Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

HỒI KÝ CỦA LOẠN TƯỚNG ĐỖ MẬU: VIỆT NAM MÁU LỬA QUÊ HƯƠNG TÔI - KỲ 1

1      2      3     4     5     6     7     8
LỜI GIỚI THIỆU
ẤN BẢN THỨ BA - NĂM 1993
 Tập Hồi ký chính trị Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi của tác giả Hoành Linh Đỗ Mậu được Nhà Xuất bản Hương Quê ấn hành lần đầu tiên vào mùa thu năm 1986 tại miền Nam California, Hoa Kỳ.
 Từ đó đến nay, tác phẩm này đã được tái bản một lần (1987) và in lại tám lần. Như vậy, bản mà quý bạn đọc cầm trên tay hôm nay (1993) của Nhà Xuất bản Văn Nghệ là lần biên tập thứ ba và là lần in lại thứ chín (Third Edition, Ninth Printing).
Đó là không kể hai ấn bản mà tác giả hoàn toàn không biết đến quá trình hình thành của chúng. Bản thứ nhất in tại Úc Châu vào khoảng năm 1990 với một hình bìa khác hẳn. Và bản thứ nhì in tại Việt Nam, không những khác bìa, nội dung bị biến cải, mà ngay cả tên sách cũng bị thay đổi. Đó là cuốn Tâm Sự Tướng Lưu Vong do Nhà Xuất Bản Công An Nhân Dân ấn hành 3.200 ấn bản vào năm 1991 (Số xuất bản 117/KII90 CAND). Sau khi đối chiếu với nguyên bản, tác giả cho chúng tôi biết rằng ấn bản này đã bị bỏ bớt gần một phần tư nội dung, thay đổi một số danh xưng và bớt nhiều đoạn; nhưng nói chung, phần Sử luận và các luận điểm chính trị của ông, về căn bản, vẫn được giữ lại gần nguyên vẹn.



Loạn tướng ĐỖ MẬU
Lẽ dĩ nhiên, tác giả đã không biết gì hết về sự ra đời của ấn bản này, lại càng không liên lạc được vì hoàn cảnh lịch sử và chính trị oái oăm của đất nước, để phản đối việc làm vừa vi phạm tác quyền vừa vi phạm sự trung thực toàn vẹn của một sản phẩm trí tuệ.
Bảy năm đã trôi qua kể từ khi ấn bản đầu tiên ra đời.
Đã có rất nhiều, quá nhiều là khác, thảo luận và bút chiến về tác phẩm, và nhiều khi, về từng chủ điểm mà tác phẩm này nêu lên. Cho đến thời điểm này, vẫn còn xuất hiện trên báo chí hải ngoại những bài viết đề cập đến tác phẩm hoặc tác giả. Đặc biệt đã có 13 cuốn sách của những người viết đứng từ những vị trí khác nhau, nhìn từ những góc độ khác nhau, và mang những tâm chất khác nhau, nhưng tất cả đều trực tiếp hay gián tiếp liên hệ đến tác phẩm hay tác giả.
Trong lúc có hai người viết nêu đích danh tác giả trên bìa sách để “trực thoại” (Linh mục Vũ Đình Hoạt và Cựu Nghị sĩ Nguyễn Văn Chức) thì cũng có những cuốn đào sâu các luận đề mà tác giả viết chưa đủ rốt ráo (Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của ông Hồ Sĩ Khuê và Gia Tô Thực Dân Sử Liệu của ông Chu Văn Trình). Trong lúc có người viết lúc chống lúc thuận với tác giả (ông Nguyễn Trân) thì cũng có người cung cấp thêm những dữ kiện và luận cứ mới làm mạnh thêm những luận điểm của tác phẩm (ông Nguyễn Long Thành Nam, Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tướng Trần Văn Đôn, Đại tá Trần Văn Kha, ông Lê Trọng Văn). Lại có thêm ấn bản Việt ngữ (Sự Lừa Dối Hào Nhoáng) của tác phẩm The Bright Shining Light của Neil Sheehan (1991) và ấn bản Pháp ngữ Les Missionnaires et La Politique Coloniale Francaise au Vietnam của ông Cao Huy Thuần lần đầu tiên được Đại học Yale xuất bản tại Hoa Kỳ (1990)… Tất cả chỉ làm cho tác phẩm Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi trở thành một hiện tượng độc đáo trong lịch sử các tác phẩm nghiên cứu của Việt Nam. Và hơn thế nữa, chỉ làm cho chúng ta thấy rằng tác phẩm đã đề cập đúng những vấn đề căn bản, có thực, và có tác động sâu sắc đến nhiều người Việt Nam, đến chính tình Việt Nam không những chỉ trong quá khứ mà còn cả trong tương lai nữa.
Trong lần tái bản này, phương pháp luận căn bản của tập Hồi ký là thông qua các biến cố lịch sử (mà tác giả đã sống và/hoặc nghiên cứu) để giải thích những lực nào đã tác động lên sự vận hành của lịch sử nước ta trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, vẫn không thay đổi. Nói rõ hơn, bản chất cuộc chiến và các lực lượng tham chiến trên quê hương ta suốt mấy chục năm trời vẫn có tính phi dân tộc. Và nguyên lý chỉ đạo làm nền tảng sử luận cho tác giả là đã phi dân tộc thì thế nào cũng phản dân tộc vẫn chảy xuyên suốt tác phẩm.
Tuy nhiên, trong lần tái bản thứ ba này có một số thay đổi sau đây:
Về hình thức, số lỗi chính tả và ấn loát (nhất là các dấu hỏi ngã) được giảm thiểu tối đa. Một số rất ít tên người, tên địa phương và ngày tháng cũng đã được cập nhật lại. Đặc biệt, so với lần trước, ấn bản này tuy có dài thêm khoảng 15 phần trăm (nâng tổng số lên hơn 750 ngàn chữ) nhưng số trang, theo lời yêu cầu của tác giả, lại được rút ngắn còn 80 phần trăm (1089 trang) nhờ cách dòng (interline spacing) nhỏ hơn và cỡ chữ (text size) nhỏ lại, hầu tiết giảm giá thành đến mức thấp nhất.
Việc sử dụng hai nhu liệu tin học VNI và Ventura để trình bày sách đã giúp cho ấn bản này đồng dạng hơn, sáng sủa hơn, do đó dễ đọc hơn các ấn bản trước.
Về nội dung, một số luận cứ và chứng liệu lịch sử mới đã được thêm vào, đặc biệt về quá trình du nhập Công giáo vào Việt Nam, về những bí ẩn mới trong cuộc Cách mạng 1-11-63, về cuộc vận động cho Dân chủ của Phật giáo tại miền Trung năm 1966, về vai trò của Vatican trong những ngày cuối cùng của miền Nam vào năm 1975... để nhân đó, tác giả trả lời một số xuyên tạc và ngộ nhận về tác phẩm. Cũng thêm vào trong ấn bản này là một Phụ Lục mới gồm 10 tài liệu đọc thêm của những nhân chứng lịch sử và một số hình ảnh của các khuôn mặt quan trọng đã hiện diện trong tác phẩm.
Nhân dịp này, tác giả có nhờ chúng tôi chuyển lời cảm ơn đặc biệt đến cụ Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, cụ Hương Thuỷ Hoàng Trọng Thược, cụ Phùng Duy Miễn, nhà Sử học Vũ Ngự Chiêu, Trung tướng Vĩnh Lộc, bác sĩ Võ Tư Nhượng và Giáo sư Phạm Phú Xuân đã tận tình góp ý sửa lời để ấn bản này được toàn vẹn hơn.
Nhà Xuất Bản Văn Nghệ, khi quyết định xuất bản và phát hành tác phẩm này, chỉ muốn xác nhận lại chủ trương của mình: cung cấp cho độc giả trong và ngoài nước những tác phẩm giá trị, những công tình trí tuệ có phẩm chất cao hầu đóng góp vào gia tài Văn hoá của dân tộc.
Ngoài ra, riêng với tác phẩm Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, sự kiện có những tranh luận sôi nổi xung quanh tác phẩm, và trước nhu cầu tìm đọc nguyên bản của nhiều độc giả đã từng đọc “ấn bản trong nước”, chúng tôi tự thấy có bổn phận phải nỗ lực hoàn thành việc xuất bản và phát hành tác phẩm này, với ước mong cống hiến cho những đồng bào còn quan tâm đến vận mệnh quê hương một cách nhìn mới về những vấn nạn mà tổ quốc ta đã đối trị và có thể sẽ còn phải đối diện trong tương lai.

                                                                           Hoa Kỳ, tháng 9 năm 1993
                                                                         Nhà Xuất Bản VĂN NGHỆ

LỜI MỞ ĐẦU
Đó là một thời kỳ đầy đau thương của đất nước. Đó là khi người Pháp nhân danh nền văn minh Thiên Chúa giáo để “khai hóa”, xâm lăng và đô hộ đất nước Việt Nam cho đến ngày nay, khi người Cộng Sản nhân danh cách mạng vô sản chuyên chính để “giải phóng”, khống chế và bạo quản dân tộc Việt Nam.
Tôi đã sống một giai đoạn của thời kỳ đó không những như một nhân chứng mà còn may mắn được tham dự tích cực vào một số biến chuyển và hoạt động sát cánh với một số nhân vật lịch sử. Trên con đường ba mươi năm sống và hoạt động đó, tôi chỉ có một tâm nguyện: ấm no và an vui cho đồng bào.
Nhưng tâm nguyện đó không thành tựu vì trên quê hương tôi đau thương vẫn còn đó, nghèo khổ vẫn còn đó. Các bậc đàn anh của tôi, đồng chí và bằng hữu của tôi cũng đã không thực hiện được hoài bão của đời họ. Tất cả, từ những người có lòng nhất đến những người tài ba đảm lược nhất đều đã thất bại, dù trong cuộc hành trình hùng tráng và bi thiết này, không biết bao nhiêu người đã hy sinh gục ngã.
Quyết định viết hồi ký được khơi nguồn từ ý muốn đi tìm những nguyên nhân lớn nhất, thực nhất của cái thảm trạng mà ngày nay cả dân tộc ta phải nhận chịu, dù những nguyên nhân đó có làm đảo lộn những nề nếp suy nghiệm cũ và làm lung lay những đánh giá lịch sử đã được một số người hài lòng công nhận. Những nguyên nhân này được cố gắng trang trải như một bài học lịch sử để từ đó và do đó, hy vọng những lớp người đang đi tới sẽ tránh được những vết xe đổ đã nghiền nát bao nhiêu trang sử hiện đại dân tộc.
Cuốn sách này được chia làm ba phần tổng quát. Phần thứ nhất nói về thời kỳ thơ ấu và thanh niên. Phần thứ hai, về giai đoạn mấu chốt nhất của lịch sử cận đại: chín năm của nền Cộng Hoà đầu tiên của đất nước. Và phần chót, về hậu quả bi thảm của một chế độ phi dân tộc.
Vì là hồi ký chính trị của một cá nhân nên các sự kiện có thể thiếu sót do tính chất phức tạp của các biến cố, nhưng chắc chắn là xác thực. Các suy nghiệm cũng vậy, đôi khi chủ quan nhưng luôn luôn nghiêm chỉnh vì chúng bắt nguồn từ và kết tụ về một quy luật đặc thù của lịch sử Việt:

HỄ ĐÃ PHI DÂN TỘC

THÌ THẾ NÀO CŨNG PHẢN DÂN TỘC
Điều này đã được chứng nghiệm rõ ràng khi suy giải trách nhiệm của những người nắm chức vụ lãnh đạo Việt Nam trong 30 năm qua. Người thì đến giờ hấp hối còn ước mong được gặp Các Mác, Lê-nin bên kia thế giới, người thì muốn nối dài biên giới Hoa Kỳ từ Alaska đến sông Bến Hải, người thì đào nhiệm bỏ ngũ khi Hoa Kỳ ngưng viện trợ “chống Cộng”…
Tất cả đã không có căn bản dân tộc nên đã làm khổ đau dân tộc.
Vì vậy, nếu cuốn sách nhỏ này, với văn phong bộc trực và võ biền của một người lính già, với tâm tình thô thiển nhưng chân thành của một người dân xa nước, mà khắc đậm thêm được quy luật lịch sử đó trong lòng người đọc, thì tác giả thấy ước vọng của mình có thể trở thành hy vọng về một tương lai tươi sáng cho đất nước.
Cuối cùng tác giả muốn bày tỏ lòng tri ân đến các bậc đàn anh, các thân hữu đã khuyến khích, bổ khuyết, giúp ý kiến và tài liệu giá trị rất khó tìm ở hải ngoại, cũng như đã yểm trợ phương tiện ấn loát và tài chánh để cuốn sách này được hình thành.
Trong phần Phụ Lục ở cuối sách, tác giả mạn phép trích dẫn ý kiến của 100 nhân vật, tổ chức Việt Nam đã đăng trên các sách báo và một số thư từ các bằng hữu đã viết riêng. Việc này theo thường tình là thất lễ bởi đã  không xin phép trước, nhưng tin quý vị sẽ sẵn sàng tha thứ bởi vì tác giả trộm nghĩ rằng các suy nghiệm can đảm và chân thành của quý vị không những chỉ có giá trị cho riêng cá nhân tác giả mà còn cho rất nhiều người khác. Bây giờ cũng như mai sau.
  Hải ngoại, Trọng Đông năm Ất Sửu (1985)
 Hoành Linh Đỗ Mậu


CHƯƠNG I
Quảng bình quê hương định mệnh
Thích Trí Quang
Trong suốt quá trình lịch sử cận đại của nước ta, trên cả ba miền đất nước mà đặc biệt tại miền Trung, khi nói đến cái “lò" cách mạng hay cái "nôi" văn học là phải nói đến hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ở phía bắc Đèo Ngang, và hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi ở phía nam Đèo Hải Vân. Những bậc hào kiệt tài danh đứng đầu ngọn sóng cách mạng hoặc làm đẹp cho nền thi văn đất nước như Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ đều xuất thân từ vùng đất Nghệ Tĩnh; còn những tên tuổi của Phan Chu Trinh, Trần Cao Vân, Trần Quí Cáp thì lại vươn lên từ vùng đất Nam Ngãi, nơi được mang danh là đất của “Ngũ phụng tề phi” (năm con rồng cùng bay) nhờ kỳ thi Hội năm Mậu Tuất (1898) ba tiến sĩ và hai phó bảng trong số mười tám vị chiếm bảng vàng đều xuất thân từ tỉnh Quảng Nam, cho nên vua Thành Thái mới ban cho năm vị tân khoa bốn chữ “Ngũ Phụng tề phi” vang rền đất nước.

Nghệ Tĩnh và Nam Ngãi, dưới thời Pháp thuộc, cũng chính là vùng bất khuất, tiếp nối truyền thống cách mạng chống ngoại xâm của cha ông, vùng lên đối kháng chính quyền bảo hộ Pháp mà điển hình là các cuộc đấu tranh của Văn thân, của Cần vương, là phong trào chống thuế ở Nam Ngãi, là phong trào Xô viết ở Nghệ Tĩnh. Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và một số các lãnh tụ khác của đảng cộng sản Việt nam, cũng xuất thân từ lò luyện thép này.
Bên cạnh vóc dáng và khí thế lẫy lừng của bốn tỉnh kể trên, Bình Trị Thiên là ba tỉnh nằm giữa hai ngọn đèo lớn đó của miền Trung, vì quen nhọc nhằn chống lại thiên nhiên hà khắc, lại vốn làm cái đòn gánh chính trị oằn vai vì sức nặng cách mạng của bốn tỉnh tiếp giáp nên cũng đã cưu mang trong sức sống tất cả cái hào hùng và oan nghiệt của lịch sử. Tỉnh Quảng Bình, tuy là một tỉnh nhỏ về cả hai phương diện dân số lẫn diện tích nhờ đó chiếm được địa vị của một vùng đất quê hương nổi tiếng địa linh nhân kiệt.
Từ đời Hùng Vương, Quảng Bình đã là một trong mười lăm bộ của nước Văn Lang, có tên là Việt Thường với thủ đô là Phong Châu. Vì là tỉnh cực Nam tiếp giáp với biên giới Chiêm Thành nên suốt một thời gian dài trong quá trình dựng nước và mở nước, Quảng Bình đã là chiến địa khốc liệt và dai dẳng, lắm phen thay ngôi đổi chủ giữa hai dân tộc Chiêm Thành bắt được vua Chế Củ và sát nhập ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bổ Chính thì Quảng Bình (và phần đất phía bắc tỉnh Quảng Trị) mới hoàn toàn thuộc về lãnh thổ nước Việt nam và thuộc về chủ quyền dân tộc Việt nam cho đến bây giờ.

Tuy là một tỉnh nhỏ, dù bề dài 110 cây số, nhưng bề ngang chỉ vào khoảng 45 cây số, quanh năm ách nước tai trời, lưng dựa vào Trường Sơn huyền bí, mặt nhìn về biển Đông thét gào, đất cày lên không sỏi thì đá, nhưng tạo hoá lại đền bù cho Quảng Bình nhiều danh lam thắng cảnh để tô điểm thêm cho thanh kỳ, mỹ tú mà nhiều tỉnh khác không có. Luỹ Thầy, Đèo Ngang, sông Linh Giang, động Phong Nha... không những là kỳ tích của thiên nhiên mà còn là những địa danh ghi đậm những biến cố hào hùng trong lịch sử nước nhà.

Đèo Ngang nằm trên một rặng núi bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, vươn ra biển Nam Hải như một bức tường thành hùng vĩ nên có lẽ vì thế mà rặng núi này được gọi là Hoành Sơn. Sử chép rằng chúa Nguyễn Hoàng thời Lê Mạt trước khi vào trấn nhậm Đàng Trong, có cho người đến thỉnh ý cụ Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cụ nhìn thấy một đàn kiến đang bò lên hòn giả sơn trước sân nhà, bèn nói "Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” (núi Hoành một dãy vạn đời dung thân).
Câu chuyện thuộc về dã sử không rõ thực hư, nhưng kể từ năm 1558, khi chúa Trịnh cho Nguyễn Hoàng vào Nam trấn nhậm cho đến khi nhà Nguyễn lập quốc xưng vương vào năm 1802, rồi kéo dài cho đến năm 1945, khi vua Bảo Đại thoái vị, tổng cộng gần 400 năm kể cũng là vạn đại lắm rồi.
Cảnh vật Đèo Ngang như là nơi tao ngộ của trời mây, non nước, đất đá, cỏ cây, lại có ải quan trơ gan cùng ngày tháng, có Cổ Luỹ pha đậm nét rêu phong, cảnh trí vừa hùng vĩ vừa nên thơ dễ làm động lòng khách du quan mỗi khi đi qua đèo. Vua Lê Thánh Tôn, Bà Huyện Thanh Quan, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu... những thi hào tên tuổi của Việt nam dừng chân trên đỉnh đèo, động lòng hoài cảm trước cảnh vật giao hoà đã để lại những vần thơ láng lai tình non nước. Người Việt nam không mấy ai không biết bài thơ hoài cảm Qua Đèo Ngang tức cảnh của Bà Huyện Thanh Quan:
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen dá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác dác bên sông chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Cách Đèo Ngang 15 cây số về phía Nam có sông Gianh mà lòng sông vừa sâu lượng nước lại vừa chảy mạnh. Sông Gianh bắt nguồn từ núi rừng Trường Sơn hiểm trở, bạt núi xuyên ngàn tạo ra nhiều thác lắm ghềnh và đổ oà ra biển Nam Hải, cắt đôi đất nước thành hai miền riêng biệt. Bề ngang rộng lớn của dòng sông và thế chảy mãnh liệt của dòng nước biến sông Gianh thành một trở lực thiên nhiên hữu ích cho các nhà quân sự muốn tạo một thế bố phòng vững chắc vào cái thời mà vũ khí và các phương tiện vận tải còn giới hạn.
Cửa sông Gianh nước chảy xiết, khó bắc cầu, thuyền bè qua lại khó khăn nguy hiểm nên dân gian mới ví von:
Bao giờ nước cạn Đồng Nai
Sông Gianh bớt chảy mới phai lời nguyền
Tuy cửa sông Gianh hiểm trở nhưng đây cũng lại là nơi phong cảnh hữu tình, nên thơ với tiếng gió thổi lộng qua hàng dương liễu vi vu trỗi lên những bản nhạc du dương trầm hùng với những cánh buồm nâu trở về bến cũ khi bóng xế chiều tà, với tiếng sóng dạt dào theo con nước thuỷ triều lên xuống. Khách lữ hành mỏi mệt sau những chặng đường dài trên con đường thiên lý, đến cửa sông Gianh dừng chân nghỉ lại trong những ngôi quán tranh của dân xóm Thanh Hà, phía hữu ngạn sông Gianh, nếm mùi hải vị, uống chén chè tươi, ngắm nhìn bức tranh thiên tạo, hưởng làn gió mát trước khi tiếp tục cuộc hành trình ngược Bắc xuôi Nam.
Rời sông Gianh, theo phương Nam mà đi hơn 30 cây số nữa, khách lữ hành sẽ gặp Đồng Hới, tỉnh lỵ Quảng Bình, có Động Hải, có cổng Bình Quan, có cổ luỹ Phú Ninh, có những tiền đồn của Luỹ Thầy, những di tích còn sót lại của thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Tiếp tục đi về hướng Nam, băng qua sông Nhật Lệ, khách lữ hành sẽ tìm thấy những kiến trúc rêu phong vốn là vết tích của Luỹ Thầy, còn được gọi là Trường thành Định Bắc Luỹ Thầy, chiến luỹ vững vàng đã từng chặn đứng rất nhiều kế hoạch nam tiến của quân Chúa Trịnh, được xây từ năm 1629 do sáng kiến chiến lược của vị quân sư tài ba và đầy mưu lược của nhà Nguyễn là ông Đào Duy Từ. Ông vốn xuất thân từ một gia đình làm nghề hát xướng, cái nghề mà xã hội phong kiến ngày xưa thường khinh bỉ gọi là "xướng ca vô loại. Thủa thiếu thời có lúc ông phải đi ăn xin từ làng này qua làng khác và rất nhiều lần phải chăn trâu cho các nhà phú hộ để đổi lấy bát cơm thừa. Trong hoàn cảnh khốn cùng đó, lại còn bị chặn đứng tương lai bởi bức thành giai cấp cổ tục, ông vẫn quyết tâm sôi kinh nấu sử một mình để trau dồi trí đức và sau này trở thành bậc hiền tài mưu cao chí lớn được chúa Nguyễn Phúc Nguyên và các quan xem như bậc thầy.
Luỹ Thầy dài ba trăm trượng, chạy từ chân núi Đầu Mậu phía Tây huyện Lệ Thuỷ, đến cửa sông Nhật Lệ thuộc phủ Quảng Ninh, đã là chiến luỹ chặn đứng được nhiều cuộc tấn công của quân phương Bắc. Vì thế mới có lời truyền tụng:
Khôn ngoan qua cửa sông La
Dù ai có cánh khó qua Luỹ Thầy
Ngoài những cảnh trí non nước đã được nhắc nhở nhiều trong sử sách ngàn đời của dân tộc Việt, Quảng Bình còn có nhiều phong cảnh đem tự hào cho dân chúng địa phương. Cách tỉnh lỵ Đồng Hới 17 cây số về phía Tây, có động Phong Nha thuộc huyện Bố Trạch, một thắng cảnh vô cùng kỳ vĩ. Muốn vào động phải đi bằng thuyền, phải có đuốc dẫn đường; trong động có suối nước xanh màu ngọc bích, có thạch nhũ nhô ra như những bàn tay Phật, có những kiến trúc thiên nhiên như những toà lâu đài tráng lệ huy hoàng, lại có những sân khấu do thợ Trời sắp đặt với phong cảnh trang trí, đào kép múa may thật diễm ảo thần tiên. Những giọt nước từ nhũ đá rơi xuống suối nằm sâu trong lòng động tạo thành những điệu nhạc trầm buồn mỗi khi nước chao động đập vào ghềnh đá thì có tiếng âm vang như tiếng chuông chùa. Theo dân chúng địa phương thì những tiếng chuông chùa này chỉ ngân lên đêm Rằm và đêm mồng Một âm lịch mà thôi.
Trời trên vòm động có những đám mây ngũ sắc từ chóp núi Trường Sơn tụ lại làm cho cảnh vật Phong Nha thêm huyền ảo, thanh kỳ khiến khách du quan tưởng mình như lạc đến chốn Bồng Lai Tiên Cảnh. Cụ Chu Mạnh Trinh cho rằng động Hương Sơn ở Hà Đông là Nam Thiên đệ nhất Động, còn học giả Thái Văn Kiểm (từng sống lâu năm và từng nghiên cứu về địa lý dân tình tỉnh Quảng Bình và miền Trung) thì lại cho rằng Phong Nha là "Đệ nhất kỳ quan” của nước Việt nam. Theo ông Thái Văn Kiểm thì ông Barton, nhà chiêm tinh học người Anh, cho biết động Phong Nha không kém gì động Padirac của Pháp hay Cuevasdel Drach ở Mallorque của đất nước quê hương, mà chỉ có người Âu Châu thăm viếng nhiều còn người Việt nam chưa mấy ai lui tới chỉ vì giao thông trắc trở, vì chiến tranh cản ngăn.
Tôi vốn quê làng Thổ Ngoạ, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, vùng có địa danh là Ba Đồn, và đã từng được ghi đậm vào sử sách dân tộc vì nơi đó đã xảy ra nhiều trận chiến giữa quân Pháp xâm lăng và quân Cần vương kháng chiến. Quê tôi nằm trên tả ngạn sông Linh Giang, tục gọi là sông Gianh, cách phía Nam Đèo Ngang 15 cây số, nơi mà ngay từ cuối đời Hùng Vương cho đến thời nước nhà bị Pháp đô hộ đã liên tiếp là vùng chiến địa. Quê tôi vốn là vùng nước mặn đồng chua, hàng năm thường bị tai trời ách nước, lại bị chiến tranh liên miên xảy ra nên quê tôi nghèo lắm. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, nhân một chuyến Nam du khi ngang qua đây thấy dân chúng địa phương quá nghèo khổ đã phải tỏ lời thở than:
Nhân xem án vải quần nâu,
Gái trai già trẻ một màu không hai
Văn minh rày đã bán khai
Mà đây còn hãy như đời Hùng Vương
Quê tôi nghèo đến độ dân chúng bốn mùa chỉ bận quần nâu áo vải, và chỉ trừ những ngày Tết, Lễ được ăn cơm, còn thì phải trộn khoai mà ăn với mắm cà rau muống suốt năm. Nhưng hình như tạo hoá có luật thừa trừ: đã bắt dân chúng đói nghèo, cực khổ thì bù lại họ có cái tiết tháo, thông minh. Quê tôi tuy nghèo nhưng lại là một đại xã nổi tiếng về văn học, buổi tiến triều khoa giáp rất đông. Làng Thổ Ngoạ của tôi là một trong tám làng của tỉnh Quảng Bình có nhiều người đỗ đạt, nhiều người làm quan, và cũng nổi tiếng vì có nhiều vị khoa bảng làm quan nửa chừng rồi cởi áo từ quan về làng sống cảnh an bần lạc đạo.
Có lẽ vì làng tôi có nhiều nhà Nho, nhiều bậc sĩ phu vốn trong nền Tam Giáo cho nên dân làng tôi không một ai cải đạo, mặc dầu phủ tôi vì gần với các căn cứ quằn sự Pháp nên có nhiều làng theo đạo Thiên Chúa hơn. Và có lẽ vì thấm nhuần sâu đậm tư tưởng Khổng Mạnh, mang khí tiết, danh dự kẻ sĩ cho nên một thời tuy ở rất gần nhiều đồn lính Tây và bị bao vây bởi những làng theo đạo Thiên Chúa mà vào những năm 1885, 1886 phần đông dân làng tôi đều theo nghĩa quân Cần vương dưới quyền lãnh đạo của vị anh hùng Lê Trực. Ông đã biến làng tôi thành một tiền đồn trực tiếp đối đầu với quân Pháp, che chở cho chiến khu của Vua Hàm Nghi trong rừng già Thanh Lạng, vùng giáp giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Nội tổ của chúng tôi cũng đã từng theo đòi nghiên bút, theo đường khoa danh như hồi ký của cháu tôi là đại uý Đỗ Thọ, sĩ quan tuỳ viên của Tổng thống Diệm đã trình bày; nhưng vì thời thế loạn ly, ông bỏ đèn sách mà theo việc kiếm cung và trở thành viên tướng tiên phong cho vị lãnh tụ Cần vương là cụ Đề Lê Trực. Nội tổ chúng tôi bị tấn công bởi lính Pháp, lính Đạo, có giáo sĩ Tortuyaux từ Đồng Hới ra làm kẻ chỉ đường nên bị thất trận, giặc Pháp giết không toàn xác và ném thây xuống sông mất tích. Thủ hạ của ông chạy thoát được về báo cho gia đình. Sau này con cháu họ Đỗ chúng tôi phải lập đàn cầu cơ, hỏi người hồn phách siêu lạc, vất vưởng phương nào để con cháu xây bia lăng chôn “mình dâu, đầu gáo” và lập đền thờ cho đấng tiền nhân tiết liệt.
Theo phụ thân tôi và các tôn trưởng trong làng kể lại thì sau khi Nội tổ bị sát hại, quân Cần vương tan rã, lính đạo của các cố Tây và dân các làng Thiên Chúa kế cận như Đơn Sa, Diên Hoà, Diên Phúc, Hướng Phương... đến bao vây làng tôi, giết hại hàng trăm người, đốt phá đình chùa, miếu vũ. Những ai đã từng đi qua làng tôi đều thấy dọc theo bờ sông Gianh hàng mấy trăm nấm mồ vô chủ, ngổn ngang như gò đồng, đó là những ngôi mả của dân làng chết vì tham dự quân đội Cần vương hay vì bị dân các làng Thiên Chúa sát hại. Vốn sinh sống nơi vùng đất quê nghèo, sau cuộc kháng Pháp, dân làng tôi vốn đã nghèo khổ lại càng nghèo khổ, gian truân hơn.
Vùng tả hữu ngạn sông Gianh là nơi quân Pháp đã đóng nhiều đồn bốt khi họ đánh chiếm Quảng Bình cho nên vùng này có trên hai mươi làng theo đạo Thiên Chúa... Giáo phận này có cả tiểu chủng viện ở làng Hướng Phương.
Thời kỳ chống Pháp (1946-1954), trong khi tất cả các làng khác theo. tiếng gọi non sông tham gia kháng chiến thì các làng theo Thiên Chúa giáo ở hai bên bờ sông Gianh đều rào làng, xây chòi canh tự nguyện thành lập những đội Partisans đã phụ lực cho đội quân viễn chinh Pháp, biến vùng này thành một dãy tiền đồn cho Pháp an toàn đóng ở Đồng Hới, hướng về Liên Khu Tư của Việt minh. Linh mục Nguyễn Phương đã từng là dân vệ trong đội quân Partisans của làng Hướng Phương trước khi ông vào Huế tiếp tục học hành. Còn Linh mục Cao Văn Luận nguyên là viện trưởng viện đại học Huế dưới chế độ Ngô Đình Diệm, từ Hà nội vào ở tại vùng này một thời gian trước khi vào Huế xin thủ hiến Phan Văn Giáo dạy học ở trường trung học Khải Định. Khi quân đội Pháp rút bỏ dãy tiền đồn ở vùng tả hữu ngạn sông Gianh thì hầu hết thanh niên những làng Công giáo cũng sợ hãi rút theo. Phần đông những thanh niên này gia nhập vào bộ đội Việt Binh Đoàn miền Trung rồi trở thành quân đội quốc gia dưới chế độ Quốc trưởng Bảo Đại. Sau này, phần đông số binh sĩ đó được tuyển chọn vào Lữ đoàn Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống, họ được ông Diệm đặc biệt lưu tâm ưa đãi họ vì họ thuộc thành phần trung kiên nhất đối với ông Tổng thống người Quảng Bình mộ đạo Thiên Chúa này.
Sống giữa thời ly loạn, mà cha chú, bà con phần đông bị giặc Pháp cầm tù hay sát hại, nước nhà thì mất chủ quyền, cha tôi, một nho sĩ nghèo nàn chỉ còn biết kéo dài cuộc đời bất đắc chí. Tôi ra đời giữa khung cảnh đất nước đó, trong một gia cảnh thanh bần và giữa một làng quê bùn lầy nước đọng. Mẹ tôi thì hao tâm hao lực, một nắng hai sương làm lụng cực nhọc để nuôi chồng và một đàn con đông đảo, mình mang trọng bệnh lại thiếu tiền thuốc thang, nên bà đã từ giã cõi đời khi tôi vừa lên bốn tuổi, bỏ lại cha con tôi với thảm cảnh gà trống nuôi con. Tuy nhiên, qua mấy đời, dòng họ con cháu đều theo đòi ít nhiều kinh sử, cho nên khi tôi lên năm, cha tôi cũng cố cho tôi theo học chữ Hán trường ông Tú gần nhà. Cho đến khi lên chín thì tôi được gởi lên trường Phủ học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Thời gian theo bậc tiểu học, tôi đã không có những phút êm đềm của tuổi học trò thơ ấu, lại càng không có những mộng mơ hồn nhiên của tuổi đến trường, mà cứ mỗi độ hè đến là phải đi chăn trâu, ngày nghỉ là phải ra đồng mót lúa, đào khoai hay xuống sông mò tôm bắt cá kiếm thêm miếng ăn cho gia đình. Sau khi đỗ tiểu học, tôi định bỏ ngang sự học vì thời bấy giờ muốn vào trung học thì phải vào Huế phải tốn tiền ăn, tiền nhà trọ, tiền sách vớ áo quần, tiền xe cộ đi về. Với gia cảnh bần hàn mà ngay cả mỗi miếng ăn đói, mỗi mảnh áo rách đêu là kết quả nhọc nhằn của mồ hôi và nước mắt của toàn gia đình, cha tôi biết lấy gì để chu cấp cho tôi theo đuổi học hành mà tốn kém hàng tháng cung phải đến 6 đồng bạc, một số tiền lớn giá trị độ 6, 7 chục ngàn thời 1970.
May mắn thay, khi tôi vừa đỗ tiểu học thì có bà cô họ vốn biết tính ham học của tôi bèn từ Huế về làng, xin cho tôi vào Huế tiếp tục việc học hành. Chồng cô tôi là một ông Đề lại đã về hưu, có một ngôi nhà vườn rộng với nhiều cây trái ở chợ Cống, con cái đã thành gia thất và đều đi làm việc cho chính phủ ở các tỉnh xa. Cô tôi đem tôi về, vừa có ý giúp tôi tiếp tục việc học hành, vừa có ý có thêm đứa cháu cho cảnh nhà bớt phần quạnh quẽ. Tôi theo học trường Trung Học tư thục Hồ Đắc Hàm, ngày nghỉ về nhà giúp cô dượng tôi nhổ cỏ, tưới cây, quét tưới cửa nhà, vườn tược. Ở cái tuổi 15, đáng lẽ tôi đã có thể vẽ được cho mình - dù viễn vông - những ước mơ cao xa và những hoài bão to lớn, nhưng nhìn lại hoàn cảnh gia đình và trong bối cảnh của một quê hương rách nát tang thương, tôi chỉ ao ước được học hết 4 năm, lấy mảnh bằng Thành chung để xin vào ngạch thư ký toà Sứ, ngạch trợ giáo hay ngạch thừa phái Nam trĩu như ước mơ của hầu hết thanh niên nghèo lúc bấy giờ không đủ điều kiện tiếp tục học lên tú tài. Nhưng có lẽ vận số dòng họ nhà tôi chưa có mả về văn học, nên sắp bước vào năm thứ 4 thì cô tôi qua đời. Dượng tôi, phần thì tuổi già, phần thì thiếu nội trợ, nên cho thuê ngôi nhà để đi theo con làm y tá ở Phan Thiết, và không thể tiếp tục làm Mạnh thường quân giúp tôi ăn học nữa, tôi đành phải dang dở việc học hành trả lại giấc mơ giản dị và tội nghiệp của một cuộc đời thư ký cho nhà trường để trở lại làng xưa.
Về đến Đồng Hới, tôi vào ty kiểm học để nộp đơn cho một chức giáo viên sơ học thì được cụ Kiểm học Trần Kinh, thân phụ của giáo sư Trần Vỹ, thâu nhận vào làm giáo viên sơ học của một làng trong phủ với số lương hàng tháng là 12 đồng do ngân sách hàng tỉnh đài thọ.
Tôi dạy học được một năm, xét thấy nghề giáo viên trường làng với số lương quá thấp, vừa không đủ nuôi thân vừa không giúp gì được cho gia đình, nhân có mấy người bạn cùng học trước kia ở trường Phủ rủ nhau gia nhập quân đội, tôi bèn nhận lời theo họ. Tôi thích đời quân ngũ một phần vì lương bổng cao hơn, tương lai bảo đảm hơn, có thể thăng quan tiến chức và phần khác, vì là quân nhân thì sẽ biết tác chiến, có được nhiều bạn đồng ngũ, hợp với sở thích hiếu động của tôi. Hơn nữa, và đây mới là điều quan trọng nhất, khi gia nhập quân đội tôi sẽ vừa có tiền nuôi thân lại vừa có tiền giúp đỡ cha già mỗi ngày thêm già nua bệnh hoạn.
Thời Pháp thuộc, bên Nam Triều, có những ngạch lính riêng như lính Lệ, lính Giản, lính Hộ Thành, lính Khố Vàng, còn bên Bảo Hộ có lính Chính Qui tức là lính Khố Đỏ lo việc chống ngoại xâm và lính Bảo An tức là lính Khố Xanh (Garde Indochinoise) lo việc trị an trong nước. Thật ra tôi thích đi lính Khố Đỏ hơn vì nghe nói đi lính ấy sẽ được dịp xuất ngoại, sẽ được đi Tây, biết được những chân trời xa lạ cho thoả chí giang hồ, nhưng vì tôi ốm yếu không đủ cân lượng làm một người lính chính qui nên tôi đăng vào ngạch lính Khố Xanh ở cơ Bảo An Hà Tĩnh.
Trong nhà binh thời Pháp thuộc, những quân nhân có trình độ trung học như tôi nếu làm việc ở văn phòng, khỏi phải làm tạp dịch nặng nề. Đến năm thứ sáu tôi đi học lớp hạ sĩ quan tại cơ Lưu động Huế, nơi đào tạo sĩ quan cho toàn thể xứ Trung Kỳ. Sau năm tháng học tập, thi mãn khoá tôi đỗ đầu nên được người Pháp giữ lại làm huấn luyện viên cho các lớp hạ sĩ quan tiếp theo. Năm 1942, năm dạy lớp hạ sĩ quan tại Huế, tôi vừa đúng 25 tuổi.

hết: Chương 1 , xem tiếp: Chương 2

Đánh máy: Nguyễn Học ( Mõ Hà Nội)
Chương 2
Vào đường đấu tranh
Trong những năm đầu tiên của đệ nhị thế chiến, có hai biến động xảy ra ngoài nước Việt nam nhưng lại đặc biệt liên hệ chặt chẽ đến vận mệnh nước ta vào lúc đó. Liên hệ chặt chẽ vì hai biến động này xảy ra trong hai quốc gia và cho hai dân tộc đã từng xâm chiếm và đặt nền đô hộ trên lãnh thổ Việt nam: Biến cố thứ nhất xảy ra vào ngày 19 tháng 6 năm 1940 khi gót giày sắt của quân đội Đức quốc xã giẫm nát vỉa hè thủ đô Paris tiến vào chiếm điện Elysées và bắt đầu khống chế nước Pháp bằng một chế độ quân quản sắt đá, chấm dứt uy thế và quyền lực của chính phủ Pháp không những trên lãnh thổ Pháp quốc mà còn làm suy yếu thực lực và tinh thần của các bộ máy chính trị quân sự tại các nước thuộc địa.
Biến cố thứ hai xảy ra tại Trung Hoa vào đầu năm 1940 khi Nhật Bản, khởi đầu bằng cuộc đổ bộ ở Lư Câu Kiều vào năm 1937, điều động đoàn quân tinh nhuệ với những vũ khí hiện đại đánh tan các lộ quân của Thống chế Tưởng Giới Thạch tràn xuống miền Nam Hoa, chiếm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây và chuẩn bị kế hoạch tấn chiếm Đông Dương để hoàn thành các mắt xích chiến lược của kế sách địa lý chính trị “Đại Đông Á”.
Kết quả hỗ tương và nhịp nhàng của hai biến cố đó đã chấn động tình hình chính trị tại Việt nam và đẩy bộ Chỉ huy quân sự của Nhật Bản đến quyết định đặt yêu sách đòi chính quyền của Pháp tại Đông Dương phải chấm dứt giao thương với Trung Hoa và giành quyền thiết lập một lực lượng kiểm soát việc thực thi quyết định này tại cảng Hải Phòng. Lúc bấy giờ Decoux mới thay Catroux trong nhiệm vụ toàn quyền Đông Dương và được chính phủ Pháp, trong cơn ngặt nghèo lúng túng của chính nội tình mẫu quốc, uỷ nhiệm toàn quyền chỉ huy quân sự, chính trị để giữ vững bán đảo Đông Dương.
Ban đầu Decoux nhất định chống đối quyết định đó của Nhật Bản nên ngày 22.9.1940, ngày quân Nhật từ Quảng Đông phối hợp hoả lực mạnh mẽ của Lục quân và đoàn quân cơ giới thần tốc xua quân đánh tan một số căn cứ quan trọng tại biên giới và tấn chiếm Lạng Sơn (Vốn là bộ Chỉ huy trung ương của Pháp, phụ trách tuyến phòng ngự Việt Bắc) và bắt Pháp phải nhượng bộ. Quân Nhật không những đã ngang nhiên đóng quân tại nhiều địa điểm chiến thuật ở sâu trong vùng đồng bằng mà còn sử dụng đường hoả xa, các hải cảng, các phi trường và mua với giá rẻ cao su gạo, nhiên liệu cùng nhiều sản phẩm địa phương cần thiết để cung ứng cho nhu cầu quân nhu và vận tải của quân đội viễn chinh Nhật (mà đường tiếp liệu xa chính quốc gần mười ngàn cây số càng lúc càng khó khăn).
Ngược lại, Nhật Bản tôn trọng tư cách và quyền hành cai trị của Pháp tại Đông Dương cũng như tư cách và quyền hành của vua Bảo Đại tại Trung Kỳ.
Trong biến cố này, vì những hứa hẹn chính trị và yểm trợ vũ khí của Nhật Bản, một lực lượng Phục quốc quân do Trần Trung Lập chỉ huy đã giúp quân đội Nhật Bản tấn công căn cứ Lạng Sơn và chiếm đóng thành phố này. Đau đớn thay sau khi đã được Pháp nhượng bộ, Nhật phản bội lực lượng Việt nam này và trao lại toàn bộ đơn vị Phục Quốc quân cho người Pháp như một điều kiện trong thoả hiệp Nhật Pháp. Chí sĩ Trần Trung Lập hy sinh và hầu hết Phục quốc quân Việt nam kẻ bị tử hình, người bị tù chung thân, chỉ một số ít liều mình vượt thoát được qua Trung Hoa.
Song song với việc thiết lập những cơ sở quân sự và nắm chặt tình hình an ninh tại Đông Dương. Nhật Bản vẫn khôn ngoan duy trì hệ thống hành chính và hư danh của bộ máy Bảo hộ Pháp để có thì giờ chuẩn bị cho cuộc đấu tranh chính trị ở tầng lớp quần chúng qua cơ quan phản gián Kempeitai, qua tờ báo Tân Á xuất bản bằng tiếng Việt nhằm tuyên truyền chống Pháp, đề cao chủ nghĩa “Đông Á của người Á Đông”, hô hào một nước Việt nam "độc lập trong khối thịnh vượng Đại Đông Á”. Họ tổ chức các lớp học Nhật ngữ nhằm chuẩn bị một lực lượng cán bộ hành chính bản xứ, họ tuyển mộ một số thanh niên Việt nam vào đội Hiến binh và thông ngôn của họ và đặc biệt họ ngấm ngầm tuyên truyền cho sự trở về tất yếu của Kỳ ngoại hầu Cường Để, lúc bấy giờ đang lưu vong trên đất Nhật.
Khi ông Diệm từ quan vào năm 1933, trong gia đình ông cũng đã có nhiều tranh luận sôi nổi, người theo, kẻ chống quyết định này. Dư luận trong giới quan trường tại Huế có xôn xao một dạo rồi biến cố đó cũng chìm dần vào quên lãng; người thì khen ông Diệm cứng rắn chống nhà nước Bảo hộ mà từ quan, người thì cho rằng ông Diệm chống nhau với Thượng thư Phạm Quỳnh bị thua nên uất ức mà từ chứcRiêng ngoài quần chúng, ngay cả tại Huế, không mấy ai để ý đến chuyện lên voi xuống chó trong chốn Triều Trung vì họ cho rằng Nam triều chỉ đóng vai bù nhìn của Pháp, việc lên hay xuống, ở hay đi của các vị quan lại chẳng qua chỉ là việc tranh giành địa vị, đua chen lợi danh chứ không ảnh hưởng gì đến chính sách của Pháp, lại càng không ảnh hưởng đến đời sống quần chúng hay vận mệnh quốc gia. Thật vậy, kể từ ngày Kinh đô thất thủ (1885) làm cho vua Hàm Nghi bôn đào, rồi vua Thành Thái bị truất biếm, và nhất là kể từ khi vua trẻ tuổi Duy Tân mưu đồ cách mạng bi thất bại rồi cả ba vị vua Việt nam bị Pháp bắt đi lưu đày, thì người dân Huế đâm ra bi quan. Họ nhìn về tương lai mịt mù với tất cả chán chường và thất vọng. Họ nhìn rêu phủ trên thành quách, lau mọc bên bờ sông, trăng tàn trên nội điện mà cảm thương cho vận nước lao lung.
Hầu như tất cả người dân xứ Huế đều thuộc lòng 5 câu thơ mà sau này trở thành câu hò rất phổ biến trong nhân gian:
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bến sông?
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non
Họ mượn câu hò để ghi lại một biến cố đau buồn của lịch sử và đồng thời cũng để ký thác nỗi niềm tâm sự của mình. Nỗi niềm thương tiếc một nhà vua yêu nước mà bị gian truân, một bậc trung thần can trường mà bị đầu rơi máu chảy, tâm sự của một người dân nhìn đất nước suy vong mà chỉ biết đưa câu mái đẩy để chạnh lòng nước non!
Họ càng trở nên chai lỳ hơn với những đổi thay của thời cuộc kể từ khi vua Khải Định hành xử một tên Việt gian vô trách nhiệm, chỉ biết cúi đầu vâng dạ người Pháp đề có cơ hội tiêu xài phung phí công quỹ. Từ đó về sau, người dân Huế xem những buổi tế lễ ở đàn Nam Giao, những buổi thiết triều trong Đại nội với áo mão xênh xang, tiền hô hậu ủng cũng giống như những xuất hát bội trên sân khấu của rạp hát bà Tuần. Họ sống với hiện tại nhưng lòng thì chỉ hoài niệm về quá khứ, một quá khứ mà quê hương còn vắng vóng ngoại nhân đô hộ, còn có vua quan là minh quân lương tướng. Vì vậy, việc ông Diệm từ quan hay ông Quỳnh thắng thế không làm xúc động hay gây được sôi nổi trong đời sống vón rất trầm mặc của họ.
***
Mùa xuân năm 1942, khi mà những cơn sóng ngầm đấu tranh bắt đầu chuyển động trong những sinh hoạt chính trị của người Việt thì tôi được thuyên chuyển về Huế làm huấn luyện viên cho các lớp hạ sĩ quan. Đối với tôi, về Huế là về kinh đô của quốc gia, là về với cung đài diễm lệ của trung tâm đất nước. Vì thuở thiếu thời chỉ biết luỹ tre làng và đồng ruộng khô, thời niên thiếu thì bận học hành, lớn lên gia nhập quân đội chỉ biết kỷ luật thép và hàng rào sắt, nên khi được đổi về Huế, tôi đã lợi dụng dịp này để ngao du khắp các ngõ ngách của kinh thành.
Phong cách đất Thần Kinh vừa u trầm cổ kính, vừa thơ mộng hữu tình rất phù hợp với tâm hồn vốn bảo thủ và nặng lòng hoài cổ của tôi. Những ngày nghỉ lễ, tôi thường lang thang đi bộ viếng thăm những danh lam thắng cảnh của kinh đô như hồ Tịnh Tâm, chùa Thiên Mụ, đàn Nam Giao, cửa Ngọ Môn, thôn Vĩ Dạ, vườn Ngự Viên, cầu Bạch Hổ, núi Ngự Bình, chùa Diệu Đế, làng Kim Long, trường Quốc Tử Giám... Ở đâu vào lúc nào, tôi cũng tìm được những rung cảm tuyệt vời. Từ tiếng chuông thu không của những buổi chiều băng lãng đến tiếng hò não nùng trong sương mù của buổi sáng sông Hương, từ cô gái giặt áo ở mặt nước ven sông đến tà áo tím Đồng Khánh của mùa thu tan trường về, từ hàng cau thôn Vĩ đến tiếng thông reo đỉnh Ngự, tất cả đều có sức thu hút lạ lùng và đều để lại trong tâm tưởng tôi những hình ảnh không quên. Lần băng cầu Lò Rèn để đi Phú Cam thăm ngôi giáo đường nguy nga ở đó, tôi đi ngang qua nhà ông Diệm và thầm cảm phục vị Thượng thư đầu triều, tuy còn trẻ tuổi mà không màng danh lợi, dám cởi áo từ quan trong giai đoạn mà nhiều người bán hết gia tài để mua chút phẩm hàm, hoặc dâng vợ cho giặc để kiếm thức Tri huyện.
Đời sống của tôi tại Trung tâm huấn luyện hạ sĩ quan càng ngày càng trở nên căng thẳng và bực bội. Những va chạm với các quân nhân Pháp trong lúc điều hành công tác giảng huấn, những hành vi hống hách kỳ thị của họ đối với quân nhân Việt nam, những áp bức và bất công trong đời sống trong và ngoài doanh trại, và nhất là thái độ khúm núm sợ hãi đến độ tội nghiệp của một số đồng ngũ người Việt nam... như biến thành giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước của thời thơ ấu thôn quê của tôi, mà giết chóc, đốt phá, hãm hiếp, tù đày do người Pháp và tay sai của họ gây ra chồng chất bấy lâu nay.
Thế rồi vào một đêm mưa phùn cuối năm 1942, khoảng 11 giờ khuya, ông Tráng Liệt đến gặp tôi và rủ đi gặp ông Ngô Đình Diệm. Chúng tôi đi dọc theo tả ngạn sông Hương hướng về phía Phú Cam và dừng lại trước ngôi nhà cổ kính, từ đường của gia tộc Ngô Đình.
Được người vào báo, ông Diệm ra tận bậc cấp trước cửa nhà để đón chúng tôi. Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông Diệm. Ông trông rất trẻ so với tước vị và những huyền thoại về ông. Dù đã khuya, ông vẫn mặc áo lương, khăn đóng, giày hạ, ra mời chúng tôi vào phòng khách chính, nơi có bộ bàn ghế mây xưa mà chú Phẩm, người đày tớ trung thành của ông, đã dọn ra ba chén nước chè xanh để mời khách.
Dưới ngọn đèn mờ, trong một phòng khách cổ kính, trước một nhân vật đã từng là Thượng thư đầu triều, đã từng cởi áo từ quan, và bây giờ đang thay mặt Kỳ ngoại hầu Cường Để cầm đầu một tổ chức chống Pháp, tôi có cảm tưởng như mình lạc vào một thế giới khác, xa lạ hẳn với thực tế sôi động của tình hình đất nước. Sau khi mời chúng tôi dùng nước chè xanh, ông Diệm bắt đầu hỏi về gia thế và sinh hoạt của tôi, cũng như hỏi về đời sống và tinh thần của quân nhân Việt nam trong mối tương quan với quân nhân Pháp.
Có lẽ nhờ đã được ông Tráng Liệt giới thiệu trước về hoàn cảnh và ước vọng của tôi cũng như có lẽ nhờ có người anh vợ của tôi vốn đã là thành viên trong tổ chức nên sau phần mở đầu đó của câu chuyện, ông Diệm tỏ ra tin tưởng và thân tình với tôi hơn. Vì vậy, ông bắt đầu kể chuyện đời ông như để trang trải tâm sự hơn là để khoe khoang nhằm thuyết phục: ông nói nhiều về giai đoạn ông làm tri huyện rồi tri phủ mà công tác chính là cùng với trưởng đồn người Pháp đi thanh sát ở làng quê, hoặc khám phá và lùng bắt những tổ Cộng sản thời 1929-30 khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp. Ông cũng trình bày chuyện ông từ bỏ quan trường vì người Pháp đã không thực tâm khai hoá nhân dân Việt nam. Cuối cùng, ông đi vào trọng tâm của buổi nói chuyện là khơi dậy lòng yêu nước, nung nấu chí căm thù thực dân Pháp và tay sai như Bảo Đại và ba ông Thượng thư đồng triều mà ông thù ghét là ông Phạm Quỳnh, Thái Văn Toán, và Hồ Đắc Khải. Ông cũng đề cập đến cuộc đời và con đường hoạt động của Kỳ ngoại hầu Cường Để và của cụ Phan Bội Châu để kết thúc câu chuyện đã quá dài.
Suốt buổi gặp gỡ, ông Tráng Liệt và tôi nghe nhiều hơn nói. Riêng tôi, tuy có ý chờ ông trình bày về tổ chức ông phụ trách nhưng vì ông không đề cập đến nên tôi cũng chưa tiện hỏi. Đêm đã quá khuya, ông Tráng Liệt bèn xin phép ra về. Ông Diệm tiễn chúng tôi đến tận cửa hẹn gặp lại tuần sau và dặn kỹ không nên vào bằng cửa chính để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp mà nên đi bằng cửa bí mật ở vườn sau gần đường xe lửa, lối vào chỉ có một số đồng chí được ông cho biết mà thôi.
Trên đường về, trong cái rét buốt của xứ Huế buổi trọng Đông, tôi cảm thấy xúc động lạ thường vì buổi gặp gỡ đó. Buổi gặp gỡ mà tôi cho là một xác tín cá nhân về tư cách của một đảng viên trong một phong trào cách mạng, có một vị lãnh tụ thuộc gia đình vọng tộc đã dám từ quan để đấu tranh cho quê hương dân tộc. Trong cái tâm trạng mang mang của một người từ nay có tổ chức để nương tựa, có một lãnh tụ để được hướng dẫn, có một lý tưởng để đấu tranh, tôi vẽ ra cho mình những ước mơ sáng tươi trong cái tươi sáng chung của tương lai dân tộc.
Từ đây, hầu như mỗi tuần lễ tôi đều đến ngôi nhà ở Phú Cam, vốn được xem như trụ sở trung ương tổ chức, để sinh hoạt và thảo luận cùng ông Diệm và các đồng chí của ông. Trong số này có hai người cốt cán là ông Hoàng Xuân Minh làm Tham tá ở toà Khâm sứ Huế và ông Nguyễn Tấn Quê làm thư ký cho sở mật thám Trung kỳ. Hai người này đặc biệt được ông Diệm trọng vọng và tin tưởng, nhất là ông Nguyễn Tấn Quê, tuy chỉ mới đỗ Trung học nhưng là người được ông Diệm xem như mưu sĩ chính.
Sau gần nửa năm hoạt động với ông Diệm và các đồng chí tôi đi đến nhận xét rằng sinh hoạt và phương thức tổ chức của nhóm về mặt nội dung lẫn cơ cấu có vẻ là một phong trào chính trị hơn là một đảng cách mạng chặt chẽ. Nhóm không có một hệ thống tổ chức với các cơ cấu và chức năng rõ ràng, không có chủ thuyết chỉ đạo cũng như không có một sách lược đấu tranh với các kế hoạch giai đoạn nhất định. Tại các tỉnh, và đặc biệt tại Huế, bất cứ ai đồng ý chung chung với chủ trương thân Nhật và kính phục ông Diệm thì đều có thể gia nhập phong trào của ông.
Nói tóm lại, ngay từ lúc đó, tôi đã đánh giá được bản chất của tổ chức là một bản chất chính trị vận dụng chứ không phải cách mạng đấu tranh như các đảng khác. Tổ chức đó được kết tinh sau lưng uy tín của một lãnh tụ và hoạt động theo sự biến chuyển của tình thế.
Dù nhận định như vậy, tôi vẫn quyết định hợp tác với ông Diệm vì lý do tình cảm nhiều hơn là vì một chọn lựa chính trị có ý thức. Công tác của tôi được ông Diệm giao phó là tổ chức một lực lượng quân nhân khố xanh trong khắp cơ binh thuộc xứ Trung kỳ, bao gồm từ Thanh Hoá vào đến Phan Thiết và các tỉnh Cao Nguyên. Vê quân nhân khố đỏ thì do Thiếu uý Phan Tử Lăng đang phục vụ trong Mang Cá ở Huế phối hợp với ông đội khố đỏ Nguyễn Vinh (mà sau này, khi ông Diệm mới chấp chánh, là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn danh dự, tiền thân của Liên binh phòng vệ Tổng thống phủ) phụ trách việc liên lạc và thông tin các cơ sở quân sự đóng tại Huế và Phú Bài.
Đặc biệt ông Diệm giao cho tôi thảo một kế hoạch hoạt động chi tiết để phối hợp với quân đội Nhật Bản khi nào Nhật làm cuộc đảo chính tấn công quân Pháp, và một dự án dài hạn khác về việc tái tổ chức quân đội Bảo An cho quốc gia sau khi Hoàng thân Cường Để lấy lại chính quyền trong tay người Pháp. Hai dự án này, nhờ sự hội ý của hai ông Hoàng Xuân Minh và Nguyễn Tấn Quê, và nhất là nhờ được sử dụng những tài liệu quốc phòng của Pháp tại Trung tâm huấn luyện, đã được tôi hoàn tất đúng kỳ hạn và trình cho ông Diệm nghiên cứu. Độ hai tuần sau ông cho biết là đã đọc kỹ và đồng ý hoàn toàn.
Nhờ uy tín và vị thế huấn luyện viên của các khoá hạ sĩ quan, tôi thiết lập được liên lạc và tổ chức một hệ thống các tổ gồm từ 5 đến 7 người trong suốt 20 cơ binh của miền Trung. Những học trò, những bạn bè của tôi được tổ chức vào phong trào Cường Để do ông Diệm lãnh đạo, nhiều người được các ông Võ Như Nguyện, Trần Văn Hương hay Phùng Ngọc Trung hiện ở hải ngoại biết rõ.
Ngoài ra, lợi dụng 15 ngày nghỉ phép thường niên của tôi, ông Diệm còn giao cho tôi công tác đi khắp các tỉnh Trung kỳ để liên lạc với các đồng chí có uy tín và thực lực khác. Tôi đã từng đi Thanh Hoá liên lạc với cụ Nguyễn Trác (là thân phụ của kỹ sư Nguyễn Luân và cũng là nhạc phụ của luật sư Nghiêm Xuân Hồng một nhân sĩ có tinh thần cách mạng đã từ chức tri huyện để hoạt động) đi Hà Tĩnh liên lạc với ông Trần Văn Lý đang làm Tuần vũ tại đây, đến Qui Nhơn gặp bác sĩ Lê Khắc Quyến, đến Phan Thiết gặp ông Trần Tiêu, một người đồng hương đang giữ chức Kinh lịch v.v...
Nhờ những chuyến đi này và kinh qua những lần tiếp xúc với các vị đàn anh, tôi được học hỏi nhiều thêm về ý thức chính trị và khả năng phân tích tình hình. Cũng nhờ những chuyến đi này, tôi được biết không những người trong giới quan lại ủng hộ ông Diệm, đặc biệt là cụ án sát Phan Thúc Ngô ở Quảng Bình, mà còn có một số trí thức tân học, tuy không ở trong phong trào, nhưng cũng có cảm tình với ông Diệm như bác sĩ Ưng Vi ở Phan Thiết hay kỹ sư Đặng Phúc Thông ở Nha Trang.
Ngoài hai công tác chính này, riêng tại Thừa Thiên, tôi cũng đã đẩy mạnh công tác kinh tài cho tổ chức bằng cách tuyên truyền và vận động một số các thương gia giàu có tình nguyện đóng góp cho ông Diệm. Có người đóng góp 4 đồng bạc Đông Dương mỗi tháng, riêng có một vị lương y (là thân phụ của trung tá Nguyễn Mễ, hiện ở Mỹ) tình nguyện đóng góp đến 6 đồng (một đồng bạc Đông Dương, vào thời đó, có giá trị rất lớn).
Trong suốt thời gian này, không bao giờ tôi thấy ông Diệm rời khỏi Huế. Và ngay tại Huế cũng không bao giờ thấy ông xuất hiện hoạt động trong giới chính trị công khai hoặc bí mật. Hàng ngày ông đi lễ nhà thờ và buổi chiều thường mặc áo lương đen đi lang thang một mình dọc bờ sông Phú Cam để hóng mát. Cũng trong suốt thời gian này (cho đến năm 1948), dù thường đến nhà ông Diệm tôi cũng không thể thấy mặt ông Ngô Đình Cẩn. Tôi gặp ông Nhu hai lần: một lần vào năm 1943 trong dịp tang lễ của cụ Thân Thần Tôn Thất Hân (khi tôi dẫn một trung đội lính đi dàn chào lúc làm lễ động quan), và lần thứ hai gặp cả hai vợ chồng tại phòng Văn khố và toà Khâm sứ Huế khi tôi đến thăm ông Tráng Liệt. Ông Tráng Liệt cho biết cứ hai hay ba ngày bà Nhu lại đến văn phòng chồng để gặp gỡ và nói chuyện. Bà Nhu đến bằng xe kéo gọng vàng do một người đày tớ thân tín và lực lưỡng kéo. Xe kéo của bà Nhu là một trong những chiếc xe sang nhất ở cố đô mà các cậu ấu và cô chiêu trong triều đình nhà Nguyễn thường dùng để di chuyển trong thành phố.
Về trường hợp ông Nhu, ông Diệm thường dặn dò chúng tôi: "Chú ấy theo Tây, ham ăn sung mặc sướng, không thiết gì đến chính trị hay cách mạng đâu, các ông chớ nên gặp gỡ hay thân thiết với chú ấy làm gì". Lúc đầu chúng tôi thật sự ngạc nhiên vì lời dặn dò lạ lùng ấy, tự hỏi tại sao anh thì muốn làm cách mạng mà em thì lại hủ hoá như vậy; nhưng từ từ chúng tôi mới hiểu rằng lời dặn dò đó là một trong những biện pháp an ninh xuất phát từ tình cảm gia đình mà ông Diệm chỉ muốn một mình chịu trách nhiệm và hậu quả về hoạt động thân Nhật và chống Pháp của ông chứ không muốn làm liên luỵ cả gia đình. Hơn nữa, ông Nhu mới ở Pháp về, và cũng vừa lập gia đình với một người vợ còn son trẻ (bà Nhu sinh năm 1924) của Hà thành hoa lệ ông ta cần có thời gian để củng cố địa vị của một công chức Bảo hộ cao cấp và củng cố đời sống gia đình mà người vợ vốn quá tự do tân thời, tự thấy bị tù túng mà lại còn phải ganh đua giữa một kinh kỳ có nhiều mệnh phụ quí phái.
Cuối năm 1943, những hệ quả chính trị và kinh tế của đệ nhị thế chiến thật sự ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống hàng ngày của những người như tôi. Giá sinh hoạt leo thang vùn vụt, đồng bạc Đông Dương bị mất giả thảm hại, gạo từ 25 xu lên đến một đồng một ký khiến lương hàng tháng 40 đồng của một quân nhân trung cấp như tôi quả thật không đu cho tiểu gia đình của tôi sống đủ. Vì vậy, và cũng vì không muốn vướng bận thê nhi trong sinh hoạt đấu tranh của mình, tôi phải bùi ngùi quyết định cho vợ tôi và hai đứa con trai nhỏ về quê sống với bên ngoại. Về quê, tuy đời sống thanh đạm thiếu thốn hơn, tuy có phải tần tảo cực khổ một nắng hai sương nhưng ít ra vợ con tôi còn có một mảnh vườn để trồng rau cỏ, một hồ nước có tôm cá, một rừng tràm có củi nứa và nhất là có bà con thân thuộc để có thể đắp đổi sống qua ngày. Buổi biệt ly, nhìn chiếc xe đò cũ kỹ chập chừng đưa vợ con về cố quận thân thương, người cán bộ 26 tuổi đời như tôi không khỏi có một chút xao xuyến xót xa. Được biết quyết định đó của tôi, ông Diệm hân hoan lắm và khen tôi làm cách mạng thì phải biết hy sinh cá nhân, phải biết thoát ly gia đình để có nhiều thì giờ và năng lực cống hiến cho đại cuộc.
Đại cuộc đó, hay nói đúng ra là những vận động chính trị của nhóm ông Diệm trong khuôn khổ cuộc tranh chấp ảnh hưởng giữa Nhật và Pháp tại Việt nam, vẫn tiếp tục thăng trầm theo nhịp độ thắng hay bại của phía người Nhật. Quân đội Nhật Bản, chiến thắng oanh liệt trong những năm đầu của thế chiến, từ cuối năm 1943 trở đi, đã trở về thế phòng ngự thụ động. Và tại các mặt trận lớn ở ấn Độ, Miến Điện, Nam Dương... quân Nhật hứng chịu những thết bại quân sự nặng nề đến nỗi phải rút lui ra khỏi những quốc gia bị chiếm đóng... Đầu năm 1944, chuyện phải đến đã đến, mật thám Pháp và Thượng thư Phạm Quỳnh tổ chức vây bắt ông Diệm và nếu không nhờ Hiến binh Nhật, với khả năng tình báo của sở gián điệp Kempeitai, kịp thời can thiệp để cứu thoát trong đường tơ kẽ tóc thì có lẽ sinh mạng và chính tổ chức của ông Diệm cũng không còn.
Nguyên tổ chức có một đồng chí tên là Khang làm thư ký ở sở bưu điện Huế, đêm đó trực ở phòng điện tín đến khuya mà vẫn còn thấy viên trưởng sở bưu điện người Pháp ở lại đích thân thảo và đánh điện tín, ông bèn tìm cách lén đọc được một số công điện mà trong đó có công điện mang nội dung về việc bắt ông Diệm. Ông liền báo cho một anh em có liên hệ đến bên tình báo của Nhật biết tin này (cũng có thể có nhiều đường dây khác nữa mà tôi không được biết).
Khoảng gần 11 giờ đêm thì ba người Hiến binh Nhật Bản đến nhà ông Diệm ở Phú Cam và độ nửa giờ sau thì họ ra về trước cặp mắt xoi mói của nhân viên mật thám Pháp đang canh chừng nhà ông Diệm. Mãi đến quá nửa đêm, các nhân viên mật thám Pháp mới bố trí xông vào nhà bắt ông Diệm nhưng họ chỉ gặp được cụ thân mẫu của ông người đầy tớ tên là Phẩm và một người Hiến binh Nhật Bản... Thì ra ông Diệm, vốn người thấp lùn, nên đã giả trang mặc quân phục Hiến binh trốn theo cùng với hai người Hiến binh Nhật kia đi ra từ lâu, làm mất công viên chánh sở mật thám Đông Dương là Louis Arnoux từ Hà nội vào đích thân điều khiển công tác vây bắt nhân vật thân Nhật Bản quan trọng nhất tại Trung kỳ. Nhóm mật thám Pháp doạ dẫm bà cụ Thân mẫu ông Diệm, tra tấn anh Phẩm một hồi rồi hậm hực ra về.
Hiến binh Nhật đưa ông Diệm về tạm trú tại toà Lãnh sự Nhật của ông Ishida vài tiếng đồng hồ rồi chở ông đến thẳng trụ sở Hiến binh tại trường Hồ Đắc Hàm cũ để được an toàn hơn và để tránh nhưng va chạm ngoại giao có thể có với người Pháp. Cụ Thái Văn Châu (nguyên phó chủ tịch Phòng Thương mãi Sài gòn và hiện tị nạn tại Pháp), lúc bấy giờ là một thương gia có khuynh hướng thân Nhật và đang được đấu thầu cung cấp thực phẩm cho quân đội Nhật biết tin nên vội vàng vào thăm và mang một ít đòn chả Huế cho ông Diệm dùng chung với khẩu phần đạm bạc tại sở Hiến binh Nhật. Theo lời cụ thì ông Diệm có vẻ suy tư và nỗi lo âu lộ trằn ra mặt.
Được vài ngày, người Nhật bèn hộ tống ông Diệm bằng ô tô nhà binh vào Đà Nẵng và từ đó chở ông bằng phi cơ quân sự vào Sài gòn. Ban đầu họ để ông tạm trú tại trụ sở trung ương của Hiến binh Nhật, sau đó họ di chuyển ông đến văn phòng chính của Đại Nam công ty, vốn là bề mặt nguỵ trang của bộ chỉ huy trung ương của ông Matsuisita, trùm gián điệp của Nhật tại Đông Dương. Thời ông Diệm làm Tổng thống, ông Matsuisita trở lại miền Nam Việt nam làm ăn buôn bán và đã giúp ông Diệm rất đắc lực trong quan hệ ngoại thương của VNCH và Nhật Bản. Sau ngày chế độ ông Diệm bị toàn dân lật đổ, ông Matsuisia bị Hội đồng tướng lĩnh làm khó dễ trong vấn đề tài sản và các thương vụ của ông tại Sài gòn, nhưng vì nghĩa tình xưa giữa ông Diệm và ông ta, tôi đã tìm cách can thiệp và giúp đỡ.
Sau ngày ông Diệm bị bắt hụt và được Nhật che chở mang đi mất vào Sài gòn, viên chánh sở mật thám Trung kỳ Perroche, vốn cụt một tay và nổi tiếng tàn ác, bắt đầu nghi ngờ có nhân viên chìm của ông Diệm trong sở mật thám Huế, bèn yêu cầu với trung ương cho biệt phái ông Lombert, viên chánh sở mật thám Vinh vốn thông thạo về tình hình đảng phái và nhân sự Việt nam, vào Huế và thành lập một Uỷ ban đặc nhiệm phụ trách điều tra “vụ án Ngô Đình Diệm". Ông Hoàng Đồng Tiếu, (hiện ngụ tại Portland, tiểu bang Washington) lúc bấy giờ còn đang có cảm tình với cá nhân ông Diệm và đang làm phán sự tại sở mật thám Huế, tuy có thông báo sự kiện này cho một số người trong tổ chức ông Diệm biết, nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng một số chiến hữu lần lượt bị sa lưới mật thám Pháp.
Trước hết là cụ án sát Phan Thúc Ngô bị lột chức và bắt giải vào giam ở Huế, rồi đến ông Tuần Vũ Hà Tĩnh Trần Văn Lý suýt bị bắt nhưng nhờ có bà vợ là bà con gần với Nam Phương Hoàng hậu nên chỉ bị hạ tầng công tác, thuyên chuyển vào Phú Yên và vĩnh viễn không được đề nghị thăng thưởng. Ông Võ Như Nguyên và ông Lương Duy Vỹ (sau này làm tỉnh trưởng Phú Yên và Vĩnh Bình dưới thời ông Diệm) hai đồng chí thân thiết nhất với tôi lúc bấy giờ, cũng bị bắt đày lên Dakto. Ngoài ra, một số các đồng chí khác tại Huế và các tỉnh Trung kỳ, người thì vào vòng lao lý, người thì bị truy lùng.
Về phía quân nhân bên khố đỏ chỉ có mấy người Đội cao cấp bị bắt giữ, còn bên khố xanh, từ Thanh Hoá vào đến Phan Thiết, bị mật thám Pháp bắt giữ rất nhiều. Có người bị tra tấn đến gãy cả hai hàm răng và xương quai hàm như anh Đội Lộc ở Phú Bài, có người bị đánh què chân như anh Đội Xứ ở Quảng Trị. Đa số các hạ sĩ quan khố xanh bị bắt và giam tại các nhà lao Bái Thượng ở Thanh Hoá, nhà lao Lao Bảo ở Quảng Trị hoặc tại các nhà lao khác ở Cao Nguyên Trung phần.
Riêng phần tôi, vì là người lãnh đạo toàn bộ nhóm quân nhân Khố xanh nên bị bắt giam và tra tấn tàn bạo ở sở mật thám Huế và tống giam ở lao Thừa Phủ gần hai tháng trước khi bị đày lên Di Linh để biệt giam trong một nhà lao do lính Thượng canh giữ.
Đầu năm 1945, quân đội Nhật Bản bị phản công và bị dồn vào thế tuyệt vọng tại mặt trận Trung Hoa cũng như trên các tuyến phòng vệ Đông Nam Á. Trong khi đó, trên chiến trường Âu Châu, sau cuộc đổ bộ ngày 6 tháng 6 năm 1944 tại bờ biển Normandie của quân lực Đồng minh, tướng Degaulle dẫn toàn bộ chính phủ lâm thời từ Algiers trở về Pháp nắm chính quyền vào tháng 8 cùng năm đó.
Trên mặt trận Thái Bình Dương, tướng Mac Arthur đã chiếm xong Phillippines và đang tung quân chiếm các quần đảo phòng vệ chiến lược của xứ Phù Tang, yểm trợ cho một kế hoạch tái chiếm Đông Dương của liên quân Anh Pháp. Trước nguy cơ có thể bị nội công ngoại kích đó, quân đội Nhật Bản tại Việt nam bèn đảo chính chính quyền Pháp vào đêm 9 tháng 3 năm 1945 bắt toàn quyền Decoux và thiết lập nhiều trại tập trung để giam giữ công chức và quân nhân Pháp tại nhiều địa điểm trên toàn lãnh thổ Đông Dương. Tại Bắc Kỳ, một số đơn vị Pháp chống lại cuộc đảo chính này đều bị đàn áp, kẻ thì bị bắt, kẻ thì trốn qua Tàu.
Thế là sau gần 100 năm đô hộ Việt nam, tiến hành một chính sách thực dân tàn ác để khai thác tối đa tài nguyên và nhân lực của nước ta, tiến hành một chính sách cai trị dựa trên bạo lực và phân hoá, chỉ cần một đêm và một đêm thôi, toàn thể bộ máy thống trị của Pháp hoàn toàn bị sụp đổ. Huyền thoại về “nhiệm vụ khai hoá” đầy nhân đạo của các cơ quan toàn quyền và các vị cố đạo theo lá cờ Tam tài rơi rũ xuống đất. Sau thất bại chính trị nói trên, ông Ngô Đình Diệm buồn rầu chán nản vô cùng, nhất là khi chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, hầu như ông không còn nghị lực để tiếp tục cuộc đấu tranh nữa. Mang tâm trạng của người thất thế, ông lui về sống cô đơn không tiếp xúc với ai nữa tại nhà người em là ông Ngô Đình Luyện ở Chợ Lớn, hoặc thỉnh thoảng xuống thăm người anh là giám mục Ngô Đình Thục ở Vĩnh Long. Gia đình và tình anh em luôn luôn là pháo đài kiên cố làm nơi nương dựa cho ông trong hoạn nạn cũng như trong đắc thắng.
Trong lúc đó thì tại Huế, vì vấn đề liên lạc cách trở, thông tin chậm chạp, người anh tưởng là ông Ngô Đình Khôi vẫn không nắm vững tình hình để thấy rằng “lá bài Ngô Đình Diệm và giải pháp Cường Để” đã hoàn toàn bị Nhật Bản xoá bỏ, vẫn tiếp tục hoạt động chuẩn bị cho ngày về của ông Cường Để và nội các của ông Diệm. Số đồng chí của ông Diệm, mà một số lớn đã được phóng thích khỏi nhà giam Pháp nhờ cuộc đảo chính của Nhật, vẫn tiếp tục sinh hoạt tại nhà ông Khôi để đợi chờ ông Diệm.
Vê phần tôi, sau khi cùng với các nhà chính trị khác ở trại tù Di Linh được quân đội Nhật phóng thích, tôi bèn trở về quê cũ thăm gia đình, làng xóm độ nửa tháng rồi trở lại Huế cùng sinh hoạt với các đồng chí cũ dưới sự điều hành của ông Ngô Đình Khôi. Tư dinh của ông Khôi toạ lạc tại tả ngạn sông Phú Cam, là một dinh thự to lớn, huy hoàng và lộng lẫy như lâu đài của các vị hầu tước châu Âu. Mỗi khi họp, ông Khôi thường cho trải sáu tấm phiếu cạp điều giữa phòng khách rộng lớn để mọi người cùng ngồi tròn quanh ông chẳng khác gì một sòng sóc đĩa lớn tại các nhà phú hộ ở thôn quê. Trong các buổi họp, ông Khôi thường nói nhiều, nói lưu loát và luôn luôn mềm dẻo khi có mâu thuẫn về lý luận. Tuy tính tình của ông vui vẻ và hoà đồng, nhưng ông vẫn được tiếng là người nhiều thủ đoạn nhất trong tám anh chị em Ngô Đình.
Vào khoảng một tuần lễ sau khi nội các của cụ Trần Trọng Kim ra đời, ông Nguyễn Tấn Quê và tôi được ông Khôi cử vào Sài gòn để gặp ông Diệm và để tổ chức cuộc đón tiếp Kỳ ngoại hầu mà ông Khôi tưởng sẽ trở về Việt nam. Ông Khôi còn trao cho chúng tôi một chiếc khăn đóng và một chiếc áo gấm màu tím để ông Diệm mặc trong dịp nghênh đón nhà cách mạng đã từng bôn ba nơi hải ngoại hơn bốn mươi năm trời. Chúng tôi đến được nhà ông Luyện ở số 2 đường Armand Rousseau tại Ngã Sáu Chợ Lớn, nơi ông Diệm đang cư trú sau một cuộc hành trình hết sức gian lao, nguy hiểm, vì trên suốt chặng đường một ngàn cây số đó, nhất là đoạn ở miền Trung, phi cơ Đồng Minh liên tiếp oanh tạc ngày đêm làm gián đoạn đường sá và làm các toa xe lửa đổ ngổn ngang nhiều nơi.
Gặp lại ông Diệm sau hơn một năm trời mà tưởng như một khoảng thời gian xa cách lâu lắm. Những thất bại chính trị và sự tan tác của tổ chức vì quá nhiều nhân sự cốt cán bị tù đày đã làm cho chúng tôi sung sướng bàng hoàng trong buổi hội ngộ này. Sau khi trình bày đầy đủ chi tiết các tin tức liên quan đến tổ chức tại miền Trung, và sau khi trả lời cho ông Diệm biết tình hình chính trị Huế, ông Nguyễn Tấn Quê còn cho biết là dọc đường, trong một phần phi cơ Mỹ ném bom suýt nữa cả hai chúng tôi tan xác, hành lý của chúng tôi, trong đó có khăn đóng và tấm áo gấm của ông Khôi gởi vào, đã bị thất lạc. Ông Diệm không tỏ vẻ trách móc gì, chỉ cười buồn chua chát mà thôi.
Cũng tại ngôi nhà này, lần đầu tiên chúng tôi gặp ông Ngô Đình Luyện, linh mục Lê Sương Huệ, và ông Võ Văn Hải. Ông Luyện còn rất trẻ, ít tham gia những cuộc thảo luận chính trị, còn Võ Văn Hải chỉ là một thanh niên mới lớn, giúp ông Diệm các công việc giấy tờ vừa như một thư ký, vừa như một tuỳ phái. Ban ngày, ông Quê và tôi về khách sạn để ông Diệm tiếp khách hoặc nghỉ ngơi, chỉ vào buổi chiều, chúng tôi mới trở lại ngôi nhà ở Armand Rousseau để dùng cơm tối với anh em ông Diệm và linh mục Huệ rồi tiếp tục thảo luận. Dù biết chúng tôi trông chờ, tuyệt nhiên ông Diệm vẫn không đề cập đến hoàn cảnh của Kỳ Ngoại Hâu Cường Để và những dự tính tương lai.
Ở Chợ Lớn vào khoảng gần một tuần lễ ông Diệm cho chúng tôi ngày mai sẽ khởi hành đi Đà Lạt. Sáng hôm sau, khi Sài gòn bắt đầu trở mình thức dậy với những sinh hoạt rộn rịp thì bốn người chúng tôi là ông Diệm, linh mục Huệ, ông Quê và tôi lên đường. Lúc xe ngừng lại tại Blao để ăn trưa, ông Diệm mới trình bày việc người Nhật đã phản bội không cho Kỳ ngoại hầu Cường Để về nước và cắt đứt mọi liên lạc chính trị với chính ông, rồi ông tỏ ý buồn phiền vua Bảo Đại đã mời "tên đồ nho Trần Trọng Kim” làm Thủ tướng. Lúc bấy giờ ông Quê và tôi mới thực sự hiểu rõ tình hình và trạng huống bi đát cua ông Diệm và của tổ chức chúng tôi. Sách lược nắm chính quyền bằng con đường thân Nhật của ông Diệm đã đi vào bế tắc và hoàn toàn thất bại, hệ quả chính trị của nó không những là mất đi những ưu thế phát triển mà quan trọng hơn cả, còn là sự tê liệt của tổ chức.
Xe đến Đà Lạt vào buổi chiều, sương núi mờ mờ phủ xuống thành phố vừa lên đèn và không khí lạnh lùng vào dịp đầu thu càng làm cho nỗi buồn của chúng tôi thêm sâu đậm. Sau khi chạy xuyên qua trung tâm thành phố và vượt mấy ngọn đồi, xe đến thẳng dinh Tổng đốc của ông Trần Văn Lý. Dinh Tổng đốc vốn là toà Đốc lý cũ của Pháp, kiến trúc theo lối Tây phương, toạ lạc trên ngọn đồi cao, nhìn khắp thành phố Đà Lạt. ồng Lý ân cần đón chúng tôi vào phòng khách và cho người dọn trà thơm dùng cho ấm bụng. Biết rằng chúng tôi mệt mỏi sau cuộc hành trình nên ông cho người thu xếp phòng để chúng tôi đi ngủ sớm.
Đêm đầu trên thành phố Cao Nguyên này mà càng về khuya trăng càng mờ, sương càng lạnh, trời đất thì bàng bạc mơ huyền như tâm sự mông lung của những người vừa thất bại sau cuộc đấu tranh. Thành phố Đà Lạt chìm xuống sau những rặng thông im lìm như chia sẻ nỗi thất vọng của chúng tôi. Trước khi ngủ, ông Nguyễn Tấn Quê còn tâm sự với tôi rằng một khi Bảo Đại đã tiếp tục cầm chính quyền để củng cố thế lực thì tổ chức khó thể thay đổi được tình hình, huống gì ông Diệm, người lãnh đạo của tổ chức lại không phải là một loại nhân vật "anh hùng tạo thời thế".Tôi còn nhớ mãi mấy lời phê phán cuối cùng của ông như một tiếng than não nùng trong đêm vắng: "Chúng ta đã vớ phải cái bè nứa mục rã trôi xuôi theo con nước lữ'. Nhận định và tâm sự của ông Quê như vậy, chẳng trách gì 10 năm sau, ông đã bị anh em Diệm thẳng tay hạ sát khi họ có quyền lực trong tay. Đến năm 1948, 1949 Nguyễn Tấn Quê còn nhắc lại những nhận xét trên cho nhiều bạn bè. Trong số bạn bè đó có cả ông Võ Như Nguyện... Mấy hôm sau, linh mục Huệ lấy xe đò đi Phan Rang để từ đó trở lại Sài gòn, ông Nguyễn Tấn Quê đáp xe lửa về Huế mang theo một lá thư riêng của ông Diệm gửi về cho ông Ngô Đình Khôi, còn ông Diệm và tói thì vẫn ở lại Đà Lạt.
Ông Diệm ở lại Đà Lạt cho đến đầu tháng 8 thì quyết định trở lại Sài gòn. Buổi chia tay giữa ông và tôi thật buồn, mỗi người một tâm sự, mà tâm sự nào cũng liên hệ đến cơn sóng gió vừa qua của tổ chức và cũng đều phản ánh cái tương lai vô định của những ngày sắp tới.

hết: Chương 2 , xem tiếp: Chương 3

Đánh máy: Nguyễn Học
Chương 3
Thăng trầm trong cuộc chiến Việt-Pháp
Ngày 15.8.1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng sau khi hứng chịu hai quả bom nguyên tử tiêu huỷ hoàn toàn hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Ngày 23.8.1945 vua Bảo Đại thoái vị, Hồ Chí Minh thành lập chính phủ lâm thời tại Hà nội vào ngày 19.8.1945, mời công dẫn Vĩnh Thuỵ làm cố vấn Tối cao để ngày 2.9.1945, tuyên bố Việt nam độc lập. Quân đội Anh dưới quyền của tướng Douglas Graeey, đổ bộ lên Sài gòn ngày 13.9.1945 để giải giới quân đội Nhật và sau đó trao quyền lại cho quân đội Pháp. Đầu tuần lễ thứ nhì của tháng Chín, Việt minh cướp chính quyền tại Đà Lạt bằng một cuộc biểu tình rầm rộ, vây dinh Tổng đốc bắt ông Trần Văn Lý giải về Huế, còn tôi thì họ giữ lại tại địa phương để điều tra bổ túc. Vừa thoát khỏi ngục Pháp được mấy tháng tôi lại bước vào cửa ngục Việt minh.
Trong các lần thẩm vấn, tôi quyết định khai hết sự thật vì nghĩ rằng "vàng thật sợ gì lửa đỏ”, tôi là người thật tâm yêu nước, nếu làm việc trong hệ thống quân đội của Pháp thì chẳng qua cũng là vì thời thế bắt buộc, nếu có ở trong hệ thống hành chính của Nhật thì chẳng qua cũng là vì hoàn cảnh, miễn rằng tâm và chí của mình không thân Tây vọng Nhật. Duy có việc tham gia phong trào chống Pháp thì tôi cố gắng giấu tổ chức của mình càng nhiều càng tốt, nhất là danh tánh các đồng chí.
Lúc bấy giờ, tôi chưa biết Mặt trận Việt minh do cộng sản chỉ đạo và điều động mà chỉ biết họ như một tổ chức cách mạng lớn, cướp chính quyền để đánh đổ chế độ phong kiến, chống thực dân Pháp và phát xít Nhật cho độc lập, tự do, hạnh phúc của toàn dân Việt nam. Cho nên ở một mặt nào đó, tuy bị giam cầm và tù ngục, tôi vẫn yên tâm và còn có ý trông chờ ngày được họ phóng thích để trở về Huế. Quả nhiên, chỉ hơn một tuần lễ sau, tôi được mời lên một văn phòng trông đàng hoàng hơn phòng lấy cung thường lệ và cho biết vì hồ sơ cá nhân của tôi sạch sẽ, tứ thân phụ mẫu đều thuộc giai cấp nho sĩ vô sản, và hồ sơ binh sách của tôi bị phê là có hoạt động chống Pháp nên tôi được thả ra với lời “yêu cầu" ở Đà Lạt hợp tác với chính quyền địa phương.
Tin tức từ Sài gòn đưa về cho biết tình hình rất sôi động vì quân Pháp, sau khi được quân đội Anh trao lại quyền quản trị, đã cấp tốc thiết lập các đơn vị tác chiến để tái lập trật tự tại Sài gòn và mở rộng vùng ảnh hưởng ra toàn bộ Nam Kỳ. Chính quyền Việt minh tại Đà Lạt vội tổ chức khẩn cấp hai tiểu đoàn Vệ Quốc Quân. Một tiểu đoàn được giao cho Nguyễn Lương, người Quảng Ngãi, nguyên là thư ký toà Sứ Đà Lạt nhưng có lẽ đã tham gia Việt minh từ trước, chỉ huy, và tiểu đoàn thứ hai được giao cho tôi điều khiển. Trong tiểu đoàn thứ nhất này còn có Tôn Thất Đính làm uỷ viên chính trị trung đội và Phạm Đăng Tải (ông Tải sau là ở Bộ Ngoại giao thời Đệ nhất cộng hoà hiện sống ở Monterey, Hoa kỳ).
Vì quân Pháp đang âm mưu tiến về miền Trung và đánh chiếm các tỉnh Cao Nguyên Trung phần nên Võ Nguyên Giáp, lúc bấy giờ là Bộ Trưởng Nội vụ trong chính phủ Hồ Chí Minh vội cầm đầu một phái đoàn quân chính lên Đà Lạt để tham quan tình hình và cho những chỉ thị cần thiết. Chúng tôi được lệnh dàn quân chung quanh trụ sở Uỷ ban hành chính Tỉnh và gia nhập phái đoàn đón tiếp Võ Nguyên Giáp. Khi Giáp đến, trong phái đoàn tuỳ tùng, tôi thấy có cả thiếu uý Phan Tử Lăng (vốn là Tổng chỉ huy Bảo an Trung kỳ và là một đồng chí trong tổ chức ông Diệm) bấy giờ là đại diện cho Uỷ ban quân sự Trung Bộ của Việt minh tại Huế. Thấy Lăng, tôi bàng hoàng, nhưng cũng gọi tên và giơ nắm tay lên cao để chào nhưng Lăng chỉ mỉm cười kín đáo rồi trả lời đủ để tôi nghe: “Việc cũ bỏ hết, đừng nhắc lại nữa”.
Sự kiện Võ Nguyên Giáp phải đến thị sát Đà Lạt và vùng Tây Nguyên đã nói lên tính cách nghiêm trọng của tình hình miền Nam và Cao Nguyên lúc bấy giờ. Sau cuộc thị sát của Võ Nguyên Giáp, tôi được chỉ thị của Uỷ ban hành chính Kháng Chiến Đà Lạt đem tiểu đoàn bố trí từ ngoại ô thành phố đến Ran (Đơn Dương), có một trung đội từ ông Từ Bộ Cam từ Huế vào tăng cường (ông Từ Bộ Cam sau này là đại tá không quân VNCH, hiện ở tiểu bang Washington). Tiểu đoàn gồm độ 500 binh sĩ nhưng vũ khí đều là loại vũ khí cũ của Pháp và Nhật để lại, hoả lực chính của tiểu đoàn là ba khẩu liên thanh kiểu FM 1924 - 1929. Chủ lực của tiểu đoàn gồm một số lính Khố xanh cũ có kinh nghiệm tác chiến nhưng phần lớn còn lại toàn là thanh niên mới gia nhập, chưa được huấn luyện gì. Tình trạng tiểu đoàn như thế mà tôi phải đương đầu với cuộc tấn công của liên quân Anh - Pháp - Nhật, được yểm trợ bởi một chi đội thiết giáp.
Sau khi thảo luận với chính trị viên của tiểu đoàn, tôi quyết định tránh đụng độ trực diện với kẻ thù, chỉ tìm cách cầm chân hay giảm thiểu sức tiến của địch để bảo toàn đơn vị và để chờ bộ chỉ huy Đà Lạt có thì giờ triệt thoái. Áp dụng kỹ thuật hoán vị các đại đội, tôi cho 3 tổ liên thanh di chuyển từ cao điểm này đến cao điểm khác của vùng đồi núi Đơn Dương, bám theo đà tiến của kẻ thù mà phục kích tấn công. Dĩ nhiên hoả lực yếu kém của chúng tôi chỉ làm cho địch chuyển quân chậm hơn và gây thiệt hại không đáng kể chứ không thể nào cầm chân hay công phá được sức tiến công cua đoàn thiết giáp. Sau một ngày một đêm vừa đánh vừa lùi, cuối cùng tôi ra lệnh bỏ chiến trường Đơn Dương rút quân về Ninh Thuận. Với hơn 300 binh sĩ còn lại, tôi và bộ chỉ huy tiểu đoàn băng rừng về miền núi phía Tây tỉnh Phan Rang và lập chiến khu ở vùng Ba Râu.
Tại đây, theo lệnh của Uỷ ban Kháng Chiến Trung ương, tôi được lệnh mở những cuộc đột kích quân đội Pháp để tạo tình trạng bất an trong vùng và để cầm chân những đơn vị này không thể tăng phái về các mặt khác. Sau nửa năm, tình trạng của tiểu đoàn trở nên nguy kịch, thiếu đạn dược, thiếu thực phẩm, thiếu thuốc men, binh sĩ của tôi càng ngày càng mất khả năng cũng như tinh thần chiến đấu. Bị cô lập và phải hoàn toàn tự lực tất cả mọi mặt, tôi không tìm ra được phương thế nào để chấn chỉnh lại sức mạnh của đơn vị đang càng lúc càng rơi vào tình trạng tê liệt. Đã vậy, thỉnh thoảng các chính trị viên Việt minh đến thanh tra chiến khu lại gay gắt phê bình và lên án những nhược điểm của chúng tôi mà không đề nghị một biện pháp giải quyết nào cả.
Vừa bực mình vì thái độ vô trách nhiệm của các chính uỷ, vừa bắt đầu lo sợ vì màu sắc chính trị không cộng sản của mình, và nhất là vừa nhớ nhà sau hơn hai năm trời biền biệt trong khói lửa, nên vào một buổi chiều nọ, tôi rời khỏi chiến khu Ba Râu, trốn ra vùng biển Ninh Chữ, giả vờ làm thường dân tản cư, thuê ghe về Tuy Hoà để từ đó tìm đường về quê. Ra đến Tuy Hoà không ngờ tôi lại tạm trú tại nhà một vị cựu công chức Nam triều nên biết được một số tin tức về ông Diệm.
Nguyên sau khi Việt minh cướp chính quyền tại Nam Bộ, ông Diệm liền theo đường bộ rời Sài gòn để về Huế. Cùng đi với ông có Võ Văn Hải và một đồng khí trẻ là Bảo. Đến Nha Trang thì ông bị Việt minh bắt giữ nhưng nhờ kỹ sư Đặng Phút Thông đang làm việc ở Ty Hoả Xa và một trung uý Hiến binh Nhật can thiệp nên được trả tự do. Sáng hôm sau, ông tiếp tục cuộc hành trình chỉ với Bảo, nhưng cả hai lại bị Việt minh chặn bắt tại Sông Cầu. Riêng Võ Văn Hải, vì ngủ quên tại nhà một người quen tại Nha Trang nên thoát khỏi.
Sau gần hai tuần lễ chỉ để vượt một đoạn đường không đến 500 cây số, lúc thì đi bằng thuyền, lúc thì xe hoả, lúc thì xe hàng, cuối cùng tôi cũng đặt chân được đến Huế.
Tại ngôi nhà Phú Cam, tôi mới biết tin ông Diệm bị Việt minh bắt đem ra Bắc không biết số phận như thế nào, còn ông Ngô Đình Khôi và người con trai độc nhất của ông là Ngô Đình Huân cùng bị bắt với ông Phạm Quỳnh. Một số lớn đồng chí của tôi, trong đó có Nguyễn Tấn Quê, kẻ thì bị bắt giam vào lao Thừa Phủ, kẻ bị giam giữ ở những trại tù bí mật xa thành phố Huế, có người lại bị thủ tiêu mất tích.
Về Huế mà tôi như lạc lõng đến một vùng đất xa lạ Cũng thành quách soi bóng nước sông Hương mơ màng, cũng cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp, cũng tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân vang, cảnh cũ vẫn đó mà người xưa đâu còn. Ngọn cờ đỏ Sao vàng ngạo nghễ tung bay trên kỳ đài Ngọ Môn đã làm đảo lộn dân tình xứ Huế. Nhân dân tự vệ, vệ quốc quân đang soạn sửa để chờ đợi cuộc giao tranh, dân chúng đang lo lắng để tan cư về vùng thôn dã. Công dân Vĩnh Thuỵ đã ra đi kinh thành trưởng giả, đài trang, cổ kính xưa kia nay đã biến thành một quê hương ly loạn. Mấy năm sau, đọc bài thơ của Vũ Hoàng Chương, tôi vô cùng thán phục thi nhân đã lột tả được một cách thần tình những thay đổi của Cố đô và tâm trạng của những con người vốn nặng lòng hoài cổ:
Một gánh gươm dàn tới Cố đô
Mưa liền sông tạnh tưởng vào Ngô
Bìm leo cửa khuyết ai ngờ rứa
Rồng lẫn mây thành chẳng thấy mô
Lăng miếu tỉnh chưa hồn cựu mộng
Vàng son đẹp nhỉ bức dư đồ
Tiếng chuông Thiên Mụ riêng hoài cảm
Tốt đã vào cung loạn thế cờ
Sau khi ở Huế mấy hôm để dò la thêm tin tức và đau đớn chấp nhận một thực tại khốc liệt và tổ chức đã tan, lãnh tụ đã bị bắt, thế cờ đã loạn, tôi quyết định rời Huế để trở về lại quê làng Thổ Ngoạ của tôi. Trận đói Ất Dậu (năm 1945) khủng khiếp vẫn còn hằn in nét đau thương kinh hoàng trên từng luống đất của làng xóm, trên mỗi khuôn mặt của bà con: mồ mả ngổn ngang mọc đầy đồng làm loang lổ những đám ruộng nứt nẻ, bà con chỉ còn xương bộ da thất thểu đi tìm nhau trong tuyệt vọng. Chỉ còn có cán bộ Việt minh và Nhân dân tự vệ, tay súng tay dao, ngạo nghễ hành xử quyền làm chủ một đại xã nổi tiếng văn học, nho phong của ngày xưa.
Gặp lại người vợ mỏi mòn vì trông đợi mà đôi vai gầy như oằn xuống vì sức nặng của nhớ mong và của thiên tai, gặp lại hai đứa con trai còm cõi tay lấm chân bùn đang ê a những mẫu tự vỡ lòng trên chiếu chiếu lá xơ xác, lòng tôi như quặn lại. Tôi tự nghĩ chí hướng và sự nghiệp của mình đang dang dở mà Việt minh thì bây giờ lại xem mình như thành phần đã từng hợp tác với Pháp, cuộc sống tương lai chắc chắn sẽ vạn phần bấp bênh nguy hiểm.
Bị dằn vặt trong tâm trạng đó, tôi bèn giừ thái độ “gặp thời thế thế thời phải thế”, chủ trương sinh hoạt như một kẻ an phận thủ thường để lo nuôi vợ dạy con, vốn đã quá cơ cực bần hàn với ước mơ chịu đựng cho qua cơn bão tố để chờ ngày trời quang mây tạnh. Nhưng người anh vợ của tôi, là ông Nguyễn Bá Mưu, vốn bất khuất, luôn luôn mang đầu óc quật cường, đã cùng với một số đảng viên Việt Quốc thành lập một tổ chức đối kháng lại với Việt minh, tìm cách bắt liên lạc với những đảng phái quốc gia ở ngoài Bắc. Ông kết nạp những thành phần cựu hào lý, quân nhân, công chức chế độ cũ gồm người cùng làng và những làng lân cận, trong đó có hai người anh ruột và anh rể của tôi. Nhưng chẳng may âm mưu bị bại lộ, ông Nguyễn Bá Mưu cùng một số đảng viên Việt Quốc bị ban ám sát của Việt minh đang đêm đến bắt ngay tại nhà. Người anh rể, một người anh ruột và tôi bị bắt lên chiến khu Trung Thuần, mỗi người bị đem giam một chỗ.
Riêng tôi và một số anh em Thiên chúa giáo khác đang biệt giam tại một trại tù ở dưới chân núi đèo Ngang kịp thời phá tù trốn thoát được trong đường tơ kẽ tóc. Tôi dựa vào bóng đêm và men theo đường rừng, mò mẫm về được làng cũ trong bí mật. Nhưng chỉ mấy hôm sau, để tránh tai hoạ cho gia đình, vào một buổi tối mưa lớn đổ ào ạt, nhìn lại lần cuối hai đứa con trai đang ôm nhau ngủ vùi trong manh chiếu rách, hôn vợ và ôm chặt đứa con trai thứ ba mới sinh được hơn hai tháng, tôi lại lầm lũi ra đi, rời làng vào Đồng Hới. Mưa xối nặng nề trên mái tranh xác xơ của ngôi nhà như nước mắt của người vợ hiền tiễn chồng ra đi ngút ngàn vì nghiệp dĩ đấu tranh...
Vào đến Đồng Hới, đang bơ vơ chưa biết liên lạc với ai để tìm lại các đồng chí cũ thì tôi tình cờ gặp được ông Hoàng Văn Toán, lúc bấy giờ đang làm tổng thư ký của toà Hành chính tỉnh, cũng là một thành viên trong tổ chức của ông Diệm ngày xưa. Ông cho biết ông Trần Văn Lý hiện đang làm Chủ tịch Hội đồng chấp chánh Trung phần ra lệnh phải tìm kiếm tôi để phụ trách đơn vị Bảo Vệ Quân tỉnh Quảng Bình. Tôi bèn cấp tốc vào Huế gặp ông để từ chối chức vụ chỉ huy trưởng Vệ quân và trình bày thẳng ý định của tôi về ưu tiên huấn luyện một tầng lớp cán bộ chính trị quân sự. Ông Lý đồng ý và thảo liền công văn cho tỉnh trưởng Quảng bình và ông Nguyên Hữu Nhân về việc thiết lập một khoá huấn luyện quân sự và chính trị do tôi phụ trách.
Trong dịp gặp riêng ông Lý ngoài giờ làm việc, tôi hỏi thăm tin tức về ông Diệm và được biết rằng sau khi bị bắt ở Sông Cầu, ông Diệm bị đem ra Bắc cô lập ở một vùng rừng núi Việt Bắc cho đến đầu năm 1946, nhờ giám mục Lê Hữu Từ, lúc bấy giờ đang là cố vấn tôn giáo của Hồ Chí Minh, can thiệp nên ông được thả tự do. Sau đó ông Diệm về Hà nội ở tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế Nam Đồng một thời gian rồi khi thì lên Cao Nguyên sống với vợ chồng ông Ngô Đình Nhu tại Đà Lạt, khi thì xuôi miền Nam sống với giám mục Ngô Dình Thục tại Vĩnh Long.
Ngoài ra ông Lý cũng cho biết cựu hoàng Bảo Đại hiện ở Hông Ông và trở thành một "giải pháp" cho cả hai ông Diệm và Lý. Không như các tổ chức của Nguyễn Phước Tộc ủng hộ Bảo Đại để phục hồi nền quân chủ cũ, ông Diệm và Lý ủng hộ Bảo Đại để tiến đến một chế độ quân chủ lập hiến. Theo ông Trần Văn Lý thì chế độ này là một thể chế trung dung giữa chế độ quân chủ phong kiến đã lỗi thời và chế độ cộng hoà Tây Phương còn quá mới lạ với quần chúng Việt nam cũng như truyền thống chính trị Việt nam. Nhưng dù sao thì, theo ông, tối thiểu Việt nam cũng phải có một qui chế như Dominion mới lôi kéo được nhân dân Việt nam ra khỏi hấp lực của Hồ Chí Minh mà về với Bảo Đại. Cũng cần phải nói rõ thêm như Bernard Fall đã mô tả thì ông Diệm có đầu óc phong kiến, quan lại, cổ hủ chỉ muốn bảo vệ một nền quân chủ. Cho đến năm 1955, vì ở vào tình trạng tranh chấp với Bảo Đại và muốn có quyền hành thật to lớn ông mới chủ trương thành lập nền Cộng hoà để ông làm một nhà độc tài.
Đối với tôi chọn lựa này rất phù hợp với tư thế chính trị và bản chất đấu tranh của những người như ông Diệm và ông Lý, vốn là những vị quan lại được sinh ra và lớn lên, rồi lại được thăng hoa trong hệ thống phong kiến, nhưng lại có va chạm với những định chế Tây phương trong vị trí của một viên chức công quyền. Lửa cách mạng để lột xác một cách triệt để và toàn diện, để dứt khoát hoàn toàn với quá khứ không thể có được trong các ông.
Tuy nhận định như vậy, nhưng lúc bấy giờ, đối với tôi thể chế tương lai chưa phải là mối lo âu hàng đầu mà chính sự xây dựng một tổ chức vững mạnh với một đội ngũ cán bộ kiên trì là yếu tố quan trọng để khi đuổi Tây đi, giành được độc lập thì vẫn còn sức mà "sống mái" với lực lượng Việt minh. Lý luận đơn giản và chắc nịch như thế, nên tôi để mặc những vấn đề thế chế cho các vị đàn anh như ông Diệm hay ông Lý, còn mình thì chỉ xả thân hoạt động trong phạm vi cấp thấp của mình.
Tôi trở lại Đồng Hới làm việc dưới quyền của ông tỉnh trưởng Nguyễn Hữu Nhân để điều khiển một lớp đào tạo cán bộ gần 40 khoá sinh mà nội dung giảng huấn gồm cả hai phần chính trị lẫn quân sự nhằm mục đích xây dựng cái lõi nhân sự đầu tiên cho một đơn vị quân chính tương lai.
Độ gần một tháng sau, nhân chuyến đi kinh lý ở Đồng Hới ông Trần Văn Lý có ghé thăm lớp huấn luyện và tỏ ra rất ngạc nhiên về những tiến bộ và thành quả của khoá. Cùng đi với ông còn có kỹ sư Lê Sĩ Ngạc (hiện đang ở Mỹ), lúc bấy giờ là uỷ viên của Hội đồng chấp chánh và ông Trần Trọng Sanh, một lãnh tụ Việt Quốc tại Huế đang là Giám đốc Công an Trung phần (hiện ở Mỹ)
Song song với việc điều hành lớp huấn luyện, tôi bắt đầu tổ chức lại từ căn bản phong trào ủng hộ ông Diệm trong địa phương của mình, đặc biệt là gây dựng lại hệ thống nhân sự cho tổ chức. Vì Đồng Hới là cửa ngõ mở ra Liên khu Tư nhưng cũng là cửa thoát cho các phần tứ quốc gia muốn rời bỏ Việt minh để “về tề”, nên tôi đã thành lập một bộ phận chỉ chuyên điều nghiên để kết nạp các phần tử này.
Hoạt động của tôi dù kín đáo bao nhiêu nhưng cuối cùng cũng không thoát khỏi đôi mắt nghi ngờ của mật thám Pháp. Nghi ngờ đó biến thành thái độ đối phó khi họ quyết định bắt tôi và ba đồng chí cốt cán của tổ chức lúc khoá huấn luyện sắp kết thúc. Thế là ông Hiệu (trưởng ty Công an tỉnh Quảng Bình), ông Đặng Phúc (một người bà con của ông Diệm), ông Phạm Đăng Tải quận trưởng quận Lệ Thuỷ (hiện ở Mỹ) và tôi bị phòng nhì Pháp ập vào nhà riêng từng người bắt giam, và sau đó giải về phòng điều tra của Phòng Nhì Pháp tại Huế. May mắn thay, nhờ có đồng chí kịp thời thông báo, ông Trần Văn Lý vội can thiệp ngay với tướng Lebris, đang vừa là Uỷ Viên cộng hoà vừa là tư lệnh quân đội Pháp ở miền Trung, nên chúng tôi được trả tự do.
Cuối tháng 12, Bảo Đại ký thông cáo chung với Cao uỷ Emile Bollaert, chuẩn bị cho Việt nam độc lập trong Liên hiệp Pháp, tôi quyết định chuyển từ đấu tranh bí mật sang đấu tranh công khai. Quyết định này xuất phát từ ba lý do rất rõ ràng: Trước hết, trong khung cảnh đấu tranh chính trị lúc bấy giờ, vấn đề biểu dương lực lượng để xác định sự hiện diện và sự lớn mạnh của tổ chức rất cần thiết; thứ nhì là cần tạo một số cơ sở quần chúng để đưa tổ chức dựa lưng vào nhân dân; và cuối cùng là cá nhân tôi và một số đồng chí đàng nào cũng có hồ sơ và cũng đã bị mật thám Pháp theo dõi.
Một cơ quan ngôn luận vừa có chức năng thông tin tuyên truyền, vừa có nhiệm vụ vận động đấu tranh là hình thức thích hợp nhất và có thể trả lời được ba điều kiện trên. Tôi bèn bàn với anh Phan Xứng, người bạn tri kỷ của tôi, quyết định cho ra đời tuần báo Tiếng gọi. Tôi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, còn anh Xứng làm Tổng thư ký toà soạn với sự hợp tác của các anh Nguyễn Văn Chuẩn (sau này là thiếu tướng và hiện đang ở Mỹ), và Nguyễn Thương (sau này là đại tá, và hiện ở Pháp). Bốn người chúng tôi là chủ lực phụ trách phần bài vở nói lên đường lối của tờ báo và lo phần điều hành, những bài vở khác có nội dung văn nghệ nhưng phù hợp với chủ trương của tờ báo thì do một số nhà văn ở Cố đô Huế được mời viết.
Lúc bấy giờ ở Huế có hai tờ báo khác: nhật báo Quốc gia của Mặt trận quốc gia liên hiệp, do cựu Thượng thư Trần Thanh Đạt chủ trương, và bán tuần san Lòng dân, tiếng nói bán chính thức của Hội đồng chấp chánh Trung Kỳ, do ông Võ Như Nguyện điều khiển. Hai tờ báo này có lập trường chính trị rõ nét là chống cộng sản và cổ xuý cho giải pháp Bảo Đại. Tuần báo Tiếng gọi của chúng tôi, ngoài lập trường chống Cộng, còn chủ trương đấu tranh chống thực dân đế quốc ủng hộ đường lối và cá nhân ông Ngô Đình Diệm.
Năm 1948 mở màn với những vận động sôi nổi tại Hồng Kông nơi ông Bảo Đại trú ngụ. Trước sự thành hình minh nhiên của giải pháp Bảo Đại, tôi viết một bài quan điểm nẩy lửa kêu gọi ông Bảo Đại nên chấp thuận lập trường và chủ trương của ông Ngô Đình Diệm. Chủ đích của bài báo là vừa giới thiệu thân thế và sự nghiệp của ông Diệm với quần chúng đông đảo, vừa chứng minh một lập trường cứng rắn trong giai đoạn này là thích ứng nhất cho vận mệnh đất nước. Số tiếp theo, số 8, tôi lại viết một bài nhan đềCon chó đá bên mộ cụ Phan Bội Châu đả kích và lên án gắt gao thái độ ngoan cố của thực dân Pháp đang tiến hành chính sách tái lập nền đô hộ. Bài này lại được tờ Quốc gia của Mặt trận quốc gia liên hiệp trích đăng đầy đủ.
Mấy ngày sau, trong lúc đang cùng với anh em toà soạn chuẩn bị ra số tiếp theo thì tôi nhận được tin sở Liêm Phóng Pháp sắp bắt tôi một lần nữa. Ông Trần Văn Lý lại phải can thiệp với tướng Lebris để tôi khỏi vào tù, nhưng tờ báo Tiếng gọi thì bị thâu hồi giấy phép, đóng cửa vĩnh viễn. Sau 8 số tung hoành ngang dọc, tờTiếng gọi đành im tiếng, nhưng lời kêu gọi của nó còn vang vọng trong lòng một số người dân cả ba kỳ. Tôi thanh toán các hồ sơ còn đang đang dở, thu xếp bàn ghế và dụng cụ rồi bùi ngùi đóng cửa toà soạn với rất nhiều cảm xúc. Phan Xứng lên đường đi Đà Lạt và Sài gòn.
Cuối tháng ba, Mặt trận quốc gia liên hiệp vận động cắt chức ông Trần Văn Lý và thành công trong việc thay thế ông Lý bằng ông Hà Xuân Hải trong chức vụ Chủ tịch Hội đồng chấp chánh Trung Kỳ (nhiều sách Việt ngữ và ngoại quốc, sau này, đã sai lầm khi viết rằng ông Diệm là lãnh tụ của Mặt trận quốc gia liên hiệp tại Huế. Thật ra, mặt trận này, mà đại đa số là các Phật tử, đã xem ông Diệm và ông Lý là những đối thủ quan trọng).
Đến tháng 5 thì giải pháp Bảo Đại thật sự thành hình với sự ra đời của chính phủ Trung ương lâm thời tại Sài gòn do ông Nguyễn Văn Xuân là Thủ tướng, và ông Phan Văn Giáo, một cộng sự viên thân tín của ông Bảo Đại, từ Hồng Kông về Huế đảm nhận chức vụ Tồng trấn Trung phần.
Ngày 8 tháng 3 năm 1949, cựu hoàng Bảo Đại và Tổng thống Pháp Vincent Auriol ký thoả ước Elysées biến Việt nam thành một quốc gia "Độc lập trong Liên hiệp Pháp", nhưng Quốc phòng, Ngoại giao và Tài chánh vẫn bị Pháp chi phối, kiểm soát.
Đồng ý là vua Bảo Đại đã có thời gian làm một vị vua bù nhìn, sống cuộc đời thụ hưởng ở quê người. Nhưng năm 1948, sau những vận động ngoại giao khôn khéo trong những điều kiện khó khăn nhất của một kẻ mất đất, yếu thế, ông đã thành công trong nỗ lực tiến lên một bước, một bước đầu tuy ngắn nhỏ nhưng cơ bản, để đặt nền móng cho chế độ gọi là quốc gia sau này. Một ông vua đã lột xác, đã thức tỉnh để giữ “đúng” và giữ "trọn" tinh thần của lời tuyên bố bốn năm trước rằng: “Trẫm hy sinh ngai vàng điện ngọc cho quốc dân” và "Trẫm thoái vị để thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ".
Vì vậy ông trở về và được những lực lượng đấu tranh trong nước đón nhận như một biểu tượng của thế quốc gia (giả hiệu) của người Việt nam. Nhiều chính khách, nhân sĩ yêu nước và có hoạt động cách mạng, trước đây giữ thái độ trùm chăn hoặc chống đối người Pháp bằng thái độ bất hợp tác, nay cũng quyết định ra mặt ủng hộ Quốc trưởng Bảo Đại như các ông Phan Khắc Sửu, Nguyễn Tôn Hoàn, Hoàng Nam Hùng, Vũ Hông Khanh, Ngô Thúc Định, Nguyễn Phan Long... và nhiều nhân vật trọng yếu trong các đảng Đại Việt, Việt Quốc, hay các giáo phái Cao Đài Hoà Hảo. Đặc biệt giám mục Lê Hữu Từ vốn là cố vấn tôn giáo của Hồ Chí Minh và từng duy trì giáo phận Phát Diệm của Ngài trong tư thế "tự trị" cũng từ bỏ thái độ này và sáp nhập vùng tự trị Phát Diệm vào cộng đồng quốc gia dưới quyền cai trị của Quốc trưởng Bảo Đại. Ngay cả ông Ngô Đình Diệm, dù sau này đã từng xuống tay hạ nhục ông Bảo Đại bằng một cuộc trưng cầu ý dân lạ lùng, thì cũng đã từng là một thủ tướng do chính Bảo Đại uỷ nhiệm và tháng 7 năm 1954, khi vị Tân Thủ tướng ra Huế, thì cũng đã phải đến cung Diên Thọ trong nội Cố đô Huế để cúi đầu bái yết đức Từ Cung, thân mẫu của Quốc trưởng Bảo Đại.
Giải pháp Bảo Đại chỉ là giải pháp tạm thời để khai thông một số bế tắc chính trị. Sự hợp tác giữa ông Bảo Đại và Pháp chỉ là sự hợp tác giai đoạn, kết quả của một thế chính trị có lợi cho cả hai bên, do đó, không sớm thì muộn một giải pháp khác sẽ phải ra đời cho phù hợp với tình hình quốc tế và sự đe doạ càng lúc càng nguy hiểm của đảng cộng sản trong lòng cuộc kháng chiến của Việt minh. Giải pháp khác đó phải đặt nền tảng trên chủ quyền quốc gia của người Việt mà thể hiện đầu tiên và rõ ràng nhất là quân đội quốc gia phải hoàn toàn thuộc về một chính phủ Việt nam. Tôi suy nghĩ (và ước mơ) rằng giải pháp đó là giải pháp Ngô Đình Diệm.
Vì thế, từ khi trở lại Huế vào cuối năm 1948, tôi đã tiếp tục đến sinh hoạt ở ngôi nhà Phú Cam, nơi ông Ngô Đình Cẩn đang ở, để cùng với một số anh em thảo luận những kế hoạch chính trị nhằm ủng hộ cho ông Diệm.
Ông Ngô Đình Cẩn là một người có cung cách và tác phong giống hệt một viên chánh tổng của miền quê Bắc Việt. Chân đi guốc gỗ, mặc áo bà ba lụa trắng, miệng nhai trầu nhóp nhép nhưng nói phô trịnh thượng và lại khinh người. Với ai ông Cẩn cũng gọi là thằng nọ, thằng kia, ngay cả với ông Bảo Đại, ông Cẩn chỉ trích và chê bai tất cả các đảng phái và thường huênh hoang bảo rằng: "Bọn Đại Việt, Việt Quê có đến mời tôi làm lãnh tụ nhưng "bọn đó” chẳng làm được trò trống gì nên từ chối". Ông Cẩn có tiếng nói rõ ràng và cặp mắt rất sắc, đôi lông mày rậm và hơi xếch lên theo cái tướng của những người hiểm ác, dám làm những việc táo bạo. Sáu người con trai của ông Ngô Đình Khả ai cũng học hành thành tài và có sự nghiệp, chỉ riêng ông Cẩn mới học đến lớp ba tiểu học thì vì ham chơi mà đứt ngang việc học hành. Cũng vì thế mà khi lớn lên, ông Cẩn chỉ ở nhà lo việc đồng áng, chăm sóc bà cụ thân sinh và phụ trách các việc quan, hôn, tang, tế, trong dòng họ Ngô Đình.
Từ năm 1948, một phần vì tổ chức bị tan rã từ trước và phần khác vì ông Diệm không có mặt thường trực tại Huế nên số cán bộ cũ không còn lại bao nhiêu người, chỉ thưa thớt có các ông Võ Như Nguyện, Trần Văn Hướng, Nguyễn Vinh và tôi, vốn là những đồng chí cũ của ông Diệm từ thời tiền 1945. Dần dần, nhờ nỗ lực phát triển của chúng tôi và nhất là nhờ có một số người ý thức được rằng giải pháp Bảo Đại chưa phải là một giải pháp lâu dài để giải quyết dứt khoát và toàn bộ vấn đề Việt nam nên họ lượng định lại “lá bài" Ngô Đình Diệm, và muốn liên hệ với chúng tôi như một lối thoát chính trị trừ bị, do đó họ cũng thường đến sinh hoạt ủng hộ chúng tôi. Nhóm này có các ông Nguyễn Đôn Duyến, Tôn Thất Trạch, Phạm Văn Nhu, Trương Văn Huế, Phùng Ngọc Trưng, Nguyễn Văn Đông, Bùi Tuân, Huỳnh Hữu Tiến... Linh mục Nguyễn Văn Thinh thuộc dòng Chúa Cứu Thế ở Huế, cũng thường lui tới ngôi nhà Phú Cam để yểm trợ và theo dõi tình hình. Số lượng những người ủng hộ ông Diệm càng ngày càng gia tăng, phần đông là các linh mục và những người theo đạo Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, cho đến ngày ông Diệm về nước (vào năm 1954), số lượng đó chỉ hơn 30 người ở khắp bốn tỉnh miền Trung Trung phần. Ông Trần Điền (sau này là Nghị sĩ Quốc hội thời Đệ nhị cộng hoà) và ông Nguyễn Trân (sau này là Tỉnh trưởng Nha Trang dưới thời ông Diệm) cũng thỉnh thoảng đến nhà của ông Ngô Đình Cẩn, nhưng hai ông này chỉ để gây cảm tình và để nghe ngóng tình hình chứ không phải thực sự ủng hộ ông Diệm. Ông Trần Điền, vì một mặt có bà con với ông Hà Thức Ký (một lãnh tụ Đại Việt ở miền Trung), mặt khác là cộng sự viên thân tín của ông Trần Văn Lý, lại có ý khinh bỉ ông Cẩn nên không thực tâm ủng hộ, còn ông Nguyễn Trân, vì có mặc cảm là một cựu tri phủ tham nhũng của Nam Triều bị hạ hồi dân tịch lại có xu hướng thân Pháp, nên không dám hoạt động cho giải pháp Ngô Đình Diệm.
Ông Trần Văn Lý, vốn là một đồng chí kỳ cựu của ông Diệm, trong thời kỳ làm Chủ tịch Hội Đông chấp chánh đã giúp đớ tiền bạc để ông Diệm tiêu dùng và chi phí việc đi lại Hồng Kông gặp gỡ Cựu hoàng Bảo Đại. Nhưng từ khi ông Cẩn thấy tổ chức của anh mình bắt đầu sống lại và càng ngày càng thấy phát triển mạnh thêm thì bắt đầu có thái độ khinh thường ông Lý, cho nên kể từ tháng 3 năm 1948, khi ông Lý mất chức Chủ tịch Hội đồng chấp chánh thì hai gia đình không còn liên hệ gì với nhau nữa. Các ông Diệm, Nhu và giám mục Thục có lẽ vì nghe lời gièm pha và xúi giục của ông Cẩn nên cũng chấm dứt mối tương quan với ông Lý.
Thời bấy giờ ở Huế, ông Cẩn công khai bày tỏ sự căm thù đối với dược sĩ Nguyễn Cao Thăng, và gọi là Việt Gian, vô luân, vì ông Thăng là bạn giao tình của Thủ Hiến Phan Văn Giáo, người mà ông Cẩn thù ghét. Ông Nguyễn Cao Thăng còn là tay chân thân tín của Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm và là đại diện lực lượng thợ thuyền của ông Tâm tại Trung phần. Nhưng lý do chính và sâu kín nhất mà ông Cẩn thù hằn ông Thăng là vì ông này thường công khai mạt sát ông Cẩn là "hạng nhai trầu, dựa tên tuổi cha anh mà làm tàng, hàng chánh tổng mà đòi lên làm lãnh tụ...". Ông Cẩn còn tuyên bố với anh em chúng tôi là hễ có chính quyền trong tay thì người đầu tiên ở Huế ông ta chặt đầu là Nguyễn Cao Thăng. (Cuối năm 1954 khi ông Diệm đã làm thủ tướng, tức là ông Cẩn "đã có chính quyền trong tay", ông bèn ra lệnh cho nhóm Lê Quang Tung, Trần Thái - biệt danh Thái Đen - ném lựu đạn vào nhà riêng của ông Trần Văn Lý và vào nhà thuốc của ông Nguyễn Cao Thăng ở đường Trần Hưng Đạo. Ông Trần Thái hiện sống ở Mỹ).
Từ năm 1948, các ông Thục, Diệm, và Nhu thỉnh thoảng về Huế để thăm bà cụ thân sinh. Cứ mỗi lần như vậy, nhất là khi chính ông Diệm về, chúng tôi tổ chức các cuộc gặp gỡ trong vòng đồng chí và thân hữu để thảo luận về tình hình chính trị, tình hình chiến sự và các kế hoạch cần phát động. Và từ đó, chúng tôi siết chặt vòng thân hữu lại bằng cách yêu cầu các thân hữu (chứ không phải chỉ các đồng chí trong tổ chức mà thôi như trước kia) cứ mỗi ba tháng lại đóng góp một số tiền để giúp đỡ ông Diệm, ông Nhu có khả năng tài chánh hoạt động chính trị. Sau này, khi ông Diệm xuất ngoại, số tiền đóng góp của chúng tôi lại tăng thêm và thường xuyên hơn.
Ông Thục và ông Nhu cũng to ra cởi mở và vui vẻ hơn ngày xưa, thường thăm hỏi hoàn cảnh gia đình và tâm sự cá nhân riêng của chúng tôi. Vào một buổi chiều tháng 6.1950 ông Nhu đã nhờ ông Võ Như Nguyên và ông Huỳnh Hữu Hiến hướng dẫn đến thăm tôi tại căn nhà nghèo nàn chật hẹp ở cửa Đông Ba. Lúc bấy giờ tôi là một trung uý trong quân đội Việt Binh Đoàn với một người vợ đảm đang nhưng quê mùa và bốn đứa con trai mà đứa đầu mới 10 tuổi. Trong căn phòng khách chật hẹp và nóng nực, và cũng là phòng học và phòng ngủ của các con tôi, ông Nhu tuy mồ hôi nhễ nhại mà cũng vui vẻ dùng chè xanh và cho biết sở dĩ ông đến thăm tôi vì giới thiệu đặc biệt của hai ông Diệm và Cẩn về một cán bộ trung kiên, tâm huyết, can trường và biết sống chết cho lý tưởng. Tôi còn nhớ ông Nhu đã nói thẳng rằng: "Muốn làm cách mạng thì phải có những chiến sĩ như anh, còn hạng khoa bảng chỉ là bọn nhát gan, hay tính toán và chỉ biết tranh giành địa vị để làm giàu".
Ông Cẩn tuy thường ngạo mạn và ra oai với mọi người nhưng cũng biết e dè với cụ Trương Văn Huế, một bậc lão thành, với ông Võ Như Nguyện và tôi, hai cán bộ dám chỉ trích và tranh luận tay đôi với ông ta. Vì những sinh hoạt của tôi tại ngôi nhà Phú Cam càng ngày càng ông khai, và vì ông Cẩn ngày càng đả kích Quốc trưởng Bảo Đại nên một hôm, thủ hiến Phan Văn Giáo, với tư cách là cấp chỉ huy của tôi, đã mời tôi đến văn phòng để cảnh cáo dưới hình thức của một buổi nói chuyện thân tình: "Moa biết toa làm việc với moa mà toa vẫn cứ trung thành và hoạt động cho Ngô Đình Diệm. Nhóm Ngô Đình Cẩn làm gì kể cả việc nói xấu Đức Quốc Trưởng và chỉ trích moa, moa biết hết. Nhưng moa tha cho hết vì nhóm đó cũng là những người chống cộng sản, chống Việt minh, huống chi moa biết Diệm quá rõ, Diệm không làm nên trò trống gì đâu, bọn toa có hoạt động cũng vô ích, cũng chẳng đi tới đâu, nên moa chẳng cần bắt bớ. Toa thừa biết chứ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Đệ và Phan Văn Giáo đã có một thời kết nghĩa anh em như "Lestrois Mousquetaies". Diệm lù khù như một nhà tu, lại dang dở chuyện tình duyên nên moa và Đệ gọi y là "Aramus".(Nguyễn Đệ, nguyên Đổng Lý văn phòng của Quốc trưởng Bảo Đại. Trong hồi ký Le Dragon d'annam, Bảo Đại cũng cho biết ông Đệ và ông Diệm là đôi bạn thân, khi ông Diệm từ chức Thượng thư Bộ lại thì ông Đệ cũng từ quan, ông Đệ hiện ở Pháp).
"Có lẽ vì Ngô Đình Cẩn tự ái không cho toa biết chứ moa đã giúp đỡ cho mụ Cả Lễ (em gái ông Diệm) nhiều vụ đấu thầu để bà ta có lời lấy tiền giúp cho Diệm và Cẩn hoạt động. Chủ trương của moa là các đảng quốc gia cần phải được chính quyền giúp đỡ vì họ càng hoạt động, càng tổ chức, thì càng làm giảm tiềm lực Cộng sản, hàng ngũ chống Cộng càng tăng thêm. Trước đây Trần Văn Hướng (anh ruột của Trần Văn Dĩnh) làm phó giám đốc Thông tin, in bài báo của đại sứ William Bullit để đả kích Quốc trưởng rải khắp nơi trong ý đồ ủng hộ ông Diệm, moa cũng tha thứ, thì nay moa chỉ gọi toa đến để nói cho toa biết lòng quảng đại, khoan dung của moa không làm tội tình gì toa đâu”. (Những lời lẽ của ông Giáo trên đây tôi nói lại cho ông Cẩn và các bạn bè như ông Duyến, Nguyện, Hướng biết).
Sau này, năm 1954, khi ông Diệm mới từ Mỹ về nước cầm quyền thì ông Giáo đang là Thủ hiến Trung Việt (nhiệm kỳ hai). Trong lần ông Diệm trở về Huế để bái yết đức Từ Cung và thăm những Tôn Miếu trong Hoàng thành, ông Giáo đã tổ chức một cuộc đón rước rất trọng thể tại sân bay Phú Bài và ngay tại Cố đô Huế. Nhưng chỉ độ một tháng sau thì ông Diệm cách chức ông Giáo, điều tra tài sản và đe doạ khiến ông Giáo phải trốn đi Pháp.
Ngày 7.2.1950, Hoa kỳ và Anh cùng công nhận nước Việt nam độc lập và thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Bảo Đại. Toà đại sứ Hoa kỳ đầu tiên đặt tại Sài gòn do ông Donald Heath, một nhà ngoại giao kỳ cựu, điều khiển. Trong khi đó thì Mao Trạch Đông, sau khi thống nhất được Trung Hoa lục địa, bắt đầu tiến hành kế hoạch quân viện cho Việt minh dọc theo miền biên giới Việt Hoa.
Như vậy, những vận động ầm ĩ từ trước của các trường quốc tế về số phận của nước Việt nam bắt đầu phát động mạnh mẽ bằng những lời biểu dương ngoại giao và quân sự ngay trong lòng đất nước vào mùa xuân năm 1950 mặc những nỗ lực tội nghiệp của đế quốc Pháp đang trên đà suy tàn. Và đến cuối năm, sau khi bị đánh bại nặng nề ở Cao Bằng, ngày 6.12.1950, chính phủ Pháp bổ nhiệm tướng Jean De Lattre de Tassigny làm Tổng tư lệnh quân đội kiêm Cao uỷ Đông Dương để mong cứu vãn tình hình càng lúc càng nguy ngập.
Cũng trong mùa xuân năm đó, tôi được thuyên chuyển ra Đồng Hới giữ chức Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Binh Đoàn tỉnh Quảng Bình. Trước khi lên đường về nhiệm sở mới, trong văn phòng ông Phan Văn Giáo và có mặt cả ông Nguyễn Ngọc Lễ, ông Giáo cho biết người Pháp đã phản đối kịch liệt quyết định bổ nhiệm tôi vào chức vụ quan trọng này vì họ không tin tưởng vào lập trường chính trị của tôi. Trước khi ra về để lên đường ông mới nói rõ ý định thật của mình: "Moa giải thích với người Pháp về chuyện bổ nhiệm toa giữ chức chỉ huy quân sự rằng toa là người quê Quảng Bình nên hiểu rõ dân tình và địa thế vùng đất chiến lược này. Moa muốn toa hợp tác chặt chẽ với bên dân sự là tỉnh trưởng Nguyễn Văn An ở ngoài đó (Nguyễn Văn An tức Nguyễn Tấn Quê, mưu sĩ xuất sắc nhất của ông Diệm mà tôi đã đề cập trong chương hai, ông đổi tên từ sau khi ở tù Việt minh ra. Từ đây tôi sẽ chỉ gọi tên Nguyễn Văn An để thay thế cho tên Nguyễn Tấn Quê). Hai anh em sẽ bắt tay nhau chặt chẽ để bình định tỉnh Quảng Bình, vì moa đang điều đình với người Pháp để họ giao hoàn toàn quyền cai trị tỉnh này lại cho chính quyền Việt nam. Quảng Bình là nơi đầu sóng ngọn gió đối đầu với Liên Khu Tư của Việt minh, mình phải tỏ ra đủ khả năng đương đầu với Việt minh trên cả hai mặt chính trị và quân sự thì người Pháp mới dần dần trả đất đai quyền hành cho Đức Quốc Trưởng”.
Tôi về lại Quảng Bình, quê hương thân thương, và cùng với ông Nguyễn Văn An bắt tay tiến việc xây dựng và phát triển sức mạnh của Việt Binh Đoàn như một sức mạnh vừa công và thủ, vừa có chức năng bảo vệ các cơ sở hành chính và kinh tế, vừa có nhiệm vụ tiêu diệt các đơn vị vũ trang của địch.
Một hôm, tôi vào văn phòng tỉnh trưởng thì gặp ông Nguyễn Văn An đang đàm luận với một tu sĩ Phật giáo, ông bèn giới thiệu với tôi tu sĩ này. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Thượng toạ Thích Trí Quang, vị tu sĩ sau này, năm 1963 đã làm "rung động nước Mỹ” và lãnh đạo lực lượng Phật giáo để cùng với quần chúng cả nước đương đầu với chế độ Ngô Đình Diệm. Thượng toạ Thích Trí Quang lúc bấy giờ còn trẻ, gương mặt xương, hai lưỡng quyền cao và có cặp mắt sáng, tuy nhiên cách nói chuyện của ông rất nhỏ nhẹ mà rõ ràng.
Tôi vào một lát thì Thượng toạ Trí Quang ra về, ông An cho tôi biết Thượng toạ trụ trì ở Huế nhưng được ông An đích thân mời ra Đồng Hới trong ý định nhờ Thượng toạ yểm trợ kế hoạch Việt nam hoá tỉnh Quảng Bình mà ông Phan Văn Giáo đã uỷ thác cho chúng tôi. Tỉnh trưởng Nguyễn Văn An kết luận rằng: “Quân sự thì có anh, chính trị thì có tôi, còn thế nhân dân thì phải nhờ đến Thượng toạ”. Hỏi thêm thì ông An cho biết đã quen với Thượng toạ Trí Quang trong thời kỳ hoạt động chung cho Hội Chấn Hưng Phật giáo miền Trung với bác sĩ Lê Đình Thám, một cư sĩ tiếng tăm của Phật giáo.
Hai con người đa mưu túc trí đó đều mang chung hoài bão xây dựng một vùng "Ba Thục Việt nam", không Việt minh, không Pháp, để làm căn cứ địa cho một chiến lược lâu dài (chính vì hoài bão lớn lao đó mà Nguyễn Văn An đã không trở lại hợp tác với ông Phan Văn Giáo và Quốc trưởng Bảo Đại để lợi dụng thời cơ tính chuyện lâu dài). An dặn tôi phải giữ bí mật tối đa tung tích và hoạt động của Thượng toạ Trí Quang vì người Pháp vẫn còn nghi ngờ Thượng toạ thân Việt minh chống Pháp.
Chương trình xây dựng tỉnh Quảng Bình đang phát triển tốt đẹp thì ông Phan Văn Giáo bị tân Thủ tướng Trần Văn Hữu cắt chức và bổ nhiệm ông Trần Văn Lý thay thế. Ông Lý bèn gửi thư yêu cầu tôi rời Đồng Hới tức tốc trở về Huế giữ chức Tham mưu trưởng Việt Binh đoàn thay thế cho thiếu tá Trần Nguyên An, tay chân thân tín của ông Phan Văn Giáo. đại uý Tôn Thất Xứng (hiện ở Canađa) được cử thay thế tôi.
Rời Quảng Bình mà lòng tôi không khỏi bùi ngùi và luyến tiếc. Không những bùi ngùi vì phải từ biệt một đồng chí thân thiết mà còn luyến tiếc vì công tác bình định đang trên đà thắng lợi mà còn vì trong mấy tháng ở đó, với tư cách chỉ huy trưởng quân sự, tôi đã được dịp thăm hết vùng đất quê hương thân yêu của tôi mà thời niên thiếu tôi đã không có cơ hội thực hiện được. Tôi cũng đã đến Diêm Điền, quê hương của Thượng toạ Trí Quang chỉ cách tỉnh lỵ Đồng Hới có ba cây số, cũng như đến làng An Xá và làng Đại Phong, quê hương của các ông Võ Nguyên Giáp và Ngô Đình Diệm. Chính nhờ những dịp gặp gỡ với người trong làng, những dịp tiếp xúc thân tình với các bô lão kỳ cựu trong xóm mà tôi tìm hiểu được một số dữ kiện về xuất xứ, dòng họ của các ông Diệm, ông Giáp và Thượng toạ Trí Quang (những dữ kiện mà những sách báo và tài liệu vì muốn suy tôn và huyền thoại hoá các nhân vật này đã không đề cập). Thật ra, lúc bấy giờ, sự tìm hiểu này để thoả mãn óc tò mò về các nhân vật cùng quê đang có liên hệ đến công việc của mình chứ không phải vì sau này ba người đồng hương kia trở thành ba đối thủ lợi hại mà tên tuổi vang lừng khắp bốn bể năm thâu, mà những quyết định nhiều khi làm đảo điên vận mệnh đất nước.
Với nhiệm vụ của một Tham mưu trưởng trực thuộc trung tá Nguyễn Ngọc Lễ trong hệ thống quân giai và thủ hiến Trần Văn Lý trong hệ thống hành chính, tôi được giao hai công tác quan trọng và khẩn cấp: Thứ nhất là cải tổ Việt Binh Đoàn trở thành quân đội chính qui, thống nhất vào quân đội quốc gia, phụ thuộc vào Bộ Tổng tham mưu Trung ương Sài gòn. Bộ Tổng tham mưu Việt nam này được thành lập với tất cả những điều kiện khó khăn của những bước đầu chập chững, những sơ hở và yếu kém của một định chế mới chào đời. (Ông Nguyễn Văn Hinh, nguyên trung tá không quân của quân đội Pháp được đặc cách thăng Thiếu tướng thuyên chuyển qua làm Tổng tham mưu trưởng). Sự thành lập quân đội quốc gia nằm trong chủ trương chung của Quốc trưởng Bảo Đại và tướng De Lattre và phù hợp với điều kiện tiên quyết của Hoa kỳ, chỉ muốn viện trợ quân sự để thành lập một quân đội chính quy cho quốc gia Việt nam (từ ngày 9 tháng 3 năm 1950, ông Acheson đã yêu cầu Tổng thống Truman chuẩn chi 15 triệu Mỹ kim viện trợ cho người Pháp tại Đông Dương và 6 tháng sau "The Voice of America" bắt đầu có phần tin tức Việt ngữ). Việc này là nhờ uy tín của Quốc trưởng Bảo Đại.
Công việc khẩn cấp thứ hai của tôi là thành lập một số tiểu đoàn tác chiến chính qui mà quân nhân gồm toàn thanh niên Thiên chúa giáo động viên từ vùng Phát Diệm và các giáo khu miền Bắc để thành lập một sư đoàn trong kế hoạch phản công tiến chiếm tỉnh Thanh Hoá. Những thanh niên này sẽ được bí mật không vận về Huế để được huấn luyện đặc biệt và được tổ chức thành các đơn vị tác chiến tinh nhuệ rồi lại đưa về Phát Diệm để thực hiện kế hoạch tái chiếm Thanh Hoá. Đây là một chiến dịch tối mật do giám mục Lê Hữu Từ và thủ hiến Trần Văn Lý đề nghị và được tướng De Lattre và Thủ tướng Trần Văn Hữu đồng ý thực hiện. Tôi mới thành lập được một tiểu đoàn mang danh số "tiểu đoàn 27" và sắp mãn khoá huấn luyện tại Quảng Trị thì tại Sài gòn, tháng 8 năm 1952, ông Trần Văn Hữu từ chức và ông Nguyễn Văn Tâm được vua Bảo Đại uỷ nhiệm lên thay thế. Vì là một bạn thân của cựu Thủ tướng Trần Văn Hữu, ông Trần Văn Lý bị giải nhiệm chức Thủ Hiến Trung phần.
Ông Nguyễn Văn Tâm là thân phụ của tướng Nguyễn Văn Hinh, có hỗn danh “Cọp Cai Lậy” là một người thân Pháp và nổi tiếng rất chống cộng tại miền Nam. Nội các do ông thành lập trừ ông Võ Hòng Khanh lãnh tụ Việt nam Quốc dân Đảng làm bộ trưởng thanh niên và thể thao, số còn lại gồm toàn những nhân vật không được quần chúng tín nhiệm vì xu hướng thân Tây quá rõ ràng. Vị lãnh sự Mỹ tại Hà nội đã phúc trình cho Washington rằng nội các này sẽ trở thành "một đối tượng tuyên truyền cho Việt minh" và chỉ là sự "trở lại khốn cùng của tiền Mỹ máu Pháp".
Cả ông Hinh lẫn trung tá Trần Văn Đôn (lúc bấy giờ là giám đốc An minh quân đội) đều nắm hồ sơ cá nhân của tôi và biết tôi là phần tử chống Pháp và hoạt động cho ông Diệm nên quyết định tê liệt hoá hoạt động của tôi bằng cách thuyên chuyển tôi ra Bắc Việt, trao quyền tham mưu trưởng đệ nhị quân khu tại Huế lại cho thiếu tá Trương Văn Xương, một sĩ quan tay sai của Pháp và là nhân viên thân tín của tướng Hinh. Ngày ra đi, sân bay Phú Bài nắng chói chang, vợ tôi và sáu đứa con nhỏ nhờ người đồng chí của tôi là ông Thái Văn Châu chở lên phi trường để tiễn chồng, tiễn cha đi miền Bắc khói lửa ngút ngàn. Tôi còn nhớ hai câu thơ tả cảnh biệt ly não nuột đó được làm gởi về cho các con tôi một năm sau:

Mi con trành lệ cha rơi lệ
Mà lệ khôn cầm cảnh chia tay...

1      2      3     4     5     6     7     8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét