an và tìm sự nương tựa cho những ngày tháng tới. Chiếc xe này
sẽ đưa chúng tôi tới đâu, lúc đó chưa ai biết, nhưng căn cứ vào cách chúng tôi
bị tống lên xe và nhìn qua 20 khuôn mặt này, tôi có thể kết luận: nơi sắp tới
phải là một nơi đáng sợ hơn trại Nam Hà mà chúng tôi vừa bỏ lại sau lưng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét