Tầng Đầu
Địa Ngục (1)
Người ta
thường nói:“Sống lâu lên lão làng!” Tôi cũng đã có lần thuộc dạng “lão làng”
vào năm 1982, sau khi nằm liên tiếp 3 năm trong nhà kỷ luật trại tù Thanh Cẩm.
Với cái vốn thời gian đó, tự nhiên tôi trở thành “đại ca” trong khu kỷ luật lúc
bấy giờ.
Kể từ khi
tôi bị đưa lên cùm chân sau vụ vượt ngục bất thành ngày 2 tháng 5, 1979 cho tới
lúc này, tôi cứ quanh đi quẩn lại trong 6 buồng của khu nhà kỷ luật. Tôi giữ
vai trò người quản gia, trong khi các người tù khác chỉ là những khách vãng
lai. Có người trụ lại một thời gian khá lâu đến hàng năm trời, nhưng cũng có những
người ngắn hơn, lên đây một thời gian chừng vài tháng hay tuần hoặc vài ngày rồi
trở xuống dưới “làng”. Cũng có người xuống “làng” ít lâu rồi lại lên khu kỷ luật
như dân Âu Châu đi nghỉ hè ở vùng bờ biển hàng năm! Riêng tôi đã 3 năm rồi,
nhưng chưa được đi “nghỉ hè” lần nào. Cũng chính vì được tiếp xúc với nhiều đợt
tù kỷ luật, chính trị cũng như hình sự, nên yếu tố “lão làng” của tôi được nhiều
người biết tới.
Nếu yếu tố
“lão làng” không mang ý nghĩa gì đặc biệt đối với nhóm tù chính trị thì ngược lại
nó là vấn đề quan trọng, đôi lúc là nguyên tắc sống còn đối với những người tù
hình sự. Nên biết điều này, giữa những người tù hình sự với nhau, sự kiêng nể
các “đại ca” đã trở thành một thứ luật bất thành văn trong tù. Có những anh vì
coi thường hoặc chểnh mảng việc tuân giữ quy luật này nên đã phải trả giá rất đắt.
Suốt 4 năm qua tôi đã phải sống lăn lộn với tù hình sự từ trại Cổng Trời về
đây, nên đã có dịp chứng kiến nhiều trường hợp trả giá đó. Tùy theo mức độ nặng
nhẹ khác nhau của các hình thức vi phạm nguyên tắc mà các tù nhân vi phạm bị “đại
ca” ra hình phạt tương xứng theo luật giang hồ tù.
Nếu chỉ để
cảnh cáo hoặc áp đảo tinh thần những “lính mới” để bắt phải đi vào khuôn phép
thì chỉ cần sử dụng “chưởng”[1], hoặc “bẻ ngà”[1]. Trường hợp nặng hơn thì bị
“lấy cặp pha”[1], hoặc “xin cặp nạng”[1]. Trường hợp nghiêm trọng và phải bảo vệ
chỗ đứng thì đối phương sẽ được “cất”[1]. Những người tù hình sự có loại ngôn
ngữ riêng bằng tiếng lóng. Gần như tất cả mọi người đều có một tên đệm kèm theo
tên riêng. Và có một điều dường như ai cũng có thể biết được là họ chửi thề
luôn miệng!
Hiện tượng
“ma cũ ăn hiếp ma mới” trong giới tù hình sự là điều rất phổ biến và tự nhiên
trong tù. Chắc hẳn nhiều người đã được nghe kể, và hơn nữa đã đọc những sách viết
về đời sống ngục tù đề cập tới hình thức “tìm chỗ đứng” của các tù nhân cũ. Những
anh tù mới vừa bước vào buồng sẽ bị những người cũ áp đảo bằng một trận đòn mềm
người và bị bắt buộc phải khuất phục dưới trướng. Nếu người tù mới là tay hảo
hán thì sau này sẽ “ngoi lên tìm chỗ đứng” bằng cách nào đó để nắm vai trò lãnh
đạo.
Việc ngoi
lên tìm chỗ đứng này được diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng điểm giống
nhau duy nhất trong các cuộc tranh hùng đó là tính cách không khoan nhượng, nói
rõ hơn là một mất một còn. Vì thế, ngoài trường hợp những “đại ca” có tầm cỡ
cao, nghĩa là những tù nhân khét tiếng mà ai nghe tới cũng phải cúi đầu chịu phục
và dù ở đâu cũng có đàn em các cấp thì không nói, còn những tay mới vừa ngoi
lên tìm chỗ đứng trong tù, khi đi ngủ chỉ nhắm một mắt. Ý muốn nói lúc nào cũng
phải đề phòng kẻo bị thanh toán!
Dĩ nhiên
các việc đó chỉ diễn ra trong giới tù hình sự. Dù vậy hoàn cảnh đã đẩy đưa tôi,
một tù nhân chính trị, vào vị thế được kiêng nể trong giới tù hình sự tại khu kỷ
luật này. Một sự việc xảy ra ngoài sức tưởng tượng mà trước đó tôi chưa từng
nghĩ tới. Nó đột biến xảy ra vào một buổi sáng nọ khi cán bộ mở cửa và đẩy vào
buồng tôi một anh tù hình sự còn trẻ măng, chừng ngoài 20 tuổi. Buồng tôi lúc
đó có 4 chỗ cùm nhưng chỉ có 3 người, tôi và hai anh tù Trung Quốc, còn một chỗ
cùm trống dành cho anh tù mới này.
Chợt nghe
tiếng mở khóa buồng, tôi vội lấy tấm chăn che ngang người, vì lúc đó cả 3 chúng
tôi đều trần truồng. Anh tù mới vừa bị đẩy vào đứng chết trân giữa buồng, vì từ
ngoài sáng vào buồng tối làm anh quáng mắt. Anh ta cố gắng định thần trong một
buồng giam nóng như hỏa lò và chắc chắn là rất thối tha này. Còn tôi ở đây đã
lâu và nằm trong buồng đã quen với bóng tối nên tôi nhìn ra và thấy anh ta hầu
như rõ mồn một!
Người
anh trông nhỏ thó với mái tóc húi cao. Anh ôm trên tay chiếc chiếu cuộn tròn mà
tôi biết bên trong là chăn và quần áo. Tay kia anh bưng một cái bát sắt có hoa
màu đỏ, có đĩa sắt đậy lại bên trên, nên tôi không biết trong bát có gì. Dưới
nách anh cặp một ống điếu cày có máng cái lon Guigoz lòng thòng. Trong lúc anh
tù mới đang chớp mắt nhìn quanh nhưng chưa thấy gì và nghe ba người chúng tôi
nói chuyện với nhau bằng tiếng Phổ thông làm anh tưởng buồng này tất cả đều là
tù Trung Quốc. Tôi nhận thấy trên mặt anh lộ ra vẻ sợ hãi. Có lẽ chưa kịp định
thần thì cán bộ đã rút thanh sắt, xỏ chân anh ta vào cùm, khóa cùm bên ngoài buồng
và đóng cửa bước ra. Cán bộ hành động nhanh như một cái máy, vì tôi biết anh ta
không chịu nổi mùi hôi thối và bầu khí nóng như lò hấp của buồng giam.
Ban ngày
trong căn phòng kín như cái hộp sắt có mở lò sưởi này, chúng tôi gần chết ngộp.
Mỗi lần mở cửa là mỗi hồng ân trời ban, vì có không khí ùa vào buồng. Lúc đó
chúng tôi thi nhau hít thở, càng mạnh càng tốt, càng nhiều càng tốt và cố rút
vào buồng phổi không khí trong lành hiếm có để còn được tồn tại. Đợi cho anh tù
mới định thần xong, tôi lên tiếng:
- Mầy thấy rõ trong buồng chưa? Mệt thì nghỉ đi.
-Nghe tiếng tôi, anh ta rất mừng vì biết tôi là người Việt nên lễ phép nói:
- Em xin chào anh! Thưa anh có phải là anh 'Nể' (Lễ) không ạ!
Anh tù này nói thiệt là ngọng. Qua cách anh phát âm tên tôi, tôi hỏi:
- Sao mày biết tên tao?
-Ối giời! Anh ạ, đám bọn em có mấy thằng đi kỷ 'nuật' về, bọn chúng ca tụng anh
'nắm'. Chúng bảo anh rất tốt!
-Tôi phì cười:
- Xạo mầy! Mày tên là gì, làm sao mà bị đi cùm?
Có lẽ anh
ta sợ, khi nghe giọng nói tôi cố tình tạo ra vẻ “đại ca”. Càng sợ hơn nữa sau
khi đã chớp mắt làm quen với bóng tối trong buồng và nhìn thấy hình dạng tôi
đang cởi trần, râu ria tua tủa rối ren vô trật tự, tóc tai bờm xờm đang ngồi
cùng với hai anh Tàu to con và trần truồng như nhộng. Cảnh này mới bước vô, ai
mà chẳng sợ. Anh ta trả lời cách khúm núm:
- Thưa anh, tên em là Huống. Em nhón một ít ‘nạc’ (lạc) của cán bộ, bị bể và đi
cùm. À, em xin mời anh dùng bát cơm anh ạ!
Vừa nói
Huống vừa với tay cầm cái bát sắt, mở đĩa đậy ra và nhẹ nhàng đặt bát cơm cạnh
tôi.
Nhìn
bát cơm, hai anh Trung Quốc lộ vẻ thèm thuồng tột độ. Bát cơm trắng quả là một
bữa đại yến trong buồng kỷ luật đói triền miên này. Ngồi nhìn cả ba anh tù, tôi
cảm thấy thương họ. Cuộc sống tù đày đã biến đổi họ thành những con người không
còn là chính con người thật của họ. Một người tù vừa bước vào cố nhịn phần ăn sống
còn của mình đổi lấy sự an toàn, còn hai người bạn Trung Quốc chỉ cần được ăn
và không cần biết gì khác! Tôi hỏi Huống.
- Cơm này ở đâu mày có?
- Em còn ống gạo mới thổi trưa ‘lay’.
- Gạo mày lấy đâu ra?
-Em 'nàm' điếu đổi gạo anh ạ. Bọn chúng vẫn gọi em ‘nà’ Huống “điếu cày” mà!
-Nếu đưa cơm cho tao thì mày lấy gì ăn?
-Em không đói đâu anh ạ!
Tôi đau lòng khi nghe câu đó, vì trong tù này ai mà không đói! Tôi bảo:
- Huống! Tao giả vờ hù dọa mày cho vui, mày đừng nghĩ tao như một tay đầu gấu
hình sự. Ăn đi mày, ở đây thằng chó nào mà chẳng đói.
Huống ngạc nhiên khi nghe tôi nói như thế, nhưng nó cũng chưa dám ăn. Tôi giục
mấy lần nó mới dám bưng bát cơm lên, miệng lí nhí nói:“Em xin anh!”
Tôi ngồi
nhìn Huống “táp” vội bát cơm mấy cái đã hết sạch. Trông nó cũng đói không kém
gì ba người chúng tôi trên khu kỷ luật này.
Kỹ thuật
kiến trúc
Nhà kỷ luật
Thanh Cẩm là một nơi được nghiên cứu và thiết kế cẩn thận để tăng hiệu quả tối
đa của tính chất độc ác trong việc trừng trị con người. Ở lâu trong đó tôi mới
có dịp quan sát kỹ và đi tới kết luận: Không thể có một đồ án xây dựng nào tốt
hơn khu nhà, mới vừa ba tuổi mà tôi là một trong số rất ít người được vinh dự
là những thân chủ đầu tiên này.
Khu kỷ luật
là một nhà nóc bằng hình chữ nhật có sáu buồng. Ba buồng phía trước trông ra một
khoảng sân khá rộng và ba buồng phía sau mở cửa thông ra một lối đi hẹp chừng 3
thước, dẫn tới chân một bức tường đá xanh. Tường nhà dày 40 phân, mái nhà được
đúc bằng xi măng cốt sắt. Mỗi buồng vuông vức với 3 thước mỗi chiều. Cửa sắt thật
kiên cố và chỉ có một cửa sổ nhỏ 50 phân vuông chắn song sắt to bằng cổ tay em
bé. Điểm đặc biệt mà tôi khâm phục sáng kiến là các buồng không phải cách nhau
bằng một bức tường theo như cách hiểu thông thường, nhưng buồng này cách buồng
khác bằng một cái buồng xép bề ngang chừng một mét rưỡi, có cánh cửa chặn kiên
cố bên ngoài.
Như vậy
khi muốn bước vào buồng kỷ luật phải qua 2 lần cửa, qua lần cửa gỗ vào buồng
xép rồi mở cửa sắt vào buồng giam. Hai buồng giam có cửa sắt đối diện nhau. Tuy
nhiên, vì nhu cầu có khoảng trống tráng xi măng trước cửa buồng nên buồng 1 và
buồng 6 nằm ở hai góc phía trước và phía sau chỉ cần qua một cửa sắt là vào buồng,
trong khi tất cả các buồng khác phải qua hai lần cửa. Cái buồng xép nằm giữa
hai buồng giam này là một sáng kiến thật độc đáo vì nó có ba công dụng thật rõ
rệt. Thứ nhất là an ninh, người tù muốn vượt ngục phải qua hai lần cửa mới ra
được. Thứ nhì là chặn không khí lại. Không khí muốn vào buồng giam phải qua hai
lần cửa. Và ý thứ ba quan trọng nhất, cái thanh sắt to từ trong buồng giam xỏ
qua các móng cùm ngoạm vào cổ chân những người tù được luồn qua một cái lỗ
trong tường ló đầu ra buồng xép này và có ống khóa to khóa lại ở đây.
Như
thế người tù ngồi bên trong buồng không bao giờ có thể đụng chạm tới cái ống
khóa bên ngoài được. Chung quanh khu kỷ luật có tường cao ngăn cách với các khu
vực khác trong trại, trên bờ tường có hàng rào kẽm gai. Đây chỉ là tường khu vực,
chưa phải là bờ tường trại bằng đá xanh cao 5 thước bao bọc toàn thể trại tù
Thanh Cẩm. Chỉ có một lối ra vào duy nhất là cổng trại được xây theo kiểu mẫu
Khải Hoàn Môn (Arc de Triumple) của thành phố Paris bên Pháp. Cổng trại là
phòng ở của cán bộ trực trại và lúc nào cũng có lính canh.
Trong
buồng có hai thớt nằm bằng xi măng hai bên một “phi đạo” ở giữa, mỗi thớt cao
80 phân và rộng cũng 80 phân dành cho 2 người bị cùm. Thật sự tôi không nhớ rõ
chi tiết về kích thước của cái thớt này, chỉ biết lúc bấy giờ chúng tôi gọi nó bằng
cái tên khá dài:“Hai người thì thiếu, một người thì dư!” Như vậy sáu buồng khu
kỷ luật chỉ được trang bị đầy đủ cho 24 thân chủ. Có thời gian số người bị kỷ
luật đông hơn 24 thì mỗi buồng có thể nhận thêm một tù nhân nằm dưới “phi đạo”,
dĩ nhiên là không phải mang cùm. Ở kỷ luật mà không phải mang cùm cũng là một hồng
ân. Thỉnh thoảng cán bộ chiếu cố cho vài người được hưởng đặc ân này. Riêng tôi
không được hưởng quyền lợi này một đêm nào trong 1020 đêm ở nhà kỷ luật.
Thông thường
những người đã ở lâu thì chỉ bị cùm một chân (cám ơn sự nhân đạo của đảng!). Thời
gian 3 tháng đầu bị cùm cả ngày lẫn đêm. Về sau chỉ cùm ban đêm, từ lúc cho ăn
chiều cho tới quãng 7 giờ sáng hôm sau. Ngược lại, “những khách vãng
lai”, tức là những người tù ở dưới “làng” bị phạt lên kỷ luật một thời gian ngắn,
họ bị cùm một chân cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, thời gian “tham quan” khu kỷ luật
của họ chỉ kéo dài trong vòng một vài tuần lễ.
Buồng
giam kín như bưng và tối đen. Chỉ phía ngoài gần cửa sổ có chút ánh sáng lọt
qua song sắt, còn phía trong lúc nào cũng tối om om. Dù vậy, chúng tôi cũng
không bị trở ngại vì đã quen với bóng tối. Từ bên trong buồng nhìn ra thấy bên
ngoài rất rõ, nhưng từ ngoài nhìn vào qua song sắt cửa sổ thì không thấy gì bên
trong. Nhất là những hôm nắng to người bên ngoài phải nhìn vào một lúc lâu mới
biết có bao nhiêu người trong buồng. Trần nhà rất thấp. Đứng trên bệ nằm, có thể
với tay gần đụng trần nhà, trên đó có bắt một bóng điện, ánh sáng leo lét và tắt
từ 10 giờ đêm về sau.
Nhà cầu
“nổi”
Buồng trống
trơn không có thứ gì ngoài mấy cái ống bẩu bằng luồng, một loại tre to và rỗng
ruột. Đây là phương tiện toa-lét để tù nhân trong buồng đại, tiểu tiện vào đó.
Trước mỗi lúc phát thức ăn trưa và chiều, một anh tù trực sinh vào từng buồng
bưng các ống bẩu phân và nước tiểu này ra đổ vào hố phân ở góc tường ngay trước
cửa buồng 3 nằm sát góc sân cập bờ tường phía trước. Hố phân này không có nắp đậy
và đó là vương quốc của ruồi xanh.
Việc sử dụng
nhà cầu nỗi này không đơn giản, phải được chỉ dẫn và dĩ nhiên là cũng phải có
kinh nghiệm. Lúc đó tôi đã là “con ma ” trong khu kỷ luật rồi nên thích nghi hết
mọi hoàn cảnh để sống còn. Việc sử dụng cái cầu tiêu lạ đời này không còn là vấn
đề đối với tôi. Trái lại những “lính mới” thường gặp trở ngại trong những lần đầu.
Lúc bấy giờ yếu tố “lão làng” của tôi lại có giá trị vì tôi phải mở một khóa cấp
tốc hướng dẫn cách sử dụng loại nhà cầu “nỗi” này như thế nào. Ban ngày lúc
không phải cùm thì dễ hơn, nhưng lúc chân trong cùm mà buồn đi cầu thì không phải
là chuyện đơn giản và trường hợp này “không thầy đố mày làm nên!”
Khi
đi đại tiện, người tù phải dùng tới hai cái ống bẩu, mỗi tay cầm một cái. Ống
nước tiểu hứng phía trước và ống phân dĩ nhiên là phía sau. Trong khi thi hành
bản năng sinh học tự nhiên của cơ thể con người, tù nhân phải ở thế đứng, hơi
rùn người xuống một chút như thế “xuống tấn” của võ sĩ thái cực đạo mới đúng thế.
Ống phía trước có thể là ống nhỏ, nhưng ống phía sau bắt buộc phải là ống có đường
kính to và nhẹ. Yếu tố này rất quan trọng, vì trong lúc “thi hành nghĩa vụ” của
bản năng, nói nôm na là “đi cầu”, người tù phải quàng tay ra sau để giữ cái ống
bẩu. Nếu ống này nặng quá thì kẹt đủ điều!
Có mấy lần
ống này quá nặng, trong khi “đi cầu” ống đó càng lúc càng nặng vì phải chứa
thêm, chứa thêm và cuối cùng người tù không thể giữ ống bẩu sát vào mông đã vuột
tay làm đổ phân tung tóe trong buồng. Nếu lúc đó có người đang ngồi ăn thì quả
thật là bất tiện! Chúng tôi cố đi cầu vào buổi tối sau khi một chân đã dính vào
cùm, một phần để tránh hai bữa ăn của anh em và phần khác cũng kín đáo hơn. Tuy
nhiên, vào trường hợp bất khả kháng thì bất kể là ngày hay đêm, dù có phải đại
tiện ngay trước mặt những người lúc họ đang ngồi ăn cũng không ai lấy thế làm
phiền.
Vả lại,
vì đã quen với cuộc sống tù quá ư là chật chội, bẩn thỉu và thiếu mọi tiện nghi
tối thiểu của con người, nên chúng tôi chẳng ai cảm thấy mùi thối tha hôi hám
gì trong cái buồng giam kín như cái thùng sắt này. Việc ai người ấy làm, chẳng
ai để ý tới ai. Trong khi một người đang đại tiện thì có thể một anh khác đang
ngồi ăn hoặc có người đang tập thể dục, ra cửa sổ hít thở, đang ngồi cầu kinh,
chơi cờ hay may vá. Có mấy lần một vài “lính mới” vì chưa rành sử dụng ống bẩu
nên làm vương vẩy đầy trên sàn nhà. Nhưng không hề gì, chốc nữa tới lúc cho ăn,
chúng tôi sẽ nhờ anh trực sinh quét và hốt đi!
Ban
ngày không bị cùm, “đi cầu” đã khó, ban đêm khi đã xỏ chân vào cùm mà muốn “đi
cầu” thì quả là một cực hình! Lúc đó cần phải có một kỹ thuật cao hơn và những
“lính mới” thường không làm được. Phần vì vướng một chân vào cùm, phần khác cổ
chân họ còn nhiều thịt nên rất trở ngại trong cái móng cùm bằng sắt nhỏ hẹp.
Trong khi đối với tôi và những “thường trú nhân” của khu kỷ luật lúc bấy giờ, cổ
chân chúng tôi không to hơn cái ống bơm xe đạp bao nhiêu, nên việc xoay xở nhẹ
nhàng khéo léo và lành nghề như một nhà ảo thuật.
Vào mùa hè, trời Thanh Hóa nóng như thiêu như đốt. Nhất là những ngày có gió
Lào cộng vào, buồng kỷ luật biến thành cái hộp bằng sắt có mở lò sưởi ở số cao.
Gió Lào là ngọn gió từ bên Ai-Lao thổi qua dãy Trường Sơn miền Trung Việt Nam,
đưa hơi nóng từ dãy núi đá này qua các tỉnh miền Trung Việt. Hôm nào gió càng
to thì càng nóng. Buồng giam chỉ có một cửa sổ duy nhất và rất hẹp, gió không
thể lùa vào buồng được. Sức nóng hừng hực của mặt trời nung nóng nóc nhà bằng,
ban đêm tỏa hơi nóng xuống buồng giam đã vắt cạn tới giọt nước cuối cùng trong
thân thể gầy còm của chúng tôi.
Những
đêm kinh hoàng như vậy, mỗi người trong buồng phải thủ sẵn một tô nước trích ra
từ tiêu chuẩn nước trong ngày và một mảnh vải ngâm vào đó. Thỉnh thoảng lấy vải
lau trên người cho da thịt tiếp xúc với sự mát lạnh của nước, sau đó vắt nước
trở lại vào tô. Làm đi làm lại nhiều lần suốt đêm như thế, khi nào kiệt sức thì
ngả xuống nằm một chốc rồi ngồi lên lau người tiếp. Sáng hôm sau nước trong bát
đen như nước cống. Trong cơn chết ngạt đó, tôi thấy thứ quý báu nhất trên đời
này không gì khác hơn là làn khí trong lành để con người có thể hô hấp và tồn tại.
Một điều mà dường như không mấy ai để ý tới. Đó là hồng ân đầu tiên mà Thiên
Chúa ban cho tạo vật. Lúc đó tôi cầu xin:“Lạy Chúa, nếu Chúa cho con có thể làm
phép lạ thì phép lạ đầu tiên con làm là cho có một cái lỗ bằng hộp sữa trổ ra
trên nóc buồng, để không khí có thể lưu thông và con có thể hô hấp hầu bảo vệ mạng
sống!” Tô quyết tâm là nếu sau này còn sống, tôi phải nói lên cho mọi người, biết
ơn và cảm tạ Chúa vì hồng ân cao cả của Ngài đã ban cho con người được có
đủ không khí trong lành để hít thở.
Trong
hoàn cảnh nghẹt thở đó, nỗi niềm hối hận trào dâng . Tôi hối hận vì có những lần
trước kia tôi than thở oán trách vì bữa ăn không ngon, chai bia chưa đủ lạnh,
đĩa rau không đủ tươi, chiếc áo không đẹp, chiếc xe không đúng kiểu, nhà cửa
thiếu tiện nghi.... Và đặc biệt tôi muốn chia sẻ với những người may mắn, nhất
là dân các nước tư bản, sinh ra trong nhung lụa, lớn lên trong tiện nghi, cuộc
đời được bao quanh bởi thú vui và tiền của. Tôi muốn nói với những người may mắn
đó rằng:“Các người đang ở trên thiên đàng mà các người không biết. Vì thế xin đừng
bao giờ than trách về một vài bất tiện trong cuộc sống đã quá đầy đủ tiện nghi
của mình, nhưng hãy biết mở tay ra bố thí và thương đến những kẻ khốn cùng!”
Những lúc
nóng nực quá sức chịu dựng, chúng tôi đều trần truồng ngày đêm. Một phần vì mặc
quần áo sẽ ướt đẫm và dán sát vào người không thể nào chịu được, đàng khác, những
người ở kỷ luật lâu như tôi không còn quần áo gì để mặc. Dường như ai cũng giống
nhau trong buồng giam kỷ luật, chúng tôi chỉ chừa đủ một quần xé ống tới đầu gối
và một cái áo xé tay tới sát nách, để khi cần phải ra ngoài hoặc lên cơ quan
làm việc, còn bao nhiêu đều phải xé ra lau chùi khi đại tiện.
Trong thời
gian kỷ luật, chúng tôi được xuống sông tắm mỗi hai tuần một lần. Tuy nhiên,
nhiều khi cán bộ bận việc hay có gì bất thường thì phải chờ lâu tới ba tuần,
nhưng ít khi nào quá một tháng mà chưa được tắm. Vì quá ba tuần mà chưa được tắm
là bọn tù chúng tôi kêu la tru tréo điếc cả tai. Trong trường hợp đó buộc lòng
phải cho đi tắm, nếu không phải vì lòng nhân thì ít ra để khỏi phải bị quấy rầy.
Thật ra đối
với tôi lúc đó, việc được đi tắm sớm hay muộn hơn một tuần lễ không có gì đáng
quan tâm. Điều quan trọng đối với tôi là cái đống rác! Mỗi lần đi ngang đống
rác trước cổng trại là mỗi lần đời tôi như lên hương. Hai con mắt hoạt động
tích cực để tìm nhặt những thứ cần thiết cho cuộc sống trong buồng như vải rách
dùng đại tiện, bọc nylon làm nhiên liệu chất đốt, hoặc may mắn hơn thì ít giấy
bao xi-măng làm vở viết học chữ Tàu, thứ ngôn ngữ tôi đang cố công học.
Cơn mưa
trái mùa
Đêm đó Huống
nằm chung thớt với tôi. Tôi nằm sát vách và Huống nằm bên ngoài. Hai người nằm
song song và đôi chân bị xỏ xâu cùm chung một song sắt. Tôi cùm chân phải, Huống
chân trái. Một lúc khá lâu, gần tới giờ tắt đèn đi ngủ, Huống kêu đau bụng và
buồn đi cầu. Tôi cảm thấy như sắp gặp rắc rối.
Tôi vội
ngồi lên chỉ cách cho Huống xoay người, bước một chân không bị cùm xuống sàn.
Huống loay hoay cố gắng làm theo cách thức tôi bày, nhưng không được. Nó không
biết xoay ngược người bước xuống sàn và quay lưng ra cửa sổ như thế nào. Tệ hơn
nữa, trước đó 2 người đã đi đại tiện và các ống bẩu đã nặng hơn. Trong lúc đang
bối rối như vậy thì Huống đứng thẳng trên thớt và kêu lên:
-Anh ạ! Cố giúp em! Khẩn trương “nên” anh, em đau bụng ‘nắm’ rồi!
Tôi đáp lời nhanh:
-Mầy cố khắc phục, để tao bảo thằng Tàu nằm phía ngoài bên kia biểu diễn cho
mày coi. Bước xuống! Mày đứng thẳng người trên bệ nằm như thế thì ỉa đái cái chó
gì được! Sao không tuột quần xuống đi, còn xấu hổ à?
Tôi
quay sang bảo anh Trung Quốc nằm bên ngoài ở thớt bên kia đứng xuống và biểu diễn
màn đi cầu trong cùm. Anh Tàu bước một chân xuống và chụp lấy cái ống bẩu biểu
diễn cách đi cầu với chân trong cùm một cách nhẹ nhàng và đẹp mắt. Bên này Huống
ta cố gắng tối đa để làm theo, nhưng mặt mày nhăn nhó kêu đau vì móng cùm cày
vào cổ chân trong lúc anh cố gắng xoay người. Cổ chân anh gần chảy máu mà vẫn
không xoay người bước một chân xuống sàn được, vì cổ chân anh ta to mà móng cùm
lại nhỏ. Những móng cùm to hơn một chút thì bọn tù kỷ luật chúng tôi đã thủ mỗi
người một chiếc như vật gia bảo của mình rồi, khách vãng lai phải chịu thiệt
thòi hơn. Thấy không cách gì Huống có thể bước xuống sàn khi chân bị cùm, tôi hỏi:
-Mầy có thể khắc phục tới sáng ngày không Huống?
- Chết mất anh ơi! Em chột dạ ‘nắm’ rồi, sắp sửa ra quần rồi anh ạ!
-Vậy mày đứng trên thớt làm được không?
-Em phải cố thôi! Em chột dạ ‘nắm’ rồi. Xin anh giúp chuyền ống bẩu cho em với!
-Ban sáng mày ăn gì mà chột dạ?
-Em ăn “nạc” sống và uống nước “nạnh” vào! Khổ thân em!
Tôi bực mình nhưng buồn cười quá nói to nhưng thật vui:
- Khổ gì mày? Khổ tao thì có!
Nghe tôi to tiếng, Huống tưởng tôi nạt nên sợ cuống cuồng vội vàng nói:
- Em xin anh! Em van anh!
Thái độ của
Huống “điếu cày” lúc này càng làm tôi tức cười không chịu được. Mặt mày nó nhăn
nhó, tay chân cuống cuồng. Thấy thế, tôi bước xuống cầm hai ống bẩu lên và bảo
nó:
- Vậy thì mày đứng trên bệ, tuột quần xuống, đứng dạng hai chân và rùn người xuống
như cái thế con chó đang đứng ỉa! Mầy có trông thấy con chó ỉa bao giờ chưa?
Huống đáp vội vàng:
- Có, có! Em còn ‘nạ’ gì chó ỉa cơ chứ!
- Được rồi! Một tay cầm ống bẩu nhỏ hứng phía trước, tay kia cầm ống bẩu to này
áp sát vào sau mông. Phải nhớ áp thật sát vào mông nghe mậy, nhưng mầy thuận
tay nào?
-Em thuận tay phải!
-Vậy mầy dùng tay phải cầm ống bẩu phía sau, vì nó nặng và khó điều khiển hơn
cái hứng nước tiểu phía trước. Nhớ phải cầm thật chặt nghe chưa?
Tội nghiệp Huống! Anh ta vô cùng vất vả mới cầm được hai ống bẩu cho đúng tư thế.
Trong khi đó sự đòi hỏi càng lúc càng khẩn trương!
Chỉ dẫn
cho Huống xong, tôi nằm dài thẳng người xuống và nhìn lên. Cái ống bẩu “hậu vệ”
của Huống đang chỉa thẳng vào mặt khiến tôi lo ngại. Tội nghiệp anh tù hình sự
đang đứng trong một tư thế khom người rất kỳ dị. Đôi chân dang rộng, hai đầu gối
co lại, người rùn xuống thấp và khom lưng cong người về phía trước. Tôi chưa
trông thấy con người đứng trong thư thế đó bao giờ nên không biết diễn tả đó là
cái thế gì! Nếu gọi thế “xuống tấn” trong thái cực đạo thì đôi chân phải dang rộng
hơn, thân người phải thẳng và phải rùn người xuống thấp hơn mới đúng thế. Xem
ra nó hơi giống cái thế của các vận động viên bơi lội trước khi lấy đà phóng xuống
hồ bơi, nhưng chỉ giống ở cái lưng cong còn đầu gối các vận động viên phải thẳng,
không thể như hai đầu gối của Huống trong lúc đang đứng ngay trước mắt tôi đây
được.
Vì đã sống
lâu năm ở đây, chứng kiến quá nhiều cảnh tù kỷ luật đứng đi cầu “nổi” bằng hai ống
bẩu, nên tôi mường tượng tới cảnh con chó đứng ỉa. Cũng may là Huống khá thông
minh! Tôi vừa nói cái thế chó ỉa là anh ta hiểu ngay, nhưng lúc này anh ta biểu
diễn không đúng lắm vì một cổ chân còn vướng vào cùm. Nhưng phải nói anh ta biểu
diễn không đến nỗi tệ. Tay trái Huống cầm ống bẩu nhỏ và dài phía trước coi bộ
đã ổn, nhưng tay phải choàng ra phía sau dường như chưa làm chủ được cái ống bẩu
có đường kính khá to và nặng, vì bên trong đã có phân. Nằm dưới nhìn lên, tôi
thấy tình thế quá đe dọa, tôi lo sợ lên tiếng:
- Huống!
Huống! Đừng cầm trên miệng ống, không được đâu! Cầm ở lưng chừng một phần ba ống
bẩu mới được. Mầy cầm như vậy làm sao thúc sát vào mông được!
Tôi càng
lên tiếng anh ta càng lụp chụp. Tôi nghĩ rất nhanh, phải ngồi lên cầm giúp nó mới
được, bằng không sẽ phải lãnh đủ. Tôi ngồi bật dậy, một tay vừa đụng tới ống bẩu,
chưa kịp nắm lấy thì bất thần tôi nghe một âm thanh lạ lùng và sắc nhọn như tiếng
gió gào qua khe cửa: “Phụụụụụụt!” Đồng thời với cảm giác ấm và nặng như trận
mưa tưới thẳng vào mặt tôi, cùng lúc với cái vị vừa chua vừa đắng ở đầu lưỡi!
Tiếp theo là bản hòa âm ngay bên tai tôi, nhưng chẳng giọng nào ăn khớp với giọng
nào. Có tiếng thì quá trầm như ếch kêu “Uỳụụp! Uỳụụp! Uỳụup!” hòa với tiếng rít
cao vút từng mây “Rooét! Rooét! Rooét!”
Bằng
hành động phản xạ, tôi đưa hai bàn tay che mặt và nhắm mắt lại nên không bị nước
bắn vào mắt. Nhưng từ tóc, đầu, mặt, hai mu bàn tay và dài xuống tới ngực lãnh
trọn những gì tự nãy giờ bị nhốt trong bụng và đã hành tội Huống. Tôi chợt
nhận ra phản xạ kỳ diệu của mi mắt. Nếu cái gì có thể làm nguy hại cho tròng mắt
là nó tự động khép lại. Nhưng đôi môi con người lại không có được sự phản xạ
đó. Nếu mi mắt chờ tới khi nhận lệnh của hệ thần kinh mới làm việc thì
hôm đó không biết đôi mắt tôi sẽ ra sao.
Biết là
tai họa xảy ra, Huống vội vàng quay người lại hốt hoảng la lên:“Ối giời ơi! Ối
giời ơi!” Trong lúc đó, một chân anh bị vướng trong cùm, tay kia cầm ống bẩu
phía trước, bàn tay phía sau bị ướt đẫm trơn trợt làm ống bẩu nặng tuột rơi xuống
đổ tháo, cứt đái vương vãi nằm lăn lóc bét nhè trên chăn chiếu của hai người!
Tôi buột miệng kêu: “Trời ơi là trời! Biết nói làm sao đây?”
Sự việc xảy
ra quá nhanh và bất ngờ khiến không ai kịp phản ứng gì. Hai người tù Trung Quốc
bị cùm thớt bên kia nhìn thấy sự thể vụt ngồi lên chỉ trỏ và dùng tiếng tục tĩu
nhất rong ngôn ngữ Trung Hoa để chửi Huống. Mặc dù Huống không hiểu tiếng,
nhưng qua cách biểu lộ thái độ giận dữ anh ta cũng hiểu được hai anh tù ngoại
quốc này muốn nói gì. Huống đứng chết trân run rẩy vì sợ hãi, luôn miệng kêu:
“Anh ạ, em ‘nạy’ anh! Em ‘nạy’ anh xin tha cho em!”
Có lẽ
trong thâm tâm lúc đó người tù hình sự đáng thương này nghĩ là anh ta đã phạm một
lỗi lầm quá lớn trong tù là dám ỉa vào mặt “đại ca”, và tội này đáng chết! Huống
ngồi bệt ngay xuống, không kịp lau chùi gì cả. Anh vội vàng cởi các nút áo ra
mà tôi biết là để lau chùi cho tôi và chờ cuộc phán xét. Tôi cũng vội vàng ngồi
lên và cởi cái áo đang mặc ướt đẫm ra lau mặt và lau tóc tai. Thấy tôi ngồi dậy,
Huống quay lại chắp hai tay trước ngực lạy tôi như tế sao, đôi tay run rẩy, miệng
lẩm bẩm:
- Em van ‘nạy’ anh, xin tha cho em! xin tha cho em!
Tôi chợt
cảm thương Huống! Anh ta có tội gì đâu! Để bù lại cho nỗi lo sợ và thái độ van
xin của anh, nên tôi buột miệng nói một câu hài hước làm Huống vô cùng ngạc
nhiên. Cả hai anh Trung Quốc cũng lấy làm lạ sau khi nghe tôi nói dịch ra tiếng
Phổ Thông:
-Tao cám ơn mầy Huống! Trong kỷ luật tháng tắm hai lần, bữa nay mầy cho tao tắm
thêm một lần nữa là ba!
Nói xong tôi cười xòa, tay vỗ lên vai Huống và tiếp:
-Đừng sợ! Mày chẳng có lỗi gì cả. Đâu ai muốn như thế này. Chẳng qua vì hoàn cảnh
mà anh em mình đành phải chịu!
Huống cảm động nói như muốn khóc:
- Em cám ơn anh! Em cám ơn anh thương em!
Vừa nói,
nó vừa lấy áo mình lau người cho tôi. Tôi để yên cho nó làm việc đó, vì muốn chứng
tỏ là tôi không buồn giận gì Huống cả. Chỉ có nụ cười của sự rộng lượng mới cứu
vãn được tình thế lúc bấy giờ.
Lạ một điều
là mặc dù lúc đó tôi bị phân người bê bết trên mặt mày đầu tóc, trên áo quần và
chăn mền, nhưng khi lau khô rồi, tôi lại chẳng nghe mùi thối tha gì cả. Điều
này làm tôi ngạc nhiên về sự kỳ diệu của sự bão hòa khứu giác. Vì nếu trong
hoàn cảnh đó mà khứu giác chúng tôi hoạt động một cách nhạy bén bình thường thì
làm sao chịu được?
Đó là một
tai nạn lớn, nhưng trong cái rủi cũng có cái may! May là việc này xảy ra chỉ
còn cách năm ngày nữa là tới lượt chúng tôi được xuống sông Mã tắm giặt. Nếu
tai nạn này xảy ra sau khi mới được đi tắm và phải chờ tới 15 ngày sau thì cũng
hơi căng! Hôm ngày đi tắm, nước sông Mã thượng nguồn rất trong và mát đã giúp
tôi tẩy sạch mọi thứ nhơ bẩn trên người, và quần áo chăn chiếu cũng được giặt
giũ cẩn thận. Hôm đó tôi lại cảm thấy mình trở nên thơm tho và tươi mát. Tuy
nhiên, nhiều người khác lại không cảm thấy như tôi. Và câu chuyện sau đây chứng
minh cho điều đó.
Một buổi
sáng kia, nhóm tù trong khu kỷ luật chúng tôi cũng được ra tập họp chung với tất
cả những người khác dưới sân trại để cán bộ kiểm tra lại hồ sơ của từng người.
Lâu ngày mới được ra sân và rất mừng khi gặp lại anh em. Tôi liền chạy tới ngồi
bên cha Cao Đức Thuận mà tôi gọi là “Bố Thuận”, lúc bấy giờ ở khu kiên giam.
Cha Thuận rất thương tôi và chúng tôi đã từng sống và ăn uống sinh hoạt chung ở
trại Cổng Trời. Lâu lắm không được gặp nhau, nên khi thấy cha Thuận, tôi mừng
quá. Vả lại hôm đó lại được tiếp xúc tự do, nên tôi chạy ùa ngay tới bên cha
Thuận đang ngồi chung với các Linh mục khác.
Điều làm
tôi vô cùng ngạc nhiên là thái độ của cha Thuận sao tỏ ra quá lạnh nhạt với tôi
lúc đó. Tôi thực sự không hiểu sao con người nhân hậu đó lại mau thay tâm đổi
tính như vậy. Hay cuộc sống khổ đau trong ngục tù đã biến “Bố Thuận” thành con
người khác rồi chăng? Lúc đầu tôi ngỡ là cha sợ cán bộ vì tiếp xúc với tù kỷ luật,
nhưng khi nhìn lại, tôi thấy cán bộ cho tiếp xúc tự do. Thái độ cha Thuận làm
tôi buồn nhưng không hiểu lý do.
Mãi về
sau này, sau khi được tha ra khỏi nhà kỷ luật về sống chung với anh em Linh mục
khác, tôi mới biết lý do. Vừa gặp lại tôi, ngài nói ngay:“Chú còn nhớ hôm ra
sân kiểm tra hồ sơ không? Thấy chú tôi mừng và thương quá sức. Không ngờ con người
chú quá tàn tạ và ra nông nỗi đó. Nhưng khi chú tới ngồi cạnh bên làm tôi buồn
nôn quá. Tôi suýt ói tại chỗ. Tôi không thể chịu nổi nên phải quay mặt đi,
nhưng càng quay đi chú lại càng sấn tới. Lúc đó tôi không tiện nói, sợ chú buồn.
Trời ơi! Người chú lúc đó thối tha và tanh tưởi như một đống phân, không tưởng
tượng được!”
Ăn để sống
Người
ngoài nhận xét về tôi như vậy, nhưng cuộc sống trong buồng kỷ luật hằng ngày,
thực tình chúng tôi không cảm thấy gì là khó chịu, là dơ bẩn cả. Việc ăn uống
và tiêu tiểu cùng một chỗ trong nhiều năm liên tiếp khiến tôi không còn coi đó
là vấn đề. Trong buồng không có mấy hôm là không bị be bét phân người. Nhiều
hôm, các ống bẩu không chứa hết và giờ mở cửa cho ăn khá muộn nên làm phân
trong ống bẩu sình lên và tràn cả ra ngoài lối đi. Thậm chí có nhiều lúc, sau
khi bưng các ống bẩu trong buồng đem đổ vào hố phân xong, anh trực sinh trở lại
chia thức ăn cho buồng. Chia xong anh bưng tô canh vào để trên trành cửa sổ.
Nhìn tô canh thấy phân người nổi lều bều trên mặt, chúng tôi chỉ việc dùng muỗng
hớt ra vất đi và chia nhau húp! Thức ăn trong nhà kỷ luật chỉ có thế, chúng tôi
phải ăn để sống còn.
Tù nhân
trong kỷ luật bị phạt đủ mọi mặt, nhưng nặng nhất vẫn là phạt cái dạ dày. Khi
đói người ta thèm nhất là chất ngọt và chất béo. Chất béo còn đỡ, nhưng thèm đường
thì thèm một cách kinh khủng, thèm điên dại, thèm ngày thèm đêm, thèm cả trong
giấc mơ, thèm cả trong trí nhớ và tự trách mình sao lúc thừa thãi đường thì lại
không ăn. Có lúc tôi tự trách mình, tại sao lúc các cửa hàng, các chợ bán đầy
đường, đường trắng, đường vàng, đường đỏ, đường cục, đường tán và đủ loại đường
mà mình quá dại dột, không mua vài ba ký lô, hoặc 5 ký, 10 ký, 20 ký để ăn một
lần cho đã!!!
Nhắc
tới “đường” tôi nhớ lại một chuyện rất đau lòng. Sau khi bị đánh bầm giập vì vượt
ngục trước đó vài tháng, tôi bị cùm chung với một số bạn tù trong buồng kỷ luật.
Một ngày kia, một anh bạn tù được người nhà từ Sài Gòn ra thăm nuôi. Dĩ nhiên
là người nhà đâu có hay anh đang bị cùm kỷ luật. Lần đó vì đang bị cùm nên anh
bạn không được ra nhà khách gặp thân nhân, nhưng được nhận hơn chục ký thức ăn.
Khi đưa thức ăn vào, cán bộ trực trại chỉ cho mang một ít thức ăn vào buồng,
còn lại phải để trong phòng xép bên ngoài.[1] Cán bộ cho anh mang vào một ít thức
ăn tươi và một gói chừng hơn ký lô đường móng trâu.[1] Lúc đó tất cả đều đang
đói và thèm thuồng đủ thứ.
Trong
hoàn cảnh “lá rách đùm lá nát”, anh đã chia sẻ cho anh em trong buồng mỗi người
một ít thức ăn tươi và một thỏi đường khá lớn. Không gì hạnh phúc hơn trong lúc
này. Trống ngực tôi đánh như “trống chầu” khi đưa tay nhận phần chia sẻ của người
anh em bạn tù. Lòng tôi lâng lâng niềm xúc động. Miệng lắp bắp lời cám ơn như
em bé nhận được món quà quí mà em hằng ao ước. Tôi trịnh trọng đặt miếng đường
xuống như nâng niu viên ngọc quí! Cứ sợ rơi, hoặc giả tự dưng nó biến mất thì
chắc là tôi cũng “biến” theo.
Nhìn miếng
đường mà tôi cứ mãi thầm cám ơn anh bạn vì lòng tốt bao la đã chia sẻ cho tôi.
Tôi nâng niu và mân mê nó cứ như là chưa bao giờ thấy hoặc sờ tới miếng đường.
Tạ ơn Trời và cám ơn lòng tốt của người anh em bạn tù, tôi từ từ đưa thỏi đường
lên miệng, cắn từng miếng một như đưa dần cả hồn sống và sức sống vào người
tôi. Cứ thế, tôi thưởng thức thỏi đường cho đến khi nó bao trùm thân thể tôi
trong đê mê và hạnh phúc! Tôi mút mấy ngón tay đã từng nâng niu thỏi đường như
không muốn một chút hương vị ngọt nào bị lãng phí bay vào không gian vô tận.
Sau giây phút đê mê, tôi thấy nhớ da diết thỏi đường mà tôi đã đánh mất vào
thân thể tôi. Tôi nhớ và thèm nó như điên dại!
Thật vô
cùng quý cho mỗi người chúng tôi khi nhận được được những gì anh bạn chia sẻ.
Nhưng như tôi đã nói, trong cơn đói tột cùng đó tôi nghĩ có thể ăn một lúc chừng
5 ký lô đường mới đã cơn thèm! Nghĩ thương cho anh bạn, chắc chắn anh cũng thèm
đường như tôi. Dĩ nhiên anh phải giữ lại cho riêng mình một phần quà mà gia
đình mang ra. Vì tế nhị nên anh không ngồi ăn trước mặt mấy bạn tù còn lại. Đợi
đến đêm anh mới âm thầm mở gói và nhẹ nhàng thưởng thức sự hạnh phúc như thiên
đàng mà chất ngọt của đường mang lại.
Khổ
nỗi, tôi nằm bên cạnh anh, mỗi lần nghe anh cắn miếng đường là ruột gan tôi lại
quặn đau vì thèm khát. Tôi muốn phát điên vì thèm! Khi nghe tiếng anh nhai, tự
nhiên cơ thể tôi run bần bật như người lên cơn sốt rét vì thèm đường. Tôi run
mà không cách gì kềm lại được. Tôi cố nằm dịch ra, không chạm vào người sợ anh
biết là tôi đang run. Bản năng sinh tồn thúc giục tôi mãnh liệt là phải mở miệng
xin anh một chút đường để ăn cho đã cơn thèm, nhưng đồng thời lý trí tôi cũng
còn đủ nghị lực phản kháng bản năng sinh tồn. Trong khi cơ thể đang run bần bật
đó, tôi đã dùng hai ngón tay đút thật sâu vào hai lỗ tai để cố không nghe tiếng
nhai sát bên tai.
Lúc
đó tôi để tâm trí về dĩ vãng và nhớ lại thời trước lúc tôi còn làm việc ở Vĩnh
Long. Một lần có dịp về Quận Chợ Lách chơi và ghé vào thăm gia đình cha Oai là
bạn tôi. Cha Oai có người anh làm chủ lò đường mía, lúc ra về anh biếu tôi 10
ký đường hột xoài làm quà. Mang 10 ký đường về tôi cũng chẳng biết làm gì
với nó, mà để trong buồng thì đàn kiến lại tấn công. Tôi bèn gọi người quen nhận
giùm và khi cô cháu mang bao đường ra khỏi phòng tôi cám ơn rối rít. Lúc nằm nhớ
lại tôi tự nghĩ:“Việc cho đi bao đường đó là hành động dại dột nhất mình đã làm
trong đời!”
Mấy ngày
sau anh bạn tù tốt bụng vẫn chia sẻ thức ăn cho chúng tôi, nhưng rồi lại có
chuyện xảy ra. Một hôm, sau khi chia thức ăn ban chiều xong và cùm chúng tôi lại,
hai anh trật tự Bùi Đình Thi và Trương Văn Phát mở cửa buồng xép và ăn cắp thức
ăn của anh bạn tù, cho vào xoong đậy nắp lại và mang ra ngay trước những con mắt
chết đói của chúng tôi. Có lần anh bạn tù tức quá chịu không nổi, đứng trong buồng
nhìn hai tên trật tự ăn cắp thức ăn của mình mang ra, anh định la lên “Quân ăn
cắp!”, nhưng tôi ngăn lại vì biết hậu quả sẽ không lường được với hai tên hung
thần này (hiểu theo nghĩa thật chính xác) trong nhà tù Thanh Cẩm lúc đó.
Trong
khi tù đang chết đói thì thức ăn của anh bạn tù tốt bụng của chúng tôi lại bị để
trong buồng xép! Mỗi ngày khi cho ăn, anh bạn tù đã phải van xin năn nỉ cán bộ
mới cho nhỏ giọt một ít mang vào buồng. Mấy ngày sau đánh mùi được thức ăn, bầy
chuột đói trong trại tù chui vào tấn công ăn gần hết những gì hai tay trật tự
Thi - Phát còn để sót lại và đái ỉa be bét vào. Những ngày tiếp theo, lần nào gặp
cán bộ anh bạn tù cũng năn nỉ “xin quà” như một điệu nhạc buồn kéo dài.
Cho tới một
hôm Bùi Đình Thi thi chấm dứt bi kịch này bằng câu nói ngắn gọn:“Quà anh chuột
ăn hết rồi!” Tôi nhớ mãi vẻ mặt đau thương của anh bạn tù khi nghe câu nói đó.
Mà ai lại không cảm thấy đau khổ và xót xa khi bị kẻ khác ăn cướp một phần sự sống
của mình? Trật tự Bùi Đình Thi nói đúng, quà của anh bạn đã bị chuột ăn hết rồi,
cả chuột bốn chân lẫn “chuột hai chân”. Loại “chuột hai chân” ăn mạnh hơn nhưng
nhân đạo hơn vì ăn mà không đái vào chỗ còn lại, còn loại bốn chân thì “mất dạy”
hơn, vừa ăn lại vừa đái vào!
Anh bạn tù
là người đầu tiên được gia đình thăm nuôi trong nhà kỷ luật mới này, và sáng kiến
giữ quà lại trong buồng xép của cán bộ sĩ quan công-an người Mường là trung úy
Bộ, vô tình trở thành một tiền lệ. Một tiền lệ rất tai hại! Về sau này tất cả
những ai có gia đình thăm nuôi hoặc nhận quà gửi theo đường bưu điện cũng phải
chịu hệ thống này. Đám chuột đủ loại hoạt động mạnh hơn, trở nên mập béo hơn!
Đám tù kỷ luật chúng tôi lại chịu thêm một cực hình mới của cái cảnh “Cám treo
để heo nhịn đói!”
Người nhà
chúng tôi từ miền Nam cách xa hàng ngàn cây số lặn lội ra tới đây thăm nuôi và
quà cáp gởi ra tới trại cho chúng tôi thì bị chặn lại để xó cho “lũ chuột”
hoành hành, trong lúc chúng tôi đang chết đói. Từ đó, những cái gật đầu của cán
bộ sau khi anh tù khổ chủ khép nép xin được ăn một tí quà của chính mình được
coi là một ân huệ!
Vì
đói triền miên nên tất cả những người ở kỷ luật lâu ngày như tôi chỉ còn lại có
da bọc xương. Tôi vẫn còn nhớ được vài chi tiết về hình hài của mình lúc đó và
có thể dùng than vẽ lại con người có đầu gối to bằng rưỡi bắp đùi, bao nhiêu
xương sườn lòi ra hết và bụng lép như bụng nhái.
Lúc
xỏ chân vào cùm xong, tôi thường ngồi nắm cổ chân nằm gọn giữa vòng tròn ngón
tay cái và ngón tay giữa, xoay đi xoay lại như đang nắm cái ống bơm xe đạp. Khi
nằm ngửa trên chiếu, tôi phải dùng hai mu bàn tay lót dưới mông vì hai mảnh
xương dẹp sau mông lòi ra, bén như một lưỡi dao mài sát thẳng xuống chiếu đau
không chịu được. Tìm đâu ra cái gì để lót bên dưới, trong khi áo quần còn không
có để mặc!
TÔI PHẢI SỐNG (42)
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
Tầng Đầu
Địa Ngục (2)
Cái lưỡi
mèo
Thức ăn
thì mùa nào thức ấy. Thông thường nhất là ngô, khoai và sắn, cơm trắng rất hiếm.
Có khi còn cho ăn cả bã đậu nữa. Những hôm như vậy, chúng tôi đành phải nhịn
đói vì không làm cách gì có thể tống món đó vào dạ dày cho được, mặc dù đang
đói mềm người. Có một dạo trại cho kỷ luật ăn bột luộc mà chúng tôi gọi là “lưỡi
mèo”, vì những miếng bột luộc này trông thật giống cái lưỡi mèo. Trong kỷ luật
tuy khổ nhưng thỉnh thoảng có cái vui của nó như chuyện lần đầu chúng tôi được
cho ăn bột luộc.
Chiều hôm
đó tới giờ cho ăn, anh trực sinh mang vào buồng tôi, lúc đó là 5 người, đặt lên
thành cửa sổ cái nồi nhôm khá to hằng ngày vẫn dùng để đựng sắn, khoai. Khi
nhìn vào, chúng tôi chỉ thấy miếng bột luộc màu xám, to đúng bằng bao thuốc lá!
Chúng tôi nhìn nhau lắc đầu hỏi:“Thế này là thế nào?” Và chúng tôi nghĩ là nhà
bếp chia lộn phần ăn của một người cho buồng 5 người chúng tôi. Nghĩ thế chúng
tôi không chia ra và ngồi chờ lúc điểm danh sẽ khiếu nại với cán bộ. Mấy tiếng
đồng hồ sau đánh kẻng và cán bộ lên. Khi vừa tới buồng, tôi ngồi trong cùm nói
vọng ra thật to:
- Báo cáo cán bộ, tôi có thắc mắc!
Anh cán bộ ngạc nhiên, tới bên ngoài cửa sổ hỏi vọng vào, giọng sắc như dao cạo:
-Gì thế?
- Báo cáo cán bộ, buồng này bị chia nhầm thức ăn.
Anh cán bộ tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Sao lại có thế. Nhầm thế nào?
Tôi nói giọng quyết liệt hơn:
-Báo cáo cán bộ, buồng này năm người mà chỉ cho một phần ăn. Chúng tôi còn để
đây chờ cán bộ giải quyết!
- Đâu, đưa tôi xem nào!
Tôi lẹ
làng bước chân phải xuống sàn, chồm gần tới cửa sổ trong khi chân trái đang
dính trong cùm giơ thẳng về phía sau như tư thế của người đang tập “Tai-Chi”.
Tay tôi bưng cái bát sắt thủng đáy mà tôi đã vá lại bằng vỏ nhôm của cây kem
đánh răng và cái “bao thuốc lá” nằm gọn giữa lòng bát. Khi vừa nhìn thấy miếng
bột luộc, anh cán bộ nói ngay:
- Các anh này buồn cười! Đây là tiêu chuẩn cho 5 người! Nhầm thế ‘lào’ được?
-Tôi ấp úng, trong lúc đưa một tay lên gãi đầu:
- Báo cáo cán bộ, nhưng...
-Nhưng cái gì? Cũng bằng ấy tiêu chuẩn bột, nhưng khi ‘‘lướng’’ thì to ra, còn
khi ‘‘nuộc’’ thì bé. Anh hiểu chưa?
Thấy tôi
đứng lặng yên có vẻ chưa hiểu ra vấn đề, anh cán bộ vội kết thúc ngay cuộc đối
thoại bằng câu nói tạo hiệu quả rất nhanh. Vừa nói anh vừa với tay cầm cái bát
có “bao thuốc lá” nằm gọn lỏn bên trong và phán:
-Thế các anh có ăn không thì bảo?
Tôi sợ anh ta bực mình lấy “bao thuốc lá” đi thì khốn. Thà có ít còn hơn không,
nên đáp vội, vừa nói vừa rụt bát vào:
-Báo cáo cán bộ có, có, có! Chúng tôi ăn!
Người cán
bộ mỉm cười bỏ đi. Tôi đoán không phải anh cười vì chúng tôi hiểu lầm phần ăn của
một hay năm người, nhưng có lẽ cười vì thái độ của tôi trong câu nói sau cùng.
Những thường
trú nhân
Khu kỷ luật
trại tù Thanh Cẩm có thể coi như một cơ sở cư trú. Ngoài tôi ra như một quản
gia, còn lại ba hạng người khác làm thành nét sinh hoạt độc đáo của cơ sở này.
Ba hạng người đó là những thường trú nhân, những khách kiều cư là những người
tù Trung Quốc và cuối cùng là khách vãng lai. Thường trú nhân là những người ở
đây dài hạn. Có những người đến đây ngay từ ngày đầu với tôi, có người mới dọn
tới sau nhưng còn lưu lại sau khi một số có mặt ngay từ lúc đầu đã dọn ra.
Có mặt
ngay từ buổi đầu với tôi gồm có những người dính líu trong vụ vượt ngục ngày 2
tháng 5 năm 1979 như các anh Nguyễn Sỹ Thuyên, Trịnh Tiếu và Linh mục Nguyễn
Công Định. Trong ba người này thì anh Trịnh Tiếu ở lâu nhất, có lẽ trên dưới
hai năm. Ngoài ra có Linh mục Phạm Quý Hòa dọn tới sau nhưng cũng ở đây thời
gian rất lâu, vì tội “bóp dái ngựa”.[1] Ngoài những người tù Trung Quốc mà tôi
sẽ đề cập tới, thì có lẽ bốn người này sống trên kỷ luật lâu nhất, từ một tới
hai năm.
Về phía
các Linh mục, ngoài cha Hòa và cha Định, tôi còn nhớ năm Linh mục khác thuộc diện
khách vãng lai là các cha Trần Văn Nghị, Nguyễn Công Thành, Phạm Hữu Nam, Đinh
Cao Thuấn và Mai Quang Bao, Riêng trường hợp Linh mục Phạm Chí Hùng vì bị cưa
chân nên gởi tạm và ở một mình trong phòng 6 khu kỷ luật một thời gian khá lâu.
Có chuyện lạ, Linh mục Phạm Hữu Nam lại được xách gói ra về trong thời gian
đang bị kỷ luật. Điều này làm tôi nhớ mãi, và sự kiện này càng củng cố thêm câu
nói:“Không ai hiểu được chuyện cách mạng làm”. Một Linh mục đang bị ở khu kỷ luật
mà lại được xách gói ra về! Đúng là chuyện lạ khó tin nhưng có thật!
Trước đó
không lâu có trường hợp bất ngờ của anh Nguyễn Đức Cảnh, trước kia là một phó
Quận trưởng, dọn lên kỷ luật trong một đêm tối vào buồng tôi. Những ngày tiếp
theo anh buồn rầu và tỏ ra thất vọng một cách rõ rệt, khác với thái độ chịu dựng
của đa số người bị đi cùm. Tôi hỏi lý do, anh cho biết là dưới làng, anh thuộc
diện cải tạo rất tốt, không hề bỏ một ngày lao động, không hề phát biểu linh
tinh, chưa bao giờ vi phạm nội quy và các điều khoản “nếp sống văn hóa mới!” Vì
thành tích lẫy lừng như vậy nên anh tự nghĩ rằng trong đội anh nếu người được
tha về phải là Nguyễn Đức Cảnh, không thể rơi vào ai khác.
Vào thời
đó, ngoài những dịp thông thường có đợt tha như Tết Tây, Tết Ta, lễ Quốc Khánh,
lễ Lao Động v.v... còn có những trường hợp “đột xuất” được gọi tên ra về, và điều
này càng kích thích nhiều người nuôi hy vọng.
Chiều tối
hôm đó, trật tự Bùi Đình Thi vào buồng gọi:“Anh Nguyễn Đức Cảnh, mang tất cả nội
vụ ra! Cảnh ta nghe gọi tên mình, tưởng là được gọi ra về sướng như lên mây
xanh, mặt mày tái mét. Các anh em trong buồng bu quanh bắt tay chúc mừng. Cảnh
tay chân run rẩy vì niềm vui bất ngờ quá lớn, vội vàng phân phát tất cả thức ăn
và đồ đạc cho các bạn trong buồng. Anh còn thức ăn khá nhiều vì cô chị vợ mới
ra thăm nuôi mấy ngày qua, vợ anh đã vượt biên và đang ở Mỹ gửi tiền về khá rộng
rãi cho cô chị giúp thăm nuôi Cảnh.
Anh vẫy
tay chào anh em và bước ra khỏi buồng, chỉ có mấy bộ quần áo trong cái túi xách
nhẹ tưng. Khi ra tới ngoài, trật tự Bùi Đình Thi đưa Cảnh thẳng lên kỷ luật, mở
cửa tống vào buồng 3 của tôi. Cảnh vào buồng kỷ luật mang tâm trạng của con người
vừa trên mây rớt xống. Vừa thất vọng, vừa bị cùm chân, vừa sử dụng cầu tiêu ống
bẩu, lại vừa không thể nào nuốt được mấy củ sắn luộc chấm nước muối trong khu kỷ
luật, trong khi tất cả thức ăn bổ béo từ Miền Nam đưa ra, Cảnh đã phân phát hết
rồi. Cái lon Guigoz là báu vật để đựng nước uống trong nhà kỷ luật anh cũng
không có, anh còn nói là vừa cho đi gần hai chục cái lon Guigoz.
Mấy ngày
sau Cảnh như người mất hồn. Tới giờ cán bộ lên cho ăn, anh hỏi cán bộ anh bị tội
gì mà lên đây, cán bộ trả lời:“ Anh này buồn cười! Tội của anh mà anh không biết
thì làm sao người khác biết? Anh đừng có giả vờ! Cảnh ta điên đầu vì câu trả lời
kiểu huề tiền đó! Một hôm anh hỏi trật tự Bùi Đình Thi. Anh hỏi mãi mới được
Bùi Đình Thi chiếu cố và trả lời như sau: “Anh thì cải tạo tốt nhưng anh lại
quan hệ với người cải tạo không tốt”!
Lúc bấy
giờ Cảnh mới vỡ lẽ ra. Mấy ngày trước trong buồng có một người tù nằm kế bên
anh, ăn nói linh tinh đụng chạm tới chính sách. Cảnh ngồi dựa lưng vào tường
nghe mà không chịu đi báo cáo. Có người khác lại báo cáo việc này với trật tự.
Thế là Cảnh bị vác chiếu đi cùm. Nếu tôi nhớ không lầm thì phải hơn một tháng Cảnh
mới được xuống làng để bắt đầu chu kỳ “cải tạo tốt” khác. Tôi còn nhớ mãi lúc Cảnh
buồn quá, luôn miệng hát đi hát lại bản nhạc có mấy câu sau đây:‘‘Ngày một ngày
hai tiễn biệt nhau. Chẳng được cùng nhau chung lối sầu. Nhớ chuyện thế gian cười
ngặt nghẽo. Cùng buồn những chuyện thế gian đau!’’
Anh
Cảnh là một tín đồ Công giáo ngoan đạo, và tôi rất quý mến anh trong thời gian
sống chung trong khu kỷ luật.[1]
Những
khách kiều cư
Sự có mặt
của 15 người tù Trung Quốc trong khu kỷ luật suốt thời gian tôi ở đó cũng tạo
cho cuộc sống có vẻ riêng biệt. Khi tôi ở kỷ luật được 3 tháng thì toán tù
Trung Quốc từ khu K2 chuyển vào đây. Trông họ rất bệ rạc, rách rưới, lang thang
lếch thếch, tay xách nách mang. Nhìn vào biết ngay là “ba tàu”! Trong nhóm có
vài anh rất cao và to. Có nhiều người gầy còm và vài anh nhỏ thó, tạo thành một
nhóm người đầu thừa đuôi thẹo. Tới nơi, họ được phân chia ra các buồng kỷ luật
và sống lẫn lộn với những người tù Việt Nam, cả chính trị lẫn hình sự. Hỏi ra
tôi mới biết những anh tù Trung Quốc này có người đã bị giam hàng chục năm rồi
và đã trải qua nhiều trại khác trước khi được chuyển về đây. Tất cả đều mang
chung tội danh là “Gián điệp Trung Quốc”.
Sống
chung một thời gian, tôi biết có mấy anh qua biên giới để buôn bán thuốc men, đồng
hồ, vải vóc mà bị bắt. Cũng có vài anh vì hoàn cảnh chính trị phải chạy thoát
thân qua biên giới tìm cách trà trộn vào với đồng bào thiểu số, thay danh đổi họ
để tìm cách sinh sống. Có người tìm đường vượt biên qua Miến Điện. Có anh là Vệ
binh đỏ của Mao Trạch Đông trước kia, nay bị trả thù phải chạy trốn.
Đa
số họ nói tiếng Phổ Thông. Một vài anh nói cả tiếng Quảng. Có mấy người biết
chút ít tiếng Việt học được trong các trại tù ở Việt Nam. Nói chung, họ rất tạp
nham về nhiều mặt. Vài anh thật hiền hậu dễ thương, nhưng cũng có mấy người gốc
là tướng cướp đã từng cướp của giết người và sống ngoài vòng pháp luật trước
khi bị bắt. Họ mang theo bản chất lưu manh, bạo tàn hung ác vào đây để đóng góp
thêm cho cái đáy địa ngục trần gian này. Sự đói khổ triền miên và bị cùm trong
những lò hấp người có tường rào bao bọc này đã làm vài người trong bọn họ phát
triển tột cùng bản chất dã man mà trước kia chưa có dịp mang ra thực hành. Nhất
là khi vào tù, có dịp sống chung một buồng và có thể cấu kết nhau để tạo sức mạnh,
họ trở thành những con người thật đáng sợ.
Những người
tù xa tổ quốc này chỉ có một ý định duy nhất trong đầu là làm thế nào để được sống
còn. Họ làm hết cách để khỏi chết đói trong những nhà tù Việt Nam có quá nhiều
tù nhân chết vì đói này. Để có được miếng ăn, họ sẵn sàng trở thành những tên
nô lệ, nịnh bợ, đầy tớ cho những người tù có thể bố thí cho họ một chút gì để
ăn hoặc vật gì để dùng làm phương tiện kiếm ăn. Ngược lại, họ cũng sẵn sàng
dùng sức lực để áp đảo, đánh cướp, giết người hoặc bất cứ một hành động bạo tàn
nào khác để được có miếng ăn. Lúc bơ vơ và thất thế, họ tự biến thành những con
chó con, nhưng khi có vây cánh, họ sẽ biến ngay thành một bầy hổ đói.
Trong bọn
họ có những tay thật dữ dội, nhưng có những anh rất hiền tư, ốm yếu mà mấy anh
đầu gấu kia gọi là “kho dự trữ”. Ý muốn nói nếu họ không còn kiếm chác được thức
ăn nơi nào khác thì quay về với “kho dự trữ “ trong buồng này, bằng cách trấn lột
phần ăn trại phát cho đám tù ốm yếu. Khi nào bọn đàn anh còn cào cấu được nơi
khác thì tạm thời nhóm tù Trung Quốc trong “kho dự trữ” này còn được ăn trọn phần
ăn chết đói của trại phát mỗi ngày.
Trong khi
đó, về phía những người tù Việt Nam nói chung và những tù chính trị miền Nam
chúng tôi nói riêng, mặc dù cũng đói khổ nhưng nếu sánh với những người tù
Trung Quốc này, chúng tôi còn may mắn hơn nhiều. Tù hình sự miền Bắc được gia
đình thăm nuôi tiếp tế. Họ chẳng có quà cáp gì nhiều. Hầu hết là một ít gạo, ít
ruốc, vài cái bánh chưng, một ít hoa quả , chè Tàu và vài bánh thuốc lào. Quanh
đi quẩn lại chỉ có chừng ấy, vì đồng bào miền Bắc rất nghèo. Của ăn ở nhà còn
không có lấy đâu tiếp tế nhiều cho chồng con trong tù.
Chúng
tôi, những người tù miền Nam thì xa xôi hơn, nhưng về điều kiện kinh tế thì khá
hơn bà con miền Bắc. Những năm đầu, mặc dù chúng tôi chưa được gặp gia đình
nhưng thỉnh thoảng có nhận được quà gởi ra theo đường bưu điện, trong đó có thực
phẩm và thuốc men. Tuy số lần nhận quà rất hạn chế, mỗi 3 tháng được nhận gói
quà không quá 5 ký lô, nhưng chừng ấy cũng giúp rất nhiều cho những người tù
duy trì được sự sống. Nếu có những người gia đình khá giả thì nhận quà đều đặn
và có chất lượng. Ngược lại, có nhiều người không có thân nhân hoặc gia đình
khánh kiệt nên chẳng có quà cáp gì. Thỉnh thoảng lâu ngày được một gói nhỏ có
ít thức ăn.
Hoàn
cảnh bắt đầu khá hơn khi có chính sách cho người nhà miền Nam được phép ra Bắc
thăm nuôi tù trại Thanh Cẩm. Chính sách này bắt đầu từ năm 1979, tức là 4 năm
sau khi đợt tù miền Nam bị đưa ra Bắc. Đối với các trại khác tôi không biết rõ.
Có thể chính sách thăm nuôi xảy ra sớm hơn. Điều này cũng được coi như là chính
sách nhân đạo của đảng và nhà nước, nhưng cũng có thể được xem như một chính
sách lợi dụng, vì lúc đó cả nước đói khổ, chính phủ không còn đủ sức nuôi tù và
đã có quá nhiều tù nhân miền Nam chết đói trong các trại tù miền Bắc.
Khi
có những đợt thăm nuôi thì đồng tiền và của cải bắt đầu vào trại. Do đó, vị thế
giai tầng xã hội trong tù lại được phân định rõ ràng. Những người có của sống
cao hơn, những người không có gì phải chịu lép vế. Nếu những năm trước tất cả
những người tù miền Nam bình đẳng nhau trong cảnh chết đói, thì nay của cải đã
nâng nhiều người lên bậc ông chủ. Đồng thời nó cũng giáng cấp nhiều người xuống
thành “lái xe”. Lái xe là tiếng dùng để chỉ những anh tù nghèo không có thăm
nuôi tiếp tế phải phục vụ cho những anh tù có của khác trong nhóm sinh hoạt
chung. Trong tình thế đó, nhóm “lái xe” rành nghề nhất là các anh tù Trung Quốc.
Học tiếng
Phổ Thông
Đầu năm
1980, tôi sống chung buồng kỷ luật với hai anh Trung Quốc và một người bạn tù
miền Nam là anh Lê Thiên Bảo. Nhờ có Bảo nên trong buồng tôi có thế quân bình
và tôi không bị hai anh tù Trung Quốc áp đảo. Bảo là một Hoa kiều ở Chợ lớn, bằng
tuổi với tôi. Trước kia anh là võ sư huấn luyện viên Thái Cực Đạo của Tổng Nha
Cảnh sát Quốc gia. Anh đã cùng đi với tôi trên tàu Sông Hương ra Bắc, ở chung
trong trại Nam Hà, cùng bị đày đi Cổng Trời rồi cùng về trại Thanh Cẩm này với
tôi trong nhóm “48 Quyết Tiến”.
Lúc
vào tù anh có dịp được sống gần với các Linh mục và nhận thấy đời sống bác ái tốt
đẹp của những con người tù đặc biệt này nên anh muốn tìm hiểu về Đạo Chúa. Lúc
anh em sống chung trong kỷ luật, tôi đã giúp anh về Giáo lý Công giáo và sau
này anh đã xin chịu phép Rửa tội. Với bản chất nhân hậu và tính nết hiền hòa của
một võ sư, anh rất được nhiều người quý mến và nể phục.
Anh Lê
Thiên Bảo đồng thời cũng là người giỏi về ngôn ngữ. Anh nói cả tiếng Việt, biết
chữ Nho lẫn tiếng Phổ Thông và Quảng Đông. Ngày ngày, trong buồng Bảo nói tiếng
Việt với tôi và tiếng Phổ Thông với 2 anh Trung Quốc. Ba người họ nói tiếng Phổ
Thông với nhau nhanh như gió. Giọng líu lo như tiếng chim hót và nghe tiếng nào
tiếng nấy đều giống y như nhau. Lúc đó, tôi chưa biết một tiếng Tàu nào cả. Khi
nằm nghe họ nói chuyện, tôi thầm nghĩ trong lòng:“Trời! Bộ óc của con người là
cái gì mà người ta có thể hiểu được thứ ngôn ngữ quái đản này”.
Một trong
hai người Trung Quốc là anh Lý Đức Nghĩa, gốc người Hồ Nam, nguyên là một Vệ
binh đỏ của Mao Trạch Đông. Sau khi Vệ binh đỏ thất thế và bị ruồng bắt, anh ta
phải bỏ nước chạy trốn qua Việt Nam sống bằng nghề lục lâm thảo khấu.
Cũng nên
biết là khi Mao Trạch Đông nắm quyền ở Trung Quốc, ông ta muốn thanh trừng các
đồng chí cũ có thể tranh giành quyền lực với ông nên đã dùng sinh viên học sinh
là Vệ binh đỏ và phát động phong trào cách mạng văn hóa để có lý do thanh trừng
các cán bộ cao cấp trong hàng ngũ lãnh đạo. Nhiều đồng chí cũ của Mao đã phải
chết vì tay Vệ binh đỏ. Sau này khi phong trào Vệ binh đỏ lên cao và lộng hành,
Mao lại dùng quân đội tiêu diệt Vệ binh đỏ. Vì thế Lý Đức Nghĩa phải trốn chạy
thoát thân qua Việt Nam.
Anh
ta sùng bái Mao Trạch Đông một cách điên cuồng và tỏ thái độ khinh bỉ Cộng sản
Việt Nam ra mặt. Anh ta nói Cộng sản Việt Nam là tớ phản thầy. Trước kia đội
Trung Quốc lên đầu, sau này chửi lại Trung Quốc. Nghĩa bị bắt vào tù hàng chục
năm nay với tội danh “gián điệp Trung Quốc”. Mặc dù sống trong tù Việt Nam lâu
năm nhưng anh ta không nói được một câu tiếng Việt nào. Tuy nhiên nghe thì anh
hiểu.
Anh chàng
Lý Đức Nghĩa này người to cao và tính chất lưu manh hiện rõ ra tới ngoài da! Nhất
là cặp mắt của anh ta. Anh có cặp mắt thật trong và hẹp như mắt sư tử. Mắt có
đuôi dài và lúc nào cũng láo liên. Thỉnh thoảng liếc nhìn trộm. Có lúc tôi
nghĩ, họa sĩ nào muốn tìm người mẫu để vẽ đôi mắt lưu manh nhất thì phải tìm tới
anh chàng này. Lý Đức Nghĩa là một hiện tượng để lại trong tôi nhiều điều khó
quên, vì anh ta có nhiều cái “nhất” trong nhóm tù Trung Quốc. Nói tiếng Phổ
Thông đúng giọng nhất, vì quê hương anh rất gần Bắc kinh. Khéo tay nhất, chỉ cần
vất cho anh một mảnh vải, chừng tiếng đồng hồ sau anh đưa lại một cuộn chỉ được
xe bằng hai đầu ngón tay, đẹp không thua chỉ làm trong nhà máy. Ở dơ nhất, anh
ta chưa bao giờ cầm cái bàn chải đánh răng, nên khi anh cười để lộ hàm răng
trông giống như mảnh gỗ mục ngâm dưới nước lâu năm bị rong rêu và sò ốc bám tua
tủa! Có lần tôi hỏi:
- Nghĩa à, tao lấy làm lạ, tại sao mầy không đánh răng?
Nó trả lời tôi:
- Mao chù xí (Mao chủ tịch) có bao giờ đánh răng đâu mà cũng làm chủ tịch Trung
Quốc vĩ đại, cai trị hàng tỷ dân!
Thì ra anh chàng “Lỳ Tợ Dí” (Lý Đức Nghĩa) này sùng bái Mao Trạch Đông một cách
điên cuồng, ngay cả sùng bái cái việc Mao suốt đời không bao giờ đánh răng! Và
dĩ nhiên Lý Đức Nghĩa lưu manh nhất đám.
Lợi dụng
hoàn cảnh sống chung với mấy anh Trung Quốc đó, và qua sự khuyến khích của Lê Thiên
Bảo, tôi quyết tâm học cho bằng được một ngôn ngữ mới, đó là tiếng Phổ Thông.
Tôi bắt đầu học nói trước và học viết sau, vì lúc đó trong buồng không có bút
giấy.
Tôi chọn
thời điểm dễ nhớ là vào sáng ngày 1 tháng Giêng năm 1980 và câu nói tiếng Quan Thoại
đầu tiên là:“Chị tôi từ Sài Gòn ra thăm tôi”. Lý Đức Nghĩa giúp tôi luyện giọng
và Lê Thiên Bảo giúp tôi dịch nghĩa tiếng Việt và chữ Nho. Bước đầu thật vất vả.
Mỗi đêm, chân trong cùm, Lý Đức Nghĩa nằm kể chuyện về phong trào Vệ binh đỏ
bên Trung Quốc, Lê Thiên Bảo dịch lại, còn tôi chú ý lắng nghe từng tiếng phát
âm của Nghĩa. Thỉnh thoảng tôi kêu dừng lại để tôi tập phát âm cho đúng những
tiếng tôi muốn học.
Tôi muốn
nhắc lại để nhớ ơn của Lý Đức Nghĩa và Lê Thiên Bảo. Nhờ hai người đó tôi học
được một ngôn ngữ mới mà có hàng tỷ người trên thế giới sử dụng. Tôi quyết tâm
học cho bằng được và cố gắng ngày đêm. Khi đã nói được chút ít, hàng đêm tôi
dùng ngôn ngữ này kể các câu chuyện trong Kinh Thánh cho các anh tù Trung Quốc
nghe và dặn chỗ nào tôi nói sai thì chặn lại để tôi sữa.
Sau
hai năm miệt mài và lúc nào cũng có dịp sống chung buồng với một anh Trung Quốc
nào đó, nên ngay trong lúc còn ở khu kỷ luật tôi đã nói tiếng Quan Thoại lưu
loát, cả tiếng lóng, thành ngữ và chửi thề nữa! Nhớ lại đoạn đường đã trải qua
trong việc học ngôn ngữ này, tôi tưởng chừng như mình hạ một cây rừng xuống để
đẽo gọt thành cây cột nhà. Tôi đã phải làm việc trong hai năm trời. Đầu tiên chặt
các cành, lột vỏ cây, dùng rìu chém những chỗ nhô ra, dùng dao gọt lại, dùng bào
làm cho láng và cuối cùng là đánh bóng cây cột thật tròn và thẳng.
Lúc đầu
tôi chỉ học nói, về sau học đọc và viết. Lúc chưa có phương tiện, tôi phải dùng
than vẽ chữ xuống nền nhà để học. Về sau này tới đời trật tự dễ dãi hơn, tôi có
thể xin được bút chì và khi đi tắm nhặt những bao xi măng ở đống rác trước cửa
trại về vuốt ra cho thẳng làm vở. Những người Trung Quốc sống chung giúp tôi viết
và đọc chữ Tàu. Có điều hơi thiệt thòi cho tôi là các anh Trung Quốc chỉ biết
“chữ đơn giản”, tức là loại chữ cải cách mà chế độ Cộng sản Trung Quốc dùng.
Trong khi “chữ cổ” thì khó và nhiều nét hơn, nhưng đa số sách báo trên thế giới
đều dùng chữ cổ. Học nói được tiếng Phổ Thông tôi coi là một trong những sự đền
bù xứng đáng cho những năm gian khổ mà tôi bị mất đi trong nhà kỷ luật trại tù
Thanh Cẩm.
Số tù
Trung Quốc lúc đầu khá đông nhưng về sau có nhiều người vượt ngục bị bắn chết,
có một số chết bệnh hoặc chết đói. Năm 1980, chỉ còn lại khoảng 15 người sống vất
vưởng trong kỷ luật và lệ thuộc vào sự giúp đỡ của anh em tù chính trị miền
Nam. Khi sống chung buồng với chúng tôi, họ tỏ ra ngoan ngoãn, nhưng khi sống
riêng họ với nhau, hoặc trong buồng nào họ có số đông để trở thành sức mạnh áp
đảo, họ trở thành thú dữ. Lúc đó, sự dã man của họ ngoài sự tưởng tượng của mọi
người.
Bầy ác
thú trong cơn đói
Thời gian
đó là vào cuối năm 1981. Anh trật tự lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Bảy, mà chúng
tôi gọi là Bảy Chà vì nước da của anh ngăm đen. Một con người hiền hậu và nhân
từ. Anh được chọn làm trật tự không phải vì thành tích bất hảo, hoặc vì cán bộ
muốn anh trở thành quả đấm để trừng trị tù, nhưng có lẽ anh được chọn vì cái bộ
dạng rất “ngầu” của anh. Người anh to cao, da ngăm đen, ai chưa biết anh, mới
nhìn vào đã thấy nhợn. Anh cũng từ trại quân đội chuyển về đây. Trước khi làm
trật tự, anh có nhiệm vụ gánh phân trong trại nên còn được mệnh danh là “Bảy Cứt!”
Nếu mấy năm trước trật tự Bùi Đình Thi là một hung thần của khu kỷ luật thì lúc
này trật tự Bảy Chà là cứu tinh của chúng tôi. Tôi phải nói lên điều này để bày
tỏ lòng quý mến và biết ơn anh.
Lúc đó,
tôi đang ở buồng bốn phía sau của khu kỷ luật cùng với vài người Việt nam khác,
thì trong buồng năm cách vách buồng tôi có ba anh Trung Quốc đó là Chu Vạn Hồi,
Lý Đức Nghĩa và Lưu Tùng. Chu Vạn Hồi trước kia là tên cướp. Nghĩa gốc Vệ binh
đỏ và sau này qua Việt Nam sống nghề lục lâm thảo khấu. Tùng lớn tuổi là người
hiền từ, ốm yếu như cây sậy, anh đi buôn vùng biên giới bị bắt. Sống trong buồng,
Tùng bị Hồi và Nghĩa trấn lột gần hết phần ăn nên càng ngày càng gầy yếu, đi đứng
không vững nhưng không dám lên tiếng.
Mặc dù
tôi không sống trong buồng đó nhưng tôi còn lạ gì hai tên cướp Nghĩa và Hồi mà
trong hai năm qua tôi đã sống chung buồng khá nhiều lần. Có một lần đi tắm
chung dưới sông Mã, lợi dụng lúc vắng tôi hỏi Lưu Tùng có phải bị hai tên kia
cướp cơm không? Tùng không dám trả lời nhưng, mắt trước mắt sau và xòe bàn tay
phải ra cứa qua cứa lại dưới cổ. Tôi hiểu Lưu Tùng muốn nói gì qua dấu hiệu đó.
Sau đó tôi nói lại chuyện này với anh trật tự Bảy Chà và anh hứa là sẽ báo cáo
với cán bộ.
Mấy
ngày sau, cán bộ đưa vào buồng 5 của mấy anh Trung Quốc này một anh tù hình sự
bị phạt lên kỷ luật. Những anh tù kỷ luật thuộc loại “vãng lai” này, khi bị đưa
lên kỷ luật họ bị cùm cả ngày lẫn đêm, nhưng chỉ một thời gian ngắn là được xuống.
Số khách vãng lai này cứ có lai rai, khi thì một anh, có lúc vài ba anh. Vì thế
việc anh tù hình sự vác chiếu vào buồng 5 lúc chiều cũng chẳng có gì đáng chú
ý. Quãng sau 10 giờ đêm hôm đó, khi đèn điện vừa tắt được một lúc và ai nấy bắt
đầu ngủ, bất thần tôi nghe một tiếng “Bùm” rất to từ buồng 5 vọng ra, tiếp theo
là tiếng la thất thanh và vang dội trong đêm vắng của anh tù hình sự: “Báo cáo
cán bộ, báo cáo cán bộ! Chúng nó giết tôi, chúng nó giết tôi! Cứu tôi! Báo cáo
cán bộ!”
Tiếng la
hét nghe thật rùng rợn trong cảnh hãi hùng của con người sắp bị giết chết làm tất
cả tù nhân trong khu kỷ luật giật mình và nhốn nháo gọi chuyền qua các buồng hỏi
nhau coi chuyện gì xảy ra. Anh ta cứ gân cổ lên mà la như vậy cho tới lúc sau
có mấy cán bộ xách đèn bấm chạy lên. Tôi nghe tiếng quát tháo, tiếng mở cửa buồng,
tiếng cán bộ đe dọa mấy anh Trung Quốc và sau đó cán bộ đưa anh tù hình sự ra
khỏi buồng và khóa cửa lại, đi xuống.
Đối với
tù trên khu kỷ luật, việc đánh nhau, la lối và báo cáo cán bộ là chuyện thường
xảy ra. Chính bản thân tôi trước đó không lâu cũng đã cùng với ông Lê Văn
Khương, nguyên Quản đốc trại tù Côn Sơn, đã phải ra tay trừng trị Lý Đức Nghĩa
vì anh ta cấu kết với một anh Hoa kiều khác trong buồng để cướp giật thức ăn của
một người tù già là ông Hoàng A Giú. Nhưng cách anh tù hình sự kêu la thất
thanh trong đêm đó làm tôi sinh nghi có chuyện gì rất nghiêm trọng, chứ không
phải cuộc đánh nhau thông thường. Nhưng rồi câu chuyện đó cũng chìm vào quên
lãng trong khu kỷ luật không mấy ngày là không có chuyện xảy ra này. Lúc đó tôi
đâu có ngờ là trong buồng 5 đêm đó xảy ra một sự việc thật khiếp đảm, ngoài sự
tưởng tượng của mọi người. Sự việc này lại có liên quan tới tính mệnh của tôi,
mà mãi về sau này tôi mới biết được.
Tuần sau,
lại có cuộc đổi buồng trên khu kỷ luật. Lần này cán bộ trực trại tên Thanh bảo
tôi vào buồng 5 với ba anh Trung Quốc đó. Tôi nói với cán bộ Thanh là tôi và Lý
Đức Nghĩa mới đánh nhau hôm Tết như cán bộ đã biết. Nếu tôi vào buồng đó chắc
chắn sẽ có chuyện đáng tiếc xảy ra, và tôi xin cho tôi vào bất cứ buồng nào
trong khu kỷ luật, trừ ra buồng với Lý Đức Nghĩa. Nghe tôi trình bày, cán bộ
Thanh suy nghĩ một lúc rồi đưa tôi vào buồng 2 phía trước.
Những
khách vãng lai
Trong ba
năm giữ vai trò quản gia trong khu kỷ luật trại Thanh Cẩm, tôi đã tiếp đón và
tiễn chân rất nhiều người, tù chính trị cũng như hình sự và cả những người tù
Trung Quốc như tôi đã nói.
Chúng tôi
thường xuyên bị xáo trộn quanh đi quẩn lại trong sáu buồng nên tôi có dịp sống
chung với nhiều người. Và nhờ đó tôi cũng theo dõi được tin tức sinh hoạt dưới
làng. Tôi cũng nhắn qua các anh em vãng lai khi xuống làng hỏi thăm anh em bạn
bè. Thỉnh thoảng những khách vãng lai cũng có mang lên cho các người trên kỷ luật
ít thức ăn, vài quả ớt hoặc ít thuốc lào, nhưng điều chúng tôi cần nhất là áo
quần và chăn chiếu.
Trong
thời gian Bùi Đình Thi còn làm trật tự thì việc cho quần áo bị cấm hẳn. Mặc dù
cán bộ không bao giờ để ý chuyện này, nhưng nếu Bùi Đình Thi xét thấy là sẽ no
đòn với anh ta. Vì thế, mặc dù lúc đó tôi sống trần truồng, nhưng các khách
vãng lai khi xuống làng cũng không hề dám để lại thứ gì cho tôi. Khi Bùi Đình
Thi mất chức trật tự rồi, cuộc sống tôi khá hơn, nhất là được áo quần chăn chiếu
các anh em để lại. Từ khi anh Nguyễn Văn Bảy làm trật tự, tôi thấy cuộc sống
trên kỷ luật có được hai chữ “thoải mái”. Rất tiếc là anh được làm quá muộn.
Sau khi Bùi Đình Thi mất chức, tới anh Nguyễn Tấn Đạt. Khi Đạt về, tới anh
Danh. Anh Danh lên chưa kịp làm việc đã được về, rồi mới tới Bảy Chà thay thế.
Lúc
anh Bảy Chà làm trật tự, tôi đã ở kỷ luật hơn hai năm rồi. Khách vãng lai có
người phải ở khá lâu, nhưng cũng có người chỉ vài hôm là được xuống đội. Khu kỷ
luật như tôi đã nói có “đủ chỗ” cho 24 người bị cùm, nhưng có lúc đắt khách sẽ
có những người không phải cùm, nhưng nằm giữa phi đạo. Trái lại, có khi rất vắng,
chỉ có những người thường trú và khách kiều cư. Vẻ tiêu điều hiện rõ với
một số phòng trống không.
Hoa lạc
giữa rừng gươm
Có một lần
rất đặc biệt, tôi được hân hạnh tiếp một người tù thuộc phái đẹp! Chiều tối hôm
đó, cán bộ đưa một người đàn bà vào buồng trống ở cạnh buồng tôi để “gửi” nhờ
qua đêm. Khi cán bộ đi xuống rồi, tôi gọi qua hỏi thăm và biết đó là em dâu của
anh Dương Văn Lợi. Sau khi anh Lợi cướp chiếc máy bay trực thăng của Bộ Chính
trị ngay tại phi trường Nội Bài ở Hà Nội và bay thành công qua Trung Quốc vào
năm 1981, cả nhà anh ở Hà Nội bị vạ lây.
Người em
dâu của anh Lợi bị bắt và trên đường bị đưa tới một trại giam nào đó, phải dừng
chân qua đêm tại Thanh Cẩm. Khi biết tôi là bạn anh Lợi, chị mừng và vui vẻ trả
lời các câu hỏi của tôi liên quan tới anh Lợi. Khi gần đi ngủ, chị gọi sang hỏi
tôi với vẻ e lệ ngượng ngùng, làm ơn bảo chị cách thức đi cầu! Tôi cảm thông vô
cùng với tâm trạng người đàn bà khi phải hỏi một người đàn ông xa lạ về chuyện
này. Tôi đoán là một mình trong buồng bên, chị cũng đã xoay xở hết cách nhưng
không thành công với loại nhà cầu đặc biệt với hai cái ống bẩu trong buồng!
Tôi
gọi sang tận tình hướng dẫn, nhưng không biết kết quả ra sao. Vì vấn đề quá tế
nhị nên tôi không tiện hỏi lại. Thực ra loại nhà cầu bằng hai ống bẩu này được
“vẽ kiểu” chỉ phù hợp cho giới mày râu mà thôi. Sáng hôm sau, vị khách quý thuộc
phái đẹp này được đưa đi rất sớm. Kể từ đó, khu kỷ luật Thanh Cẩm chúng tôi
không còn được hân hạnh đón tiếp khách vãng lai thuộc phái đẹp nữa.
Tướng cướp
Bình Thanh
Cuộc sống
của tôi trong kỷ luật bắt đầu được cải thiện sau hai năm vì nhiều lý do, trong
đó, sự ra đi của trật tự Bùi Đình Thi là lý do hàng đầu. Kế đến là được chị tôi
từ Vĩnh Long ra Bắc thăm hai lần. Lần đầu vào năm 1980, tôi không được gặp mặt,
chỉ được nhận 5 ký quà. Lần thứ hai, năm 1981, tôi được gặp mặt chị tôi 15 phút
và nhận quà khá hơn. Tội nghiệp chị tôi trong chuyến đi thứ hai này, từ lúc rời
nhà cho đến khi về tới nhà là 33 ngày, vì mưa bão làm sập cầu, ngập đường. Việc
tôi được gặp chị tôi là một nguồn an ủi tinh thần rất lớn. Hơn nữa, có một ít
thức ăn cần thiết cho sự phục hồi sức khỏe của tôi lúc đó. Ngoài ra, các khách
vãng lai khi trở xuống làng cũng để lại cho tôi áo quần, chăn chiếu và đồ dùng.
Nhờ đó, tôi không còn phải sống trần truồng như trước.
Thời trật
tự Nguyễn Tấn Đạt, cũng là tù quân đội, anh lầm lì ít nói nhưng không đánh người.
Tới trật tự Nguyễn Văn Bảy, tôi mới thấy thực sự thoải mái cả cuộc sống vật chất
lẫn tinh thần. Mặc dù hoàn cảnh vẫn như cũ, trời Thanh Hóa vẫn nắng như thiêu
như đốt, gió Lào vẫn hừng hực lửa vào mù hè, buồng giam khu kỷ luật vẫn mang
tính chất khắc nghiệt của nó, nhưng lòng nhân đạo của con người hình như đã thắng
sự khắc nghiệt của thiên nhiên này.
Nếu
trước đây hai năm, tôi có thể bị cán bộ và trật tự đánh đập bất cứ lúc nào và bởi
bất cứ lý do gì, thì lúc này, lớp cán bộ mới cũng không còn dữ dằn và quá giáo
điều như lớp trước. Những anh tù có nhiệm vụ trong ban thi đua cũng thân ái, nhẹ
nhàng và thỉnh thoảng còn tìm cách giúp cho anh em chúng tôi trên khu kỷ luật một
chút gì cho cuộc sống dễ chịu hơn. Một điều đáng nói nữa là lúc đó chúng tôi đã
được nhận quà gửi ra theo đường bưu điện mỗi 3 tháng một lần. Với tất cả những
yếu tố đó cộng lại, tôi có thể kết luận cuộc sống của tôi sau hai năm trong kỷ
luật đã bắt đầu “lên hương”, mặc dù đêm đêm vẫn phải xỏ chân vào cùm sắt. Chính
trong thời gian đó, tôi lại có dịp đón tiếp một đoàn khách đặc biệt.
Một buổi
sáng nọ, từ trong buồng 2 phía sân trước cùng với một anh Hoa kiều người Chợ lớn
tên Lý Tử, tôi nhìn ra cửa sổ thấy cán bộ và trật tự dẫn một toán tù hình sự
khoảnghơn chục anh đi vào khu kỷ luật. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là nhóm tù
này khỏe mạnh. Họ mang rất ít đồ đạc. Mỗi người chỉ có một ba-lô khoác trên
lưng. Họ ăn mặc gọn gàng và nhìn vào biết ngay là tù hình sự. Phần đông đều nhỏ
người, chỉ trừ một vài anh cao lớn. Đa số đội mũ cối, mang giày vải. Có mấy anh
mang dép nhựa, cũng có vài anh mang dép râu. Họ âm thầm bước đi không cười nói,
nhưng không tỏ ra thểu não và bệ rạc như khi tôi thấy toán tù Trung Quốc nhập
vào khu kỷ luật này trước đây.
Tôi
chợt chú ý tới một anh đi ở cuối hàng, vì anh này có dáng vẻ và phong thái khác
hơn các người trong nhóm. Người anh to rắn chắc và rất tầm thước. Không cao mà
cũng không thấp. Vai anh rộng và hơi vòng một chút như vai con rùa. Nước da trắng
như một thư sinh. Nét mặt cân đối với đôi chân mày rậm hài hòa. Tóc anh dầy, thật
đen và húi cua. Anh có ít râu dưới cằm rất đen vì tương phản với làn da trắng của
anh. Anh ta đẹp trai. Tuổi lúc đó chừng ba mốt ba hai là cùng. Anh mang ba lô
trên lưng, chân mang giày vải, mặc quần tây màu nâu và áo bộ đội màu cứt ngựa.
Một tay anh cầm cái mũ lưỡi trai màu đen. Nếu bình thường gặp anh một nơi nào
khác có thể lầm anh là một cầu thủ đá bóng đi dượt bóng về, vì tướng anh rất
phù hợp với hình ảnh đó.
Cả bọn đứng
lại giữa sân ngay trước cửa sổ buồng tôi, trong khi trật tự mở khóa các buồng
phía sau để phân bổ lính mới. Các anh nhớn nhác nhìn vào các buồng, nhưng nhìn
từ ngoài nắng chắc sẽ chẳng thấy gì. Tôi đứng sát vào song cửa sắt, nhìn ra và
nói một câu với các tù nhân mới:
- Hêlô! Thân ái chào các anh em mới tới! Các bạn từ trại nào chuyển về?
Nghe tiếng
tôi chào, mấy anh đứng gần quay lại nhìn về phía tôi và nheo mắt nhìn vào trong
buồng, nhưng tôi biết là họ không thấy gì vì trong buồng tối om. Anh chàng đẹp
trai nghe tôi chào, bước lại sát bên cửa sổ, tươi cười trả lời:
-Chào anh! Bọn chúng em từ xà lim Bộ chuyển về. Anh là người miền à?[1] Nghe giọng
anh bọn em nhận ra ngay. Anh ở kỷ luật bao lâu rồi?
-Vâng, tôi người Sài Gòn và ở kỷ luật hơn hai năm rồi!
Anh chàng nghe thế vội hỏi:
- Lâu vậy! Anh bị gì?
Tôi đáp gọn:
- Trốn trại!
Anh có vẻ thích chí, cười thật tươi:
- Nhất anh! Phải thế chứ. Trước trong Nam anh làm gì?
-Linh mục!
Anh thanh niên nghe không rõ, hỏi lại và kề tai sát vào song sắt:
- Em nghe không ra, anh nói trước kia anh là gì?
-Anh là Linh mục, là cha đạo ấy mà!
- Em hiểu rồi, anh làm việc trong nhà thờ chứ gì? Cha đạo mà đi tù lại vượt ngục!
Nhất anh! Em là Bình Thanh, em rất muốn gặp anh. Thế tên anh là gì?
Vừa nói anh vừa cầm bàn tay tôi đang nắm song sắt cửa sổ. Trong khi đó cán bộ
cũng vừa đi lại. Tôi nói:
- Anh cũng muốn gặp Bình Thanh. Anh tên Lễ, cứ gọi là Anh Út.
- Vâng, anh Út!
Cán bộ
phân bổ lính mới vào các buồng. Anh tù cao lớn đẹp trai tự giới thiệu là Bình
Thanh, qua buồng 3 kế bên tôi. Có hai lính mới vào buồng tôi và một số ra các
buồng phía sau.
Hai anh
chàng vào buồng tôi khá nhỏ người, nói rặt giọng Hà Nội. Ngay từ phút đầu đã tỏ
ra rất lễ phép đối với tôi. Một anh nhỏ hơn, nước da ngăm đen là Bình Bưởi. Anh
kia gầy và cao hơn là Tiến Ngựa. Tù hình sự không anh nào là không có tên đệm
kèm theo. Vào buồng và dường như có vẻ mệt, hai anh cởi áo nằm nghỉ để lộ hai
thân hình xâm trổ đầy người. Bình Bưởi xâm cả lưng, bụng, hai đùi và hai cánh
tay nữa. Qua một vài câu nói tôi biết Bình Bưởi tuy nhỏ hơn nhưng là đàn anh. Sở
dĩ gọi là Bình Bưởi vì quê anh ở làng Bưởi, Hà Nội.
Hai anh
cho biết nhóm này ở xà lim Bộ, tức từ Hà Nội, chuyển về khá đông, một số lớn ở
dưới làng. Khi tôi nhắc tới Bình Thanh mà tôi gặp và nói chuyện mấy câu lúc
nãy, Bình Bưởi chỉ đáp gọn một câu:
-Anh Bình Thanh là anh của bọn em. Anh ấy hay lắm đấy anh ạ!
Tôi đã sống
chung với tù hình sự trên trại Cổng Trời và hiểu được “ngôn ngữ” và quy luật sống
trong tù của họ. Tiếng “anh” có một ý nghĩa rất quan trọng và ở giai tầng trên,
trong khi hai tiếng “anh em” chỉ những người trong nhóm và hàng ngang. Tiếng
“hay lắm” có nghĩa là đáng kính trọng, có tư cách và có vị thế lãnh đạo. Mặc dù
hai anh này chưa biết tôi, nhưng nghe qua cách Bình Thanh bày tỏ thái độ với
tôi lúc nãy, hai anh bắt đầu kính nể tôi.
Tới giờ
cho ăn trưa, các buồng được ra sân một lúc để hít thở và dọn vệ sinh buồng. Cửa
vừa mở, tôi thấy Bình Thanh chạy bay ra và đảo một vòng như con ngựa bị cuồng
chân lâu ngày vừa mới xổng chuồng. Anh ta mặc quần đùi trắng, áo thun trắng,
mang giày vải để lộ đôi chân khỏe mạnh, rắn chắc. Ngực anh nở nang và hai cánh
tay to, một bên có xâm hình bàn tay cầm bó đuốc, bên kia là một cây kiếm. Tôi
đoán là thân người Bình Thanh xâm trổ nhiều lắm, nhưng vì anh ta mặc áo thun
nên không thấy hết được. Toàn thể con người anh ta toát ra sự cường tráng của
người đang ở thời kỳ sức lực dồi dào và cuồn cuộn lên trong các bắp thịt. Thấy
tôi bước ra, Bình Thanh chạy tới đưa cả hai tay ra nắm lấy hai tay tôi nói
nhanh:
-Anh chờ em tí, em vào coi hai thằng em ra sao rồi trở ra ngay!
Nói xong,
anh ta chạy ngay vào buồng hỏi Bình Bưởi và Tiến Ngựa ra sao, có thoải mái
không, có cần gì không. Sau khi biết mọi việc tốt đẹp, Bình Thanh trở ra với
tôi, nói:
-Anh Út! Vừa gặp anh em đã quý anh. Bọn trong buồng bên kia đều nể phục anh và
nói là anh hay lắm. Em xin anh xem em như thằng em của anh nhá, anh Út!
Bình
Thanh vừa nói vừa cầm bàn tay và nhìn vào mắt làm tôi rất cảm động. Lúc này, đứng
gần thấy anh ta rất đẹp và dễ thương. Môi trên hơi ngắn hơn môi dưới một chút
và khi nói chuyện hay đưa cằm ra phía trước trong cử chỉ thách thức. Đôi mắt
anh ta đẹp, nhưng nhìn kỹ trong đôi mắt ấy, như ẩn hiện đâu đó nét hoang dại của
loài sư tử. Tôi nắm tay Bình Thanh, nói:
- Bình Thanh! lúc nãy khi vừa trông thấy em anh đã quý. Từ nay em sẽ là em của
anh. Anh là con Út trong gia đình, bây giờ anh có người em.
Tôi vừa
nói vừa kéo Bình Thanh vào đôi cánh tay vừa mới phục hồi sức khỏe của tôi. Bình
Thanh ôm lấy tôi thật chặt. Tôi cảm thấy niềm hạnh phúc dâng tràn trong lòng.
Tôi cũng ngạc nhiên vì chúng tôi đến với nhau và chấp nhận nhau thật nhanh,
không cần tìm hiểu thêm, không cần suy nghĩ, đắn đo. Tự nhiên, tôi thấy nơi người
thanh niên xa lạ vừa gặp lần đầu này có một dáng vẻ khác người. Từ con người, lối
ăn nói, cách bày tỏ tình cảm, sự chú ý săn sóc cho đàn em và qua câu nói của
Bình Bưởi, tôi biết Bình Thanh là một tên lưu manh, nhưng là một tên lưu manh
có tầm cỡ và bản lĩnh. Tôi thích mẫu người như anh, và tôi nhận Bình Thanh làm
người em kết nghĩa do một thứ trực giác thúc đẩy, không hề suy nghĩ.
Những
ngày tiếp theo, tôi thấy hiện tượng khá lạ lùng mà trong gần ba năm qua khu kỷ
luật này chưa bao giờ xảy ra. Đó là một vài anh tù hình sự dưới làng lén leo
qua những bức tường bao bọc chung quanh khu kỷ luật để tiếp tế lên cho Bình
Thanh và anh em. Thì ra, những anh hình sự khác ở dưới làng cũng nhận quyền và
tùng phục Bình Thanh đang bị cùm trong kỷ luật.
Những
ngày sau, Bình Bưởi và các anh em trong nhóm cho tôi biết thêm về cuộc đời và
thành tích của Bình Thanh, làm tôi càng quý anh hơn. Sau này, khi sống chung một
buồng, tôi mới hiểu hết ý chí ngang tàng, cuộc sống lẫy lừng và tư cách đàn anh
đúng nghĩa của một “đại ca” trong giới giang hồ.
Theo lời
các anh em trong nhóm, tên tuổi Bình Thanh được kính nể trong tù hình sự miền Bắc.
Anh tù nào nghe tới tên cũng nể phục. Bất cứ anh tù nào mới bị bắt vào buồng và
bị các đầu gấu khác bắt làm lễ ra mắt, chỉ cần nói có biết Bình Thanh là được
an toàn. Bình Thanh không phải loại đầu gấu hiểu theo nghĩa tầm thường bắt nạt
người yếu để kiếm ăn, nhưng là hạng anh hùng hảo hán, bênh vực đàn em và nếu cần
chịu chết đói cho những người đàn em được no.
Tôi nghe
kể về tư cách đáng nể phục của Bình Thanh, nhưng sau này, khi anh em tôi có dịp
sống chung một buồng, tôi mới thấy rõ Bình Thanh là một hiện tượng của xã hội.
Dĩ nhiên, trong giới lưu manh có quy luật của nó và anh nào không tuân giữ, đó
sẽ bị Bình Thanh bắt khuất phục đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, tự trong thâm tâm,
anh là con người trọng nghĩa khinh tài. Anh rất coi trọng nhân nghĩa và bênh vực
giới bị xã hội bất công đè bẹp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét