TÔI PHẢI SỐNG PHẦN 47
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
Cuối Chuyện
Đèn đường
vẫn hắt nhẹ những tia sáng yếu ớt vào phòng. Tiếng côn trùng rả rích gọi bạn về
khuya. Đâu đây nghe tiếng gió đưa xào xạc như nhẹ rơi những cánh lá vàng không
buồn sống. Tôi ngồi lên, bước tới bật đèn và nhìn đồng hồ trên tường, thấy đã gần
hai giờ sáng. Vì nằm lâu nhưng không ngủ được nên thấy người hơi choáng váng.
Tôi đưa hai bàn tay lên xoa mặt, đan các ngón tay vào đầu tóc rối bù vì trăn trở
mãi trên gối.
Nhà
Chung Hà Nội thật êm ắng. Thỉnh thoảng, vài tiếng thạch sùng tắc lưỡi tìm mồi
đêm. Hình ảnh quá khứ cứ nhảy múa trong đầu. Cái nọ nối tiếp cái kia, có lúc lại
đan chặt và dính trùm vào nhau như một vở bi hài kịch kéo dài. Tôi cảm thấy hơi
nóng đầu như một bộ máy chạy liên tiếp mấy tiếng đồng hồ không nghỉ.
Tôi bước vào nhà tắm bật đèn lên. Nhà tắm và cầu tiêu chung trong một phòng lớn,
có lẽ lớn hơn buồng giam bốn người trong khu kỷ luật trại Thanh Cẩm một chút,
thật sạch sẽ, tường lát gạch men bóng láng. Trên tường có 2 cái giá máng khăn,
một chiếc khăn tắm lớn và chiếc khăn mặt nhỏ được gấp làm tư cẩn thận. Trên bàn
rửa mặt bằng men trắng kiểu cổ, có vòi nước máy và một chiếc khay nhỏ đựng bàn
chải đánh răng, cây kem nhỏ, cái lược và dao cạo râu loại rẻ tiền nhưng mới
toanh. Trong lúc đang dùng phương tiện trong nhà vệ sinh, tôi chợt mỉm cười khi
nhớ tới hai cái ống bẩu bằng tre trong buồng kỷ luật trại Thanh Cẩm!
Sau khi rửa
mặt, chải đầu và lau khô bằng chiếc khăn mặt thơm mùi bột giặt, tôi đứng ngắm
mình trong gương, mỉm cười lần nữa. Lần này thì cười tươi hơn và nghĩ thầm:
“Trông mình cũng chưa đến nỗi nào!” Mặc dù biết là rửa mặt xong sẽ rất khó ngủ
lại nhưng lúc đó con người tôi quá bần thần, như người đang ốm nên phải rửa mặt
mới dễ chịu được. Và thật vậy, sau khi rửa mặt, tôi thấy khỏe khoắn, dễ chịu và
tươi mát ra.
Tôi không
trở lại giường nhưng mở cửa ra hành lang, đứng tựa lan can nhìn xuống. Phố xá
giờ này đang vắng tanh. Lâu lắm mới có tiếng xe máy và bóng vài người đi xe đạp
thoáng qua phố chánh, nơi mà trưa hôm qua, bộ ba tướng sĩ tượng chúng tôi bỡ ngỡ
bước vào Nhà Chung này. Bên kia đường, nơi chiều qua, các người trẻ tới khiêu
vũ, giờ này không một bóng người. Tất cả đều trở nên yên lặng trong đêm tĩnh mịch.
Tờ giấy
ra trại
Kể từ lúc
cho vào túi tờ “Giấy Ra Trại” màu nâu rách mép và làm bằng chất liệu kém nhất
mà tôi mới thấy lần đầu, cho tới giờ, thời gian qua đi chưa đầy 24 tiếng. Lúc vừa
bước ra khỏi cơ quan của trại Nam Hà để đón xe lên Hà Nội sáng hôm qua, tôi cứ
suy nghĩ vẩn vơ về tờ “Giấy Ra Trại”, đang nằm sâu trong túi áo ngực được may
bên trong và cài hai lần kim băng, lúc nào cũng cồm cộm trên ngực.
Tôi
suy nghĩ mãi về sự tương phản quá lớn lao giữa hình dạng và nội dung của nó.
Khi người cán bộ đặt “Giấy Ra Trại” trên bàn và bảo ký tên vào, tôi ngạc nhiên
đến bất lịch sự khi nhận cây bút, cúi khom người, kéo một hàng ngoằn ngoèo như
con giun vào chỗ dành cho đương sự ký tên. Nói rõ hơn là mảnh giấy đó không
đáng để tôi ký tên vào. Ngay lúc đó, tôi nghĩ mình như bị xúc phạm khi cơ quan
trại Nam Hà cấp cho tôi một thứ giấy tờ có giá trị pháp lý lâu dài mà lại là một
tờ giấy đen thủi đen thui, chất lượng còn kém hơn giấy bao xi măng và bìa thì
rách nát như cái răng cưa. Như vậy có ý gì? Chẳng lẽ Nhà nước không có thể cấp
cho tôi một tờ giấy ra trại bằng chất liệu thông thường khác hay sao?
Lúc nhận tờ giấy, tôi cầm thật nhẹ tay, chỉ sợ vô ý làm nó rách ra từng mảnh
thì phiền! Tôi đã thầm nghĩ: Trời! Cuộc đời mình trong 13 năm tù đã đen và rách
nát mà miếng giấy ra trại này nó còn đen và rách nát hơn cả đời mình! Nhưng tôi
mỉm cười, tự an ủi: Ít ra, nó cũng có giá trị nhờ các hàng chữ đánh máy!
Trên
đường từ trại Nam Hà qua phà Phủ Lý rồi lên Hà Nội, tôi không ghi nhận được nhiều
hình ảnh. Lúc đó tâm trạng tôi còn lâng lâng và khá mệt mỏi nên chỉ nhắm mắt tựa
đầu vào băng ghế xe suốt quãng đường. Nhưng từ lúc đặt chân xuống Hà Nội và nhất
là sau khi vào Nhà Chung Hà Nội, tôi ghi nhận được nhiều hình ảnh và có nhiều cảm
nghĩ. Từ Đức Hồng y Căn, Đức cha Sang, hai anh em thầy Trác và thầy Trạc,
Cha Sinh, và các Cha, các Thầy tôi gặp trong nhà cơm chiều tối hôm qua. Rồi
khung cảnh Nhà Chung Hà Nội với lối kiến trúc cổ điển, cộng với nét sinh hoạt
thứ tự lớp lang từ trên xuống dưới trong cơ sở này, đều là những kinh nghiệm lạ
đối với tôi.
Tôi đứng
thẳng người, ưỡn ngực về phía trước và hít một hơi thật dài và sâu. Làn không
khí trong lành của thủ đô Hà Nội trong buổi sáng tinh sương lúc này làm tôi sảng
khoái. Tôi bật thành tiếng:“Tạ ơn Chúa đã cho con có làn khí trong lành này để
thở!”
Sau khi
nói câu đó, tôi hồi tưởng lại những đêm mùa hè trong buồng giam khu kỷ luật trại
Thanh Cẩm. Tình cảnh tôi lúc đó chẳng khác gì đang bị cùm trong một cái thùng sắt
kín mít và đang mở lò sưởi ở số cao. Có những đêm gần chết ngạt vì không thể
hít vào buồng phổi chất khí nóng hừng hực đó, không cách gì hơn, chúng tôi phải
gào thét khan cả cổ gọi cán bộ lên vì có người gần chết ngạt. Khi cán bộ mở cửa
buồng ra, làn không khí bên ngoài ập vào làm tôi sung sướng và hạnh phúc, tưởng
là trên đời này không còn thứ hạnh phúc nào lớn lao hơn! Nhưng khi cánh cửa sắt
buồng giam đóng lại rồi, đám tù nhân khốn khổ trần truồng và đang bị cùm chân lại
phải trở về tình trạng cũ.
Lúc bấy
giờ, trong cơn vật vờ của loài sinh vật đang cố gắng dùng hết khả năng thích ứng
của cơ thể để bảo tồn sự sống đó, tôi đã quyết tâm nếu còn sống sót, về sau
này, mỗi lần tôi có thể hít thở được vào buồng phổi làn khí trong lành, tôi phải
tạ ơn Chúa vì hồng ân vĩ đại mà Ngài ban cho tôi. Tôi cũng quyết tâm phải chia
sẻ kinh nghiệm này với tất cả mọi người:“Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì hồng ân vĩ
đại là Ngài đã ban cho ta có đủ không khí trong lành để thở.”
Tôi
biết chắc là có người sẽ không nghe, không nhớ, thậm chí có người sẽ mỉm cười
vì cho rằng tôi đã bất bình thường sau những năm tù tội kéo dài khi kêu gào
nhân loại phải tạ ơn Chúa về một chuyện chẳng ra đâu! Vì hít thở không khí là một
việc tự nhiên và vô thức của cơ thể, ngay cả lúc ngủ con người vẫn hô hấp thì
làm gì phải bận tâm? Trong cuộc đời này còn quá nhiều chuyện lớn khác phải lo,
phải nghĩ và phải tạ ơn khi mình có được. Tôi sẽ trả lời: “Thưa bạn, vì bạn
chưa lâm vào cảnh của tôi nên bạn chưa cảm thấy làn không khí trong lành quý
báu như tôi cảm nhận”.
Lúc này,
đã gần ba giờ sáng và sau một ngày đi đường vất vả hôm qua, tôi vẫn chưa thấy
buồn ngủ. Thì ra, làn không khí trong lành lúc đó cộng với tâm trạng trong
đêm đầu tiên được ra khỏi tù và sau khi đã rửa mặt, chải tóc và lau mặt bằng
chiếc khăn trắng, sạch và thơm, ba yếu tố đó cộng lại đã làm tôi tỉnh hẳn ra.
Tôi cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống này một cách mãnh liệt và quyết tâm sống
quãng thời gian thần tiên độc nhất vô nhị của đời mình trong lúc này thật tích
cực. Tôi vẫn biết là quãng đường trước mặt sẽ còn nhiều thử thách, nhưng chuyện
đó tính sau. Tôi không muốn những lo âu phiền muộn chưa xảy ra đó làm giảm đi cảm
giác tuyệt vời tôi đang được hưởng trong lúc đứng một mình ở hành lang bên
ngoài phòng khách của Nhà Chung Hà Nội này.
Đứng một
lúc, tôi thấy mỏi chân nên vào phòng nhắc ghế ra ngồi. Đó là chiếc ghế mây khá
to nhưng rất nhẹ, lòng ghế sâu và có chỗ tì tay hai bên. Tôi kê ghế sát vào
hàng rào chắn phía trước để khi ngồi tôi có thể gác chân lên một trong những
thanh của hàng rào trong một tư thế thoải mái nhất. Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống ghế
trong tư thế tự do, riêng tư, lười biếng và bất lịch sự, đầu ngửa về phía sau tựa
hờ lên thành ghế, hai tay dang rộng, đôi chân duỗi thẳng gác lên một thanh của
hàng rào. Trong tư thế đó, tôi đưa mắt nhìn cảnh vật trước mắt ẩn hiện cái được
cái mất qua những ánh đèn điện bóng tròn của đường phố Hà Nội.
Tôi
nhìn một cách bâng quơ nhưng không chú ý tới một điểm nào. Tôi muốn tận dụng
phút giây thư giãn tinh thần trong lúc này sau mấy tiếng đồng hồ tôi nằm trăn
trở trên giường nhưng không ngủ được khi những chuyện của hơn chục năm qua lần
lượt hiện lên trong tâm trí tôi như một cuốn phim quay chậm. Trong lúc đang ngồi
thoải mái tựa đầu vào thành ghế, tôi nhắm mắt lại và tự hỏi: Quãng đời 13 năm
tù và những kinh nghiệm buồn vui mình đã trải qua đó có giá trị gì cho bản thân
mình và cho người khác? Tôi ngồi yên và cố trả lời câu hỏi đó.
Đối với
tôi, giai đoạn đó cho tôi khá nhiều điều hiểu biết.
Bài
học của trường đời
Trước
tiên, về phương diện tôn giáo, trong cảnh khốn cùng đó, tôi nhận thấy vai trò của
một Linh mục thật vô cùng cần thiết để mang lại tình thương và niềm hy vọng
trong khung cảnh mà hai thứ giá trị này rất hiếm, nếu không muốn nói là không
có. Chính tình yêu và niềm hy vọng của chân lý Phúc Âm đã cho tôi điểm tựa và
tôi chia sẻ hồng ân này với các bạn tù mà tôi có dịp sống chung.
Tôi nghĩ
rằng, trong môi trường tù ngục đọa đày đó, tôi đã sống sứ mệnh Linh mục có nhiều
kết quả hơn 6 năm trước ngày tôi vào tù, và có lẽ hơn cả những năm về sau này
trong cuộc đời còn lại, mặc dù tôi chưa biết được cuộc đời rồi sẽ ra sao, ở đâu
và làm gì. Hơn nữa, qua các biến cố xảy ra tưởng chừng như vô tình, nhưng sau này,
tôi nhận ra đó chính là sự quan phòng của Thiên Chúa, và tôi luôn nghĩ rằng,
trong hết mọi hoàn cảnh, luôn có bàn tay của Thiên Chúa che chở cuộc đời tôi.
Về con
người, trước tiên tôi khẳng định là không than phiền hoặc oán trách gì những
cán bộ làm việc trong tù. Tôi biết đa số họ làm việc vì cuộc sống và miếng cơm
manh áo. Vai trò của một cán bộ trong tù cũng như bao nhiêu công việc của người
dân khác đang làm nơi các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp khác. Đôi lúc, có vài cán
bộ vì bản chất hung ác và được huấn luyện để phục vụ cho bộ máy kềm kẹp của đảng,
làm cho cảnh sống tù đày chúng tôi khốn khổ, ngược lại, cũng có những cán bộ sống
thân tình và biểu lộ lòng nhân đạo một cách rất cảm động.
Vào thời
gian cuối cùng trước khi được tha về, tôi đã có dịp tiếp xúc thân mật hơn với
nhiều cán bộ và tôi thấy họ là những người đáng thương hơn là đáng trách. Có
người còn để lại trong lòng tôi sự quý mến và biết ơn sâu xa. Do đó, tôi không
hề oán trách bất cứ một cán bộ nào tôi đã gặp trong suốt 13 năm tù, ngay cả những
cán bộ đã từng chửi mắng, đánh đập hành hạ tôi cách này cách khác. Tôi cũng
không hề oán trách những anh em tù đã ngược đãi và vì sự nhẹ dạ đã hãm hại tôi.
Điều đáng
nói chính là chủ trương trong chế độ lao tù cộng sản. Chúng tôi vào tù với cái
tên rất đẹp là “ Tập trung Cải tạo” kèm theo lời hứa “Chừng nào cải tạo tốt thì
về!”. Và như vậy, chúng tôi bị tước đoạt quyền hy vọng là lý do sống của con
người. Câu nói‘‘chừng nào cải tạo tốt thì về” đó, đã ngầm khuyến khích sự chia
rẽ và phản bội nhau trong số tù chính trị miền Nam. Nói về tâm trạng tuyệt vọng
lúc đó, sau khi vào tù, tôi nhớ lại có lần đọc ở đâu mấy câu thơ của thi sĩ
Dante người Ý, tả cảnh địa ngục, tạm dịch như sau:
Trên ngưỡng cửa địa ngục có khắc câu này:
“Hỡi những
kẻ sắp bước vào đây
Hãy để niềm
Hy Vọng lại bên ngoài!”
Sống
trong tình trạng tù mù đó, tôi luôn nghĩ , nếu bị kêu án 5 năm, 10 năm hoặc 20
năm hay lâu hơn nữa, tôi vẫn vui hơn vì ít ra còn có một cái mốc thời gian để
hy vọng. Đàng này không ai thực sự biết được số phận của mình ra sao! Không còn
gì khốn khổ hơn tâm trạng của một con người sống trong tuyệt vọng!
Cái kiểu
treo củ cà rốt trước mõm con lừa đang kéo xe bằng luận điệu:‘‘Các anh
đang chơi bóng đá và đang ở gần cuối của hiệp hai rồi, chỉ còn mấy phút cuối
cùng nữa là có tiếng còi tan trận đấu! Cố gắng lên!” Chúng tôi nghe đến
nhàm tai cách nói đó của cán bộ giảng huấn khắp các nơi, và các “trận bóng đá”
này trại nào cũng có! Nhưng khổ nỗi, mấy phút cuối cùng của trận đấu lại là thời
giờ bằng dây thun chất liệu tốt, có thể kéo giãn ra đến vô tận!
Trong
hoàn cảnh đó, lời hứa mù mờ “cải tạo tốt được về” đã thành cơn cám dỗ cho
một số người nhẹ dạ cố gắng cải tạo tốt. Có vài người còn muốn cải tạo “thật tốt!”
Mà cách tốt nhất là quên đi mình là ai, quên đi những người đang mặc bộ đồng phục
tù như mình là ai, để rồi phản bội lại chính mình và phản bội anh em đồng cảnh.
Lời hứa mù mờ đó, theo tôi, là chủ trương thâm độc nhất của chế độ nhà tù cộng
sản. Nó đã hành hạ tâm trí chúng tôi và đã gây ra bao nhiêu tác hại, khiến những
con người khờ khạo tin vào lời hứa đó để hãm hại chính anh em mình.
Và
như tôi đã nói, sự đau thương và nhục nhã mà tôi đã phải chịu 13 năm trong ngục
tù cộng sản, không phải là cực hình trên thân xác như sự hành hạ, cùm kẹp,
đánh đập đói khát, trần truồng, chết ngạt, chửi mắng...như tôi đã nhớ lại,
nhưng là tình trạng tuyệt vọng và nhất là khi phải chứng kiến và chịu đựng sự
phản bội của một vài người trong số tù chính trị miền Nam.
Cũng từ
kinh nghiệm đó cho tôi hiểu biết hơn về lòng dạ con người. Khi con người lâm
vào cảnh túng cùng và không còn được che giấu dưới những bộ y phục, những huy
hiệu, cấp bậc, chức vụ trước kia, họ đã lộ nguyên hình là những con người. Khi
con người sống chen chúc nhau trong cảnh khốn cùng, đói khát và tuyệt vọng
trong thời gian dài hơn chục năm trời, đã cho tôi rút được bài học đắng cay sau
đây:“Lòng nhân đạo của con người có giới hạn, nhưng sự ác độc của loài người
thì vô tận, nhất là khi sự ác độc đó được dung dưỡng bởi hoàn cảnh xấu xa.”
Dân Tộc
Việt Nam của tôi
Thời gian
dài, nhất là 3 năm lăn lộn trong đáy địa ngục khu kỷ luật trại Thanh Cẩm, đã
cho tôi cơ sở để nói rằng trong mỗi con người đều có phần THIỆN và phần ÁC
ngang ngửa nhau, và tùy thuộc vào môi trường sống mà phát triển. Nếu con người
được sống trong một môi trường đạo đức và luật pháp được tôn trọng thì phần THIỆN
sẽ phát triển và đè bẹp phần ÁC. Ngược lại, nếu con người rơi vào hoàn cảnh xấu
xa, hận thù và không luật lệ thì phần ÁC sẽ ngoi lên và ngự trị.
Trong tù,
tôi đã chứng kiến và chịu đựng những hành động ác độc của một số cán bộ
và những người tù phản bội. Tôi biết một phần cũng do bản chất tàn bạo của họ,
nhưng nếu không có sự dung dưỡng và khuyến khích của chế độ thì các việc đó đã
không xảy ra, hoặc nếu có xảy ra, cũng không đi tới chỗ quá tàn nhẫn như thế. Từ
nhận xét đó, tôi kết luận: “Không bao giờ oán trách con người, không bao giờ
thù hận con người, không bao giờ tiêu diệt con người nhưng bằng mọi giá phải loại
bỏ bất cứ chế độ xấu xa nào đã khuyến khích và dung dưỡng sự hận thù giữa người
với người, và thay vào đó một xã hội lành mạnh để con người được phát triển phần
LƯƠNG THIỆN của mình.”
Những năm
tù cũng cho tôi có dịp chia sẻ và sống với nỗi đau thương chung của Dân tộc mà
nếu không trải qua kinh nghiệm đó, có lẽ tôi không biết hoặc biết rất hời hợt về
số phận đau thương của đồng bào Việt Nam. Qua đó, tôi thương và gắn bó với
Dân tộc tôi nhiều hơn.
Tôi cũng
nghĩ rằng, sau này, tôi có bổn phận phải chia sẻ kinh nghiệm của đời tôi với
nhiều đồng bào của tôi, nhất là với thế hệ trẻ Việt Nam là những người không bị
ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh tương tàn do ý thức hệ gây ra.
Tôi muốn
gửi lại cho thế hệ mai sau một lời tâm huyết là đừng bao giờ mê muội vì một chủ
thuyết ngoại lai nào mà quên đi tình Dân Tộc, để rồi cảnh nồi da xáo thịt lại
tái diễn. Thể chế chính trị nào rồi cũng sẽ qua đi, triều đại nào rồi cũng sẽ sụp
đổ, chỉ có Dân Tộc là trường tồn. Lịch sử đã chứng minh, chế độ nào càng tàn
ác, càng bạo ngược bao nhiêu thì càng mau sụp đổ bấy nhiêu. Không một chế độ
nào dùng họng súng và nhà tù để cai trị mà vững bền được, chỉ có lòng nhân mới
cảm hóa được con người.
Tôi vẫn
biết là trên quê hương tôi tiếng súng đã im từ nhiều năm qua, nhưng trong lòng
người dân Việt Nam, cuộc chiến vẫn chưa tàn, và cuộc chiến đó càng kéo dài bao
nhiêu thì càng tác hại cho Dân Tộc tôi bấy nhiêu.
Cuộc chiến
chưa tàn
Bên cạnh
đó, tôi biết những hệ lụy của một cuộc chiến tương tàn kéo dài mấy chục năm
trên quê hương và đã giết hại và làm khổ hàng triệu đồng bào ở cả hai miền Nam
Bắc như là một vết thương còn đang chảy máu, khó mà có thể quên ngay được. Tôi
vẫn biết sự căm tức và lòng hận thù nhau giữa những người Việt Nam bị lôi kéo
vào cuộc chiến tương tàn ấy, còn đang cao ngút trời, khó mà có thể kêu gọi sự
tha thứ ngay được.
Tôi kính
trọng và cầu nguyện cho những người đã chết trong cuộc chiến tại Việt
Nam. Tôi cảm thông nỗi khổ đau và căm hờn của tất cả những nạn nhân cả
hai bên trong cuộc chiến. Tôi cảm thương cho số phận của những thương phế binh
của cả hai bên trong cuộc chiến, đang phải kéo lê quãng đời còn lại trong cảnh
tật nguyền, thiếu thốn và bị lãng quên. Tôi chia sẻ sự đau thương tủi hờn của
các bạn tù chính trị của tôi trong các trại tù mang tính chất trả thù và tiêu
diệt mang tên“trại cải tạo” của chế độ cộng sản sau khi quê hương đã im tiếng
súng.
Chính bản
thân tôi là một chứng nhân và cũng là một nạn nhân còn sống sót của chế độ lao
tù đó. Tôi đã lăn lộn trong một giai đoạn đen tối của lịch sử. Trong đó, sự ác
độc của con người được dung dưỡng và khuyến khích, và đã có những con người
hành động ác độc hơn loài ác thú thả lỏng dây cương. Có lúc, sự tàn ác của
người đối với người đã vượt quá sự tưởng tượng và khả năng chịu đựng của con
người.
Chính
tôi, mặc dù là một Linh mục, tôi đã có lần phải buông ra những lời nguyền rủa gớm
ghê, độc ác nhất mà lúc bình thường tôi không bao giờ dám nghĩ tới. Đó là
một thực tế đau lòng đã và có thể là còn đang xảy ra trên quê hương tôi, giữa
những người Việt Nam với nhau.
Một câu hỏi
được đặt ra cho tất cả mọi người Việt Nam, sau khi quê hương đã im tiếng súng,
và mỗi người bắt buộc phải có một câu trả lời :
“
Đứng trước tình cảnh của Dân Tộc Việt Nam như thế, bạn phải làm gì, và làm như
thế nào?”
Câu hỏi
này được đặt ra cho tất cả mọi người Việt Nam, không phân biệt đang sống trong
nước hay ở hải ngoại, không phân biệt đang ở vị thế cầm quyền hay là người dân
bình thường, không phân biệt thuộc về phía nào trong cuộc chiến trước kia,
không phân biệt là kẻ đã gây ra tội ác hay là nạn nhân của những tội ác do kẻ
khác gây ra.
Can Đảm
và Khoan Dung
Chúng ta
biết rằng Dân Tộc bị lôi cuốn vào một cuộc chiến tương tàn vượt ra ngoài sự kiểm
soát của mình. Toàn thể dân tộc Việt Nam là nạn nhân của một trò chơi chính trị
lớn. Khi hai miền Nam Bắc đã bị những thế lực ngoại bang dẫn đưa vào cuộc chiến
rồi, lúc đó, dù có muốn dừng tay lại cũng không dừng được. Như thế, toàn thể
dân tộc Việt Nam là những nạn nhân, là những người thua cuộc.
Đây là
lúc người Việt Nam phải có can đảm đặt vấn đề một cách thẳng thắn và tìm phương
cách giải quyết vấn đề trong tinh thần hiểu biết và thái độ bao dung như thế mới
mong thoát ra khỏi sự ràng buộc của dây hận thù oan trái đang trói chặt thân thể
Dân Tộc do hậu quả của bao năm chiến tranh tương tàn để lại.
Trong cuộc
chiến không có tiếng súng này, dân tộc Việt Nam không còn chiến đấu vì một chế
độ này hay chế độ khác. Không chiến đấu để khôi phục lại một chế độ vừa sụp đổ,
cũng không chiến đấu để cố bảo vệ chế độ độc tài thối nát đang ngự trị trên quê
hương. Đây phải là cuộc chiến của lương tri con người để chọn cái Đúng và loại
bỏ cái Sai, để chọn cái Thiện và loại bỏ cái Ác cho con đường Dân Tộc phải đi.
Kẻ
thù của dân tộc Việt Nam lúc này không còn phải là những con người đã đứng bên
này hay bên kia chiến tuyến trong quá khứ, nhưng là bất cứ thể chế chính trị
nào cướp đi quyền lợi tự nhiên của những thành phần Dân Tộc khác. Đã đến lúc
lương tri tổng hợp của dân tộc Việt Nam phải nhận diện và loại bỏ bất cứ một chế
độ bất nhân nào, cho dù là mang tên tuổi gì, chủ nghĩa gì mà trong đó các quyền
sống căn bản của người dân bị những kẻ nắm quyền cướp đoạt. Một chế độ chính trị
không phải tốt hay xấu vì tên gọi của nó, nhưng tốt hay xấu là do đường lối,
chính sách, và cách hành xử của những kẻ cầm quyền.
Đây
là một vấn đề khó khăn nhưng là vấn đề sống còn cho tương lai dân tộc Việt Nam.
Không phải vì vấn đề quá lớn hoặc cảm thấy khó khăn mà chúng ta không muốn hoặc
không có can đảm tìm một giải pháp cho vấn đề. Theo tôi nghĩ, không có một vấn
đề gì mà chúng ta không thể giải quyết được trừ ra việc chúng ta không muốn giải
quyết vấn đề.
Ngày nay
xã hội Việt Nam sau một thời gian im tiếng súng giống như bề mặt của một đại
dương chỉ hơi gợn sóng lăn tăn. Trong thực tế dưới đáy đại dương đó, đang có những
đợt sóng ngầm chỉ chờ cơ hội bộc phát. Những đợt sóng ngầm này là kết tinh của
bao nhiêu bất công, chém giết, cướp đoạt tài sản, hận thù, oan nghiệt đang tích
lũy trong lòng dân tộc. Nhất là qua cảnh bất công gây ra bởi những kẻ đang nắm
quyền. Họ tự coi là chủ nhân ông và giữ độc quyền lãnh đạo đất nước. Họ cấu kết
nhau trong đồng phục đã nhạt màu của một chủ nghĩa ngoại lai để vơ vét tài sản
của Dân Tộc. Họ đè đầu cỡi cổ thành phần thất thế và hút máu thành phần dân tộc
khác qua nạn tham nhũng công khai và có hệ thống.
Những đợt
sóng ngầm đó phải được loại ra khỏi lòng đại dương dân tộc Việt Nam càng sớm
càng tốt. Vì càng kéo dài nó càng tích lũy sức tàn phá tinh thần dân tộc. Tôi
có thể khẳng định là dần dần sẽ có những con người đang nằm trong guồng máy cai
trị nói lên tiếng nói của lương tri. Có lúc họ sẽ thức tỉnh trước sự sai trái về
con đường có hại cho Dân Tộc mà họ đã đi.
Tôi đã có
dịp nghe được những tâm tư thầm kín này nơi một số cán bộ trong nhà tù trong thời
gian cuối cùng trước khi tôi được tha về. Tôi biết hiện tượng này rất phổ biến
và đang dày dò tâm can của một số người đang nằm trong bộ máy cầm quyền nhưng
chưa tới lúc thuận tiện để họ có thể bày tỏ công khai. Khi hoàn cảnh cho phép để
họ bày tỏ sự thức tỉnh, lúc đó họ là những người đáng quý và đáng kính trọng
cho dù trước kia và ngay trong hiện tại họ đã ở đâu và làm gì. Họ sẽ là những
người trong vị trí thuận lợi để đóng góp cho sự nghiệp tranh đấu cho cái THIỆN
và loại bỏ cái ÁC ra khỏi chế độ cầm quyền.
Khi
nguồn sức mạnh của ý chí quật cường và lương tri tổng hợp của dân tộc được khơi
dậy sẽ không có một thế lực chính trị nào cho dù bạo ngược tới đâu có thể cưỡng
lại được. Trong khi đó, những kẻ thù của Dân Tộc không mừng gì hơn là có những
người lúc nào cũng chỉ gầm gừ chực loại nhau trong một bài toán không có đáp số
và họ được rảnh tay để ngang nhiên tự tại nắm quyền. Theo tôi, chừng nào mà những
người trong cuộc chiến trước kia biết nhận ra nhau, hiểu biết nhau và hợp tác
nhau trong cuộc chiến tranh đấu cho cái THIỆN của dân tộc, chừng đó mới có thể
nói tới việc đưa dân tộc Việt Nam chúng ta tới một tương lai tươi sáng.
Lúc đang
đắm chìm trong suy tư về vấn đề này, tự nhiên tôi nhớ lại một câu chuyện đã
nghe khá lâu, còn nhớ mãi. Năm 1966, khi tôi đang học năm Thần học thứ nhất tại
Đại chủng viện Sài Gòn, có lần Linh mục Gérard Gagnon vào thăm và nói chuyện với
tất cả chủng sinh. Cha Gagnon là Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, người Canada, đã sống
ở Việt Nam trên 30 năm nên nói tiếng Việt lưu loát. Trong lần nói chuyện đó,
ngài có kể lại câu chuyện, trong một lần ngài cỡi xe mô-tô từ Đà Lạt về Sài
Gòn, tới khúc đường vắng, bị Việt cộng chặn lại, bắt dẫn vào rừng tuyên truyền.
Cảnh Việt cộng chặn xe, bắt người vào rừng để tuyên truyền là chuyện thường
xuyên lúc bấy giờ. Vì biết ngài là Linh mục nên người cán bộ tuyên truyền hỏi:
- Anh nghĩ thế nào, Đạo Công Giáo của anh đã hoạt động gần hai ngàn năm rồi mà
mới được mấy trăm triệu tín đồ, còn chủ thuyết cộng sản mới ra đời có 50 năm mà
đã chiếm một phần ba nhân loại. Như thế, giữa đạo của anh và chủ thuyết cộng sản
cái nào hay hơn?
Cha Gagnon trả lời:
-Tôi cũng không biết, nhưng phải đợi chủ thuyết cộng sản được gần hai ngàn tuổi
như đạo Công Giáo, lúc bấy giờ tôi mới trả lời anh được!
Câu chuyện cha Gagnon kể tuy đã 20 năm rồi nhưng tôi còn nhớ rất rõ, vì tôi
thích câu trả lời đầy ý nhị của ngài.
Trong khi
ngồi nghĩ miên man, lúc đó tôi quyết định khi nào thuận tiện tôi sẽ ghi lại chi
tiết những gì đã xảy ra trong tù và những suy tư của tôi qua những biến cố đó.
Nếu tôi có ghi lại, không phải để than oán cuộc đời, cũng không phải để trách cứ
con người. Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của tôi với nhiều người.
Tôi cũng
muốn viết để bày tỏ lòng biết ơn những tâm hồn cao thượng trong số những anh em
đồng cảnh và cả một vài cán bộ mà tôi đã gặp được trong tù. Tôi cũng viết để tưởng
nhớ những người đã cùng sống với tôi và đã chết trong tù.
Nhưng
quan trọng hơn cả là tôi muốn ghi lại như một bài học của lịch sử, gửi tới
đồng bào Việt Nam mà tôi yêu mến, nhất là những người trong thế hệ trẻ, không
phân biệt Nam hay Bắc, không phân biệt đang sống trong nước hay ở hải ngoại,
không phân biệt tôn giáo, không phân biệt bây giờ và trước kia thuộc về thể chế
chính trị nào, không phân biệt đã từng đứng về phía nào trong cuộc chiến tương
tàn trên quê hương, không phân biệt là nạn nhân hay là tác nhân đã gây nên nỗi
khổ cho các nạn nhân, những lời tâm huyết sau đây:
Đồng bào
Việt Nam thương mến,
Máu dân tộc
Việt Nam đổ ra đã đủ rồi
Vết tích
đau thương còn lưu lại trên thân thể trong cuộc đời còn lại và trong tâm hồn của
những thương phế binh của cả hai bên trong cuộc chiến tương tàn đã gây đau khổ
đủ rồi .
Nỗi đau
thương của người dân vô tội Việt Nam đã quá nhiều rồi.
Cơn điên
loạn vì tôn thờ chủ nghĩa ngoại lai đã giết hại đồng bào đủ rồi.
Bom đạn của
ngoại bang đã cày xé nát thân thể Mẹ Việt Nam quá nhiều rồi.
Sự nghi
ngại nhau giữa các thành phần dân tộc, giữa các tôn giáo đã từng tác hại cho
tình đoàn kết dân tộc đã quá nhiều rồi.
Lòng hận
thù và lòng tham lam vô độ của những kẻ có thế lực qua các thời đại như con thú
dữ thả lỏng dây cương, đã hoành hành và hãm hại thành phần thất thế và không có
tiếng nói trong dân tộc đủ rồi. Hãy nhớ rằng thể chế chính trị nào rồi cũng sẽ
qua đi, chỉ có Dân Tộc là trường tồn.”
Hãy để những
dị biệt của quá khứ lại phía sau và cùng nhau xây dựng một tương lai sáng lạng
cho Dân Tộc trong một xã hội Tự Do, Công Bằng và Phát Triển.
Và chủ yếu
là tôi muốn gửi tâm tình thiết tha sau đây tới thế hệ trẻ Việt Nam
Các
bạn trong thế hệ trẻ thương mến,
Dân
tộc chúng ta đã trải qua một giai đoạn u buồn đầy máu và nước mắt. Những người
trong thế hệ trước, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng chưa mang lại được tình
thương và sự đoàn kết dân tộc. Tôi ước mong điều đó sẽ thành tựu trong thế hệ của
các bạn. Xin các bạn đừng để cho những biến cố đau thương của lịch sử trói buộc
mình, hãy dùng lịch sử như một bài học để có thể tránh tái diễn thảm cảnh
cho dân tộc.
Hãy để
cho những người chết được nghỉ yên. Hãy kính những anh hùng nhưng không sống vì
ho. Lịch sử dân tộc là một cuộc hành trình tiếp diễn và mỗi thời đại sẽ sinh ra
những anh hùng dân tộc mới. Theo tôi nghĩ, những anh hùng dân tộc thực sự
là những người có can đảm vượt ra ngoài sự ràng buộc của quá khứ để hướng
về tương lai với sự hiểu biết và khoan dung.
Đừng
ngồi đó để ngâm nga lịch sử hay than van oán trách con người, nhưng hãy dùng lịch
sử như ngọn đèn soi sáng con đường dân tộc ta phải đi.
Khi
nhìn lại giai đoạn lịch sử cận đại, tôi thấy cuộc chiến tương tàn đầy máu và nước
mắt kéo dài mấy mươi năm trên quê hương chúng ta, cuối cùng đã im tiếng súng.
Nhưng trong lòng dân tộc Việt Nam, cuộc chiến vẫn chưa tàn. Điều thật trớ trêu
là cuộc chiến đó không có kẻ thắng mà chỉ có những người thua, và
những người thua cuộc đó chính là DÂN TỘC VIỆT NAM. Hãy để cho bóng tối
đi qua và cùng nhau hướng về nguồn ánh sáng của BÌNH MINH DÂN TỘC trong cuộc sống
Công Bằng, Tự Do và Phát Triển.
Tôi ngồi
trên ghế, gục đầu yên lặng khá lâu để cầu nguyện theo ý hướng đó.
Bước vào
tương lai vô định
Một
lúc sau, tôi cảm thấy lạnh và nghĩ là tốt hơn nên vào phòng cố gắng ngủ một
chút sau một ngày đi đường mệt nhọc. Vả lại, sáng ngày còn nhiều việc khác để
làm. Tôi tính việc đầu tiên trong ngày là phải tìm đến làng Bưởi để dò hỏi tin
tức về Bình Thanh mà sáu năm qua tôi không nghe biết tin tức gì. Tôi quay vào
phòng, đóng cửa lại và leo lên giường ngồi đọc kinh. Đọc kinh xong tôi nằm xuống,
quyết tâm sẽ dỗ giấc ngủ bằng câu nói:“Quên hết mọi chuyện! Phải ngủ cho khỏe để
mai còn đi. Đừng có như cái đêm vừa được ra khỏi nhà kỷ luật!”
Vừa liên
tưởng tới cái đêm được ra khỏi nhà kỷ luật ở trại Thanh Cẩm sáu năm về trước, đầu
óc tôi lại căng thẳng và suy nghĩ.
Tôi nhớ lại
đêm hôm đó vừa được chuyển từ kỷ luật qua khu kiên giam sống với một số Linh mục
khác. Đêm đó, mọi người trong buồng ngủ say, nhưng sao tôi cứ trằn trọc mãi
không ngủ được. Tôi nằm trăn trở từ bên này qua bên kia để cố dỗ giấc ngủ nhưng
không tài nào chợp mắt. Khổ hơn nữa, khi phải nằm nghe tiếng ngáy đều của anh
em trong buồng.
Tôi
khó ngủ có lẽ vì nhiều lý do. Một phần vì tâm trạng người tù được tha cùm sau gần
ba năm trong kỷ luật, tôi nằm tính lại đúng 1020 ngày đêm! Một phần nhớ em tôi
là tướng cướp Bình Thanh ở chung buồng kỷ luật mà tôi vừa từ giã ra đi. Phần nữa,
tôi cảm thấy thiếu một thứ gì đó rất quen thuộc. Chừng nhớ ra mới biết là thiếu
cái móng cùm ngoạm vào cổ chân. Thì ra trong 1020 đêm liên tiếp đó, đêm nào tôi
cũng đi ngủ với một chân xỏ vào cùm, và đêm nay cả hai chân nằm ngoài. Thừa một
chân, tự nhiên sao cảm thấy nó vướng víu kỳ dị!
Tới
quá nửa đêm vẫn chưa chợp mắt, tôi lò mò xuống ngồi ở lối đi trong buồng, hút
thuốc lào. Nghe tiếng động, cha Lê Đức Triệu, tức nhạc sĩ Hoài Đức, cũng thức
giấc và bước xuống ngồi hút thuốc với tôi. Cha Triệu mà tôi gọi là Bố Triệu, là
tác giả bài Thánh ca Giáng Sinh “Cao Cung Lên” rất phổ biến. Người cao và gầy ốm,
tướng đi khoan thai đĩnh đạc, bộ râu cằm không nhiều nhưng khá dài. Nhìn qua
phong thái, cha giống như một tiên ông đạo cốt trong truyện tàu.
Trước đó,
cha Triệu đã giúp phổ nhạc cho bài thơ tôi làm sau khi vào tù một năm. Tôi cũng
chẳng biết người Linh mục nhạc sĩ này thực sự có hứng, hay vì nể nang trước lời
tôi yêu cầu, mà phổ nhạc bài thơ lục bát 12 câu tôi soạn, có tựa đề khá trữ
tình: “Đếm hạt mưa rơi!”, như sau:
Phòng giam vắng lạnh về đêm,
Ngoài trời
mưa đổ tăng thêm nỗi sầu.
Xa người
xa đã bấy lâu
Đêm nay gởi
nhớ thương sầu về ai?
Nhớ ai
tôi nhớ đêm ngày,
Bao đêm
thức trắng đắng cay mỏi mòn.
Nhạc buồn
tiếng dế nỉ non!
Dế
ơi! Không ngủ dế còn gọi ai?
Hay lòng
dế cũng đắng cay,
Thương
vay khóc mướn cho hai cuộc đời?
Lặng nhìn
đếm hạt mưa rơi,
Bao nhiêu
giọt nước bấy lời nhớ thương!”
Tôi không biết làm thơ và cũng chưa bao giờ làm thơ cả, mặc dù tôi rất thích
thơ. Đêm đó, vào năm 1977, một mình trong xà lim trại Phan Đăng Lưu buồn quá,
nhìn ra ngoài qua cái lỗ vừa đút lọt cái ca đựng nước trên cửa sắt buồng giam,
bên ngoài lại mưa rỉ rả. Tôi bèn thử thời vận, đánh bạo ê a vài câu thơ đó, và
cố nhớ trong lòng.
Tôi chẳng biết nó có đúng niêm đúng luật gì hay không. Nếu quý vị nào thấy mấy
câu thơ đó kỳ quá, xin cứ xé bỏ trang sách này cho tôi đỡ ngượng. Dù vậy, tôi
cũng xin sự rộng lượng của độc giả, vì bài thơ con cóc này là bài thơ duy nhất
tôi sáng tác trong 13 năm tù, và đúng hơn là trong cả đời tôi, ít ra là cho tới
lúc này.
Cha Triệu vui vẻ hỏi thật nhỏ:
- Chú Lễ chưa ngủ à?
Tôi trả lời:
- Sao đêm nay con khó ngủ quá bố Triệu ơi! Cứ nằm lăn lộn trở trăn hoài!
Cha Triệu vê bi thuốc lào vào nõ điếu, hỏi:
- Sao khó ngủ? Bộ nóng lắm hả?
- Không phải đâu bố, phòng này mát hơn bên kỷ luật nhiều!
Bố Triệu ngửa mặt lên trời, nhả khói xong hỏi:
- Thế sao không ngủ được?
- Con ngủ bên kỷ luật bị cùm một chân quen rồi, qua đây thiếu cái móng cùm con
thấy một chân bị thừa thãi và nhẹ tong. Cứ nằm quơ quơ trên không hoài
không biết để chân đó ở đâu!
Nghe tôi nói cha Triệu bật cười thành tiếng, quên cả có người đang nằm ngủ
kế bên. Vẫn giữ nụ cười thoải mái và rạng rỡ, vị Linh mục nhạc sĩ nói:
- Cái chú này! Thiệt tình tôi chẳng biết chú ra làm
sao!
Trở về thực
tại
Tôi ngủ
thiếp đi lúc nào không hay. Một giấc ngủ thật say, yên lành và không mộng mị.
Có tiếng
gõ cửa khá to, tôi giật mình choàng dậy, tưởng là đang còn trong tù, nghĩ vội:“Chết
cha rồi, mình ngủ quên để cán bộ phải vào gọi, chắc là đội đã báo số xuất trại
rồi!” Tôi ngồi bật dậy như cái máy, mở mắt ra và ngạc nhiên thấy khung cảnh lạ.
Không biết mình đang ở đâu. Nhưng một giây sau tôi nhận ra thực tại, nên
vội tuột xuống giường và bước ra mở cửa phòng.
Khi vừa
đưa tay chạm cái quả nắm bằng sứ trắng tinh trên cánh cửa phòng khách ở Nhà
Chung Hà Nội, tôi cảm thấy lạnh nơi lòng bàn tay đồng thời với tâm trạng hạnh
phúc của con người TỰ DO. Tôi cảm nhận giây phút sung sướng tuyệt vời lúc đó
như đang được bay bổng lên chín tầng mây vì đây là lần đầu tiên sau 13 năm trời
tôi được tự tay mở cửa buồng vào buổi sáng sau khi thức dậy.
Nhớ
lại trong thời gian hơn chục năm trong tù, sáng nào tôi cũng nghe tiếng kẻng
vang lên ở cổng trại, sau đó là tiếng chìa khóa khua rổn rẻng cộng với tiếng
lòi tói va chạm vào cửa sắt. Có khi là tiếng rít chói tai của song sắt cài cửa
to như cổ tay trẻ em, khi cán bộ hoặc người tù trật tự rút một cách mạnh bạo và
hối hả thanh sắt đó ra khỏi các khoen sắt để mở cửa buồng giam.
Vì đã
quen nghe âm thanh ấy như một điệu nhạc buồn mỗi buổi sáng nên lúc đó tôi không
chú ý nhiều. Bây giờ nhớ lại tôi mới rùng mình ghê rợn. Lúc đó, sau khi cửa buồng
giam mở ra, đám tù nhân chúng tôi xếp thành hàng một bước ra cho người ta đếm.
Cảnh này giống y như ở một nông trại, mỗi sáng người chủ nông trại đếm lại từng
con thú trong bầy súc vật đang từ chuồng chen lấn nhau ra. Cái khác nhau duy nhất
là bầy súc vật có khi chạy nhảy vô trật tư, còn đám tù chúng tôi thì đi ngay
hàng thẳng lối, đầu cúi gầm xuống. Mới sáng hôm qua đây tôi cũng còn sống trong
khung cảnh “cúi đầu bước ra” ấy ở trại tù Nam Hà.
Lúc này,
khi cách cửa phòng khách mở ra, tôi thấy bên ngoài ánh nắng ban mai đã chói
chang và báo hiệu một ngày đẹp trời. Một thầy phòng bộ có mái tóc đầu đinh, mặc
quần đen, áo sơ mi trắng ngắn tay, bỏ ngoài quần, chân mang săn-đan màu đen, đứng
bên ngoài cửa tươi cười: “Chào cha! Chắc hôm qua cha đi đường mệt nên ngủ ngon,
con đã gọi cửa khá lâu. Xin lỗi con phải đánh thức cha. Đức Hồng Y mời cha xuống
ăn điểm tâm.”
Tôi không
kịp nhìn đồng hồ trên tường, vội đáp lại: “Chào thầy...” và lí nhí thêm câu gì
tôi cũng không nhớ. Nhưng tôi còn nhớ là lúc bước vội vào nhà tắm, tôi tự hỏi:
“Ông này là Trác hay Trạc đây hả trời?!”
Mùa Thu
Năm Quý Mùi 2003
TÔI PHẢI SỐNG (48)
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
Phụ
Trương Một
Cái chết
của tướng cướp Bình Thanh.
Sau khi
ra tù tôi ở lại miền Bắc nửa tháng. Trong thời gian này, tôi đã tìm tới làng Bưởi
để tìm Bình Bưởi, dò hỏi tin tức về Bình Thanh, nhưng không ai biết. Bình Bưởi
có thể biết nhưng người nhà cho hay là Bình Bưởi đã bị bắt lại vào tù rồi. Vì vậy,
tôi không thể nào tìm ra manh mối. Sau đó, tôi đi thăm khá nhiều địa điểm du lịch
ở nội thành Hà Nội và một số Giáo phận miền Bắc như Bắc Ninh, Hải Phòng, Bùi
Chu và Thái Bình. Ngoài việc thăm các Giám mục và Linh mục để tìm hiểu về hoàn
cảnh Giáo hội miền Bắc, tôi còn thăm một số bạn tù đã về trước tôi.
Sau đó, tôi
xuôi tàu Thống Nhất về Sài Gòn vào đầu tháng 8 năm 1988. Về Sài Gòn tá túc ở
nhà một người cô và có một lần lén về quê thăm mộ cha má . Má tôi đã chết 11
năm trước, khi tôi còn trong tù. Tôi không thể về nhà quê cách công khai vì sợ
chính quyền địa phương có thể bắt lại bất cứ lúc nào, trong khi ở thành phố lớn
như Sài Gòn dễ sống trà trộn hơn. Hoàn cảnh tôi lúc đó không thể sống ở lại quê
hương vì tôi không được trả quyền công dân, không có hộ khẩu và dĩ nhiên là
không được thi hành những công việc thuộc chức vụ Linh mục. Do đó, tôi đã trình
bày hoàn cảnh với Giám mục Vĩnh Long, bấy giờ là Đức cha Nguyễn Văn Mầu, với những
lý do trên và ý định vượt biên.
Tôi vượt
biên bằng cách cải trang, thay danh đổi họ và đi đường bộ qua Campuchia. Từ
Camphuchia, tôi qua Thái Lan bằng tàu đánh cá Thái và tới được trại tị nạn
Banthat, nằm ngay sát biên giới Thái-Camphuchia vào tháng Giêng năm 1989. Vào
trại tị nạn tôi ở chung nhà với hai thanh niên là hai anh em Văn và Võ mà lần đầu
tiên tôi gặp trong trại này.
Một buổi
trưa no, khi ba cha con tôi đang ngồi trong nhà, có một người đàn ông lạ mặt,
khoảng ngoài 40, bước vào nhà. Anh mặc áo thun trắng, quần dài và người anh có
nhiều vết xâm trổ, lòi ra từ hai cánh tay. Nhận xét đầu tiên của tôi không mấy
tốt đẹp về con người này. Vì lúc đó, trại rất đông và anh ta ở khác khu, lại
không phải là người Công giáo nên tôi chưa từng có dịp gặp và biết anh. Bước
vào nhà, tôi chưa kịp mời ngồi thì anh ta đã lên tiếng hỏi:
- Xin lỗi, anh là cha Lễ và có phải là cha Lễ ở Bưng Trường không?
Tôi giật mình vì người đàn ông xa lạ này biết quá nhiều về tôi. Tôi trả lời:
-Vâng, tôi là cha Lễ ở Bưng Trường đây. Nhưng sao anh lại biết tôi?
Người đàn ông lạ mặt chẳng lộ vẻ gì khác trên mặt, vẫn giữ thái độ xa lạ nói tiếp:
-Như vậy, chắc anh biết Bình Thanh?
Tôi bật đứng lên, bước tới chụp lấy vai anh:
- Anh nói gì? Anh biết Bình Thanh à? Trời! Tôi mong tin Bình Thanh đã 7 năm
nay. Anh nói tôi nghe hiện nay Bình Thanh, em tôi ra sao?
Tôi hỏi một thôi một hồi làm anh ta đứng chết trân, không trả lời tôi câu nào,
nhưng chỉ nói:
-Thế thì sáng ngày mai, quãng 9 giờ, mời anh tới chỗ tôi để chúng ta nói chuyện.
Nói xong,
anh ta cho tôi số nhà và khu vực anh ở rồi quày quả bước ra trước sự ngạc nhiên
của tôi và hai thanh niên trong nhà. Thái độ của người đàn ông lạ mặt này càng
làm tôi nôn nóng hơn. Đêm đó, tôi lại trằn trọc không ngủ được, cứ băn khăn mãi
về thái độ có vẻ bí mật của người đàn ông lạ mặt, làm tôi lo sợ về một hung tin
liên quan tới Bình Thanh. Dầu sao, tôi cũng phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận
tin đó.
Hôm sau,
tôi tới nhà anh ta theo giờ hẹn và thấy anh chỉ ngồi một mình, có đứa bé chừng
3 tuổi đang chơi ngoài sân. Thấy tôi tới, anh mời vào nhà ngồi xuống ghế có chiếc
bàn ọp ẹp trước mặt. Anh ngồi đối diện và rót nước mời. Tôi móc bao thuốc lá mời
lại. Anh rút một điếu, ngậm nơi môi và bật lửa cho tôi trước. Anh làm các việc
này trong thinh lặng khác thường, không có gì là vội vã và cũng chẳng tỏ ra dấu
gì đặc biệt khi mời một người khách tới nhà. Tôi chẳng hỏi han gì, vì mục đích
hôm nay tôi tới đây đã rõ ràng không cần phải hỏi, không cần thúc giục. Tôi thấy
có cái gì hơi khác lạ trong sự chần chừ của người chủ nhà lạ mặt này.
Sau khi
kéo hơi thuốc lá đầu tiên, anh ta với lấy chén trà nhưng không uống, chỉ kê lên
môi rồi hạ xuống. Tôi đoán chừng như anh ta có tâm sự gì khó nói, tôi càng đâm
ra lo lắng hơn. Nãy giờ tôi vẫn ngồi thinh lặng đợi chờ. Anh ta đặt chén trà xuống
bàn, vừa xoay xoay chén vừa nhìn thẳng vào tôi, và lên tiếng gọi tên tôi một cách
rất bất ngờ:
-Anh Út!
Tôi giật mình, vì chỉ có Bình Thanh mới gọi tôi bằng tên này, ngoài ra, không
ai biết được, nếu Bình Thanh không nói cho người đó biết.
Thấy tôi giật mình sửng sốt, anh ta nói tiếp
luôn:
-Anh Út, Bình Thanh đã chết rồi anh!
Tôi ngồi
chết lặng! Hình như anh ta nói tiếp theo một câu gì nhưng tôi không còn nghe được
nữa. Tâm trạng tôi lúc đó như người vừa bị trúng đạn. Có một cái gì như một
cú đập vào thái dương quá nặng làm tôi lảo đảo. Tôi gỡ điếu thuốc trên môi ra,
dí vào cái đĩa gạt tàn trước mặt, gục đầu xuống trên hai tay đang ôm trán.
Tôi
ngồi chết lặng! Một lúc sau, nước mắt bỗng tuôn trào thành dòng. Càng lúc cơn
xúc động càng lúc càng dâng cao, cổ tôi như bị tắc nghẽn. Tôi khóc thực sự, và
không kềm hãm được trước mặt người đàn ông xa lạ vừa báo tôi một hung tin. Tôi
vẫn ngồi tại chổ, cho tay vào túi quần, nhưng không có khăn tay, tôi kéo vạt áo
sơ-mi, tháo cặp kính để lên mặt bàn và dùng vạt áo chùi nước mắt đang tuôn
trào, không kềm hãm được.Tôi đứng dậy lảo đảo bước ra ngoài.
Ra tới đầu
nhà, tôi bước tới, đứng dựa vào một thân cây, cúi đầu xuống và ôm mặt khóc như
một đứa trẻ con. Tôi chưa nghe anh bạn nói lý do và Bình Thanh đã chết lúc nào
nhưng tôi cũng có thể đoán ra là em tôi đã chết từ lâu rồi, và phải là cái chết
không bình thường. Tự nhiên trong lúc đó, tôi thấy lại con người của Bình
Thanh đang vui vẻ, cười đùa, nói năng trước mặt như lúc anh em tôi còn sống
chung trong tù. Tôi nhớ lại Bình Thanh có lần nói với tôi:“Em không bao giờ chết
trên giường bệnh”. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao hôm qua anh bạn này không báo
tin tại nhà tôi, mà lại mời tôi tới nhà anh, lúc không có người chung quanh.
Một lúc
sau, anh chủ nhà bước ra mời tôi trở vào nhà. Tự nhiên, tôi thấy quý anh, vì
lúc này, anh là người có thể chia sẻ với tôi nỗi đau quá bất ngờ này.
Vừa ngồi xuống ghế, anh bắt đầu nói, không cần đợi tôi hỏi gì thêm:
-Anh Út, tên em là Đạo, em là bạn của Bình Thanh. Em và một thằng bạn nữa cùng
đi với Bình Thanh xuống Bưng Trường thăm chị Hai. Lần đó, chị Hai sợ cuống cuồng
khi thấy bọn em đóng giả làm bộ đội bước vào nhà. Chắc là chị Hai đã kể lại
chuyện này với anh?
Tôi ngồi yên gật đầu. Đạo nói tiếp:
-Bình Thanh đã chết lâu lắm rồi anh ạ, chỉ vài tháng sau khi tụi em xuống nhà
thăm chị Hai thôi.
Tôi trả lời là tôi cũng đoán biết như vậy, vì nếu Bình Thanh còn sống thì làm
gì sáu, bảy năm rồi không tin cho anh. Đạo nói tiếp theo :
-Bọn em quen nhau từ miền Bắc. Khi Bình Thanh vượt ngục ra gặp lại và một tháng
sau bọn em tìm đường vô Nam, cũng đóng giả làm bộ đội. Bình Thanh quyết tâm phải
xuống Vĩnh Long thăm chị Hai mà Bình Thanh đã coi là người chị từ sau khi kết
nghĩa với anh trong tù. Bình Thanh nhắc về anh luôn với sự quý mến rất đặc biệt.
Sau đó, Đạo
kể lại thời gian ở Sài Gòn, có mấy ngày Bình Thanh một mình đi Hố Nai, nói là
đi vì một việc riêng. Lúc đó, Bình Thanh có ý hoạt động cầm chừng và chờ tôi về
để cùng nhau vượt biên ra nước ngoài. Nhưng Bình Thanh cũng biết là tôi khó mà
về sớm nên đã nghĩ tới việc trở ra Bắc lại để đánh cướp và giải thoát tù, vì
Bình Thanh biết hết ngõ ngách và giờ giấc sinh hoạt trong trại tù Thanh Cẩm.
Nhưng kế hoạch này, trước tiên, phải có nhiều tiền mới thực hiện được . Đó cũng
là lý do cả bọn kéo qua Camphuchia bằng xe tải của bộ đội.
Uống chút nước, Đạo kể tiếp:
-Lúc đó, ở Nam Vang người Việt mình đông lắm và các băng đảng hoạt động rất mạnh,
cả người Việt lẫn Campuchia. Các băng đảng phải loại nhau để làm chủ tình thế.
Chẳng may trong một cuộc chạm súng với băng Việt khác gần Nam Vang, Bình Thanh
bị thương nặng và chết ngày hôm sau trong lúc anh em vây quanh.
Sau khi an táng Bình Thanh gần một ngôi chùa ngoài thủ đô Nam Vang, bọn em kéo
về Việt Nam. Từ đó, em ở lại sinh sống trong Nam và cưới vợ, có một cháu trai
anh thấy đó. Sau đó, bọn em vượt biên qua đây và không ngờ được gặp anh.
Ngồi nghe
Đạo kể về cái chết của Bình Thanh, lòng tôi buồn vô hạn. Tôi hỏi thăm về Hường
thì Đạo cho biết Bình Thanh nói với anh rằng, lúc còn trong tù, tôi dặn rất kỹ
là khi vượt ngục ra, Bình Thanh đừng bao giờ gặp Hường, cho dù bất cứ nơi nào
trong đất nước, vì Bình Thanh vượt ngục là người ta sẽ theo dõi Hường từng bước
đi. Do đó, Bình Thanh chỉ báo tin cho Hường và thu xếp để cả hai ra nước ngoài,
nhưng việc này còn phải chờ đợi tôi. Sau khi Bình Thanh chết, các anh em cũng
không báo hung tin cho Hường, sợ Hường buồn khổ và làm liều!
Sau đó,
chúng tôi trao đổi thêm nhiều điều tôi muốn biết về Bình Thanh và trước khi từ
giã ra về, Đạo đứng lên nói nghiêm trang:
- Anh Út, anh có tin là oan hồn của Bình Thanh xui khiến cho chúng mình gặp
nhau ở đây không?
Tôi đứng yên một lúc, đưa tay ra bắt lấy tay Đạo và nói thay cho câu trả lời:
- Bình Thanh là con người rất nặng tình nặng nghĩa!
Đêm đó,
trong căn nhà lá nhỏ của trại tị nạn tôi thức khuya, chong đèn ngồi một mình ở
phòng ngoài trong khi hai anh em Văn và Võ ngủ bên trong. Hai thanh niên xa lạ
này đã ở trại tị nạn một thời gian trước khi tôi tới trại Banthat. Ba cha con
tôi sống chung nhà và rất thương yêu, quý mến, lo lắng cho nhau.
Tôi ngồi
một mình đốt hết điếu thuốc này sang điếu khác, nhưng chỉ hút một hơi rồi để xuống
cái gạt tàn trên bàn. Tin Bình Thanh chết làm tôi gần như kiệt lực. Ngày còn với
nhau trong tù, anh em quyết định sẽ ra nước ngoài sinh sống và chừng đó Bình
Thanh sẽ từ bỏ kiếp sống giang hồ mà hoàn cảnh trong đất nước đã tạo nên. Lúc
này, tôi đã vượt biên qua Thái Lan, đang đứng trước ngưỡng cửa của thế giới tự
do thì Bình Thanh không còn nữa.
Tôi
ngồi ôn lại từng kỷ niệm với Bình Thanh. Tôi nhớ lại hàng chữ xâm trổ sau lưng
em tôi, bên dưới hình cái lư hương đang tỏa khói và trên cùng là hình Phật Bà
Quan Âm thật to:“Khi tôi chết ai là người xây nấm mộ. Cỗ quan tài ai khóc tiễn
đưa tôi”. Bình Thanh là một tướng cướp có thể bị nhiều người ghét bỏ và nguyền
rủa, nhưng với riêng tôi, Bình Thanh là một trong những người tôi thương mến nhất
trên đời. Là một tướng cướp, nhưng là một tướng cướp hào hiệp. Tình người của
Bình Thanh đã mang đến cho tôi khoảng trời màu hồng trong cái đêm đen của đáy địa
ngục trong khu kỷ luật trại tù Thanh Cẩm. Bình Thanh là một tướng cướp có nhiều
hành động tàn ác, nhưng tàn ác vì hoàn cảnh mà không vì bản chất. Ngược lại,
tôi đã chứng kiến và là nạn nhân của một vài người mang danh hiệu và chức vụ rất
cao đẹp, nhưng vào tù lại hành động tàn ác không phải chỉ vì hoàn cảnh mà cả do
bản chất nữa. Sánh với những con người này thì tướng cướp Bình Thanh đứng ở một
nấc cao hơn trong bậc thang giá trị làm người.
Tôi
đứng lên bước vào buồng trong, mở túi ra tìm cái bấm móng tay nhỏ, đã rỉ sét,
mà Bình Thanh giao lại tôi như một vật kỷ niệm trong buổi chiều cuối cùng trước
khi vượt ngục từ khu kỷ luật trại tù Thanh Cẩm 7 năm về trước. Cái bấm móng tay
này lúc nào tôi cũng mang theo, ngay cả lúc ra đi vượt biên.
Trở
ra ghế ngồi và nhìn vật kỷ niệm nhỏ này khiến tôi nhớ lại từng chi tiết của buổi
chiều cuối cùng còn thấy nhau. Trong giờ phát thức ăn ban chiều hôm đó, Bình
Thanh trèo tường ngăn hai khu Kiên Giam và Kỷ Luật, qua gặp tôi và cho biết đêm
đó sẽ đi và xin tôi cầu nguyện. Lúc đó, anh em tôi đã chảy nước mắt khi Bình
Thanh ôm tôi nói:“Em từ giã anh và có thể là vĩnh biệt anh.” Lúc bấy giờ tôi
cũng có cảm tưởng đó là lần cuối cùng anh em còn thấy nhau trên cõi đời.[1]
Không ngờ điều tôi lo lắng đó đã trở thành sự thật.
Tôi lại
nhớ tới một kỷ vật khác, và giở bàn chân trái lên, kề đèn lại để nhìn cho rõ
cái dấu xâm trổ rất nhỏ gần mắt cá phía trong. Dấu xâm chữ “H” chỉ to bằng đầu
ngón tay mà tự tay Bình Thanh đã xâm cho tôi trong buồng 2 khu kỷ luật trại tù
Thanh Cẩm vào năm 1982. Lúc đó, Bình Thanh nói:“Em xâm cho anh cái dấu này trên
bàn chân, chỗ dễ nhìn thấy nhất để mỗi khi xỏ chân vào cùm anh cũng nhìn thấy,
và sau này nếu anh còn có dịp mang giày, khi xỏ chân vào giày anh cũng thấy cái
dấu chữ “ H”, nghĩa là “ HẬN”, để nhắc anh nhớ thời gian này.”
Cái dấu
xâm trổ đó dĩ nhiên là còn trên bàn chân tôi và sẽ theo tôi suốt đời, nhưng cái
ý nghĩa của nó đã đổi khác. Chữ “H” ở đây không còn là “HẬN” nữa, nhưng tôi coi
đó là bắt đầu của chữ “HOPE” trong tiếng Anh, là niềm “Hy Vọng”. Vì qua những
kinh nghiệm đau thương mà tôi đã từng trải, tôi Hy Vọng vào một tương lai tươi
sáng cho dân tộc Việt Nam và sẽ không để cho sự hận thù của hoàn cảnh lịch sử
trói buộc.
Có tiếng
bước chân nhè nhẹ phía sau lưng, tôi quay lại, thấy Võ từ trong buồng bước ra đến
bên tôi nói nhỏ:
-Khuya lắm rồi sao cha chưa ngủ? Để con dọn ghế bố cho cha.
Trong hai
anh em thì Võ gần gũi tôi nhất. Nó lo lắng từng miếng ăn giấc ngủ cho tôi. Tôi
thương nó nhất và cũng bị tôi la rầy nhiều nhất! Vừa nói, Võ vừa bước lại gần
bàn viết nhỏ hẹp của tôi trong căn nhà lá ọp ẹp mà ba cha con tôi sống. Võ xê dịch
bàn ra một chút để lấy chỗ bước vào phía trong mắc màn cho tôi. Vừa mắc màn, Võ
hỏi tôi bằng cái giọng rề rề cố hữu:
- Con thấy từ sáng tới giờ, hình như cha có chuyện gì rất buồn. Chuyện gì vậy
cha?
Tôi lắc đầu trả lời:
- Bây giờ khuya rồi, sáng ngày cha kể con nghe.
Ngồi nhìn
Võ đang với tay mắc màn trên chiếc ghế bố cho tôi, tự nhiên tôi nhớ tới Bình
Thanh. Hoàn cảnh đã đưa đẩy tôi vào tù gặp Bình Thanh và cũng lại hoàn cảnh đưa
đẩy tôi tới trại tị nạn Thái Lan và gặp Võ. Tôi biết là tôi sẽ còn gắn bó với
anh thanh niên xa lạ này lâu dài, vì những ngày tháng sống chung, tôi rất
thương Võ, và coi như đứa con trai của tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét