Tuổi trẻ
ngô nghê
Những năm
đó tầm mắt tôi có dịp mở rộng hơn nhờ những lần tôi được chị Hai cho theo đi chợ
trên tỉnh Vĩnh Long, cách nhà 33 cây số. Những lần được đi tỉnh này đối với tôi
rất đáng ghi nhớ vì đó là dịp mở mắt để được biết cuộc sống ở tỉnh như thế nào.
Thường là mỗi năm một lần chị tôi đi chợ tỉnh trong dịp mua sắm Tết, chị dẫn
tôi theo chỉ với nhiệm vụ đứng tại chỗ coi chừng cái cần xé đựng các thứ đã mua
để chị còn đi mua tiếp theo.
Sau khi
mua đủ các thứ cần thiết chị gọi xe lôi tới chở ra bến xe đò gần đó để về Cầu
Đá. Khi lên Vĩnh Long, cảnh sinh hoạt, nhà cửa xe cộ và sự tấp nập của người
dân ở tỉnh làm tôi choáng ngộp và thích thú. Cái gì đối với tôi cũng mới, cái
gì cũng lạ, cái gì cũng sang trọng cũng đẹp đẽ và ngay lúc đó tôi có cảm nghĩ rằng
cuộc sống ở tỉnh là một đặc quyền dành cho một lớp người nào đó, còn gia đình
tôi và cá nhân tôi không bao giờ có thể có cuộc sống như thế được. Có ra tỉnh mới
lòi ra sự ngô nghê của tuổi trẻ, nhất là đứa trẻ từ quê mới ra tỉnh lần đầu như
tôi thì thật là khờ khạo một cách đáng thương.
Tôi còn
nhớ trong lần đầu lên tỉnh, tôi đi với Long là em họ tôi lên thăm cha của Long
đi lính ở đó. Trong trại lính có một dãy cầu tiêu máy nằm gần ngoài cổng, và
Long dặn tôi sau khi đi cầu xong phải giật nước và chỉ cho tôi cách thức giật
nước như thế nào. Đó là lần đầu tiên tôi sử dụng cầu tiêu máy, vì ở nhà quê chỉ
có cầu tiêu trên hồ cá tra hoặc là bên bờ sông nước chảy.
Khi tôi nắm
quả nắm bằng sứ lòng thòng xuống ở đầu sợi dây xích sắt nối với cái”máy” bên
trên, giật mạnh một phát như lời Long dặn, tự nhiên nước ở đâu tống ra cái ống
sắt quá mạnh và chảy ù ù một lúc làm tôi giật mình nghĩ thầm: “Chết cha rồi,
mình làm hư máy của người ta rồi, làm sao đây!” Tôi lính quýnh không biết làm
sao, chỉ cầu trời cho nước ngừng chảy vì với lượng nước tống ra mạnh như thác đổ
vậy mà chảy... cả ngày chắc là tôi phải bị rắc rối to.
Tôi đứng
đó mặt mày tái mét, tim đập mạnh nhưng chẳng biết cầu cứu với ai. Nhưng may làm
sao, từ miệng ống nước phát ra một tiếng “ù” rất lớn rồi nước ngưng chảy. Hú
vía! Tôi mừng thoát nạn. Lúc đó tôi đâu có biết là cầu tiêu máy nó là như
vậy, và hỏi lại cũng có nhiều người cũng bị hú vía khi sử dụng cầu tiêu máy lần
đầu như tôi.
Trong lần
khác tôi theo chị đi Vĩnh Long vào một tiệm buôn là tiệm Xuân Phát Lợi, tôi thấy
trên trần nhà ngay trên đầu ông chủ tiệm người tàu mập mạp và trắng trẻo có cái
gì quay tít rất nhanh và cứ quay hoài. Tôi đứng nhìn say sưa mà cũng chẳng
hiểu tại sao nó quay và quay như thế để làm gì. Tôi cứ thắc mắc nhưng chẳng hỏi
ai, rồi không biết lúc nào về sau này tôi mới biết đó là quạt máy.
Từ những
kinh nghiệm ngô nghê đó sau này lớn lên tôi thương sự dại khờ của trẻ con, nhiều
khi sự khờ khạo đó rất buồn cười, thí dụ như trên con đường tôi đi học từ Cầu
Đá xuống Mai Phốp có 2 cây trụ bằng xi măng cao quảng 70 phân giống như cây kem
khổng lồ gọi là “thẻ số ngàn”, bọn học trò chúng tôi thường trèo lên ngồi trên
trốc như ngồi trên chiếc ghế.
Trong một
thời gian rất lâu tôi thắc mắc mãi không biết “thẻ số ngàn” đứng đó để làm gì?
Có lần tôi hỏi ai đó, họ nói cái thẻ đó là một ngàn thước làm tôi càng thắc mắc
hơn, nghĩ thầm: ”Làm sao chứa được một ngàn cây thước bên trong bụng cái thẻ chỉ
to hơn cái mộ bia một chút này?” Không hiểu cho tới một lúc nào đó tôi mới biết
là những “thẻ số ngàn” đó, là cột mốc cái này cách cái khác là một ngàn thước!
Lúc nhỏ
tôi cũng thường nghe người lớn nói tới việc đi“gõ dây thép gió” mỗi khi có tin
tức gì khẩn cấp muốn báo tin cho người khác. Lúc bấy giờ tôi hiểu một cách đơn
sơ rằng, chỉ cần gõ vào những cột dây thép gió(cột điện) dọc theo lộ đá là người
khác sẽ nghe và biết tin. Có mấy lần tôi dùng hòn đá to thử gõ vào các trụ điện
bằng sắt nhưng chỉ nghe phát ra tiếng tiếng “bon... bon.” ngoài ra chẳng thấy
có gì khác lạ, điều đó càng làm cho tôi thắc mắc.
Sau này lớn
lên tôi mới biết “gõ dây thép gió” tức là đánh điện tín! Thậm chí lúc đó tôi
ngô nghê cho đến nỗi thấy cha Trình mặc áo chùng từ cổ xuống gót chân, tôi tưởng
là ngài không hề có chuyện đi tiêu đi tiểu như người thường.
Cho tới một
hôm, lúc đó tôi đã 10 tuổi, tôi đứng gần cây trứng cá kế bên nhà bếp cha sở,
tôi thấy cha Trình mở cửa bước vào cầu tiêu trên hồ cá tra và tôi thấy... nước
chảy nghe ton tỏn xuống mặt hồ. Tôi bàng hoàng vỡ lẽ ra là cha Trình cũng đi tiểu.
Tôi cảm thấy không vui khi biết điều đó vì từ trước tôi vẫn nghĩ cha Trình như
một bậc siêu nhân thì làm gì có chuyện ...đó như người phàm!
Biến cố
vĩ đại
Cũng
trong năm 1957 này, trong đời tôi có một biến cố thật vĩ đại mà tôi nghĩ cả đời
tôi chỉ có một không hai, đó là việc tôi đi Sài Gòn!
Với một
đưa trẻ sanh ra trong gia đình nông dân và lớn lên ở miền quê trong thời lửa đạn
như tôi mà được đi Sài Gòn lúc 14 tuổi là một việc nằm mơ cũng không thấy! Một
cơ hội may mắn ngoài sự mong ước nó đến quá bất ngờ làm tôi vui mừng cuống cuồng
và háo hức chờ đợi không thể nào diễn tả được.
Thật vậy,
Sài Gòn đối với tôi lúc bấy giờ là một hình ảnh tôi không có thể nào tưởng tượng
ra được và chuyến đi Sài Gòn đầu tiên này là chuyến đi làm tôi háo hức đến tột
cùng. Mỗi lần nhớ lại tôi đều cám ơn hoàn cảnh và cám ơn người đã cho tôi cơ hội
độc nhất vô nhị này.
Sự việc bắt
đầu từ khi cha tôi xin thầy Bùi Sinh Quý làm Bõ đỡ đầu khi tôi chịu phép
Thêm Sức. Từ đó thầy Quý thương tôi như một người con. Những ngày nghĩ học tôi
hay tới nhà thầy chơi, giúp thầy trong các việc lặt vặt và thầy Quý thường cho
tôi quà, phần nhiều là sách vở và tranh ảnh.
Một hôm
tôi tới chơi khi thầy chuẩn bị về Sài Gòn nghỉ một thời gian trong dịp lễ
Quốc Khánh vào ngày 26 tháng 10 năm 1957, năm đó là lễ Quốc Khánh đầu tiên nền
đệ nhất Cộng Hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Trong lúc ngồi chơi tôi nói với
thầy là không biết đến bao giờ tôi mới có dịp đi Sài Gòn một lần cho biết. Tôi
chỉ nói lên sự ước mơ thôi nhưng không dám xin thầy cho đi, nhưng thầy Quý tự
nhiên nói lên:
- Vậy Lễ
về xin phép cha má, nếu cha má cho thì tối nay xuống đây thầy cho đi Sài Gòn,
sáng sớm mai sẽ đi“
Tôi không
dám tin vào tai tôi, nên đã bước lại gần hỏi lại cho chắc
- Thầy
tính cho con đi thiệt hả thầy?
Thầy Quý
đang thu xếp sách vở quay lại nhìn tôi mỉm cười:
- Ừ! thì
về xin phép cha má trước đã. Nếu cha má đồng ý thì thầy cho đi!
Tôi đâu
có bao giờ nghĩ là trong đời mình có được giây phút quá bất ngờ như vậy. Lúc đó
quảng gần trưa. Tôi vội ra ngoài nhảy thót lên xe đạp chạy như bay về Cầu Đá.
Con đường này tôi đi quen rồi, chỉ có 2 cây số thôi mà sao đạp hoài không tới!
Trong lúc gò lưng đạp xe trên con đường đá sỏi gồ ghề trong lòng tôi lo lắng hằng
trăm chuyện.
Tôi lo
không biết cha má tôi có cho phép đi hay không, nếu cho thì có đủ thì giờ chuẩn
bị cho chuyến đi lịch sử này không, áo quần gì để mặc đi Sài Gòn, còn giày nữa,
trong đời tôi chưa có một đôi giày đôi dép nào, chỉ có guốc bằng gỗ thôi. Mà đi
Sài Gòn phải là giày, không thể mang guốc được, rồi tóc chưa cắt.. rồi... và rồi!
Thật không ngờ trong đoạn đường đạp xe đó tôi có quá nhiều chuyện phải lo trong
đầu cùng một lúc. Về tới nha, tôi hỏi má trước, vì má bao giờ cũng dễ hơn cha.
Má nghe cũng quá ngạc nhiên bảo tôi: “Con phải hỏi cha con, nếu cha cho thì
con đi”!
Khổ nỗi,
cha tôi đi ruộng chưa về, mà từ nhà vô tới ruộng phải băng cánh đồng gần 2 cây
số. Má vừa nói xong tôi vụt như bay ra ruộng phía sau nhà và cứ theo bờ đê chạy
thẳng vô ruộng, nơi cha và anh tôi đang làm. Vừa chạy vừa cầu nguyện xin
Chúa giúp cho cha tôi cũng đồng ý.
Cha và
anh tôi tấy tôi chạy cách bất thường như thế này chắc hẳn là ngạc nhiên
không hiểu có chuyện gì. Khi tới nơi và sau khi nghe tôi nói, cha tôi ngừng
tay, lên bờ ruộng ngồi vấn điếu thuốc rê trong cử chỉ chậm rãi và đĩnh đạc như
thường ngày, đâu có biết là tôi vô cùng sốt ruột chờ đợi câu trả lời quyết định.
Trong gia
đình tôi, những sinh hoạt thường nhật thì má lo liệu, nhưng các việc quan trọng
bao giờ cha tôi cũng là người quyết định. Dù vậy ý kiến của chị Hai rất có ảnh
hưởng. Có mấy lần má đồng ý rồi nhưng chị Hai bảo không được là không được. Và
tôi đã phải ngậm đắng nuốt cay với chị Hai không biết bao nhiêu lần. Sau khi bật
quẹt đốt thuốc cha tôi phà khói lên trời và quay sang hỏi :
- Con có
hỏi má chưa?
Nghe cha
tôi hỏi tôi đã mừng trong lòng vì kinh nghiệm cho tôi biết là sau câu hỏi theo
nguyên tắc đó, tiếp theo sẽ là cái dấu ”Thuận” đóng bằng chữ đỏ.
- Con hỏi
má rồi, má cho nhưng bảo con hỏi nếu cha cho thì đi!
Cha tôi
nghe thế ngồi trầm ngâm rồi hỏi:
- Thầy
Quý nói đi bao lâu?
- Con
không nghe thầy nói nhưng chắc là một tuần vì trường nghỉ học 10 ngày.
Cha tôi gật
đầu:
- Ừ! Nếu
má cho thì đi!
Chúa Rất
thánh ơi! Đời tôi sao mà hạnh phúc! Tôi có cảm tưởng như vừa được bay lên 9 tầng
mây và đang nhìn xuống con người trần gian khổ ải bên dưới. Một cảm giác hạnh
phúc quá lớn vồ lấy tôi một cách bất ngờ làm tôi choáng váng. Mới có mấy tiếng
đồng hồ mà tôi nhận mấy tin động trời liền nhau, từ lời nói của thầy Quý, tới
câu nói của má, bây giờ tới câu” Ừ! nếu má cho thì đi!” của cha tôi.
Câu nói
ngắn gọn 5 chữ này có sức mạnh của một phép mầu biến thằng bé ngô nghê như tôi
trong phút chốc trở thành con người hạnh phúc nhất trần gian. Tôi vội thưa “Con
cám ơn cha” và định bốc chạy về nhà nhưng anh Năm Nhơn của tôi lúc bấy giờ
19 tuổi, đang làm ruộng với cha tôi, vác cuốc mò tới hỏi:
- Mầy đi
đâu đó hả Lễ?
- Em vô hỏi
cha cho em đi Sài Gòn!
Anh Năm
ngạc nhiên kêu lên:
- Trời!
Thiệt à? mầy đi Sài Gòn thiệt à, mà mày đi với ai?
- Thầy
Quý cho em đi.
- Mầy đi
bao lâu?
- Em
không biết nhưng chắc một tuần.
Anh Năm
nhe răng cười trêu tôi:
- Chuyến
này thì “Tư Ếch”đi Sài Gòn!”
Tôi không
trả lời nhưng bắt đầu chạy về nhà vừa nghe anh Năm nói với theo: “Nhớ coi chừng
xe cộ nghe mậy!”.
Tôi chạy,
đúng hơn là tôi bay về nhà. Nhưng tôi không trở lại con đường cũ mà lại “bay”
vòng xuống bờ kinh, hai bên là nhà dân chúng có con đường đất chạy cặp theo
sông, đường này cũng về nhà tôi được. Tôi đã có ý định trong đầu khi đi lối đi
này. Như vậy là giấc mộng đã thành sự thật. Tôi được đi Sài Gòn. Một sự thực
quá sức tưởng tượng của tôi.
Vừa cắm đầu
cắm cổ chạy, tôi thầm nghĩ không biết trên cõi đời này có ai sung sướng như tôi
hay không? Tôi nhớ tới còn quá nhiều việc phải làm, phải chạy về nhà càng nhanh
càng tốt. Nhớ lại lúc nãy anh Năm trêu tôi “Tư Ếch đi Sài Gòn” là trong một vở
tuồng trong dĩa hát máy kể chuyện ông Tư Ếch quê mùa đi Sài Gòn lần đầu. Chúng
tôi nghe mà cười muốn bể bụng vì sư quê mùa của ông Tư Ếch. Tôi nghĩ là chắc
mình không đến nỗi như ông Tư Ếch, dù gì thì tôi cũng đã được đi tỉnh Vĩnh Long
mấy lần rồi. Còn ông Tư Ếch thì từ nhỏ tới lớn toàn ở nhà quê chưa bao giờ bước
chân ra khỏi làng.
Hết cánh
đồng, tôi xuống tới bờ kinh, nơi có nhà cửa dân chúng ở cập theo hai bên con sông
đào. Sở dĩ tôi chọn con đường này tuy có xa hơn một chút nhưng vì đám bạn tôi ở
đây. Mặc dù rất gắp về nhà chuẩn bị cho kịp đi xuống nhà thầy Quý tối nay,
nhưng tôi không thể không khoe với đám bạn về tin động trời này.
Tôi ghé
vào nhà nhà từng thằng bạn và chỉ nói 6 tiếng “Ngày mai tao đi Sài Gòn” rồi lại
chạy qua nhà khác. Nếu nó không có ở nhà tôi nói với người lớn: “Thưa bác, làm
ơn nói lại với thằng Inh là ngày mai con đi Sài Gòn”. Có khi tôi còn nhờ đứa
này thông tin giùm đứa khác vì tôi không đủ thì giờ ghé nhà từng đứa, vả lại có
đứa bạn bên kia sông nữa, tôi nói:” Mầy nói giùm với thằng Bầu, tao đi Sài
Gòn”! Cứ thế tôi làm như người phát thư ghé từng nhà mấy thằng bạn và ghé càng
nhiều nhà càng tốt, nên khi tôi về tới nhà thì cả xóm trong ấp An Thành biết là
tôi sắp đi Sài Gòn. Tuy nhiên, tôi đi với ai và bao giờ đi và ở Sài Gòn
trong bao lâu thì họ không biết. Thật ra điều đó không quan trọng, quan trọng
là chuyện “Thằng Lễ đi Sài Gòn”. Một điều tôi biết chắc là mấy đứa bạn
tôi và cả rất nhiều người lớn ở xóm Cầu Đá nữa, chưa ai biết Sài Gòn là
gì và chắc là họ sẽ thèm cái hạnh phúc mà tôi đang có.
Tôi “bay”
vô nhà mồ hôi nhễ nhại, thấy má và chị Hai đang nhặt rau chuẩn bị làm cơm chiều,
tôi nói ngay: ”Má ơi má! Cha cho con đi rồi”.
Tự nhiên
chị Hai tôi làm mặt “ngầu” quay ra phán một câu chết người: “Không đi đâu hết! Ở
nhà”!
Tôi chựng
lại và đứng chết trân khi nghe câu đó. Xưa nay chị Hai vẫn là người có uy quyền.
Mặc dù tôi không nghĩ là chị vượt qua được quyết định của cha tôi, nhưng ý kiến
của chị bao giờ cũng nặng ký, tôi đâm ra lo vì không biết tôi có tội gì nặng đến
nỗi chị Hai phạt không cho tôi đi Sài Gòn. Tôi rất lo lắng vì chị Hai là người
biết những “tội” của tôi rõ nhất.
Tôi nhìn
má cầu cứu nhưng má quay mặt qua phía khác, tôi chới với nói: “Nhưng...” Chị
Hai cướp lời tôi: ”Không nhưng không nhị gì hết, mầy làm biếng và ở dơ lắm
không đi đâu hết. Ở nhà!”
Nghe nói
thế tôi mừng và đoán là má và chị Hai bàn nhau dọa tôi chứ cái tội làm biếng và
ở dơ đâu có là yếu tố cản trở tôi đi Sài Gòn. Không lẽ tất cả mọi người đi Sài
Gòn đều siêng học và trắng trẻo sạch sẽ cả hay sao? Có lẽ thấy hù tôi như vậy
đã đủ nên má lên tiếng: “Đi cắt tóc đi con, rồi về chị Hai tắm cho để còn ăn
cơm rồi đi!”
Tôi thở
phào nhẹ nhõm! Thì ra má và chị Hai thấy tôi mừng quá nên hè nhau trêu tôi cho
vui!
Tôi chạy
qua chú Sáu Vinh nhờ cắt tóc, trong lúc ngồi trên ghế tôi nói:
- Chú nhớ
cắt cho đẹp giùm nhé, ngày mai con đi Sài Gòn đó chú!
Tôi rất
sung sướng và hãnh diện khi nghe chú Sáu tôi hỏi:
- Con nói
gì? Ngày mai con đi Sài Gòn à, mà đi với ai?
- Con đi
với thầy Quý, thầy cho con theo lên Sài Gòn coi lễ Quốc Khánh!
Chú Sáu
Vinh trầm trồ:
- Con có
phước quá, chú còn chưa biết Sài Gòn là gì, mà chắc cho tới chết chú cũng không
có dịp đi Sài Gòn, nói chi mấy đứa nhỏ!
Sau đó
chú cháu tôi nói chuyện về đề tài Sài gòn cho tới khi chú cắt tóc cho tôi xong.
Tôi ngồi chỉ mong chú cắt cho nhanh một chút, nhưng chú vẫn rề rà với cái
tông-đơ rỉ sét ngâm trong dầu lửa của chú. Cái tông-đơ già nua này mỗi khi chú
bóp một đường tóc trên đầu tôi, hất tóc ra thì lần nào nó cũng “ngoạm”
thêm dăm ba sợi tóc, có khi hàng chùm giật bung cả gốc rễ lên.
Nhiều lần
tôi ngồi cắt tóc phải cắn răng chịu trận mà nước mắt chảy dài vì chú vừa cắt vừa
nhổ tóc đau không chịu thấu. Mặc dù vậy tôi vẫn phải nhờ chú cắt tóc vì chú
không lấy tiền, trong khi tới tiệm phải tốn mấy đồng. Sau khi hớt bằng
tông-đơ xong, tới màn cạo chân tóc bằng con dao thật bén chú liếc vào miếng da
nghe sột sạt trước khi cạo. Tôi sợ cái đoạn này vô cùng vì có lần không hiểu vì
chú lơ đễnh hay vì tôi ngồi không vững mà chú thẻo một mãng tai tôi, máu me
lênh láng! Vì thế lúc còn trẻ tôi rất ngán việc đi cắt tóc.
Trong lúc
tôi cắt tóc thì ở nhà chị Hai chuẩn bị mấy cái xơ dừa để kỳ cọ cho tôi. Lần đó
chị vì chuẩn bi cho tôi đi Sài Gòn nên chị kỳ cọ kỹ hơn bằng những cái xơ dừa mới
rất cứng làm tôi gần bật máu ra, đau chịu không thấu nhưng không dám kêu vì mỗi
lần kêu là ăn một cái vã vào má kèm theo câu nói nghề nghiệp của chị:” Mầy còn
la hả? Coi nè, hờm hố nè! đồ ở dơ như tù!”
Trong lúc
tôi đang tắm, có vài thằng bạn kế bên nhà tới chơi và tỏ vẻ thán phục về việc
tôi đi Sài Gòn. Đứa nào cũng dặn lên đó thấy gì về kể lại cho tụi nó nghe. Tôi
khoái chí vênh mặt lên đáp: ”Tụi mầy khỏi phải lo, tao sẽ nhớ hết và kể lại tụi
bây nghe!”
Tôi quên
nói là trong lúc chị Hai đang kỳ cọ cho tôi dưới cầu bến, có hai bà từ xóm
trong đi ngang đứng lại nói chuyện với chị Hai và họ nói có nghe mấy đứa nhỏ
cho biết ngày mai tôi đi Sài Gòn, và các bà nhìn tôi đầy vẻ thán phục và thèm
thuồng, vì con của các bà là bạn tôi. Lúc đó tôi nghĩ biết đâu trong lòng
các bà ước mơ: “Giá mà con mình được như thằng Lễ!” Nghĩ như vậy làm tôi thích
thú và nhất là qua các bà này, tôi được biết cái tin tôi đi Sài Gòn được đồn đi
rất nhanh, không phải xóm ngoài thôi mà cả xóm An Thành Tây cũng đã biết! Tôi
thích vô cùng.
Kỳ cọ
xong, anh Sáu Ngãi chở xe đạp xuống chợ Mai Phốp cho tôi lựa mua đôi săn-đan.
Đây là đôi săn-đan. Từ nhỏ tới lớn tôi vẫn đi chân đất. Tối thì rửa chân và đi
guốc vào cho khỏi dơ bẩn mền chiếu. Tôi lựa đôi màu đỏ, đế bằng cao-su trong,
đôi săn-đan thơm phưng phức mùi da mới. Tôi không biết nó có phải bằng da hay
không nhưng cái mùi đó là cái mùi tôi mới ngửi thấy lần đầu tiên và mùi thơm dễ
chịu lạ lùng! Về nhà, tôi lo xếp đồ đạc vào cái cặp da tôi dùng đi học.
Việc đầu
tiên là xếp bộ quần áo “ăn nói” gồm có một áo sơ mi trắng dài tay và một quần
tây dài màu xanh, một cái khăn rằn, bàn chải răng và thuốc đánh răng là cục
tròn như đá vôi, khi dùng thì thắm nước và mài bàn chải vào. Khi mua săn-đan
ve, tôi cũng nhét vào cặp đợi sáng mai lên xe mới mang vì ở nhà quê này có ai
mang giày bao giờ. Quãng 5 giờ chiều, má dọn cơm cho tôi ăn để anh Sáu còn chở
tôi xuống nhà thầy Quý. Tôi lên ngồi nhưng có ăn được gì đâu, chừng chị Hai nói
không ăn cơm thì:”Không đi đâu hết”, buột lòng tôi phải cố nuốt một chén cơm
cho xong chuyện.
Trên đường
xuống nhà thầy Quý, tôi chỉ mặc áo sơ mi trắng ngắn tay, quần sọt lưng thun đi
chân đất, tay xách cặp da và sau khi má cho một ít tiền tiêu, tôi khoanh
tay chào má và chị Hai và từ giã ra đi. Từ chiều tới giờ má và chị Hai thay
nhau dặn dò tôi không biết là bao nhiêu chuyện, nào là đi đường cho cẩn thận,
nào là coi chừng xe cộ, nào là phải lễ phép với gia đình thầy Quý, nào là...
Nhưng thật tình, tôi không nhớ một điều nào cả. Khi xuống tới Mai Phốp trời đã
nhá nhem tối, anh Sáu quay về còn tôi xách cặp bước vô nhà lúc thầy Quý đang sắp
xếp quần áo vào valise, tôi lên tiếng:
- Chào thầy,
cha má con cho con đi Sài Gòn rồi, con xuống nè!
Thầy Quý
có vẻ ngạc nhiên, yên lặng quay ra nhìn làm tôi nổi da gà, một lúc thầy mới hỏi:
- Thế Lễ
đi thật à?
Quỷ thần
thiên địa ơi! Sao thầy Quý lại hỏi tôi câu đó? Mới hồi trưa này thầy nói cho
tôi đi sao bây giờ lại hỏi như thế? Có gì trục trặc không? Thầy có cho tôi đi
Sài Gòn không? Tôi bàng hoàng đến điếng cả người, miệng mồm há hốc, người nóng
ran như lên cơn sốt, nghe như các lỗ chân lông hở ra! Tôi gần như té xỉu nên bước
tới vịn tay vào thành kệ sách.
Trong
phút chốc tôi thấy trời như sụp đổ vì nếu tôi không được đi Sài Gòn chắc tôi có
thể chết mất vì thất vọng và nhục nhã sau khi đã chạy khoe hết làng trên xóm dưới!
Tôi không biết là thầy Quý có hiểu được chút nào tâm trạng tôi lúc đó hay
không. Tôi gượng nói mấy lời, giọng nghe như khóc:
- Thầy!
Sáng nay thầy nói cho con đi Sài Gòn với thầy!
Sau câu
nói đó tôi đứng nhìn thầy Quý trong lúc thầy đứng yên suy nghĩ. Nếu có người
dùng lối so sánh: “Một phút dài hơn thế kỷ” thì chính là phút này. Giây phút đó
tôi hồi hộp không có thể tưởng tượng được vì hậu quả sẽ khác nhau một trời một
vực giữa cái gật đầu và cái lắc đầu của thầy Quý. Cuối cùng thầy nói:
- Thôi được!
Lễ nằm ở ghế bố đó ngủ để sáng mai dậy sớm đi, xe tài nhất lúc 4 giờ. Mà Lễ ăn
cơm chưa?
- Dạ, con
ăn rồi thầy.
Nếu chưa
ăn tôi cũng nói ăn rồi, thực tình lúc đó tôi chẳng còn mừng gì hơn . Vả lại sau
giây phút căng thẳng đó thì còn bụng dạ nào mà ăn với uống.
Nôn nao
cùng cực
Lúc này
thầy Quý ở trọ nhà ông Mười Tươi, không còn ở bên trường học như lúc đầu. Căn
nhà này khá rộng, thầy ở bên trong còn bên ngoài phía trước là văn phòng, có mấy
kệ sách và ít bàn ghế, nơi đây cũng có kê sẵn một ghế bố nhà binh chỉ vừa đủ một
người nằm. Tôi để chiếc cặp da lên ghế và lên nằm trên ghế bố theo lời thầy
nói.
Suốt đêm
đó tôi không tài nào chợp mắt được lấy một phút. Cái cảm giác kích thích và bồn
chồn vì sáng mai được đi Sài Gòn lần đầu tiên trong đời, tôi không biết phải diễn
tả làm sao cho người khác hiểu được. Tôi nằm trằn trọc, thao thức và trăn trở một
lúc rất lâu, có lẽ gần nửa đêm, thỉnh thoảng bước ra ngoài đi tiểu rồi lại vô nằm.
Khi
biết là không thể ngủ được, tôi ngồi lên thắp đèn bóng và tìm sách đọc chờ
sáng. Tôi lựa trong kệ sách của thầy và cầm lên quyển sách khá to, bìa màu đen,
giấy trắng tinh và láng “Thành tích 5 năm chấp chánh của Tổng thống Ngô Đình Diệm”.
Sách có khá nhiều hình ảnh. Tôi nằm đọc và đọc mãi vừa nghe tiếng gõ cách quãng
15 phút của chiếc đồng hồ ODO trên tường. Trước khi gõ có mấy nốt nhạc “tính tịnh
tinh tình...”phát ra trước rồi tiếng gõ sau. Tôi có cảm tưởng đồng hồ này đi
quá chậm, tôi nằm mãi mà chưa sáng.
Thầy Quý
dậy lúc 3 giờ sáng định ra đánh thức tôi, nhưng ra tới nơi đã thấy tôi dậy từ
lâu. Thầy bảo tôi rửa mặt thay đồ để ra đi cho kịp chuyến xe tài nhất chạy từ
Trà Vinh lên ngang qua đây lúc 4 giờ sáng. Tôi bật dậy như cái lò xo.
Giây phút tôi chờ đợi đã tới. Tôi lấy chiếc cặp da ra, mò tìm bàn chải và thuốc
đánh răng bước ra sàn nước bên ngoài nhà.
Lạ lùng
quá, khi tôi đứng lên lại bị chao đảo tí nữa ngã xuống. Thì ra tôi thức và đọc
sách suốt đêm làm đầu óc nóng ran lên, chao đảo và mất thăng bằng khi vừa đứng
dậy bước đi những bước đầu tiên. Rửa mặt đánh răng xong tôi cảm thấy dễ chịu và
tỉnh táo ra, vội bước vào nhà thay quần áo. Tôi cởi bộ đồ đang mặc trên người xếp
lại và thay vào bộ đồ”đi Sài Gòn“ tôi vừa lôi trong cặp ra. Bộ đồ duy nhất này
tôi chỉ mặc khi đi lễ ngày Chúa nhật mà thôi nên lúc nào cũng mới và thơm.
Tôi mặc
vào người áo trắng dài tay xong, khi mặc quần “ăn nói” vào thì mới hay là có
tai nạn! Không phải là quần của tôi mà là của anh Năm tôi! Thì ra chiều hôm qua
trong lúc mừng quá, tôi đã vô ý lấy nhầm cái quần của anh Năm tôi cho vào cặp
da .
Sở dĩ có
chuyện chết người này vì má may cho ba anh em tôi mỗi đứa một cái cái quần dài
xanh bằng vải “sạc kinh” (shark skin) màu xanh y như nhau, chỉ khác nhau kích
thước. Anh Năm tôi thì cao, và to hơn tôi nhiều. Anh Sáu tôi còn cao hơn
nữa! Khi tôi xỏ chiếc quần của anh Năm vào, nó rộng thùng thình. Tôi kéo lưng
quần lên gần tới vú mà hai ống quần cũng còn lòng thòng một đoạn dài như hai
cái vòi voi phủ cả hai bàn chân!
Tôi điếng
người trước cảnh này vội cúi xuống xắn ống lên, nhưng loại vải shark skin mình
có hột này lại mềm nhũn, bóng láng lại dầy và nặng, không làm sao có thể xắn
lên cho được. Cứ xắn lên rồi lại rơi xuống! Tôi làm thử mấy lần nhưng vô hiệu.
Chết tôi rồi! Xe Sài Gòn sắp sửa chạy, còn nhà tôi thì cách đó 2 cây số làm sao
về lấy quần khác cho kịp.
Tôi đang
loay hoay mặt mày nóng bừng, lại bất ngờ mắc tiểu mặc dù tôi vừa đi tiểu xong
lúc đánh răng. Tôi càng lính quýnh hơn khi nghe tiếng thầy Quý giục: “Xong chưa
Lễ ơi, thôi nhanh lên đi, kẻo nhỡ xe!”
Tôi cảm
thấy ù tai khi nghe tiếng thầy gọi. Không còn cách nào khác hơn tôi đánh nước
liều “Con xong rồi thầy.” và mang vội đôi săn-đan mới, cài khuy lại cẩn thận.
Khi tôi đứng lên với lấy cái cặp da thì hai ống quần phủ mất đôi săn-đan và đùn
lại một đống trên mặt đất!Thầy Quý tắt đèn bước ra, tôi vội vàng theo sau, tay
phải xách chiếc cặp da bước đi trong đêm tối. Mặc dù là sáng tinh sương bên
ngoài trời khá lạnh nhưng mặt tôi vẫn nóng bừng.
Khổ vì
cái quần
Vừa đi được
mấy bước tôi bị vướng víu lạ lùng. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi mang giày
săn-đan nên đôi bàn chân như có đeo hai dề đất sét cứng, có quay cột vào chân,
trong khi đó hai cái ống quần “ăn nói” lùng nhà lùng nhùng dư ra hàng tất phủ cả
đôi săn-đan làm tôi không thể bước đi được. Tôi cố bước theo cho kịp thầy Quý
đang rảo bước đi trước thì chân nọ lại đạp lên ống quần chân kia!
Lúc đó
tôi ngầm than thở: “Trời ơi! sao đời mình khổ! Đáng lẽ ra lúc này trong lòng
phơi phới hân hoan thì bị hai cái ống quần mắc dịch này nó hành hạ mình!”
Lúc đó tôi phải gù người xuống dùng tay trái thò xuống trước đùi túm lấy hai ống
quần kéo lên, trong khi tay phải đang cầm chiếc cập da. Trong tư thế đó, tôi
không thể nào bước nhanh được mặc dù thầy Quý đã bỏ tôi một đoạn đường khá xa.
Thấy tôi còn lò mò phía sau, thầy quay lại giục: “Lễ, đi nhanh lên, muộn rồi sợ
nhỡ xe đấy, nhanh lên tí đi nào!”
Nghe tiếng
gọi, tôi cố chạy theo thầy, nhưng cũng không làm sao chạy nhanh được trong tư
thế vừa đi vừa khòm và hai tay đang bận cả hai. Chắc lúc bấy giờ thầy Quý cũng
ngạc nhiên tại sao tôi đi quá chậm. Trong đêm thầy không thấy gì cả, nhưng nếu
thấy được cảnh đó chắc thầy sẽ cười vỡ bụng và thương hại cho thằng bé nhà quê
đang khổ vì cái quần.
Từ nhà thầy
ở ra lộ đá quãng 300 thước và phải đi qua nhà thờ Mai Phốp. Khi tới nhà thờ, thầy
đứng lại đợi tôi rồi mới tiếp tục đi. Từ nhà thờ ra đường cái chỉ một quãng ngắn
nữa thôi, bất thần tôi thấy ánh đèn xe hơi chiếu sáng rất gần, như thế là chiếc
xe tài nhất đang trờ tới, và ngay sau đó xe chạy qua. Lúc đó thầy Quý vừa chạy
theo vừa cầm đèn bấm dọi ngay xe và nâng lên hạ xuống mấy lần chủ ý gọi xe dừng
lại, nhưng đã trễ, xe chạy qua luôn trong khi thầy trò tôi cũng vừa trờ ra tới
lộ. Chúng tôi tới muộn chừng 30 giây đồng hồ!
Tôi đoán
là thầy Quý không vui, rõ ràng là tại vì tôi là nhỡ chuyến xe tài nhất. Nhưng ở
đời, có khi cái rủi ro của người này lại là cái may của người khác. Thầy Quý bị
nhỡ xe là chuyện rủi nhưng may cho tôi, nhờ đó tôi được cứu thoát. Lúc đó thầy
có vẻ tiếc, nói với tôi: ”Thôi nhỡ xe tài nhất rồi, tiếc quá vừa ra đến nơi xe
đã chạy qua. Thôi mình về nhà nghỉ vì xe tài nhì mãi tới 6 giờ mới lên” Nói
xong thầy trò tôi quay trở lại.
Vô tới
nhà, việc đầu tiên là tôi tụt ngay cái của nợ có hai cái vòi voi ra, vất lên ghế
bố! Trông nó nằm một đống dài nhằng và vô duyên như cái bao tải! Bề dài của nó
gần bằng chiều cao của tôi. Nó đang nằm ngửa nhìn tôi trong tư thế giễu cợt và
thách thức. Tôi bực quá, cầm chiếc cặp da nện lên cái quần “ăn nói” mấy cái kêu
phình phịch, miệng mắng: “Tổ cha mầy, mầy đã làm khổ tao!” Trong cơn tức bực
tôi “đánh“ cái quần mạnh quá phát ra tiếng động khá to khiến thầy Quý hỏi
vọng ra:
- Làm gì ồn
thế hở Lễ?
Tôi vội
nói tránh:
- Chẳng
có gì đâu thầy, con giũ bụi trên ghế bố ấy mà!
Thầy có vẻ
ngạc nhiên nói:
- Đầu hôm
sao không giũ, bây giờ sắp đi rồi giũ gì? Chừng về lại đầy bụi thôi!
Nghe thầy
nói tôi ngồi lặng thinh lè lưỡi !
Cởi được
của nợ ra xong, tôi mặc lại chiếc quần sọt lưng thun duy nhất vừa thay ra lúc
nãy. Mặc vào tôi thấy thoải mái, dễ chịu, mặc dù đi Sài Gòn mà ăn mặc như thế
chẳng ra làm sao nhưng không còn cách nào khác hơn. Lúc đó tôi lại nghĩ, đời
tôi thật may mắn vì được... nhỡ chuyến xe vừa rồi. Nếu không, tôi đã phải mặc
cái quần mà tôi có thể bơi trong đó được để lên xe đi Sài Gòn. Không biết là sẽ
ăn làm sao nói làm sao khi ban ngày trời sáng tỏ và lúc tôi phải bước ra khỏi
xe!
Tôi đành
phải xếp cái quần vô tích sự đó cho vào cặp da mang theo đi Sài Gòn, vì dù sao
tôi cũng phải mang về trả nó lại cho anh Năm, hơn nữa tôi cũng phải có cái gì
nhét vào cặp da, không lẽ lại mang cặp da rỗng đi Sài Gòn.
Gần tới 6
giờ sáng thầy gọi tôi ra đi. Lần này tôi bước ra đường nhẹ nhàng thơi thới
trong chiếc quần sọt lưng thun, mang săn-đan. Thấy tôi ăn mặc đơn sơ quá thầy hỏi:
- Ủa Lễ,
sao ăn mặc thế? Còn quần dài đâu?
Tôi nói
tránh đi:
- Con mặc
quần dài không quen sợ ngồi xe nóng thầy à!
Nghe tôi
nói thế thầy có vẻ ngạc nhiên, nhưng cuối cùng nói:
- Thôi mặc
thế cũng được!
Hai thầy
trò tiếp tục rảo bước. Lần này thì thầy Quý chẳng cần phải giục và cũng chẳng
phải dừng lại chờ tôi. Lúc dang đi tôi nghĩ, nếu thầy tinh ý ra sẽ tìm hiểu tại
sao lần trước tôi đi chậm mà lần này lại bước đi nhanh quá, có lúc còn vượt
qua thầy!
Xe tài
nhì là xe Tân Hòa tới đúng giờ. Lần đầu tiên tôi được ngồi trên xe Sài Gòn mà từ
trước tới giờ tôi ước ao làm sao có dịp được ngồi trên xe đó. Nhớ lại lúc cùng
bọn trẻ chăn trâu, thả trâu ăn gần lộ đá, chúng tôi hay lên lộ chơi và hay nghịch
ngợm bày trò chọi xe khi xe chạy qua. Nhưng đặc biệt là bọn tôi không bao giờ
chọi xe Sài Gòn vì thấy nó đẹp, nó sang quá làm tôi tiếc không muốn chọi sợ nó
hư.
Bây giờ
tôi đang là một hành khách trên chiếc xe đi Sài Gòn. Sau khi xe qua thành phố
Vĩnh Long thì trời đã tờ mờ sáng, tôi giương to cặp mắt quan sát cảnh vật. Từ
trước tới nay tôi chỉ tới Vĩnh Long là xa nhất, nhưng sáng hôm nay tôi sẽ còn
ra khỏi Vĩnh Long, qua bắc Mỹ Thuận và ngồi xe thêm 150 cây số nữa mới tới Sài
Gòn! Còn hạnh phúc nào hơn!
Xe qua khỏi
Vĩnh Long 9 cây số tới bắc Mỹ Thuận. Từ trước tới giờ nghe nói bắc Mỹ Thuận
nhưng tôi có biết cái cảnh người ta dùng tàu chở xe qua sông bao giờ đâu, bây
giờ mới thấy tận mắt. Vì kẹt xe nên thầy trò đi qua bờ bên kia trước. Lúc này
trời vừa mới sáng, thầy Quý bảo tôi vào quán ăn điểm tâm trong khi chờ xe tôi
qua. Khi bước vô quán kéo ghế ngồi xuống, thầy hỏi tôi:
- Lễ muốn
ăn gì?
Tôi có biết
gì đâu mà nói nên trả lời:
- Con đâu
có biết, thầy ăn gì con ăn nấy.
Thầy cười
đáp lại:
- Thế ăn
bánh bao nhé?
- Dạ
- Uống cà
phê sữa nhé?
- Dạ.
Tôi ăn
cái bánh bao nóng rất ngon, quá là ngon! Ăn xong tôi còn thèm nhưng ngại không
xin cái nữa. Chừng đưa cà phê sữa ra, tôi để ý coi thầy làm sao tôi bắt chước,
vì từ nhỏ tới giờ tôi chưa uống cà phê bao giờ. Thầy Quý uống cà phê coi rất
ngon, thấy vậy tôi cũng bưng ly hớp một hớp.
Vừa nuốt
qua khỏi cổ tự nhiên tôi không chịu được, sao cà phê đắng quá như uống thuốc bắc,
làm tôi buồn nôn. Không dằn được tôi phải chạy ra ngoài đường ngồi nôn xuống đất.
Thầy Quý thấy vậy thương tôi, bảo không quen uống thì bỏ đi. Tôi xin lỗi thầy
thì thầy nói có gì mà xin lỗi tại vì tôi chưa quen đó thôi.
Phần Một: CUỘC
ĐỜI VÀ BÓNG ĐEN
Thế giới
mới
Con đường
từ bắc Mỹ thuận lên Sài Gòn ngang qua ngã ba Trung Lương, qua cầu Long An, cầu
Bến Lức... cảnh nào đối với tôi cũng lạ mắt. Sau khi qua ngã ba Trung Lương tôi
thấy đoàn xe lửa thật dài chạy cặp theo đường lộ xe hơi, đây là xe lửa đầu tiên
tôi được trông thấy. Khi tới cầu Bến Lức, bị kẹt xe khá lâu vì phải chờ xe bên
kia qua cầu. Lúc dừng xe có rất nhiều cô gái bán khóm đã gọt sẵn và bổ thành từng
miếng, có chén muối ớt bên cạnh. Khi có người mua thì cô gái dùng cái que nhỏ
cũng làm bằng cùi khóm để quét muối ớt lên miếng khóm rồi trao cho khách.
Bà khách
ngồi kế bên tôi cắn miếng khóm có xát muối ớt làm nước từ miếng khóm chảy ra ướt
xuống tới cầm, bên này nước dãi tôi cũng tuôn ra cuồn cuộn.
Tôi quay
đi nhìn ra hướng khác vừa nghĩ giá mà thầy Quý mua cho tôi một miếng khóm chắc
tôi thích không còn gì bằng, nhưng tôi không hỏi xin thầy! Khi xe chạy vào Chợ
Lớn và sau cùng vô Sài Gòn ngừng tại bến xe Petrus Ký, tôi thực sự bị choáng ngộp.
Tôi không
thể nào tưởng tượng Sài Gòn lớn lao, tưng bừng náo nhiệt đến như thế. Nào người,
nào xe, nào hàng quán. Lúc nhìn thấy thế tôi tự hỏi không biết còn có nơi nào
trên mặt đất này to lớn và đẹp như Sài Gòn hay không. Khi chuẩn bị xuống xe, thầy
Quý dặn tôi lúc nào cũng phải đi bên thầy vì sợ tôi bị lạc.
Vừa bước
xuống, tôi thấy có người tới mang valise của thầy lên xe nhỏ đậu gần đó, tôi tưởng
đó là người nhà mang xe đón và đó là xe của thầy, tôi nghĩ:”Thì ra thầy của
mình giàu quá mà mình không biết” Trong lúc ngồi xe, thầy chỉ tôi Dinh Độc Lập,
Nhà thờ Đức Bà, sở thú Sài Gòn, cầu Thị Nghè, đó là 4 nơi tôi biết đầu tiên khi
vừa đặt chân tới thủ đô Sài Gòn mà người ta gọi là Hòn ngọc Viễn Đông này. Chừng
qua tới cầu Sơn bên kia Thị Nghè, xe rẽ trái vào chủng viện Xuân Bích, thầy trò
xuống xe, thầy móc bóp trả tiền và xe chạy, tôi hỏi, thầy cho biết đó là Taxi.
Tôi biết Sài Gòn có xe Taxi từ lúc đó.
Sau khi
thầy Quý lo một vài công việc, gần trưa chúng tôi về nhà người chị của thầy ở
Xóm Mới, quận Gò Vấp. Vô tới nhà và được nghỉ ngơi, tôi mừng vô hạn vì khi đi
được một đoạn đường thì hai bàn chân tôi bị quay giày săn-đan cọ rách da, chảy
máu. Hai bên ngón chân út cũng bị mềm nhũn như hai trái chối chín và chảy máu
đau đớn quá chừng. Thật không gì khổ cho bằng mang giày lần đầu. Nếu hồi sáng,
lúc cởi được cái quần “vòi voi” ra coi như bỏ được của nợ thì lúc này cởi được
đôi săn-đan ra tôi coi như cởi được hai cái gông cùm.
Chiều hôm
đó trong nhà làm cơm có món ốc bưu xào với chuối xanh và lá tía tô. Lần đầu
tiên tôi mới biết món người Bắc này và ăn rất ngon miệng. Lối sống của người Bắc
có những cái rất hay. Năm 1954 khi người Bắc di cư vô Nam có một số khá đông về
tạm cư trong họ Bưng Trường và cũng có mấy gia đình ở trọ nhà tôi, nhưng lúc bấy
giờ tôi còn nhỏ, chưa biết nhiều về người Bắc, lúc đó nghe giọng nói hơi khác lạ,
tôi lại tưởng họ là người nước nào tới không phải là người Việt Nam.
Thầy Quý
có người cháu trai tên là Hán, anh lớn hơn tôi 3 tuổi và đang học lớp đệ tứ.
Hán sang chơi với tôi và suốt trong thời gian tôi ở Sài Gòn anh đưa tôi đi đây
đó. Có điều buồn cười là người Nam chúng tôi đọc chữ “Hán” ra chữ “Háng”, nên
tôi không dám gọi tên anh, chỉ gọi là anh Ba, theo cách gọi của người Nam. Lúc
đó tôi lại nghĩ thầm:”Sao anh Ba có cái tên kỳ quá! người miền Nam chúng tôi chẳng
bao giờ có người tên là Hán cả!”
Đêm đó
tôi ngủ ngon vì thức trọn đêm trước và đi đường xa mệt và thêm hai bàn chân bị
đau như dần. Sáng ngày thức dậy đã thấy anh Ba ngồi đợi để đưa tôi đi chơi. Thức
dậy, tôi nghe hai bàn chân ê ẩm và đau nhức mặc dù mấy chỗ rách da chảy máu hôm
qua đã đóng mày đen. Tôi biết không thể nào mang săn-đan được, nên cúi xuống
sàn giường định tìm đôi giày gói giấy cất đi, đợi khi nào chân hết đau sẽ mang.
Chừng cầm đôi san-đan lên thì hỡi ôi!
Đêm qua
con chuột chết tiệt nào đã đánh mùi máu tới cắn đứt hết các chỗ có dính máu
trên quay săn-dan. Tôi nhìn đôi giày mới toanh bị đứt hết các quay nằm há mồm
dưới đất nhìn lên cách đau khổ khiến tôi vừa tiếc của, vừa buồn cười lại vừa giận
con chuột rủa thầm: “Mẹ, con chuột khốn kiếp! Ông mà rớ được mầy, ông bẻ cho mầy
gãy không còn cái răng!”Từ đó Hán cho tôi mượn đôi guốc và tôi mang guốc suốt
những ngày tôi đi dạo phố ở thủ đô Sài Gòn
Nhờ có
Hán dẫn đi chơi, tôi được vào thăm khá nhiều nơi như sở thú, chợ Bến Thành, Nhà
thờ Đức Bà, Bến Bạch Đằng, trường đua Phú Thọ, hội chợ Thị Nghè... và nhiều nơi
khác nữa. Trong dịp đó tôi được trông thấy Tổng thống Ngô Đình Diệm đi
duyệt binh trong ngày Quốc khánh 26 tháng 10 và cũng chứng kiến cảnh người ta
chen nhau chạy sau khi cây cầu nổi bắt ngang sông Thị Nghè trong dịp hội chợ bị
sập trong đêm làm khá nhiều người bị chết đuối.
Tôi cũng
ghi nhớ cảnh sở thú Sài Gòn và những giống thú mà từ xưa giờ chỉ được coi trong
hình. Điều này làm tôi vô cùng thích thú vì ngoại trừ con voi là tôi đã có dịp
thấy qua trong lần những người bán thuốc cao đơn hoàn tán cỡi voi tới chợ Mai
Phốp quảng cáo thuốc, ngoài ra tôi chưa bao giờ thấy qua các giống thú lạ và to
như sư tử, cọp, gấu, beo, cá sấu...
Tô phở đầu
đời
Cũng
trong dịp đi Sài Gòn đó, tôi được Hán dẫn đi ăn tô phở lần đầu tiên trong đời.
Tôi còn nhớ buổi sáng hôm đó Hán chở tôi trên xe đạp tới nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu
Giúp ở đường Kỳ Đồng. Sau khi viếng nhà thờ, chúng tôi ra bên ngoài rào nhà thờ,
nơi có một xe bán phở bên lề đường, gần bên có mấy cái bàn nhỏ và thấp với mấy
cái ghế gỗ nhỏ xíu cao hơn mặt đất chừng 10 phân mà miền Nam chúng tôi gọi là
ghế bán cá, tức là các bà bán cá ngoài chợ thường dùng. Hán gọi hai tô phở tái.
Khi tô phở
mang ra cùng với đĩa rau có ít ngò gai, húng quế và chanh, ớt... tôi nghe mùi
thơm rất lạ và hấp dẫn mà lần đầu tôi mới được biết. Vừa ngửi mùi là nước miếng
tôi bắt đầu ứa ra, trong khi Hán giúp tôi các thủ tục trước khi ăn phở. Anh biểu
diễn một cách thành thạo nhưng chậm rãi các động tác như nhặt gò gai, húng quế,
vài cọng giá sống phủ lên mặt tô phở đang nghi ngút khói, không quên vắt miếng
chanh vào.
Tôi tưởng
như thế đã xong vì lúc này nước miếng tôi đã gần đầy trong miệng và tay phải
tôi đã cầm sẵn đôi đũa tre như một kiếm sĩ cầm giáo nơi tay sẵn sàng chiến đấu.
Đôi mắt tôi mở to đang theo dõi từng động tác nhỏ nhất của đôi tay Hán. Tôi đã
mất hết kiên nhẫn của một thằng bé nhà quê lần đầu tiên được ngửi hương thơm của
một món ăn đầy hương vị mà cả đời chưa bao giờ được nếm qua, nhưng Hán lại quá
vô tình không hiểu được tâm trạng tôi lúc đó. Tôi đang chờ đợi anh ban hiệu lệnh:
”Rồi đó Lễ, ăn đi em”, thì ngược lại anh ta dừng tay ngước lên bắt gặp đôi mắt
của tôi đang mở to gần bằng... tô phở đang nhìn... tô phở, anh hỏi:
- Lễ có
ăn được ớt không?
Tôi chẳng
để ý nghe câu hỏi của anh vì lúc bấy giờ tất cả tâm trí tôi đang vướng bận về
chuyện khác. Tôi vội trả lời một câu mà sau này mỗi lần nhớ lại tôi vẫn còn cảm
thấy xấu hổ:
- Xong
chưa anh? Em không cần gì đâu, em ăn như vậy được rồi!
Tôi ấp
úng câu nói đó trong khi cố giữ không cho nước miếng tràn ra khỏi miệng nhưng
Hán vẫn vô tình không hiểu điều đó. Có lẽ vì Hán nghĩ là ai cũng như anh đều có
thể “bình thản” trước một tô phở tái mới vừa bưng ra đang bốc mùi tỏa hương
thơm ngào ngạt.
Sau câu
trả lời lạc đề đó của tôi, tôi tưởng là cuộc tra tấn đã chấm dứt, nào ngờ Hán vừa
từ tốn đặt miếng võ chanh lên mặt bàn, vừa cho tay vào túi quần tây lôi ra chiếc
khăn tay màu cháo lòng đã nhàu nát và cẩn thận chùi đi chùi lại các ngón tay
còn dính mấy tép chanh chỉ to bằng con kiến, vừa rề rà giải thích cho tôi biết
là ăn phở phải có tí ớt mới “sướng!”
Trong khi
anh đang say sưa với bài giáo khoa nhập đề khá dài về cách ăn một tô phở, nhưng
không một tiếng nào lọt được vào tai tôi, tôi liếc nhìn qua chiếc bàn con bên cạnh
thấy một cô gái trạc bằng tuổi tôi ngồi một mình đang xì xụp chiến đấu với tô
phở bốc khói, mặc dù cô bé gọi phở sau chúng tôi. Thỉnh thoảng cô bé đưa khăn
tay lên xì mũi có lẽ vì ăn phải ớt. Cảnh này càng làm tôi thêm sốt ruột!
Lúc này
tô phở của tôi vẫn còn bị Hán giam giữ trước mặt anh và nằm sóng đôi với tô phở
của anh chưa qua “thủ tục” ngò gai, húng quế... Tôi bực mình nhìn vào mặt của
Hán, thấy anh ta thật đáng ghét vì tật nói dai. Lúc bình thường đi chơi với
tôi, khi cần giải thích về khung cảnh Sài Gòn cho tôi nghe thì anh lại câm như
hến, không hiểu mắc chứng gì mà lúc này anh lại nói, và còn nói dai nữa. Rồi cuối
cùng Hán cũng ban cho tôi một ân huệ khi anh đẩy tôi phở qua trước mặt tôi sau khi
cẩn thận nhét chiếc khăn tay phải gió của anh vào túi quần.
Tôi đưa cả
hai tay ra, run run đón lấy tôi phở có phủ lớp rau bên trên mà tôi biết là sẽ rất
ngon mặc dù tôi chưa nếm qua. Lúc này tôi chẳng còn để ý tới những gì chung
quanh, thế giới của tôi bây giờ bị thu nhỏ lại chỉ to bằng... tô phở tái.
Tôi kéo dịch cái ghế bán cá lại gần chiếc bàn cho đúng tầm và không kịp đưa tay
làm dấu thánh giá như thói quen từ nhỏ tôi được dạy là bao giờ cũng phải làm dấu
trước khi ăn, tôi cúi xuống kề miệng vào thành tô húp một chút nước súp của tôi
phở. Một cảm giác đê mê chạy rần vào thân thể sau khi đầu lưỡi tôi chạm với loại
nước súp ngon một cách lạ lùng này. Nếu có ai nhìn sẽ cười tôi về cữ chỉ kề môi
húp phở đó.
Thật ra
không phải vì tôi quá thèm mà ăn uống cách bất lịch sự như vậy, nhưng vì lúc đó
trong miệng tôi đã đầy nước miếng nếu tôi mở miệng sẽ tràn ra ngoài nên lý do tại
sao tôi kê môi vào húp thẳng vào tô phở đó chỉ có một mình tôi biết và tự tha
thứ cho chính mình. Ngụm nước súp là tôi hừng chí! Vừa định cho đũa vào tô phở
chợt tôi lại nghe cái giọng đáng ghét của Hán từ bên kia bàn:
- Ấy! Lễ,
anh chưa cho tương, từ từ đã! Đợi anh cho tương vào. Ăn phở mà không có
tương mất hết vị.
Tôi bị chặn
lại trong giây phút bất ngờ nhất nên vừa bực mình vừa xấu hổ nhưng đành phải rụt
tay lại ngồi chờ trong khi Hán đưa tay với lấy cái ống bằng nhựa to bằng cổ
tay, đen sì sì và đầy cáu ghét nằm ở góc bàn. Trên miệng ống có cái vòi rỗng ruột
như cây đinh ở đầu được cắt bằng, lộ ra một cái lõ nhỏ bằng cây tăm mà tôi biết
đó là cái lọ đựng tương. Hán với tay ngang bàn cầm dốc ngược lọ xuống chỉa cái
vòi vào tô phở của tôi và bóp phần trên cái lọ nhựa trong sự chờ đợi đã mất hết
kiên nhẫn của tôi.
Hán cứ
bóp... bóp... và bóp mãi nhưng không có mộ thứ gì chui ra khỏi cái lỗ ở đầu chiếc
vòi. Cuối cùng chỉ có tiếng gió xì xì vọt ra, thì ra lọ tương đã rỗng tự bao giờ.
Hán có vẽ thất vọng, lộ chút bực mình và có lẽ cũng vì mất mặt với tôi nên trút
cơn giận lên bà chủ đang lúi húi ở chiếc xe phở có mấy người khách đang
bao vây. Hán cao giọng:
- Bà chủ
này! Tương đã hết thì còn để lọ đây làm gì? Dẹp đi! Cho lọ tương khác đi.
Giọng của
Hán rõ ràng là mất lịch sự như muốn ra lệnh. Nhưng người đàn bà dường như không
nghe hoặc là cố ý không nghe, trong khi đôi tay của bà hết chụp cái này bóc cái
khác liên hồi trên chiếc xe bán phở nhỏ nhưng đông khách. Không thấy hồi âm, giọng
Hán chuyển sang một cung cao hơn:
- Bà chủ!
Còn tương không? Cho một lọ đi chứ, tôi gọi bà không nghe à?
Bà chủ
vẫn cúi đầu và bận rộn với số khách đang đứng gần nhìn hau háu vào đôi tay
thành thạo của bà đang chuẩn bị các tô phở cho họ. Thấy tình thế có vẽ căng tôi
nói với Hán:
- Thôi kệ
đi anh, ăn phở không có tương cũng được mà! Mất vị chút có sao đâu.
Vừa nói
tôi vừa xỏ đũa vào tô phở đang nằm trước... miệng, trong tư thế mời gọi gọi vô
cùng hấp dẫn. Hán vội đưa tay chận tay cầm đũa của tôi lại:
- Không,
chờ tí nữa, có ngay ấy mà. Ăn phở mà không có tương còn ra gì!
Một lần nữa
tôi bị khựng lại. Lúc này tôi nghĩ không phải vì Hán câu nệ vào tô phở có tương
hay không, nhưng có lẽ vì anh muốn ăn thua đủ với bà chủ hàng phở không để ý lời
anh gọi xin tương đã hai lần. Có lẽ thấy ngồi tại chỗ không ăn thua, Hán
đứng lên bước thẳng lại xe và xẵng giọng nói với bà chủ:
- Bà chủ
cho tương đi. Tôi gọi hai lần rồi bà không nghe à!
Người đàn
bà trẻ đang bận tay không quay lại nhưng nói nhẹ nhàng:
- Cậu làm
ơn coi bàn nào có lấy hộ tôi. Tôi đang bận tay quá, cậu thông cảm.
Mấy người
khách đang đứng bên quay lại nhìn Hán. Nghe nói thế Hán nhìn quanh và bước
lại bàn có cô bé ngồi một mình lúc nãy. Anh làm hiệu xin mượn lọ tương, cô bé
đang ngồi xỉa răng mỉm cười và gật đầu.
Vừa gắp
miếng phở đầu tiên vào miệng tôi nghĩ trong lòng: “Lạy chúa tôi ơi! trên đời
này còn có món gì ngon như thế này nữa hay không”? Lúc đó tôi chợt nghĩ chắc là
ngày xưa các vua chúa và những người giàu sang quyền quý nhất trên đời lúc nào
cũng ăn phở. Ăn phở 365 ngày trong năm! Và lạ lùng thay, tô phở mà tôi ăn khi
ngồi bệt xuống trên chiếc ghế bán cá sát mặt đất bên lề đường Kỳ Đồng đó là tô
phở ngon nhất mà sau này dù có ăn phở ở đâu tôi cũng không bao giờ có lại được
cái cảm giác tuyệt vời như thế.
Những cuộc
“họp báo’’
Sau một
tuần lễ ở Sài Gòn, tôi trở về quê một mình trong khi Thầy Quý ở nán lại thêm mấy
hôm. Trên chuyến xe về tôi vẫn mặc chiếc quần sọt duy nhất đó, chân mang
guốc vì đôi săn-đan mới mua và mang chỉ có một lần đã “bỏ xác’ ở Sài Gòn. Tôi
cũng tiếc cho đôi giày mới nhưng khi nghĩ là chuyến đi Sài Gòn đó đối với tôi
thật quý báu không gì sánh bằng, nên dù có mất đôi giày cũng chẳng có gì là thiệt
thòi. Vả lại tôi chỉ cần mang giày cho chuyến đi, còn chuyến về này thì cần gì,
mang gì chẳng được, có đi chân đất cũng không sao vì về tới quê là tôi lại bắt
đầu đi giày da, nhưng là da của hai bàn chân mình!
Khỏi phải
nói, khi nhập học lại sau kỳ nghỉ Quốc Khánh năm đó, tôi tự nhiên trở thành
“trung tâm của Mai Phốp!” Đám bạn trong lớp cả trai lẫn gái vây quanh tôi hỏi
chuyện. Tôi đã “họp báo” hàng tháng trời nhưng vẫn còn chuyện nói về chuyến đi
Sài Gòn và đám bạn cứ há hốc mồm ra ngồi nghe, thái độ của các bạn càng làm tôi
hừng chí nói hăng hơn. Những cuộc “họp báo” như vậy tôi đã dợt trước với nhóm bạn
chăn trâu với tôi ở Cầu Đá rồi.
Tôi cố gắng
kể lại thật chi tiết và trung thực những gì tôi nghe và thấy trong chuyến đi lịch
sử. Chỉ có chỗ nói về sở thú Sài Gòn và mấy con thú như sư tử, cọp, gấu
thì tôi cố ý nói nó... to hơn một chút cho tụi bạn ngán chơi.
Thí dụ
như con sư tử to bằng con bê thì tôi nói bằng con... bò nhỏ! Mặc dù con bò nhỏ
và con bê cũng là một nhưng tôi có cảm tưởng khi nói con bò nhỏ nghe như to hơn
con bê! Tôi cũng kể với nhóm bạn học là tôi có coi chiếc tàu chiến rất lớn là
tàu “Saint Paul” của Mỹ cặp bến Bạch Đằng trong dịp lễ Quốc Khánh, và khi Tổng
thống Ngô Đình Diệm xuống thăm thì tàu có bắn 21 phát đại bác chào mừng. Có đứa
con gái chen vào hỏi:
- Chiếc
tàu chiến lớn như thế nào hả Lễ?
Thật tình
tôi cũng chẳng biết nó lớn như thế nào, nhìn qua ngó lại tôi nói:
- Nó lớn
như cái nhà thờ kia kìa!
Đứa con
gái nghe vậy lè lưỡi tỏ vẻ kinh ngạc, trong khi tôi tự hỏi là tôi so sánh như vậy
có thực sự đúng không. Một chiếc tàu chiến của Mỹ thì lớn hay nhỏ hơn cái
nhà thờ, tôi cũng không biết nhưng lúc đó chỉ có cái nhà thờ là lớn nhất trong
làng nên tôi dùng nó để so sánh. Có vậy thôi!
Hai vị
Linh mục
Cuối năm
1957, cha Lê Vĩnh Trình, sau 17 năm ở họ đạo Mai Phốp được đổi đi về coi xứ đạo
Cái Bông trong tỉnh Bến Tre và cha Nguyễn Văn Tỏ từ Trà Ôn về thay. Sự thay đổi
này vô tình cũng đã ảnh hưởng tới cuộc đời tôi rất nhiều, cả về mặt tôn giáo lẫn
việc học hành.
Cha Trình
và cha Tỏ khác nhau về nhiều phương diện. Sự tương phản quá nhiều về con người
và lối sống của hai vị Linh mục mà tôi biết đầu tiên trong đời này đã để lại
trong tôi những ấn tượng rất sâu xa. Cha Lê Vĩnh Trình như tôi đã nói là con
người oai phong lẫm liệt, thân hình chắc nịch, thích chơi bóng đá, dáng đi đường
bệ, lối sống thượng lưu quý phái theo kiểu tây.
Lúc đó
cha Trình tóc bạc hoa râm và húi cao, đầu chải rẻ ba và tôi thấy chú Út Thông ở
gần nhà thờ tới cắt tóc cho cha Trình mỗi tuần một lần đúng vào chiều thứ Bảy.
Vì lớp học của tôi nằm ngay sau nhà bếp của cha Trình nên tôi thấy và nhớ rất rỏ
việc đó. Vả lại lúc bấy giờ mỗi lần thấy như vậy tôi còn thầm nghĩ: “Ông này có
phước thật, được vò đầu cha Trình là người tôi sợ như ông trời!” Những lúc
không mặc áo chùng đen thì ngài vận đồ sọt, nhìn vào đã thấy khỏe mạnh và oai vệ.
Ngược lại
cha Nguyễn Văn Tỏ gầy còm, ốm yếu như một người đàn bà không đẹp, có thân hình
mỏng, tóc đen và dài chải ngược về sau nhìn từ xa như lúc nào cũng đội bê rê
đen! Chẳng những thế, ngài còn bị chứng bệnh thịt dư trong mũi, và cách quãng
chừng 5 phút một lần phát ra âm thanh rất lạ 4 tiếng đi liền nhau từng đôi một
“khẹt khẹt... khẹt khẹt”, sau đó đưa khăn tay lên xì mũi một thôi một hồi!
Ngay từ
lúc đó tôi đã nghe người ta gọi ngài là “cha Tỏ khẹt”. Dĩ nhiên là chỉ gọi sau
lưng ngài. Cha Tỏ bước đi nhanh nhẹn và nhẹ nhàng thư thái như một dáng đi con
mèo. Lúc nào không vận áo chùng thâm thì là chiếc áo khẩu đen và quần lãnh theo
kiểu các Mệ người Huế. Cha Trình ra khỏi giáo xứ bằng một đoàn xe hơi và rất
nhiều người đưa tiễn, cha Tỏ cỡi xe máy dầu tới nhận xứ. Khi tới họ đạo Mai Phốp
này, cha Tỏ mang theo gia đình ông từ Quan với mấy đứa con trai trạc bằng tuổi
tôi. Ông từ Quan và những đứa con của ông cũng bệ rạc không kém gì ông chủ của
họ.
Nói tóm lại,
hai vị linh mục này là biểu tượng điển hình của sự oai vệ và sự yếu đuối. Chính
vì thế tôi không ngạc nhiên khi thấy sự tương phản về lối sống và tư cách và lối
hành sử công việc của hai con người nắm quyền uy tôn giáo trong họ đạo tôi sống
lúc bấy giờ. Việc này có ảnh hưởng tai hại tới đầu óc của một chú bé 14 tuổi
như tôi.
Điều làm
tôi ngạc nhiên tới sửng sốt là ngay trong ngày Chúa nhật đầu tiên sau khi về nhận
họ đạo, tôi đã nghe cha Tỏ lên tòa giảng đả kích cha Trình một cách thậm tệ và
công khai không cần úp mở! Cha Tỏ nói cha Trình ra đi đã vơ vét hết của cải
trong họ và cả bàn ghế trong nhà xứ! Giọng cha Tỏ rất bực tức, càng bực tứ thì
càng ”khẹt khẹt... khẹt khẹt.”nhiều hơn. Đó là một bài giảng rất hùng hồn của
cha Tỏ để cổ vũ cho sự... lỗi đức bác ái!
Mấy ngày
sau tôi thấy xuất hiện những chiếc ghế đai vô cùng quái dị được ghép bằng những
tấm ván sù sì của các thùng đựng sữa, đóng đinh vào rồi đưa ra ngồi! Những chiếc
ghế “dã chiến” này được thay thế hết những chiếc ghế đẹp trong nhà cha sở và
hàng ghế giữa trong nhà thờ dành cho Ban Quới Chức. Có nhiều người khách khi tới
thăm cha Tỏ ra về bị rách quần vì những cây đinh lởm chởm còn sót lại trên mặt
“ghế” trong nhà cha. Lúc đó, tôi chưa biết được các việc của Linh mục với
nhau nhưng cách cha Tỏ hành động có ý hạ bệ cha Trình đó tôi thấy nó tác hại
cho chính cha Tỏ trước tiên, kế đó nó tác hại cho tôi và tôi nghĩ là cho rất
nhiều người.
Kế đến là
việc có liên quan trực tiếp tới tôi trong lần cha Tỏ xuống thăm học sinh của
trường trung học Minh Đức chúng tôi mấy ngày sau khi về làm cha sở. Vì biết trước
cha Tỏ rất hận cha Trình, mà trường trung học này là công sức của cha Trình gầy
dựng nên thầy Quý đã cẩn thận căn dặn chúng tôi phải tỏ ra lễ phép và kính trọng
cha Tỏ đúng mức để cha còn thương và lo cho trường học. Thầy cũng nói cho những
học sinh nào chưa biết cha Tỏ là ngài có tật khẹt khẹt vì có thịt dư trong mũi,
đừng có lấy làm lạ vì chuyện đó và nhất là đừng có cười!
Quãng 3
giờ chiều, học sinh cả hai lớp đệ thất và đệ lục chừng hơn một trăm, chen chúc
đầy trong phòng học lớn và nôn nao đợi thầy Quý và thầy Công hướng dẫn cha sở mới
vào. (Lúc này thày Công xuống dạy thay cho thầy Huấn đã về lại Sài Gòn) Nhìn
ra, tôi thấy cha Tỏ mặc áo khẩu đen, quần lãnh, chân mang dép, có hai thầy đi
bên cạnh trong cung cách khép nép và cố gắng bày tỏ sự kính nể cha sở mới.
Khi cha Tỏ bước vào lớp, chúng tôi vỗ tay chào mừng.
Thầy Quý
mời cha hiệu tưởng bước lên bục, hai thầy đứng bên dưới. Thầy Quý thay mặt học
sinh toàn trường chào mừng cha hiệu trưởng mới và xin cha thương, lo lắng cho học
sinh. Thầy Quý nói ngắn gọn và thành khẩn. Khi cha Tỏ vừa đáp lời thì tai nạn xảy
ra! Khi ngài vừa nói được mấy lời thì ”khẹt khẹt... khẹt khẹt...!” Trong khung
cảnh trang nghiêm đó bọn học sinh chúng tôi không đứa nào nhịn cười được! Tôi
đưa tay lên bụm miệng cố gắng nín cười, ngó qua thấy nhiều đứa cũng làm như
tôi, có đứa còn dùng răng cắn môi dưới thật chặt trong khi đôi vai đang run mạnh
vì sự dồn nén của cơn buồn cười.
Lúc đó thầy
Quý tái mặt đi và nhìn chúng tôi trừng trừng mặc dù môi thầy cũng đang chúm
chím cười nhưng cố nén xuống. Từ thầy tới trò ai cũng biết lúc bấy giờ cười là
tự sát nên bằng mọi giá phải... nuốt xuống.
Nhưng khổ
nỗi, con vi trùng cười rất thích tấn công vào khung cảnh trang nghiêm. Hình như
lúc đó con vi trùng cười đã xâm nhập và làm chủ toàn bộ hệ thống thần kinh của
hơn trăm học sinh và 2 thầy giáo của chúng rồi, nên sau đợt “khẹt khẹt... khẹt
khẹt” thứ hai, cả đám chúng tôi vụt phá lên cười ầm ĩ. Cả thấy Quý là người
đã căn dặn chúng tôi đừng cười, bây giờ cũng cười, thầy Công cũng cười mà có vẻ
còn cười dữ dội hơn bọn học sinh chúng tôi. Cha Tỏ phẫn nộ quát: “Thôi! Đủ rồi!”
và bước xuống bệ ra khỏi lớp đi thẳng trở lên nhà xứ!
Cha Tỏ vừa
ra tới sân, trong này chúng tôi tự nhiên im bặt. Thầy trò tái mặt đứng chết
trân nhìn nhau một giây rồi lại... phá lên cười! Lần này thì trận cười càng dữ
dội hơn, thoải mái hơn to tiếng hơn và hình như ai cũng nghĩ là đàng nào thì
tai nạn cũng đã xảy ra nên cười một trận cho nó đã để tống ra hết những con vi
trùng cười tự nãy giờ đang gậm nhấm tâm can và làm chúng tôi tức ruột không chịu
được. Thầy Quý mặt mày méo xệch, đưa tay gở kiếng ra lau nước mắt vì cười, thầy
Công cũng làm vậy và trong bọn học sinh chúng tôi cũng nhiều đứa đưa tay quệt
nước mắt vì hậu quả của trận cười muốn vỡ cả bụng vừa rồi.
Phải mất
chừng 15 phút sau, trong lớp mới chấm dứt tiếng cười cuối cùng. Thật là một tai
nạn khủng khiếp vừa xảy ra nhưng thầy Quý không trách chúng tôi được vì chính
thầy cũng cười. Sau khi được trận cười no nê, thầy Quý kêu chúng tôi ngồi yên để
nhận định tình thế và tìm phương cứu chữa. Tôi thấy thương cho thầy Quý lúc bấy
giờ bị lâm vào tình trạng quá khó khăn khi thầy chọn ra 5 em trong đám học sinh
để cùng với thầy làm thành một “phái đoàn” lên xin lỗi cha sở! Tôi cũng được thầy
chọn vào thành phần phái đoàn, có lẽ vì tôi cười hăng nhất.
Khi phái
đoàn sứ giả ra đi, tự nhiên tôi liên tưởng tới phái bộ ...Phan Thanh Giản được
vua Tự Đức cử đi qua Pháp xin chuộc lại 6 tỉnh miền Tây hay miền Đông Nam Phần
gì đó trong bài học lịch sử mà lúc đó tôi còn nhớ lõm bõm chỗ đặng chỗ mất.
Không hiểu tại sao lúc đó tôi lại nghĩ sứ mệnh của phái bộ Phan Thanh Giản lại
dễ dàng hơn công việc của phái bộ... Bùi Sinh Quý!
Khi “phái
bộ” chúng tôi lên gần tới nhà xứ, trống ngực tôi đánh liên hồi, vì ngoài nhiệm
vụ khó khăn trước mắt, tôi còn rất hồi hộp khi sắp được bước vào một ngôi nhà
mà suốt thời cha Trình còn ở đây tôi chưa được bước chân vào bao giờ mặc dù
chính tay tôi, cùng với các học trò, đã ôm không biết bao nhiêu gạch đá để
xây ngôi nhà đó. Ngôi nhà cha sở được xây trên một nền bằng đá xanh khá cao và
chúng tôi bước lần theo các bậc tam cấp lên tiền đường.
Sau khi
hàng ngũ chỉnh tề, thầy Quý cầm cái chuông nhỏ lắc ba tiếng rồi bỏ chuông xuống
đứng chờ. Lúc bấy giờ con muỗi bay ngang cũng nghe được và trong lòng tôi nghĩ
lần này thì cha Tỏ “khẹt khẹt” như lúc nãy hoặc hơn thế nữa chúng tôi cũng
không cười, hay đúng hơn là không còn có sức để cười nữa. Một lúc sau cha Tỏ từ
trong nhà bước ra trên mặt vẫn còn phảng phất cơn tức bực. Thầy Quý nói lời xin
lỗi, cha nói: “Được rồi, chúng con về đi, cha đang mệt muốn nghỉ một chút. Khẹt
khẹt!”. Thế là phái đoàn chúng tôi ra về tay không .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét