Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

TÔI PHẢI SỐNG - PHẦN 23 VÀ 24

TÔI PHẢI SỐNG PHẦN 23
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ

Thảm cảnh gia đình
Năm 1953, khi vừa tròn 10 tuổi, một thảm kịch gia đình xảy ra đã làm tôi lớn hơn trước tuổi. Đúng ra chuyện này không xảy ra trong gia đình tôi mà là gia đình Ông Tám tôi. 

Ông Tám là em của Bà Nội tôi. Ông có nhiều người con, và người cuối cùng là Chú út Hữu mà tôi đã nói tới. Câu chuyện này liên quan tới người con thứ tư và thứ sáu mà tôi gọi bằng Cô Tư và Chú Sáu. Cô Tư có chồng và 3 con, đứa con gái nhỏ nhất tên Huệ, bằng tuổi tôi. Khi tản cư xuống Cầu Đá thì Chú Sáu tôi đi lính cho Pháp. Còn Dượng Tư, chồng của Cô Tư ít khi thấy có mặt ở nhà. Lúc đó tôi còn nhỏ quá nên cũng chẳng biết là Dượng Tư tôi ở đâu và làm gì. Một ngày kia Chú Sáu đi trong toán tuần phòng và một người Việt Minh bị sa vào ổ phục kích. 

Khi bị động, người đó chạy thoát thân nhưng Chú Sáu và đám lính rượt theo bắn anh ta té xuống. Chú chạy tới định bắn tiếp theo thì bất thần nghe người đó gọi tên mình “Cậu Sáu Vinh”! Chú tôi kịp thời nhận ra đó là tiếng người anh rể của mình, Dượng Tư Bình, chồng của Cô Tư tôi. Chú tôi kinh hoàng chạy lại bồng người anh lên, nhưng vết thương quá nặng và Dượng Tư chết trên tay chú tôi sau khi trối lại: “Cậu Sáu! Anh không sống được, cậu hãy giúp chị Tư lo nuôi 3 cháu!” Không phải nói, ai cũng có thể đoán biết tâm trạng Chú Sáu tôi lúc bấy giờ như thế nào.


Khi đưa xác Dượng Tư về, bà con và hàng xóm tới đầy nhà tràn ra cả ngoài sân. Nhà tôi kế bên nên chạy qua trước tiên. Người lớn vào nhà trước, trẻ con chúng tôi đứng đầy ngoài sân. Tôi thấy mọi người đều khóc, riêng Cô Tư lúc đó khóc té lên té xuống và có mấy bà kè hai bên tay cô tôi. Bất ngờ trong tiếng than khóc rầm rĩ đó, tôi nghe một tiếng khóc rống lên thật to: “Anh Tư ơi! Chính em đã giết anh! Tha thứ cho em anh Tư ơi!” Tôi chen vào nhà thì thấy Chú Sáu tôi đang ôm xác Dượng Tư còn ướt đẫm máu và dính đầy bùn đất mà khóc lóc kêu gào! Nghe tiếng khóc rống của Chú Sáu, mọi người khóc lóc thảm thiết. Lúc đó có lẽ tôi đã đổ tới giọt nước mắt cuối cùng! 

Thảm cảnh này đã làm tôi quá đau khổ và từ đó tôi thắc mắc nhiều chuyện mà không thể nào trả lời được. Người Pháp là ai? Lính Pháp là ai? Việt Minh là ai? Ai là người tốt? Ai là người xấu? Tại sao có cảnh anh em trong một gia đình giết nhau như vậy? Sau này khi biết những xác chết trôi sông mà trong tuổi ấu thơ tôi thấy ở Bưng Trường là những người bị Việt Minh giết, tôi kết luận Việt Minh xấu vì họ giết người, và tôi tưởng người Pháp tốt. 

Nhưng khi tôi xuống Mai Phốp lại nghe nói có rất nhiều người “tội” bị người Pháp bắn ở Gò Dương, như vậy người Pháp cũng xấu. Vả lại lúc bấy giờ tôi vẫn không thể hiểu được những người Pháp từ đâu tới và ở đây để làm cái gì? Tôi không thể trả lời các thắc mắc đó, nhưng có một điều tôi nhận ra rất sớm, có lẽ sớm hơn rất nhiều đứa trẻ cùng tuổi với tôi lúc bấy giờ, đó là dân tộc Việt Nam là một dân tộc đau khổ. 

Chính trong thời gian này có vài sự việc tôi còn nhớ mãi, đó là hiện tượng “tờ giấy bạc xé đôi”. Tôi không còn nhớ rõ năm nào, có lẽ là năm 1953-1954, không biết tại sao, khi xài tiền mà không có tiền thối người ta chỉ việc xé tờ giấy bạc làm đôi và có giá trị phân nữa, và tôi đã từng xé nhiều lần! Thí dụ tờ 10 đồng, xé đôi thành 2 tờ 5 đồng. Một đồng xé đôi thành 2 tờ 5 cắc! Hiện tượng này kéo dài mấy năm trời. 
Tôi cũng còn nhớ ngày người Pháp cuốn cờ rời khỏi Mai Phốp, và nghe nói là rời khỏi Việt Nam luôn. Sáng hôm đó có một nghi lễ tại cột cờ trước sân nhà thờ, có rất đông người dự, cả tây lẫn ta, đa số mặc đồ trắng. Khi biết là người Pháp rút đi, lúc đó tôi cảm thấy buồn, mặc dù cũng chẳng hiểu làm sao tôi lại buồn. Cũng trong thời gian này làng tôi có trận dịch bệnh đậu mùa hoành hành, lúc đó người ta còn gọi là “trái giống”, là chứng bệnh rất dễ lây, làm chết người rất nhanh và nếu bệnh nhân may mắn còn sống sót sẽ bị những nốt sẹo tên mặt. 
Nhớ tới những năm bệnh đậu mùa hoành hành, tôi thấy phải viết lại một câu chuyện buồn. Một câu chuyện mỗi lần nhớ lại tôi vẫn còn thấy hối hận, và nước mắt tôi lúc nào cũng chảy ra. Ngay lúc tôi đang đánh máy những dòng này nước mắt tôi cũng đang chảy ra làm mờ màn ảnh. 
(CÒN TIẾP )
TÔI PHẢI SỐNG     (24)
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
Thầy bảng mới”
Năm 1955, lúc tôi 12 tuổi và đang học lớp nhì tại Mai Phốp, dì phước dạy tôi lúc đó là Dì Tư Loan. Một buổi sáng, có người đàn bà trẻ dẫn đứa con trai vào lớp tôi, người học trò mới này tên là Quỳ. Dì Tư gọi anh là trò Quỳ, lúc bấy giờ chúng tôi có chữ “trò”đứng trước tên của mình. Quỳ cũng bằng tuổi với tôi, nhưng dáng rất hiền từ như con gái. Người gầy ốm và cao dong dỏng, cổ cao đầu tròn húi cua. Mới nhìn qua trông Quỳ giống như con cò con đang nằm trong tổ, vì đầu trọc và cổ anh khá dài. 

Người học trò lạ mặt ngỡ ngàng và ít nói đứng xớ rớ kế bàn của Dì Tư, tay mân mê viền áo bà ba trắng đang mặc trên người. Cái cách Quỳ cài cúc áo làm tôi chú ý vì anh cài cả nút ở cổ, trông có vẽ quê mùa chất phác trong khi bọn“ma cũ” chúng tôi cũng mặc áo bà ba nhưng không cài nút sát cổ, như vậy trông oai và hợp thời trang hơn. Nói tóm lại, Quỳ gây cho tôi một ấn tượng khi anh vừa theo mẹ bước chân vào lớp. 

Những ngày tiếp theo Quỳ trở thành một hiện tượng của lớp, anh là người hiền từ hiếm có và giỏi toán một cách đặc biệt, giỏi quá là giỏi! Cho đến đỗi Dì Tư phải ngạc nhiên. Những bài toán Dì Tư cho trong lớp, Quỳ làm một cách dễ dàng trong khi bọn chúng tôi phải è ạch một cách khổ sở, nhất là tôi, là người dốt toán nhất lớp. Từ đó, mỗi khi làm toán, Dì Tư gọi Quỳ lên bảng và sau khi giải đáp nhẹ nhàng lanh lẹ, Dì kêu anh “dạy” lại cho cả lớp chúng tôi nghe. 

Vô tình trí thông minh của người học trò mới này đã hại anh ta. Đám con trai chúng tôi bắt đầu ghét Quỳ, vì anh ta càng giỏi bao nhiêu thì càng lòi ra sự dốt nát của chúng tôi bấy nhiêu, nhất là tôi là người có lúc nghĩ không biết trên thế gian này còn ai khác dốt toán như tôi hay không! 
Mỗi lần Dì Tư khen Quỳ là y như chúng tôi bị một trận đay nghiến càng làm cho chúng tôi bực tức anh ta. Cả bọn con trai chúng tôi hè nhau gọi Quỳ cái tên đầy mỉa mai là “Thầy Bảng mới” và bày tỏ thái độ tẩy chay anh ta thấy rõ. Phải nói tôi là tên đứng đầu trong nhóm “quân dữ” tẩy chay Quỳ, vì anh ta đã “hại” tôi nhiều nhất. 
Trong lớp, tôi kéo bè kéo cánh, không cho đứa nào nói chuyện với Quỳ, giờ ra sân chơi chúng tôi không cho Quỳ nhập bọn đá banh bằng trái banh tennis. Có những lúc tôi thấy Quỳ âm thầm đứng trơ trọi một mình ở góc sân trong giờ ra chơi. Có hôm thấy Quỳ xin chơi đánh đũa với bọn con gái. Nhìn thấy cảnh đó tôi rất hả dạ và nghĩ: “Mầy làm khổ tao trong lớp thì tao làm khổ mầy ngoài sân!” Lúc đó tôi biết là Quỳ rất khổ tâm chịu đựng trong một thời gian khá lâu nhưng không dám nói ra vì bọn ma cũ chúng tôi rất đông. 
Rồi một hôm Quỳ vắng mặt trong lớp. 
Tôi cảm thấy dễ chịu vì sự vắng mặt của “Thầy Bảng mới” nhưng cũng chẳng thắc mắc gì. Qua hôm sau, trước giờ đọc kinh, Dì Tư bảo cả lớp cầu nguyện cho trò Quỳ bị lên bệnh đậu mùa. Tôi nghe giật mình, tự nhiên cảm thấy hối hận vì đã ngược đãi người bạn hiền lành do sự ghen tức và thương Quỳ chẳng may bị chứng bệnh nguy hiểm làm chết rất nhiều người lúc đó. Tôi quyết tâm sẽ xin lỗi và đối xử thân ái và bảo vệ Quỳ khi anh trở lại lớp. 
Một tuần lễ sau vẫn vắng bóng người học trò hiền từ, tôi càng lo lắng và thong anh nhiều hơn. Tôi nhớ Quỳ nhưng chúng tôi không được phép tới thăm vì bệnh này rất hay lây. Hàng ngày trong giờ ra chơi tôi vô nhà thờ đọc kinh cầu nguyện cho Quỳ được mạnh. Sự hối hận vì đã ngược đãi Quỳ cách vô lý đang hành hạ tôi. 
Một buổi sáng, đang giờ học, tôi thấy mẹ Quỳ vào lớp. Tôi đâm ra lo sợ trong lòng. Mẹ Quỳ vào báo tin Quỳ vừa chết đêm qua! Tôi gục đầu xuống ghế ngồi khóc lên thành tiếng khi nghe tin đó. Và tôi vẫn khóc về sau này mỗi khi nhớ tới Quỳ, mặc dù đã mấy chục năm trôi qua. 
Thời kỳ phá ngu 
Tôi thi đậu bằng tiểu học năm 1956, lúc đã 13 tuổi. Đó cũng là năm tôi chụp bức hình đầu tiên trong đời để làm thẻ báo danh lúc vào phòng thi ở quận Vũng Liêm, cách Mai Phốp 6 cây số trên đường xuống tỉnh Trà Vinh. Tôi còn nhớ khi chụp hình, ông chủ tiệm chụp hình Tân Tân ở chợ Mai Phốp đặt tôi ngồi trên cái ghế đẩu trước cái máy thật to màu đen có chân đứng. Ông bước tới sửa thế ngồi cho tôi xong trở lại máy và trùm đầu và vai bằng tấm vải đen, bảo tôi ngồi yên dừng chớp mắt và bấm máy. 
Chụp hình xong về nhà mấy ngày sau tôi ăn ngủ không được, vì nôn nóng chờ ngày lấy hình. Khi nhận hình và thấy “bộ mặt”mình trong hình lần đầu tôi thích thú lắm và mang vào lớp kêu mấy đứa bạn cũng vừa chụp hình trong đợt này mang hình ra so sánh coi hình đứa nào đẹp. Có đứa khen tôi chụp hình ăn ảnh làm tôi cười híp mắt. Năm đó người anh kế của tôi tên là Ngãi cũng đậu tiểu học một lượt, vì năm trước anh thi rớt nên phải học lại chung với tôi. 
Năm tôi vừa thi đậu tiểu học thì cha Trình mở trường trung học đầu tiên tại Mai Phốp, lấy tên là trường Minh Đức, một điều tôi coi là rất may mắn.Trường bắt đầu bằng hai lớp đệ thất B1 và B2. Việc cha Lê Vĩnh Trình mở trường trung học đầu tiên tại Mai Phốp là sự thay đổi lớn đầu tiên của cuộc đời tôi. 
Cha Trình xây một nhà trường dài nằm ngang sau nhà thờ có ba phòng. Hai phòng làm lớp học và một phòng ở đầu kia làm chỗ ở cho hai thầy giáo người Bắc từ Sài Gòn cha mời xuống dạy học. Một thầy lớn tuổi chừng gần 40 là thầy Bùi Sinh Quý và thầy kia nhỏ tuổi hơn là thầy Huấn. Trung học là lớp đầu tiên tại xứ này nên đối với tôi lúc đó cái gì cũng mới, trường học mới, thầy giáo cũng mới vì lần đầu tiên tôi học với thầy giáo đàn ông và lại là người Bắc, bạn bè mới, chương trình học cũng mới. 
Có rất nhiều học sinh tại Mai Phốp và các làng lân cận tới học, vì lúc đó không có mấy người có khả năng gởi con đi tỉnh. Có nhiều học sinh từ quận Vũng Liêm cũng đạp xe tới học. Từ đó lên tỉnh Vĩnh Long hoặc xuống tỉnh Trà Vinh cũng đều cách chừng 40 cây số. Lên tỉnh học đã xa xôi lại còn tốn kém rất nhiều thứ, không phải như ở làng chỉ phải đóng học phí và ít tiền sách vở. Lạ một điều, khi lên tới trung học tôi bắt đầu phá ngu và trở nên thích học và học khá. 
Tôi không phải là học sinh giỏi, nhưng về sinh ngữ Anh và Pháp thì bao giờ tôi cũng nằm trong số ba người giỏi nhất. Khi cha Trình mở cửa trường trung học tại Mai Phốp cũng đồng thời ngài giúp tôi mở cánh cửa cho tương lai đời tôi. Nhờ có ngôi trường Minh Đức nhỏ bé ở miền quê đó mà tôi được tiếp tục con đường học vấn và càng về sau càng được học lên cao hơn. Trong khi rất nhiều người trong thế hệ tôi thi đậu tiểu học trước tôi vài năm đã phải bỏ học. 
Từ ngày còn bé ở Bưng Trường, rồi tản cư xuống Cầu Đá và sau này đi học ở Mai Phốp tôi chỉ được học với các nữ tu. Sau này lớn lên tôi vẫn nhớ ơn các Dì đã giúp tôi khai tâm về việc học, đồng thời dạy bảo các việc đạo hạnh. Hệ thống giáo dục trong các xứ đạo lúc bấy giờ mặc dù chưa được tổ chức hoàn hảo nhưng sự đóng góp của các trường học công giáo và sự hy sinh tận tụy của các nữ tu tại những vùng quê xa xôi hẻo lánh để lo việc giáo dục cho trẻ con là điều tôi muốn nhắc lại và ghi ơn. 
Việc giáo dục và hệ thống tổ chức trường ốc vào thời buổi chiến tranh và trong tình trạng đất nước còn lạc hậu, phương tiện giao thông rất thô sơ như lúc tôi vừa lớn lên là một việc rất khó. Trong tình thế đó một số rất đông trẻ con ở nhà quê phải bỏ học ngay từ bé và lớn lên mù chữ. Cũng có một số được đi học một thời gian để biết đọc biết viết rồi vì hoàn cảnh cũng phải dở dang việc học hành khi ở địa phương không còn lớp. 
Gia đình tôi cũng ở trong tình trạng đó, khi còn ở các lớp trong bậc tiểu học, tôi vẫn nghĩ là học hết lớp nhất, hoặc sau khi thi được bằng tiểu học rồi thôi, sẽ ở nhà giúp gia đình trong công việc đồng áng như mấy người anh tôi và một số rất đông trẻ con trong làng. Hơn nữa những sinh hoạt thông thường của một làng quê và sự thu hút rất mãnh liệt của cánh đồng bao la bát ngát với những thú vui của ruộng đồng khiến tôi không biết gì khác hơn, và dĩ nhiên là chẳng bao giờ có chuyện đặt vấn đề con đường tương lai mình rồi sẽ ra sao. Nhưng sự ra đời của trường trung học Minh Đức đã cho tôi cơ hội lựa chọn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét