Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

HỒI KÝ CỦA LOẠN TƯỚNG ĐỖ MẬU: VIỆT NAM MÁU LỬA QUÊ HƯƠNG TÔI - KỲ 6

1      2      3     4     5     6     7     8
Chương 14
Kỳ thị tôn giáo

Sau khi cuộc di cư năm 1954 hoàn tất, dân số toàn quốc là 38 triệu mà trong đó 15 triệu người sinh sống tại miền Nam. Trên phương diện tôn giáo, 15 triệu người đó được phân chia như sau: Tin Lành ra đời tại Việt nam từ năm 1921 có độ 200.000 tín đồ. Hoà Hảo (từ năm 1939) có độ 1.500.000 tín đồ. Cao Đài (từ năm 1925) có độ 1.500.000 tín đồ, và ngoài hai tôn giáo còn lại là Phật và đạo Thiên Chúa thì hầu như mọi người đều theo đạo gia tiên.
Sau năm 1954, số Phật tử tại miền Nam được ước lượng khoảng 4.500.000. Thiên Chúa giáo, năm 1553 giữa thế kỷ 16, được du nhập vào Việt nam dưới thời vua Lê Trang Tôn. Sau 400 năm truyền giáo từ vĩ tuyến 17 trở vào, số giáo dân chỉ tập trung đông đảo ở các tỉnh Quảng Trị, Quy Nhơn, Kontum... Còn lại cái địa phương khác thì sống thưa thớt thành từng họ đạo không được bao nhiêu. Cuộc di cư năm 1954 đã mang tổng số đó tại miền Nam lên hơn một triệu tư, gần bằng số tín đồ của Cao Đài, nhưng ảnh hưởng chính trị cũng như kinh tế, xã hội cũng như giáo dục thì lại vượt hẳn các tôn giáo bạn và lan tràn không những trong quần chúng mà còn có trong bộ máy công quyền cũng như trên chính sách quốc gia. Theo tờ Information Catholique Internationale, Eglise du Nord Việt nam, trong số 860.026 người Bắc di cư vào Nam, có 676.384 (tức 78,64%) người Thiên chúa giáo (tức là hơn một nửa số Giáo dân miền Bắc) với 5 giám mục, hơn 700 linh mục (2/3 tổng số linh mục ở miền Bắc).
Theo nghiên cứu của Jean Lacouture trong "Les Deux Vietnams", mà tôi sẽ đề cập đến một cách chi tiết hơn sau này, thì trong tổng số hơn một triệu tư đó, vào năm 1963, những người Thiên chúa giáo Nam Kỳ đã tỏ ra lạnh nhạt và thủ động bất mãn với chế độ Diệm vì yếu tố kỳ thị địa phương công giáo Bắc, công giáo Nam của gia đình họ Ngô.
Phải nói rõ ra như thế để thấy rằng chỉ có hơn một triệu người công giáo gồm công giáo di cư từ Bắc vào và đa số dân miền Trung là ủng hộ Diệm, với chủ nghĩa Nhân vị Duy linh, với quyền hành tuyệt đối trong tay, với phương tiện dồi dào của Hoa kỳ, anh em ông Diệm đã có đủ điều kiện để thực hiện tham vọng của mình là "làm sáng danh Chúa", cũng vốn là nhiệm vụ cao trọng và tối thiết mà nhà Ngô nghĩ rằng họ đã được Thượng đế giao phó. Nói rõ hơn, đối với anh em Diệm thì việc làm sáng danh Chúa là "cứu cánh", còn Tổ quốc, Dân tộc, kiến thiết Quốc gia, chống Cộng chỉ là "phương tiện" thuận lợi để họ đạt được cứu cánh đó mà thôi.
Cứ nhìn lại tiến trình sự du nhập của đạo Thiên chúa giáo vào Việt nam nhìn lại lịch sử dòng họ Ngô Đình vì bị người Lương khủng bố, phải bỏ làng Xuân Dực đến ngụ cư ở làng Đại Phong, nhìn lại việc ông Ngô Đình Khả được cố đạo ngoại quốc nuôi cho ăn học rồi về nước làm quan theo Pháp dẹp quân Kháng chiến Cần vương, cứ nhìn việc ông Nguyễn Hữu Bài rồi ông Ngô Đình Diệm đều làm Thượng thư đầu triều và đều có ý đồ riêng trong việc ủng hộ Kỳ ngoại hầu Cường Để, ta sẽ thấy rõ anh em ông Diệm đã được hun đúc như thế nào để chỉ một mặt thì mang nặng hận thù với người bên Lương và mặt khác thì hết lòng làm nhiệm vụ mở mang nước Chúa theo tham vọng của Hội Thánh La mã. Mà ý Chúa, ý Hội Thánh là gì? Ta hãy nghe Tổng giám mục Drapier, Khâm mạng Toà thánh tại Huế nói rõ: "Hội Thánh là một cơ quan hằng đi tới. Hội thánh thiết lập ở đâu là sống ở đó, mà sống tức là cứ bành trướng mãi do một sức mạnh kích phát từ bên trong. Mầm sống của đạo Thiên Chúa chính là một thứ men nồng không thể chịu nằm yên, không di dịch. Bản tính nó là làm cho sôi nổi, cho nứt vỡ giới hạn bên ngoài. Mọi sự ngăn trở, ngược đãi đã không thể khiến nó nhụt đi lại còn làm cho nó thêm phấn khởi". Một lối nói tuy văn vẻ mà hàm ý đầy oán trách, hận thù và kiêu căng.
Dưới chế độ Diệm nhà thờ mọc lên khắp nơi, hầu như mọi đơn vị quân đội (ngay cả giữa Sài gòn) đều có một nhà thờ, và ngay những nhà thờ cũ bị hư hại thời chiến tranh cũng đêu được trùng tu lại hết. Những cơ sở văn hoá, xã hội, kinh tế, các trường tiểu học, trung học đại học tư, bệnh viện, Giáo Hoàng học viện Pic X... của công giáo mọc lên rất nhiều.
Trong lúc đó thì Cao Đài, Hoà hảo không có một cơ sở nào đáng kể ngoài các Toà thánh, còn Phật giáo cũng chỉ vẻn vẹn mấy trường Bồ Đề cu từ thời trước để lại. Thế mà Cần lao công giáo vẫn chưa hài lòng, vẫn tìm mọi cách để bành trướng thêm hầu chèn ép các tôn giáo khác.
Hội Thánh Tin lành, một tôn giáo nhỏ, không ảnh hưởng gì nhiều đến đời sống quốc gia và không tranh chấp với ai, những tín đồ lại có tinh thần chống cộng rất cao, chỉ xin xây cất một bệnh xá và một trường thần học nhỏ bé tại Hòn Chồng (Nha Trang) mà cũng bị kỳ thị. Cụ Lê Văn Thía, Hội Trưởng Hội Tin Lành Việt nam gởi đơn khiếu nại tới chính quyền hơn hai năm liền mà vẫn bị khước từ vì chính quyền cho rằng đất cụ xin là đất bất động sản của trường La-san, nghĩa là đất của Công giáo. (Mà thật ra là đất của quốc gia). Trong lúc đó thì Tiểu Chủng Việt La-san đã chễm chệ phiếm trọn ngọn đồi đẹp nhất thành phố Nha Trang, không liên hệ gì tới miếng đất ở chân đồi mà cụ Thái xin xây cất cơ sở cho Hội Thánh Tin Lành.
***
Dưới thời Đệ nhất cộng hoà, các tổ chức Công giáo tha hồ xuất bản báo chí, kinh sách, tiếng nói Công giáo ra rả ngày đêm trên các đài truyền thanh. Thế mà kinh điển Phật giáo lại bị kiểm duyệt gắt gao, đến nỗi Phật giáo không dám ra một tờ báo có tính quần chúng suốt mười năm trời, ngay cả việc sử dụng đài phát thanh cũng không được chấp thuận.
Ngày 23-7-58, Ngô Đình Nhu mở một hội nghị toàn quốc tại Sài gòn về vấn đề giáo dục để xét lại chương trình giáo dục học đường. Sau hội nghị này một nghị định chính phủ ra đời, trong đó có biện pháp “kiểm soát chặt chẽ các trường tư thục”. Giới công giáo nổi lên phản kháng biện pháp kiểm soát của Ngô Đình Nhu, nhiều tạp chí công giáo tại Sài gòn đã mở một chiến dịch đả kích biện pháp này. Phong trào đang ồn ào như thế thì bỗng nhiên dịu xuống một cách đột ngột lạ lùng. Sau đó người ta mới biết hàng giáo phẩm công giáo đã được hai ông Nhu và Thục giải thích cho biết biện pháp này phải được công khai ban hành để biện minh cho kế hoạch làm tê liệt các cơ sở giáo dục của Phật giáo.
Chánh sách kỳ thị tôn giáo của chính phủ đã - ở một mặt nào đó - được gia đình ông Diệm tráo trở hợp pháp qua đạo dụ số 10 năm 1950 của thực dân để lại. Thật vậy, trong khi tình trạng của Thiên chúa giáo dưới thời ông Diệm là một tình trạng thả lỏng, nghĩa là không bị ràng buộc bởi một văn kiện nào thì Phật giáo và các tôn giáo khác lại có cái văn bản pháp lý của đạo dụ số 10 chi phối. Phải nói cho đúng rằng đạo dụ số 10 là sản phẩm độc ác và thâm hiểm nhất của thực dân Pháp trong chính sách tiêu diệt các tôn giáo tại Việt nam, vì một mặt chúng nhằm làm tê liệt các sinh hoạt tín ngưỡng của quần chúng Việt nam, mặt khác chúng giành độc quyền hành đạo. Điều 1 của đạo dụ liệt mọi tôn giáo (trừ Thiên chúa giáo) vào loại hiệp hội thường như đua ngựa, đánh banh... điều 7 cho phép chính quyền từ chối không cấp giấy phép hoạt động hoặc cấp rồi mà vẫn có thể rút lại không cần phải nói lý do, điều 10 và điều 12 cho phép bất cứ nhân viên hành pháp hay tư pháp nào cũng có quyền kiểm soát các hiệp hội tôn giáo, điều 14 và 28 có giới hạn tài sản của một tôn giáo ở mức nào đó mà thôi, và dĩ nhiên điều số 14 dành một chế độ đặc biệt sẽ quy định sau (nhưng rồi chẳng bao giờ quy định) cho các Hội truyền giáo Thiên chúa giáo.
Rõ ràng phải có một thâm ý độc ác, anh em ông Diệm mới duy trì cái đạo dụ đầy kỳ thị như thế của chế độ dù cho các tôn giáo khác tại miền Nam, trong khi đã xoá bỏ hầu hết mọi cơ cấu của chế độ này. Sự duy trì đạo dụ này cho thấy thâm ý gì nếu không phải là quyết tâm tiếp tục chính sách Công giáo hoá của thực dân Pháp, tiếp tục biến Việt nam thành cánh tay nối dài của một loại đế quốc Vatican Trung cổ tại lục địa châu Á?...
Là người nghiêm trang dè dặt thế mà không ngờ ngày mồng Một Tết Quý Mão 1963, tướng Minh lai thốt ra câu nói "Ngoài kia quân đội đánh giặc thì thua mà ở đây mình cứ diễn mãi cái tuồng tích chán ngấy...". Câu nói này phản ánh sự bất mãn gần đây nhất của ông đối với trận ấp Bắc mới xảy ra khoảng một tháng. Chẳng những ông bất mãn vì trận ấp Bắc là một thảm bại nhục nhã cho quân đội, mà còn vì cấp chỉ huy chịu trách nhiệm là Huỳnh Văn Cao và Bùi Đình Đạm lại không bị trừng trị, trái lại còn được ông Diệm và bà Nhu lớn tiếng bênh vực. Câu nói của ông còn phản ánh sự tức bực khi số thương vong của binh sĩ ngày một cao mà tại Sài gòn, chế độ Diệm lại bày ra quá nhiều lễ lạt, không đem lợi ích gì cho quốc gia. Đã thế, họ lại buộc "văn võ bá quan" chầu hầu để tỏ vẻ danh giá cho một gia đình phong kiến với nào là lễ Bổn mạng các ông Diệm, Thục, Nhu, Cẩn nào là lễ khánh Thọ ông Diệm, lễ khánh Thọ thân mẫu ông Diệm, lễ cúng kỵ cụ Ngô Đình Khả, lễ song Thất, lễ Quốc Khánh. Tết Tây, Tết ta, lễ Hai bà Trưng (một cơ hội mượn danh nghĩa hai vị liệt nữ để bà Nhu tô điểm cho ngôi vị lãnh tụ uy quyền tột đỉnh của bà ta). Lễ lạt nhiều mà bổn lễ Quốc khánh, Tết Tây, Tết ta và lễ Hai bà Trưng lại quá gần nhau nên những kẻ tham dự cảm thấy nhàm chán. Lần nào cũng vậy, cũng ngần đó “văn võ bá quan" mang áo mũ cân đai vào dinh Tổng thống để phải nhìn mãi sân khấu đó, diễn viên đó, tuồng tích đó, và nghe ca đi ca lại những lời sáo ngữ đó. Đã chín năm rồi mà lần nào cũng như lần nào: Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đại diện cho hành pháp, Đại tướng Lê Văn Tỵ đại diện cho quân đội, chủ tịch Quốc hội đại diện cho lập pháp đọc những chúc từ đã quá quen thuộc. Rồi đến Tổng thống lên bổng xuống trầm với "điệu Nam ai Nam bằng” mà ông đã ca mãi từ năm ngoái năm xưa. Năm nào cũng quanh đi quẩn lại một điệp khúc ngần đó danh từ “cộng đồng tiến”, “cách mạng Nhân vị”, “thành tín", rồi cuối cùng là "xin Thượng đế ban phép lành"... không có gì mới lạ hết. Sự nghèo nàn cả về nội dung lẫn ngôn từ của các bài diễn văn chỉ nói lên cái tính chất giáo điều khô cằn mà anh em ông Diệm thích thưởng ngoạn với rất nhiều đắc ý, và cái tính chính trị hài hước của một sân khấu mà các diễn viên đã mất hết hào hứng sáng tạo của một trĩu đình phong kiến.
Nếu cho rằng câu nói của tướng Minh tại dinh Gia Long như một tiếng chuông báo trước cuộc cờ sẽ đổi thay thì những mâu thuẫn trầm trọng giữa anh em ông Diệm xảy ra tại Phú Cam cũng vào ngày mồng Một Tết Quý Mão đó như là một hiện tượng báo hiệu sự tan tác của gia đình ông Diệm mười tháng sau này.
Nguyên khi mới cầm chính quyền, anh em ông Diệm còn bỡ ngỡ trước một thể chế chính trị mới lạ so với sinh hoạt quan trường phong kiến quen thuộc cũ, phần vì bị tứ bề thọ địch nên họ yêu thương đùm bọc nhau. Nhưng dần dần vì chính kiến bất đồng, và nhất là vì tranh giành quyền lợi nên họ đã chống đối và xâu xé nhau kẻ thù.
Ngay từ cuối năm 1955, Ngô Đình Luyện và Ngô Đình Nhu đã tranh chấp quyền lực vì Luyện bị Nhu lấn áp và giành mất ảnh hưởng đối với ông Diệm mặc dù Luyện có công lớn trong việc vận động với Pháp, với Bảo Đại để ông Diệm được làm Thủ tướng, Luyện thua vì là vai em và vì không thủ đoạn bằng Nhu. Không thể làm Cố vấn cạnh ông anh Tổng thống để thi thố tài năng và phát triển quyền lực của mình, Luyện phải nhận lấy chức Đại sứ Việt nam tại Anh xa xôi với nỗi bất mãn trong tâm can, để rồi suốt 8, 9 năm trời phải thoả hiệp với Ngô Đình Cẩn mong chống lại vợ chồng Ngô Đình Nhu. Mỗi năm Luyện về nước ba bốn lần để quan sát tình hình, trao đổi đường lối ngoại giao với ông Diệm đối với các nước Âu Châu, nhưng mặt khác, và đây mới là quan trọng, là để theo dõi những hoạt động của vợ chồng Ngô Đình Nhu và giúp đỡ Ngô Đình Cẩn những thủ đoạn chính trị và những kế hoạch hành động chống lại vợ chồng Nhu.
Còn Ngô Đình Thục, nhờ tư cách quyền huynh thế phụ nên được toàn thể các anh em kính trọng. Tuy nhiên, vì lòng tham vô đáy và vì hành động lạm quyền của Thục quá lộ liễu nên nhiều khi Thục cũng làm cho Nhu bực tức nhưng vì tính thâm hiểm nên Nhu không dám công khai bày tỏ ra ngoài. Cho đến khi Thục biến ngày lễ Ngân khánh của mình thành ra một quốc lễ và làm tiền một cách trắng trợn quá độ, Nhu mới có những lời than thở với kẻ tay chân là Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện đại học Huế: “Tôi và anh tôi (Diệm) buồn Đức Cha vì ngài đã lầm lẫn phạm vi tôn giáo với phạm vi quốc gia. Hồi còn ở Vĩnh Long, từng đoàn, từng lũ Dân biểu, Tỉnh trưởng, Bộ trưởng nườm nượp kéo đến chầu hầu Đức Cha. Ra Huế xa xôi tưởng đã bớt được cái nạn đó, không ngờ Đức Cha lại viện lễ Ngân khánh để làm ồn ào hơn. Nhưng vì anh cả là Ngô Đình Khôi mất sớm, Đức Cha trở thành anh lớn trong gia đình, vì thế đối với Ngài chúng tôi coi như Cha, không dám can gián, chỉ có Tổng thống có thể khuyên can được phần nào nhưng tôi sợ cũng không được”. Thật ra không phải chỉ vì Ngô Đình Thục ở vào địa vị “quyền huynh thế phụ” nên Nhu không dám khuyên can mà chính vì vợ Nhu cũng biến lễ Hai bà Trưng thành một thứ Quốc Khánh thứ hai để ngồi trên ghế bành bọc gắn vàng như ghế Tổng thống Diệm tại khán đài danh dự với tất cả nghi lễ quân cách của ngày lễ 26-10. Ngoài ra, chính Thục và vợ chồng Nhu cũng đã từng cấu kết với nhau trong nhiều vụ tham nhũng, trong việc xây nhà xây cửa và chuyển ngân bất hợp pháp ra nước ngoài. Vì thế mặc dù Ngô Đình Nhu là một thứ chúa Trịnh lộng hành bên cạnh một thứ vua Lê mù quáng là Ngô Đình Diệm, mặc dù vợ Nhu dám nạt nộ ông anh chồng Tổng thống nhưng Nhu không dám động chạm đến người anh tu hành quá tham sân si. Vợ chồng Nhu và Thục mặc nhiên phải cấu kết với nhau, cùng phe, cùng đảng mà sống.
Riêng đối với Ngô Đình Cẩn thì trước khi Thục nhận chức ở Huế, anh em vẫn thuận hoà dù Thục vẫn thường nghe lời vợ chồng Nhu gièm pha, kể tội Cẩn. Ngô Đình Thục thương yêu Cẩn vì Cẩn là đứa em út dốt nát nhất trong nhà nhưng lại có công kề cận phụng dưỡng mẹ già, lo việc kỵ chạp và chăm sóc mồ mả của cha anh. Nhưng từ khi Thục về Huế thì những mâu thuẫn quyền lợi đã làm cho hai anh em trở thành đối nghịch.
Còn giữa Cẩn và vợ chồng Nhu thì họ đã coi nhau như kẻ thù từ khi hai anh em trở thành hai lãnh chúa của hai vùng giống như thời hai anh em Trịnh Kiểm và Nguyễn Hoàng. Mâu thuẫn Cẩn và Nhu sâu sắc đến độ hai anh em xé đôi cái đảng Cần lao rường cột của chế độ để tranh nhau làm đảng trưởng như Chu Bằng Lĩnh đã nói trong tác phẩm "Đảng Cần lao”. Cần lao miền Trung Ngô Đình Cẩn khác với Cần lao miền Nam Ngô Đình Diệm. Thù hận nhau đến độ trong Nam, Nhu thành lập Thanh niên cộng hoà thì ngoài Trung, Cẩn thành lập Thanh niên Cách mạng. Thù hận nhau đến độ vợ Nhu lập Phong trào Liên đới Phụ nữ và Ký nhi viện, thì tại các tỉnh miền Trung, vợ Nhu phải nhờ Tổng thống Diệm nhiều lần năn nỉ với Cẩn, Cẩn mới chấp thuận cho hoạt động. Cẩn còn gởi rất nhiều cán bộ vào Nam có hậu ý riêng nhưng tuyên bố là để giúp Nhu, đặc biệt là những tay chân ruột thịt của Cẩn như Lê Quang Tung, Nguyễn Văn Châu, Dương Văn Hiếu, Nguyễn Cao Thăng, Nguyễn Đình Cẩn... thế mà Nhu vẫn không đuổi Trần Kim Tuyến để thay người của Cẩn như Cần thường đòi hỏi.
Tuy vợ chồng Nhu khinh bỉ Cẩn quê mùa dốt nát và căm tức người em ruột bướng bỉnh không chịu phục tùng mệnh lệnh của mình, nhưng Nhu vẫn không làm sao suy giảm ảnh hưởng và sức mạnh của Cần vì Cẩn đã có một tổ chức Cần lao công giáo khá mạnh ở miền Trung với sự hậu thuẫn đắc lực của Giám mục Phạm Ngọc Chi, Cao Văn Luận và tất cả các linh mục ở các tỉnh, các họ đạo. Đã thế những cán bộ có công với chế độ khi ông Diệm chưa nắm được chính quyền, hầu hết đều là người miền Trung vốn quen biết và hoạt động cùng với Cẩn, trong khi cán bộ cửa Nhu đa số lại là người miền Bắc và chỉ mới thực sự trung thành với chế độ sau khi di cư vào năm 1954.
Thực vậy, khi ông Diệm chưa về nước, tại Sài gòn Ngô Đình Nhu có một số bạn thân như Trần Quốc Bửu, Bùi Kiệm Tín, Trần Ngọc Liên... Nhưng họ lại không phải là cán bộ. Lúc đó thật sự Nhu chỉ có hai người cộng sự viên thân tín là Đỗ La Lam và Cao Xuân Vỹ, mà Cẩn đã từng đánh giá Lam là tay "đồ nho” chỉ biết viết lách chút đỉnh, còn Vỹ là tay đĩ điếm chơi bời không có uy tín gì.
Có nhìn được những mâu thuẫn xung khắc đó giữa những anh em ông Diệm ta mới thấy và hiểu được tại sao các chính sách của quốc gia bị tê liệt và kích phá từ lúc mới khai sinh, tại sao bộ máy công quyền bị suy nhược và bị lũng đoạn ngay cả vào những năm vững vàng nhất của chế độ, và nhất là tại sao đất nước bị chia năm xẻ bảy thành những vùng ảnh hưởng khác nhau. Phân hoá vừa theo chiều ngang, nghĩa là theo vùng địa dư hoặc theo lãnh vực sinh hoạt, vừa theo nhiều dọc, nghĩa là theo hệ thống lãnh đạo và bộ phận thi hành. Vì bản chất của những mâu thuẫn này là quyền lợi, quyền lực và nhất là cá tính của từng cá nhân anh em ông Diệm; vì phần biểu hiện của những mâu thuẫn này là nhưng thực tế cụ thể như tiền bạc, chức tước, danh vọng, tài sản nên từ lâu, tuy cố gắng che giấu để duy trì cái bề ngoài nho phong nền nếp của một gia đình vọng tộc, nhưng anh em ông Diệm vẫn không thể nào kìm chế hoặc làm suy giảm được những tình cảm hằn học và những thủ đoạn đánh phá nhau mà càng ngày hành ác nhân sự thừa hành cuồng tín và vị kỷ đã lôi kéo họ vào tình trạng không thể dung thứ nhau được nữa, cho nên chuyện đã đến phải đến đúng vào đầu năm Quý Mão (1963) để lại một lần nữa báo hiệu sự rạn nứt không tránh được của gia đình họ Ngô, mà cũng là của chế độ Diệm.
Thật vậy, trong số những mâu thuẫn đục khoét mối liên hệ của anh em ông Diệm thì mâu thuẫn giữa Nhu và Cẩn là trầm trọng nhất. Cho đến đầu năm 1963, vừa không đè nén nổi sự căm phẫn đối với vợ chồng Ngô Đình Nhu được nữa, vừa bị Thục cướp mất nhiều quyền lợi cụ thể quan trọng. Cẩn bèn dùng độc kế để biểu lộ sự bất mãn của mình, Cẩn quyết định bỏ ngày cúng kỵ cha đúng vào ngày mồng Ba Tết Quý Mão. Hành động có tính chất phản kháng tích cực đó là một hành động vô tiền khoáng hậu đối với gia đình họ Ngô lúc bấy giờ. Từ khi nắm được chính quyền, ngày kỵ của Ngô Đình Khả đã trở thành một ngày hết sức trọng đại, ngày để gia đình họ Ngô biểu dương cái không khí "thế gia vọng tộc", ngày để khoe khoang cái tinh thần nho phong “nhân sinh bách tuế hiếu vi tiên" cho đúng với lễ nghĩa của thánh hiền. Ngày cúng kỵ cụ Ngô Đình Khả lai đúng vào ngày mồng Ba Tết, là dịp để con cháu sum họp đầy đủ, để anh em tạm quên những xâu xé giành giật, tạm quên sóng gió trong gia đình hầu biểu dương cái tình máu mủ cho cả nước biết.
Cứ trưa ngày mồng Một Tết, sau khi nhận lễ chúc tụng đầu năm của nhân viên chính phủ và ngoại giao đoàn tại phủ Tổng thống là ông Diệm bay về Huế để mừng tuổi mẹ, thăm mộ cha, rồi ở lại 3 ngày để tham dự buổi cúng kỵ Phụ thân cùng với gia đình, quây quần bên cạnh mẹ trong mấy ngày xuân. Ngày kỵ cụ Ngô Đình Khả cũng là dịp để mỗi năm một lần gia đình Tổng thống Diệm có dịp thết đãi nhân viên thân tín từ Sài gòn ra hay từ các tỉnh về, đồng thời để đãi đằng những người đông hương quê quán tỉnh Quảng Bình trong hội "Quảng Bình tương tế" mà mục đích là tô điểm cho bức hoàng phi mang 4 chữ Y Cẩm Hồi Hương thêm vàng son hoa gấm.
Với Ngô Đình Cẩn thì việc nuôi dưỡng mẹ cũng như việc cúng kỵ giỗ cha, ở một khía cạnh nào đó được dùng như một lợi thế để lập công với anh em cho nên không lấy gì làm lạ khi Tết Quý Mão năm 1963, Cẩn đã liều lĩnh bỏ kỵ Cha để cho mẹ phải buồn lòng, để anh em mang tội bất hiếu, để gia đình mất mặt với quốc dân. Cẩn tưởng dùng độc kế để bắt chẹt anh em cho thoả cái căm phẫn uất ức của mình đồng thời yểm trợ cho những đòi hỏi mới. Không ngờ Cẩn gặp phải phản ứng của kẻ đối thủ số một của Cẩn là bà Nhu, người đàn bà mang hỗn danh là "Rồng Cái", không hề sợ một ai kể cả cha ruột, kể cả chồng, kể cả ông anh chồng là một Tổng thống, kể cả Đức Giáo Hoàng Phao Lô Đệ Lục.
Mồng Một Tết về đến Huế và biết được việc bỏ kỵ cha là một quỷ kế của lãnh chúa miền Trung, Đệ nhất phu nhân bèn huy động bồi bếp, binh sĩ và trưng dụng hai phi cơ DC3 của không quân mang chén bát đồ ăn từ Sài gòn ra Huế rồi đích thân nắm lấy việc tổ chức cúng kỵ và điều khiển việc tổ chức cúng kỵ và điều khiển việc đãi đằng khách khứa. Thấy thủ đoạn của mình bị hoá giải một cách dễ dàng nên trong ba ngày Tết, Cẩn liên tiếp gây gỗ khiêu khích, cãi vã to tiếng ồn ào với chị dâu... Không biết làm cách nào hơn cho gia đình êm ấm, ông Diệm đành mở cuộc họp bí mật trong gia đình ngay tại Phú Cam để dàn xếp nội bộ. Không ai biết nội dung và kết quả cuộc họp có lẽ đầy sóng gió này, nhưng sau đó nhờ Cẩn huênh hoang, người ta mới biết thêm nhiều chi tiết khác và biết Cẩn đã thu được một thắng lợi to lớn là Nhu bằng lòng đuổi Trần Kim Tuyến khỏi địa vị Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị để thay thế bằng người của ông Cẩn.
Từ sau khi Việt minh cướp chính quyền, Đức Cha Lê Hữu Từ viết thư luân lưu lên án Việt minh, người Công giáo Việt nam miền Bắc bèn tổ chức "liên đoàn Công giáo" và cho ra đời tờ “Hồn Công giáo” làm cơ quan ngôn luận để hoạt động chính trị. Những người sáng lập Liên đoàn Công giáo đầu tiên là các ông Nguyễn Mạnh Hà, một Bộ trưởng của Việt minh, và ông Mai Ngọc Liệu, một học giả và một huynh trưởng Hướng Đạo, sau đó có thêm các ông Lê Văn Đệ và Phạm Mạnh Khiêm... Sự thật thì nhóm ông Mai Ngọc Liệu muốn dùng Liên đoàn Công giáo như là một lực lượng hữu thần để chống lại Cộng sản vô thần. Còn Nguyễn Mạnh Hà thì muốn lái khối Công giáo Việt nam để ủng hộ cho Mặt trận Việt minh.
Nhưng chỉ một thời gian ngắn, vì chiến tranh Pháp-Việt xảy ra, tình hình miền Bắc rối rắm, Liên đoàn Công giáo âm thầm tan rã.
Cho đến khi quân đội Pháp chiếm được Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc, trong giới Công giáo có lời đồn đại rằng Pháp sẽ mời cựu hoàng Bảo Đại chấp chánh và Ngô Đình Diệm sẽ giữ chức Thủ tướng, người Công giáo miền Bắc mới dự định lập thành đảng chính trị để làm hậu thuẫn cho ông Diệm. Họ thành lập đảng Công giáo Xã hội mà những sáng lập viên là các ông Hoàng Bá Vinh, Mai Ngọc Liệu, Nguyễn Văn Noãn, Nguyễn Đình Chiểu, Vũ Văn Cường v.v...
Đảng viên Công giáo Xã hội chỉ toàn là người Công giáo, đặc biệt là tại Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Một thời gian sau, khi đảng được ông Lê Quang Luật lãnh đạo thì đổi tên thành Phong trào Dân chúng Liên hiệp. Lý do đổi tên đảng là vì ông Luật là một đảng viên Duy Dân, và vì có những người không Công giáo gia nhập vào khu vực tự trị Phát diệm của Đức Cha Lê Hữu Từ, điển hình như Phạm Xuân Chiểu chẳng hạn. Nhân vật hoạt động tích cực cho đảng và cho ông Ngô Đình Diệm là Hoàng Bá Vinh.
Trước năm 1945, Hoàng Bá Vinh đi tu nhưng sau khi Việt minh cướp được chính quyền, Vinh bèn bỏ chủng viện, bỏ Thánh kinh, bỏ áo chùng đen nghĩa là bỏ hết lối lên thiên đàng gần nhất để theo đòi chính trị, chạy theo tiền bạc ái tình, dấn thân vào con đường trần ai tục luỵ. Từ đó người ta gọi Vinh là "Già Vinh" vì tín đồ Công giáo dùng tiếng "Già" để chỉ người tu xuất, dù Vinh chưa già, còn trẻ lắm. Nhờ hoạt động chính trị, Vinh tổ chức một đoàn thuyền buôn lậu ngược xuôi giữa hai cửa bể Thanh Hoá và Hải Phòng, lấy Phát Diệm làm vùng gạch nối giữa vùng Tề và vùng Việt minh. Nhiều thương gia trong đó có Mai Văn Hàm (sau này được ông Diệm đền ơn cho giữ chức Đại sứ tại Thái Lan) chung vốn cho Già Vinh đi buôn lậu. Tại Hà Nội nhờ một số linh mục bảo đảm Vinh mướn được căn nhà của ông Trần Văn Chương (thân phụ của Bà Nhu) tại đường Hàng Cỏ làm nơi hội họp liên lạc. Cũng tại Hà Nội Vinh gặp được Lê Quang Luật, Đào Văn (em rể của Luật), Nguyễn Văn Tỉnh (tức trung tá Nguyễn Văn Châu), Nguyễn Đức Chiểu, Mai Văn Toan, Đào Hữu Thịnh, Nguyễn Ngọc Tuệ... Họ cũng hoạt động cho Phong trào Liên hiệp Dân chúng mà Lê Quang Luật là lãnh tụ để hoạt động ủng hộ cho ông Diệm và ông Nhu.
Lúc đầu, nhóm Dân chúng Liên hiệp còn đoàn kết giúp đỡ nhau trong tình đồng chí, đồng đạo nhưng từ năm 1949 trở đi, khi “đường cách mạng” đã rẽ qua ngõ lợi danh thì họ bắt đầu chia rẽ nội bộ đánh phá nhau, mà nguyên nhân là thủ đoạn phân hoá nội bộ của Già Vinh trong kế hoạch chia để trị và vì Vinh muốn biển thủ tiền bạc làm của riêng. Già Vinh không còn giúp đỡ anh em như trước nữa mặc dù Vinh có rất nhiều tiền nhờ bán thuốc Tây cho Việt minh ở Liên Khu Tư. Nội bộ phân hoá nặng nề đến độ Đào Văn, Trưởng ty Công an Phát Diệm đã được cung cấp tin tức đầy đủ để dễ dàng bắt Già Vinh về tội tiếp tế cho Việt minh. Từ đó nhóm Lê Quang Luật và nhóm Hoàng Bá Vinh trở thành kẻ thù không đội trời chung. Đã thế, một yếu tố khác đáng lẽ làm cho họ đoàn kết thì lại xé nát thêm cái liên hiệp mong manh là trong lúc hai nhóm Luật và Vinh ủng hộ cho ông Diệm thì Đức Cha Lê Hữu Từ và linh mục Hoàng Quỳnh lại có cảm tình và ủng hộ Quốc trưởng Bảo Đại, cho đến năm 1949, khi Quốc trưởng Bảo Đại về nước chấp chính thì Đức Cha bèn đem khu tự trị Phát Diệm sát nhập vào cộng đồng quốc gia như hồi ký Le Dragon d’annam của Bảo Đại đã kể. Ngoài ra, đại đa số linh mục và các giáo dân phần vì không còn hy vọng ông Diệm làm Thủ tướng nữa, phần vì chỉ tin tưởng và dựa vào thế lực quân đội viễn chinh Pháp nên Phong trào Liên hiệp Dân chúng chia rẽ và suy yếu dần.
Cần phải nói rõ thêm rằng nhiều sách báo của người Mỹ cũng như cuốn Những bí ẩn về cái chết của Việt nam cộng hoà của Phan Kim Vinh, có lẽ dựa vào những dữ kiện trên đây do một số tay chân ông Diệm kể lại để cho rằng ông Diệm từng là lãnh tụ của Mặt trận quốc gia liên hiệp tại Huế. Sự thật thì ông Diệm không bao giờ là lãnh tụ của Phong trào Dân chúng Liên hiệp tại Bắc Việt cũng như không bao giờ là lãnh tụ của Mặt trận quốc gia liên hiệp tại Huế vốn do ông Trần Thanh Đạt lãnh đạo mà Mặt trận này còn là một tổ chức đối lập với ông Ngô Đình Diệm và Trần Văn Lý. Phong trào Dân chúng Liên hiệp do ông Lê Quang Luật lãnh đạo có mục đích chống Cộng rồi dần dần ủng hộ ông Diệm chứ ông Diệm chưa bao giờ đứng ra trực tiếp tổ chức và lãnh đạo một phong trào, một mặt trận nào cả.
Suốt cả cuộc đời chính trị ông Diệm ông chỉ có một lần lãnh đạo Phong trào ủng hộ Kỳ ngoại hầu Cường Để thời quân đội Nhật chiếm đóng Đông Dương, nhưng phong trào đó không được tổ chức có hệ thống, có nội qui, có cương lĩnh, sinh hoạt, huấn luyện như một đảng cách mạng. Và từ sau khi được Hồ Chí Minh trả tự do trở về Sài gòn ông Diệm có tham gia vào một tổ chức chính trị được gọi là Mặt trận Quốc gia do bác sĩ Lê Văn Hoạch lãnh đạo sau khi ông Hoạch từ chức Thủ tướng Nam Kỳ Quốc, nhưng Mặt trận này cũng không sống được bao lâu. Mô tả vị trí của ông Diệm trong Mặt trận này, Pierre Debezies trong forces Pohtiques du Vietnam nói rằng: "Lần đầu tiên là lần độc nhất ông Diệm gia nhập một đảng chính trị mà ông ta không phải là người sáng lập". Năm 1954, khi ông Diệm đã được Bảo Đại cử làm Thủ tướng, Lê Quang Luật được Ngô Đình Nhu cử đi Pháp với Trần Chánh Thành để có người phụ tá cho ông Diệm, nhờ Luật trí thức và giỏi tiếng Pháp nên cần qua Paris viết diễn văn bằng tiếng Pháp cho ông Diệm. Về nước thì Ngô Đình Luyện, Trần Chánh Thành và Lê Quang Luật cũng về theo.
Về nước Lê Quang Luật được ông Diệm cử làm Bộ trưởng Bộ thông tin rồi sau lại cử Luật ra Hà Nội làm Đại biểu chính phủ. Lúc mới về ông Diệm tưởng có thể chống lại việc chia đôi đất nước, nghĩa là chống lại thoả hiệp Genève do Việt minh và Pháp ký kết nên ông Diệm mới cho thành lập Uỷ ban Bảo Vệ Bắc Việt và giao cho Hoàng Cơ Bình làm chủ tịch, Trần Trung Dung làm phụ tá. Nhưng Pháp không chịu và bắt ông Diệm thực thi đúng đắn Hoà ước Genève nên ông Diệm đành phải thay danh từ Uỷ ban Bảo Vệ Bắc Việt thành ra Đại biểu Chính phủ tại Bắc Việt, phải đem Hoàng Cơ Bình và Trần Trung Dung vào Nam. Vì thế, Lê Quang Luật, vốn có nhiều cán bộ Công giáo, được ông Diệm cử làm Đại biểu chính phủ thay cho Hoàng Cơ Bình.
Trong lúc Luật được nắm những chức vụ cao cấp quan trọng trong chính phủ thì Già Vinh lại là "uỷ viên Trung ương đảng Cần lao”, cạnh Tổng bí thư Ngô Đình Nhu, đặc trách Xứ uỷ Bắc Việt, mang sẵn mối thù cũ lại ganh tị chức Đại biểu chính phủ của Luật, Già Vinh và nhóm Hà Đức Minh (cũng là uỷ viên Trung ương Đảng Cần lao) xuyên tạc, vu khống Lê Quang Luật với ông Diệm, ông Nhu và dùng tờ nhật báo Ngôn Luận của Nguyễn Thanh Hoàng để đánh phá ông Luật qua một số khuyết điểm của cộng sự viên Luật tại Bắc Việt tờ báo này đã bôi lọ và hạ Luật xuống đất bùn. Theo quy định của Hiệp ước Genève, ngày 18-5-1955, sau hạn kỳ 300 ngày của chính quyền quốc gia tại Bắc Việt, Luật xuống tàu "Ville de Hải Phòng" của Pháp mang theo một hộp đất phủ lá quốc kỳ vào Thủ đô miền Nam để dân miền Nam lưu niệm nhớ thương đất tổ Hùng Vương. Chiếc hộp đựng đất đã được dân chúng Sài gòn đón tiếp long trọng rồi làm lễ tại Thảo Cầm Viên.
Cuộc di cư 1954 của trên 800.000 đồng bào được thực hiện là nhờ phương tiện của Pháp, Mỹ. Sau khi hoàn tất, ông Diệm được cả thế giới tự do ca ngợi, nhưng không ai thèm nhắc tới cái tên Lê Quang Luật dù Luật đã là người có rất nhiều sáng kiến chính trị xuất sắc, lại là người Công giáo, nên đã khôn khéo tổ chức cho cuộc di cư dù đông đảo nhưng vẫn trật tự, đem được trên 650.000 người Công giáo miền Bắc vào Nam rồi thì bao nhiêu công lao của Luật cho cuộc di cư và tấm nhiệt tình của Luật đối với quê hương dân tộc đều bị nhóm Cần lao công giáo và anh em ông Diệm phủ nhận hết. Luật bị ông Diệm khinh bạc phũ phàng để đến nỗi từ một chiếc sĩ quốc gia, một trí thức mà đáng lẽ chế độ phải trọng dụng, Luật trở thành một người thối chí đối lập chế độ. Từ đó Luật trở về sống cuộc đời bần bạch, cho đến chết vẫn không lập gia đình, ở vậy để làm ăn nuôi cha già. Năm 1960, Luật tích cực tham gia nhóm Caravelle, ra tuyên ngôn lên án chế độ Ngô Đình Diệm như tôi đã trình bày trên kia.
Tôi vốn chỉ biết mà không quen Lê Quang Luật, nhưng sau khi lật đổ chế độ Diệm, một nhóm bốn người, hai Công giáo hai Phật giáo, tuy ở những vị thế khác nhau nhưng lại cùng chung chí hướng, đã gặp gỡ tôi và trở nên bạn chí thiết của tôi cho đến ngày nay. Đó là luật sư Lê Quang Luật, học giả Mai Ngọc Liêu (hiện ở California), nhà báo tên tuổi Vũ Ngọc Các (đảng viên cao cấp của Việt nam Quốc Dân Đảng), và luật sư trẻ Trần Thanh Lập (hiện ở Paris), một nhà văn tên tuổi đầy nhiệt tình, nhiệt huyết trong các hoạt động văn hoá, chính trị. Lúc bấy giờ tôi là Uỷ viên chính trị của Hội đồng nhân dân cách mạng, lại được bốn nhân vật kia cho rằng dưới chế độ Diệm, chẳng những tôi “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" lại còn hay giúp đỡ các nhân vật đảng phải bị hoạn nạn nên họ muốn giúp tôi hoạt động chính trị trong tân chế độ. Họ cho xuất bản báo Dân Chủ để vinh danh cuộc cách mạng ngày 1-11-1963 và tranh đấu đòi hỏi Hội đồng Cách mạng thiết lập một chế độ dân chủ để thực hiện đại đoàn kết quốc gia hầu cứu vãn tình hình chiến thắng Cộng sản. Nhưng rồi vì những xáo trộn chính trị liên tiếp xảy ra sau đó tôi về hưu sớm vào đầu năm 1965, dù vậy bốn nhân vật kia vẫn giữ mối tình tri kỷ, vẫn thường lui tới với tôi, đặc biệt là Lê Quang Luật, anh bận công việc làm luật sư ở Biên Hoà nhưng mỗi tháng anh vẫn đến nhà tôi ít nhất là vài lần. Mỗi lần như thế hai chúng tôi lại ngồi với nhau luận bàn chuyện Đông Tây Kim Cổ đến bốn năm tiếng đồng hồ. Điều quý nhất là không Tết nào mà ngày mồng hai anh không đến chúc Tết tôi. Có lần anh đã khen tôi là người thích đọc chuyện cũ nên thấm nhuần được tư tưởng của người xưa, biết bỏ tình riêng để theo nghĩa lớn, biết hiện đại hoá quan niệm để hiểu chữ trung với dân với nước hơn là trung với chế độ, với lãnh tụ. Tôi mừng thầm nghĩ rằng: "Tiếng đàn Bá Nha đã thấu được tai Tử Kỳ”.
Thời Nguyễn Văn Thiệu, Luật ra ứng cử Dân biểu tại Biên Hoà, đặt hy vọng vào số phiếu của cử tri Công giáo di cư ở Hố Nai, nhưng Luật thất cử. Gặp tôi, khi rượu đã mềm môi và tâm sự đã dạt dào. Luật không giữ được vẻ bình tĩnh đằm thắm cố hữu, anh nặng lời nguyền rủa các ông linh mục Hố Nai mà anh cho là bọn người vong ân bội nghĩa. Những năm cuối cùng của miền Nam tôi tưởng lòng anh đã nguội lạnh, không ngờ một hôm anh đến thăm và bảo tôi so sánh con người Ngô Đình Diệm và con người Dương Văn Minh. Không hiểu anh dự định gì nên tôi nói thẳng: "Dương Văn Minh yêu nước, chống Pháp và chống Cộng nhưng không có cái huyền thoại từ quan của Ngô Đình Diệm, dù năm 1953 thời còn làm trung tá, tuy được tướng Hinh cử ra Nha Trang làm Tư lệnh Phân khu Duyên hải Dương Văn Minh cũng từ khước, thà bị giải ngũ chứ không chịu đặt mình dưới quyền chỉ huy của một viên đại tá người Pháp. Dương Văn Minh không trí thức như Ngô Đình Nhu nhưng về phong độ và lòng chân thành thì Minh hơn hẳn anh em ông Diệm. Vê hậu thuẫn thì anh em ông Diệm có khối Công giáo di cư và khối Công giáo miền Trung, còn Dương Văn Minh thì có Phật giáo và đa số người “Nam Kỳ” kể cả số lớn người Công giáo và trí thức. Hâu hết người Cao Đài ủng hộ Dương Văn Minh, còn Hoà Hảo thì có nhóm của Phan Bá Cầm và nhóm của Nguyễn Giác Ngộ cũ. Tôi phân tách xong, Luật trầm ngâm một lát rồi từ tốn nói: "Tôi sẽ ủng hộ Dương Văn Minh chống Nguyễn Văn Thiệu và tập đoàn Cần lao chung quanh ông Thiệu. Hiện tình đất nước cần dân Ka ki hơn dân chính khách vả lại không có gấm vóc thì mình tạm dùng áo vải vậy". Anh rủ tôi hoạt động cho Dương Văn Minh nhưng tôi từ chối vì đã chán ngấy chính trị, và vì tôi buồn Dương Văn Minh đâm ra lệnh hạ sát ông Diệm mặc dù tôi hết lòng phản đối.
Tôi cũng cho anh biết tình hình đất nước hiện nay dù có Thánh cũng không tài nào cứu vãn nổi, trước sau rồi Việt nam cũng rơi vào tay Cộng sản. Tôi nhắc lại quan điểm để anh nhớ rằng vào năm 1969, sau biến cố Tết Mậu Thân, tướng diều hâu Westmoreland bị mất chức, phong trào phản chiến tại Mỹ phân hoá nặng nề. Tổng thống Johnson gởi thư cho Hồ Chí Minh xin nghị hoà; tôi đã viết trên báo Sống một bài phân tích lượng giá tình hình để báo động với đồng bào: "Đối phương đang tiến quân trên khắp các nẻo chiến trường, bạn đồng minh đang tìm kế cầu hoà với địch, miền Nam sẽ rơi vào tay Cộng sản". Bài tôi viết năm 1969 trên tờ báo Sống của Chu Tử được nhiều anh em trong lực lượng Dân tộc Việt biết rõ. Hà Thế Quyệt, Lý Đại Nguyên rất buồn không tin vào lời tiên đoán của tôi mặc dù Quyệt đã có lần gọi tôi là "Tiểu Khổng Minh" trên tờ báo Quật khởi do Nguyễn Trọng Nho làm chủ nhiệm.
Thế rồi năm 1975 miền Nam mất thật, tôi đau buồn ra đi còn Lê Quang Luật và Vũ Ngọc Các ở lại quê hương. Viết lại những kỷ niệm với Lê Quang Luật và Vũ Ngọc Các tôi ước ao những dòng chữ mộc mạc này sẽ đến được dưới mắt những người ruột thịt của hai anh.
Sau khi đánh bật được Lê Quang Luật rồi, Hoàng Bá Vinh được Ngô Đình Nhu bảo trợ làm Dân biểu gia nô, khai thác tối đa chức vụ uỷ viên Trung ương đảng Cần lao, dựa vào cái thế Dân biểu tay chân đắc lực của chế độ, Vinh bèn phát triển hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khắp miền Nam, kể cả cổ phần trong công ty Nông Sơn để chuyển tiền ra ngoại quốc. Sau ngày lật đổ chế độ Diệm, nhờ sự khoan hồng của tướng Trần Văn Minh, Chủ Tịch Uỷ ban Điều tra tài sản nhà Ngô và Cần lao, Già Vinh thoát nạn bèn trốn sang Pháp sống vương giả cho đến ngày nay bên cạnh gia đình vợ đã có Pháp tịch từ trước.
Là người miền Bắc, lại là tay chân của Ngô Đình Nhu, tại sao Vinh lại lọt vào mắt xanh của Ngô Đình Cẩn để được chọn làm ứng viên thay cho Trần Kim Tuyến. Đó là nhờ sở trường biết đánh cá cả hai cửa: trong lúc Vinh phục vụ cho Ngô Đình Nhu, y lại có nhiều cơ sở kinh doanh ở Nha Trang, Cà Ná, Cam Ranh, Quảng Nam, vốn nằm trong lãnh địa trách nhiệm của ban Đặc vụ công tác miền Trung của Cẩn, cho nên Già Vinh đã đút lót, nịnh bợ Cẩn để được tín nhiệm. Tuy nhiên, trong lúc gia đình Ngô Đình Nhu vẫn còn phân vân trì hoãn chưa thay Trần Kim Tuyến thì biến cố Phật giáo xảy ra, tình hình trở nên cấp bách nên tất cả anh em nhà Ngô đều phải tạm đoàn kết để yểm trợ vợ chồng Ngô Đình Nhu hầu đối phó với kẻ thù chung là Phật giáo mà tạm quên những mâu thuẫn nội bộ của gia đình. Vì vậy, khi đuổi Tuyến đi làm Tổng lãnh sự ở Ai Cập, người thay Tuyến không ai hơn là Trần Văn Khiêm, em ruột bà Nhu một nhân vật mà nhiều đồng nghiệp của ta đã đặt cho hỗn danh là "Luật sư khùng" vì tính tình bất thường, mà ký giả Karnow trong Vietnam, a television history gọi là Playboy vì y chuyên dựa thế của chị ruột để làm tiền các chuyên gia giàu có, và đàng điếm chơi bời.
Nói tóm lại ba ngày Tết Quý Mão năm đó đáng lẽ phải là những ngày êm đềm hoà thuận của gia đình để đón Xuân sang thì trong ngôi nhà Phú Cam Huế, lại là những ngày giông bão đằng đằng sát khí của tranh chấp và thoả hiệp.
Trước tình trạng xấu của gia đình, chỉ có ông Diệm là người phiền luỵ khổ tâm nhất. Khuyên can Ngô Đình Thục thì "Đức Cha giận dỗi bỏ về Vĩnh Long” như hồi ký của tuỳ viên Đỗ Thọ đã viết, trách móc Ngô Đình Nhu thì "Cố vấn giận lẫy bỏ lên Đà Lạt nằm cả tuần lễ" như tác phẩm "Những ngày chưa quên" của Đoàn Thêm nói, căn ngăn em dâu thì lại sợ Đệ nhất phu nhân hằn học tuyên bố bừa bãi làm mất thể thống quốc gia và danh dự gia đình như ký giả Karnow đã trình bày, tỏ thái độ buồn bực với chú Cẩn thì lãnh chúa miền Trung phân bình "các anh sướng quá rồi, cho tôi sướng tí xíu với chứ..." như Đỗ Thọ đã kể.
Trước cảnh anh em ruột thịt xung đột xâu xé nhau như thế, ông Diệm buồn lắm. Buồn mà đành chịu gậm nhấm rồi ấm ức trong lòng cho nên đã có lần đến Huế ông cho mời người cán bộ trung kiên là Võ Như Nguyện đến tại dinh Phú Cam để ông tâm sự mong Nguyện chia sẻ nỗi đắng cay với ông một phần nào.
Khốn nỗi sự nhu nhược, chịu luỵ của ông Diệm đối với anh em ông lại là nguyên nhân đưa đến sự suy sụp quốc gia mà hai biến cố đầu nằm Quý Mão là thảm bại quân sự ấp Bắc, và thảm trạng sâu xé trong gia đình đã làm cho nhân dân hoàn toàn mất hết tin tưởng nơi anh em ông Diệm, nơi chế độ ông Diệm. Hai biến cố đó, một (vụ ấp Bắc) đã làm cho dư luận Hoa kỳ công phẫn, một (vụ gia đình xung đột) đã làm cho nhân dân Việt nam khinh bỉ, đã đóng góp một phần nào vào sự sụp đổ của chế độ Diệm vào cuối năm 1963, khi cuộc đấu tranh hương đáng của Phật giáo bùng nổ làm rung chuyển quê.
Về phần tôi, Tết Quý Mão tôi ở Sài gòn cho nên mãi cả tháng sau tôi mới thâu lượm được đầy đủ tin tức về vụ Ngô Đình Cẩn bỏ kỵ cụ Ngô Đình Khả và sự tranh chấp trầm trọng trong gia đình ông Diệm tại Huế. Như những ai đã từng giao du với tôi đều biết tôi là kẻ thất học quê mùa, lại có tâm hồn bảo thủ tồn cổ, tin vào thuyết âm đức nhân quả, nên khi được tin gia đình nhà Ngô xung đột nặng nề giữa ngày kỵ cha, giữa ngày Nguyên Đán, tôi cảm thấy cái phúc vận và thời vận của nhà Ngô đã đến lúc suy tàn như trái cây đã chín mục chỉ chờ ngày rơi rụng. Tôi càng thương ông Diệm hơn dù ông có nhiều nhược điểm, và dù mưa gió phũ phàng mà anh em ông ta và cán bộ Cần lao liên tục đổ xuống đầu tôi.
Từ ngày ông Diệm cầm quyền đến nay suốt chín năm trời, mỗi lần gia đình có lễ lạt tại Huế là "triều thần văn võ" hầu như không thiếu một ai. Chỉ một mình Ngô Đình Thục khi còn ở Vĩnh Long mà Dân biểu, Tỉnh trưởng, Bộ trưởng nườm nượp kéo nhau đến chầu hầu Đức Cha như Ngô Đình Nhu đã nói, thì huống gì tại Huế, có sự hiện diện của toàn thể anh em ông Diệm. Cứ hỏi những sĩ quan trong Bộ tham mưu của Sư đoàn 13 (lúc Huỳnh Văn Cao chỉ huy) đang đóng ở Biên Hoà thì biết: bà cả Lễ, em Tổng thống Diệm chết mà Cao lái xe Jeep suốt cả đêm ra Huế để dâng vòng hoa thì đủ biết văn võ triều thần Cần lao công giáo muốn được anh em ông Diệm thấy mặt trong ngày Tết, ngày kỵ tại Phú Cam như thế nào.
Trong số sĩ quan cao cấp tại Sài gòn, chỉ có một số tướng lĩnh liêm sỉ như Dương Văn Minh, Phạm Xuân Chiểu, Nguyễn Ngọc Lễ v.v... là không bao giờ có mặt. Còn tôi thì chỉ tham dự một lần vào năm 1955 nhân dịp đám tang của ông Ngô Đình Khôi và năm 1958, khi ở Pháp về, có ra Huế thăm Ngô Đình Cẩn một lần. Từ đó tôi không bao giờ về Huế nữa cho mãi đến năm 1964, sau khi lật đổ chế độ Diệm, tôi mới trở lại thăm viếng Cố đô.
Trước kia, từ năm 1948 đến năm 1952, chỉ có một nhóm nhỏ anh em chúng tôi cứ vào mồng Ba Tết lại rủ nhau lên Phú Cam mừng tuổi Cụ Cố thân mẫu ông Diệm, qua nhà thờ làm lễ cầu hồn cho cụ Ngô Đình Khả, đến nghĩa trang thăm mộ, rồi về nhà Ngô Đình Cẩn tụ họp ăn cơm. Lúc bấy giờ, nhóm chúng tôi có mấy ai đâu quanh đi quẩn lại chỉ có linh mục Nguyễn Văn Thính, các ông Võ Như Nguyện, Nguyễn Đôn Duyến, Trần Văn Hướng, Huỳnh Hữu Hiền, và những sĩ quan như Phùng Ngọc Trưng, Nguyễn Vinh và tôi ngoại trừ linh mục Nguyễn Văn Thính anh em chúng tôi đều theo đạo Phật. Lúc bấy giờ, có ai dám đến nhà Ngô Đình Cẩn, em ruột Ngô Đình Diệm, để hội họp đâu vì họ đều sợ Thủ hiến Phan Văn Giáo để ý, sợ mật thám Tây theo dõi. Từ năm 1952 trở đi, ngày kỵ cụ Khả mới có thêm mấy ông Công giáo như Trương Văn Huế, Phạm Văn Nhu, Nguyễn Văn Đông, Tôn Thất Trạch, vì lúc bấy giờ Ngô Đình Nhu đã ra công khai hoạt động chính trị tại Sài gòn, và tên tuổi ông Diệm được nhắc nhở tại Hoa kỳ. Tuy vậy, suốt 7, 8 năm trời khi ông Diệm còn là kẻ lưu vong đợi thời, nào ai thấy bóng dáng của những Nguyễn Cao Thăng, Nguyễn Trân, Huỳnh Văn Cao, Nguyễn Đình Cẩn, Lê Trọng Quát, Hà Thúc Luyện, Hà Như Chi... dù họ ở ngay tại Huế và không bận rộn trong ba ngày tết. Nhưng một khi ông Diệm đã có quyền, đã có thế, đã có lợi đã có danh rồi thì tuần chay nào tại nhà Ngô Đình Cẩn họ cũng đều có mặt. Thớt có tanh tao, ruồi đến đậu, âu cũng là chuyện thường trong buổi loạn ly.
Tôi còn nhớ thời kỳ anh em ông Diệm bần bạch thất thế (1948 đến 1952) ngôi nhà Phú Cam sao mà ấm cúng lạ thường. Anh em chúng tôi chỉ có 7, 8 người thân mật, quây quần với nhau, bứa cơm cúng kỵ cũng đạm bạc, chưa có thịt quay đầy mâm, nem chả tràn đĩa và hoa chưa thắm, rượu chưa nồng mà như là đại yến mỹ vị với cao lương.
Trong những năm đó chúng tôi cũng chưa thấy mặt các ông Thục, Diệm, vợ chồng Ngô Đình Nhu dù lúc bấy giờ họ ở Sài gòn, Vĩnh Long hay Đà Lạt có thể dễ dàng về Huế quy tụ dưới mái ấm gia đình để chúc Tết mẹ già, để kỵ cha và đón mừng Xuân mới nơi ngôi nhà của phụ thân để lại như những người dân Việt ngàn đời khi làm ăn xa xôi, Tết nhất vẫn lo về với gia đình để thắp nhang nơi bàn thờ tiên tổ. Những sử gia hoài Ngô như Cao Văn Luận, Cao Thế Dung... viết sách suy tôn anh em nhà họ Ngô là đạo đức nho phong là thế gia vọng tộc thế mà cố tình giấu đi thái độ sống phản truyền thống dân tộc, phản phong hoá muôn đời của cha ông. Rõ ràng anh em ông Diệm đã quan niệm phải nên Vương bá, phải phú quý vẹn toàn, thì tết nhất, cúng kỵ họ mới chịu cùng nhau sum họp để biến ngôi nhà vắng lạng ngày xưa thành nơi đình đám rộn rịp tưng bừng. Cứ nhìn những tấm hình được đăng tải trên ác báo chí Âu Mỹ có đủ mặt anh em, bác cháu, rể dâu bận quốc phục chỉnh tề khăn áo lộng lẫy, quây quần chung quanh “Thái từ”, kẻ đứng vòng tay người quỳ trên thảm đỏ cũng đủ thấy câu nói “Phú quý sinh lễ nghĩa” của thánh hiền muôn đời không sai. Mà lễ nghĩa gì nếu không phải thứ lễ nghĩa mà giá trị chỉ nằm trên hình thức của những tấm áo nạm vàng và tấm thảm trải đỏ kênh kiệu.
Chín năm rồi, từ sau khi cựu hoàng Bảo Đại bị ông Ngô Đình Diệm truất phế, thành quách đền đài, núi Ngự, sông Hương đã lạt màu vương giả, nhưng cảnh vàng son, hoa gấm trong gia đình ông Diệm tại Phú Cam thì đang gây lại cái không khí triều đình vua chúa nơi Cố đô Tiếc thay, Xuân với Tết năm nay, bão tố cốt nhục đã thổi bay mất lớp bụi vương giả giả tạo đó để chỉ còn lại những tầm thường trơ trẽn của một gia đình, một gia đình đang đến hồi mạt vận.
***
Sau Tết năm đó, ông Diệm trở lại Sài gòn với rất nhiều tâm sự ngổn ngang. Cũng tháng Ba năm đó, tôi nhận được lời mời của Bộ quốc phòng Hoa kỳ thực hiện một chuyến viếng thăm các cơ sở an ninh và quốc phòng của họ.
Tôi còn nhớ năm 1960 phái bộ quân sự Hoa kỳ tại Việt nam đã từng mời tôi đi thăm trường tình báo lớn nhất của lực lượng Hoa kỳ tại Đông Á và Thái Bình Dương trên đảo Okinawa của Nhật Bản (nơi có sĩ quan Phòng Nhì và An ninh quân đội Việt nam thụ huấn), nhưng ông Diệm không cho tôi đi. Trái lại, năm 1961, trong khi tôi đang bận điều tra vụ “phản loạn Nhảy dù" thì ông Diệm lại cho tôi đi Đài Loan vì đối với ông Diệm, cứ nghe nói Đài Loan mời là ông vừa ý lắm. Năm đó, phái đoàn công du Đài Loan do tướng Nguyễn Khánh cầm đầu và chúng tôi đã có dịp viếng thăm xứ Đài Loan, kể cả hai đảo Kim Môn và Mã Tổ, để biết được nhiều tổ chức bí mật của quốc gia đồng minh thân thiết nhất. Ngoài ông Tưởng Kinh Quốc, chính phủ và tướng lĩnh Trung Hoa tiếp đãi hết sức nồng hậu, chúng tôi còn được Tưởng thống chế thiết đãi riêng tại tư dinh hết sức thân mật và trao đổi nhiều kinh nghiệm qua cuộc đời đấu tranh cam go gian khổ của Cụ.
Tôi cũng còn nhớ vào năm 1962, tôi lại được phái bộ quân sự Hoa kỳ tại Sài gòn mời đi thăm Hoa kỳ. Ông Colby, giám đốc CIA Đông Nam Á và Việt nam, người bạn Mỹ thân thiết vẫn thường giúp đỡ kỹ thuật và dụng cụ điều tra cho cơ quan của tôi, thường cùng tôi thảo luận về tình hình Việt nam, cũng khuyên tôi nên viếng thăm Hoa kỳ một chuyến nhưng ông Diệm cũng không cho đi, có lẽ vì vụ ném bom dinh Độc lập đã gây cho ông nhiều xúc động. Mãi đến tháng Ba năm nay, Bộ quốc phòng Mỹ lại mời nữa và tôi lại phải hết lời thuyết phục ông Diệm mới bằng lòng cho tôi đi. Tôi cầm đầu một phái đoàn gồm có trung tá Tôn Thất Hùng, Phụ tá trưởng phòng Nhì Bộ Tổng tham mưu, trung tá Nguyễn Văn Kính, Chánh sở Phản gián An ninh quân đội; hai thiếu tá Dương Văn Khuyến và Trần Như Ngọc, và đại uý Nguyễn Đình Nghi làm thông dịch viên (ba sĩ quan sau này hiện sống tại Hoa kỳ). Chúng tôi lên đường vào đầu tháng Tư và dự định viếng thăm Hoa kỳ trong vòng một tháng. Ra đi, tôi mang theo một số tranh sơn mài rất đẹp để tặng cho các đơn vị, các cơ sở quân đội Hoa kỳ, những nơi mà tôi sẽ đến thăm. Đó là những bức tranh mang hình ảnh quê hương: Cảnh chùa Thiên Mụ bên dòng sông Hương thơ mộng, cảnh chùa Non Nước đang sau sừng sững núi Hải Vân, cảnh bờ biển Nha Trang thấp thoáng Tháp Bà cổ kính, cảnh Đà Lạt, Hà Tiên, Vũng Tàu, cảnh Sài gòn một đêm giao thừa tại đền thờ Lê Văn Duyệt, cảnh ruộng đồng bát ngát với những kẻ chăn trâu thổi sáo thả diều... Lúc bấy giờ số quân nhân Mỹ sửa soạn qua miền Nam mỗi ngày một đông, tôi muốn mượn một số hình ảnh dịu hiền của quê hương để cho người Mỹ biết dân tộc tôi vốn hiền hoà thế mà bị xâm lăng tạo nên ly loạn, chết chóc. Tôi cũng muốn nhân dịp này cho người Mỹ biết dân tộc tôi vừa có văn hoá vừa có học thuật, tuy bốn ngàn năm lịch sử là bốn ngàn năm quân sử nhưng đất nước chỉ đẹp thêm và nhân dân chỉ yêu chuộng hoà bình thêm.
Tôi chỉ là một đại tá, chỉ huy một cơ quan không lấy gì là quan trọng, lại còn bị ông Cẩn, ông Nhu khinh bỉ, bị nhóm Cần lao thù ghét thế mà quân đội Hoa kỳ lại dành cho tôi một cuộc đón tiếp trang trọng và nhiều vinh dự. Có lẽ họ nghĩ rằng cơ quan An ninh quân đội Việt nam cũng có cùng một nhiệm vụ và quyền hạn quan trọng như cơ quan DIA (Defense Intelligence Agency) của Bộ quốc phòng Hoa kỳ.
Đến phi trường San Francisco, một vị tướng ra đón tôi và biệt phái cho tôi một thiếu tá bác sĩ quân y nói tiếng Pháp thành thạo để làm sĩ quan Tuỳ viên cho tôi suốt cả thời kỳ tôi ở Mỹ. Ngày hôm sau, tôi đến viếng Bộ tư lệnh miền Tây nước Mỹ và được vị tướng ba sao và Bộ tham mưu của ông ta thuyết trình về việc phòng thủ nước Mỹ phía Thái Bình Dương. Sau đó tôi đi thăm trường sinh ngữ Quân đội của Monterey, nơi rất đông sĩ quan Hoa kỳ đang thụ huấn khoá Việt ngữ cấp tốc để đợi ngày lên đường qua Việt nam. Nhiều sĩ quan Mỹ vui mừng khi họ diễn tả còn vụng về bằng tiếng Việt mà chúng tôi cũng hiểu được. Tất cả đều hân hoan vui sướng khi được chỉ định qua Việt nam. Một vài nam nữ giáo sư Việt nam mà tôi không nhớ tên đang dạy ở trường này cung tỏ vẻ cảm động vì không mấy khi họ gặp được một phái đoàn đồng hương đến thăm trường.
Hai ngày sau, tôi đến Washington mà việc đầu tiên là viếng Cụ Trần Văn Chương, Đại sứ Việt nam cộng hoà tại Hoa kỳ, là thân phụ bà Nhu, lại liên hệ chặt chẽ với chính quyền Hoa kỳ nên có lẽ Cụ đã hiểu rõ tình hình Việt nam, vì vậy Cụ chỉ tiếp tôi theo phép xã giao thường tình mà không trao đổi tin tức cũng như nhận định về tình hình đất nước.
Hôm sau phái đoàn đến Ngũ giác đài và được vị đại tướng chỉ huy trưởng ngành tình báo quân đội Hoa kỳ đại diện chính thức Bộ quốc phòng Mỹ đón tiếp. Nhân ghé Bộ quốc phòng, với tư cách riêng, tôi và trung tá Nguyễn Văn Châu, tuỳ viên quân sự Việt nam tại Mỹ, đến thăm tướng Lansdale. Lần đầu tiên tôi mới gặp nhân vật kỳ bí này, nhưng tôi biết chắc rằng ông đã nắm vững tiểu sử của tôi rồi. Tuy chưa gặp ông lần nào nhưng năm 1954, tôi gặp hai nhân viên của ông tại dinh Độc lập do bác sĩ Bùi Kiện Tín sắp đặt để tôi có dịp nói cho cơ quan CIA Mỹ tại Sài gòn biết rằng lực lượng quân đội của Phân khu Duyên hải quyết liệt chống đối người Pháp và tướng Hinh với bất cứ giá nào để ủng hộ Ngô Đình Diệm.
Đến thăm tướng Lansdale, tôi rất dè dặt vì ông là ân nhân của ông Diệm và vì ông là người đã tạo ông Diệm thành Tổng thống như tôi đã viết trước kia. Nhưng tôi đã được biết khi Lansdale từ giã Việt nam, ông đã ra đi với tất cả nỗi buồn tiếc lo âu vì dù đã khuyên ông Diệm không nghe, đã thế ông Diệm lại còn thiếu thuỷ chung với ông ta. (Nhà văn Pháp George Chaffard dựa vào tác phẩm best seller của David Wise và Thomas B. Ross nói về chế độ gia đình trị của ông Diệm cũng cho biết rằng vị tướng kỳ bí Edward G. Lansdale không phải ủng hộ ông Diệm vô điều kiện. Lansdale đã nhấn mạnh với Bộ ngoại giao Hoa kỳ là nếu chế độ Diệm không chịu cải tiến thì sẽ không tránh được một cuộc đảo chính). Vì thế, đến thăm tướng Lansdale tôi mang một tâm trạng bứt rứt vì tôi là cộng sự viên thân tín của ông Diệm mà chế độ ông Diệm lại là chế độ độc tài, tham nhũng, phản dân hại nước, trái với ý nguyện và chủ trương của Lansdale. Là một nhân vật nắm rất vững tình hình Việt nam lúc bấy giờ, nhất là sau vụ thảm hại ấp Bắc, nên Lansdale rất bi quan và không muốn nói chuyện nhiều về tình hình chính trị và quân sự Việt nam với một người tay chân của Tổng thống Diệm mà chỉ nói về phong cảnh và dân tình của Việt nam mà ông yêu mến. Ông khoe với tôi những sản phẩm tiểu công nghệ Việt nam mà ông treo khắp tường trong văn phòng của ông. Trước khi từ giã, tướng Lansdale nắm chặt tay tôi và nói một câu rất khó hiểu: "Dù ở xa nhưng khi bạn cần, tôi sẵn sàng giúp đỡ bạn vì nhân viên của tôi còn rất đông ở Sài gòn".
Tối hôm đó trung tá Nguyễn Văn Châu và tôi được ông bà Trần Văn Dĩnh, Đệ nhất Tham vụ Toà đại sứ Việt nam tại Washington mở tiệc thết đãi. Dĩnh là em ông Trần Văn Hướng một đồng chí của tôi, chính Dĩnh là người đã vận động tôi ủng hộ quân đội Nhật từ năm 1942 để đánh Pháp giành độc lập nên biết rõ cuộc đời và ý hướng của tôi. Dĩnh cho tôi là một cán bộ tài ba, can trường và trung kiên nhất của Tổng thống Diệm nên anh rất quý mến tôi. Dĩnh là một người thông minh, hoạt bát, am hiểu sâu rộng nhiều vấn đề quốc tế, và đã từng giữ chức vụ Tổng giám đốc Thông tin báo chí VNCH, nhưng sau đó vì chức Tổng lãnh sự tại Miến Điện cần thiết hơn nên Tổng thống Diệm cử anh đi Rangoon. Tối hôm thết tiệc tôi, những nhân vật Mỹ được anh mời hầu hết là những nhân vật tình báo cao cấp của Hoa kỳ tại thủ đô Washington, trong đó có cả ông bà Lansdale. Tôi nghĩ rằng hôm đó ông bạn Dĩnh của tôi đã "trừng phạt" tôi hơn là mời tôi dự tiệc vì một mình tôi phải đối đáp với hơn hai mươi cặp vợ chồng người Mỹ về vấn đề Việt nam mà tôi lại rất kém tiếng Anh.
Hôm sau, phái đoàn đi thăm một trường tình báo của Lục quân Hoa kỳ ở gần Baltimore, cách thủ đô Washington khoảng sáu mươi dặm. Ở đây có một số sĩ quan Mỹ từng phục vụ tại Nha An ninh quân đội và Phòng Nhì của Việt nam cộng hoà nên gặp tôi họ mừng rỡ như gặp lại bạn hiền. Trong buổi ăn trưa tuy long trọng nhưng đầy thân mật nhờ sự hiện diện của các bà vợ những sĩ quan huấn luyện viên của nhà trường vị tướng già Hoa kỳ cho biết những sĩ quan tình báo Hoa kỳ qua Việt nam phục vụ đã thu lượm rất nhiều kinh nghiệm, nhưng ông tiếc rằng tại sao Mỹ viện trợ cho VNCH rất nhiều trong chín năm trời vẫn chưa thắng được Cộng sản. Câu nói của ông làm cho tôi bẽ bàng vì câu trả lời thì tôi có mà lại không nói ra được.
Tối hôm đó về lại Washington, tôi và Châu lại phải đi dự buổi dạ yến, tại câu lại bộ tướng lĩnh. Tôi và Châu là sĩ quan cấp tá mà tối hôm đó lại bị lọt vào giữa một rừng sao và rừng huy chương của độ 40 tướng lĩnh Mỹ từ 2 đến 4 sao đủ mọi binh chủng mang binh phục đại lễ ngực đầy huy chương, dù đó chỉ là một buổi tiếp tân. Tối hôm đó tôi cũng đã phải vất vả trả lời nhiều câu hỏi hiểm hóc về tình hình chiến sự Việt nam, về tinh thần binh sĩ VNCH và về tình trạng đối phương. Tôi tự nghĩ nếu quân đội VNCH chiến thắng được Cộng sản thì đây là cơ hội tốt cho tôi vinh dự đem chuông đi đánh xứ người. Nhưng hơn ai hết, tôi biết quân đội Việt nam đang chiến bại, tình hình miền Nam đang suy sụp cho nên tôi phải nói quanh co, phải đem việc Cộng sản Bắc Việt được Nga và Tàu giúp đỡ ra để bào chữa cho cái yếu kém của quốc gia mình. Tôi phải nói "phe nào kéo dài trận chiến thêm 5 phút thì phe đó sẽ là kẻ chiến thắng cuối cùng", bắt chước câu nói của một danh nhân (hình như Thủ tướng Churchill) để kết thúc bữa tiệc trước khi ra về cho khỏi ngượng ngùng.
Thật là "hoạ vô đơn chí” vì ngày hôm sau, tôi đang nghỉ ngơi thì viên thiếu tá Mỹ sĩ quan tuỳ viên thông báo cho biết cuộc thăm viếng trường võ bị West Point phải bãi bỏ vì Bộ quốc phòng muốn tôi thuyết trình tại Ngũ giác đài về ấp chiến lược. Tôi lấy làm ngạc nhiên vì đề tài này vốn không được ghi trong chương trình sinh hoạt đã được liệt kê rất tỉ mỉ.
Chín giờ sáng hôm sau, phái đoàn được mời đến Ngũ giác đài trong một căn phòng bí mật, trang bị những dụng cụ ghi âm và phát hình tối tân, cửa hai lớp và bên ngoài có lính canh phòng cẩn mật. Một chiếc bàn dài dùng cho buổi họp mà một bên là phái đoàn Việt nam và bên kia là sáu nhân vật Mỹ mặc thường phục với những tập hồ sơ thật dày. Phòng rộng và đèn tắt hết chỉ chứa khoảng ánh sáng cho bàn họp của chúng tôi. Tôi tự nghĩ thầm "Việc gì mà họ tổ chức quá trang trọng, cẩn mật đến như thế này?" nên ra lệnh cho các sĩ quan trong phái đoàn không ai được phát biểu gì cả mà chỉ để một mình tôi đối đáp với họ. Một trong sáu nhân vật Mỹ cho tôi biết họ thuộc cơ quan tình báo khác nhau và họ chỉ muốn chất vấn tôi về một vấn đề độc nhất là "sự thành bại của ấp chiến lược tại miền Nam Việt nam". Tôi thật ngạc nhiên vì người Mỹ, nhất là Bộ quốc phòng, đã biết rõ tại Việt nam tôi không có liên hệ gì đến việc thực hiện chương trình ấp chiến lược cả. Họ cũng biết rằng chính ông Ngô Đình Nhu, người thực sự cầm quyền tại Việt nam, mới là người đích thân chỉ huy và điều khiển toàn bộ công cuộc thực hiện ấp chiến lược mà ông đã nâng lên hàng quốc sách. Họ cũng biết rằng chính phủ Mỹ, kể cả Tổng thống Kennedy, đã theo dõi thật sát kết quả của chương trình ấp chiến lược, vậy tại sao họ lại còn bày ra cuộc họp quan trọng và bí mật này để chất vấn tôi.
Dù sao tôi vẫn tỏ ra bình tĩnh vì tuy không có trách nhiệm gì trong chương trình ấp chiến lược nhưng tôi vẫn có theo dõi sự thực hiện của nó, từ những việc nặng hình thức như những bài tham luận đọc tại trại Nhân - Trí - Dũng ở suối Lồ ồ, nơi có trung tâm huấn luyện các cấp quân chính, kể cả bộ trưởng, tướng lĩnh..., về triết lý và chủ trương cửa ấp chiến lược cho đến những phúc trình an ninh của các cơ sở địa phương của nha tôi. Ngoài ra chính tôi cũng có đến thăm nhiều ấp chiến lược của nhiều nơi để trực tiếp đánh giá sự thành bại của nó. Tôi cũng biết rằng ông Nhu đã trao giải thưởng cho tỉnh Ninh Thuận làm tỉnh gương mẫu, cũng như tôi cũng biết rằng đã có nhiều ấp chiến lược bị Việt cộng tấn công như ấp O Lâm ở Long Xuyên, ấp Mê Láng ở Cầu Ngang, ấp Long Mỹ ở Chương Thiện... Tôi lại cũng biết rằng có một bà già ở gần Trung Lương (Mỹ Tho) đã tự tử để phản đối việc dời nhà cửa của bà cho công cuộc xây dựng ấp chiến lược ở vùng đó...
Trong một mục trước tôi đã nói rằng ấp chiến lược là một thất bại nặng nề ngay trong lòng dân chúng.
Nhưng tại đây, không lẽ tôi lại phê phán nặng nề việc thực hiện và sự thất bại của một kế hoạch mà chính Tổng thống Diệm cũng tự hào là một quốc sách có thể chiến thắng Việt cộng tại nông thôn, nhất là cũng nhờ vào việc xây dựng ấp chiến lược mà tôi đã dễ dàng xin nhiều viện trợ Mỹ. Do đó trong suốt ba tiếng đồng hồ thao thao bất tuyệt, tôi chỉ trình bày những sự việc tích cực và không đề cập gì đến những thất bại nặng nề của chương trình đó. Tôi đã nói thật nhưng không nói hết! Sau này khi về nước tôi mới biết rằng đã có những quan điểm mâu thuẫn về sự thành bại của chương trình ấp chiến lược của người Mỹ, đến nỗi làm cho Tổng thống Kennedy vốn tin tưởng vào chương trình ấp chiến lược này để thắng Việt cộng cũng phải nghi ngờ. Những nhân vật cao cấp Mỹ như Đại sứ Nolting, Đại tướng Harkins, hay ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Namara và Thứ trưởng Ngoại giao Hillsman đều ca ngợi sự thành công của chương trình ấp chiến lược. Vào đầu tháng 7 năm 1962, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Mắc Namara tuyên bố với dân chúng Mỹ rằng ông tin tưởng viện trợ Mỹ bắt đầu tạo được sự cân bằng trong việc chống lại Cộng sản tại miền Nam, và hai tháng trước đó, ông Roger Hillsman, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ (người sau này quyết liệt lật đổ ông Diệm), trong một cuộc phỏng vấn phổ biến khắp nước Mỹ cho biết viện trợ Mỹ đã đem lại “một mềm tin mới” cho Nam Việt nam sau khi 2000 ấp chiến lược đã được thực hiện.
Trái lại chính Rufus Phillip, viên chức cao cấp Mỹ cố vấn cho chương trình ấp chiến lược tại Việt nam, lại báo động với Tổng thống Kennedy về sự thất bại hoàn toàn của chương trình ấp chiến lược. Thái độ của Phillip là một thái độ vô cùng can đảm vì dám đi ngược lại với khuynh hướng lạc quan của tất cả mọi người. Chính vì sự bất đồng ý kiến giữa các giới chức Hoa kỳ về kết quả của chương trình ấp chiến lược nên tôi đoán rằng các cơ quan tình báo Mỹ đã lợi dụng việc tôi có mặt tại thủ đô Washington như một nhân chứng sống nên mới có cuộc thuyết trình bất ngờ tại Ngũ giác đài, trước mặt sáu cơ quan tình báo, CIA, DIA, và đại diện của Bộ Ngoại giao...
Việc tôi ca ngợi chương trình ấp chiến lược tại Ngũ giác đài giữa năm 1968 phát xuất từ tình cảm muốn bênh vực Tổng thống Diệm và gây niềm tin nơi người Mỹ để giúp miền Nam chống Cộng, nhưng gần một năm sau, năm 1964, khi gặp các nhân vật Mỹ tại Sài gòn như Ngoại trưởng Dan Rusk, Đại tướng Taylor, Cố vấn Bundy, Giám đốc CIA Colby, tôi vẫn lấy làm ngượng ngùng vì e ngại họ khơi lại câu chuyện không đầy đủ của mình một năm trước đây.
Sau hơn một tuần lễ hội họp tiệc tùng mệt nhoài, trước khi từ giã thủ đô Washington tôi bèn lợi dụng hai ngày trống cuối cùng để thăm những thắng cảnh, những đền đài bia lăng, trụ sở Quốc hội, toà Bạch ốc và trầm tư dạo thuyền trên dòng sông Potomae để suy nghĩ về tướng Washington gần 200 năm trước đã vượt sông này và nhờ thực hiện chính sách đoàn kết mở đầu cho những chiến thắng lập quốc. Sau đó tôi bay về miền nam để thăm Sư đoàn Nhảy dù 82 tại Fort Bragg, thăm Fort Benning, căn cứ hải quân San Diego, thăm khu kỹ nghệ quốc phòng, nơi chế tạo máy bay X.20 Dynn-soar của chương trình TAV (Transa Atmospheric Vechicle) rồi mới trở lại San Francisco để đợi ngày về nước. Tại San Francisco tôi cho các sĩ quan trong phái đoàn về thẳng Sài gòn, riêng tôi và đại uý Nghị, viên sĩ quan thông dịch, đi Đài Loan. Trên lộ trình tôi định nghỉ ngơi ở Hông Kông ít ngày rồi đi Đài Loan thăm một số tướng lĩnh Trung Hoa quen thân với tôi như Đại tướng Vương Thăng vị chỉ huy toàn bộ ngành an ninh tình báo, mà cũng là một uỷ viên trung ương của quân uỷ- Trung hoa dân quốc Đảng từng đến thuyết trình chính trị tại Sài gòn.
Tôi ra đi vào đầu tháng tư Dương lịch vào kịp lễ Phục sinh và trở về Việt nam vào đầu tháng tư âm lịch vào dịp lễ Phật Đản, toàn là những ngày hội lớn của nhân loại. Không ngờ sáng mồng 8 tháng 5, cầm tờ Hồng Kông Post lên đọc, một bản tin ngắn làm cho tôi kinh hoàng "... Tại Huế, nơi giáo phận của Tổng giám mục Ngô Đình Thục, Tổng thống Diệm ra lệnh cấm Phật tử treo cờ nhân ngày Phật Đản của họ, dân chúng biểu tình phản đối, quân đội đàn áp làm nhiều người chết và bị thương...". Đọc xong, tôi gọi đại uý Nghị chỉ cho anh ta xem đoạn tin rồi nói với Nghị: “Thế này thì chế độ của Tổng thống Diệm sẽ sụp đổ không còn cách nào cứu vãn được nữa...”.
Tôi bèn bỏ dự định đi Đài Loan và ngay ngày hôm sau lên đường về nước. Về đến Sài gòn tôi vào trình diện Tổng thống ngay, nhưng tôi không còn nhận được nụ cười, lời hỏi han ngọt ngào êm dịu nơi vị thầy của tôi như những lần trước tôi đi xa về nữa. Tôi chỉ thấy những nét băn khoăn lo lắng hiện ra nơi khuôn mặt của Tổng thống Diệm như những chuyển động của cơn giông tố bão bùng đang đè nặng trên quê hương.


Chương 15 BIẾN CỐ PHẬT GIÁO

Biến cố Phật giáo là một biến cố lớn không những cho chế độ Ngô Đình Diệm vào năm 1963 mà còn cho cả chính đạo Phật tại Việt nam. Biến cố này cũng đã đóng góp vào sự vươn mình của dân tộc cũng như cho những chuyển động trí thức nhân bản hơn của nhân loại trong thập niên 60. Rất nhiều máu đỏ đã chảy trong biến cố này, cũng nhiều như mực đen đã chảy ra biến cố đó đã chảy trong biến cố này, cũng nhiều như mực đen đã chảy sau biến cố đó để ghi chép và lưu tru lại những chứng tích và những suy nghiệm về các tội ác của chế độ Ngô Đình Diệm trong lần trở mình hùng tráng của Dân tộc và Phật giáo tại Việt nam.
Với những biện pháp hành chính quỷ quyệt, những thủ đoạn chính trị tàn ác và các chủ trương văn hoá gian hiểm, trong chín năm trời, chế độ Diệm đã tìm mọi phương cách để tiêu diệt dần dần lực lượng và ảnh hưởng Phật giáo Việt nam theo kế hoạch tằm ăn dâu. Đến những năm 1962, 1963, chế độ Diệm lại có thêm chương trình ấp chiến lược mà họ thêm tin tưởng vừa có thể chiến thắng được Cộng sản, lại vừa có thể Công giáo hoá toàn dân nông thôn. Chiếm được nông thôn là chiếm được địa bàn căn bản và lâu đời nhất của Phật giáo Việt nam, họ sẽ bao vây Phật giáo, cô lập Phật giáo trong các chùa chiền, các đô thị và Phật giáo sẽ như cá trong ao khô hồ cạn, không còn nước nữa để bơi lội vẫy vùng.
Nếu anh em Ngô Đình Diệm kiên nhẫn dùng kế hoạch trên thì có lẽ biến cố Phật giáo năm 1963 đã chưa xảy ra vì một lý do rất dễ hiểu là mặc dù nỗi thống khổ của Phật tử đã đến cùng cực nhưng Phật tứ vẫn cắn răng chịu đựng. Nhưng mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên, nhà Ngô đi ngược lòng dân và đi ngược ý trời nên mới lấy quyết định cấm treo cờ Phật giáo nhân ngày lễ Phật Đản, một quyết định ban đầu nhà Ngô tưởng là không mang lại hiệu quả đáng kể nhưng thật sự lại đưa chế độ Diệm vào đường cùng. Với những người tin vào thuyết lý số và thuyết âm đức thì năm 1963 đúng là năm chót trong cái đại vận “Phát giả như lôi” thụ hưởng phú quý tột đỉnh của anh em nhà Ngô để bước vào chu kỳ "Tán gia bại quốc" mang lại nhục nhã cho dòng họ.
Thật thế, nếu Ngô Đình Thục còn ở Vĩnh Long thì có lẽ vụ cấm treo cờ Phật giáo đã chưa xảy ra không ngờ Toà thánh La mã dưới trĩu đại Giáo Hoàng Paul 6 lại thuyên chuyển Ngô Đình Thục ra giáo phận Huế, nơi mà đại đa số dân chúng đều theo đạo Phật, nên nhà Ngô mới bị sa lầy sớm. Đổi Ngô Đình Thục ra Huế, Toà thánh La mã chỉ muốn Thục, vốn đã làm cho Giáo hội chịu nhiều tai tiếng xấu xa trong cộng đồng thế giới phải xa lánh thủ đô, xa tai mắt ngoại giao đoàn, xa ký giả quốc tế và xa khối trí thức Việt nam đông đảo tại Sài gòn, không ngờ các hảo ý của Toà thánh La mã lại biến thành cái đại hoạ cho nhà Ngô.
Tất cả bắt đầu vào ngày 6-5-1963 khi Tổng giám mục Ngô Đình Thục đi thăm nhà thờ La Vang. Dọc đường, đâu đâu Thục cũng thấy cờ Phật giáo tung bay khắp thị thành thôn xóm để chào mừng Phật Đản trong hai ngày nữa. Cờ Phật mà còn nhiều thì cái mộng Hồng y của Thục khó sớm thành sự thực vì đã nhiều lần Thục lỡ phúc trình với Toà thánh là dân Việt nam ngày càng cải đạo, càng hướng về Giáo hội La mã. Nhưng thực tế hôm đó hiện diện trước mắt là cờ Phật giáo tràn ngập khắp nơi đã làm cho Thục giận lắm nên khi trở về Huế, Thục cho gọi Đại biểu Chính phủ Trung phần là Hồ Đắc Thương đến Toà giám mục để Thục khiển trách rồi gọi điện thoại viễn liên vào Sài gòn báo cho em là Tổng thống Diệm biết tình hình, và đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện Phật tử cũng như các chùa đã không tuân theo luật lệ quy định thể thức treo cờ của chính phủ. Theo luật lệ treo cờ của chính phủ Diệm, cờ tôn giáo không được treo ngoài khuôn viên chùa chiền, nhà thờ hoặc các cơ sở tôn giáo... Khốn nỗi thể lệ treo cờ của chính phủ đã được ban hành từ lâu mà không một tôn giáo nào tuân theo, nhất là chính tôn giáo của ông Tổng thống đã nêu gương vô kỷ luật trước hết và nhiều nhất. Hơn nữa, năm ngoái, năm 1962, Phật giáo cũng treo cờ như năm nay mà không thấy chính phủ khuyến cáo gì cả. Tôi còn nhớ năm 1959, từ ngày 16 đến 18 tháng 2, tại thủ đô Sài gòn và khắp cả nước, Giáo hội công giáo Việt nam tổ chức đại hội Thánh Mẫu và lễ nâng nhà thờ Đức Bà Sài gòn lên hàng Vương Cung thánh đường vô cùng trọng thể dưới quyền chủ toạ của Hồng y Agagianan (đại diện Toà thánh La mã). Cờ Toà thánh và ảnh tượng Đức Mẹ trưng bày khắp thủ đô, tràn ngập cả công viên trước dinh Độc lập từ đường Công Lý đến tận Sở Thú. Ngày 17 tháng 8 năm 1961 tại La Vang, nhân dịp kỷ niệm lễ Đức Mẹ hiện ra cách đây 160 năm và khánh thành Vương Cung thánh đường La Vang, những khải hoàn môn trưng bày ảnh tượng Đức Mẹ và cờ Công giáo kéo dài từ thành phố Huế đến thành phế Quảng Trị dọc theo Quốc lộ một.
Rồi đến lễ khánh thành ngôi nhà thờ Huế do Ngô Đình Thục xây cất, và tiếp theo là lễ Ngân khánh của Ngô Đình Thục, cờ Công giáo lại tràn ngập cả thành phố Huế, nhất là về phía hữu ngạn sông Hương. Dân cả nước ai lại không thấy rằng hễ mỗi lần Công giáo có lễ lạt là cờ Công giáo treo ra ngoài khuôn viên nhà thờ, trên đường phố công cộng và nhiều khi trên cả các cơ sở quốc gia. Dưới chế độ Diệm, trong mỗi doanh trại quân đội đều có nhà thờ mà hễ đến ngày lễ Noel là cờ Công giáo treo khắp doanh trại, trước cổng trại lại có cả khải hoàn môn. Dân chúng làm sao quên được hình ảnh những vùng như Hố Nai, Gia Kiệm, Ngã Ba ông Tạ, Ngã Ba Chú ía, chung quanh Lăng Cha Cả, cả những vườn hoa, những đại lộ trước toà Đô chính Sài gòn tràn ngập ảnh tượng và cờ Công giáo trong những ngày lễ Giáng Sinh. Chính vì Công giáo đã đầu tiên và liên tục đạp lên trên luật lệ treo cờ của chính phủ đến nỗi sau vụ cờ Phật giáo tại Huế, ngày 15 tháng 5 năm 1963, Giám mục Nguyễn Văn Bình đã phải ra thông báo nhắc nhở giáo dân: "Cờ của Toà thánh Vatican chỉ được treo trong nhà thờ hoặc những cơ sở của Hội Thánh".
Người Công giáo trắng trợn vi phạm luật treo cờ thì anh em ông Diệm chẳng những không bao giờ đả động đến mà còn lấy làm sung sướng vì sự ưu thế có tính cách hình thức đó, thế mà năm 1963, Phật tử treo cờ nhân ngày Phật Đản thì Ngô Đình Thục tức giận đặt vấn đề thể lệ treo cờ.
Sau khi nghe ông anh phiền trách việc Phật kỳ tung bay khắp nơi, ông Diệm nổi nóng gọi ngay Đổng lý Văn phòng là ông Quách Tòng Đức (hiện ở Pháp) bảo đánh điện cho toà Đại biểu Chánh phủ tại Huế và khắp các tỉnh ra lệnh phải hạ cờ Phật giáo. Một lần nữa, quyết định này cho ta thấy anh em nhà Ngô rõ ràng thiếu ý thức chính trị vì đã không đánh giá được bản chất và hệ quả của một quyết định liên hệ đến một nhân văn rất tế nhị, nhất là tại một địa phương như Thừa Thiên; và không có khả năng lãnh đạo quốc gia vì đã không nắm vững được giá trị của quyết định trên cả hai mặt hành chính pháp lý và thực trạng xã hội. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau đó, ngày 7 tháng 5, trong lúc dân chúng Huế và Thừa Thiên sửa soạn làm lễ Phật Đản thì cảnh sát đến tận nhà buộc dân chúng phải hạ cờ Phật giáo. Trước biện pháp bất công và bất minh đó của chính quyền, vài ngàn Phật tử bèn tự động tổ chức kéo tới toà Tỉnh trưởng Thừa Thiên và yêu cầu Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đăng can thiệp để Phật kỳ khỏi bị hạ. Tỉnh trưởng giải thích “đã có sự hiểu lầm của cấp trên", rồi ra lệnh cho treo Phật kỳ trở lại nên dân chúng tự động giải tán ra về. Sở dĩ có biện pháp đó là Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đăng đã gặp Ngô Đình Cẩn và được Cẩn ra lệnh “Phật tử đã lỡ treo cờ rồi thì cứ để cho họ treo”. Vấn đề đặt ra là tại sao một người đã làm đến Tổng giám mục như Ngô Đình Thục, tại sao một người đã làm đến Thượng thư Bộ Lại rồi làm đến Tổng thống như Ngô Đình Diệm mà lại sai lầm một cách tuy ấu trĩ nhưng lại trầm trọng đến thế? Câu trả lời dĩ nhiên nằm trong cái liên hệ sống chết và cốt tuỷ quá chặt chẽ giữa dòng họ Ngô Đình với Hội truyền giáo hải ngoại Pháp, vì anh em nhà Ngô đã được đào tạo và nuôi dưỡng bởi một Giáo hội có quá nhiều cấp lãnh đạo coi “chấp ngã" như một tôn chỉ bất di bất dịch, là một phần của cái bản ngã có tính thiên hựu, chỉ thấy cái Ta đúng, ngoài Ta ra tất cả đều sai lầm. Sử liệu đã cho ta vô số sự kiện nói về bệnh chấp ngã của Toà thánh La mã. Ở đây, ta hãy nghe một lời dẫn chứng của học giả Merle Sever trong bài The World of Luther: Toà thánh La mã đòi hỏi một sự phục tùng bất khả tư nghị. "Tôi sẽ phải tin rằng vật màu trắng mà tôi thấy là màu đen, nếu Giáo hội quyết định đó là màu đen”. Ông Ignatius Loyala, sáng lập dòng Jesuite đã nói như thế. Giáo hoàng Paul IV cũng xác định rằng: “Ngay nếu cả cha ruột tôi là người phản đạo tôi cũng se đi lượm củi để đốt ông ta”. Và đặc biệt trên tương quan thế quyền và giáo quyền, để chính xác áp dụng cho trường hợp của anh em ông Diệm, ta hãy nghe giáo sư Malachi Marin, một vị tu xuất dòng Jesuite, viết về niềm tin giáo điều sắt đá của Giáo Hoàng Leo III: "Xác định một cách công khai rằng tất cả các quyền lực chính trị trên thế gian này yêu do Chúa ban cho; và chỉ được ban cho cá nhân nào hay chính phủ nào qua trung gian của vị đại diện Đức Chúa Trời vốn là vị Hồng y La mã, mà cũng là kẻ kế vị thánh Pherô".
Cho nên mù quáng trước điều mà họ cho là chân lý bất di bất dịch đó, rồi lại riêng cá nhân Thục mang tham vọng trở thành Hồng y, anh em ông Diệm chỉ thấy khi cờ Phật giáo treo không đúng với thể lệ nhà nước là một hành động thách thức chân lý đó mà không cần biết đến chính tôn giáo của mình và chính Tổng giám mục Ngô Đình Thục đã vi phạm trắng trợn luật treo cờ từ chín năm nay rồi.
Ngày 8 tháng 5, các chùa tại Huế cứ hành lễ Phật Đản và rước Phật trọng thể từ chùa Từ Đàm qua chùa Diệu Đế. Sau lễ Phật, trong bài thuyết pháp, Thượng toạ Trí Quang đề cập đến chủ trương kỳ thị của chính quyền nhằm đàn áp Phật giáo từ 9 năm qua, nay lại ra lệnh cấm treo cờ tôn giáo, rõ ràng nhắm riêng vào Phật giáo. Thượng toạ Trí Quang cũng có nhắm đến cờ Công giáo treo khắp đường phố vào các dịp lễ sao không cấm mà lại cấm đúng vào ngày Phật Đản. Nhiều đoàn thể Phật tử yêu cầu chính quyền cho phát thanh lại bài thuyết pháp của Thượng toạ Trí Quang, nhưng Giám đốc Đài phát thanh Huế là ông Ngô Ganh, một công giáo Cần lao, không chịu nên vài ngàn Phật tử kéo đến đài để trực tiếp yêu cầu. Phó Tỉnh trưởng Nội an là thiếu tá Đặng Sĩ, một “Cần lao công giáo” khác, cũng huy động lính Bảo an và cả thiết giáp tới để thị uy.
Không ngờ trong lúc Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đăng, ông Ngô Ganh và Thượng toạ Trí Quang đang thảo luận để tìm một giải pháp dung hoà thì nhiều tiếng súng và một quả lựu đạn phát nổ làm cho 7 thường dân chết, 5 binh sĩ và một thường dân bị thương. Máu đã đổ, cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt nam bắt đầu, biến cố Phật giáo mùa hè năm 1963 phát động từ đó.
Tôi cần phải nói rõ và nói lớn ở đây rằng cuộc đấu tranh của Phật giáo tuy phát động từ sự kiện treo cờ nhưng nguyên uỷ thật sự, động cơ sâu sắc của nó thật ra đã xuất hiện từ lâu, từ khi anh em ông Diệm tiến hành chính sách tiêu diệt các tôn giáo khác cho Thiên chúa giáo được ngôi vị độc tôn trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người Việt.
Sau vụ đàn áp Phật tử tại Đài phát thanh Huế, tăng ni, Phật tử họp tại chùa Từ Đàm đưa ra năm nguyện vọng để xin chính phủ giải quyết:
1) Xin chính thức rút lại lệnh cấm treo cờ.
2) Xin được tự do hành đạo như Thiên Chúa giáo.
3) Xin bãi bỏ dụ số 10 xem Phật giáo như là hiệp hội.
4) Xin chấm dứt các vụ khủng bố, đàn áp Phật giáo.
5) Xin bồi thường cho các nạn nhân tại Đài phát thanh Huế, và trừng trị kẻ đã gây ra đổ máu.
Nguyện vọng gởi đi đã 8 ngày mà chính phủ vẫn không hồi âm, đã thế còn ra thông cáo bảo rằng thủ phạm ném lựu đạn là một tên Việt cộng dù không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào. Năm nguyện vọng đó rõ ràng chỉ nhằm vào một mục tiêu rất chính đáng và hợp pháp là công bằng xã hội (điều 2, 4 và 5) và chấm dứt chủ trương đàn áp tôn giáo của thực dân Pháp để lại (điều 1 và 3).
Nhận thấy rằng Tổng thống Diệm không có một chút thiện chí nào, tăng tín đồ Phật giáo ngày 10 tháng 5 năm 1963 công bố bản Tuyên ngôn để minh định lập trường và xác định lại những nguyện vọng của mình. Ngày 16 tháng 5, Phật giáo mở một cuộc họp báo tại chùa Xá Lợi có bộ trưởng Công dân Vụ Ngô Trọng Hiếu tham dự, để trình bày năm nguyện vọng và nói rõ thái độ của Tổng thống Diệm trong cuộc hội kiến hôm qua tại dinh Gia Long. Trong cuộc họp báo này, ông Ngô Trọng Hiếu chỉ lặp đi lặp lại một lối giải thích: Tổng thống Diệm chỉ muốn cho “quốc kỳ được tôn trọng” mà không hề đề cập đến những nguyện vọng của Phật giáo.
Ngày 23 tháng 5, trước những đánh phá độc hại của bộ máy thông tin của chính quyền với luận điệu cho rằng cuộc đấu tranh của Phật giáo đổ là do Cộng sản điều động và chỉ làm lợi cho Việt cộng, Phật giáo cho phổ biến bản Tuyên ngôn thứ nhì với một bản phụ đính xác định rất rõ ràng vị thế nạn nhân của Phật giáo trong những thủ đoạn tuyên truyền của chính phủ. Ba tuần lễ trôi qua, chính phủ vẫn quyết liệt giữ lập trường cũ và ra thông tư xác nhận quan điểm về vấn đề tôn giáo là "không kỳ thị, tôn trọng tự do tín ngưởng, chỉ huy định việc treo cờ vì tôn trọng quốc kỳ", thông tư cũng không hề đả động đến năm nguyện vọng chính đáng và khiêm tốn của Phật giáo. Trong lúc đó thì ngày 29 tháng 5, lực lượng an ninh vẫn siết chặt vòng đai ở chùa Từ Đàm, nơi mà sinh viên và Phật tử thường tụ hợp đông đảo để ủng hộ cho những đòi hỏi của Phật giáo. Đồng thời chính quyền cho cắt điện và nước ở ngôi chùa này.
Trước thái độ ngoan cố của chính phủ, ngày 30 tháng 5, Phật giáo tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân tại chùa Xá Lợi và chùa ân Quang, các tăng ni và Phật tứ tuyệt thực 48 giờ, đồng thời 300 tăng ni biểu tình trước Quốc hội với những khẩu hiệu yêu cầu của chính phủ thoả mãn năm nguyện vọng của Phật giáo.
Thấy tình hình đã bắt đầu căng thẳng, ngày 1 tháng 6, chính phủ Diệm thay đại biểu Trung phần Hồ Đắc Thương, Tỉnh trưởng Thừa Thiên Nguyễn Văn Đáng, là những người mà chính phủ cho là nhu nhược, bằng các ông Nguyễn Xuân Thượng (nguyên Tổng giám đốc điền địa) và thiếu tá Nguyễn Mâu (Cần lao công giáo) để hai nhân vật này hành động quyết liệt hơn trong việc đàn áp Phật giáo. Chính phủ cũng triệu hồi thiếu tá Đặng Sĩ về Bộ Nội vụ “để chờ lệnh”.
Trước tình hình nghiêm trọng đó, Bác sĩ Trần Kim Tuyến, dù lúc này đã bị thất sủng không còn quyền hành ảnh hưởng gì nữa, nhưng phần vì ông quen biết nhiều trong giới Phật giáo như Thượng toạ Tâm Châu, các cư sĩ Phật giáo người Bắc di cư, cụ Mai Thọ Truyền (vốn là chuyên viên Phủ Tổng thống) phần vì muốn hoà giải thật sự giữa chính phủ và Phật giáo nên ông đưa ra sáng kiến thành lập Uỷ ban cao cấp của hai bên để thảo luận hầu giải quyết mọi vấn đề. Do đó bên chính phủ thành lập Uỷ ban Liên Bộ, và bên Phật giáo hình thành Uỷ ban liên phái có tư cách đại diện chính thức và có thẩm quyền thương nghị. Uỷ ban Liên Bộ có Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và các ông Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương, Bộ trưởng Quốc phòng Nguyễn Đình Thuần. Còn Uỷ ban liên phái do Thượng toạ Tâm Châu cầm đầu với các Thượng toạ Thiệu Hoa, Thiện Minh, Huyền Quang và Đại Đức Thích Đức Nghiệp. (Sáng kiến của Bác sĩ Tuyến được Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần trình cho hai ông Diệm-Nhu). Trong khi hai Uỷ ban đang tiến hành những buổi hợp thì lực lượng an ninh vẫn bao vây chùa chiền và gia tăng các biện pháp cắt điện, cắt nước tại các chùa lởn ở Huế và Đà Nẵng. Riêng tại chùa Tỉnh Hội Nha Trang, cảnh sát và công an còn chăng kẽm gai chặn đường các Phật tử vào chùa và cản trở việc đi lại của các tăng ni từ Sài gòn về các tỉnh và ngược lại. Cho đến ngày 7 tháng 6, Uỷ ban Liên bộ mới công nhận sự kiện thiếu nghiêm chỉnh đó và gởi văn thư trả lời cho Uỷ ban Liên phái là đã cho cấp lại điện nước và quân đội không chặn đường vào chùa nữa. Tất cả những văn thư của hai Uỷ ban đều có đăng tải trên báo Việt ngữ tại Sài gòn.
Nhưng dù có văn thư chính thức của Uỷ ban Liên bộ, những hành động chống phá Phật giáo vẫn tiếp tục xảy ra tại các địa phương và ngay giữa thủ đô Sài gòn. Độc hại hơn nữa, chính quyền đã cho một số công an và cảnh sát cạo đầu, giả vờ mặc áo nâu hay áo lam của tăng sĩ để ra chợ chọc gái, ăn thịt, uống rượu, mua hàng không chịu trả tiền... nhằm mục đích bôi lọ các nhà sư và xuyên tạc cuộc đấu tranh của Phật giáo.
Để đối phó với thái độ phá hoại đó của chính quyền, Phật giáo đành phải lấy những hành động hy sinh quyết liệt hơn mong cảnh tỉnh chính phủ để khai thông đâu óc giáo điều của cấp lãnh đạo chính phủ. Ngày 11 tháng 6 năm 1963, trước vài trăm tăng ni tụ họp tại ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng, Sài gòn, Hoà thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu, hy sinh nhục thể để hiến mình cho chánh pháp. Người ta thấy Hoà thượng từ trong một chiếc xe bước ra và từ từ tiến tới đám đất trống quì xuống, hai tay chấp trước ngực, miệng khoan thai tụng niệm. Một nhà sư trẻ khác xách một thùng xăng tưới và thân thể Ngài. Hoà thượng châm lửa đốt. Lửa đỏ bốc lên cao nhưng Hoà thượng vẫn ngồi trong tư thế kiết già cho đến khi ngọn lửa bao trùm lấy thân thể. Ngài mới té nghiêng mà hai tay vẫn chắp vào nhau trong sự biểu hiện của Từ Bi, Trí Tuệ và Đại Hùng. Sự hy sinh cao cả của Hoà thượng Thích Quảng Đức, sự hy sinh mà suốt chiều dài lịch sử hai ngàn năm của Phật giáo, lần đầu tiên mới xảy ra đã làm chấn động tâm thức của dân tộc:
Lửa! Lửa cháy ngất toà sen!
Tám chín phương nhục thể trần tâm
hiện thành thơ quì cả xuống
Hai vầng sáng rưng rưng
Đông Tây nhòe lệ ngọc
Chắp tay đón một Mặt Trời Mới Mọc
ánh đạo vàng phơi phới đang bùng lên, dâng lên.
Thương chúng sinh trầm luân bể khổ
Người về phăng đêm tối đất dày
Bước ra ngồi nhập định hướng về Tây
Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ
Phật giáo chẳng rời tay...
(Trích từ "Lửa Từ Bi của Vũ Hoàng Chương, sáng tác để tưởng niệm Hoà thượng Thích Quảng Đức).
Anh em Ngô Đình Diệm và những kẻ chỉ biết dùng bạo lực để đối phó với tình thương đã không biết hoặc không thèm để ý đến nghĩa cao đẹp và mục tiêu vị tha đó nên sự hy sinh cao quý của Hoà thượng Thích Quảng Đức đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm đánh giá như một sự khiêu khích mà thôi.
Trên mặt quần chúng, ngọn lửa tự thiêu của Hoà thượng Quảng Đức đã thúc đẩy thêm ngọn lửa chống đối chế độ Cần lao công giáo. Tổng thống Diệm vội vã gởi thông điệp kêu gọi dân chúng bình tĩnh, trong đó có câu: Mọi sự khó khăn sẽ được giải quyết trên "căn bản lương tri và ái quốc, trong tình đoàn kết huynh đệ. Không nên tin có âm mưu trì hoãn giải quyết các vấn đề sau lưng Phật giáo trong nước hãy còn Hiến pháp, nghĩa là có tôi".
Sau khi thông điệp của Tổng thống được công bố vào ngày 14-6-1963, hai Uỷ ban liên bộ và liên phái lại tái họp tại Hội trường Diên Hồng. Cũng ngày ấy, Hội đồng tướng lĩnh ra thông báo kêu gọi "đoàn kết, bình tĩnh, tránh sự hiểu lầm, đặt quyền lợi quốc gia trên hết, và mong các vấn đề được giải quyết trong tình huynh đệ.
Ngày 16-6-1963, để tìm hậu thuẫn của công luận khách quan của thế giới và để bảo đảm thêm sự an toàn của cuộc đấu tranh, gần 200 tăng ni đã tập họp biểu tình trước Toà đại sứ Hoa kỳ yêu cầu ủng hộ Phật giáo đạt được năm nguyện vọng. Đồng thời, độ ba ngàn đồng bào đến chùa Giác Minh để dự tang lễ Hoà thượng Quảng Đức, nhưng đám tang đã phải dời lại vì bị cảnh sát dã chiến dùng lựu đạn cay giải tán. Sự xô xát này gây cho cảnh sát bị thương 12 người và dân chúng bị bắt 251 người. Cũng cùng ngày, hai Uỷ ban liên bộ và liên phái, sau ba ngày đêm thảo luận, đã hình thành một bản thông cáo chung xác định những điểm đã thoả thuận về cách thức treo Quốc kỳ và Phật kỳ, xét lại dụ số 10 về quy chế tôn giáo, điều tra các vụ bắt bớ và khoan hồng với những người tranh đấu cho Phật giáo, dành mọi dễ dàng cho các hoạt động tôn giáo, trừng trị nhân viên có lỗi, bồi thường cho các nạn nhân. Bản thông cáo này có mang chữ ký và triện của Tổng thống Diệm.
Sau bản thông cáo chung đó, để chứng tỏ thiện chí hoà hợp với chính phủ, Uỷ ban liên phái bèn quyết đính hạn chế số người tham dự đám tang Hoà thượng Quảng Đức chỉ còn 300 tăng ni và các nhà báo mà thôi để tránh sự tụ họp quá đông đảo của quần chúng, là cơ hội cho những phần tử phá hoại hoặc đặc công Việt cộng lợi dụng xách động. Do đó tang lễ của Hoà thượng Quảng Đức đã được cử hành một cách tranh trọng trong trật tự, không có một đụng độ nào giữa nhân viên công lực và dân chúng. Sau khi nhục thể của Hoà thượng được hoả thiêu tại lò An Dưỡng Địa Phú Lâm, Xá Lợi của Ngài được đựng trong bình mang về thờ ở chùa Xá Lợi.
Rõ ràng là với sự hình thành của bản thông cáo chung và hình thức trang nghiêm giản dị của tang lễ Hoà thượng Quảng Đức, Phật giáo đủ để xác định một thái độ chính trị, nếu gọi đó là chính trị, rất minh bạch và hợp lý.
Với thiện chí của Uỷ ban liên phái, nếu chính phủ quả thật muốn giải quyết vấn đề Phật giáo theo tinh thần “huynh đệ” thì chỉ cần chính phủ thi hành ngay những điều khoản trong thông cáo chung, những điều khoản đơn giản, hợp pháp, chính đáng, mà với tư cách một Tổng thống đã được Quốc hội uỷ cho toàn quyền hành động, có thể giải quyết ngay vụ Phật giáo trong một ngày là xong.
Khốn nỗi thông cáo chung ra đời ngày 16-6-1963 mà mãi đến 28 tháng 6, nghĩa là 12 ngày sau, Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ mới thông báo cho Uỷ ban liên phái biết rằng: "Bộ nội vụ sẽ ra nghị định về việc treo cờ, dụ số 10 sẽ được áp dụng “linh động”, một số sinh viên và Phật tử đã bị bắt sẽ được thả nhưng có một số sinh viên phải ra Toà, chỉ Bộ Nội vụ mới được quyền kiểm tra các chùa chiền, hồ sơ tạo mãi sẽ được xét mau lẹ, việc bồi thường các nạn nhân phải đợi điều tra”.
Nội dung bức thư đã nói lên một cách dứt khoát thái độ của chính phủ không muốn thi hành thông cáo chung: tại sao dụ số 10 lại được áp dụng một cách “linh động”?, tại sao chưa chịu bồi thường cho các nạn nhân mà còn phải đợi điều tra?, tại sao không nói đến trường hợp của thiếu tá Đặng Sĩ, người đã gây ra vụ đổ máu ở đài phát thanh Huế? tại sao chính phủ chỉ lo thể lệ treo cờ, lo kiểm tra chùa chiền còn những nguyện vọng căn bản và hành đạo của Phật giáo lại không được thoả mãn? Trong lúc đó bà Ngô Đình Nhu lặp đi lặp lại nhiều lần lời tuyên bố vỗ tay hoan nghênh các vụ tự thiêu mà bà ta gọi là những vụ nướng thịt" (barbecue) và "nếu ai còn muốn tự thiêu mà thiếu dầu xăng thì tôi sẽ cho". Sau văn thư của Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ lộ rõ âm mưa trì hoãn việc thi hành Thông cáo chung lại đến những thủ đoạn của chính quyền muốn tiêu diệt lực lượng Phật giáo Việt nam mà lúc bấy giờ Uỷ ban liên phái đang là đại diện. Một trong những thủ đoạn đó là xuyên tạc tính chất đại diện chính thức và chính đáng của Uỷ ban liên phái. Ngày 20-6-1963, nghĩa là mười ngày sau khi thông cáo chung ra đời, chính phủ tập hợp các tăng sĩ thuộc phái Cổ Sơn Môn tại Phú Thọ Hoà dưới quyền chủ toạ của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Bùi Văn Lương để lập kiến nghị ủng hộ chính phủ và đặc biệt đánh điện qua Tích Lan yêu cầu Giáo hội Phật giáo Thế Giới "can thiệp và ngăn cản” cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt nam. Đồng thời cũng được phối hợp trong ngày hôm đó, Ngô Đình Nhu và Cao Xuân Vỹ huy động Thanh niên cộng hoà tổ chức một cuộc biểu tình có cảnh sát hộ tống, yêu cầu Tổng thống Diệm duyệt lại bản thông cáo chung. Ngày 26-6 Thượng toạ Thiện Minh gởi văn thư lên chính phủ phản đối sự kiện “bản Thông cáo chung không được thi hành và chính quyền đã có những hành động, những âm mưu không muốn thoả hiệp”. Tại miền Trung, các chính quyền địa phương vẫn tổ chức mít tinh lên án Phật giáo vẫn cản trở việc đi lại của các tăng ni, vẫn phong toả chùa chiền"...
Trong lúc cuộc tranh chấp đang đi vào giai đoạn căng thẳng vì thái độ ngoan cố của chính quyền và nhất là vì các thành phần khác của dân tộc, ý thức được tính cách liên đới ruột thịt với Phật giáo dở dang chống bạo quyền nên đã công khai và đông đảo ủng hộ, thì ngày 5 tháng 7, chính phủ Diệm lại phạm thêm một lỗi lầm chính trị lớn khác bằng quyết định đem 19 quân nhân và 34 nhân sĩ của vụ "phản loạn Nhảy dù 11-11-60" ra xét xử tại Toà án quân sự đặc biệt Sài gòn. Quyết định của anh em ông Diệm nhằm vào thời điểm đặc biệt để phát xuất từ tính chủ quan mù quáng tưởng có thể dùng vụ án như một hình thức cảnh cáo để hăm doạ trí thức, sinh viên và đảng phái đang mỗi ngày một đông đảo ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo. Từ đó, vấn đề đang được giới hạn trong một tôn giáo và những qui chế đặc thù có tính xã hội bỗng trở thành một cuộc khủng hoảng của tính chính trị và liên hệ đến mọi thành phần khác của đại khối dân tộc.
Ngày 7 tháng 7, trong lúc dinh Gia Long đang hân hoan yến tiệc kỷ niệm “Song Thất” thì trong một căn phòng cô đơn của Thủ đô Sài gòn nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam uống độc dược để kết liễu đời mình với lời di chúc sang sảng hào hùng như bản án kết tội phản quốc của chế độ Ngô Đình Diệm: Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử cả. Sự việc đem các đảng phái quốc gia đối lập ra xét xử là một trọng tội với quốc gia, chỉ đưa đất nước rơi vào tay Cộng sản. Vì thế tôi tự huỷ mình cũng như Hoà thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu là để cảnh cáo những ai chà đạp mọi thứ tự do. Ký tên: Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, ngày 7-7-1963.
Ngày 12-7, đại tá Đỗ Cao Trí, em ruột của Dân biểu gia nô Đỗ Cao Minh, được thăng thiếu tướng, và được đặc cử giữ chức Tư lệnh Quân đoàn I thay thế cho tướng Lê Văn Nghiêm bị nghi ngờ thân Phật giáo, để Trí thẳng tay đàn áp cuộc tranh đất ở Huế và miền Trung.
Ngày 23-7, trung tá Trần Thanh Chiêu, một Cần lao công giáo giám đốc nha Dân vệ, điều động 100 dân vệ và thương phế binh đến biểu tình trước chùa Xá Lợi chăng biểu ngữ đòi hỏi "đoàn kết để tránh sự lợi dụng của Việt cộng”.
Ngày 3-8, trong lời hiệu triệu Phụ nữ bán quân sự bà Ngô Đình Nhu lên án những vụ tranh đấu tôn giáo và qua ngày 8-8, để gián tiếp trả lời câu khiển trách “thiếu lễ độ đối với Phật giáo” của thân phụ là Đại sứ Trần Văn Chương trên đài VOA ngày 6-8, bà Nhu nhận là có thiếu lễ độ nhưng cho đó là một thái độ cần thiết. Bà cũng cám ơn ông Đại sứ đã cho bà một dịp để bà tỏ ý kiến(?). Ngày hôm sau, 9-8 bà Nhu lại trả lời cuộc phỏng vấn của tờ New York Times bằng lập trường: "Quyết liệt đối phó với cuộc tranh đấu hiện nay của Phật giáo”.
Theo David Halberstan, sau khi thông cáo chung ra đời, trong một buổi ăn sáng tại dinh Gia Long, bà Nhu đã nặng lời trách móc ông Diệm: "Anh đã đánh tan Bình Xuyên, đánh bại Hoà Hảo, dẹp yên Nhảy dù mà bây giờ anh lại chịu thua mấy tên nhà sư khốn nạn không có một tấc sắt trong tay. Anh là đồ hèn, anh là sứa". Bị bà Nhu nặng lời chỉ trích, ông Diệm chỉ còn biết phân trần với em dâu: "Thím không hiểu rõ vấn đề, vụ Phật giáo còn liên hệ rắc rối với quốc tế, chúng ta sẽ giải quyết".
Không riêng ở Sài gòn ông Nhu đòi "duyệt lại bản thông cáo chung", bà Nhu đòi "đối phó quyết liệt với vụ tranh đấu của Phật giáo”, mà tại Huế, ông Ngô Đình Thục cũng khinh thường cuộc đấu tranh của Phật giáo, coi quyết tâm vùng lên sau bao năm bị áp bức đó chỉ như “một ngọn lửa rơm, bừng lên rồi tắt, có chi mà sợ" (theo "Bên dòng lịch sử" của Cao Văn Luận). Trước dã tâm của anh em nhà Ngô và mặc dù lực lượng an ninh được tăng cường khắp nơi (riêng tại Sài gòn, chính phủ đưa về hai tiểu đoàn Thuỷ quân lục chiến và hai tiểu đoàn Nhảy dù) phong trào đấu tranh càng trở nên kiên cường, toàn diện và mãnh liệt hơn. Tại nhiều tỉnh, các Đại Đức, ni cô tiếp tục tự thiêu, các Phật tử tiếp tục biểu tình, tuyệt thực, các sinh viên y khoa, luật khoa, học sinh các trường Chu Văn An, Trương Vĩnh Ký, Gia long, Trưng Vương... xuống đường hội thảo. Sư bà Diệu Huệ, thân mẫu của Đại sứ Bửu Hội cũng đòi tự thiêu và nữ sinh Mai Tuyết An, 18 tuổi ở Nghị Nghè, sau khi đi chùa về đã cầm dao chặt tay để phản đối lời tuyên bố của bà Nhu. Nhiều đảng viên của các đảng Đại Việt, Việt Quốc, Duy Dân ở Sài gòn và các tỉnh đã tích cực hoạt động yểm trợ cho Phật giáo. Đặc biệt giới trí thức và nhân sĩ dù âm thầm hay công khai đều chống lại nhà Ngô mà điển hình là giáo sư Phạm Biểu Tâm, Khoa trưởng đại học Y khoa, một nhân vật có uy tín lớn lao được giới trí thức và sinh viên rất trọng vọng (đã hai lần được ông Diệm mời làm Bộ trưởng mà vẫn từ chối) và một số giáo sư bị bắt. Linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại học Huế, vì ủng hộ phong trào sinh viên tranh đấu nên cũng bị cắt chức ngày 16-8-1963.
Đến đây thì cuộc tranh đấu đã thật sự có tầm vóc quốc gia. Những phẫn uất câm nín, những đày đoạ nhọc nhằn, những áp bức tàn bạo bị dồn nén từ chín năm nay trên mọi miền đất nước, trong mọi tấm lòng của nhân dân đã nổ bùng lên, kết hợp với phong trào đấu tranh của Phật tứ để trực diện đối phó với một chính quyền lạnh lùng và hiểm độc. Những danh từ mỹ miều của ông Diệm như “lương tri”, như “giải quyết trong tình huynh đệ” đã bị chính ông và tập đoàn Cần lao công giáo do anh em ông lãnh đạo chà đạp xuống đất. Dân cúng vốn đã không tin vào "thành tín" của ông, vốn đã kinh qua trăm đắng ngàn cay do chế độ ông tác hại, thì giờ đây sự công phẫn tích tụ từ lâu chỉ có thể biểu hiện bằng một thái độ mà thôi: Những kẻ bị đàn áp cũng đứng chung một chiến tuyến để chống lại tập đoàn thống trị.
Ngay cả nhà tôi dù suốt đời vẫn quen sống trong nhà thủ phận nuôi chồng nuôi con, một năm chỉ lên chùa vào ngày Tết và lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, và dù biết chồng là một cán bộ rường cột của Tổng thống Diệm nhưng trước hành động hung hãn của nhóm " Công giáo Cần lao" khi đối với các nhà tu hành cô thế, cũng đã bí mật gia nhập vào các hoạt động quần chúng để giúp các chùa trong cơn Pháp nạn tại Nha Trang nơi nhà tôi và các con nhỏ đang cư ngụ lúc bấy giờ. Tại thành phố nhỏ này, từ ba tháng nay nhiều chùa đã bị canh phòng theo dõi, riêng chùa Tỉnh Hội, ngôi chùa lớn nhất Khánh Hoà bị cô lập, cúp điện, cúp nước và bị cắt đứt mọi nguồn tiếp tế của Phật tử. Nhiều tăng ni bị đánh đập, trói lại và giam tại quân lao, còn Thầy trụ trì và Thầy Hội trưởng Thích Đức Minh thì bị tra khảo mang thương tích nặng nề. Do đó, một mặt nhà tôi bí mật liên lạc với các nhân sĩ có uy tín tại Nha Trang như gia đình cụ Thượng thư Trí Sĩ Tôn Thất Toại, cụ Phủ Tâm, Huyện Tùng (thân sinh của lãnh tụ sinh viên trường Luật Nguyễn Hữu Doãn), cụ Bùi Liên (thân phụ giáo sư Bùi ái hiện ở Pháp), gia đình cụ Võ Đình Dung, Võ Đình Thuỵ, gia đình bác sĩ Trần Kiêm Phán, gia đình ông Phó Tỉnh trưởng Lê Bá Chân, gia đình Giáo sư Ưng Trung... bí mật lập Uỷ ban cứu đói gần 300 tăng ni và Phật tử đang bị bao vây trong ngôi chùa Tỉnh Hội. Nhà tôi còn tác động tinh thần đại uý Lê An có nhà ở cạnh chùa để dùng làm trạm liên lạc với chùa và để chứa thực phẩm hầu chuyển vào chùa trong đêm khuya.
Mặt khác cùng với một số đông đảo quân nhân Phật tử, nhà tôi tổ chức một cuộc "vượt ngục" cho các nhà sư đang bị giam ở quân lao, đưa thầy Hội trưởng về nhà riêng ẩn trốn để thầy tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh cho đến ngày 1-11-63 bùng nổ.
Trong lúc đó thì bề ngoài tôi vẫn hành xử như một Giám đốc nha An ninh quân đội của chế độ nhưng bề trong thì con người cán bộ tiền phong xa xưa của tổ chức Ngô Đình Diệm bắt đầu trỗi dậy để tìm phương thế cứu lấy thầy mình trong cơn hoạn nạn. Nếu con người của chế độ đã chán chường bất mãn thì con người cán bộ lại thao thức băn khoăn vì thương thế duy nhất mà tôi suy nghĩ phải đủ cứng rắn để tỉnh thức ông Diệm dù trong cái liên hệ thắm thiết giữa ông và tôi từ 20 năm qua chỉ có một điểm không tương đồng, đó là niềm tin tôn giáo.
Thật vậy, từ lâu, theo lời trung tá Nguyễn Văn Châu ở cạnh nhà tôi biết ông Diệm thường dò hỏi nếp sống trong gia đình tôi đặc biệt là việc thờ tự. Châu cho ông biết trong nhà tôi có bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà rất tôn nghiêm, nhất là vào các dịp tết nhất cúng kỵ rất trang trọng. Trong thư phòng của tôi lại có tượng Đức Khổng Tử tỏ ra tôi là con người nặng lòng với nền Tam Giáo. Ông Diệm đã biết thế mà nhiều đêm thầy trò đàm đạo, có lẽ vì muốn thuyết phục tôi nên ông không ngại ngùng mỉa mai chỉ trích đạo Phật là thứ đạo mê tín dị đoan, còn các nhà sư thì quê mùa dốt nát, chẳng qua vì nghèo đói, không có nghề nghiệp sinh nhai nên mới phải nương thân nơi cửa chùa lo việc gánh nước quét lá để kiếm nắm xôi miếng oản rồi lâu ngày thành ra sư nọ sư kia. Ông lại ca ngợi đạo Thiên Chúa là thứ đạo văn minh khoa học, thứ đạo quốc tế với bảy, tám trăm triệu tín đồ trên khắp thế giới năm châu. Rồi ông khuyến dụ tôi nên theo đạo Chúa. Nghe ông phê phán như vậy, tôi chỉ cười thầm trong bụng, tôi biết ông cũng có đọc Nho, Lão, Phật nhưng ông không thể hiểu cái tinh tuý của đạo Phật, cái triết lý cao thâm của Phật giáo.
Trước hoàn cảnh khó xử đó và trong khi tìm phương cách giải quyết cuộc khủng hoảng, tôi giữ thái độ trung lập, không theo chế độ để phản lại niềm tin nhân bản của mình, mà cũng không theo Phật giáo để phản lại vị thầy cũ. Hơn nữa, dù ông Diệm có nghi ngờ tôi nhưng ông vẫn chưa đối xử với tôi một cách cạn tàu ráo máng như tôi đã đối với tướng Lê Văn Nghiêm, một người bạn thân của tôi. Trái với thái độ đó của ông Diệm, ông Nhu cứ muốn đẩy tôi vào chân tường, dùng độc kế ly gián để cho Phật giáo và đồng bào hiểu lầm tôi.
Lần thứ nhất, ông Nhu điện thoại ra lệnh cho tôi bảo dùng máy viễn liên gọi thẳng tướng Lê Văn Nghiêm, Tư lệnh Quân đoàn I, về Sài gòn trình diện ngay Tổng thống. Về Sài gòn, tổng thống ra lệnh cho ông Nghiêm phải tức khắc giao chức Tư lệnh Quân đoàn I cho tướng Đỗ Cao Trí. Tướng Nghiêm bất mãn bèn đến gặp tôi và tức giận hỏi tôi đã báo cáo những gì làm cho ông ta bị mất chức một cách vô lý, nhục nhã như vậy Lúc đó tôi mới hiểu vì sao ông Nhu không gọi thẳng tướng Nghiêm mà lại ra lệnh cho tôi gọi. Tôi đã hết sức phân trần nhưng có lẽ đã không giải toả được thắc mắc của tướng Nghiêm, cái thắc mắc vì sao Phủ Tổng thống không gọi thẳng cho ông ta, một Thiếu tướng hai sao, vào trình diện mà phải qua Giám đốc An ninh quân đội một đại tá.
Lần thứ nhì, cũng bằng điện thoại, ông Nhu ra lệnh thẳng cho tôi phải bắt giam giáo sư Trần Quang Thuận, một trí thức Phật giáo nổi tiếng chống đối chế độ. Làm như vậy ngoài việc ông Nhu muốn ly gián tôi với hàng ngũ Phật tử và thành phần trí thức, ông còn muốn ném đá giấu tay vì Trần Quang Thuận thuộc con nhà dòng dõi cụ Thân Thần, vốn là bạn thân của cụ Ngô Đình Khả, Thuận lại là cháu rể của ông Tôn Thất Thiết đang giữ chức Giám đốc Sở Nội Dịch Phủ Tổng thống, lần này biết được thủ đoạn của Ngô Đình Nhu và vì muốn giữ thái độ trung lập, tôi cho mời Trần Quang Thuận đến văn phòng cho ông ta biết tôi được lệnh của ông Cố vấn để bắt giam ông ta. Tuy nhiên, tôi chỉ khuyên ông nên hoạt động kín đáo hơn, nhất là bớt những dấu hiệu chống đối nhà Ngô đi, rồi tôi để cho ông ta về ngay mà không giam giữ một giờ phút nào.
Lần thứ ba, qua tướng Trần Thiện Khiêm, Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu, ông Nhu trao cho tôi một danh sách gồm độ vài mươi nhân vật trí thức tại Sài gòn, ra lệnh phải bắt giữ và điều tra vì họ có tội hoạt động chống chính phủ. Một lần nữa, tôi biết Ngô Đình Nhu muốn tôi nhúng tay vào tội ác qua việc bắt những nhân vật dân sự không thuộc thẩm quyền của tôi. Dù vậy, vì hệ thống chính quyền còn chặt chẽ nên tôi vẫn phải thi hành lệnh của ông Cố vấn Tổng thống quyền uy tuyệt đỉnh đang điều khiển mặt trận tiêu diệt Phật giáo.
Vì số người định bắt giữ quá đông, tôi chia ra làm nhiều đợt và bắt giữ nhiều nơi. Đối với số nam nữ giáo sư của trường Chu Văn An, Petrus Ký, Trưng Vương, Gia Long, Võ Trường Toán... và một số luật sư, bác sĩ, đích thân tôi mời họ lần lượt đến văn phòng và cho họ biết do lệnh của ông Cố vấn, tôi phải bắt giữ họ. Tôi tha họ về ngay sau khi nói cho họ biết nếu hoạt động không kín đáo thì công an của Dương Văn Hiếu hay lực lượng đặc biệt của Lê Quang Tung sẽ bắt lại và trong trường hợp đó, hậu quả sẽ tàn khốc vô cùng.
Nhìn lại từ đầu biến cố cho đến những ngày đầu tháng 8 năm 1963, lập trường của Phật giáo đồ và chính sách của chính phủ vẫn không có gì thay đổi nếu không muốn nói càng lúc càng quyết liệt hơn. Nghĩa là một bên tranh đấu cho công bằng xã hội mà cụ thể là quyền tự do tín ngưỡng, và một bên là duy trì nguyên trạng đàn áp mà cụ thể là Kỳ thị tôn giáo. Yếu tố mới trong cuộc khủng hoảng là sự xuất hiện của các lực lượng khác của dân tộc, các thành phần khác của xã hội. Từ học đường đến đảng phái, từ văn nghệ sĩ đến nhân công, từ thương gia đến chuyên nghiệp. Hai lực lượng khác rất đáng kể vì vai trò và sức mạnh của nó là Giáo hội Thiên chúa giáo Việt nam và quân lực Việt nam cộng hoà, cho đến giờ phút đó và ít nhất trên mặt chính thức như một tổng thể, vẫn chưa có những xáo động sâu sắc hoặc lập trường công khai nào cả, nghĩa là vẫn đứng về phía chính quyền, mặc dầu trong quân đội không thiếu những sĩ quan hoặc binh sĩ đã âm thầm ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo, hay một vài linh mục cũng đã bí mật liên lạc với các Thượng toạ tại Sài gòn.
Chiến thuật vừa đánh vừa đàm của chính quyền đó là để kéo thời gian cho lực lượng siêu chính quyền của Cần lao công giáo chuẩn bị một trận xung kích cuối cùng, một trận phải có máu đổ xương rơi để chấm dứt vĩnh viễn sự hiện diện của Phật giáo không phải chỉ trong biến cố này mà còn cho cả mai sau nữa.
Đêm 20 tháng 8, anh em ông Diệm điều động cảnh sát dã chiến và lực lương đặc biệt tấn công các chùa ở Sài gòn như Xá Lợi, Ấn Quang, Theravada, Giác Minh, Từ Quang... Ở các chùa Huế như Bảo Quốc, Từ Đàm, Linh Quang... và nhiều chùa lớn ở các tỉnh khác. Tại chùa Xá Lợi, đội quân xung phong của chính quyền đập phá bàn thờ, tượng Phật và lấy mất thùng công quả... gây thương tích cho hàng trăm tăng ni. Riêng Hoà thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết thì bị xô té và bị thương nặng ở mắt, tại Sài gòn chúng bắt tất cả hơn 1400 tăng ni, Phật tử, kể cả Thượng toạ Tâm Châu, cụ Mai Thọ Truyền, sư bà Diệu Huệ, Thượng toạ Trí Quang... Cuộc tấn công kinh hoàng đó của chế độ Diệm được một người bạn Mỹ của ông ta là nhà viết sử Buttinger ví von như một cuộc tấn công của đội xung kích Nazi.
Gần 5 giờ sáng ngày 21 tháng 8, Tổng thống Diệm triệu tập khẩn cấp Hội đồng Chính phủ rồi ra tuyên cáo: "Phải hành động quyết liệt và lãnh trách nhiệm trước lịch sử vì có tin Việt cộng sắp tràn ngập Thủ đô, ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ, ra lệnh cho quân đội bảo vệ an ninh trật tự (Sắc lệnh số 84/TTP), tướng Tôn Thất Đính, Tư lệnh Quân đoàn III được cử kiêm Tổng trấn Sài gòn - Gia định có nhiệm vụ thi hành lệnh thiết quân luật. Lệnh giới nghiêm cấm dân chúng đi lại từ 9 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Cuộc tấn công chùa chiền bằng võ lực và lời tuyên bố xuyên tạc của Tổng thống Diệm nói rằng Việt cộng sắp tràn ngập thủ đô để biện minh và hợp pháp hoá hành động bất hợp pháp, bất hợp hiến của mình, đã nói lên sự thất bại về chính trị và nhân tâm của chế độ. Ngoài ra phương cách đối phó liều lĩnh của anh em ông Diệm càng tạo thêm những phản ứng vô cùng bất lợi của nhân dân và quốc tế mà phản ứng đầu tiên lại là hành động xuống tóc và từ chức của Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Văn Mẫu. Sau cuộc tấn công tàn ác vào các chùa chiền, bắt bớ tăng ni Phật tử và giam giữ một số sinh viên, đồng thời đóng cửa các trường học và phi trường Tán Sơn Nhất, anh em ông Diệm bèn lợi dụng sự giao động của quần chúng để phóng tay phát động những thủ đoạn tàn nhẫn hơn của họ.
Sáng ngày 22-8, ông Nhu kêu gọi Thanh niên cộng hoà phải làm "rạng tỏ chính sách". Đồng thời chính phủ ra thông cáo cho biết đã khám xét và tịch thu được một số khí giới và dụng cụ bất hợp pháp tại chùa Xá Lợi, Ấn Quang, Theravada.
Ngày 24-8, anh em ông Diệm lại tạo ra một bức thư giả mạo của Hoà thượng Thích Tinh Khiết nói rằng Hoà thượng giới thiệu một số Thượng toạ trong Giáo hội Tăng Già Toàn Quốc để trông nom Phật sự, trong lúc thật sự Hoà thượng Tịnh Khiết còn đang bị thương và đang bị giam lỏng tại quân y viện cộng hoà. Họ đã tái diễn một cách trơ trẽn trò viết thư giả mạo như họ đã làm đối với bác sĩ Phan Quang Đán sau vụ Nhảy dù trước đó vài năm.
Ngày 26, họ ép buộc Thượng toạ Thích Thiện Hoà thành lập một Uỷ ban Liên hiệp Bảo vệ Phật giáo thuần tuý gồm toàn các thầy chùa Cổ Sơn Môn để hành xử như các hội "Phật giáo yêu nước" hoặc "Công giáo yêu nước" của Cộng sản sau 1975.
Ngày 27, các đoàn thể tay sai của họ và các Tỉnh Trưởng gởi kiến nghị bày tỏ lòng trung thành và ủng hộ lên Phủ Tổng thống.
Ngày 31 tháng 8, Tổng thống Diệm viếng thăm ngôi chùa Sư Nữ ở Gia định, nhưng cũng đúng giờ đó, họ tổ chức Thanh niên cộng hoà biểu tình ở công trường Lê Lợi để ủng hộ chính phủ.
Ngày 1 tháng 9, có tin đồn ảnh của Tổng thống Diệm bị tháo gỡ ở vài công sở và được thay thế bằng ảnh của Cố vấn Tổng thủ lãnh Thanh niên cộng hoà. Có tin đồn cố vấn Nhu sẽ đảo chính để thi hành một chính sách đanh thép, độc tài hơn. Ngày 10-9, bà Ngô Đình Nhu dẫn một phái đoàn Dân biểu đi dự Hội nghị quốc tế nghị sĩ tại Nam Tư nhưng mục tiêu chính là ghé thăm nhiều nước Âu-Mỹ để giải độc dư luận quốc tế về vấn đề Phật giáo. Theo Đại sứ Cabot Lodge và nhiều ký giả quốc tế thì bà Nhu đã nghi ngờ sự khôn ngoan của Đức Giáo Hoàng Paul VI sau khi Ngài bày tỏ sự bàng hoàng trước sự khủng bố tôn giáo của anh em ông Diệm. Bà Nhu tuyên bố rằng: Đức Giáo Hoàng thật cũng lo âu một cách quá dễ dàng. Là một người Công giáo, tôi chỉ buộc phải tin vào tín điều của tôn giáo tôi và tin vào Đức Giáo Hoàng mà thôi. Đức Giáo Hoàng sẽ không sai lầm khi Ngài tuyên bố về những điều về tôn giáo đặc thù. Tôi không tin rằng Ngài sẽ đứng ở tư thế của mình mà chối bỏ tôi, vì làm như thế quả là Ngài đã làm hại lớn cho đạo Công Lời tuyên bố ngạo mạn này phản ánh hai sự kiện rất đặc thù về bà Nhu mà người anh chồng đang là một vị phẩm số một của Hội Thánh Thiên chúa giáo Việt nam. Thứ nhất là quan điểm về tính xa cách giữa đào và đời xác định sự bất lực của giáo lý Thiên Chúa khi đi vào hiện thực xã hội, nhất là một xã hội tràn đầy khổ đau và áp bức. Thứ hai là dùng một thức "politique de chantage" với vị giáo chủ của Hội Thánh khi bắt Giáo Hoàng phải chọn lựa giữa sự chấp nhận hành động của mình, nếu không thì sẽ "làm hại lớn" cho Thiên chúa giáo.
Điểm đau đớn cho Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt nam là sau lời tuyên bố đó của bà Nhu cho toàn thế giới biết, Giáo hội đã không có một lời giải thích nào. Đừng nói đến một lời phản đối!
Ngày 25-8, hàng vạn sinh viên học sinh của thủ đô Sài gòn ào ạt xuống đường biểu tình trước chợ Bến Thành. Cảnh sát dã chiến can thiệp và gây ra xô xát làm cho một số bị thương, riêng nữ sinh Quách Thị Trang cầm biểu ngữ đi đầu bị cảnh sát bắn chết và 1.300 sinh viên bị bắt đưa đến giam tại trại Quang Trung. Đồng thời sinh viên học sinh tại Huế, Đà Nẵng, Nha Trang cũng biểu tình, mít tinh lên án chế độ Diệm. Ngày 7-9, để xoa dịu học sinh, nhà Ngô cho mở cửa lại các trường trung học, nhưng học sinh, nhất là của các trường Chu Văn An, Trưng Vương, Võ Trường Toàn... quyết định phản đối không chịu vào lớp.
Nhiều tăng ni trẻ tuổi tiếp tục tự thiêu như Đại Đức Thích Quảng Hương tự thiêu trước chợ Bến Thành ngày 5-10, Đại Đức Thích Thiện Mỹ, vị sư thứ bảy tự thiêu trước nhà thờ Đức Bà. Và ngày 31 tháng 10, cảnh sát kịp thời ngăn chặn ba vụ tự thiêu trước Quốc hội. Trong khi đó phái đoàn giải độc dư luận quốc tế cũng gặp những phản ứng bất lợi. Bà Ngô Đình Nhu và Dân biểu Hà Như Chi đến La mã ngày 25-9 bị một số người Việt đón đường phản đối, đến Paris bị đông đảo Việt Kiều và sinh viên Việt nam biểu tình đả đảo, ném trứng thúi và cà chua; đến Washington không được thân phụ là đại sứ Trần Văn Chương cho gặp và không được Tổng thống Kennedy tiếp kiến. Bà đã họp báo phản đối người Mỹ và phân trần chế độ gia đình trị của bà không hề đàn áp Phật giáo mà không nhớ rằng đã nhiều lần bà tuyên bố với phóng viên đài VOA và New York Times là "phải quyết liệt đập tan phong trào Phật giáo", khiến buổi họp trở thành một buổi đối chất căng thẳng..
Giám mục Ngô Đình Thục bị Toà thánh bắt rời khỏi Việt nam; có tin đồn khi tới La mã ông không được phép bệ kiến Giáo Hoàng và theo William thì ông bị Toà thánh cấm không được tuyên bố những lời khiêu khích và mâu thuẫn chống đối Phật giáo.
Ngày 17-10, một số ký giả ngoại quốc bị công an bành hung vì chụp ảnh các vụ cảnh sát đàn áp sinh viên và các vụ xô xát với tăng ni trên đường Sài gòn. Cùng ngày này, cựu Đại sứ Trần Văn Chương lên tiếng tại Washington công kích kịch liệt chính sách của Tổng thống Diệm.
Sau nhiều phiên họp, hội viên các quốc gia trong tổ chức Liên hiệp quốc quyết định gửi một phái đoàn đến Việt nam để điều tra. Ngày 24-9-1963, tuy đại sứ Bửu Hội đại diện chính quyền Ngô Đình Diệm phản đối quyết định đó, nhưng cuối cùng đành phải chấp nhận cuộc điều tra của phái đoàn Liên hiệp quốc. Chấp nhận không chỉ vì áp lực quốc tế mà còn vì Ngô Đình Nhu đã nuôi sẵn thủ đoạn đánh lừa và mua chuộc nhân viên phái đoàn LHQ. Trong những mưa mô của Ngô Đình Nhu thì thủ đoạn dơ bẩn nhất là tổ chức cho nhân viên phái đoàn chăn gối với gái điếm để rồi chụp hình làm "chantage". Nghĩa là nhân viên nào không chịu bênh vực lập trường của nhà Ngô thì Ngô Đình Nhu sẽ đưa những tấm hình kia ra trước công luận để bôi nhọ nhân viên ấy, đồng thời làm mất uy tín của quốc gia của nhân viên đó. Những tấm hình này đã bị Thuỷ quân lục chiến tịch thu được tại phòng giấy của Ngô Đình Nhu trong dinh Gia Long ngày 2-11-1963. (Năm 1976, trung tá cảnh sát tên Hoàng, người phụ lễ cho Linh mục Nguyễn Văn Vi tại Saramento, California, cùng với Thiếu tướng Nguyễn Văn Chức nhân đến thăm tôi đã thú nhận chính ông Nhu chủ trương dùng thủ đoạn “chantage” các nhân viên phái đoàn LHQ như vừa nói trên vì biết rằng đa số nhân viên phái đoàn đã thu lượm được nhiều tài liệu rõ ràng chứng minh Phật giáo bị chế độ Diệm kỳ thị, đàn áp, khủng bố. Trung tá Hoàng là một "Công giáo Cần lao", từng chỉ huy trại giam bí mật P.42 ở Sở Thú. Cũng vì thủ đoạn trên đây mà ông Đoàn Thêm mới ghi vào tác phẩm của ông rằng: "Phái đoàn Liên hiệp quốc đã được chính phủ Diệm tiếp đãi chu đáo và chiều chuộng đặc biệt bằng đủ mọi cách”.
Ngày phái đoàn điều tra của LHQ ra Huế, chính quyền địa phương đã tìm đủ mọi thủ đoạn để ngăn cản phái đoàn không tiếp xúc được với đồng bào Phật tử để tìm hiểu sự thật. Trong dịp này, nữ sinh ái Khanh của trường nữ trung học Đồng Khánh và cũng là đoàn viên trong phong trào đấu tranh sinh viên học sinh đã âm thầm lên lầu ba của trường Đồng Khánh để nhảy xuống đất hy sinh thân mạng hầu tạo tiếng vang cho phái đoàn lưu ý. Ái Khanh chỉ bị gãy xương chân và chấn động nội tạng nhưng hành động can trường của người nữ sinh yếu đuối này đã vạch trần được bộ mặt tàn độc của chế độ trước phái đoàn LHQ.
Cuộc tấn công chùa chiền đêm 20-8 của chính quyền đã làm tê liệt các cơ cấu lãnh đạo và khả năng tổ chức của Phật giáo nhưng lại nhờ thế mà Phật giáo đốt được ngọn lửa tỉnh thức trong lòng đại khối quần chúng. Những chiến dịch khủng bố và đàn áp dã man nhằm vào giới tăng sĩ lãnh đạo đã làm cho các tăng sĩ Phật giáo trở thành biểu tượng tiền phong hơn là thành viên lãnh đạo của phong trào tranh đấu. Trong số những tăng sĩ lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ Diệm, Thượng toạ Thích Trí Quang là nhân vật bị anh em nhà Ngô đánh giá là nguy hiểm hơn cả Năm 1963, Ngô Đình Nhu đã nói với ký giả Jerrold Scheeter rằng: "Năm 1961 Trí Quang thuyết phục em tôi là Ngô Đình Cẩn chi tiền cho Trí Quang xây dựng một cơ cấu chống Cộng trong Giáo hội Phật giáo vì Cộng sản đã xâm nhập vào Giáo hội. Cẩn bằng lòng giúp Trí Quang và sự giúp đỡ đó đã thành yếu tố làm cho em tôi suy sụp, Trí Quang là người thủ đoạn nhất và đã có âm mưu lật đổ chính phủ từ lâu rồi. Có lẽ trong tương lai chưa biết khi nào tên tuổi của Trí Quang sẽ đồng nghĩa với âm mưu”.
Đêm 20 tháng 8 khi chùa Xá Lợi bị tấn công, Thượng toạ Trí Quang cũng ở trong số tăng ni bị bắt giải đi nhưng nhờ ông khéo cải trang lẫn lộn vào đám tăng ni Phật tử cho nên mặc dù công an mật vụ dày công tìm kiếm, phân cách, chọn lựa mà ông vẫn không bị bắt giải về trại giam Võ Tánh như trường hợp Thượng toạ Tâm Châu, Thiện Minh v.v... hay cư sĩ Mai Thọ Truyền. Tình cảnh của Phật giáo đồ Việt nam lúc bấy giờ là tình cảnh chim ông cá chậu, riêng đối với Thượng toạ Trí Quang quê hương mênh mông mà ông không có đất dung thân. Hai ngày sau ông trốn được vào Toà đại sứ Mỹ, chủ trương của ông là ẩn nấp vào nhà người Cha khi ông bị người con đánh đuổi để dùng cái uy của người Cha mà kiềm chế đứa con hung hăng. Cùng trốn với ông có Đại Đức Tính Nhật Thiện, một nhà sư trẻ biết nói tiếng Anh thành thạo. Theo Đại sứ Cabot Lodge thì trong thời gian Thượng toạ ở trong Toà đại sứ, ông rất ít nói, nhiều khi đã làm cho Đại sứ phải bực mình. Một nhân viên Toà đại sứ giải thích rằng những nhà sư Việt nam thường có thái độ “nói không hết lời”. Họ nhận họ là người Việt nam trước đã rồi mới là nhà sư. Họ có những đức tính và cả những khuyết điểm, những khuyết điểm do dân tộc tính gây nên, không phải do đạo Phật, vì thế cho nên họ tự cho họ trước khi nhà sư họ là người Việt, thứ người Việt yêu thương gia đình và yêu thương phần đất quê hương mình trước hết.
Trong lúc đó thì chính quyền Kennedy dựa vào bản phúc trình của tình báo Mỹ, biết Phật giáo không phải là Cộng sản nên đã cố gắng khuyến cáo Tổng thống Diệm nên thoả hiệp với Phật giáo để công cuộc chống Cộng khỏi bị ngừng trệ nếu không thì miền Nam sẽ vó cùng bất ổn. Tờ trình của tình báo Mỹ ngày 10 tháng 7 năm 1963 đã nghiên cứu và phân tách rõ ràng qua ba nhận định chiến lược sau đây:
A- Biến cố Phật giáo tại Việt nam đã làm nổi bật và gia tăng nỗi bất mãn lâu dài và sâu rộng của dân chúng đối với ông Diệm và cung cách cai trị của ông ta. Nếu ông Diệm không chịu thành thực và mau chóng giải quyết vụ Phật giáo thì tình hình trở nên vô cùng bất ổn, một cuộc ám sát hoặc một cuộc đảo chính sẽ có thể xảy ra dễ dàng hơn bao giờ hết.
B- Vì biến cố Phật giáo mà chính phủ Diệm đã làm cho sự hiện diện và sự tham chiến của Mỹ tại miền Nam Việt nam mất chính nghĩa. Tình trạng này buộc Hoa kỳ phải giảm bớt mức độ hiện diện tại miền Nam trong tương lai.
C- Rõ ràng cho đến bây giờ Phật giáo chưa bị Cộng sản lợi dụng và khai thác và biến cố Phật giáo chưa có một hậu quả nào có lợi cho hoạt động phiến loạn của “Mặt trận Giải Phóng Miền Nam”. Chúng tôi không tin rằng ông Diệm sẽ bị lật đổ bởi Cộng sản. Và chúng tôi cũng không tin rằng Cộng sản cần lợi dụng biến cố Phật giáo nếu ông Diệm bị lật đổ bởi những phần tử đối lập không Cộng sản... Một chế độ không Cộng sản nối tiếp chế độ Diệm lúc đầu sẽ thiếu hiệu năng chống Cộng nhưng nếu được Hoa kỳ tiếp tục ủng hộ và xây dựng một sự lãnh đạo có khá năng thì có thể có một chính phủ tốt.

hết: Chương 15 , xem tiếp: Chương 16

Đánh máy: Nguyễn Học
Chương 16
Quan hệ Mỹ- Diệm
Ngày 29 tháng 2 năm 1947, cựu Đại sứ Hoa kỳ William Bullit viết trên tờ Life Magazine một bài báo gọi chiến tranh Đông Dương là "Trận chiến tranh buồn thảm nhất" (The saddest war), ông kêu gọi Pháp phải trả độc lập hoàn toàn cho Việt nam dù là một Việt nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.
Lời kêu gọi cửa William Bullit tuy ngây dại nhưng phát xuất từ khuynh hướng "giải phóng dân tộc" nên đã đánh động được dư luận Hoa kỳ, cho nên khi Điện Biên Phủ lâm nguy (tháng 5 năm 1954) và khi chính phủ Pháp yêu cầu Hoa kỳ yểm trợ bằng lực lượng không quân thì Tổng thống Eisenhwer và ngoại trưởng Foster Dulles từ chối. Quan điểm của Ngoại trưởng Dulles lúc bấy giờ là nếu Pháp muốn Hoà Kỳ cứu viện thì phải chịu hai điều kiện: một là phải trả độc lập hoàn toàn cho thành phần quốc gia Việt nam không Cộng sản và hai là Mỹ phải giành lấy trách nhiệm lãnh đạo cuộc chiến tranh Đông Dương. Tuy nhiên, phần vì chính phủ Anh không chấp thuận việc đồng minh tham chiến tại Đông Dương, phần khác vì cả Pháp lẫn khối Cộng sản đều muốn giải quyết mau chóng vấn đề Việt nam nên chủ trương của Ngoại trưởng Dulles đã không được thực hiện.
Qui ước của hội nghị Genève 1954 đã tạm thời chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17. Phản ánh đúng đắn đường lối ngoại giao của mình, Hoa kỳ can thiệp mạnh mẽ vào vấn đề Đông Dương mà cự thể là giúp ông Diệm về nước để xây dưng một tiền đồn để chống Cộng tại Đông Nam A. Hoa kỳ đã không ngại ngùng dùng mọi kế sách và phương tiện để ủng hộ cho miền Nam. Kể cả việc không tôn trọng hai điều khoản quan trọng của hội nghị Genève về vấn đề Tổng tuyển cử (năm 1956) và về vấn đề quân đội ngoại nhập. Quân viện và kinh viện Hoa kỳ đổ vào miền Nam như thác đổ, chuyên viên và phương tiện Hoa kỳ như một kho tàng bất tận cho nhà cầm quyền miền Nam sử dụng: tiếc thay anh em ông Diệm đã không biết vận dụng sức mạnh đó để bổ túc cho sức mạnh cốt lõi của dân tộc hầu phòng Cộng và phát triển quốc gia.
Ngay từ năm 1957, vị Đại sứ Hoa kỳ tại Việt nam là ông Ellridge Durbrow đã thấy ông Diệm tiến hành một chính sách độc tài trong việc quản trị miền Nam cũng như đã hành xử một cách quan liêu phong kiến, khiến cho nhân dân bất mãn và làm đình trệ các chương. trình phát triển kinh tế, xã hội. Ông Durbrow cũng đã thấy được thái độ lộng quyền thất nhân tâm và phản tuyên truyền của bà Nhu, nên đã khuyến cáo ông Diệm nhiều lần. Đặc biệt ông đề nghị giảm bớt các hình thức làm dân bất mãn và tạo cơ hội cho địch tuyên truyền như giảm thiểu đoàn xe hộ tống đông đảo ồn ào, như đừng bắt dân bỏ công ăn việc làm cả ngày để chờ chực đón chào Tổng thống, như không nên ngồi chễm chệ trên ghế bành đặt trên thuyền để sĩ quan lội nước đẩy thuyền. Ông cũng khuyên nên để bà Nhu ra nước ngoài một thời gian hầu xoá dịu lòng căm phẫn của dân chúng.
Nhưng những lời khuyến cáo của Đại sứ Durbrow đã không có hiệu quả nào vì lúc bấy giờ Washington vẫn còn tin tưởng vào "uy tín và tài năng” của ông Diệm nên không muốn tạo ra những mâu thuẫn cá nhân giữa hai người, làm phương hại đến mối giao hảo đang tốt đẹp giữa hai quốc gia. Đã thế, ông Diệm lại bày tỏ sự bất mãn đối với Washington về thái độ của Đại sứ Durbrow mà ông cho là "hay sinh sự" để Bộ ngoại giao Hoa kỳ làm áp lực ngược lại ông Durbrow.
Quan hệ giữa ông Diệm và Đại sứ Durbrow càng lúc càng trở nên căng thẳng và lên đến cao điểm sau biến cố ngày 11-11-1960, biến cố mà vì những hằn học cá nhân ông Nhu cứ nhất định cho là do Mỹ chủ xướng và Đại sứ Durbrow là người đóng vai trò quan trọng. Dù lúc bấy Washington đã thấy sự suy sụp của chế độ mà Đại sứ Durbrow đã báo trước từ lâu, nhưng vì muốn duy trì mối liên hệ ruột thịt giữa chế độ Diệm và Hoa kỳ cũng như vì muốn làm hài lòng ông Nhu, Tổng thống Kennedy đã kéo Đại sứ Durbrow về nước và cử Đại sứ Nolting qua Sài gòn thay thế, dù ông này không có nhiều hiểu biết hoặc kinh nghiệm về Việt nam cũng như về Đông Nam Á.
Đại sứ Nolting là một nhà trí thức hoà nhã, một nhà ngoại giao tế nhị mà Bộ ngoại giao đã chỉ thị nên dùng những thái độ mềm mỏng trong khi khuyến cáo chính phủ Diệm để khỏi phạm tự ái của những nhà lãnh đạo miền Nam. Ông Nolting đã thi hành quá chỉ thị của thượng cấp đến độ tại Washington người ta có cảm tưởng ông ta bị lôi cuốn bởi bà Nhu để trở thành một vị Đại sứ của ông Diệm bên cạnh người Mỹ hơn là một vị Đại sứ của Mỹ tại Sài gòn. Cảm tưởng đó hẳn không sai lầm vì ông Nhu đã thành công trong việc điều động viên Đại sứ dễ vận dụng này và đã có lần khen ông Nolting là vị Đại sứ thông minh nhất của Hoa kỳ tại miền Nam từ trước đến nay.
Người Mỹ đã tìm mọi cách để nâng uy tín ông Diệm lên cao, một uy tín đang bị sụp đổ và đang cần phải xây dựng lại gần hầu duy trì khả năng chống Cộng của chính quyền miền Nam.
Thật vậy, vừa làm lễ nhậm chức cuối tháng Giêng năm 1961 thì ngày 15 tháng 5 Tổng thống Kennedy đã gởi vị Phó tổng thống của mình qua miền Nam để thẩm định lại tình hình tại chỗ, một tình hình không mấy lạc quan vì sự gia tăng hoạt động của Việt cộng và những báo cáo bi quan về các thất bại chính trị của chính quyền miền Nam. Đồng thời Tổng thống Kennedy cũng nhờ ông Johnson trao lại một lá thư riêng cho ông Diệm tái xác định quyết tâm của Hoa kỳ tiếp tục ủng hộ ông Diệm và yểm trợ nhân dân miền Nam chống Cộng... Lá thư nói rõ rằng Hoa kỳ chỉ giúp phương tiện và ngân phí mà thôi, còn việc chiến đấu bảo vệ quê hương là do chính nhân dân miền Nam nhận lấy trách nhiệm.
Trong chuyến viếng thăm này, để làm hài lòng bản chất tự tôn và tính kiêu hãnh của vị lãnh đạo miền Nam, ông Johnson khi đến Sài gòn đã không ngại ngùng công khai ca ngợi "Tổng thống Diệm là Churchill của thập niên này". Nếu ta so sánh cuộc đời cũng như sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Churchill và ông Diệm thì ta sẽ thấy lời đề cao quá lố này chỉ là một lời tuyên bố thuần tuý thuộc ngôn ngữ ngoại giao rất cần thiết nhằm gây lại uy tín cho ông Diệm vốn đã suy sụp quá nhiều, và đồng thời vừa để chứng tỏ cho Cộng sản cũng như nhân dân miền Nam biết rằng Hoa kỳ vẫn cương quyết ủng hộ chế độ Ngô Đình Diện dù những sai lầm và thất bại của chế độ đó. Cũng chuyến viếng thăm này, khi ngồi trên phi cơ bay thị sát các quân khu và bị ký giả Mỹ chất vấn về lời tuyên bố đó, Phó tổng thống Johnson đã trả lời: "Xì! Diệm là đứa duy nhất mà ta có ở đây” ( “Shit? Diems the only boy weve got out there”).
Loại ngôn ngữ ngoại giao đầy thủ đoạn chính trị đó, sau này cũng đã được Nixon dùng để khen Thiệu là "một trong bốn lãnh tụ tài ba nhất thế giới" tại vườn hoa Toà Bạch ốc vào năm 1973. Nhưng điểm khác biệt đáng chú ý là Nixon khen Thiệu để khuyến khích thi hành hiệp định Paris cho Mỹ có thể giải kết khỏi miền Nam trong “danh dự”, và Thiệu biết lời khen đó là giả dối, còn Johnson khen ông Diệm là để mong tạo uy tín thêm cho ông Diệm hầu cuộc chiến chống Cộng có thể thành công, trong lúc trong thâm tâm thì lại nghĩ khác, nhưng ông Diệm lại không biết điều đó. Vì không biết, nghĩa là không phát hiện ra sự giả dối và không thấy uy tín mình đang bị mất nên ông Diệm mới dại dột tuyên bố trong một bài diễn văn đáp từ Johnson rằng: Biên giới của thế giới tự do chạy dài từ Alaska đến sông Bến Hải, tạo cơ hội cho Đài phát thanh Hà Nội lợi dụng tuyên truyền về bản chất tay sai của chính quyền miền Nam trong quan hệ Mỹ- Diệm, và đã đập tan cái luận cứ độc lập và dân tộc chống Cộng của chính nghĩa miền Nam trong nhân dân.
Mặc dù uy tín và sức mạnh chính trị bắt đầu bị tổn thương sau vụ thất bại tại “Vịnh Con Heo” ở Cuba vào tháng 4 nhưng Tổng thống Kennedy đã theo lời yêu cầu của ông Diệm, tiến hành chiến dịch tăng cường số quân nhân tham chiến (nguỵ trang dưới hình thức cố vấn quân sự và chuyên viên cứu trợ nạn lụt) tại miền Nam Việt nam sau chuyến điều nghiên của Tướng Mazwell Taylor và cố vấn Walt Rostow vào tháng 10 năm 1961. Chiến dịch này đã được ông Diệm và chính quyền Mỹ đồng thuận thi hành một cách tích cực mà sự ra đời của Bộ Chỉ Huy Yểm Trợ quân sự Mỹ (Ameriean Military Assistance Command) vào ngày 6 tháng 2 năm 1962 đã cho phép ông Diệm nhận thêm từ 700 "cố vấn" đến 12.000 “cố vấn” vào giữa năm 1962. Nghĩa là gia tăng 1700 phần trăm trong vòng 8 tháng. Tất cả chiến dịch đó đã được chính quyền Mỹ khôn khéo trốn tránh chính Quốc hội và báo chí Hoa kỳ (vốn đang bắt đầu có khuynh hướng chống việc gửi quân nhân Mỹ tham chiến tại ngoại quốc sau vụ thất bại tại Cuba) để mạo hiểm một mặt thoả mãn lời yêu cầu của chính phủ Diệm và mặt khác để bảo đảm sự thành công của cuộc chiến thống Cộng lại miền Nam: Thật vậy, mặc dù trong cuộc thảo luận với Phó tổng thống Johnson trước đó năm tháng, ông Diệm đã không muốn đem quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam, nhưng khốn nỗi vào tháng 10, khi tướng Taylor đang trên đường đến Sài gòn thì Việt cộng phát động các đợt tấn công dữ dội vào tỉnh lỵ Phước Thành, đốt phá các cơ sở, giết hại cả Tỉnh trưởng lẫn Phó Tỉnh trưởng và rất nhiều binh sĩ, cán bộ, công chức, đồng thời Việt cộng lại tấn công nhiều quận ly của tỉnh Daklak và tung ra nhiều đơn vị lớn đánh phá khắp miền Nam, công hãm các đồn bốt chiến lược dọc quốc lộ số 4 và gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng VNCH. Tình hình an ninh suy sụp đã khiến cho ông Diệm sợ hãi một cuộc tổng nổi dậy của Việt cộng nên ông bèn đưa ra lời tuyên bố chính thức rằng chiến tranh thật sự đã xảy ra tại miền Nam.
Vì không còn giữ ý định chống lại việc quân đội Mỹ tham chiến tại miền Nam nữa nên ông Diệm đã yêu cầu Mỹ đem một số “quân chiến đấu tượng trưng” vào miền Nam và lớn tiếng kêu gọi Hoa kỳ cùng với Việt nam cộng hoà ký một hiệp ước phòng thủ song phương. Trước lời kêu gọi đó của ông Diệm, và trước tình hình an ninh suy thoái một cách trầm trọng của miền Nam, Bộ Tổng tham mưu Hoa kỳ cũng khuyến cáo Tổng thống Mỹ nên gởi quân qua Việt nam tham chiến. Ý kiến này được Thứ trưởng Quốc phòng William P. Bundy ủng hộ mạnh mẽ vì theo ông Bundy, sách lược "tốc chiến tốc thắng" có thể giúp ông Diệm nhiều may mắn hơn và có thể lật ngược thế cờ. Nhưng vì việc quân đội Mỹ công khai tham chiến tại Việt nam có thể gây nhiều phức tạp trong nội bộ chính trị Hoa kỳ cũng như có thể gây các phản ứng quốc tế nguy hiểm nên Toà Bạch ốc bề ngoài đã phải giảm thiểu những thúc giục ồn ào tại cả Sài gòn lẫn Washington, bằng cách giả vờ lộ một số tin tức cho nhật báo New York Times, tiết lộ rằng "các cấp lãnh đạo ở Ngũ giác đài cũng như Đại tướng Taylor đều tỏ ra miễn cường về việc gởi các đơn vị chiến đấu Mỹ sang Đông Nam Á”. Bài báo này đã chặn đứng được những tuyên bố quá lộ liễu của ông Diệm.
Sự thật rõ ràng là chẳng những ông Diệm đòi quân Mỹ vào miền Nam, mà còn nhờ Mỹ vận động với Trung hoa dân quốc gởi một sư đoàn qua Việt nam tham chiến. Tài liệu mật của Ngũ giác đài dưới đây tiết lộ một bản mật điện của Toà đại sứ Mỹ tại Sài gòn gởi về Washington trình bày về cuộc thương thảo giữa Đại sứ Nolting và ông Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Bộ trưởng Phủ Tổng thống, cho thấy những bí ẩn đó:
Những đòi hỏi vào năm 1961 của Việt nam về những đơn vị tác chiến Hoa kỳ.
Điện văn từ Toà đại sứ Mỹ tại Sài gòn gởi Bộ ngoại giao 13-10-1961 về những đòi hỏi của Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng Quốc phòng của miền Nam Việt nam. Bản sao gởi Bộ Tư lệnh Lực lượng Thái Bình Dương và Toà đại sứ Mỹ tại Bangkok Thailand và Taipei Taiwan.
Trong buổi họp 13-10 Thuần đã đưa ra những đòi hỏi sau đây:
1 Thêm phi đoàn AD-6 thay vì phi đoàn T-20 như đã dự định và gởi qua càng sớm càng tốt.
2- Yêu cầu cung cấp phi công dân sự Mỹ để lái máy bay trực thăng và phi cơ C-47 để bay những phi vụ tác chiến.
3- Nhiều đơn vị tác chiến Hoa kỳ, hoặc những đơn vị gọi là "huấn luyện tác chiến" vào miền Nam Việt nam. Một phần để đóng ở phía Bắc gần vĩ tuyến 17 để thay các lực lượng QĐVNCH ở đó phải bận đi chống du kích ở vùng Cao nguyên. Và cũng để đóng ở nhiều tỉnh của vùng Cao nguyên Trung Việt.
4- Phản ứng của Hoa kỳ về dự định của Việt nam yêu cầu Trung Hoa quốc gia gởi một sư đoàn tác chiến cho mặt trận Tây Nam.
Tài liệu mật của Ngũ giác đài trên đây và sự gia tăng nhảy vọt của số lượng “cố vấn” Mỹ tại chiến trường Việt nam sau đó, không những đã cải chính sự huênh hoang tội nghiệp của những phần tử Cần lao công giáo đang cố bám víu vào cái huyền thoại "Ngô Tổng thống không chịu cho quân Mỹ vào Việt nam nên bị Mỹ lật", mà còn làm nổi bật lên một sắc thái đặc thù của liên hệ Mỹ-Việt vào năm 1962 của chính phủ Ngô Đình Diệm: đó là dù ông Diệm bất lực trong việc chống Cộng, chính phủ Mỹ vẫn yểm trợ, bao bọc ông Diệm. Và ông Diệm đã công nhận, đã chấp thuận sự bảo bọc đó một cách quá trớn, nhất là trong trường hợp can thiệp lộ liễu của "cố vấn" Mỹ trong những quyết định quân sự, đến nỗi sau này lúc hồi tưởng lại năm 1961, khi còn làm phóng viên tiền tuyến theo dõi các cuộc hành quân, ký giả Ngô Đình Vận đã viết: "Tôi thấy rõ quân đội trong thời Đệ nhất cộng hoà đã không thực sự có được độc lập, có được đầy đủ sự chủ động ngay cả trong lúc giao tranh của địch quân”.
Sự yểm trợ và bao che đó lại càng nổi bật hơn nữa trong trận ấp Bắc mà kết quả thảm bại, dù rất rõ ràng hiển nhiên, đã được ông Diệm và bà Nhu đổi ngược thành chiến thắng, và trong liên hệ thắm thiết Mỹ-Việt lúc bấy giờ, đã được một số nhân vật chủ yếu của chính quyền Kennedy đồng loã công nhận.
Thật vậy: Từ đầu năm 1962, khi các cố vấn quân sự Mỹ và số khí cụ tối tân mới được tăng viện cho miền Nam trong kế hoạch Taylor-Rostow thì quân đội VNCH đã thu lượm một số chiến thắng tại châu thổ sông Cửu Long và lần đầu tiên đã tiến vào được chiến khu Đ, rừng U Minh, vốn là những căn cứ bất khả xâm phạm của Việt cộng. Những chiến thắng thuần tuý quân sự đã gây phấn khởi cho cả Sài gòn lẫn Washington. Để yểm trợ cho mặt trận tuyên truyền tại Hoa kỳ, ông Diệm đã cho phép đại tá Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Sư đoàn 7, diễu hành tại thủ đô Sài gòn với sự tham dự của một số Dân biểu Quốc hội. Trong lúc đó tại Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mac Namara họp báo tuyên bố miền Nam Việt nam của ông Diệm đang lật ngược thế cờ. Nhưng những chiến thắng đó chỉ như bọt sóng bắn lên tung tóe rồi sau đó tan vơ mất vì ngay cả chỉ trên mặt thuần tuý quân sự mà thôi, ưu thế lưu động của hai chiến thuật trực thăng vận và thiết vận xa M113 đã không được khai thác đúng mức, hơn nữa. chúng lại không hiệu dụng trong một trận chiến mà kẻ thù đã khôn khéo phối hợp được các kỹ thuật du kích chiến với những vũ khí tối tân do Nga viện trợ.
Đầu năm 1963, ba cán bộ "Cần lao công giáo" của ông Diệm là Tư lệnh Vùng 4 Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Sư đoàn 7 Bùi Đình Đạm và thiếu tá Tỉnh trưởng Định Tường Lâm Quang Thơ, với quân số đông hơn, với vũ khí hiện đại hơn, lại hứng chịu thảm bại nhục nhã tại áp Bắc trước tiểu đoàn 514 của địch không đến 400 quân.
Thảm bại rõ ràng này không những đã khiến cho Tướng Lê Văn Tỵ phải đích thân xuống điều tra tại chỗ mà chính các cố vấn quân sự Mỹ, đặc biệt là trung tá John Paul Vann - người phối hợp các phương tiện hoả lực gồm M113, trực thăng UH-1A, trực thăng CH-21, các đơn vị quân đội Mỹ trong vùng cho trận ấp Bắc này - đã phải nhục nhã gọi là "Một thành tích khốn nạn" vì tướng Cao đã "chọn lựa tăng cường sự thất bại thay vì nỗ lực để chiến thắng”.
Báo chí Mỹ tức giận vì sự bất lực của quân đội VNCH và sự vô hiệu của các chiến cụ viện trợ đã phanh phui sự thất bại đó và còn quá khích đòi hỏi chính quyền Mỹ phải giành lấy quyền lãnh đạo chiến tranh tại Việt nam để tiêu diệt Cộng sản. Thảm bại đã rõ ràng như thế, nhưng để tránh cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Sài gòn khỏi lan rộng thêm vì một thất bại quân sự nặng nề, ông Diệm - và ngay cả bà Nhu, người không có thẩm quyền về các vấn đề quân sự - đã tuyên bố rằng ấp Bắc là một chiến thắng oai hùng của Sư đoàn 7.
Các nhà lãnh đạo Mỹ, đặc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng Mac Namara, Đại sứ Nolting, Đại tướng Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt nam Paul Harkins, đành phải bênh vực ông Diệm bằng cách xác nhận đó là một chiến thắng. Thái độ bưng bít sự thật để tiến hành chính sách - mà trong giai đoạn đó là chính sách ủng hộ "người hùng" Ngô Đình Diệm - còn tiếp diễn dài dài sau này suốt cuộc chiến Việt nam.
Chương trình ấp chiến lược là do sáng kiến của ông Thompson người Anh, Cố vấn du kích chiến của Toà Bạch ốc. Chương trình này đã được Tổng thống Kennedy hết lòng yểm trợ và đặt hết hy vọng vào hiệu quả của nó mà sự thành công đã được chứng nghiệm tại Mã Lai dù điều kiện ứng dụng có khác. Khi Mỹ đề nghị thực hiện chương trình này trong mục đích tiêu diệt hạ tầng cơ sở của Việt cộng tại nông thôn thì bị ông Ngô Đình Nhu bác bỏ. Mỹ phải vận động mãi và đặc biệt phải tăng tài phí lên rất cao Ngô Đình Nhu mới chấp thuận.
Khi tiền viện trợ bắt đầu được tháo khoán, Nhu đích thân nắm lấy việc điều khiển thực hiện chương trình và cho áp dụng kế sách riêng của ông ta theo đường hướng của chủ nghĩa “Nhân vị” và đặc biệt để tạo một bộ máy nhân sự trung thành với chế độ. Mà bộ máy trung thành đó có mục đích quyết liệt nhất là gì nếu không phải là nhân danh công cuộc chống Cộng đã phát động và thực hiên cho được âm mưu Công giáo hoá nhân dân trong các ấp chiến lược như tôi đã trình bày ở một chương trước.
Trước sự thất bại và hệ quả nguy hại rõ ràng đó, ông Rufus Phillips, nhân viên cao cấp nhất của Mỹ đặc trách về chương trình ấp chiến lược đã phải phúc trình trực tiếp với Tổng thống Kennedy để yêu cầu tái xét lại ngay cả sự cần thiết của chương trình này. Nhưng một lần nữa, những nhân vật rường cột của chánh sách Mỹ tại Việt nam như Ngoại trưởng Rusk, Bộ trưởng Mac Namara, Đại sứ Nolting, Tướng Harkins, và ngay cả Thứ trưởng Ngoại giao Roger Hillsman (người sau này quyết liệt ủng hộ việc lật đổ chế độ Diệm) vẫn bênh vực ông Diệm và cho rằng chương trình ấp chiến lược đã thành công.
Nhìn mối bang giao Mỹ - Việt, đặc biệt là liên hệ giữa chế độ Diệm và các cấp lãnh đạo Hoa kỳ, trong suốt chín, mười năm trời cai trị miền Nam, anh em ông Diệm đã phạm không biết bao nhiêu lỗi lầm trầm trọng, ta thấy dù những lỗi lầm đó đã đưa đất nước từ thanh bình đến rối loạn, từ cảnh an ninh đến tình trạng chiến tranh thật sự, thế mà người Mỹ vẫn một lòng ủng hộ ông Diệm và chế độ của ông ta.
Mãi cho đến đầu năm 1963, trước cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng tại miền Nam Việt nam mà hệ quả có thể là sự suy sụp toàn diện sức mạnh chống Cộng của cả nước, và trước những áp lực của quần chúng Hoa kỳ, của chính giới Hoa kỳ, của công luận thế giới, của các nước đồng minh, của Toà thánh Vatican..., giới lãnh đạo Mỹ mới bắt đầu áp dụng những biện pháp cứng rắn trong lãnh vực chính trị và viện trợ để vừa làm áp lực vừa giúp đỡ chính quyền miền Nam sửa sai.
Nói chung, về chính trị, người Mỹ đòi hỏi phải tôn trọng và thực thi nguyên tắc phân quyền và chính sách tản quyền để tránh tình trạng trung ương tập quyền đang làm mù quáng và tê liệt khả năng điều hành của dinh Gia Long. Cụ thể là để cho thành phần đối lập được tự do sanh hoạt tại nghị trường Quốc hội cũng như trong chính giới, xét lại hệ thống bổ nhiệm nhân sự ở các địa phương để tránh tình trạng lạm dụng quyền hành nhờ có liên hệ đặc biệt với gia đình Tổng thống, các cuộc bầu cử từ trung ương đến địa phương phải thực sự tự do và trong sạch... Lẽ dĩ nhiên những đòi hỏi này chỉ được người Mỹ trình bày dưới hình thức khuyến cáo để tránh tình trạng "can thiệt vào nội tình của nước khác", ngược hẳn với những biện pháp khác táo bạo và mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát việc sử dụng tài phí viện trợ. Vấn đề kiểm soát tiền viện trợ này không phải chỉ vì chính quyền Mỹ muốn hiệu năng hoá công cuộc chống Cộng mà còn vì muốn biện minh với Quốc hội Hoa kỳ trong những điều trần về tình trạng tham chiến tại Đông Dương.
Đặc biệt chính quyền Mỹ muốn được biết về số tiền tài trợ cho Lực lượng đặc biệt, các cơ quan công an, mật vụ, và những mật phí đó được sử dụng đúng đắn cho các công tác tình báo chống Cộng không. Đòi hỏi này đã bị ông Nhu xem như là một áp lực của Hoa kỳ nhằm kiểm soát những bí mật quốc phòng và đã bị ông quyết liệt từ chối, vì ai cũng biết phần lớn của số tiền đó được chi tiêu để xây dựng bộ máy đàn áp đối lập, xây dựng những tổ chức kinh tài cho anh ông và cho những hoạt động mờ ám khác.
Trong quân đội, các cố vấn Mỹ tỏ ra khắt khe hơn trong việc sử dụng các phương tiện của Hoa kỳ khi hành quân và họ cũng tham dự nhiều hơn và trực tiếp hơn vào những trận đụng độ càng lúc càng lớn với quân Việt cộng. Tình trạng này đã tạo ra nhiều va chạm giữa sĩ quan Việt nam và sĩ quan cố vấn Mỹ về chiến thuật giao tranh với kẻ thù. Cho nên trong thời gian đó đã có những sĩ quan Việt nam không cần tiếp cận của Mỹ và vì tự ái dân tộc đã sáng tạo ra những chiến thuật tiêu diệt địch oai hùng, nhưng cũng có rất nhiều đơn vị trưởng khác nhất là các sĩ quan thuộc hệ thống Cần lao chuyên lạm dụng quyền để thủ lợi, không dám hành quân mà chỉ lui về thế phòng ngự giữ chặt lấy các tỉnh ly cho an toàn, và để mặc nông thôn Việt cộng thao túng.
Dù chính Mỹ đã khai sinh và nuôi dưỡng chế độ Diệm từ năm 1953, dù người Mỹ trong các cơ quan then chốt đã đóng những vai trò quan trọng trong các chính sách từ nhiều năm qua... nhưng đến khi cần chống Mỹ thì Nhu lại nêu những khuyến cáo và những biện pháp đó làm lý do để cho rằng “bị Mỹ làm áp lực, bị Mỹ chen vào nội tình quốc gia" dù đã 8, 9 năm đè đầu dân tộc nhờ tiền bạc và thế lực của Mỹ.
Suy luận rằng Mỹ chống Cộng nên sẽ không bỏ rơi miền Nam, ta thấy điều đó không phải là Nhu hoàn toàn sai lầm. Thật vậy, cho đến cuối tháng 8 năm 1963 (nghĩa là cho đến ngày Nhu hung bạo tấn công các chùa chiền và bắt giam các tăng sĩ Phật giáo) dù liên hệ Việt - Mỹ đã trở nên rất căng thẳng vì những hành động và những lời tuyên bố của Nhu, dù tình báo Mỹ đã khám phá ra âm mưu của Nhu muốn thoả hiệp với Cộng sản, chính quyền Kennedy vẫn chưa có ý định ủng hộ một cuộc thay đổi cấp lãnh đạo tại miền Nam Việt nam. Nhưng điểm sai lầm căn bản nhất của Nhu là đã không nhận định được sự vận hành của một cường quốc. Một cường quốc thì phải đặt chính sách ngoại giao trong một quan điểm toàn cầu và dài hạn. Ngăn chặn Cộng sản (containment) là triết lý ngoại giao chỉ đạo mọi sách lược của Hoa kỳ lúc bấy giờ, và giúp Việt nam trở thành tiền đồn chống Cộng hay yểm trợ ông Diệm (năm 1953) về nước chống Cộng chỉ là những thể hiện có tính cách chính sách của triết lý ngoại giao đó mà thôi. Cho nên dù chế độ Diệm - Nhu có độc tài, tham nhũng, thì trong quá khứ Mỹ vẫn ủng hộ và sẽ còn ủng hộ mãi cho đến khi Diệm - Nhu không chống Cộng nữa hoặc làm lợi cho Cộng thì Mỹ mới can thiệp, vì làm lợi cho Cộng là đi ngược lại với cái triết lý ngoại giao chỉ đạo đó
Sự can thiệp đó có thể là chấm dứt tư cách đồng minh, có thể là vận động để thay thế bằng cấp lãnh đạo mới. Nhu không thấy rằng Mỹ giúp miền Nam chống Cộng chứ không phải chỉ giúp riêng một gia đình họ Ngô chống Cộng, cho nên cứ đinh ninh là có thể làm "chantage" Mỹ được. Nhu cứ tưởng rằng đối với Mỹ thì trong 15 triệu dân miền Nam, chỉ có gia đình họ Ngô là có quyết tâm và có khả năng chống Cộng mà thôi nên muốn yêu sách gì cũng được. Và Mỹ đã không giải kết khỏi miền Nam trong năm 1963 đó, nhưng đã bỏ rơi gia đình họ Ngô.
Nhu đã nhận định đúng một nửa, là Mỹ không bỏ rơi miền Nam, nhưng nửa còn lại thì Nhu đã sai một cách thê thảm vì Mỹ sẵn sàng bỏ gia đình Ngô để yểm trợ cho một thành phần lãnh đạo mới.


1      2      3     4     5     6     7     8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét