Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
Cái
Giá của Tự Do
Lúc này số người
trong buồng 1 khu kiên giam đã thay đổi, không còn là số người hai tháng về trước.
Việc xáo trộn người qua lại giữa các buồng tại khu kiên giam, cũng như ở khu kỷ
luật là biện pháp của trại, đề phòng các tù nhân cấu kết nhau để tổ chức vượt
ngục. Các anh em dưới “làng” lâu lâu cũng bị đổi buồng như vậy. Việc phân tán
này không theo một quy luật thời gian nhất định nào, nhưng thường là cứ vài ba
tháng đổi buồng một lần, nhưng nếu buồng nào có dấu hiệu gì khả nghi, sẽ bị đổi
nhanh hơn. Sống chung trong buồng 1 với tôi lúc bấy giờ có những người sau đây:
- Anh Trịnh Tiếu, 51 tuổi, Đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH). Anh đã từng
giữ nhiều chức vụ quan trọng như Trưởng Phòng 2 của Quân Đoàn II, Tỉnh trưởng
cuối cùng của tỉnh Ban Mê Thuột. Tôi gặp anh Tiếu tại trại Cổng Trời. Anh từ một
trại ở miền Trung bị đưa lên đó sau tôi ít lâu và cùng chuyển về trại Thanh Cẩm
trong nhóm 48 Quyết Tiến.
- Anh Đặng Văn Tiếp, 46 tuổi, Thiếu tá Không quân QLVNCH, sau đó làm Dân Biểu
Quốc Hội. Anh là người anh kết nghĩa với tôi từ trên trại Cổng Trời. Anh Tiếp
hiểu biết rộng và có nhiều kinh nghiệm chính trường. Vào tù, anh vẫn giữ thái độ
hiên ngang bất khuất. Anh đã lãnh đạo cuộc chống đối trong trại Hà Tây và là một
trong những tù chính trị miền Nam bị đày lên Cổng Trời sớm nhất.
-Anh Lâm Thành Văn, 40 tuổi, chủ xe đò chạy đường Sài Gòn - Đà Lạt, bị bắt vì
tham gia tổ chức Phục Quốc. Anh Văn đã ở trại Thanh Cẩm khá lâu và bị lên kiên
giam trước khi chúng tôi từ Cổng Trời chuyển tới đây.
- Linh mục Nguyễn Công Định, 45 tuổi, Tuyên úy Quân Đội tại Cần Thơ. Tôi cũng gặp
cha Định tại Cổng Trời. Ngài từ trại Quân đội Yên Hạ chuyển lên đó cùng với một
số Linh mục Tuyên úy khác sau tôi ít lâu. Cha Định cùng về trại này một lượt với
tôi.
Tôi là người trẻ tuổi nhất trong buồng với 36 tuổi đời. Trong tù, anh em thường
gọi tôi cách thân mật của người miền Nam là “cậu Bảy” theo thứ tự anh chị em
trong gia đình. Một phần cũng tránh lối xưng hô theo tước vị tôn giáo không phù
hợp trong hoàn cảnh này.
Tối hôm ngày chạm mặt bất
ngờ với Đại tá Hoàng Thanh, tôi cảm thấy bất an trong lòng về một viễn ảnh đen
tối đang chờ đợi tôi. Vụ âm mưu đánh cướp tàu Sông Hương chở tù nhân ra miền Bắc
là một bản án treo của tôi. Mặc dù đã hai năm qua rồi, nhưng tôi biết cán bộ
còn đang điều tra ráo riết về vụ này. Vụ tàu Sông Hương là một điểm “chạm nọc”
trong tâm trí tôi. Mỗi lần nghe cán bộ nhắc tới, tôi cảm thấy lo âu cho tương
lai của mình.
Từ
lâu nay, tôi cũng đã chuẩn bị sẵn những câu trả lời trong trường hợp bị thẩm vấn
về vụ này. Nếu không chối được thì tôi sẽ nhận lãnh hết mọi trách nhiệm trong
âm mưu này để những anh em khác khỏi bị liên lụy vào. Tôi cũng biết là hình phạt
dành cho tôi cũng sẽ tương xứng với tính cách nghiêm trọng của những việc tôi
đã làm trong chuyến tàu đó. Tôi bàn riêng với anh Đặng Văn Tiếp, người anh kết
nghĩa với tôi, về thái độ của Đại tá Hoàng Thanh và chia sẻ với anh một tương
lai đen tối đang chờ tôi.
Anh Tiếp
hiểu được tâm trạng của tôi vì ở trại Cổng Trời chúng tôi thường xuyên bàn định
về con đường phải đi trong tương lai. Anh cũng biết số phận mà chế độ này sẽ
dành cho anh, sau những hành động chống đối có tính cách bạo động của anh tại
trại Hà Tây, nhất là sau vụ anh tổ chức lễ tang và đọc điếu văn tưởng niệm Luật
sư Trần Văn Tuyên qua đời trong trại tù Hà Tây, vì anh Tiếp là một luật sư và
ông Trần Văn Tuyên là thủ lĩnh luật sư đoàn trước kia. Đây là hành động mang
màu sắc chính trị, một điều tối kỵ trong nhà tù cộng-sản.
Cả hai
anh em tôi bàn đi tính lại nhiều lần trong những ngày tiếp theo và cảm thấy đã
đến lúc phải tìm mọi cách thoát ra khỏi nơi này, điều mà chúng tôi ấp ủ từ lâu.
Nếu thoát được, cuộc đời chúng tôi sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp.
Nếu chẳng may thất bại, chúng tôi sẽ phải trả một giá đắt. Điều này chúng tôi
biết rất rõ và chấp nhận.
Anh Đặng Văn Tiếp là một luật sư, nguyên là Thiếu tá Không Quân QLVNCH. Sau khi
giải ngũ, anh đã ứng cử Dân Biểu Quốc Hội đơn vị Tân Bình, tỉnh Gia Định và là
Dân Biểu thuộc phe đối lập trong Quốc Hội cho tới ngày 30.4.1975. Trước kia tôi
có gặp anh vài lần khi hoạt động trong Phong Trào Chống Tham Nhũng của Linh mục
Trần Hữu Thanh. Vào tù, chúng tôi gặp lại nhau ở trại Cổng Trời. Anh lên trại
này trước tôi vài tháng. Lúc bấy giờ anh là một trong những người mà tôi mến phục
vì anh là người có tư cách, hiểu biết rộng, từng trải việc đời và có khí phách
hiên ngang. Tôi mến anh vì đức, kính trọng anh vì tài, và chúng tôi gặp nhau
nơi ý chí kiên cường bất khuất ngay trong ngục tù cộng-sản.
Từ những
điểm tương đồng và thái độ tương kính đó, chúng tôi dần dần thân thiết nhau và
kết nghĩa anh em. Tôi nhận Tiếp là anh vì anh lớn hơn tôi đúng 10 tuổi. Con người
nghĩa khí đó lại cũng vừa là người con chí hiếu, một người bạn tình chung thủy.
Anh thường nói chuyện với tôi về người mẹ mà anh rất yêu quý và những kỷ niệm
thật đẹp giữa anh và chị Huyền Thanh, người mà anh đã chuẩn bị để cưới làm vợ.
Từ ngày gặp nhau trên trại Cổng Trời, anh Tiếp và tôi đều nghĩ rằng, chỉ có một
cách duy nhất để sống còn là vượt ngục, vì chúng tôi biết nhà cầm quyền cộng-sản
đã quyết định cho chúng tôi chết dần chết mòn trong trại tù. Câu nói ngắn gọn của
Đại tá Hoàng Thanh càng tô đậm thêm cái tương lai vốn đã đen tối của tôi và
khơi dậy một cách mãnh liệt ý định vượt ngục luôn luôn lảng vảng trong đầu óc
tôi.
Khi
còn ở Cổng Trời chúng tôi cũng đã một lần có ý định vượt ngục qua Trung Quốc,
nhưng không thực hiện được vì bất ngờ bị đổi buồng ngay trong buổi trưa, trước
đêm chúng tôi dự định hành động.[1] Biết rằng đây là việc vô cùng nguy hiểm, và
tôi đã từng chứng kiến cái giá mà những người vượt ngục thất bại đã phải trả
như thế nào, nhưng chúng tôi thấy không còn cách nào khác hơn là phải chấp nhận
trả cái giá đó.
Vượt ngục
và vượt ngục!
Lúc
đang ở khu kiên giam tại trại Thanh Cẩm, tôi vẫn luôn có ý định vượt ngục. Tuy
nhiên, vượt ngục từ khu kiên giam trại Thanh Cẩm quả thực là chuyện quá khó
khăn vì có nhiều yếu tố bất lợi. Ngoài yếu tố nội tại với thân thể gầy còm, ốm
yếu do thiếu dinh dưỡng sanh ra bệnh tật, cộng thêm buồng giam xây dựng kiên cố
và chẳng có một thứ gì bằng kim loại trong buồng. Yếu tố ngoại tại cũng không
kém phần khắc nghiệt.
Bên
ngoài là 2 lớp hàng rào kẽm gai của khu kiên giam và cuối là bức tường cao bằng
đá xanh, cao quãng 5 thước chung quanh trại, trên mặt tường là một hàng rào kẽm
gai cao khoảng 1 thước. Có quá nhiều vấn đề phải giải quyết trước khi bắt tay
vào việc. Trước tiên là phải thuyết phục để sáu người trong buồng đều đồng ý, nếu
ai yếu quá không thể tham gia được, phải làm sao bảo đảm cho họ ở lại mà không
bị hành hạ và ngược đãi.
Anh
Tiếp và tôi bắt đầu bằng việc thăm dò tư tưởng của từng người, phải rào trước
đón sau rồi mới dám gợi ý, vì nhỡ có ai không đồng ý và báo cáo ý định vượt ngục
với cán bộ, lúc đó tai họa sẽ không lường được. Vì sống với nhau đã lâu, chúng
tôi cũng đã một phần nào đoán biết được tâm trạng của nhau nên bắt đầu với những
người có nhiều hy vọng nhất.
Khi nghe
chúng tôi bày tỏ ý định, hai anh Nguyễn Sỹ Thuyên và Trịnh Tiếu đồng ý ngay, nhất
là anh Thuyên rất mừng rỡ. Anh nói với chúng tôi:“Trời! Tôi đã mong ước chuyện
này từ lâu! Tôi cám ơn hai ông rất nhiều”. Riêng anh Lâm Thành Văn còn lưỡng lự
vì anh đang đau dạ dày khá nặng, nhưng cuối cùng rồi cũng đồng ý sau khi anh em
hứa nâng đỡ nhau trên đường trốn thoát. Chúng tôi gặp trở ngại với cha Nguyễn
Công Định, ngài nhất định không tham gia. Sau khi nghe tôi đề cập tới vấn đề
này một cách bóng gió, nửa đùa nửa thật, cha Định trả lời tôi dứt khoát:
- Chừng nào được gọi tên là về, tôi không đi đâu cả, dù cửa mở cũng không đi đừng
nói trốn!
Tôi hỏi lại:
- Nhưng nếu năm người chúng tôi đi cả thì bác tính sao?
Tưởng là tôi nói đùa, ngài trả lời:
- Các người đi thì cứ đi, tôi ở lại một mình chứ sao!
- Rồi bác trả lời sao với cán bộ?
- Trả lời sao kệ tôi!
Thấy câu chuyện đã đi vào ngõ cụt, tôi cười giả lả:
-Không đơn giản như bác nói đâu, nhưng mà này, nói chơi đấy nhá!
Chúng tôi gặp trở ngại
khá lớn đầu tiên khi cha Định quyết tâm ở lại. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn lén
lút chuẩn bị những gì có thể làm được. Lúc bấy giờ còn phải đề phòng cán bộ và
trật tự bên ngoài, và trong buồng phải làm sao cho cha Định thấy như không có
chuyện gì sắp xẩy ra. Chúng tôi nghĩ rằng cha Định không hại chúng tôi, nhưng
thái độ có vẻ lo lắng hay một lời nói vô tình nào đó của ngài có thể làm cho
cán bộ và trật tự nghi ngờ có âm mưu trốn trại, lúc đó thì mọi chuyện sẽ hỏng
khi chưa bắt đầu và hậu quả không lường được.
Không có
cách nào khác hơn, nên năm người trong buồng quyết định vượt ngục, còn cha Định
ở lại. Vấn đề là bàn tính với nhau xem cách nào hay nhất để giúp cha Định không
bị tra tấn đánh đập sau khi chúng tôi trốn đi. Về thời điểm vượt ngục, chúng
tôi đồng ý chọn ngày N là mồng 1 tháng 5 năm 1979. Ngày đó là ngày lễ Quốc Tế
Lao Động, cả trại được nghỉ. Hơn nữa, theo kinh nghiệm chúng tôi biết thì hôm
đó cán bộ được một bữa “bồi dưỡng”. Họ sẽ đánh chén say sưa và chểnh mảng trong
việc canh gác ban đêm.
Dụng cụ
đào tường
Về dụng cụ đào tường,
chúng tôi chỉ có một miếng sắt giẹp thật cứng, dài độ 20 phân được mài nhọn như
cái đục. Đây là dụng cụ chủ yếu và duy nhất mà chúng tôi có trong tay để thực
hiện cuộc vượt ngục. Dĩ nhiên là không có dụng cụ này thì đã không có kế hoạch
tiếp theo. Miếng sắt này hình thù giống như ngọn giáo, gắn ở cánh cửa vào cầu
tiêu. Một đầu có lỗ tròn nhỏ để xỏ vào khoen sắt có đầu nhọn như cây đinh đóng
vào cánh cửa gỗ nhà cầu. Cây đinh dài ló đầu nhọn ra phía sau cánh cửa rồi bẻ gập
lại, đầu kia của miếng sắt có xẻ rãnh rộng 1 phân dài 3 phân ở giữa để khi đóng
cửa sẽ ập vào một thanh sắt hình chữ U gắn trên bờ tường, lúc đó thanh sắt
hình chữ U sẽ nhô ra chui ngang khe rảnh của miếng sắt và có ống khóa bóp
lại ở phần bụng của chữ U bên ngoài và cánh cửa không còn mở ra được.
Khi chúng
tôi mới tới, cửa nhà cầu bị khóa lại và tù nhân phải đại tiểu tiện trong các ống
bẩu bằng tre dựng bên ngoài cửa nhà cầu như tôi đã nói ở trên. Một thời gian
sau cửa vào cầu tiêu được mở và chúng tôi sử dụng cầu tiêu qua một lỗ tròn có
cái mẹt chứa phân bên dưới. Mỗi ngày có một anh tù mở cửa gỗ phía sau nhà, vào
hầm gánh phân ra cung cấp cho đội trồng rau xanh.
Từ khi cửa
được mở ra thì miếng sắt được treo lơ lửng vô dụng trên cánh cửa vào nhà
cầu. Miếng sắt màu đen vô tội được đóng vào cánh cửa nhà cầu này vô tình trở
thành cơn cám dỗ và cũng dự phần rất lớn vào việc thúc đẩy tôi thực hiện ý định
vượt ngục. Ngay trong ngày đầu khi cửa vào cầu tiêu không còn khóa lại và thấy
miếng sắt treo lơ lửng trên cánh cửa gỗ tôi đã nghĩ:“Tại sao mình không
dùng miếng sắt trời cho này để đào tường vượt ngục?”
Khi
quyết tâm thực hiện kế hoạch vượt ngục thì việc đầu tiên là chúng tôi lén lút
tháo miếng sắt ấy ra, mài cho bén và gắn hờ trở lại chỗ cu, để khi hành động
thì tháo ra dễ dàng. Nhưng cái khoen sắt có đầ nhọn như cây đinh, đóng vào cánh
cửa để treo miếng sắt giẹp này lại to như chiếc đũa, và phía đầu nhọn ló ra sau
cánh cửa được đóng gập lại rất chắc. Muốn lấy được miếng sắt giẹp này thì việc
đầu tiên là phải làm sao kéo thẳng đầu nhọn của cây đinh, đóng gập sau cánh cửa
ra mới cầm miếng sắt giẹp xoay tròn và rút ra được.
Trong
hoàn cảnh khu kiên giam, chúng tôi không được giữ bất cứ một thứ gì là kim loại
trong buồng, thì việc kéo thẳng đầu một cây sắt to bằng chiếc đũa đóng gập vào
phía sau cánh cửa gỗ không phải là chuyện đơn giản. Nhìn qua ngó lại, tôi thấy
chỉ còn sót lại hai thứ bằng kim loại là chiếc muỗng nhôm tôi cố gắng giấu được
qua bao nhiêu lần khám xét và một vật bằng kim loại hợp pháp khác là cái quai
xách của lon Guigoz đựng nước uống của anh Lâm Thành Văn, làm bằng ruột dây kẽm
gai.
Anh
Lâm Thành Văn ở khu kiên giam này trước chúng tôi và không hiểu vì lý do gì anh
còn giữ được cái quai xách bằng dây kẽm này trong khi mấy anh em chúng tôi lên
sau đã bị tháo vất đi hết và chúng tôi phải xé dây bao cát ra để làm quai xách
cột trên miệng lon Guigoz khi lấy nước sôi.
Cái
quai xách lon nước uống của Văn vô tình trở nên của quý! Chúng tôi tháo đoạn
dây thép ấy ra, mài cho thật nhọn và nhủi một đường trên cánh cửa gỗ chui
lòn bên dưới đầu nhọn gập lại của cây sắt. Sau khi xỏ lòn được đoạn dây kẽm bọc
ra phía sau cây sắt, chúng tôi nối đoạn dây kẽm lại thành một khoen tròn
và dùng thế đòn bẩy nại cây đinh thẳng ra! Vấn đề khó khăn coi như được giải
quyết.
Sau đó
chúng tôi tháo miếng sắt giẹp ra, mài đầu kia thật bén như dao và hơ khói cho
đen lại, rồi gắn trở lại cánh cửa coi như không có chuyện gì xảy ra. Dĩ nhiên
là việc này chúng tôi phải giấu cha Định. Thời gian tiếp theo, miếng sắt vẫn
treo lơ lửng trên cửa và từ cán bộ tới trật tự chẳng ai để ý gì tới cái miếng sắt
nhỏ vô tội này. Nhưng nhóm chúng tôi, đặc biệt là cá nhân tôi thì không
hiểu tại sao, cứ thỉnh thoảng tôi lại đưa mắt liếc nhìn miếng sắt đó, dù không
muốn nhìn nhưng vẫn cứ phải nhìn!
Lúc bấy
giờ chúng tôi cũng đã bảo nhau, nếu bất ngờ bị đổi buồng thì coi như không có
gì xảy ra, còn trong trường hợp cán bộ hay trật tự phát giác ra miếng sắt bị
tháo ra và mài nhọn, chúng tôi chỉ việc bày tỏ thái độ “vô cùng ngạc nhiên” là
xong. Vì buồng này đâu có phải chúng tôi là những người chiếm ngự đầu
tiên! Vả lại khi đưa chúng tôi vào buồng này có ai để ý gì hoặc là chụp hình vị
thế của miếng sắt vô tội vạ ấy đâu.
Với
miếng sắt nhọn và bén như lưỡi dao này, chúng tôi đã tạm yên tâm về dụng cụ đào
tường, vì trong hoàn cảnh đó không thể tìm được thứ gì tốt hơn! Ngoài ra, còn
có một cái muỗng bằng nhôm cũng có thể có chút giá trị nào đó, mặc dù chúng tôi
biết là dụng cụ bằng nhôm rất mềm, nhưng đó là dụng cụ bằng kim loại duy nhất,
sau miếng sắt “báu vật” mà chúng tôi đang có.
Về địa điểm
để đào tường, sau khi đã nghiên cứu từng nơi từng chỗ và quan sát trong
ngoài cẩn thận, chúng tôi thấy không còn chỗ nào tốt hơn là vách tường sau của
cầu tiêu thông ra cái hầm chứa phân. Hầm này nằm bên dưới cầu tiêu của 4 buồng
kiên giam và ăn thông ra phía sau của khu nhà bằng, bởi một con đường, chỉ rộng
chừng một thước rưỡi như một cái rãnh nằm giữa hai buồng phía sau, vừa đủ cho
người tù vào hầm gánh phân ra. Hầm chứa phân có một cánh cửa bằng gỗ chắc chắn,
ban ngày mở ra nhưng chiều tối khi điểm danh được khóa lại.
Khu Nhà Bằng
được xây dựng như chiếc bánh chưng được cắt làm tư nhưng hai buồng sau hẹp hơn
hai buồng trước một chút vì bị xén đi mỗi bên một ít để làm cái rãnh thông vào
buồng chứa phân này. Theo dự trù, sau khi chúng tôi đào xong bức tường sau của
vách cầu tiêu, sẽ chui ra và lọt được vào hầm chứa phân. Xong lại phải đào bật
tung bản lề cánh cửa gỗ của hầm chứa phân rồi mới có thể bò theo con hẻm giữa
hai buồng phía sau, lần tới chân bức tường rào của khu, sau khi vượt qua bức tường
này mới ra tới chân của bức tường xây bằng đá xanh cao 5 thước, có hàng rào kẽm
gai cao quãng 1 thước ở bên trên. Bức tường trại này chỉ có một lối ra vào duy
nhất là cổng trại nơi có lính canh gác ngày đêm . Cổng trại cũng là nơi ở và
làm việc của cán bộ trực trại.
Nói tóm lại,
nếu muốn thoát được ra bên ngoài, chúng tôi phải làm sao vượt qua được 4 trở ngại
sau đây: bức tường bằng gạch phía sau cầu tiêu, cách cửa gỗ chặn lối ra vào của
hầm chứa phân, bức tường thấp của khu kiên giam, và cuối cùng là bức tường bằng
đá xanh của trại, cao 5 thước.
Từ khi có
ý định đào tường vượt ngục, chúng tôi để tâm quan sát khu vực này và thăm dò
tìm hiểu nơi các anh tù hình sự trong đội xây dựng đang xây cất khu nhà kỷ luật
gần bên. Chúng tôi cũng dò hỏi mấy anh tù gánh phân thật cẩn thận về hình dạng,
cách cấu trúc và giờ giấc đóng mở cửa của hầm chứa phân. Nói tóm lại
chúng tôi điều nghiên vấn đề này, ngay tới cả những chi tiết nhỏ nhất theo cách
thức và hoàn cảnh lúc bấy giờ cho phép.
Sau
khi tìm hiểu những dữ kiện cần thiết, chúng tôi vẽ ra một bản đồ chi tiết bằng
cách lấy than vạch lên bệ nằm để anh em cùng nghiên cứu, nhưng việc nghiên cứu
bản đồ này cũng phải giả vờ như anh em ngồi xúm lại chơi cờ tướng trong lúc cha
Định ngủ trưa để tránh sự nghi ngờ của cha Định.
Từ khi bắt đầu thai nghén kế hoạch cho tới ngày N (1-5-1979) chúng tôi có 2
tháng để điều nghiên và chuẩn bị. Có hai việc phải làm cùng một lúc là vừa âm
thầm chuẩn bị dụng cụ, thăm dò tìm hiểu tất cả những chi tiết liên quan tới cuộc
vượt ngục lại vừa phải canh chừng, đề phòng và khéo léo làm sao để cha Định
không nghi ngờ và đoán biết ý định của 5 người chúng tôi. Công việc sau này là
việc khó nhất vì trong một căn buồng giam nhỏ chỉ vừa đủ chỗ cho 6 người nằm trở
đầu ngược nhau mà chúng tôi phải giấu cha Định mọi chuyện, từ lời nói tới các
việc làm và cả ánh mắt cái nhìn nữa.
Hàng ngày
tôi vẫn có thói quen ngồi bên cửa sổ nhìn lên trốc bức tường đá xanh, bao chung
quanh trại và điều nghiên việc làm thế nào để có thể vượt qua bức tường đó một
cách an toàn cho cả 5 người chúng tôi. Nếu chỉ riêng cá nhân tôi và anh Tiếp với
anh Tiếu thì không đến nỗi nào, nhưng có anh Thuyên khá lớn tuổi và nhất là Lâm
Thành Văn lại yếu vì chứng đau dạ dày, cần sự nâng đỡ của anh em trong nhóm nhiều
hơn. Hàng ngày tôi vẫn ngồi ngước mắt nhìn bờ tường nhưng khi thấy cha Định tới
gần là tôi phải quay đi giả vờ đứng bên cửa sổ hít thở không khí và làm như
không có chuyện gì xảy ra.
Phải nói
là trong 2 tháng trời đó, anh Tiếp và tôi là người anh em giao cho công việc điều
nghiên và chuẩn bị, chúng tôi đã phải vận dụng hết khả năng, tìm tòi, óc sáng
kiến, óc tưởng tượng cho kế hoạch đầy nguy hiểm này. Sự có mặt của cha Định đã
làm cho công việc trở nên khó khăn gấp bội. Trong buồng chúng tôi vẫn phải giữ
nhịp độ sinh hoạt bình thường như chơi cờ tướng, cờ domino. Vì không thể tìm
đâu ra quân cờ thật nên chúng tôi dùng giấy vẽ chữ các quân cờ tướng và các điểm
tròn của cờ domino để chơi giải trí và cho qua thời giờ. Khi cần trao đổi câu
chuyện liên quan tới kế hoạch chúng tôi đợi lúc xuống sông Mã tắm giặt mới đứng
gần nhau mà nói chuyện rù rì. Có những lần lợi dụng trong lúc phát thức ăn
chúng tôi được vài phút ra sân làm vệ sinh mới có thể lén lút trao đổi vài câu
chuyện.
Cũng may
buồng giam có cánh cửa ngăn cách với khu vực có cầu tiêu và bể chứa nước bên
trong nên có cần bàn việc gì chúng tôi đợi lúc cha Định ngủ mới lén vô cầu tiêu
mà bàn chuyện. Suốt trong hai tháng trời đó, chúng tôi cố gắng tìm hiểu và dự
trù những chuyện có thể xảy ra, kể cả những chi tiết nhỏ nhất cũng được đặt ra,
lại phải phân công nhau ra dòm chừng cha Định. Vì tính cách quan trọng của cuộc
vượt ngục nên chúng tôi dồn hết tâm trí và sức lực để chuẩn bị các thứ cần thiết.
Chúng tôi đang sắp sửa chơi một canh bạc lớn, và trong canh bạc này, chính mạng
sống của chúng tôi được đặt xuống chiếu bạc trước mặt.
Dốc tâm
chuẩn bị
Có quá nhiều chi tiết phải
làm trong thời gian chuẩn bị cho chuyến đi định mệnh này. Chúng tôi phân công mỗi
người lo một việc, nhưng luôn hội ý với nhau xem công việc tiến triển ra sao và
có gì khó khăn phải giải quyết. Có hai kế hoạch được đặt ra. Kế hoạch một là nếu
thoát ra được bên ngoài trước nửa đêm, chúng tôi sẽ đi vào rừng về hướng Tây
qua biên giới Lào, để rồi từ đó tìm đường qua Thái lan. Kế hoạch hai, nếu bị trở
ngại và ra bên ngoài muộn, chúng tôi sẽ xuôi dòng sông Mã để ẩn nấp, chờ dịp tốt
sẽ đi vào rừng.
Chúng
tôi quyết định nếu ra ngoài được chỉ có hướng đi duy nhất là đi băng qua rừng để
tới đất Lào, rồi từ lào tìm qua Thái Lan. Theo kế hoạch đó, yếu tố thời gian thật
vô cùng quan trọng, phải cố gắng vượt qua được biên giới Việt-Lào cách trại
30 cây số càng sớm càng tốt, vì chúng tôi không thể nán ở lại sống trà trộn
trong dân chúng tại miền Bắc được.
Khi còn ở trại Cổng Trời, chúng tôi đã học được kinh nghiệm của mấy anh em tù
Biệt Kích là những người được huấn luyện kỹ lưỡng để thả ra Bắc, nhưng cuối
cùng cũng bị dân chúng phát giác. Điều trở ngại đầu tiên là giọng nói giữa hai
miền Nam-Bắc khác nhau quá xa, vừa mở miệng ra là người khác sẽ biết ngay người
đó ở vùng nào trên đất nước! Hơn nữa, dân chúng trong vùng Thanh Hóa này, nhất
là những người Mường ở chung quanh trại Thanh Cẩm này rất nghèo và mỗi lần
bắt được tù vượt ngục, họ được thưởng công rất hậu hĩnh. Họ được thưởng gạo, rượu
và bằng khen.
Gạo
và rượu dĩ nhiên rất quý báu đối với người dân thiếu ăn gần như quanh năm trong
vùng núi đá và thiên nhiên rất khắc nghiệt này, nhưng thức ăn chỉ có giá trị tạm
thời. Riêng bằng khen mới là điều người dân trong vùng mơ ước vì có giá
trị về lâu về dài. Trước tiên là được miễn góp ngày công lao động cho hợp tác
xã, sau đó còn được ưu tiên trong những đợt cấp phiếu mua nhu yếu phẩm trong
các dịp Tết hoặc trong những đợt mua hàng tiêu chuẩn bất thường khác trong năm.
Nói tóm lại, công việc bắt tù vượt ngục là một nghề tay trái kiếm ăn rất khá của
dân chúng trong vùng rừng núi chung quanh trại.
Vì
thế khi vừa nghe 3 tiếng súng báo động cho biết có tù vượt ngục, là mạnh ai người
ấy chạy đi săn lùng. Có người còn mang bao tải theo sẵn để bắt được tù là có
ngay 30 ký gạo của trại tù thưởng công, mang về cho gia đình ăn bữa cơm tiếp
theo. Tôi còn nghe nói ở những trại chỉ có tù hình sự mà thôi thì phần thưởng
không đáng gì, nhưng các trại giam tù chính trị miền Nam như trại Thanh Cẩm thì
việc bắt được tù vượt ngục quả là niềm mơ ước thường xuyên của dân chúng. Biết
như vậy nên chúng tôi quyết định nếu thoát ra ngoài được là phải trốn biệt
trong rừng, tránh tiếp xúc với bất cứ một con người nào khi còn trên phần đất
quê hương.
Điều an ủi
là vùng rừng núi hiểm trở này dân cư rất thưa thớt và đa số là người dân tộc
thiểu số, những người có truyền thống chịu đựng sự khắc nghiệt của con người và
của thiên nhiên. Người dân trong vùng phần đông sống bằng nghề trồng trọt
và đốn củi rừng. Những anh tù hình sự cho biết, chung quanh trại và cả đi sâu
vào rừng cũng có những nương sắn nương khoai của dân chúng.
Có khi họ
chỉ trồng xuống rồi phó mặc cho thiên nhiên, tới ngày thu hoạch thì vác mai,
vác cuốc vô rừng đào khoai giở sắn mang về. Có khi thu hoạch được khá nhưng phần
đông đã bị tàn phá bởi thiên nhiên, bởi thú rừng và nhất là bởi đám tù tự giác
hình sự. Dĩ nhiên là khi trù tính kế hoạch vượt ngục và việc mưu sinh thoát hiểm,
chúng tôi cũng nghĩ tới các ruộng trồng khoai sắn này.
Nếu
trường hợp phải trốn xuống sông Mã, chúng tôi phải đề phòng dân đánh cá trên
sông. Trại Thanh Cẩm nằm trên vùng thượng nguồn sông Mã nên cá chẳng có bao
nhiêu. Về mùa nắng, nước sông rất cạn và chảy lờ đờ có chỗ còn lòi cả đá ở đáy
sông lên. Lúc bấy giờ chỉ có loại cá nhỏ như cá mương. Dù vậy khi có mưa, nước
sông sẽ dâng lên rất nhanh vì bao nhiêu nước trên rừng đổ xuống. Nếu hôm nào
mưa to thì nước sẽ dâng thật cao, cao gần tới bờ sông và nước đổ xuôi dòng mạnh
như thác, mang theo cây cối, gỗ lạc, gia súc, có khi cuốn băng cả ghe xuồng nhà
cửa của dân chúng ở hai bên bờ sông.
Sau
những lần mưa to, sông có nhiều nước và cá mương cũng nhiều, đó là lúc người
dân đánh cá hoạt động khá nhiều trên sông. Cá mương là loại cá nhỏ, chỉ to bằng
ngón tay, đi từng đàn và tìm thức ăn trên mặt nước. Người dân đánh cá mương phải
phối hợp đi trên hai chiếc thuyền, một lớn, một nhỏ. Thuyền lớn một người chèo
và một người điều khiển cái vó trước mũi (Vó là tấm lưới có hai càng căng ra),
còn thuyền nhỏ có người chèo và một đứa trẻ con ngồi cầm chiếc mõ bằng ống tre.
Khi người
bên thuyền lớn hạ vó xuống nước thì thuyền nhỏ chèo ra xa trước mũi thuyền
nhỏ, trong khi đứa bé cầm mõ ghe gõ lóc cóc, lóc cóc liên hồi để đuổi đàn cá
mương chạy vào vó và người bên thuyền lớn cất vó lên. Có những lúc trúng, cũng
được khá nhiều cá trong mỗi lần cất vó, nhưng thường thì chỉ được dăm ba con,
có khi chẳng có con nào!
Vì trại
Thanh Cẩm nằm không xa bờ sông Mã bao nhiêu, nên những tiếng mõ lóc cóc của người
dân đánh cá mương trở thành âm thanh quen thuộc đối với chúng tôi. Nhất là về
đêm, tiếng mõ càng vang xa nghe rõ mồn một, như một điệu nhạc buồn trên sông
Mã, lúc nào cũng chỉ có hai nốt: lóc cóc, lóc cóc, lóc cóc!
Có
những đêm về sáng, tôi nằm trong kiên giam nghe văng vẳng tiếng mõ của người
đánh cá mương trên sông, hòa lẫn với tiếng kêu gọi sáng của loài chim rừng lúc
nào cũng 4 tiếng đi liền mà anh em tù chúng tôi nghe là chim “bắt cô trói cột,
bắt cô trói cột!”. Rồi tới giờ, lại có thêm tiếng cồng trại tập
trung phát ra từ thanh sắt gõ vào cái vỏ bom sắt treo bên ngoài cổng trại, đánh
thức tù dậy đi lao động. Ba thứ âm thanh đó hòa lại với nhau vọng tới tai người
tù biệt xứ, như một bản hợp tấu thật não nề, giữa núi rừng Thanh Cẩm!
Song
song với chi tiết vượt ngục, chúng tôi cần phải có một thang dây để leo qua bờ
tường đá cao 5 thước bao quanh trại. Sở dĩ chúng tôi cần thang dây vì anh Lâm
Thành Văn lúc bấy giờ khá yếu, không thể bám dây cột gút để leo lên tường cao
như các anh em khác. Một vấn đề được đặt ra là làm thế nào móc được thang dây
trên trốc bức tường, trong khi chúng tôi ở khu kiên giam này không “một tấc sắt
trong tay”!
Lúc đó
tôi để ý và thèm đến rỏ dãi, mấy cái móc sắt trong hai quang gánh của Bùi Đình
Thi và Trương Văn Phát dùng để gánh cơm nước lên khu kiên giam và kỷ luật. Đây
là một dụng cụ thật lý tưởng để móc đầu thang dây lên trốc bờ rào, nhưng chúng
tôi rình mãi mà không thể nào lấy được các móc sắt đó. Sau cùng, chúng tôi phải
tìm cách làm một móc sắt theo cách thức của mình.
Tôi cho
là một sự may mắn khác khi tôi chợt để ý tới đoạn dây phơi quần áo của tù trong
sân khu kiên giam ngay trước cửa buồng 1 của tôi. Vì chỉ có khoảng sân này là rộng
nhất trong 4 buồng của khu kiên giam Nhà Bằng, nên có chôn hai cái giá gỗ cách
chừng 4 thước để căng mấy dây phơi, cho tù nhân phơi áo quần, mỗi lần được
đi tắm giặt dưới sông Mã lên. Các dây phơi này thật bệ rạc. Có đoạn bằng dây ny
lon, có sợi làm bằng dây điện nhưng có một đoạn làm bằng dây thép gai đã được gỡ
bỏ hết gai nhọn. Tôi chú ý đoạn dây thép này.
Tôi quyết
tâm phải đánh cắp đoạn dây thép này để làm cái móc sắt cho đầu thang dây. Nhưng
đánh cắp được đoạn dây thép này cũng không phải là chuyện dễ, vì mỗi lần đi tắm
về, chúng tôi phơi quần áo chưa xong là trật tự đã giục vào buồng, có giờ đâu mà
ra tay? Khổ nỗi, chỉ có lúc sau khi tắm đó chúng tôi mới có lý do để “đụng” tới
dây phơi giữa sân. Sau cùng, tôi cũng tìm ra được giải pháp.
Dựa
vào yếu tố tâm lý, tôi biết là chẳng bao giờ có ai để ý tới đoạn dây phơi quần
áo của tù trong khu kiên giam làm bằng chất liệu gì. Làm bằng gì đâu có là vấn
đề, điều quan trọng là đoạn dây phơi còn đó để mỗi khi tắm giặt có chỗ phơi áo
quần là được rồi. Chỉ trừ trường hợp đoạn dây đó mất đi thiếu hụt chỗ phơi mới
có người để ý. Nhưng nếu có ai thắc mắc, thì chỉ là những người tu, vì không có
chỗ cho họ phơi áo quần, họ phải xin cán bộ cho dây khác. Riêng cán bộ và hai
anh trật tự thì để ý làm gì về sợi dây phơi của tù.
Nghĩ
như vậy nên chúng tôi âm thầm chuẩn bị một sợi dây bện bằng sợi tháo ra từ bao
cát, có màu sắc và độ to bằng dây thép gai dùng để phơi áo quần bên ngoài. Sau
đó mỗi lần đi tắm về, trong lúc giả vờ phơi áo quần, chúng tôi chia phiên tháo
dần hai đầu dây thép và cột hờ lại đừng để cho rơi xuống. Làm thế nào để trong
lần cuối cùng, dây thép này sẽ tháo ra thật dễ dàng, và cột dây bằng sợi bao
cát thế vào, mà không ai chú ý. Điều quan trọng là trong lần cuối cùng, việc
này phải làm cho thật nhanh và tránh sự chú ý của tất cả mọi người khác.
Tôi
được anh em giao phó công tác chết người này, vì nó là sáng kiến của chính tôi!
Một kế hoạch chi tiết “tiền vượt ngục” này đã được 5 người thảo luận kỹ càng,
chờ tới ngày đi tắm sắp tới là thực hiện. Tôi đợi chờ trong lo âu!
Thử thách
đầu tiên
Sáng hôm đó là ngày quyết
định. Theo đúng kế hoạch cả 5 người chúng tôi, hôm buổi sáng được xuống sông Mã
tắm đó, ai cũng mang một ít quần áo đi giặt. Riêng hai người cao nhất
trong nhóm là Đặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn còn giặt cả màn nữa!
Sau khi
đi tắm về, chúng tôi tới bên dây phơi giữa sân trước cửa buồng phơi áo quần như
thường lệ. Hôm đó cán bộ võ trang dẫn chúng tôi đi tắm không theo vào sân
khu kiên giam, chỉ có hai anh trật tư, đang đi lại lảng vảng, chờ chúng
tôi phơi quần áo xong thì lùa vào buồng khóa cửa lại.
Vì đã
phân công trước, nên trong lúc 4 người bạn giũ áo quần và chăn ra “phơi” để che
mắt Bùi Đình Thi và Trương Văn Phát, tôi lẹ làng cột dây giả vào, và tháo đoạn
dây thép, cuộn tròn lại nhét vào người. Tôi hành động nhanh như máy. May
mắn làm sao! Không ai thấy, và sau này cũng chẳng ai biết gì về sợi dây phơi “dỏm”
mà tôi đã cột thay vào giá phơi áo quần này.
Mang đoạn
dây thép “báu vật”về buồng, chúng tôi quấn nhập lại nhiều lần rồi uốn thành cái
móc sắt thật lý tưởng cho thang dây. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi dấu móc sắt
này trong bể nước gần bên cầu tiêu. Sau miếng sắt giẹp, cái móc sắt này là báu
vật thứ hai mà chúng tôi có lúc bấy giờ. Điều đáng nói là cho tới lúc đó cha Định
vẫn chưa biết gì về hai món “báu vật” này. Chúng tôi đã có móc sắt cho chiếc
thang dây, nhưng chính chiếc thang dây lúc đầu tưởng là dễ dàng, nay lại hóa ra
vô cùng rắc rối, mặc dù trong kế hoạch vượt ngục, chúng tôi đã dự trù tất cả mọi
trường hợp có thể xảy ra.
Trong buồng
kiên giam lúc đó trống trơn, chỉ có một chỗ duy nhất chúng tôi có thể cất giấu
“món đồ phi pháp” trước lúc vượt ngục là cái bể nước tối om, nằm kế bên cầu
tiêu. Bể này hứng nước mưa từ mái “Nhà Bằng” chảy xuống qua cái lỗ hổng
ngay trên miệng bể. Trong mùa khô hoặc lúc trời không mưa, có mấy anh tù trong
đội gánh nước cung cấp nước, gánh lên và đổ vào bể từ một cánh cửa bên hông buồng.
Thành bể cũng được xây đụng nóc nhà chỉ chừa một lỗ hổng chừng 50 phân vuông có
song sắt và cao trên đầu người.
Mỗi chiều
khi điểm danh và trước khi khóa cửa buồng giam, lần nào cán bộ hoặc trật tự
cũng bước vào khu vực cầu tiêu kiểm soát, nhưng chỉ coi có nơi nào bị đào khoét
gì không và chẳng bao giờ để ý trong bể nước có gì. Một phần trên miệng bể
chỉ có một lỗ vuông nhỏ chắn song sắt, phần khác khu vực này luôn luôn là tối
om, muốn nhìn vào bên trong bể nước phải đứng trên một thứ gì kê lên cao và phải
dùng đèn bấm mới thấy được. Trong khi đó khi cần giấu thứ gì, chúng tôi
thả ngầm dưới đáy hồ, có những đoạn dây cột tua tủa, khi cần thì dùng móc sắt
rà kéo lên.
Đề phòng
trường hợp bị xét buồng hay đổi buồng bất ngờ, chúng tôi đã có thủ sẵn một
cái bao cát, bên trong có những hòn đá mà khi đi tắm chúng tôi nhặt về. Nếu
thình lình có “động” là chúng tôi sẽ cho tất cả “đồ nghề” vào cái bao cát
có dằn đá sẵn để dìm xuống dưới đáy bể nước. Nếu chỉ là khám xét rồi lại vào buồng
cũ, thì sẽ vớt bao lên tiếp tục kế hoạch, nhưng trong trường hợp đổi buồng
thì coi như là “ý trời”. Về sau này vô tình cán bộ phát hiện ra chiếc bao cát
đó, cũng chẳng biết là của ai vì đã có biết bao nhiêu lớp tù, đến rồi đi, trong
4 buồng của khu kiên giam Nhà Bằng như một thứ nhà trọ của khách vãng lai này.
Cho tới một
vài ngày trước lễ Lao Động năm đó chúng tôi cũng chưa chắc là kế hoạch có thể
thực hiện được, vì trước những dịp lễ lớn bao giờ cũng có cuộc khám xét “nội vụ”
và có thể bị xáo trộn tù nhân giữa các buồng trong khu kiên giam. Đây là biện
pháp an ninh thông thường. Những dịp khám xét đồ đạc, chúng tôi biết trước,
nhưng việc đổi buồng thì không theo một định kỳ nhất định nào. Thông thường thì
đổi trước các dịp lễ, nhưng cũng có lúc tự nhiên một người hoặc vài người bị gọi
ra chuyển qua buồng khác.
Có điều rất
lạ, mặc dù tôi đã biết trước những dịp khám xét buồng theo định kỳ nhất định
trong năm rồi, nhưng mỗi lần khám xét, mà chúng tôi gọi là “bán chợ trời”
đó tôi vẫn cảm thấy lo lắng, chán nản mệt nhọc và gần như muốn bệnh! Sở dĩ gọi
là “bán chợ trời” vì tất cả “nội vụ” của chúng tôi được mang hết ra khỏi buồng,
bày từng cụm từng cụm giữa sân và ngồi gần bên đó chờ cán bộ và trật tự tới lục
tung hết lên. Nhìn cảnh này, thật không có gì ngán cho bằng. Ai cũng biết
là trong tù chật chội và chúng tôi đã phải thu xếp áo quần chăn chiếu và đồ
dùng thật gọn gàng mới có đủ chỗ để nằm và sinh hoạt trong buồng. Sau mỗi lần
khám xét là lục tung tóe như vậy, có khi hàng tuần lễ sau cũng chưa có thể xếp
gọn lại được.
Sau
khi đã khám xét xong và của ai người ấy ôm trở vào buồng, lúc đó nhìn càng ngán
ngẩm hơn! Lúc đó đồ đạc, áo quần chăn chiếu mùng mền, chén bát...vương vãi khắp
nơi. Trong lúc đó bao giờ tôi cũng nằm ngửa lên trên đống đồ đạc nhắm mắt một
lúc cho lại sức, sau đó mò dậy hút điếu thuốc lào trước khi bắt đầu việc thu xếp
lại “nội vụ”! Tôi nhìn các anh em khác và thấy hình như ai cũng có tâm trạng và
hành động như tôi lúc bấy giờ. Những cuộc khám trại thông thường là như vậy,
nhưng nếu những lần khám trại sau cơn mưa hoặc đang lúc khám mà bị mưa thì càng
khốn nạn hơn!
Một
điều ngán ngẩm khác nữa trong lúc khám trại là chúng tôi sẽ bị tịch thu hoặc là
bị vất đi một số đồ dùng mà chúng tôi đã ra công góp nhặt được. Trong tù
thì cái gì cũng quý, cái gì cũng cần dùng và cái gì cũng sẽ có công dụng của
nó, từ một mảnh giấy báo, một đoạn dây ni-lông, một cái lon rỉ sét, một mảnh vải
rách, một cái hộp nhựa, một bao ni-lông...tất cả đều là của quý . Chúng tôi nhặt
những thứ này trong những lần đi tắm, và phải mắt trước mắt sau, mới dám tạt
ngang qua đống rác bên ngoài cổng trại để thu hoạch được những thứ đó, nhưng mỗi
lần khám trại, cán bộ và trật tự lấy vất đi, không thương tiếc.
Trong
lần khám trại trước lễ Lao Động năm 1979 đó, chúng tôi càng ngán hơn vì
có thể hỏng kế hoạch vượt ngục đã tới hồi kết thúc. Mặc dù chúng tôi chưa
có thứ gì có thể bị hồ nghi là chuẩn bị vượt ngục, nhưng có 3 thứ chúng tôi vẫn
lo sợ bị phát giác. Trước hết là miếng sắt đã được mài thật bén hơ khói cho
đen, và gắn lại trên cánh cửa vào cầu tiêu, thứ nhì là cái móc sắt và cái bao
cát dằn đá thả chìm trong đáy hồ nước và thứ ba là số muối khá nhiều của Lâm
Thành Văn, mặc dù đã cẩn thận phân tán cho 5 người, mỗi người giữ một ít trong
lúc mang đồ đạc ra trong khi khám trại.
Vì
biết là phải đi một thời gian lâu trong rừng, chúng tôi cố gắng để dành một ít
muối ăn đọc đường. Số muối này được bòn mót từ phần muối ít oi của anh Lâm
Thành Văn được cấp phát mỗi bữa ăn, vì anh đau dạ dầy không ăn được khoai sắn,
nên trại cho ăn cháo trắng và muối. Và dĩ nhiên điều lo sợ cuối cùng là nếu
chúng tôi bị đổi buồng thì coi như xong chuyện.
Rồi cuộc
khám trại trong dịp Lễ Lao Động năm đó cũng qua đi, không có xáo trộn người giữa
các buồng. Các tù nhân ở buồng nào về lại buồng đó, để chuẩn bị “mừng” lễ
Lao Động. Riêng 5 người trong nhóm âm mưu vượt ngục chúng tôi cũng về lại
buồng 1 cùng với cha Định. Thời gian quyết liệt đã tới!
Cho tới lúc gần ngày lễ Lao Động rồi mà cha Định chưa biết gì, và chúng tôi đợi
sau khi khám trại xong mới bắt đầu làm chiếc thang dây. Khi anh Tiếp và tôi đập
các ống bẩu ra lấy thanh tre làm nấc ngang cho thang dây, nghe tiếng động bên
trong nhà cầu phát ra, cha Định bên ngoài hỏi vọng vô:
- Các người làm gì thế?
Cha Định rất là “bất hòa hợp” với chúng tôi. Ngài luôn luôn gọi chúng tôi là
“các người” thay vì tiếng “các anh”. Tôi lên tiếng trả lời:
- Bọn này đập ống bẩu ra làm đóm thuốc lào bác ạ!
Từ bên ngoài, cha Định nói vọng vào, bằng giọng nói nghe sắc bén như lưỡi dao của
người thái thịt:
-Này, các người cẩn thận đấy nhé!
Chúng tôi ngừng tay và yên lặng nhìn nhau sau câu nói đó. Thật tình tôi không
hiểu hai chữ “cẩn thận” mà cha Định vừa nói có ý nghĩa gì? Nó mang ý nghĩa sự
khuyên lơn, sự che chở hay sự đe dọa. Tôi cầu mong cho hai nghĩa trước đúng,
nhưng trong lòng tôi bắt đầu áy náy sợ câu nói này rơi vào nghĩa thứ ba! Nhưng
dù trong ý nghĩa nào đi nữa, từ đó trở đi chúng tôi rất cẩn thận, tránh gây sự
chú ý của cha Định. Như tôi đã nói vì Lâm Thành Văn bị đau dạ dày và yếu nên phải
cần thang dây cho anh. Tuy nhiên không làm sao có thể tìm ra dây được. Chúng
tôi nghĩ tới áo quần, nhưng áo quần cũng không đủ. Cuối cùng phải dùng chăn xé
ra kết lại thành giây.
Chúng
tôi xé một chăn mỏng xếp lại mấy lớp và may thành những đoạn dây dài. Trong thời
gian chuẩn bị vượt ngục tôi đã làm một cây kim khá to bằng cây đinh 6 phân nhặt
được lúc đi tắm. Phải mất khá lâu mới mài cây đinh nhỏ lại thành cây kim, tôi
dùng đá đập dẹp một đầu và dùng mảnh thủy tinh cứa đi cứa lại cho tới khi thủng
lỗ có thể xỏ chỉ qua. Chúng tôi dùng chỉ tháo ra từ bao cát là loại chỉ rất chắc
chắn để may các lớp chăn lại với nhau. Sau khi có dây, chúng tôi dùng các thanh
tre đập ra từ các ống bẩu cũ làm các thanh ngang của chiếc thang.
Ngoài sự
chuẩn bị các dụng cụ cần thiết ra, hàng ngày chúng tôi ngồi lại điều nghiên về
cách thức đào tường và ước tính thời gian dự trù cho mỗi giai đoạn. Phải nói là
không một chi tiết nào mà chúng tôi không dự trù, không bàn tính và không tìm
cách giải quyết. Sau khi có thang dây, chúng tôi đã lén cha Định, mang vào cầu
tiêu móc thang lên song sắt bể nước và đứng lên nhún, thử độ bền chắc của
chiếc thang.
Trù tính
thì giờ là việc chúng tôi suy nghĩ bàn tính nhiều nhất, phải mất bao nhiêu thời
gian cho việc đào tường, bao nhiêu thời gian đào cửa vào hầm chứa phân, ra khỏi
hầm chứa phân rồi phải canh chừng cán bộ tuần tra ban đêm như thế nào trước khi
leo qua tường rào giữa các khu. Bao nhiêu thời gian để cả 5 người vượt qua được
bức tường bao quanh trại và bao nhiêu nhiêu thời gian để vào rừng. Nói chung những
gì chúng tôi có thể nghĩ ra và tiên liệu, chúng tôi đã làm tới mức tối
đa. Trong đó việc vượt qua bức tường trại cao 5 thước bên trên có hàng
rào kẽm gai được chúng tôi nghiên cứu và phân công thật cẩn thận. Vì 5 người
chúng tôi khác nhau về tình trạng sức khỏe, về tuổi tác và sự tháo vát
nên kế hoạch chi tiết về việc này được phân chia như sau:
Khi ra đi, Đặng Văn Tiếp sẽ thủ chiếc thang dây có thanh tre ngang để leo lên
và một đoạn dây thòng ra bên ngoài để tuột xuống, và anh sẽ là người ra ngoài đầu
tiên. Kế đó là Nguyễn Sỹ Thuyên, người thứ ba và ở giữa là Lâm
Thành Văn, người thứ bốn là Trịnh Tiếu và cuối cùng là tôi. Phân chia như thế
vì anh Đặng Văn Tiếp tháo vát và xông xáo nhất, Lâm Thành Văn vì yếu nên cần có
hai người bên ngoài và hai người bên trong nâng đỡ. Tôi là người trẻ nhất, ra
sau cùng, có nhiệm vụ gỡ thang dây và đoạn dây bên ngoài để phi tang và nếu có
gì trục trặc thì tôi còn có thể xoay xở được.
Chi tiết thực hiện sẽ như sau: Ra tới chân tường, Đặng Văn Tiếp sẽ đứng
trên vai tôi và anh Trịnh Tiếu, tay cầm thanh tre đã cột sẵn móc sắt trên đầu
thang dây, móc vào trụ sắt của hàng rào kẽm gai trên trốc bức tường, và lần
theo thang dây leo lên. Tới đầu tường sẽ cột đoạn dây khác thòng ra bên ngoài
tường và bám vào dây đó tuột xuống. Những anh em khác sẽ theo thứ tự như vậy,
cũng leo lên vai Tiếu và tôi rồi bám thang dây leo ra. Anh Tiếu là người áp
chót sẽ đứng lên vai tôi, còn tôi một mình sẽ leo ra sau cùng một cách dễ dàng.
Thứ tự đó được nghiên cứu cẩn thận vào những buổi trưa, lúc cha Định không để ý
chúng, tôi vào buồng cầu tiêu thực tập công việc leo qua tường này.
Đợi chờ
trong âu lo
Tôi cảm thấy lúc bấy giờ thời gian đi quá mau. Chưa chi đã tới ngày 1. 5.1979,
ngày lễ Quốc Tế Lao Động, một ngày rất quan trọng đối với chúng tôi. Lễ Quốc Tế
Lao Động là một ngày lễ được mừng khá lớn trong chế độ cộng sản. Trưa hôm ấy,
các tù nhân chúng tôi được ăn một bát cơm trắng, một bát canh và vài ba miếng
thịt heo to bằng đầu ngón tay cái. Đó là một trong năm hoặc sáu lần tù nhân
chúng tôi được “ăn tươi” trong một năm.
Trong bữa ăn, năm người chúng tôi cùng ngồi lại bên nhau để nói lên lời thề hứa
sẽ nâng đỡ nhau trên bước đường gian nan thử thách sắp đến, sẽ coi nhau như anh
em ruột thịt và giúp nhau trong cuộc sống tương lai. Sau đó, chúng tôi nghỉ
ngơi và chuẩn bị tinh thần cho công việc quan trọng tối nay.
Nói là nghỉ ngơi nhưng thực ra tôi có nghỉ gì được đâu. Nhớ lại trước đây hai
tháng, khi ý định vượt ngục từ khu kiên giam này mới được manh nha thành hình,
chúng tôi hội ý nhau để chọn ngày lý tưởng là đêm 1 tháng 5. Khi quyết định chọn
ngày đó, tôi thấy không có gì phải suy nghĩ. Vì ngoài tất cả yếu tố thuận lợi
khác, thì ngày 1 tháng 5 lúc đó hãy còn khá xa, còn đủ thời gian để chuẩn bị. Vả
lại từ đó tới ngày thực hiện kế hoạch có thể còn xảy ra nhiều chuyện bất ngờ
trong môi trường tù tội vốn có quá nhiều chuyện bất ngờ này.
Nếu xảy ra việc đổi buồng, hoặc có một người lạ được đưa vào đây, hay một anh
em nòng cốt nào trong số 5 người chúng tôi bị chuyển qua buồng khác hoặc một
người bị bệnh bất ngờ hay...Có biết bao nhiêu chuyện bất ngờ có thể xảy ra và
cho dù một chuyện nhỏ nhất cũng bắt buộc chúng tôi phải bãi bỏ kế hoạch. Nhưng
rồi mọi việc qua đi một cách trơn tru nhẹ nhàng trong thời gian hai tháng qua.
Không có ai bị đổi đi buồng khác, cũng chẳng có ai khác vào buồng này. Như vậy
việc chuẩn bị đang được tiến hành từng bước với mỗi ngày qua đi gần tới ngày định
mệnh của đêm nay.
Trước đó chúng tôi vẫn luôn cầu mong, nếu may mắn
cha Định được chuyển đi buồng khác thì không còn gì lý tưởng hơn. Nhưng cầu
mong chỉ để cầu mong thôi, làm gì có chuyện quá may mắn như vậy. Thực tình mà
nói, tôi thấy tỷ lệ phần thắng trong cuộc vượt ngục này khá thấp so với những vấn
đề khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải. Việc khó khăn hàng đầu là sự có mặt của
cha Định. Chúng tôi đang dồn hết sức lực và tâm trí vào một việc làm cực kỳ
nguy hiểm như vậy, một sai sót nhỏ cũng có thể mất mạng như chơi, thế mà chúng
tôi không dám bàn tán chia sẻ ý kiến với nhau chỉ vì sự có mặt của cha Định. Thậm
chí chúng tôi ít khi dám ngồi gần nhau lâu vì sợ cha Định nghi ngờ là có âm mưu
gì đây.
Nếu gặp phải một người tù nào khác có lẽ sẽ đỡ hơn, đàng này cha Định với tánh
tình khinh khỉnh và không hòa hợp được với bất cứ người nào trong 5 anh em
chúng tôi thì càng có lý do để chúng tôi đề phòng. Nếu không khéo, cha Định chỉ
cần viết một mảnh giấy con, cuốn lại bằng cây tăm búng ra ngoài cho cán bộ tố
cáo âm mưu của chúng tôi thì sao? Chính vì lý do đó, tuy thời gian dài hai
tháng trôi qua mà thực sự chúng tôi chưa có thể chuẩn bị sẵn sàng tất cả những
gì đáng lẽ phải chuẩn bị và bàn bạc nhau kỹ lưỡng và chi tiết hơn.
Vấn đề vô cùng quan trọng là chiếc thang dây, chúng tôi đã làm rồi nhưng chưa
được đưa ra thử độ chắc độ bền của các dây vải một cách cẩn thận, chỉ vì cha Định
luôn có mặt trong buồng. Ngay cả việc tháo miếng sắt trên cánh cửa mài cho bén,
tới việc thực tập tư thế đứng trên vai nhau khi bắt đầu leo qua bờ tường cao 5
thước chung quanh trại, chúng tôi cũng chưa thực hiện được. Còn bao nhiêu thứ
khác, chúng tôi cũng làm, cũng thực tập nhưng chưa được hoàn hảo theo ý muốn.
Bây giờ, trưa ngày 1 tháng 5 đã tới. Chỉ còn quãng 5 tiếng đồng hồ nữa là chúng
tôi sẽ bắt đầu một việc, mà cho dù là thành công hay thất bại cũng không có thể
nào dừng lại được .
Sau bữa ăn trưa hôm đó, buồng chúng tôi trở nên yên lặng và nặng nề một cách
khác thường, mang tính cách u sầu, có vẻ chết chóc nữa. Tâm trạng của nhóm 5
người chúng tôi thì khỏi phải nói. Căn cứ vào những gì đang bồn chồn và lo lắng
một cách thật dữ dội trong lòng tôi lúc bấy giờ, tôi có thể suy ra được tâm trạng
4 người kia cũng thế.
Riêng về cha Định, kể từ đêm qua khi tôi chính thức thông báo sự việc, tôi thấy
cha Định sống trong tình trạng như người bị động kinh. Mặt ngài tái bệch, đôi
môi lúc nào cũng run rẩy, mắt nhắm nghiền ngồi yên bất động dựa lưng vào tường
trông như hình người bằng sáp. Cái trán của cha Định hói và bóng láng mọi ngày,
bây giờ càng căng thẳng ra và trông ngài càng hói nhiều hơn. Kể từ đêm qua tới
giờ, cha Định không hề nói với ai trong buồng một lời nào. Ngài ngồi yên
dựa lưng vào bức tường sát vách cầu tiêu hướng mặt ra phía cửa cái, suốt từ đêm
qua tới nay như một xác ướp. Có lúc tôi có cảm tưởng là cha Định không hề có mặt
trong buồng này.
Phần ăn của cha Định trong ngày lễ Lao Động vẫn còn để nguyên một chỗ trong góc
phòng, ngài cũng chẳng buồn lấy thứ gì đậy cái bát đựng mấy miếng thịt heo kho
với nước muối. Những miếng thịt được thái ra bằng con dao cùn, đang nằm chơi
vơi trong cái bát nhựa và có váng mỡ đóng ở trên phần có nước. Nhìn những miếng
thịt lợn, phần nhiều là bầy nhầy những mở, trên da còn rất nhiều lông cạo
không kỹ trông nó xấu xa, dị hợm. Tự nhiên tôi so sánh mấy miếng thịt heo
đó với kiếp sống người không ra người của chúng tôi lúc bấy giờ.
Có lẽ vì tâm trạng quá bồn chồn lo lắng làm ảnh hưởng tới bộ máy tiêu hóa và
tôi cảm thấy như ruột gan đang quặn lên. Phần khác vì bầu không khí trong buồng
lúc đó nặng nề, đầy vẻ sầu thảm cộng với gương mặt của từng người trong
buồng. Lúc đó tất cả 6 người đều cởi trần mặc quần đùi, trông thật xấu xa, kỳ dị.
Ai nấy đầu tóc cũng rối bù vô trật tự, thân thể không còn thịt, để lộ ra những
chiếc xương sườn nằm cong queo trên những lồng ngực xẹp lép. Nhìn cảnh tượng
đó, rồi lại nhìn miếng thịt heo, trên da còn đầy lông, đang nằm chơi vơi trong
cái bát nhựa bạc màu của cha Định, tự nhiên tôi đâm ra buồn nôn. Tôi đứng lên
bước vào nhà cầu gục đầu trên cái lỗ to bằng bề tròn chiếc bình thủy đựng nước
sôi. Sâu bên dưới có cái sọt đan bằng tre, bên trên có có lót lá chuối tươi.
Từ trong nhà cầu bước ra, tôi thầm mong cho thời gian qua nhanh, rồi ra sao thì
ra. Sống trong bầu khí quái đản và căng thẳng này, tôi cảm thấy như muốn kiệt sức,
mặc dầu tôi biết là chúng tôi phải dùng tới sức lực cuối cùng của cơ thể để đào
tường vượt ngục đêm nay.
Chung quanh tôi, các anh em mỗi người một tư thế. Anh Đặng Văn Tiếp đang ngồi xếp
bằng tròn ngay giữa cửa sổ trong tư thế tập yoga, mắt hướng ra phía ngoài sân.
Anh Lâm Thành Văn đang lên cơn đau dạ dầy có lẽ do tâm trạng quá lo lắng gây ra
và đang ngồi lấy tay xoa bụng. Anh Trịnh Tiếu đang bận lúi húi với mấy bộ
áo quần, có lẽ anh chuẩn bị mặc vào để ra đi, trong lúc anh Nguyễn Sỹ Thuyên
đang cẩn thận gạt cái bấc của chiếc đèn nhỏ xíu để sát vào góc buồng, ngay trước
cửa bước vào khu vực cầu tiêu và bể nước. Gương mặt người nào người ấy
có vẻ rất nặng nề như đeo một tảng đá hàng chục ký lô!
Tâm trạng tôi lúc bấy giờ như một thí sinh đang ngồi chờ chủ khảo phát đề tài
thi. Bầu không khí trong buồng lúc này trở nên yên tịnh cách khác thường, ai nấy
đều lầm lì ít nói. Thật tình là chúng tôi chẳng có chuyện gì để nói trong lúc
này, ngoại trừ thỉnh thoảng ghé miệng nhắc nhau một vài chi tiết trong các phần
hành đã được phân công sẵn. Tôi cảm thấy mệt nên bước tới ghé vào tai nói với từng
người hãy lo cầu nguyện.
Lúc này, mỗi người tùy theo tín ngưỡng của mình, âm thầm cầu nguyện cho công việc
đầy nguy hiểm và có tính cách sống chết tối nay. Tôi leo lên bệ, ngồi dựa lưng
vào bức tường đối diện với cha Định. Nhìn cảnh cha Định đang ngồi như pho tượng,
tay khoanh trước ngực, mắt nhắm nghiền trong một thái độ khổ sở lạ thường làm
tôi nhớ lại câu chuyện tối hôm qua.
Vì cùng là Linh mục với nhau, tôi được anh em giao cho nhiệm vụ thông báo cho
cha Định một ngày trước khi chúng tôi hành động. Mặc dù đây là một công tác tôi
thấy thật khổ tâm, nhưng cũng hiểu là các anh khác không ai có tư thế như tôi để
làm việc này. Vào khoảng 9 giờ tối hôm qua, ngày 30.4.1979, tôi lấy hết cam đảm
bước xuống chỗ cha Định đang nằm dưới lối đi trước mặt để xin xưng tội. Tôi muốn
xưng tội để dọn mình sẵn sàng trước khi bắt tay vào làm một công việc rất nguy
hiểm và có thể dẫn tới cái chết bất cứ lúc nào.
Sau khi xưng tội, tôi báo cho cha Định biết dự tính của chúng tôi sẽ được thực
hiện vào tối ngày mai. Tôi biết rằng, dù cha Định không đồng ý, ngài cũng không
thể nói ra với bất cứ ai về những gì mà ngài đã được nghe biết trong tòa giải tội,
vì đây là một bí mật tuyệt đối thuộc về ấn tín tòa giải tội mà các Linh mục phải
giữ, cho dù vì phải giữ bí mật đó mà phải thiệt hại cho bản thân mình, ngay cả
trường hợp phải chết để bảo vệ bí mật đó thì vị Linh mục cũng phải chấp nhận.
Đây là luật buộc nặng nhất đối với chức vụ Linh mục, không những phải giữ bí mật
tuyệt đối về những gì đã nghe biết trong tòa giải tội mà cũng không được nói những
lời gì để người khác có thể đoán được những điều đó. Chính vì thế phải hiểu rằng
những gì một hối nhân nói với Linh mục trong tòa giải tội là người đó nói với một
xác chết!
Sau khi được tôi thông báo tin động trời mà có lẽ từ lâu nay ngài cũng có ý
nghi ngờ, cha Định bỗng chốc trở nên bị kích động một cách dữ dội và bắt đầu
khóc lớn tiếng. Trong một thái độ hốt hoảng và bấn loạn tâm trí, ngài đi tới đi
lui, dọc theo lối đi mà trước đây hai tháng, Đại Tá Hoàng Thanh đã đi trước mặt
chúng tôi. Tay chân ngài múa máy liên hồi trên không, rồi lại chống nạnh ngang
hông và thỉnh thoảng lại nói bâng quơ:“Các người ác lắm! Các người giết tôi đi!
Các người hãy giết tôi đi!” Vừa nói ngài vừa gật gật cái đầu trong tư thế tuyệt
vọng hết cách cứu chữa. Lúc đó năm người chúng tôi yên lặng ngồi nhìn nhau và cảm
thông với tâm trạng lo âu sợ hãi của cha Định. Đồng thời cũng rất lo ngại, nếu
lúc bấy giờ bên ngoài có cán bộ đi qua, có thể nghe tiếng cha Định đang nói khá
to và biết được câu chuyện. May là không có ai bên ngoài lúc đó.
Đợi cho cơn xúc động của
cha Định lắng dịu xuống, lúc ấy anh Nguyễn Sỹ Thuyên, với tư cách là người lớn
tuổi nhất trong số các anh em, lên tiếng xin lỗi cha Định và phân trần với ngài
về quyết định chẳng đặng đừng của chúng tôi và mời cha Định cùng tham gia. Tuy
nhiên cha Định bày tỏ thái độ từ chối dứt khoát.
Chờ khi cha Định đã trở lại bình tĩnh, chúng tôi mời ngài ngồi lại và cùng nhau
thảo luận tìm cách thức nào an toàn cho cha Định, tránh cho ngài tội bao che vụ
trốn trại. Bàn đi tính lại một lúc lâu, cuối cùng chúng tôi chọn một giải pháp
này: Trước khi ra khỏi phòng, chúng tôi giả vờ trói tay nhét giẻ vào mồm cha Định
làm như ngài bị chúng tôi uy hiếp, không thể chống cự và cũng không thể kêu la
được. Mặc dù đây không phải là một giải pháp hay, nhưng chúng tôi thấy không
còn cách nào khác hơn. Sau đó giải tán ai về chỗ nấy để ngủ vì đã muộn, nhưng
tôi biết đêm qua chẳng có ai có thể ngủ ngon giấc. Nhất là cha Định chắc
là khốn khổ trăn trở suốt đêm qua nên hôm nay, ngày 1 tháng 5, trông cha Định
thất sắc, đôi mắt thâm quầng và cái trán hói đã láng hôm nay lại bóng hơn rất
nhiều.
Trời càng về chiều, tôi
càng cảm thấy nôn nao, ruột gan cồn cào dữ dội. Kể từ lúc bị bắt vào tù trong 4
năm qua, tôi đã quyết tâm vượt ngục 3 lần và đây là lần thứ tư. Lần đầu tiên
trong đêm cuối cùng ở trại Gia Ray trước khi xuống tàu ra Bắc. Lần đó tôi và
người bạn là Phạm Thế Khải thức suốt đêm trong buồng chờ cơ hội nhưng bên
ngoài lính canh nghiêm ngặt khác thường. Lần thứ hai, trên chuyến tàu Sông
Hương chở tù ra Bắc, kế hoạch cướp tàu giải thoát tù nhân của chúng tôi
phải bãi bỏ vào giờ chót vì cơn bão trái mùa. Lần thứ ba, ở trại Cổng Trời, tôi
cùng với anh Tiếp và ba người khác định đào tường vượt ngục qua Trung Quốc
nhưng bất ngờ bị đổi buồng chỉ trước đó 10 tiếng đồng hồ nên phải bỏ kế hoạch.
Giờ đây, tôi đang ngồi yên chờ đợi giây phút quyết liệt trong lần đi vào cõi chết
để tìm cái sống một lần nữa.
Mặc dù suốt hai tháng qua chúng tôi đã dồn hết tâm trí vào việc nghiên cứu và
chuẩn bị cho đêm nay, nhưng lúc này, chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là tới giờ
hành động, tôi có cảm tưởng là mọi việc còn quá lỏng lẻo. Dù vậy, cũng không biết
phải làm gì hơn trong lúc này ngoài việc dựa lưng vào tường và khoanh tay đợi
chờ giây phút hành động. Giây phút đó là lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Đó
là giây phút của định mệnh và sẽ bắt đầu ngay sau khi cán bộ và trật tự điểm
danh xong và ra khỏi khu kiên giam.
Trong lúc thần kinh căng thẳng quá, tôi mong cho có tiếng kẻng điểm danh rồi mọi
việc sẽ ra sao thì ra. Nhưng đồng thời tôi cũng mong cho thời gian mấy tiếng
đồng hồ cuối cùng trong ngày này kéo dài bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Nếu có thể
thì kéo dài đến vô tận và không bao giờ có tiếng kẻng điểm danh chiều tối hôm
nay! Thì ra, khi con người sắp bước vào lằn ranh của sự sống và cái chết bị
giao động cách dữ dội do bản năng sinh tồn gây ra. Đây chính là giây phút mà
tôi quyết định phải đi tới, và đi bằng bất cứ giá nào để tìm TỰ DO, dĩ nhiên là
chúng tôi đã chấp nhận trả tới cái giá cao nhất cho hai chữ TỰ DO, là cái giá của
chính mạng sống mình.
Cuối
cùng, tiếng kẻng điểm danh ở cổng trại rồi cũng vang lên.
TÔI PHẢI SỐNG (38)
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
7b
Canh
Bạc Cuộc Đời
Thường
ngày tôi không để ý gì tới tiếng kẻng điểm danh buổi chiều, nhưng tiếng kẻng
hôm nay đã làm tôi rợn người. Tự nhiên tôi bị nổi da gà và tim tôi bắt đầu đập
sai nhịp, trong lúc máu dồn nhanh lên mặt khiến tôi choáng váng và mặt mày nóng
hừng hực, như củ khoai lang lùi trong đống than hồng vừa được khều ra. Cảm giác
này trong đời tôi chỉ mới gặp thấy lần đầu.
Kể từ lúc
khám trại chiều hôm qua và tất cả 6 người trong buồng 1 của tôi trở lại buồng
cũ, chúng tôi mới chắc chắn có thể tiếp tục kế hoạch vượt ngục. Những thứ bất hợp
pháp cần thiết cho cuộc vượt ngục như móc sắt...chúng tôi cho chìm xuống đáy bể
nước khi mang đồ đoàn ra sân khám xét đã được vớt lên. Chiếc thang dây được ráp
nối cho thành hình và không sợ còn bị khám buồng bất ngờ nữa. Những thứ
‘‘quốc cấm’’ đó giờ này đang được cuộn tròn và giấu trong các túi, dùng làm gối
đầu của tôi. Riêng miếng sắt giẹp treo lủng lẳng trên cánh cửa vào khu nhà cầu
vẫn nằm yên tại vị trí cũ. Nếu có ai nhìn thoáng qua một cách vô tình sẽ không
thể nào nhận ra được sự khác biệt nơi miếng sắt hiền lành vô tội đó. Thực sự nó
đã khác đi rất nhiều.
Kể
từ hôm anh em tôi hì hục tháo được miếng sắt ra và mài nhọn rồi gắn lại chỗ cũ,
không hiểu tại sao lúc nào cặp mắt của tôi và của các “thủ phạm” khác
cũng dán vào miếng sắt, nhất là trong các giờ điểm danh ban chiều. Có những lần
mấy anh trật tự hoặc cán bộ vào điểm danh mà vô tình dừng lại nhìn vào cánh cửa
có miếng sắt đang treo lơ lửng là tim tôi gần như ngừng đập, và nghe lùng bùng
trong lỗ tai. Ngay cả lúc ban ngày không có ai lên kiểm soát nhưng chúng
tôi cũng hay liếc nhìn miếng sắt, làm như thể nếu không nhìn sẽ bị người ta ăn
trộm mất báu vật đó.
Chiều
nay, cũng như thường lệ, sau khi nghe tiếng kẻng, chúng tôi ngồi thành hàng
ngay ngắn trên bệ nằm, chờ cán bộ và trật tự vào điểm danh. Lúc đó tôi nghe
trong bụng ruột gan bị cồn cào dữ dội, cảm thấy mệt gần như mất thở. Tôi liếc
nhìn qua cha Định lúc đó cũng đang ngồi yên trong hàng ngang, như tư thế thông
thường hàng ngày ngồi chờ điểm đanh. Điều làm tôi lo lắng là mặt mày cha Định
lúc đó trắng bệch ra như người bị thương hàn vừa mới bình phục. Vì đêm qua tôi
đã báo cho cha Định tất cả thời giờ và cách thức vượt ngục, nên lúc này tôi lo
sợ rủi ro cha Định vì quá khiếp đảm và đợi lúc cán bộ vào điểm danh chiều nay sẽ
tố cáo thì sao!
Có
tiếng các xâu chìa khóa khua rổn rẻng bên ngoài, rồi cửa vào khu kiên giam mở
ra. Mọi việc diễn ra một cách bình thường như mọi ngày, không có dấu gì khác
la. Mặc dù ngày mai là ngày lễ nghỉ, có thể trại sẽ tăng cường biện pháp an ninh
kỹ lưỡng hơn, nhưng tôi rất mừng khi thấy mọi việc diển ra bình thường.
Tôi ngồi
thầm thì cầu xin ơn trên phù hộ cho đừng có chuyện gì xảy ra trong giây phút
quyết định cuối cùng này. Tôi biết rằng chỉ cần một trục trặc nhỏ cũng sẽ có hậu
quả khốc liệt không thể lường được. Mấy anh em trong nhóm tôi chắc lúc đó cũng
có tâm trạng như tôi nên nhìn ai nấy cũng ngồi trang nghiêm chỉnh tề như những
vị thánh sống, ai nhìn vào thấy cũng thương.
Chỉ có điều
khác là khi tôi liếc nhìn qua hai bên, tôi cũng bắt gặp những con mắt của các vị
“thánh sống” đó, ngồi yên như các pho tượng, cũng cuốn tròn tròng mắt sát vào
đuôi mắt nhìn tôi! Cái cảnh những bức tượng gỗ đang liếc nhìn ngang như vậy, nếu
có ai đem vẽ thành tranh chắc trông sẽ rất buồn cười.
Hai anh
trật tự Bùi Đình Thi và Trương Văn Phát chạy vụt vào sân, mắt láo liên, tay cầm
cái búa bằng gỗ có cán dài gõ nghe côm cốp vào tường xem coi có chỗ nào bị đào,
và gõ vào các song sắt cửa sổ coi có nơi nào bị cưa hay bị phá hoại gì không.
Vì ngày nào cũng phải đối diện với hai anh trật tự ác ôn này, nên tôi nhớ hình ảnh,
cách ăn mặc, cách đi đứng của hai anh này rõ ràng như hình xâm trổ trên thân thể.
Một
điểm đặc biệt mà tôi ghi nhận là hai anh trật tự này không bao giờ nhìn thẳng
vào mắt của ai trong đám tù khu kiên giam. Nhưng khi hai anh này đã nhìn thẳng
vào mắt ai, là người đó gặp chuyện lôi thôi. Nhẹ nhất cũng vài lời mắng chửi và
nặng hơn là vài cú đấm, hoặc hơn thế nữa.
Cán bộ đi điểm danh hôm đó tên là Hạ. Anh là người ít nói, nước da ngăm đen, có
nhiều vết lang ben trên mặt và cổ. Cán bộ Hạ đứng ngoài cửa buồng nhìn vào,
Trương Văn Phát đã chạy trước qua buồng bên để gõ búa dọn đường, chỉ có Bùi
Đình Thi đi vào kiểm soát trong nhà cầu của buồng chúng tôi. Tôi nín thở hồi hộp
và cầu trời cho Thi đừng để ý tới miếng sắt đeo tòn teng trên cánh cửa nhà cầu,
vì nếu để ý quan sát sẽ thấy miếng sắt giẹp này có cái gì không bình thường. Nếu
Bùi Đình Thi phát giác ra miếng sắt này, chẳng những kế hoạch vượt ngục đổ vỡ
trước lúc bắt đầu, mà chúng tôi chắc chắn sẽ bị rắc rối to. Mặc dù lúc bấy giờ
nếu bị phát giác miếng sắt đã mài bén, chúng tôi đã có câu trả lời là không biết
và sẽ nói là ai đó đã mài từ trước khi chúng tôi vào buồng này.
Cũng may
là Bùi Đình Thi chỉ làm các công việc như thường ngày và không để ý tới cái đầu
miếng sắt trên cánh cửa vào nhà cầu đã mỏng và nhọn hơn nhiều! Lúc này trong buồng,
không phải chỉ có miếng sắt mài bén, mà còn chiếc thang dây đã hoàn thành có
móc sắt hẳn hoi được bó lại như cái gối đang nằm sau lưng tôi. Nếu vì lý do gì
mà chiếc thang dây này bị phát hiện ra thì cho dù...trời cũng không cứu được
chúng tôi đừng nói chi tới người phàm! Điểm danh xong, cán bộ Hạ và hai trật tự
Thi - Phát ra khỏi vòng rào của khu kiên giam. Giờ hành động đã tới!
Điềm chẳng
lành: tắt đèn!
Theo đúng kế hoạch, sau khi cán bộ
và hai anh trật tự vừa khuất dạng, tôi lẹ làng bước xuống để tháo miếng sắt đã
được cài lại một cách hờ hững trên cách cửa vào nhà cầu. Khi tôi vừa với tay
kéo cánh cửa để tháo miếng sắt thì một việc bất ngờ xẩy ra: Hơi gió tạo ra bởi
việc kéo cánh cửa làm tắt ngọn đèn! Chuyện này chưa bao giờ xẩy ra trong buồng
từ trước tới nay!
Đây là
cái đèn dầu nhỏ làm bằng lọ thuốc Penicilin mà lúc nào cũng được chúng tôi chăm
sóc cẩn thận và để sâu vô góc tường, ngay lối vào nhà cầu. Trong suốt thời gian
ở buồng này, có lúc ngọn đèn này cũng bị tắt nhưng không phải vì lý do đóng hoặc
mở cửa nhà cầu mà vì thiếu dầu. Buồng tôi được cấp phát một lượng dầu tối thiểu
dùng thắp ngọn đèn, để ban đêm cán bộ làm nhiệm vụ canh gác có thể thấy được
các tù nhân trong buồng sau khi đèn điện trên trần tắt lúc 10 giờ đêm. Phần
chúng tôi cũng hết sức bảo vệ nó để có lửa hút thuốc lào. Để cho chắc ăn, chúng
tôi giao cho anh Nguyễn Sỹ Thuyên là tay nghiện thuốc lào nặng, cần có lửa
trong buồng nhất, lo việc trông nom ngọn đèn, và từ trước tới giờ tôi để ý anh
Thuyên chăm sóc ngọc đèn như chăm sóc con ngươi trong mắt anh.
Theo quan niệm thông thường của người
đời, đèn bị tắt là một điềm gở, nên lúc đó cả năm người ngồi lặng yên nhìn
nhau, lòng đầy lo ngại. Riêng tôi, mặc dù trong lòng bất an, nhưng tự an ủi
mình rằng, có thể vì vội vàng, tôi đã kéo cửa nhà cầu mạnh tay và tạo ra hơi
gió làm tắt đèn, có thế thôi, chẳng có gì phải lo ngại. Khi đó tôi để ý thấy sự
lo ngại và sợ sệt hiện rõ trên mặt vài anh em, nhất là Lâm Thành Văn. Từ chiều
tới giờ thỉnh thoảng Văn kêu đau vì chứng bệnh dạ dầy tái phát mạnh do ảnh hưởng
sự lo lắng quá độ. Thấy tắt đèn, Văn bước xuống ngồi gần bên tôi lo lắng hỏi:
- Anh Lễ ơi! Đèn tắt, đêm nay không thấy đường làm sao đào tường?
Mặc dù
nói thế nhưng tôi biết trong lòng Văn lo chuyện khác. Vấn đề mang tính cách duy
tâm là việc hên xui, may rủi trước hiện tượng tắt đèn, nên tôi đáp.
- Không sao đâu anh, mình sẽ kéo lửa và đốt đèn lại. Có thể chậm một chút nhưng
sẽ làm được. Còn việc tắt đèn chẳng qua tôi vô ý kéo cánh cửa mạnh quá tạo ra
hơi gió thôi, chẳng có gì đáng quan tâm đâu.
Anh Thuyên chen vào:
- Bằng mọi giá mình phải tiếp tục thôi các ông ạ! Mọi thứ đã chuẩn bị hết cả rồi,
nếu không đi thì giấu vào đâu? Tình thế này không thể dừng được nữa.
Trong khi
đó Đặng Văn Tiếp vội vàng lục tung túi đồ nghề dùng để kéo lửa ra, và chúng tôi
không chậm mất một giây, lo việc hì hục kéo lửa, theo cách thức tay không lấy lửa
mà tôi học được trong tù. Đó là dùng một bánh xe bằng dáy của hộp sữa, đục 2 lỗ
nhỏ ở giữa để xỏ dây qua và kéo cho xoay tròn. Khi bánh xe xoay hết vòng tròn sẽ
theo đà dây kéo mà xoay ngược lại, cứ thế lúc nào bánh xe cũng quay tít rất
nhanh. Khi đó cho cạnh bánh xe chạm nhẹ vào một vật bằng sứ, là cái khu bát.
Khi bánh xe kim loại quay tít chạm vào khu bát sẽ bắn ra những tia lửa, có một
miếng “bổi” sẳn để hứng những tia lửa đó. Miếng” bổi” là phần than tro của một
miếng vải đã đốt cháy và đè cho tắt ngay, phần than tro còn dính trên đầu miếng
vải sẽ bắt dính các tia lửa rất nhạy. Chúng tôi chuẩn bị sẵn vài ba miếng bổi
này, được gói cẩn thận trong bao ny-lon cho khỏi bị ẩm ướt . Trong tù tôi đã học
được những kỹ thật loại mưu sinh thoát hiểm mà người sống bình thường ngoài xã
hội không bao giờ biết được. Trong đó, có kỹ thuật tay không lấy lửa.
Mặc dù
tôi đã chuẩn bị những đoạn dây se lại từ những sợi dây dù chắc chắn tháo ra từ
ruột áo giáp, nhưng vì hối hả tôi làm đứt gần hết các đoạn dây xỏ ngang qua lỗ
đục giữa cái bánh xe kim loại là đáy của hộp sữa đặc có đường.
Tình
cảnh chúng tôi lúc bấy giờ như cây tên đã lắp vào dây cung kéo thẳng, chỉ còn
có cách buông ra mà thôi! Các việc khác phải hoãn lại để lo kéo lửa. Bình thường
tôi kéo lửa không khó lắm , chỉ cần vài phút là xong. Nhưng lúc này vì quá lo
âu và cố gắng làm cho nhanh nên tôi lại càng trở nên vụng về và kéo lửa mãi
không được. Càng không kết quả tôi càng luống cuống, càng luống cuống tôi càng
không kết quả! Tôi biết là lúc bấy giờ một phút qua đi có nghĩa là mạng sống
chúng tôi bị thu ngắn lại. Trong khi hì hục kéo lửa, đầu óc tôi nóng ran như muốn
bốc khói. Hai tai nghe lùng bùng, da mặt nghe rát và gần như không còn cảm giác
bén nhạy như lúc bình thường.
Những
đoạn dây đầu đã tơi tả và đứt quãng nhưng vẫn chưa lấy được lửa làm tôi chết điếng
cả người. Cuộc vượt ngục thành công hay thất bại một phần lớn cũng tùy thuộc
vào việc tôi có lấy được lửa hay không và lấy được sớm hay muộn! Khi xỏ luồn sợi
dây cuối cùng vào lỗ miếng sắt, tự nhiên tay tôi run nhè nhẹ vì nếu đoạn dây cuối
cùng này bị đứt nữa thì coi như cuộc vượt ngục bắt buộc phải hủy bỏ và hậu quả
sẽ không lường được. Tôi âm thầm cầu nguyện.
Trong lúc
đó cha Định vẫn đang ngồi dưới lối đi, chỗ ngài nằm ngủ hàng đêm, vì ở đó rộng
rãi thoải mái hơn trên bệ nằm chật chội khó xoay trở. Cha Định ngồi dựa lưng
vào cánh cửa buồng bằng sắt trong tư thế yên lặng chẳng nói một lời trong khi
nhóm mấy người chúng tôi cũng đang ngồi dưới đường đi nhưng sát ở cửa vào cầu
tiêu và chấu đầu vào nhau trong việc kéo lửa. Riêng Nguyễn Sỹ Thuyên đã được
phân công ngồi ngay cửa sổ nhìn ra sân để nếu có cán bộ bước vào sân khu kiên
giam thì lên tiếng:“Chào cán bộ” thật to để báo động cho anh em chúng tôi biết
kịp thời.
May làm
sao, tôi lấy được lửa trong lần cố gắng với đoạn dây cuối cùng này. Tất cả
chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi nghe mùi khói bốc ra từ miếng bổi và sau đó tôi
đã thổi lên thành ra lửa ngọn để thắp đèn. Chúng tôi vượt qua được trở ngại đầu
tiên khi thắp đèn lại được nhưng phải trả giá bằng một lượng thời gian vô cùng
quý báu trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Trong lúc cẩn thận nâng niu cái đóm để thắp
đèn khi đó tôi nhớ tới câu nói:“Thời giờ là tiền bạc”. Lúc này thời giờ đối với
tôi còn quý gấp trăm triệu lần hơn tiền bạc. Tôi nói lẩm bẩm :“Thời giờ là mạng
sống” .
Mũi dao định
mệnh
Chúng tôi giao cái đèn cho anh Thuyên và dặn anh bằng mọi giá phải bảo vệ
ngọn lửa vì một khi đã bắt tay vào việc rồi thì ngọn đèn là vấn đề sống còn.
Chúng tôi kéo vào bên trong để bắt đầu công việc trong tình trạng thần kinh
căng thẳng tột cùng vì biết là một khi đã bắt đầu đào tường rồi, sẽ không thể
nào dừng lại được. Lúc bấy giờ cha Định ngồi lặng thinh, dựa tường, nhắm nghiền
mắt lại. Trong lúc chúng tôi vào phía bên trong thì may mắn thay, trời bắt đầu
đổ mưa, và cơn mưa càng lúc càng to như thể trời đang đứng về phía chúng tôi.
Trời
mưa sẽ giúp chúng tôi ba điều kiện thuận lợi. Trước hết là có nước để tưới vào
gạch làm cho vôi vữa mềm ra lúc đào tường. Thứ nhì, tiếng mưa sẽ át tiếng động
lúc đào tường và cho dù có cán bộ đứng bên ngoài buồng cũng không thể nghe được
vì có tiếng nước mưa đang chảy ầm ầm vào bể từ cái lỗ trên nóc nhà bằng. Nhưng
yếu tố cuối cùng quan trọng nhất vì mưa to, cán bộ sẽ lười biếng và ít đi tuần
trên khu nhà Bằng chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu việc đào tường.
Vai trò của
từng người được phân chia rõ ràng. Anh Tiếp và tôi sẽ thay nhau đào tường và lấy
gạch ra, vì chỗ ngồi để đào là một cái hốc khá hẹp nên chỉ đủ cho một người ngồi
ở đó để đào tường. Anh Tiếu và anh Văn lo việc thòng dây múc nước trong bể chuyền
cho tôi giội lên chững chỗ đang đào. Anh Thuyên đang ngồi bên cửa sổ nhìn ra
sân buồng, canh chừng cán bộ, và giả vờ hát nghêu ngao để lấn át tiếng đào tường
sột soạt bên trong.
Miếng sắt
dụng cụ đã được tôi tháo ra khỏi cửa, được quấn vải thật dầy phía cuối để làm
cái cán. Mặc dù đã được quấn vải khá nhiều lớp nhưng khi cầm vào cũng
không có thế như cầm con dao hoặc cái đục có cán bằng gỗ hẳn hoi, nhưng trong
tình thế đó, như vậy đã quá tốt rồi. Anh Đặng Văn Tiếp là người đào nhát đầu
tiên. Trước khi ấn mũi sắt nhọn vào bức tường, anh Tiếp quay lại nói với tôi,
đang ngồi cầm lon nước kế bên bằng một giọng thật căng thẳng và đầy lo âu:
- Đây là mũi dao định mệnh, cậu Bảy nhé!
Tôi nhìn anh gật đầu và nói:
- Cầu xin Đấng Thiêng Liêng phù hộ cho anh em mình!
Nghe nói xong câu đó, anh Tiếp ấn mạnh mũi dao định mệnh khoét sâu dần vào bức
tường nhơ bẩn của trại tù Thanh Cẩm. Bức tường của trại tù giam hãm sự tự do của
chúng tôi một cách phi lý và dã man. Trong lúc đó tôi biết mũi dao định mệnh
này một khi đã thọc sâu vào tường sẽ không bao giờ có thể dừng lại được và cuộc
đời chúng tôi, tương lai chúng tôi và cả mạng sống chúng tôi nữa
cũng đang đi theo với mũi dao định mệnh này.
Bất
giác tôi nhớ tới giờ này bên ngoài xã hội cũng đang có biết bao nhiêu đồng bào
tôi cũng đang thọc mũi dao định mệnh vào bức tường vô hình giam hãm cả một dân
tộc bằng hành động vượt biên trốn khỏi một nhà tù lớn hơn! Những đồng bào vượt
biên đó và 5 anh em tôi ở trong đây đều hành động vì một mục đích giống nhau,
chúng tôi muốn tìm TỰ DO, dù có phải trả giá TỰ DO bằng cái chết chúng tôi cũng
sẵn sàng để trả tới giá.
Chỉ
có một điều khác là các đồng bào vượt biên tìm tự do bên ngoài có thể đừng chân
lại khi thấy không an toàn, còn tình cảnh chúng tôi ở trong tù vào lúc
này không thể nào dừng lại được nữa. Đã phóng lao chúng tôi phải theo
lao.
Anh Đặng
Văn Tiếp đang dồn hết sinh lực và sự khéo léo của con người anh vào việc đào tường.
Đôi tay anh hoạt động lanh lẹ như con chuột đang đào hang. Mãnh sắt nhọn trong
tay anh làm việc cật lực như một lưỡi cưa máy, khi thì đưa lên khi thì kéo xuống
, khi thì rạch vào các khe xi măng giữa hai hòn gạch, khi thì cố lòn sâu vào giữa
khe để moi những hòn gạch ra. Nhờ có tiếng nước mưa đang chảy ầm ầm vào bể,
chúng tôi càng yên tâm hơn để đào.
Bầu khí
lúc đó yên lặng khác thường, không có âm thanh nào khác ngoài tiếng nước chảy từ
mái nhà xuống bể và tiếng thở hồng hộc của anh Tiếp. Anh Tiếp cắm cúi đào điên
đào dại, đào sống đào chết, đào với tất cả sức lực và ý chí của con người anh.
Anh Tiếu và anh Văn đứng cạnh bể nước thòng dây kéo từng lon nước lên chuyền
cho tôi để tưới nước vào các chỗ Tiếp đặt mũi sắt nhọn vào. Bốn người chúng tôi
hợp lại thành một“bộ máy đào tường” đang hoạt động hết tốc lực. Lúc này
còn ánh điện của cái bóng điện tròn trên trần phòng giam và ánh sáng lọt vào cầu
tiêu qua cánh cửa mở. Nhờ có ánh sáng, chúng tôi đào tường khá thuận tiện,
nhưng phải làm cho nhanh, đào được càng nhiều càng tốt vì đèn điện sẽ tắt sau
10 giờ đêm, chừng đó mọi việc sẽ khó khăn hơn với chiếc đèn dầu leo lét chỉ to
bằng ngón chân cái.
Vì chỗ ngồi
để đào là một cái hốc hẹp, chỉ đủ chỗ cho một người, và anh Tiếp đang ngồi đó,
tôi đứng ngay sau lưng anh, khom người giúp rút từng hòn gạch ra . Được một
lúc, tôi để ý thấy trên viên gạch toàn là máu tươi đỏ thẫm. Tôi nhìn xuống tay
anh Tiếp, thì ra các mảnh vải quấn vào cán miếng sắt giẹp đã rách nát ra và cạnh
của thanh sắt cứa đứt tay anh Tiếp chảy máu ròng ròng mà anh không hề hay biết.
Tôi vỗ vai Tiếp nói:
- Anh! tay anh đổ máu rồi! Dừng lại! Dừng lại !Em vào thay cho!
Anh Tiếp vẫn cắm cúi đào và hỏi lại:
- Cậu bảo cái gì?
-Tay anh bật máu ra kìa anh không thấy à? Nhìn tay anh kìa.
Nghe tôi nói, anh Tiếp nhìn chỗ tay cầm miếng sắt. Anh dừng tay, đặt miếng sắt
xuống và xòe bàn tay phải ra. Bàn tay anh đã rách nát và đầy máu me tự lúc nào.
Anh ngoái đầu ra phía sau bảo tôi
- Cậu Bảy! Đưa cho anh thêm vải để bó cán dao, vải này rách nát ra cả rồi.
Tôi đáp:
-Anh ngừng tay nghỉ chút đi.
Anh Tiếp gắt tôi:
- Thì cậu lấy thêm vải mang lại đây, nhanh lên, nghỉ sao được mà nghỉ?
Nói xong, anh quấn sơ lại mảnh vải đã rách tả tơi ở cán miếng sắt giẹp và tiếp
tục đào.
Tôi rời chỗ anh và trở ra ngoài vớ được chiếc áo hay chiếc quần gì của ai
tôi cũng không để ý, vội vàng xé những mảnh vải dài, bề ngang chững 5 phân
như những cuốn băng của các y tá và mang ngay vào trong cầu tiêu, lúc đó
Tiếp vẫn đang hì hục đào. Tôi buộc lòng phải nắm áo anh kéo đứng dậy để anh nghỉ,
trong khi tôi bó vải vào cán miếng sắt và sau đó vào thay anh.
Anh Tiếp đứng lên sau một lúc đào khá lâu. Lúc này trông anh phờ phạc, mệt nhọc
và nhất là bàn tay phải của anh máu chảy đầm đìa lẫn vào với đất cát và vôi vữa
trông rất thương tâm và thảm hại. Tôi bảo Văn lấy lon nước giội rửa tay cho Tiếp
trong lúc tôi quấn thêm vải vào cán miếng sắt. Lần này thì tôi quấn nhiều hơn.
Sau đó, anh Tiếp và tôi thay đổi vị trí cho nhau và công việc đào sống đào chết
lại tiếp tục.
Việc đào bức tường khó khăn hơn chúng tôi tưởng. Tường được xây bằng xi-măng
già, rất cứng. Chỗ ngồi lại là một góc hẹp, khó xoay trở và chỉ vừa đủ chỗ cho
một người, vì thế một người đào thì ba người phải đứng phía sau lo các việc
khác chứ không thể cùng ngồi xuống để tiếp tay được. Nhưng cho dù có đủ chỗ cho
hai người cũng không làm gì hơn trong khi chúng tôi chỉ có một dụng cụ duy nhất
là miếng sắt giẹp có đầu nhọn. Thực ra, chúng tôi cũng có 1 cái muỗng bằng nhôm
nhưng không thể dùng được với loại tường cứng như thế này.
Trong hoàn cảnh đó, bốn người thi nhau hì hục đào và đào với tất cả sức lực của
con người. Miếng sắt dùng để đào tường mặc dù đã quấn vải vào để cầm nhưng chẳng
bao lâu vải lại bị rách, lòi cạnh mảnh sắt ra và cứa rách da thịt tay chúng tôi
làm máu đổ ra lai láng. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng cắm đầu cắm cổ mà đào, người
này mệt thì người kia vào thay không ngơi nghỉ một giây phút nào vì thì giờ lúc
đó chính là mạng sống. Kẻ đào tường, người ngồi bên giội nước cho mềm xi-măng,
người khác thòng dây lấy nước từ bể nước. Chúng tôi hoạt động đều đặn và hết tốc
lực như một nhà máy sản xuất xe hơi theo hệ thống dây chuyền, sản phẩm được
chuyền từ khâu này sang khâu khác và thành quả cuối cùng là những viên gạch
ương ngạnh được chúng tôi móc ra khỏi bờ tường và vất ngổn ngang trong căn buồng
chật chội.
Dù sao chúng tôi cũng gặp một điều may mắn là trong khi đang đào tường thì bên
ngoài trời đổ mưa xối xa. Vì mưa to nên cán bộ canh gác càng lười biếng lên tuần
tra trên khu kiên giam, nhất là ban ngày các anh đã chè chén say sưa. Thật vậy,
suốt trong đêm, không có bóng dáng một cán bộ nào bước vào khu kiên giam và anh
Thuyên cứ ngồi hát nghêu ngao bên trong cửa sổ mà chưa phải sử dụng tới cái khẩu
hiệu “chào cán bộ” lần nào.
Trong khi chúng tôi đào tường, có tiếng đấm vào tường của các anh em bên các buồng
khác, như thế là việc đào tường ở buồng này, các buồng bên đều biết. Các tiếng
đập tường có ý nhắc nhở chúng tôi làm khẻ thôi vì ở các buồng bên đều nghe biết.
Chúng tôi thỉnh thoảng nghe các tiếng ám hiệu đó nhưng không quan tâm vì lúc bấy
giờ chúng tôi chẳng còn tâm trí đâu mà để ý các tín hiệu đó. Việc quan trọng
vào bậc nhất là đào tường, đào càng nhanh càng tốt, đào nhanh thì sống, đào chậm
thì chết. Có thế thôi.
Thỉnh thoảng
tôi bước ra và thấy đồ đạc trong buồng bị vất ngổn ngang và bề bộn như một đống
rác thành phố. Vì chúng tôi đã chấp nhận ra đi nên chẳng còn bận tâm đến khung
cảnh trong buồng nữa, mặc nó muốn ra sao thì ra. Cha Định lúc đó ngồi dựa lưng
vào tường, ngước mặt lên trần nhà, mắt nhắm nghiền, đôi môi luôn mấp máy. Tôi
đoán là ngài đang đọc kinh cầu nguyện và có lẽ cầu cho chính ngài nhiều hơn là
cho chúng tôi.
Về phần
tôi, lúc bấy giờ chẳng còn tâm trí đâu để mà cầu nguyện nữa! Thực ra, những gì
tôi cầu xin ơn trên phù giúp thì tôi đã cầu nguyện từ mấy tháng nay. Lần cuối
cùng tôi cầu nguyện cách khẩn khoản là lúc tôi dùng đoạn dây dù cuối cùng để
kéo lửa cách đây mấy tiếng đồng hồ. Và lần đó thì lời cầu xin của tôi được ơn
trên phù giúp, cuối cùng tôi đã lấy được lửa .
Đào sống
đào chết!
Theo kế hoạch dự trù, chúng tôi phải
ra khỏi buồng trước nửa đêm, vì sau khi ra khỏi buồng còn phải gỡ bản lề cánh cửa
gỗ vào hầm cầu tiêu và sau đó, phải vượt qua hai bức tường nữa mới chính thức
bước vào khu vực tự do. Mặc dù chúng tôi dùng tới sức lực cuối cùng nhưng kết
quả không được mấy vì xi măng xây tường này quá cứng. Tệ hơn nữa là những viên
gạch trong góc, miếng nọ nằm đè lên miếng kia rất khó kéo ra, mặc dù vôi vữa
chung quanh đã được róc sạch. Cứ thế, chúng tôi mải mê đào bới cật lực tới gà
gáy lần thứ nhất (quãng một giờ sáng) mà vẫn chưa xong bức tường. Nghe tiếng gà
gáy, tôi điếng cả người và càng tăng tốc độ đào.
Khi nghe
tiếng gà gáy, tôi nghĩ là cuộc vượt ngục đã thất bại. Cái cảm giác khi phải
đương đầu với thực tại lúc cán bộ lên kiểm tra và bắt gặp chúng tôi đang ở
trong tình cảnh này khiến tôi kinh hoàng và da thịt tôi tự nhiên trở nên tê dại.
Đáng lẽ giờ này chúng tôi đã ra bên ngoài và đang tìm đường lẩn tránh vào rừng
phía biên giới Lào -Việt, nhưng ngược lại vẫn còn loay hoay như con thú bị bẫy
sập đang tìm dường thoát thân trong chiếc lồng có lưới sắt.
Một
câu hỏi gớm ghê chợt hiện ra trong đầu tôi:“Nếu tới sáng ngày khi cán bộ và trật
tự lên kiểm tra buồng mà chúng tôi vẫn chưa ra ngoài được thì sao?”. Tôi chết
điếng người và không dám suy nghĩ tiếp theo. Điều tôi biết chắc là chúng tôi đã
thất bại, nhưng còn nước thì còn tát như có lần tôi đọc câu tiếng Anh:“Where
there is life, there is hope.” Vì chúng tôi còn sống nên chúng tôi còn hy vọng.
Nghĩ như thế nên càng hè nhau tăng cường tốc độ đào tường lên tối đa vì mỗi
phút qua đi là tôi cảm thấy mạng sống mình bị thu ngắn lại.
Chúng tôi
không dừng tay lấy một giây mặc dù tay đã rách nát, máu dính đỏ thẫm những
viên gạch vừa được lấy ra, nhưng đặc biệt tôi không hề cảm thấy một chút đau đớn
nào. Anh Văn và anh Tiếu cũng vào thay cho anh Tiếp và tôi rất nhiều lần, nhưng
thấy cách hai anh làm không nhanh nhẹn nên anh Tiếp và tôi nói hai anh chỉ lo
cung cấp nước càng nhiều càng tốt để giội vào tường cho hai chúng tôi
đào. Bất ngờ lúc đó, Văn lại lên cơn đau dạ dày, một phần vì lo lắng , phần
khác Văn đã làm việc quá sức. Chúng tôi bảo Văn ra ngoài nằm nghỉ để có sức
lúc ra đi, còn lại ba người cố sức chống chọi với Tử Thần mà trí tưởng tượng của
tôi đang phác họa ra.
Tôi thấy
một hình hài cao lêu khêu, bên trên là chiếc đầu lâu nhẵn thín với hai hốc mắt
sâu hoắm, mình khoác chiếc áo choàng đen rộng phùng phình đôi tay dang rộng,
hai bàn tay lòi ra khỏi áo choàng chỉ có xương và không có da thịt. Một tay cầm
chiếc liềm hái dài ngoằn, lưỡi liềm hái sáng choang ...Cái hình hài quái đản đó
đang trườn người bước tới bằng một tốc độ rất nhanh và tưởng là không có gì có
thể cản lại được!
Sau khi
gà gáy lần thứ nhất một lúc, chúng tôi mới đào xong một lỗ hổng chỉ vừa đủ thân
người lọt qua. Ngay lúc đó, cả ba người vội chui lọt qua lỗ này để vào hầm chứa
phân vì còn phải phá một cánh cửa bằng gỗ khác nữa mới ra bên ngoài được. Chúng
tôi rơi vào cái hầm chỉ cao vừa quá đầu người, là nơi để các sọt chứa phân,
chung cho bốn buồng của khu kiên giam, bên dưới các lỗ cầu tiêu.
Lúc
mới lọt xuống đây, chúng tôi cũng thử gỡ bản lề cánh cửa chặn lối ra phía sau.
Nhưng xi măng ở đây cũng rất cứng và lúc đó đã muộn, nên thay vì đào cái
bản lề cửa như đã dự tính, chúng tôi hè nhau kéo mạnh đánh “ầm” một phát làm bật
tung tất cả đinh của cánh cửa ra. Mặc dù có tiếng động mạnh nhưng không vang
xa, vì khi ấy trời đang mưa to, nhưng các anh em tù nhân ở ba buồng bên trên sẽ
nghe rất rõ. Bằng chứng là tiếng đấm vào tường của các anh em ở 3 buồng kia
càng to và nhiều hơn. Tình thế này thúc bách quá, đã quá muộn rồi, buộc chúng
tôi phải đánh ván bài liều, vì không còn cách nào hơn. Cho dù tiếng cánh cửa bị
kéo bật tung đinh ra đánh “ầm” vang dội đó làm cán bộ nghe được chúng tôi cũng
đành chấp nhận. Còn nước thì còn tát!
Cái giá của
tự do
Sau khi
phá bật cánh cửa hầm chứa phân để có thể ra đi, chúng tôi vội vàng chui trở lại
vô buồng để lấy thang dây và các vật dụng cần thiết. Cả ba chúng tôi leo trèo
nhanh như khỉ. Có lúc tôi nghĩ có lẽ khỉ cũng không thể nào lanh lẹ hơn
tôi lúc bấy giờ. Vì đứng bên dưới chồm lên không cách gì thót lên tới cái lỗ hổng
vừa đào nên chúng tôi phải cõng nhau lên cho vừa tầm mới có thể chui trở lại
vào buồng và người cuối cùng là tôi đưa hai tay cho người bên trong nắm lấy kéo
lên. Dĩ nhiên, khi kéo như thế, tôi sẽ bị rách da bụng nhưng cho dù là rách một
mảnh da bụng, hay một chục mảnh da bụng đi nữa, cũng có là gì, so với cái viễn
tượng về một trận đòn hội chợ nếu chúng tôi bị bắt lại.
Khi trở lại
vào buồng, chúng tôi thấy anh Thuyên và Văn đã sẵn sàng và đang ngồi đợi. Tôi vội
chụp lấy những thứ gì đã sắp đặt sẵn cho vào túi. Để việc đi đường gọn nhẹ,
chúng tôi bảo nhau không ai mang theo thứ gì, nhưng mỗi người mặc vào người vài
ba lớp quần áo để có mà dùng trên đường đi. Phải làm thế nào để hai tay được rảnh
rang vì còn phải leo qua tường và nhất là phải thật gọn nhẹ trong lúc trốn chạy
trong rừng, hoặc nếu phải lội xuống dòng sông Mã. Buồng giam chúng tôi mọi ngày
vẫn ngăn nắp, gọn gàng nhưng lúc này trở bề bộn như một đống rác, ướt đẫm những
nước nôi, đất cát và dơ bẩn như cái chuồng heo, nhìn vào thấy mà khủng khiếp.
Trước lúc rời buồng ra đi, chúng tôi tới chào từ giã cha Định, lúc bấy giờ đang
ngồi dưới đất và khóc nức nở. Lòng tôi đau xót khi nhìn thấy cảnh này. Tôi đến
bên và quỳ xuống lạy cha Định một lạy để từ giã. Tôi cũng có ý muốn lạy để xin
lỗi ngài và xin phép được trói tay và nhét giẻ vào miệng ngài theo như kế hoạch
đã bàn tính. Đây là cách giúp cha Định có lý do để trả lời cho cán bộ là bị
chúng tôi uy hiếp, còn cán bộ có tin hay không là việc khác.
Tôi
làm các việc này trong sự nhanh nhẹn lạ thường trong lúc các anh khác đã lần lượt
chui qua lỗ tường vừa đào được để ra hầm chứa phân và bò ra ngoài trước. Xong
việc, tôi phóng nhanh như một vận động viên chạy nước rút, vội chui qua lỗ tường
vừa đào rơi vào buồng chứa phân và theo các anh em kia. Lúc bấy giờ đã muộn,
tôi nghe văng vẳng tiếng gà gáy lần thứ hai! Tôi bắt đầu cầu nguyện cho sự an
toàn của 5 người chúng tôi và của cha Định nữa.
Chúng tôi xếp hàng dọc chạy lần theo
con đường hẹp từ cánh cửa vừa bị phá thông ra phái sau khu kiên giam. Con đường
này chỉ rộng chừng 1.50m để người tù gánh phân ra vào lấy phân mỗi ngày trên
khu kiên giam. Để chuẩn bị cho cuộc vượt ngục này, mọi chi tiết đều được chúng
tôi nghiên cứu cẩn thận. Ngay cả việc thứ tự của mỗi người khi đi đứng và
làm những phần hành khác nhau. Đặng Văn Tiếp là người khỏe và tháo
vát nhất trong nhóm, lúc nào cũng đi đầu. Lâm Thành Văn là người có bệnh và yếu
nhất trong nhóm nên đi giữa và tôi là người trẻ nhất đi ở cuối cùng để nếu có
gì trục trặc bất ngờ tôi còn thể ứng đối được.
Anh
Đặng Văn Tiếp dẫn đầu, nằm sát mặt đất bò ra ngài quan sát, thấy không có ai,
anh khoát tay ra hiệu cho chúng tôi bò ra tới bức tường khu kiên giam ngay bên
góc nhà. Bức tường ngăn cách các buồng này chỉ cao chừng hai thước và chúng tôi
leo qua một cách dễ dàng để tới bên chân tường cao của trại. Khu vực này, chúng
tôi mới đặt chân tới lần đầu tiên sau 9 tháng sống trong trại này. Đó là một
hành lang rộng quãng 5 thước và chạy dài theo bờ tường rất cao, xây bằng đá
xanh, bao quanh trại. Trên mỗi góc của tường trại có chòi gác. Ban ngày lúc nào
cũng có một cán bộ võ trang ngồi canh gác, nhưng chiều lại, sau khi điểm danh
vào buồng khóa cửa, không còn cán bộ ngồi gác trên đó nữa, thay vào đó họ sẽ
luân phiên đi tuần hành ban đêm trong khắp khu trại. Lúc này, chúng tôi đang tới
giai đoạn chót cũng là giai đoạn khó khăn là vượt qua bức tường cao để thoát ra
ngoài. Giai đoạn chót này đã được chúng tôi điều nghiên thật kỹ lưỡng và phân
công rất chi tiết và cũng đã thực tập qua.
Vì
đã được phân công và tập dượt trước nên khi vừa tới chân tường bao bọc
chung quanh trại, anh Trịnh Tiếu và tôi ngồi xuống cho anh Tiếp leo lên đứng
trên vai. Anh Tiếp tay cầm một thanh tre cột móc sắt ở đầu thang dây, giơ lên
cao và móc vào cọc sắt của hàng rào dây thép gai trên trốc bờ tường, rồi thả
thang dây xuống. Bờ tường cao ước chừng 5 thước nên chúng tôi đã phải dùng chiếc
thang “người” để anh Tiếp có thể quàng được cái móc sắt vào trên trốc bức tường.
Sau khi thang dây được thả xuống, theo đúng kế hoạch, anh Tiếp leo lên trước
tiên. Khi lên trốc tường cao anh cột một đoạn dây nhỏ vào cọc sắt nơi móc thang
dây, thòng ra phía ngoài tường và bám theo dây này tuột xuống.
Anh Tiếp
ra tới bên ngoài không bị trở ngại gì, mọi chi tiết dự trù được thực hiện đầy đủ
và nhanh nhẹn. Tới phiên Nguyễn Sỹ Thuyên cũng leo lên tới trên đỉnh bức tường cao
rồi đu dây bên ngoài xuống đất không có gì trở ngại. Nhưng tới phiên Lâm Thành
Văn, xẩy ra một rắc rối chết người!
Vì biết Lâm Thành Văn yếu nên anh Tiếu và tôi nâng anh lên cao một đỗi.
Khi Lâm Thành Văn bám thang dây leo được giữa chừng thì thang dây bị đứt làm
Văn té lộn nhào xuống. May mà có Tiếu và tôi đưa tay hứng lấy anh và anh không
bị ngã xuống đất. Thật là một đại họa ngoài sự dự trù của chúng tôi.
Lúc
đó, tôi đứng bên dưới nhìn lên, hình ảnh một đoạn thang dây còn lại treo lơ lửng
trên tường cao trông ghê rợn như giây thòng lọng của cái giá treo cổ. Tôi thẫn
thờ cúi xuống nhìn đoạn thang dây bị đứt nằm dưới đất rồi lại ngước nhìn phần
còn lại treo quá cao bên trên, tôi điếng người chẳng biết tính làm sao. Nhìn
cái móc sắt “báu vật” làm bằng dây phơi bằng thép gai bện lại mà chúng tôi đã bỏ
ra bao nhiêu công sức và kế hoạch mới đánh cắp được, giờ này đã trở
thành vô dụng và đang móc vào chân cọc sắt trên trốc bờ tường cao.
Tình
thế trở nên vô cùng bi đát, vì ba người còn kẹt lại bên trong không làm sao với
tới đoạn thang dây ngắn còn lại ở lưng chừng bờ tường. Tệ hại hơn nữa, chúng
tôi cũng không có cách gì để báo tin cho hai người bên ngoài về tai nạn vừa xẩy
ra. Bụng dạ tôi lúc bấy giờ nóng như lửa đốt và tôi cũng nghĩ là anh Tiếp và
anh Thuyên đang nấp bên ngoài cũng hết sức sốt ruột và lo lắng vì không biết
chuyện gì đã xẩy ra bên trong. Tôi cố gắng đủ mọi cách để với lên thang dây bị
đứt đang treo lơ lửng bên trên, nhưng vô hiệu quả. Tình thế trở nên tuyệt vọng,
và khi nhìn về cuối chân trời, tôi thấy chân trời phía đông đã hơi ửng đỏ, lần
đầu tiên tôi thấy cái chết đã gần kề và chắc chắn.
Vì không
dự trù trường hợp chết người này nên trong tay chúng tôi lúc đó không còn có thứ
gì để giúp với lên được trốc bờ tường đá xanh cao 5 thước này. Trong cảnh tuyệt
vọng đó, tôi ngồi xuống cho anh Tiếu đứng lên vai tôi và Văn đứng chồng lên vai
Tiếu với hy vọng sẽ nối lại được chiếc thang dây, nhưng không kết quả vì tôi
không thể nào chịu nổi sức nặng của hai người. Vả lại, Lâm Thành Văn yếu quá,
cũng không thể đứng lên cao trong tư thế mà những người làm xiếc còn phải cẩn
thận! Chúng tôi làm đi làm lại, và lần nào leo lên rồi cũng té nhào xuống như
những quả mít chín rụng phình phịch xuống mặt đất có nhiều cỏ sát chân bờ tường.
Sau
khi cố gắng bằng đủ mọi cách nhưng không kết quả, tôi đành phải bảo hai người bạn
ngồi xuống đợi và tôi chạy trở vào buồng.
Lúc bấy
giờ biết là đã muộn và cuộc vượt ngục coi như đã thất bại, nên tôi không còn e
dè như lúc mới vừa bò ra khỏi buồng. Lần này, tôi cố gắng chạy thật nhanh trở lại
buồng, tiết kiệm được phút nào hay phút nấy. Tôi hành động vì sự thúc đẩy của bản
năng sinh tồn và không còn biết lo sợ là gì. Lúc nãy, khi chúng tôi đi ra, ai nấy
cẩn thận bò trườn sát mặt đất như những con sư tử rình mồi theo sự hướng dẫn và
quan sát của anh Tiếp, lần nầy trở lại buồng, tôi cứ thế mà cắm đầu cắm cổ chạy.
Cũng may lúc đó không có cán bộ nào đi tuần, nếu có, chắc tôi đã lãnh nguyên một
băng đạn vào thân thể và sự việc đã hoàn toàn đổi khác. Tôi vượt qua bức tường
thấp của khu vực kiên giam một cách nhanh nhẹn và dễ dàng như một con sóc và chạy
vào hầm chứa phân mà tôi vừa từ bỏ lúc nãy.
Muốn trở
vào buồng, tôi phải chui trở lại qua cái lỗ tường vừa đào nằm cao bên trên. Vì
cao quá, tôi không thể với tới để chui trở vô buồng cho được. Lúc nãy có mấy
người nên chúng tôi cõng nhau lên để chui vào, bây giờ chỉ có một mình tôi, sống
hay chết gì cũng chỉ có một mình, và tôi phải tự xoay xở lấy. Trong lúc tuyệt vọng,
tôi nhớ cánh cửa gỗ mà chúng tôi vừa kéo bật đinh lúc nãy, đang nằm gần lối ra
vào hầm chứa phân.
Tôi
mò lại tìm mấy tấm ván đang nằm rải rác gần đó mang lại và bắt dựng lên gần cái
lỗ của bức tường. Khổ nỗi, những tấm ván này trơn trợt nên không dễ gì để
tôi có thể bám mà leo lên được. Mấy lần tôi cố leo lên lại bị tuột xuống và rơi
tõm vào cái sọt chứa phân, làm phân văng tung tóe trong cái hầm tối om! Sau mỗi
lần thất bại, tôi cứ phải mò mẫm nhiều chỗ mới có thể tìm lại được những tấm
ván để bắt đầu lại. Thật là khổ thân tôi, việc ra khỏi buồng đã khó mà trở lại
vào buồng cũng không dễ gì hơn. Tôi loay hoay hết cách này qua cách khác, cuối
cùng rồi cũng leo lên được và trườn người chui vào lỗ để trở vào buồng.
Căn buồng
lúc này như một bãi chiến trường. Chỗ nào cũng bê bết những gạch, vôi vữa, áo
quần, chăn, màn, chiếu...Trong một góc buồng sát cạnh lối đi vào cầu tiêu, chiếc
đèn dầu bé nhỏ vẫn đang leo lét cháy. Cha Định đang nằm dưới đất, thấy tôi bước
vào vô cùng ngạc nhiên và lồm cồm mò ngồi dậy. Tôi chẳng nói với cha Định một lời
nào, chỉ vội vàng lục tung các thứ đồ đạc của tôi. Hai tay tôi bươi móc nhanh
như một con chuột đào hang để mò tìm cái màn. Đây là loại màng lưới bằng ny-lon
của quân đội rất bền chắc. Tôi cuộn cái màn vào bên trong áo, vội vàng quay trở
lại chui qua lỗ tường vào hầm chứa phân và theo đường cũ chạy ra chân bờ tường,
nơi hai người bạn còn đang ngồi chờ ngay bên dưới đoạn thang dây treo lơ lửng
bên trên. Lúc này trời đã hừng sáng!
Tôi xoắn
tròn cái màn lại, nối với đoạn thang bị đứt và cố gắng ném lên cho máng vào dây
thép gai trên trốc bờ tường. Vì tường cao quá nên tôi ném lên rồi lại rơi xuống,
cứ thế tôi cố hết sức ném cái màn lên. Sau một lúc cố gắng, chiếc màn mắc dính
được vào bờ rào dây thép gai trên trốc bức tường. Sau khi ghì thử thấy chắc chắn,
tôi bảo anh Văn bám vào leo lên trong khi Tiếu và tôi cố nâng Văn lên, nhưng
Văn chỉ leo được một đoạn lại té xuống. Một lần, hai lần... Văn leo lên rồi lại
té xuống vì anh đã quá yếu. Chỉ có thang dây với những thanh gỗ nằm ngang mới
có hy vọng giúp được anh. Biết mình không thể leo ra được, Văn đau xót bảo:
-Tôi không đi được, hai anh lo tìm cách leo ra đi!
Tôi bảo Văn:
- Không thể được, chúng ta đã thề hứa cùng sống cùng chết với nhau, làm sao
chúng tôi có thể bỏ anh cho đành?
Văn mệt nhọc, ngồi bệt xuống đất, xua tay từ chối. Khi thấy anh Tiếu định kéo
anh trỗi dậy, anh nói với anh Tiếu:
- Anh Tiếu với anh Lễ lo đi đi, tôi đành bỏ cuộc! Hai anh đi ngay đi, ở đây chết
cả đám, ích lợi gì!
Nói xong, Văn đứng lên, nắm lấy bàn tay tôi và tay anh Tiếu, bóp mạnh để từ
giã, xong quay lưng đi dọc theo chân tường!
Tới phiên Trịnh Tiếu cố gắng bám cái màn leo lên, nhưng cũng không nổi mặc dù
tôi hết sức cố gắng nâng người anh lên. Khi thấy không thể nào leo lên được,
anh bèn quay sang bảo tôi lo trèo lên, còn anh đi thẳng thật nhanh về
phía Văn, bỏ tôi đứng bơ vơ với chiếc màn treo lơ lửng trên bờ tường.
Lòng tôi
buồn vô hạn khi nhìn theo bóng hai người anh em nắm tay nhau đi thật nhanh dọc
theo chân tường về phía tay trái mất dạng. Đây là sự mất mát đầu tiên trong vụ
vượt ngục. Không biết lúc đó trong thâm tâm hai anh nghĩ gì nhưng riêng tôi thật
tan nát cõi lòng khi nhìn bóng hai anh đi xa dần, xa dần... Tôi cũng đoán biết
những gì đang chờ đợi hai anh khi người cán bộ đầu tiên trông thấy. Tôi hiểu rằng,
hai anh có ý đi thẳng để tôi khỏi bận tâm mà lo thoát ra ngoài cho nhanh.
Còn lại một mình, tôi lấy hết sức lực bám vào chiếc màn cố leo lên. Chiếc màng
lưới nhùng nhằng bám vào các gai nhọn của hàng rào bên trên không có thể coi là
một loại thang được. Nhưng trong hoàn cảnh đó không hiểu sức lực ở đâu lại dồn
về đôi cánh tay khẳng khiu của tôi và tôi đã bám lấy chiếc màn như một con thạch
sùng đang bám vào tàu lá để leo lên. Tôi cố gắng nương tay làm sao cho cơ thể
mình trở nên “vô trọng lượng” để chiếc màng lưới có thể chịu đựng.
Khi tôi
leo lên gần tới đầu bờ tường, chiếc màn tự nhiên bị rách toạc một phát. Tôi vội
vàng đưa một một tay vớ được hàng rào dây thép gai trên trốc bờ tường, còn tay
kia chới với giữa khoảng không trong khi tôi cách mặt đất bên dưới bằng cả chiều
cao của bức tường! Trong cơn hoảng sợ đó, tôi còn cảm thấy được các gai thép nhọn
đâm xuyên qua lòng bàn tay và nghe dòng máu nóng chảy ngược xuống nách, vì lúc
đó chỉ có một tay đang ghì lại sức nặng của toàn bộ cơ thể. Mặc dù vậy, lúc ấy
trong đầu óc tôi hiện ra hình ảnh tên cán bộ cầm khẩu AK chực nhả đạn vào thân
thể đang treo lơ lửng của tôi đã làm tôi quên đau đớn. Bằng một sự cố gắng đến
tột cùng, tôi nhoài người nắm thật chặt vào dây thép gai đánh đu được lên trên
đầu bờ tường.
Từ trên
trốc bức tường cao nhìn ra ngoài, tôi thấy sợi dây nhỏ mà anh Tiếp cột vào chân
cọc sắt dùng để tuột xuống vẫn còn đó nên vội bám vào dây đó và tuột xuống đất.
Tôi chẳng còn nghĩ tới việc cuốn lấy cái màn bên trong, mà có muốn cũng không
thể làm được vì cái màn bị móc chằng chịt vào dây thép gai, hơn nữa lúc bấy giờ
đã quá muộn. Xuống tới chân tường, tôi bị choáng ngợp và thấy nhẹ nhàng trong cảm
giác đang hít thở không khí tự do! Mặc dù đây chỉ là một thứ tự do chết người!
Cái cảm giác “người tự do” lúc bấy giờ thật khó mà diễn tả cho được. Tôi nghĩ
Tiếp và Thuyên ẩn nấp trong chuồng trâu đã sốt ruột chờ tôi chí ít là hai tiếng
đồng hồ! Một giờ lúc đó dài hơn một thế kỷ.
Vừa tuột
xuống đất, tôi vội vàng chạy vào chuồng trâu để gặp Tiếp và Thuyên đang ẩn
nấp và lo âu chờ tôi ở đó. Tôi không bao giờ quên được khuôn mặt vui mừng rạng
rỡ của các anh khi gặp tôi. Tôi vội sơ lược cho hai anh biết sự việc xẩy ra bên
trong đã khiến anh Tiếu và anh Văn phải bỏ cuộc. Không chậm trễ một giây phút
nào, ba người chúng tôi liền phóng chạy ngay về hướng bờ sông Mã cách đó chừng
hai trăm thước. Tôi vừa chạy về hướng bờ sông Mã vừa nghĩ thầm là cuộc vượt ngục
đã hoàn toàn thất bại, nhưng vẫn còn tin tưởng vào sự may mắn nào đó như một thứ
phép lạ có thể xẩy ra để cứu chúng tôi.
Sau
khi chạy hết đoạn đường cập theo bờ tường trại, chúng tôi băng qua đoạn đường đất
gần bên láng mộc cặp theo một con con suối nhỏ. Con đường sũng ướt và đây đó có
những vũng nước mưa còn động lại sau trận mưa to đêm qua. Sau khi qua khỏi láng
mộc đã thấy bờ sông Mã lấp ló sau một đồi sắn mới được trồng cách đó không lâu,
với những cây sắn vừa cao quá mắt cá chân một đỗi. Chúng tôi hướng thẳng xuống
một lùm bụi um tùm bên bờ sông, lúc đó nước dâng cao, chảy thật xiết rồi trầm
mình xuống đó.
Dưới dòng
sông Mã
Buổi sáng ngày 2 tháng 5 năm 1979 hôm đó, nước sông Mã dâng cao vì trận mưa to
suốt đêm qua. Đây là vùng thượng nguồn, nước sông chảy một chiều và các cơn mưa
đêm qua làm mực nước dâng lên rất cao và chảy mạnh như thác. Chúng tôi trầm
mình xuống sông, bơi theo dòng nước chảy mạnh, mò mẫm cập theo các bụi rậm bên
bờ sông. Được một quãng khá xa, chúng tôi gặp cái hốc đá thật kín đáo, bên trên
có một cây to, rễ cây tua tủa bao trùm kín cả miệng hang, tạo thành nơi ẩn nấp
thật lý tưởng. Cả ba người lặn xuống nước chui vào ẩn nấp trong hang đó và chờ
đợi.
Tôi ở
trong cùng, sau tôi là Tiếp, còn Thuyên nấp bên ngoài, gần miệng hang. Chúng
tôi yên lặng và nín thở đợi chờ. Thời gian lúc bấy giờ như ngừng lại để đủ cho
tôi nhận định tình thế và cảm nhận hết cảm giác kinh hoàng của một con thú bị
săn đuổi và đang bị dồn đến bước đường cùng. Lúc đó, tôi biết là mình sắp chết,
tôi sắp phải từ giã cuộc đời ở tuổi 36 và tôi chẳng chút hối hận gì khi phải ra
đi. Lúc đó, tôi nhớ tới cái giá của hai chữ TỰ DO sao mà cao quá. Tôi sắp sửa
trả bằng cái giá mạng sống của tôi nhưng vẫn chưa mua được. Tôi nhớ lại trên
quê hương tôi, có bao nhiêu người đã phải trả cái giá như tôi nhưng họ vẫn chưa
mua được hai chữ TỰ DO!
Ôi!
Huyền nhiệm thay hai chữ TỰ DO, hai chữ đó là giá trị tuyệt đối của đời tôi và
cũng là của dân tộc tôi. Tôi không hối hận gì nếu phải chết ở tuổi 36 vì hai chữ
TỰ DO, tôi chỉ tiếc là tôi phải kết liễu cuộc đời quá sớm khi tôi chưa có điều
kiện để tranh đấu mang lại TỰ DO cho dân tộc tôi như lòng tôi mong ước. Đó là
lý tưởng mà tôi hằng ấp ủ từ khi có trí khôn để nhận biết dân tộc Việt Nam của
tôi là một dân tộc bất hạnh vì thiếu TỰ DO. Tôi khẳng định tôi được sinh ra đời
làm người vì sứ mệnh đó. Tôi làm Linh mục cũng vì sứ mệnh đó.
Nằm trong
hang một lúc, chúng tôi nghe ba tiếng súng báo động có tù vượt ngục. Giây phút
kinh hoàng nhất của chúng tôi đã tới. Tôi biết là mình đang ở trong tình trạng
rất nguy hiểm, nhưng vẫn nuôi hy vọng là họ sẽ không tìm thấy chúng tôi đang ẩn
nấp trong cái hang có lớp cỏ bao phủ bên trên và phải lặn xuống sâu mới vào được
trong hang này. Biết đó là một hy vọng rất mong manh nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng.
Chúng tôi đứng yên lặng cho đến nỗi tiếng nước chảy róc rách bên ngoài cũng trở
thành một tiếng động rất rõ ràng vọng tới tai tôi và làm tôi kinh hãi.
Vì
chỗ chúng tôi nấp không xa trại bao nhiêu nên không bao lâu sau ba tiếng
súng, tôi lặng người khi nghe rõ tiếng chân người chạy rần rật ngay bên trên,
chen vào với tiếng la hét, tiếng chó sủa và tiếng súng đạn va chạm nhau lách
cách. Chúng tôi biết là cán bộ đang dắt chó săn truy lùng chúng tôi ráo riết. Mặc
dù tôi đã biết trước và sẵn sàng đón nhận tình huống này, nhưng thật tình lúc
đó tôi sợ đến điếng cả người và tôi nghĩ đây là phản ứng tự nhiên của bất cứ một
sinh vật nào khi thấy mạng sống sẽ bị mất đi trong giây lát. Tôi yên lặng, nhắm
mắt cầu nguyện và phó thác đời tôi trong tay Chúa.
Lúc sau, tiếng chân người xa dần khiến
tôi mừng thầm nghĩ rằng họ đi qua luôn. Nhưng không bao lâu, lại nghe tiếng ồn
ào trở lại, rồi tiếng la hét và tiếng chó sủa càng lúc càng gần hơn. Biết chắc
là không thể thoát được, tôi lại dọn mình ăn năn tội một lần nữa để sẵn sàng
đón nhận cái chết.
Lúc
bấy giờ Nguyễn Sỹ Thuyên ở gần ngoài miệng hang, lội vào trong, đến nép sát vào
với Đặng Văn Tiếp và tôi. Tự nãy giờ ba anh em tôi chẳng ai nói một lời nào.
Lúc đó bất ngờ anh Tiếp quay sang ôm lấy tôi xin tôi làm phép Rửa tội cho anh.
Tôi đã khoát nước sông Mã làm phép Rửa tội cho anh Tiếp. Trong thời gian sống
chung với tôi, anh Tiếp có ngỏ ý muốn được Rửa tội, và tôi đã giúp anh về phần
giáo lý.
Khi vừa Rửa
tội xong, anh Tiếp ôm hôn tôi một cách vô cùng tha thiết như bày tỏ sự vui mừng
và biết ơn. Tôi cảm thấy có một cái gì khác lạ trong cử chỉ này của anh Tiếp,
nhưng tôi đâu có ngờ đó là cái hôn vĩnh biệt của người anh gởi lại cho người em
trước khi anh Tiếp từ giã cuộc đời! Trong giây phút đó tôi cố quên đi tất cả những
việc của đời người để hướng tâm hồn về cõi sống trường sinh. Tôi tự nhiên cảm
thấy rất vui vì vào những giây phút cuối đời, tôi đã nhân danh Thiên Chúa mà
ban Bí tích Rửa Tội cho anh Tiếp, là người anh kết nghĩa mà tôi vô cùng thương
mến.
Lúc
này thì tiếng la hét, tiếng người, tiếng chó sủa càng lúc càng gần hơn. Tôi
không đoán được các loại âm thanh đó ở đâu nhưng tôi đoán có lẽ là ngay trên đầu
chúng tôi vì bên bờ sông có một cây to mọc trồi ra mé nước và chung quanh có
lùm bụi um tùm rất dễ cho người ta nghi tù vượt ngục rúc vào trốn trong đó.
Tôi đoán không sai, từ trong hang tối
om khẻ vạch cỏ nhìn ra, tôi thấy tên Thượng sĩ Hoàn mặc áo thun và quần đùi trắng
với khẩu súng lục có dây đeo quàng ngang vai. Hắn đứng trên chiếc xuồng nhỏ,
tay cầm cây tầm vông dài chừng ba thước, trên đầu có cây sắt nhọn mà tiếng miền
Nam chúng tôi gọi là cây "xà-no" dùng đâm chuột hoặc đâm rắn trong
các lùm bụi, nhất là trong mùa nước lên.
Tên
Thượng sĩ Hoàn chỉ huy số cán bộ võ trang canh gác đêm vừa rồi, và việc chúng
tôi vượt ngục đã làm cho hắn tức giận điên cuồng. Người hắn khá mập, hơi lùn và
rất rắn chắc. Đặc biệt hắn có nước da đen, đen hơn những người có nước da ngăm
đen bình thường. Nước da hắn đen nên càng làm cho đôi mắt hắn trắng dã dưới đôi
chân mày thật rậm và gần đụng nhau trên sống mũi. Toàn diện khuôn mặt hắn lộ ra
cái vẻ của hạng người “mặt đụt”, thuộc loại ngu đần và hung ác. Hắn vừa chống
xuồng vừa chọc cây sắt nhọn một cách hung bạo vào các bụi rậm bên bờ sông mà hắn
nghi ngờ. Thấy chiếc xuồng đang trôi từ từ xuống chỗ chúng tôi đang nấp, tôi mất
hết hy vọng! Đã vậy tôi còn nghe tiếng người đàn bà trên thuyền đánh cá bên
sông gọi vọng sang, giọng lanh lảnh:
-Chúng nó vừa ở ngay đấy thôi!
Tên Hoàn quay mặt sang hỏi:
- Ở mô?
-Đâu trong bụi rậm trước mặt ấy, tôi vừa nom thấy chúng ngay bụi ấy!
Theo sự chỉ dẫn của người đàn bà, tên Thượng sĩ Hoàn vạch từng bụi cỏ, rọi đèn
pin xuống và cuối cùng hắn đã tìm thấy chúng tôi. Thế là hết!
Giây phút
kinh hoàng
Thật khó mà diễn tả được tâm tư của tôi trong lúc bấy giờ. Tôi nghĩ là cuộc đời
của ba anh em tôi chấm dứt kể từ giây phút đó. Cuộc vượt ngục đã hoàn toàn thất
bại và chúng tôi phải sẽ trả cái giá cho việc làm này. Lúc đó tôi có thể hình
dung ra được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, bởi tôi đã được chứng kiến cảnh tù
nhân bị hành hạ khi vượt ngục thất bại. Họ bị đánh đập và hành hạ như một con
thú. Có người đã bị đánh chết một cách thê thảm. Lúc đó, tôi ôm ghì lấy anh Tiếp
và nói:“Anh em mình nhất định không ra, cho nó bắn chết ở đây!” Khi nghe tôi
nói, anh Tiếp càng ôm lấy tôi chặt hơn, trong khi tiếng la hét đầy thú tính của
bọn người đang đứng trên bờ sông như một tốp thợ săn đã bao vây được con mồi,
chỉ còn chờ giương cung hạ thủ. Tên Thượng sĩ Hoàn như một hung thần đang lồng
lộn la hét giục chúng tôi ra. Tiếng la hét của hắn đầy vẻ man dại và điên cuồng
như muốn xé tan màn sương mai của vùng rừng núi âm u Thanh Cẩm.
Nguyễn Sỹ Thuyên nấp ở bên ngoài lội ra trước, trong khi anh Tiếp và tôi ôm
nhau ghì cứng trong hang, nhất định không ra. Sau khi la hét một hồi thấy không
lay chuyển, tên Hoàn vạch cỏ che trên rễ cây, dí mũi súng lục lạnh toát vào
thái dương của tôi, miệng hắn la hét một cách man dại:“Lễ! Mày có bơi ra không?
Hay đợi tao bắn nát đầu mầy ra, hả?” Thực tình mà nói, lúc bấy giờ tôi chỉ mong
cho hắn siết cò. Tôi nghĩ đó là cách giải quyết tốt nhất. Nhưng tên Hoàn không
bóp cò súng vào thái dương tôi mà quay súng ngược lên bắn chỉ thiên mấy phát.
Đó là dấu hiệu báo cho các nhóm đang tuy lùng khác biết là đã bắt được tù vượt
ngục.
Thấy la
hét không kết quả gì, hắn bèn điên cuồng chụp lấy cây “xà no” mà hắn để
trên thuyền, chọc một cách điên cuồng vào hang. Mũi sắt nhọn trúng vai anh Tiếp.
Qua ánh đèn pin của hắn, tôi thấy máu anh Tiếp tuôn ra đỏ thẫm một vùng nước.
Trước tình thế này, chúng tôi thấy không còn cách nào khác hơn là phải lội ra.
Anh Tiếp bắt đầu lội ra khỏi hang trước, tôi lội theo sau. Từ mí nước lên tới bờ
còn khá cao.
Tôi
hành động như một cái máy. Hai tay nắm lấy từng bụi cỏ, tôi bò dần lên bờ sông
trong lúc đám đông chừng vài chục người, cả công an, cai ngục lẫn dân chúng
đang đứng lố nhố trên bờ sông nhìn xuống theo dõi cảnh tôi đang lóp ngóp bò lên
bờ. Lúc ấy, tôi có tâm trạng của một tử tội, trên đường đi tới pháp trường.
Cái giá
phải trả
Vừa bò
lên tới bờ sông, tôi gặp ngay tên Chuẩn úy Lăng, Sĩ quan An ninh của trại, đang
cầm trở ngược đầu cây súng AK đứng chực sẵn. Khi tôi đứng vừa đúng tầm, hắn chấp
hai tay quơ một cú cực mạnh, tống trọn cái báng súng vào giữa ngực tôi, đẩy tôi
ngã lộn xuống nước. Cú đòn này được coi như tiếng trống mở màn cho một thảm kịch
sắp được trình diễn trong giây lát. Khi tôi té xuống sông, tên Thượng sĩ Hoàn đứng
trên thuyền dùng xà-no thọc vào lưng tôi, bắt leo lên bờ. Tôi lại lần từng bụi
cỏ bò lên, tên Chuẩn úy Lăng vẫn đứng chờ tôi, nhưng lần này hắn không đánh nữa
mà túm tóc tôi kéo mạnh lên bờ. Một tên cán bộ bước tới, tháo lấy cái khăn tôi
cột ngang thắt lưng, trong đó tôi có cất cái kính đeo mắt. Kính của tôi bị mất
từ lúc đó.
Cách
đó không xa, tôi thấy một tốp chừng mươi tên cán bộ đang vây quanh anh Tiếp, hò
hét và đánh đấm túi bụi. Trông thấy cảnh đó, tự nhiên tôi nhớ lại một câu thành
ngữ La-tinh mà tôi đã học hồi còn ở Chủng viện:“Người đối với người còn hơn chó
sói!”. Hình ảnh anh Tiếp đứng cao lêu khêu trên đồi sắn, lúc này sắn non mới
lên cao độ một gang tay, mình mẩy anh ướt đẫm, tả tơi, chung quanh là một lũ
cán bộ cộng-sản đang điên cuồng gào thét, đánh đập, khiến tôi liên tưởng tới một
cảnh trong cuốn phim “Cuộc Đời Chúa Cứu Thế”, lúc Chúa Giêsu vác Thánh giá lên
đỉnh đồi Golgôtha, một đám đông quân dữ đang vây quanh hò hét, đánh đập. Tôi chẳng
biết so sánh như vậy có phạm thượng hay không, nhưng đó là cảm nghĩ mà tôi thấy
thật rõ rệt lúc bấy giờ. Vừa trông thấy tôi, một bọn khác xông vào và tôi chịu
số phận y như anh Tiếp. Lúc đó anh Thuyên ở đâu và số phận anh ra sao tôi không
biết.
Những cú đấm đá đầu tiên khiến tôi đau điếng cả người, nhưng sau một chập, tôi
không còn nghe đau đớn nữa vì toàn thân tôi đã tê dại. Những cú đòn về sau, tôi
chỉ còn cảm giác qua chấn động, như âm thanh của một quả bóng được đá dội vào
tường. Lúc đó, tôi không còn biết đến cảnh vật chung quanh, nhắm mắt cắn răng
chịu đòn không hề kêu la một tiếng. Trong cảnh hỗn loạn của những tiếng la hét
man dại đó lại có giọng quát khá to của một người nào đó mà tôi không còn đủ
tâm trí để nhận ra, tôi chỉ đoán là của ông trại trưởng:“Thôi! Tôi bảo các đồng
chí thôi! Tôi bảo các đồng chí thôi!”.
Sau
tiếng quát đó, chẳng những chúng không dừng tay mà lại càng đấm đá dữ đội hơn.
Tôi đã từng chứng kiến nhiều cảnh cán bộ đánh tù trong ngục tù cộng-sản. Tôi hiểu
rằng những lời ngăn can kia là một thứ ám hiệu cho cán bộ càng hành hạ tù tàn
nhẫn hơn, trong khi đó người ngoài nhìn vào vẫn tưởng rằng đảng rất nhân từ, vì
người thay mặt cho đảng đã lên tiếng ngăn can!
Đánh đập chán chê, chúng đẩy tôi đi về phía trại. Lúc mở mắt ra tôi không còn
thấy anh Tiếp ở đâu nữa. Tôi loạng choạng lê bước đi trước, một số đông cán bộ ồn
ào theo sau. Gần tới cầu ván bắc qua con suối cạn trước trại mộc, có Thượng sĩ
Khải là võ sĩ huấn luyện viên vũ thuật cho cán bộ, đang đứng thủ thế ở phía trước
và chờ tôi đi tới. Người hắn cao gần thước tám, và thật rắn chắc. Hắn mặc áo
thun, quần đùi trắng, chân mang giày vải, đang trong tư thế sẵn sàng. Khi tôi vừa
đến đúng tầm, hắn nhún người nhảy vọt lên cao tống nguyên gót chân vào mặt tôi
khiến người tôi bị bắn tung và lộn nhào xuống suối cạn ở gần đó, máu mũi và máu
miệng tôi chảy ra lênh láng.
Tôi phải
công nhận, đây là một cú đá rất đẹp, đúng bài bản và có tính cách biểu diễn
nghiệp vụ! Có bị đòn như thế tôi vẫn thấy “hãnh diện” hơn là lúc nãy bị một đám
cán bộ bu vào như những con ngựa non háu đá. Chúng đánh đấm tôi túi bụi nhưng
chất lượng lại kém so với cú đá của tên Khải mà tôi vừa lãnh nhận!
Lúc
nằm dưới suối cạn, tôi vẫn còn tỉnh nhưng chợt nghĩ là phải giả vờ chết, bằng
không tôi sẽ chết thật. Nghĩ vậy nên tôi nằm yên bất động. Cán bộ trên bờ gọi
giục, tôi cũng nằm yên. Có mấy anh nhào xuống đánh tiếp, tôi cứ mặc kệ và nằm
ngửa ra như một xác chết. Có lẽ họ tưởng là tôi đã chết nên gọi hai trật tự Bùi
Đình Thi và Trương Văn Phát xuống suối cạn kéo xác tôi lên và mang về trại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét