2 vụ án
bi thảm trong trại tù Thanh Cẩm hay - Một vấn đề
của lương tâm
Theo tin
tức của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, hiện Sở Di Trú Hoa Kỳ đang tiến hành thủ tục
trục xuất Ông Bùi Ðình Thi, một cựu tù cải tạo, vì tội đã hợp tác với chính quyền
Việt cộng, ngược đãi các bạn tù tại trại Thanh Cẩm trong những năm 1978 và
1979. Trong trại cải tạo, Thi đã đánh chết cựu dân biểu Ðặng Văn Tiếp và ông
Lâm Thành Văn, và đã tra tấn nhiều tù nhân khác như đại tá Trịnh Tiếu, Linh Mục
Nguyễn Hữu Lễ, ông Nguyễn Sỹ Thuyên và nhiều người khác. Nhiều nạn nhân sau này
đã đi định cư Hoa Kỳ trong chương trình HO dành cho cựu tù cải tạo. Ông Thi
cũng đã đến Hoa Kỳ cuối năm 1994 theo chương trình tị nạn này và hiện định cư ở
Quận Cam.
Theo luật
tị nạn quốc tế, những ai đã vi phạm nhân quyền của người khác thì không được hưởng
quyền tị nạn. Chính phủ Hoa Kỳ đã không biết về việc làm của Ông Thi thời gian
trong tù cải tạo khi chấp nhận cho ông nhập cảnh Hoa Kỳ. Sau khi tham khảo ý kiến
của nhiều nhân chứng, tháng 12 năm 1999, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển đã cung cấp
tài liệu, hình ảnh, và danh sách nhân chứng cho văn phòng Cố Vấn Pháp Lý của Sở
Di Trú và yêu cầu tiến hành điều tra sự vụ. Hồ sơ sau đó được chuyển về Văn
Phòng Di Trú tại Los Angeles để xử lý. Văn phòng này đã liên lạc với nhiều nhân
chứng để phối kiểm và tuần qua đã được lệnh của văn phòng trung ương tiến hành
thủ tục trục xuất. Bước đầu của thủ tục này là thu hồi thẻ xanh. Hồ sơ của ông
Thi sẽ được đưa ra toà án di dân vào tháng 5 tới đây. Ngoài trường hợp của ông
Thi ra, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển đang quan tâm đến đường dây đánh tráo hồ sơ
để gài cán bộ cộng sản xâm nhập Hoa Kỳ theo các chương trình tị nạn. Nếu bị
phát hiện, những trường hợp này cũng sẽ bị thu hồi thẻ xanh hay quốc tịch Hoa Kỳ
và bị trục xuất.
Việc gài
cán bộ cộng sản qua con đường tỵ nạn là việc làm được chính phủ CS Hà Nội theo
đuổi trong suốt nhiều thập niên không riêng với quốc gia Hoa Kỳ mà còn nhiều quốc
gia khác trong đó có Úc Ðại Lợi. Hy vọng, việc Bùi Ðình Thi bị Mỹ trục xuất và
sự quan tâm của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển tại Mỹ đối với các cán bộ cộng sản
xâm nhập Hoa Kỳ theo chương trình tỵ nạn, sẽ là bài học qúy giá giúp cộng đồng
người Việt tại Úc có những việc làm cầp thiết tương tự.
Sau đây,
chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng qúy qúy độc giả bài viết của Linh mục Nguyễn
Hữu Lễ, một nạn nhân từng bị Bùi Ðình Thi đánh đập vô cùng dã man, đồng thời là
nhân chứng, chứng kiến Bùi Ðình Thi giết chết thiếu tá dân biểu Ðặng Văn Tiếp
và ông Lâm Thành Văn tại trại cải tạo Thanh Cẩm, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.
Linh mục
Nguyễn Hữu Lễ đã viết bài viết này từ năm 1995, và chúng tôi đã nhận được bài
viết vào năm 1996. Thời điểm đó, sau khi cân nhắc, chúng tôi thấy việc gợi lại
một bi kịch thương tâm trong lòng độc giả là điều không cần thiết, nên đã không
đăng tải. Nay, trước sự việc Bùi Ðình Thi bị Mỹ trục xuất, chúng tôi thấy tội
ác của Thi cần phải được bạch hóa để có thể đạt ba mục đích:
Thứ nhất,
những ai trong quá khứ đã chứng kiến những tội ác của cộng sản, dù ít, dù nhiều
đều có trách nhiệm làm sáng tỏ sự thưởng phạt của công lý.
Thứ hai,
những người cộng sản đã gây tội ác, hoặc đang ở vị thế quyền lực có thể gây tội
ác, hãy lấy Bùi Ðình Thi làm gương. Thời đại hôm nay, cùng với những phát triển
về khoa học kỹ thuật, trình độ dân trí thế giới về tự do dân chủ gia tăng, và
khả năng thực thi công lý có tính toàn cầu, chắc chắn những
hành động độc tài, những tội ác phi nhân, cụ thể như Milosevic, Pinochet, Bùi
Ðình Thi... không sớm thì muộn đều phải đền tội. Lãnh tụ Nelson Mandela, khi trở
thành tổng thống Cộng Hòa Nam Phi đã chấp thuận cho thành lập tòa án công lý,
xét xử những cá nhân vi phạm những tội ác diệt chủng, đã tuyên bố: Một tội ác,
dù xảy ra ở bất cứ đâu, trong bất cứ giai đoạn nào, núp dưới bất cứ danh nghĩa
nào, cũng vẫn là tội ác. Chỉ khi nào tội ác đó được xét xử và trừng phạt một
cách quang minh, khi đó, kẻ phạm tội và người bị tội mới thực sự thoát khỏi những
ràng buộc ân oán, hận thù truyền kiếp, và trật tự xã hội, phúc lợi của những thế
hệ tương lai mới được bảo đảm.
Thứ ba,
Bùi Ðình Thi là người đã có những hành động tàn nhẫn, vi phạm nhân quyền, nhưng
đã núp dưới danh nghĩa tỵ nạn chính trị, để được nhập cảnh Hoa Kỳ. Sự tỵ nạn
thành công của Bùi Ðình Thi trong thời gian qua đã khiến những người cộng sản
Việt Nam hy vọng, tương lai, một khi tình hình chính trị tại VN có những biến
chuyển bất lợi cho cộng sản, họ sẽ đào thoát khỏi VN, và xin tỵ nạn chính trị tại
các quốc gia tự do trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những người cộng
sản nên hiểu, ngay cả trường hợp Bùi Ðình Thi không phải là gián điệp cộng sản,
tư cách tỵ nạn của Thi cũng bị bác bỏ. Bằng chứng, Thi đang bị chính phủ Mỹ trục
xuất. Những người cộng sản nên nhớ, tỵ nạn chính trị là đặc quyền dành riêng
cho những người vì lý do chính trị mà bị bạc đãi, bị hành hạ. Tuyệt nhiên không
dành cho những kẻ như Milosevic, như Bùi Ðình Thi, hoặc những người cộng sản có
tội ác khác. Vì vậy, mọi mưu toan của cộng sản Việt Nam, coi "tỵ nạn
chính trị" như là một giải pháp trốn tránh công lý một khi tình hình
trị và xã hội tại Việt Nam có những biến chuyển bất lợi cho cộng sản, đều là ảo
tưởng.
Sau đây,
mời qúy độc giả theo dõi phần một bài viết của Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ.
Trong suốt
17 năm qua, nhiều lần tôi định ngồi ghi lại một vụ sát nhân dã man đã làm nhiều
người phải kinh ngạc, mà tôi vừa là một nhân chứng vừa là một trong những nạn
nhân may mắn còn sống sót. Nhưng mỗi lần cầm bút để ghi lại, tôi vẫn phân vân tự
hỏi: Có ích lợi gì đâu việc khơi lại đống tro tàn của quá khứ? Việc ghi lại này
sẽ có tác dụng như thế nào đối với thủ phạm, đối với các bạn tù, đối với thân
nhân và những người quen biết tôi, đối với thân nhân và những người quen biết
thủ phạm..., và cả đối với những người sẽ đọc câu chuyện này? Với tư cách là một
linh mục, tôi có nên ghi lại những điều mà tôi biết sẽ gây nên những sự đau xót
hay công phẫn nơi nhiều người hay không? Tuy nhiên, mỗi khi nhớ tới câu chuyện
kinh hoàng này là tim tôi đau nhói như có ai đang rạch lại vết thương lòng tuy
đã lâu năm nhưng còn rướm máu của tôi.
Sau nhiều
năm tháng suy nghĩ và nói chuyện với nhiều người quen thân, tôi thấy đã đến lúc
phải nói lên tất cả sự thật của vụ sát nhân đó để làm sáng tỏ những khúc mắc
đang âm ỉ làm nhức nhối tâm hồn của nhiều người, trong số đó có tôi, và để rút
ra một bài học cho những người vì những suy nghĩ nông nổi đã hành động bất chấp
lương tri để mưu cầu những lợi ích thấp hèn. Ðây là câu chuyện về vụ giết người
thật dã man trong nhà tù CS mà thủ phạm không phải là cán bộ CS hay một can phạm
hình sự, mà là một chiến hữu đã từng chiến đấu trong QLVNCH, sau đó là một người
bạn tù trước khi trở thành kẻ sát hại người đồng cảnh ngộ như mình. Ðiều đau
lòng hơn nữa đối với tôi, thủ phạm lại là một tín đồ Công giáo.
Khi phải
ngồi viết lại những dòng này, lòng tôi đau đớn vô cùng. Tôi dùng chữ "phải
ngồi viết lại" vì trước đây tôi đã cố chôn vùi câu chuyện kinh hoàng này
vào dĩ vãng. Tôi nghĩ rằng người chết thì đã chết rồi, còn thủ phạm thì ung
dung sống dưới sự che chở của chế độ CS, nên viết lại cũng chẳng ích lợi gì.
Nay thủ phạm đã được đến Hoa Kỳ theo chương trình HO và hiện đang sống ung dung
tại một đất nước tự do, ở ngay bên cạnh những nạn nhân của mình, những người
thân yêu của nạn nhân và những đồng bào đã phải bỏ nước ra đi để thoát khỏi chế
độ bạo tàn của CS. Sự có mặt của thủ phạm đã khơi lại nỗi đau đớn cho nhiều người,
trong đó có tôi. Nhiều anh em bạn tù đã thúc giục tôi phải nói lên sự thật để
xác định một thái độ, dù đó là một thái độ bao dung, vì đây là vấn đề của lương
tâm.
Thủ phạm
là Bùi Ðình Thi, một cựu Ðại úy của QLVNCH. Khi được chuyển đến trại Thanh Cẩm,
một trại nằm sát biên giới Việt - Lào thuộc tỉnh Thanh Hóa, Bùi Ðình Thi đã lập
nhiều "công trạng" với ban giám thị trại nên đã được ban giám thị cho
giữ chức Trật Tự, một chức có nhiệm vụ canh chừng và theo dõi mọi hoạt động của
các tù nhân trong trại. Với trách vụ này, Bùi Ðình Thi đã không từ chối bất cứ
hành động nào, kể cả đánh đập và giết chết người đồng cảnh, để lấy lòng Công an
VC với hy vọng được về sớm. Nạn nhân của Bùi Ðình Thi rất nhiều, trong đó có một
cựu Thiếu tá phi công và là Dân Biểu của VNCH ngày trước. Anh đã bị đánh đập dã
man cho đến chết. Một nạn nhân khác là một bạn tù thuộc tổ chức Phục Quốc đã bị
đánh đập và bỏ cho chết đói. Và rất nhiều nạn nhân khác, trong đó có một số
linh mục, đã bị đánh đập và hành hạ bằng đủ mọi hình thức. Bùi Ðình Thi và gia
đình mới được đến định cư tại Hoa Kỳ theo danh sách HO trong vòng 2 năm nay
(vào thời điểm 1995).
Trong
chuyến đi Âu Châu tháng 7/1995, tôi có ghé qua California một thời gian để thăm
các bạn bè, đa số là các bạn cựu tù nhân chính trị và những người tôi quen biết
khi tôi phục vụ trong trại tị nạn tại Thái Lan. Các bạn cựu tù thuộc trại Thanh
Cẩm khi vừa gặp tôi, ai cũng hỏi: "Cha đã gặp Bùi Ðình Thi chưa? Bùi Ðình
Thi hiện ở Santa Ana". Từ đó Bùi Ðình Thi trở thành đề tài chính trong các
câu chuyện giữa các anh em cựu tù nhân chính trị chúng tôi. Sau đó, tôi sang
Pháp và một số nước Âu Châu. Tại đây, tôi có dịp gặp một số anh em cựu tù nhân
chính trị, họ cũng lôi Bùi Ðình Thi ra làm đề tài khi nói chuyện, mặc dầu có
người không hề ở chung trại Thanh Cẩm với tôi. Trên đường về Tân Tây Lan vào
trung tuần tháng 8/95, tôi có ghé lại Orange County một lần nữa. Trong lần thăm
viếng anh em này, tôi đã có dịp nói chuyện với Bùi Ðình Thi qua điện thoại.
Thành thật mà nói, với tâm tình và cuộc sống đời linh mục của tôi, trong thâm
tâm tôi đã tha thứ cho Bùi Ðình Thi. Nhưng những hậu quả mà Bùi Ðình Thi đã gây
ra khi còn ở trong trại Thanh Cẩm vẫn còn nguyên vẹn ở đó. Tôi và một số anh em
vẫn nghĩ rằng tôi có trách nhiệm phải tường thuật mọi chuyện đã xảy ra để giúp
Bùi Ðình Thi có sự sám hối thật sự ở trong lòng, và những người khác khi ở vào
hoàn cảnh của Bùi Ðình Thi, đừng vì những suy nghĩ nông cạn mà gây đau khổ cho
đồng loại. Trước hết tôi muốn dùng những hàng chữ này như một nén hương lòng thắp
lên trước bàn thờ 2 anh Ðặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn, 2 nạn nhân đã bị Bùi
Ðình Thi sát hại, để cầu cho vong linh 2 anh được nhẹ nhàng nơi thế giới bên
kia, nơi mà tôi nghĩ rằng không còn có hận thù hay khổ ải như cái địa ngục trần
gian Thanh Cẩm mà chúng tôi đã một thời phải sống ở đó. Tiếp đến, qua bài này,
tôi xin gởi đến những anh em tù nhân đã từng bị Bùi Ðình Thi hành hạ, đánh đập
như tôi để chia xẻ những tổn thương mà chúng ta phải gánh chịu trong suốt cả cuộc
đời còn lại. Tôi cũng xin gởi đến thân nhân của các nạn nhân lời phân ưu của
chúng tôi về những đau thương mà quí vị phải gánh chịu qua cái chết tức tưởi của
người thân. Tôi cũng hy vọng rằng câu chuyện này sẽ góp phần vào việc làm đồng
bào và thế giới biết rõ hơn cái gọi là "trại cải tạo" của
CS và những phương thức bạo tàn mà CS đã xử dụng để xây dựng và củng cố quyền
bính. Tôi ước mong rằng bài hồi ký này sẽ được ghép vào phần cuối của các hồi
ký về trại cải tạo mà các anh em cựu tù nhân chính trị đã và đang viết ra.
Chức vụ
trật tự
Như tôi
đã trìng bày ở trên, Bùi Ðình Thi, một tù nhân chính trị, đã lập được nhiều "công
trạng" để VC tin tưởng và cho giữ chức Trật Tự ở trong trại tù Thanh
Cẩm, và đã lợi dụng chức vụ đó để tiếp tục lập công bằng cách hành hạ, đánh đập
và hạ sát các người tù đồng cảnh. Do đó, trước tiên tôi xin trình bày qua vài
dòng về chức Trật Tự ở trong một trại tù CS.
Các trại
tù do Công an quản lý thường được tổ chức như sau: Ðứng đầu trại là một Ban
Giám Thị gồm Trại trưởng, Trại phó và các Ban, Ngành lo về các phần vụ chuyên
môn như Ban Giáo Dục, Ban An Ninh, Ban Hồ Sơ... Những người bị giam giữ được
phân thành từng đội, mỗi đội do một tù nhân làm Ðội trưởng và một cán bộ quản
giáo trông coi. Ðội trưởng do Ban Giám Thị trại chỉ định theo đề nghị của Ban
An Ninh. Mỗi khi các tù nhân được di chuyển ra khỏi trại, như đi lao động sản
xuất chẳng hạn, phải có 1 hoặc 2 cán bộ võ trang vác súng dài đi theo canh giữ.
Ban đêm, các cán bộ võ trang này thay nhau tuần tra trong và ngoài vòng rào của
trại để ngăn ngừa tù nhân trốn trại. Trực tiếp lo về sinh hoạt và đời sống của
tù nhân có Ban Trưc Trại, đứng đầu là một cán bộ trực trại. Ðể điều hành công
việc trong trại, cán bộ trực trại thường chọn một số tù nhân được trại tín nhiệm
để phụ trách các công tác trật tự, y tá, văn hóa, thi đua, v.v... Những người
phụ trách các công tác này cũng do Ban Giám Thị chỉ định theo đề nghị của Ban
An Ninh và Ban Trực Trại. Trong các công tác nói trên, công tác trật tự được
coi là quan trọng nhất, do một Trật Tự điều hành. Anh này có quyền hành nhất
trong trại, chỉ sau cán bộ CS mà thôi. Muốn làm chức Trật Tự phải có nhiều công
trạng với trại, được trại tín nhiệm, và cũng phải có sức mạnh. Ngoài nhiệm vụ
trông coi trật tự trong trại, Trật Tự còn phụ giúp cán bộ trực trại trong coi
khu kiên giam, như khoá còng các còng các tù nhân bị kỷ luật vào buổi tối và
tháo ra vào buổi sáng. Những tù nhân được coi là nguy hiểm, bị cùm cả ngày lẫn
đêm, có khi hết tháng này đến tháng khác, năm nọ sang năm kia. Trật tự cũng có
nhiệm vụ gánh khẩu phần cho các tù nhân bị kiên giam mỗi ngày 2 lần, đi diểm
danh với cán bộ trực trại mỗi buổi tối và khóa cửa buồng, mở cửa các buồng vào
buổi sáng, v.v... Trật tự còn được giao cho nhiều công tác linh tinh khác. Mỗi
lần Trật tự lên làm công tác trên khu kiên giam thường có cán bộ đi theo. Cũng
có những người tuy không có "công trạng" nhiều đối với trại,
nhưng nhờ đút lót tiền của cho cán bộ trực trại và cán bộ an ninh nên được cho
làm Trật Tự, vì làm Trật Tự không phải đi lao động vất vả như các tù nhân khác
và được tự do hơn.
Tôi đã sống
qua nhiều trại, kể cả những trại do một phạm nhân hình sự làm Trật Tự, tôi thấy
đa số các anh Trật Tự chỉ là nhiệm vụ mà Ban Trực Trại giao phó, có khi còn lợi
dụng chức vụ này để giúp đỡ anh em đồng cảnh như anh Nguyễn Văn Bảy (thường được
gọi là Bảy Chà) ở trại Thanh Cẩm chẳng hạn. Có những anh tù hình sự làm Trật Tự
thường hống hách đối với cá tù nhân hình sự, nhưng ít khi đối xử tệ các anh em
tù nhân chính trị. Cũng có những anh lợi dụng chức vụ Ban Trực Trại giao phó để
sách nhiễu, chửi bới hay đánh đập anh em, nhưng hung bạo và tàn ác như Bùi Ðình
Thi chỉ là trường hợp họa hiếm.
Trại tù
Thanh Cẩm
Ðầu tháng
8/1978, khi chiến tranh biên giới giữa VN và Trung Quốc sắp sửa bùng nổ, nhóm tử
tù "48 Quyết Tiến" chúng tôi được di tản khỏi trại trừng giới
Quyết Tiến, thường được gọi bằng biệt danh là trại "Cổng Trời",
và đến trại Thanh Cẩm thuộc tỉnh Thanh Hoá, vì trại "Cổng Trời" nằm
ở tỉnh Hà Tuyên, chỉ cách biên giới Trung Quốc có 10 km đường chim bay. Sở dĩ
trại này có cái tên là trại "Cổng Trời" vì 2 lý do. Lý do
thứ nhất là không mấy khi tù nhân bị đày lên trại này còn có ngày trở về. Họ
thường đến đây để chờ ngày đi qua thế giới bên kia. Lý do thứ hai là trại này nằm
ở độ cao hơn 2000m trên mặt biển (cao gần đụng Trời), ở đó quanh năm giá rét,
mây mù che phủ, đất trời âm u, chẳng khác gì cảnh âm ty địa ngục. "Cổng
Trời" là nơi VC dành riêng cho các tử tội. Có không biết bao nhiêu
thành phần phản kháng chế độ CS bị chết ở đây, như linh mục Nguyễn Văn Vinh thuộc
nhà thờ chánh tòa Hà Nội chẳng hạn. Chỉ sau một thời gian bị giam ở đó, chúng
tôi đã thấy bóng Thần Chết lảng vảng một bên. Các linh mục già yếu càng thấy rõ
hơn. Vì bị đặt vào một hoàn cảnh bi thảm như thế, nên ngày được vui mừng và
sung sướng nhất trong suốt 13 năm tù tội của tôi lại là ngày được di chuyển ra
khỏi trại Quyết Tiến "Cổng Trời" vào đầu tháng 8/78, sau đó
mới đến ngày tôi được tuyên bố tha ra khỏi trại vào cuối năm 1988. Việc Trung
Quốc chuẩn bị tấn công vào vùng biên giới Việt Bắc được coi là một cơ hội may mắn
đối với các tù nhân được đưa đến lưu đày tại trại này, vì chính nhờ cơ hội đó,
chúng tôi mới được chuyển về miền xuôi và nhờ vậy một số anh em chúng tôi còn
được sống sót đến ngày hôm nay.
Sau 2
ngày đi đường thật vất vả, chiều tối hôm ấy, dưới cơn mưa tầm tã, nhóm 48 người
chúng tôi lang thang lếch thếch, tay xách nách mang, bước vào cổng trại Thanh Cẩm,
một nơi hoàn toàn xa lạ với chúng tôi, nằm sâu trong vùng rừng núi của huyện Cẩm
Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Chưa biết những gì đang chờ đợi trước mắt, nhưng anh em
chúng tôi bảo nhau: "Bất cứ điều gì sẽ xảy ra, ở đây cũng còn tốt hơn
Cổng Trời!" Vừa vào cổng trại, đang tiến tới một hội trường bằng tre
lợp tranh ở giữa sân trại, một cảnh tượng lạ lùng đã đập vào mắt làm tất cả
chúng tôi phải ngạc nhiên và vẫn còn nhớ mãi cho đến ngày hôm nay, đó là hình ảnh
cán bộ trực trại, chân mang ủng cao gần tới đầu gối, 2 ống quần kaki vàng của
Công an xắn một cách vô trật tự lên tới bẹn, để lộ một khúc đùi từ đầu gối trở
lên, đen đen mốc mốc. Con người của anh ta trông bẩn thỉu và bèo nhèo như một
cái nùi giẻ, loại nùi giẻ của thợ máy xe; "cái nùi giẻ" đó
đang say rượu, chân nam đá chân chiêu, tay cầm một cây trúc cao quá đầu, vừa
quơ lung tung vừa quát tháo ầm ĩ, như muốn dằn mặt "bọn lính" mới
chúng tôi. Nhìn anh cán bộ Thượng úy trực trại này tôi liên tưởng đến một bức
tranh biếm họa vẽ hình Táo quân, một Táo quân đang say rượu. Hai anh tù mặc đồng
phục màu xanh đang lăng xăng chạy trước mặt và chung quanh chúng tôi, múa tay
chỉ trỏ để lùa chúng tôi vào chỗ chỉ định. Chúng tôi biết ngay đây là 2 anh Trật
Tự, vì khi từ trại Nam Hà đến trại "Cổng Trời" vào ngày
Giáng Sinh năm 1977, chúng tôi cũng thấy có một anh tù hình sự làm Trật Tự giúp
cán bộ khám xét nhóm 20 anh em chúng tôi như vậy. Nhưng anh Trật Tự ở trại "Cổng
Trời" làm việc từ tốn và chậm rãi, chứ không có lăng xăng như 2 anh
này.
Nhìn 2
anh Trật Tự, chúng tôi thấy 1 anh độ ngoài 40 tuổi, trông có vẽ lầm lì ít nói.
Anh kia trẻ hơn, khoảng chừng 30 tuổi, mập tròn béo tốt, da mặt bóng láng, chân
hơi bị tật. Anh ta mập đến nỗi mông tròn và căng lên dưới lớp quần xanh của tù
trông như đàn bà, khác hẳn với những thân hình xanh xao và gầy còm của nhóm anh
em chúng tôi vừa mới nhập trại. Anh này đang cố gắng làm mặt"ngầu" để
thị uy bọn "lính mới" chúng tôi. Miệng anh lúc nào cũng la
hét, tay anh chỉ hết bên nọ đến bên kia, nhưng không bao giờ nhìn thẳng vào mặt
ai trong bọn chúng tôi. Nhóm chúng tôi di chuyển rời rạc, vì những người còn trẻ
đi nhanh tới chỗ tập trung ngay, còn những người ốm yếu bệnh tật lò mò theo
sau. Tôi nhớ lúc đó anh Nguyễn Sỹ Thuyên gần kiệt sức, vừa tới nơi tập trung đã
vất phịch cái bao áo quần và chăn màn bẩn thỉu xuống nền hội trường, rồi nằm ngửa
người trên đó. Tôi cũng quá mệt nên tới ngồi cạnh bên anh. Sau một lúc, anh
Thuyên lấy lại được sức và dùng cùi chỏ thúc nhẹ vào tôi, hất mắt hướng về tên
cán bộ trực trại, rồi nói nhỏ: "Mẹ ! Cái thằng trông như ở lỗ cống mới
móc lên !". Tôi chưa kịp ra dấu phát biểu đồng tình thì giật mình vì một
giọng quát từ sau lưng: "2 anh này không lo thu xếp dồ đạc, còn ngồi
nói chuyện chi đây? Bộ muốn chống đối hả?" Tôi quay lại nhìn thì chạm
ngay cặp mắt trắng dã của tên Trật Tự trẻ mà từ lúc đầu tôi đã gườm hắn. Tôi đứng
dậy bỏ đi vì biết rằng đây không phải là chỗ tốt để bày tỏ một thái độ nào
khác. Tôi vừa đi vừa nghĩ bụng là mình phải cẩn thận với tên này.
Tất cả
chúng tôi đã bị nhốt lên khu kiên giam ngay chiều hôm sau. Khu kiên giam gồm những
căn nhà xây cất rất kiên cố, được chia ra nhiều phòng nhỏ, dùng để giam các tù
nhân bị coi là nguy hiểm hay bị trừng phạt vì kỷ luật. Có những tù nhân phải bị
còng chân ban đêm hay suốt cả đêm ngày. Tất cả 48 anh em chúng tôi đều được xếp
vào loại nguy hiểm, nên bị đưa lên giam ở đây. Hàng ngày chúng tôi không được
đưa đi lao động, không được liên lạc với các tù nhân khác bên ngoài. Thông thường,
2 tuần một lần, những người ở nhà kiên giam được di tắm giặt dưới sông trước mặt
trại giam một lần và bị canh gác rất cẩn thận.
Tuy bị
đưa vào giam ở nhà kiên giam, nhưng nhờ một số tù nhân cũ đang bị giam tại đây,
chỉ độ vài ngày sau chúng tôi đã nắm vững vị trí của trại và tình hình trong trại
này. Trại Thanh Cẩm lúc đó được chia làm hai K (Khu), chúng tôi đang ở K1 gồm
toàn tù nhân chính trị miền Nam khoảng 400 người, đa số là các cựu viên chức
hành chánh của chế độ miền Nam cũ và một số anh em thuộc tổ chức Phục Quốc hay
vượt biên bị bắt. Không có thành phần cựu quân nhân. K2 nằm cách K1 khoảng 3
km, được dùng để giam tù hình sự.
Một số
anh em tù nhân chính trị đã kể lại cho chúng tôi biết, khi họ từ trại Long
Thành đến đây vào tháng 12/76, trại này có đến 3 K. K1 là phân trại mà chúng
tôi đang bị giam, gồm một nửa là tù chính trị miền Nam và một nửa là tù hình sự.
Phân trại này trước đây là nhà tranh, có hàng rào bằng tre nhiều lớp bọc xung
quanh, dùng dể giam tù hình sự. Sau khi chiếm được miền Nam, Bộ Nội Vụ ra lệnh
xây cất gấp những căn nhà gạch và một vòng tường kiên cố để đón các tù chính trị
miền Nam, vì tù chính trị miền Nam được coi là thành phần nguy hiểm, phải canh
giữ rất cẩn thận, không cho liên hệ với bên ngoài. Khi các anh em từ trại Long
Thành ở trong Nam được chuyển ra đây thì phía bên phải của trại đã có 4 căn nhà
ngói, còn bên trái 3 căn nhà tranh, và một căn nhà kiên giam xây bằng đá tối
om, có lỗ thông hơi rất nhỏ, được dùng dể giam những người Việt gốc Trung Hoa bị
coi là gián điệp của Trung Quốc và những người bị kỷ luật. Chúng tôi thường gọi
nhà kiên giam này là Nhà Ðen. Khu kiên giam mà chúng tôi đang bị giam là khu mới
xây cất để đón chúng tôi.
Trật Tự
Bùi Ðình Thi
Vào một
buổi chiều, sau một cơn mưa, nước đọng thành vũng chung quanh khu nhà kiên
giam, cũng được gọi là nhà vì có mái bằng, anh em chúng tôi đang ngồi bó gối
trong buồng nhìn ra cửa sổ nói chuyện trên trời dưới đất như thường lệ cho qua
thời giờ, bỗng nghe tiếng chìa khóa lách cách bên ngoài. Việc cửa khu kiên giam
được mở vào giờ bất thường như thế này bắt buộc chúng tôi phải theo dõi xem
chuyện gì sẽ xảy ra. Nhìn qua cửa sổ, chúng tôi thấy một anh tù lạ mặt vác cuốc
bước vào sân. Chúng tôi đoán với nhau rằng anh này là anh Trật Tự mới.
Chúng tôi
đoán như vậy vì không một anh tù nào được vào khu vực này, trừ ra các anh có chức
vụ như Trật Tự, văn hóa và y tá. Việc thay đổi một anh Trật Tự có ảnh hưởng rất
nhiều đến cuộc sống của chúng tôi, nên tất cả 5 người trong phòng tôi đều dí mặt
vào song cửa để quan sát. Anh tù lạ mặt này tướng tá coi bộ cao ráo, gân guốc,
mạnh mẽ. Anh ta đang đào rãnh khai thông vũng nước mưa đọng ngay bên ngoài cửa
sổ buồng chúng tôi (buồng 1). Anh vung những nhát cuốc trông thật "chất
lượng" và thành thạo. Lúc anh quay mặt vào buồng chúng tôi, tôi quan
sát kỹ lưỡng hơn. Anh ta khoảng 40 tuổi, tay chân dài lều khều, cái tướng mà
người Nam chúng tôi thường gọi là "chân chòi củ loi". Mặt anh ta
hơi dài, tóc thưa, cặp mắt tròng trắng nhiều hơn tròng đen. Ðiểm đặc biệt nhất
nơi anh là cái miệng. Tôi không biết tướng số nên không biết diễn tả như thế
nào, chỉ biết là có một cái gì không ổn nơi cái miệng đó. Ðôi môi hình như chưa
được cấu tạo đầy đủ. Môi trên và môi dưới không giáp mí nhau, đúng ra không phải
là cái môi theo nghĩa thông thường mà là 2 mảng thịt mỏng lúc nào cũng nhơm nhớp
nước bọt. Thỉnh thoảng anh ta ngoái lưỡi liếm nước bọt bám ở 2 bên mép. Anh mặc
bộ đồng phục màu xanh của tù, cạp quần 2 bên hông được lận lên cao, chân mang
dép râu. Cảm nghĩ đầu tiên của tôi sau vài giây phút quan sát là tên này không
phải là một tay vừa. Nếu quả thật anh ta được cử làm Trật Tự thì không dễ thở
đâu. Anh ta có một cái gì khác với cả Phạm Ðình Thăng lẫn Trương Văn Phát. Một "cái
gì khác" đó có lẽ không hứa hẹn "một tương lai sáng sủa" nào
cho anh em tù kiên giam chúng tôi.
Từ bên
trong song sắt cửa sổ chúng tôi cố gợi chuyện với anh ta. Rõ ràng là anh không
muốn trả lời, nhưng nhiều người hỏi quá buộc lòng phải trả lời vài câu, nhưng
theo lối đáp nhát gừng. Sau một cuôc phỏng vấn chớp nhoáng và được trả lời một
cách miễn cưỡng, chúng tôi được biết anh ta từ trại quân đội mới được chuyển về
đây ít lâu và vừa được trại cử làm Trật Tự thay cho Phạm Ðình Thăng đã được về.
Anh ta là một người công giáo, ở xứ Gia Cốc, Hố Nai, gốc Ðịa phận Hải Phòng.
Nghe tới 2 tiếng Hải Phòng, cha Chu Văn Oanh, một linh mục lớn tuổi trong buồng
tôi mừng rỡ:
- Anh gốc
Ðiạ phận Hải Phòng hả? Tôi cũng Hải Phòng nè, thế anh có biết cha nào gốc Hải
Phòng không?
- Cha
Bình.
Cha Oanh
vội rước lời:
- Cha
Bình làm Quản lý của Ðịa phận Hải Phòng, bây giờ thuộc Giáo phận Long Xuyên chứ
gì?
- Ðúng rồi.
Cha Oanh
hớn hở:
- Cha
Bình là bạn thân của tôi, 2 người thân nhau lắm.
Thinh lặng
một lúc khá lâu như để lựa lời, một lúc sau anh nói ngắn gọn:
- Cha
Bình là chú tôi.
Cha Oanh
vui mừng ra mặt:
- Thế thì
may quá, không ngờ được gặp cháu cha Bình ở đây. Nếu anh có viết thư nói tôi là
cha Oanh, không, phải nói cha Oánh, vì lúc bấy giờ tên tôi là Oánh, gửi lời hỏi
thăm người nhé. Thế anh tên là gì nhỉ?
- Thi
- Cái gì
Thi?
Anh ta ngập
ngừng tỏ vẻ hơi khó chịu trước cái cách "thấy sang bắt quàng làm họ" một
cách quá lộ liễu của ông linh mục già này, nhưng cũng đáp gọn:
- Bùi
Ðình Thi
Tôi cũng
có chút hơi ngượng trước thái độ cầu thân thái quá của cha Oanh, nhưng trong
lòng cũng mừng thầm vì từ nay có một người công giáo làm Trật Tự, anh ta lại có
chú làm linh mục bạn của cha Oanh, chắc từ nay cảnh sống kiên giam sẽ đỡ hơn,
không như tên Phát "vô đạo", hỗn láo, đối xử với chúng tôi thật
chẳng ra gì. Ngon đà, cha Oanh còn hỏi thêm mấy câu nữa nhưng anh ta vác cuốc bỏ
đi nơi khác làm cha Oanh hơi cụt hứng.
Khi Bùi
Ðình Thi đi rồi, bầu không khí trong buồng chúng tôi trở nên vui vẻ lạ thường.
Chúng tôi gọi sang các buồng khác để báo tin vui, vì 4 buồng kiên giam sát vách
nhau nên tin tức gì một buồng biết là các buồng kia đều biết. Sau khi nghe
chúng tôi thông báo về lai lịch của anh Trật Tự mới, anh em các buồng kia cũng
phấn khởi và nghĩ là phen này tù kiên giam chắc sẽ dễ thở hơn. Từ mấy tháng
qua, tên Phát làm mưa làm gió nên anh em chúng tôi cảm thấy cuộc sống trong tù
vốn đã khổ lại càng khổ hơn. Trong buồng tôi, cha Oanh vui vẻ ra mặt, cười nói
liên hồi như vừa lập được chiến công lẫy lừng, luôn miệng lập đi lập lại câu
nói: "Chuyến này thì ăn thua rồi! Chuyến này thì ăn thua rồi!" Oanh
đang vui vẻ nói năng, tự nhiên tôi đâm ra tự trách mình đã nhận xét không tốt về
anh Bùi Ðình Thi lúc nãy. Mới trông qua bộ mặt anh ta, tôi thấy có vẻ hắc ám,
nhất là cái miệng trông thấy ghê sợ..., nhưng biết đâu chừng anh là người tốt,
anh là một con chiên, là một giáo hữu, dân"Bắc Kỳ Hố Nai", nơi giáo
dân nổi tiếng ngoan đạo. Anh ta lại là cháu của một linh mục bạn của cha Oanh,
dù gì chắc cũng không đến nỗi tệ.
Ðọc tới
đây chắc có bạn thắc mắc tại sao lúc bấy giờ anh em kiên giam chúng tôi lại quá
bận tâm về một anh tù làm Trật Tự như vậy. Xin nói ngay vì sau cán bộ, Trật Tự
là người nắm giữ quyền hành trong khu vực này. Thông thường, đến giờ điểm danh
hay phát khẩu phần cho khu kiên giam, cán bộ cùng đi với Trật Tư, vì Trật Tự
cũng là tù nên không được hoàn toàn tin tưởng. Nhưng phát cho ai bao nhiêu,
phát nhiều hay phát ít, cán bộ không hề hay biết. Trật Tự trù ai bằng cách bớt
phần ăn thì người đó khốn khổ ngay. Chính vì cái quyền này, Bùi Ðình Thi đã để
anh Lâm Thành Văn chết đói mà chúng tôi sẽ kể dưới đây. Ngoài ra, nếu Trật Tự dễ
dàng một chút, khi làm vệ sinh và lãnh khẩu phần, anh em sẽ được thoải mái hơn,
có chút thời giờ trò chuyện hay thở không khí trong lành một chút. Trật Tự gắt
gao thì chúng tôi làm không kịp thở. Nói một cách tổng quát, cuộc sống của nhà
kiên giam và kỷ luật tùy thuộc khá nhiều vào anh Trật Tự, anh dễ dàng thì dễ thở,
anh ta khó khăn thì khốn khổ. Cán bộ chỉ nghe lời Trật Tự chớ không nghe lời tù
kiên giam. Xin các bạn hãy kiên nhẫn, đọc hết bài này các bạn sẽ thấy vai trò của
Trật Tự quan trọng thế nào.
Giờ cho
ăn chiều hôm đó, ngoài cán bộ và Phát còn có thêm anh Trật Tự mới là Bùi Ðình
Thi. Cửa mở, chúng tôi ra ngoài lo các việc vệ sinh như thường lệ. Cha Oanh vì
lớn tuổi nên không phải làm gì, ngài ra sân quơ tay đá chân mấy cái xong vui vẻ
bước lại chỗ Bùi Ðình Thi đang ngồi chia thức ăn gạ chuyện. Không biết 2 người
đã nói những chuyện gì, có lẽ cha Oanh muốn nối tiếp câu chuyện còn dở dang lúc
nãy. Bất ngờ chúng tôi nghe Bùi Ðình Thi gắt lên thật to và dứt khoát: "Ði
vào buồng, đừng hỏi lôi thôi". Tội nghiệp cho cha Oanh, không kịp có
phản ứng vì "cháu người bạn thân" có thái dộ quá bất ngờ,
miệng ngài há hốc có vẻ sửng sốt, rồi cúi đầu lủi thủi vô buồng. Câu nói đó của
Bùi Ðình Thi cũng làm tan biến hy vọng của chúng tôi. Trong lúc ngồi ăn, tôi
nghĩ rằng nhận xét ban đầu của tôi về Bùi Ðình Thi có lẽ đúng, mặc dù lúc nào
tôi cũng mong là mình đã lầm.
Mấy ngày
tiếp theo sau, có mấy anh em dưới "làng" mới bị đưa lên
kiên giam cho biết Bùi Ðình Thi đã từng là một hung thần khi làm Trật Tự ở trại
cũ, có người còn nói anh ta đã có lần tuyên bố thẳng thừng: "Tôi sẵn
sàng bước qua xác chết của bất cứ ai vì hạnh phúc của vợ con tôi". Có thật
anh ta đã nói câu đó hay một câu nào khác có ý tương tợ như thế hay không, tôi
không biết, nhưng qua cách anh ta đối xử với chúng tôi trong thời gian sau đó,
tôi nghĩ là họ nói đúng, hoặc có sai thì cũng không sai bao nhiêu.
Bùi Ðình
Thi làm Trật Tự vào khoảng 1979. Càng ngày anh ta càng trở nên hung ác hơn, một
phần là do bản chất, phần khác muốn tỏ ra là một đầy tớ trung thành và tận tụy
của VC để mua cho được 2 chữ "tiến bộ" mong được về sớm, mà
cách tiến bộ nhanh nhất là phản bội anh em để tỏ ra mình đã thuộc về chế độ mới.
Nhắc tới trung thành và tận tụy, tôi còn nhớ một hình ảnh trông thật khó coi.
Mỗi chiều
nghe tiếng kẻng, các đội phải xếp hàng chờ điểm danh vào buồng. Dưới "làng" được
điểm danh trước, kiên giam và kỷ luật sau. Trong các khu kiên giam, tất cả
chúng tôi đang ở trong buồng, nên chỉ phải ngồi ngay ngắn trên bệ nằm đợi cán bộ
tới phiên điểm danh. Bỗng nhiên chúng tôi nghe tiếng khua rỏng rẻng của các xâu
chìa khóa và 2 anh Trật Tự Thi - Phát chạy vụt vào sân, lục soát các ngõ ngách.
Cán bộ trực trại theo sau, tay cầm gậy khua lung tung, la hét chỉ chỏ, y như cảnh
người thợ săn đang xua cặp chó săn chạy sục sạo đánh hơi tìm con mồi. Lúc ở các
trại khác cũng như trại "Cổng Trời", chúng tôi đều thấy có cán bộ
và Trật Tự đi điểm danh như thế, nhưng tôi chưa hề thấy có anh Trật Tự nào, kể
cả các anh hình sự, chạy nháo nhác trước mặt chủ như thế bao giờ.
Khi Bùi
Ðình Thi được đưa lên làm Trật Tự, Trương Văn Phát vẫn được làm phụ tá. 2 tên
này khi đi cặp với nhau đã gây không biết bao nhiêu kinh hoàng cho anh em chúng
tôi. 4 chữ "thằng Thi thằng Phát" trở thành cách gọi quen
thuộc trong trại tù Thanh Cẩm để biểu thị cho một thứ gì vừa đáng sợ vừa đáng
kinh tởm.
Tại Trại Tù Thanh Cẩm -
Phần II
Gặp
lại "cố nhân":
Cho
tới những tháng đầu của năm 1979, chúng tôi vẫn chưa được phép liên lạc với gia
dình nên không có tiếp tế. Cuộc sống thiếu thốn về vật chất và những khổ ải mà
cuộc sống tại nhà kiên giam đem lại đã làm cho một số anh em bị sa sút cả thể
xác lẫn tinh thần. Cái đói nó hành hạ thân xác chúng tôi một cách triền miên. Với
khẩu phần 9 kg khoai sắn một tháng mà sống còn được thì phải coi là phép lạ.
Thái độ của bọn Công an áo vàng và 2 tên tù áo xanh tay sai làm cho chúng tôi
lúc nào cũng ngột ngạt khó thở. Chúng tôi sống mà không có gì trước mắt để hy vọng.
Nói
chung, các anh em tù chính trị miền Nam bị đưa ra giam tại miền Bắc, không ai
biết được ngày mai sẽ ra sao cả. Riêng số anh em thuộc nhóm 48 Quyết Tiến chúng
tôi từ "Cổng Trời" về đây đều biết rõ số phận của chúng tôi
đã được nhà cầm quyền CS định như thế nào rồi. Họ không dám giết chúng tôi,
nhưng tìm cách làm cho chúng tôi chết lần chết mòn trong ngục. Trước tình trạng
như vậy, mỗi anh em có cách suy nghĩ khác nhau. Ða số an phận và để mặc cho số
mệnh dưa đẩy tới đâu thì tới. Một vài người cố lập công với VC để được về sớm bằng
cách làm mật báo sinh hoạt của anh em đồng cảnh trong buồng và trong đội, nịnh
hót đám cán bộ. Có anh đã bày ra chuyện lếu láo hại anh em. Một số khác nghĩ rằng
phải tìm cách thoát ra khỏi trại mới mong sống còn, trong đó có tôi. Chúng tôi
đều biết rõ trại Thanh Cẩm nằm trên một ốc đảo, chung quanh núi sông bao bọc,
đường ra là độc đạo, nên thoát ra khỏi chốn này không phải là chuyện dễ dàng. Mấy
anh Tàu "gián điệp" bị giam ở nhà kỷ luật, rất giỏi về
phương hướng và mưu sinh, nhưng lần nào thoát ra cũng bị bắt lại. Tuy nhiên,
trong số tù hình sự trốn trại mà chúng tôi biết từ ngày đến trại Thanh Cẩm,
cũng có vài người thoát được. Như vậy việc trốn khỏi trại Thanh Cẩm không phải
là hoàn toàn vô vọng. Chúng tôi biết nếu bị bắt lại, chúng tôi sẽ bị đối xử dã
man, nhưng trong cảnh khốn cùng, tôi nghĩ rằng phải chấp nhận mọi rủi ro.
Ðầu năm
1979, chiến tranh Việt - Trung tới điểm cao, đêm đêm cái loa của đài phát thanh
trong trại vang lên inh ỏi tin tức chiến sự và những lời chửi bới Trung Quốc.
Tiếng chửi cứ ra rả ngày đêm rót vào tai chúng tôi. Họ dùng đủ mọi kiểu và mọi
hình thức để chửi, từ tin tức, bình luận, kịch nghệ, đến âm nhạc! Tôi ngạc
nhiên không hiểu tại sao các thợ viết kịch của chế độ đã sáng tác được những vỡ
kịch chửi Trung Quốc nhanh và hay đến thế! Những khẩu hiệu "Trung Quốc
vĩ đại" hay "Núi liền núi, sông liền sông" đã hô
hào mấy chục năm qua, nay không còn nữa.
Cuộc sống
của tôi đang đều đều trôi qua một cách nặng nề như thế thì một ngày kia, vào
khoảng tháng 2/79, có phái đoàn Cục Cảnh Sát vào thăm khu kiên giam trong giờ
cho ăn trưa. Phái đoàn chừng bốn năm người, mặc áo sơ-mi trắng ngắn tay bỏ ra
ngoài quần, vai mang sắc-cốt, mới nhìn qua trông như một tốp thợ sửa điện hay mấy
ông thợ thiến lợn mà lúc còn nhỏ tôi thường thấy đi vào làng thiến heo. Họ chỉ
chỏ nói năng gì đó với ông Trại Trưởng. Ông có vẻ khép nép khi nói năng. Nhìn
thái độ của ông ta đối với mỗi phái đoàn khi đến thăm, chúng tôi có thể đoán được
tầm quan trọng của từng phái đoàn. Thỉnh thoảng có những phái đoàn khác nhau
vào thăm trại nhưng không phải lần nào Trại Trưởng cũng hướng dẫn, có khi chỉ
là một sĩ quan cấp nhỏ đi theo, khi đó tôi biết ngay đó là phái đoàn "dỏm".
Như thường
lệ, sau khi Bùi Ðình Thi mở cửa buồng, chúng tôi ra ngoài, người lấy cơm, kẻ
quét tước dọn dẹp... Nhưng hôm nay, mọi chuyện được làm trong bầu không khí yên
tịnh và trang nghiêm khác với ngày thường vì đang có phái đoàn của Cục quan
sát. Lấy thức ăn xong, chúng tôi phải vào buồng ngaỵ Trong lúc anh em đang chia
thức ăn với nhau trong buồng, nhìn ra ngoài tôi chợt thấy một người cao lớn mặc
sắc phục Công an đi vào sân. Tôi giật mình khi nhận ra đó là Ðại tá Hoàng Thanh,
một thứ "khắc tinh" của tôi từ nhiều năm qua. Tôi lẩm bẩm một
mình: "Gặp lại "cố nhân" nữa rồi!"
Ðại tá
Hoàng Thanh làm Cục Trưởng Cục Cảnh Sát thuộc Bộ Nội Vụ, lúc ấy khoảng ngoài
50, người cao lớn dềnh dàng nhưng không mập, lưng tôm, mặt bẹt, đôi gò má nhô
lên cao, miệng rộng, các kẽ răng đen sì, có lẽ vì thuốc lào và chè (trà) đặc.
Ðiểm trái ngược trên khuôn mặt rộng bèn bẹt này là cặp mắt ti hí, thật nhỏ và
tròn như loài chồn cáo, lúc nào cũng liếc qua liếc lại. Cho dù có thiện ý đến
đâu tôi cũng không thể hình dung được một sự lương thiện tối thiểu nào ẩn nấp đằng
sau đôi mắt ấy. Tôi đã từng chạm mặt với Hoàng Thanh nhiều lần ở trại Nam Hà
trước khi bị đi "Cổng Trời".Khi nói chuyện với tôi, thỉnh thoảng
ông ta có cười bằng miệng, còn đôi mắt không dự phần chút nào vào tiếng cười ấy.
Tôi vẫn ngại tiếng cười của ông ta, nó được phát ra qua kẽ răng khép kín tạo
thành một hơi gió như tiếng rít của loài rắn lục trong đêm. Dưới cái nhìn của
tôi, Hoàng Thanh là một mẫu cán bộ VC điển hình, được sinh ra đời chỉ để làm
cán bộ VC, hay ngược lại nếu không có VC thì con người ấy đã không được sinh ra
đời làm người, tuy có một điểm hơi khác các hình vẽ cán bộ VC ở miền Nam một
chút, đó là thiếu hàm răng vẩu.
Hoàng
Thanh dừng lại nói gì đó với cán bộ trực trại một lúc rồi đi thẳng tới cửa buồng
1. Tôi đoán là ông ta đọc bảng tên 5 người dán trên cửa sắt và thấy những tên
nào đó được ông chú ý. Linh tính báo cho biết là sắp có chuyện liên hệ đến tôi,
nên tôi lo chuẩn bị tinh thần, vì từ trước tới nay, chưa lần nào gặp tôi mà
Hoàng Thanh để tôi yên bao giờ. Tôi đoán không sai, ông ta vẫy tay gọi Bùi Ðình
Thi lại mở cửa buồng. Nghe tiếng chìa khóa lách cách, trong buồng ngưng chia thức
ăn và ngồi cả lên bệ nằm xi măng. Cửa buồng mở ra, ông ta bước vào và đi dọc
theo lối đi ngắn trước mặt chúng tôi. Sau khi lên tiếng chào cán bộ theo quy định
của trại, chúng tôi ngồi yên. Ông ta bước chậm rãi, 2 tay chấp ra sau mông và
nhìn thẳng vào mặt từng người chúng tôi như một ông tướng đang duyệt qua trước
hàng quân. Bầu không khí trong phòng nặng nề và căng thẳng. Khi tới cửa cầu
tiêu ông ta quay trở ra. Tôi mừng thầm nghĩ bụng chắc như vậy là xong, lần này
chẳng có việc gì xảy ra. Nhưng bất ngờ ông ta quay lại chỉ thẳng vào tôi và hất
hàm hỏi bằng cái giọng khàn khàn quen thuộc:
- Anh
mang kính ngồi trong cùng kia có phải là anh Nguyễn Hữu Lễ không?
- Báo cáo
cán bộ, đúng, tôi là Nguyễn Hữu Lễ.
Ông ta nhếch
mép cười, vẫn tiếng cười cố hữu mà tôi e ngại, nhẹ nhàng nói:
- Tôi
cũng định hôm nào rảnh mời anh lên để chúng ta nói lại một chút về vụ tàu Sông
Hương, anh Lễ nhé!
Nói xong
ông ta bỏ đi ra, không đợi tôi trả lời. Lúc ấy tôi ngồi lặng yên và bàng hoàng
khi nghe Hoàng Thanh nhắc tới vụ tàu Sông Hương. Tôi nghĩ bụng: "Thế
là tên cáo già này chưa buông tha mình".
Tôi không
kể lại vụ tàu Sông Hương ở đây vì đó là câu chuyện rất dài và nhiều chi tiết.
Tôi xin chỉ nói vắn tắt rằng đây là vụ dự mưu đánh cướp tàu Sông Hương chở 1200
tù binh chúng tôi từ Nam ra Bắc vào đầu tháng 4/1977. Kế hoạch này do tôi và
anh Dương Văn Lợi chủ trương với một số đông bạn tù tham dự, nhưng mọt cơn bão
trái mùa buộc chúng tôi phải bỏ cuộc. Cán bộ trên tàu không hay biết chuyện
này, nhưng khi ra miền Bắc và vào trại Nam Hà, các tên "ăng-ten" đã
báo cáo với trại. Tôi đã nhiều phen điêu đứng về vụ này. Ðại tá Hoàng Thanh đã
nhiều lần từ Hà Nội về Nam Hà hạch sách tôi, vì ông ta cũng có mặt trên tàu
Sông Hương và là đại diện của Bộ Nội Vụ từ Bắc vào Nam nhận số tù nhân trong
chuyến đó. Vụ tàu Sông Hương cũng là nguyên nhân chính khiến 20 anh em chúng
tôi ở trại Nam Hà bị đày lên "Cổng Trời". Tôi có ghi lại chi tiết
các việc này trong Bút Ký "Tôi Phải Sống", trong đó có nói về
vai trò của anh Dương Văn Lợi. Sau khi được phóng thích vào năm 1980, kỹ sư
Dương Văn Lợi cũng đã làm điên đầu bọn VC qua vụ đánh cướp thành công chiếc trực
thăng của Bộ Chính Trị ngay tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, bay sang Trung Quốc. Tại
đây anh ta từ chối lời mời gọi hợp tác lập chính phủ lưu vong của Hoàng Văn
Hoan và vượt biển trốn sang Phi Luật Tân, rồi xin sang định cư tại Pháp. Hiện
nay anh là Chủ Tịch Hội Bạn Cựu Tù Nhân Chính Trị tại Pháp. Tác phẩm "Hà Nội
Báo Ðộng Ðỏ" của anh đã được dịch ra tiếng Pháp, gây sự nể phục nơi chính
giới Pháp và Âu Châu. Anh Dương Văn Lợi là một người tranh đấu không mệt mỏi,
theo đúng tinh thần của "Nhóm 48 Quyết Tiến". Trong năm qua, anh đã
cho ra đời tờ báo "Ý Dân" tại Paris làm phương tiện đấu tranh cho tự
do và nhân quyền tại VN.
Cuộc vượt
ngục đẫm máu
Tối hôm
đó tôi cảm thấy một sự bất an ở trong lòng sau cuộc chạm mặt bất ngờ với Hoàng
Thanh. Tôi bàn riêng với anh Ðặng Văn Tiếp, một người anh kết nghĩa với tôi, về
thái độ của Hoàng Thanh. Chúng tôi đều nghĩ rằng một viễn ảnh đen tối đang chờ
đợi tôi. Những ngày tiếp theo, cả 2 anh em tôi bàn đi tính lại với nhau và thấy
không còn cách nào hơn là vượt ngục. Nếu thoát được, cuộc đời của tôi sẽ có nhiều
thay đổi. Nếu không thoát được, tôi cũng chỉ phải đi tiếp con đường mà những
người cầm đầu ở Bộ Nội Vụ đã quyết định cho tôi.
Anh Ðặng
Văn Tiếp nguyên là Thiếu tá Không Quân của QLVNCH, sau đó giải ngũ và ứng cử
Dân biểu Quốc hội đơn vị Tân Bình, Gia Ðịnh và giữ chức vụ Dân biểu cho tới
30/4/75. Anh thuộc phe đối lập trong Quốc hội. Tôi có gặp anh một vài lần khi
hoạt động trong Phong trào Chống tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh. Vào
tù, chúng tôi gặp nhau ở trại "Cổng Trời", anh bị đày từ trại Hà
Tây đến trại này trước tôi vài tháng. Lúc bấy giờ anh là một trong những người
mà tôi mến phục vì anh là người có tư cách đàng hoàng, hiểu biết rộng, từng trải
và có khí phách hiên ngang. Anh với tôi cũng có một điểm tương đồng là đều quan
niệm rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải tỏ ra kiên cường và bất khuất,
không hàng phục. Từ một số điểm tương đồng và luôn có thái độ tương kính nhau,
chúng tôi dần dần đi đến chỗ thân thiết nhau và kết nghĩa anh em. Tôi nhận Tiếp
là anh vì anh lớn hơn tôi đúng 10 tuổi. Con người ấy cũng thường tỏ ra quan tâm
đến mẹ già và người tình của anh. Anh hay nói chuyện với tôi về người mẹ mà anh
rất yêu quý và những kỷ niệm thật đẹp giữa anh và chị Huyền Thanh, người mà anh
đã chuẩn bị cưới làm vợ.
Từ ngày bị
đưa đi đày ở trại "Cổng Trời", 2 chúng tôi đều nghĩ rằng chỉ có
một cách duy nhất để sống còn là vượt ngục, vì chúng tôi biết nhà cầm quyền CS
đã quyết định chúng tôi phải chết lần chết mòn trong trại tù. Câu nói ngắn gọn
của Ðại tá Hoàng Thanh càng tô đậm thêm cái tương lai đen tối của tôi. Ý định
vượt ngục luôn lảng vảng trong đầu óc chúng tôi, có khi rất thúc bách. Chúng
tôi đều biết rằng vượt ngục là đi vào cõi chết để tìm cái sống và tôi đã từng
chứng kiến cái giá mà những người vượt ngục thất bại đã phải trả như thế nào.
Nhưng chúng tôi thấy không có cách nào khác hơn là phải chấp nhận cái giá đó.
Ðang ở
nhà kiên giam mà dự tính vượt ngục là một chuyện quá khó khăn. Phá được cửa
phòng để ra thì còn phải vượt ra hàng rào của khu kiên giam, sau đó mới tìm
cách vượt ra bức tường cao và dày chung quanh trại. Tường nhà kiên giam dày và
kiên cố, rất khó phá, trong khi chúng tôi không được giữ bất cứ thứ gì bằng kim
loại trong buồng. Có quá nhiều vấn đề phải giải quyết trước khi bắt tay vào việc
này. Trước tiên là phải làm sao để tất cả 6 người trong phòng đều dồng ý. Người
nào yếu quá, không thể vượt qua các tường rào cao và kiên cố, phải làm sao bảo
đảm cho họ ở lại mà không bị hành hạ, ngược đãi. Giải quyết xong khâu này mới
tính đến các khâu tiếp theo được. Tôi và anh Tiếp đã phải thăm dò tư tưởng của
từng người, rào trước đón sau rồi mới dám gợi ý, vì nhỡ có anh nào không đồng ý
và báo cáo cho cán bộ để lập công thì lúc đó tai họa sẽ không lường được.
Trong buồng
chúng tôi lúc bấy giờ ngoài anh Tiếp và tôi ra còn có các anh sau đây:
- Anh
Nguyễn Sĩ Thuyên, đã ngoài 50 tuổi, giáo sư dạy Toán.
- Anh Trịnh
Tiếu, khoảng 45 tuổi, Ðại tá Quân lực VNCH, Trưởng phòng 2 Quân đoàn 2.
- Anh Lâm
Thành Văn, 40 tuổi, dân sự, lái xe hành khách Saigon Ðà Lạt, bị bắt vì tham gia
tổ chức Phục Quốc.
- Linh mục
Nguyễn Công Ðịnh, 45 tuổi, Tuyên úy Quân đội Cần Thơ.
- Tôi là
người trẻ nhất, lúc đó mới 36 tuổi và anh Tiếp, 46. Anh tuổi con gà, còn tôi tuổi
con dê!
Chúng tôi
không gặp trở ngại gì trong việc mời anh Thuyên và anh Tiếu tham gia, nhưng anh
Văn còn lưỡng lự vì anh dang đau dạ dày khá nặng. Nhưng cuối cùng anh Văn cũng
đồng ý sau khi anh em hứa sẽ nâng đỡ nhau trên đường trốn thoát. Về phần cha Ðịnh,
ngài dứt khoát không tham gia. Ngài nói:
- Chừng
nào được gọi lên là tôi về, tôi không đi đâu cả, dù cửa mở tôi cũng không đi chớ
đừng nói trốn.
Tôi hỏi lại:
- Nhưng nếu
5 người chúng tôi đi cả thì bác tính sao?
Tưởng là
tôi nói đùa, ngài trả lời:
- Các anh
đi thì các anh cứ đi, tôi ở lại một mình chứ sao!
- Rồi bác
trả lời sao với cán bộ?
- Trả lời
sao kệ tôi!
Thấy câu
chuyện đã đi vào ngõ cụt, tôi cười vả lả:
- Không
đơn giản như bác nói đâu! Nhưng mà này! Nói chơi đấy nhá!
Chúng tôi
thấy vấn đề trở nên khó khăn khi cha Ðịnh quyết tâm ở lại. Mặc dầu vậy, chúng
tôi vẫn lén lút chuẩn bị mọi thứ. Chúng tôi đề phòng bọn cán bộ và trật tự bên
ngoài, vừa phải làm cho cha Ðịnh trong buồng thấy không có chuyện gì sắp xảy ra
cả. Chúng tôi nghĩ rằng cha Ðịnh không hại chúng tôi, nhưng một thái độ có vẻ
lo lắng hay một lời nói vô tình nào đó của ngài có thể làm cho bọn cán bộ và Trật
Tự nghi chúng tôi muốn trốn trại thì mọi chuyện sẽ hỏng. Họ sẽ có biện pháp đề
phòng ngay, như phân tán chúng tôi ra nhiều phòng khác nhau hay nhốt chúng tôi ở
nhà kỷ luật, bị còng ngày đêm.
Khoảng
sau Tết vài tuần, chúng tôi đã đồng ý với nhau chọn ngày N là đêm mùng 1/5/79,
vì ngày đó là ngày Lễ Quốc Tế Lao Ðộng, cả trại được nghỉ, cán bộ được "bồi
dưỡng" sẽ đánh chén say sưa và chểnh mảng trong việc canh gác ban
đêm. Như vậy chúng tôi có 2 tháng để điều nghiên kế hoạch vượt ngục từng chi tiết
và lén lút chuẩn bị các thứ. Suốt 2 tháng trời đó chúng tôi cố gắng tìm hiểu và
dự trù tất cả mọi chuyện có thể xảy ra vì trong canh bạc lớn này chính mạng sống
của mình được dặt xuống chiếu để chơi. Vì cùng là linh mục với nhau, tôi được
các anh giao nhiệm vụ thông báo cho cha Ðịnh 2 ngày trước trước ngày chúng tôi
hành động. Chúng tôi đã tiến hành công cuộc vượt ngục như mọi kế hoạch đã vạch
ra.
Trong đêm
1/5/79, chúng tôi đã cùng nau đào tường để ra khỏi nhà kiên giam và leo tường
ngoài để ra khỏi trại. Nhưng chuyện bất ngờ đã xảy ra. 2 anh Trịnh Tiếu và Lâm
Thành Văn đã không thể leo lên để nhảy ra khỏi tường ngoài của trại. Anh Tiếp,
anh Thuyên và tôi đã ra ngoài trước phải ngồi chờ 2 anh còn lại. Khi thấy trời
gần sáng, 3 chúng tôi đành phải bỏ kế hoạch thứ nhất là chạy trốn vào rừng ẩn nấp
rồi tìm cách làm bè để xuôi sông Mã đi về hướng Thanh Hóa.
Từ chỗ tạm
ẩn nấp ở một cái đồi cao rậm rạp gần bên trại, một bên là đường cái và một bên
là sông Mã, 3 anh em chúng tôi nhận thấy không thể đi ra ngả đường cái được vì
sẽ bị phát hiện ngay, nên đành phải bơi dọc theo bờ sông nước dâng cao vì trận
mưa to suốt đêm qua để tìm một nơi ẩn nấp. Bơi được một lúc, chúng tôi gặp một
hốc đá thật kín đáo, bên trên có một cây to, rễ cây tua tủa ra bao trùm kín cả
miệng hang, tạo thành một nơi ẩn nấp lý tưởng, cả 3 người lặn xuống nước và
chui vào ẩn trong đó.
Khi nghe
3 tiếng súng báo động có tù vượt ngục của công an võ trang, chúng tôi yên lặng
thu mình trong hang, hồi hộp nghe ngóng và chờ đợi. Chúng tôi biết rằng chúng
tôi đang ở trong tình trạng nguy hiểm, nhưng vẫn nuôi hy vọng sẽ thoát đi được
khi đêm tối đến, một thứ hy vọng rất mỏng manh. Không bao lâu, chúng tôi nghe
rõ tiếng chân người chạy rần rần ngay bên trên, tiếng la hét, tiếng chó sủa...
Chúng tôi biết bọn cán bộ đang dắt chó săn đi truy lùng chúng tôi.
Tiếng
chân người mỗi lúc một xa dần khiến tôi mừng thầm và nghĩ rằng họ không khám
phá ra chúng tôi đang ở đây nên đã đi lùng ở những nơi khác. Nhưng không bao
lâu, chúng tôi lại nghe tiếng ồn ào trở lại, rồi tiếng la hét và tiếng chó sủa
càng lúc càng gần hơn. Biết chắc là không thể thoát được, chúng tôi đón nhận
cái chết. Tôi khoát nước sông Mã làm phép rửa tội cho anh Tiếp. Khi vừa rửa tội
xong, anh ôm tôi hôn một cách vô cùng tha thiết như muốn bày tỏ một sự vui mừng
và biết ơn, nhưng tôi đâu có ngờ đó là cái hôn vĩnh biệt anh gởi lại cho tôi
trước lúc từ giã cuộc đời.
Nằm trong
hang tối om vạch cỏ nhìn ra, tôi thấy tên Thượng sĩ Hoàn mặc áo thun, quần đùi
trắng, khẩu súng lục có dây đeo quàng ngang vai, đang đứng trên chiếc xuồng nhỏ,
cầm cây tầm vông dài chừng 3 thước, trên đầu có cây sắt nhọn mà tiếng miền Nam
chúng tôi gọi là cây "xà no" dùng để đâm chuột, đâm rắn
trong các lùm bụi Hắn vừa chống xuồng vừa chọc cây sắc nhọn một cách điên cuồng
vào các bụi rậm bên bờ sông mà hắn nghi có người ẩn nấp trong đó.
Chúng tôi
thấy chiếc xuồng đang từ từ trôi xuống chỗ chúng tôi ẩn nấp.
Chúng tôi
bắt đầu cảm thấy lo lắng. Bỗng có tiếng một người đàn bà đứng trên thuyền đánh
cá từ bên kia sông gọi vọng sang, giọng nói lanh lảnh:
-
Chúng nó vừa ở ngay đấy thôi !
Tên
Hoàn quay mặt sang hỏi:
- Ở
mô?
-
Ðâu trong bụi rậm trước mặt ấy, tôi vừa nom thấy chúng ngay trong bụi ấy!
Theo
sự chỉ dẫn của người đàn bà, tên Thượng sĩ Hoàn đã tìm thấy chúng tôi. Thật khó
mà diễn tả tâm tư của anh em chúng tôi lúc đó. Chúng tôi biết là đã hoàn toàn
thất bại! Chúng tôi có thể hình dung ra được chuyện gì sẽ xảy ra, vì chúng tôi
đã được chứng kiến cảnh tù nhân vượt ngục thất bại đã bị đối xử như thế nào. Ða
số đã bị đánh đập và hành hạ như một con thú. Một số đã bị đánh chết một cách
thê thảm. Tôi bảo anh Tiếp: "Thôi! Ra đi! Anh em mình không ra, chúng
nó bắn chết đó".
Khi
khám phá ra chúng tôi, bọn công an võ trang lồng lộn lên, chúng vừa chạy vừa la
hét như một toán thợ săn đang bao vây con mồi và chờ hạ thủ. Anh Nguyễn Sỹ
Thuyên ở bên ngoài đã lội ra trước, trong khi anh Tiếp và tôi ôm nhau ghì cứng
trong hang nhất định không ra. Sau khi la hét một hồi không thấy chúng tôi lội
ra, tên Hoàn đã chống thuyền đâm vào, vừa dí mũi súng vào phía chúng tôi, vừa
la hét một cách man dại:
- Lễ
Mày có ra hay không hay đợi tao bắn nát đầu mày ra?
Thực tình
mà nói, lúc bấy giờ tôi chỉ mong cho hắn siết cò, vì đó là cách giải quyết tốt
nhất. Tôi đã chuẩn bị đón nhận cái chết khi chúng tôi quyết định trốn trại.
Nhưng tên Hoàn đã quay súng ngược lên, bắn chỉ thiên 4 phát. Ðó là dấu hiệu báo
cho các nhóm đang truy lùng chúng tôi ở các vùng xung quanh biết là đã bắt được
tù vượt ngục rồi.
Thấy la
hét không kết quả gì, hắn liền chọc mạnh cây "xà no" vào
hang, mũi sắt nhọn trúng vai anh Tiếp. Qua ánh đèn pin hắn dọi vào, tôi thấy máu
anh Tiếp tuôn ra đỏ thẫm một vùng nước. Trước tình thế này, chúng tôi thấy là
không còn cách nào khác là phải lội ra. Anh Tiếp ra trước, tôi theo sau và chờ
đợi những gì sẽ xảy ra với chúng tôi khi lên bờ.
Cái giá
phải trả
Tôi vừa
lóp ngóp bò lên tới bờ sông, gặp ngay tên Chuẩn úy Lăng, Sĩ Quan An Ninh của trại
đang cầm trở ngược đầu cây súng AK đứng chực sẵn. Khi tôi bò lên vừa đúng tầm,
hắn dọng báng súng cực mạnh vào giữa ngực tôi, tôi ngã lăn xuống nước. Ðó là cú
đánh mở màn cho một thảm kịch sắp diễn ra trong dây lát. Tên Thượng sĩ Hoàn
dùng "xà no" thọc vào lưng bắt tôi leo lên bờ. Tên Lăng vẫn
đứng chờ tôi, nhưng lần này không đánh nữa mà túm tóc kéo lên bờ. Vừa bò lên tới
bờ tôi thấy một đám người đông đúc đứng gần kín cả đồi sắn mới lú lên cao chừng
hơn gang tay. Cách đó không xa, một toán chừng 10 tên cán bộ đang vây quanh anh
Tiếp đánh đấm túi bụi. Vừa trông thấy tôi, một bọn khác xông vào nga. Tôi cũng
phải chịu số phận như anh Tiếp. Lúc đó anh Thuyên ở đâu tôi không biết.
Những cú
đấm đầu tiên làm tôi đau điếng cả người, nhưng chúng đấm đá một lúc thì tôi
không còn nghe đau đớn gì nữa mà nghe những tiếng phình phình như ai đang đá
banh dội vô tường. Tôi không còn biết cảnh vật chung quanh, nhắm mắt cắn răng
chịu đòn, không hề kêu la một tiếng. Ðánh đập chán chê, họ đẩy tôi về phía trại.
Mở mắt ra tôi không còn thấy anh Tiếp ở đâu nữa. Tôi loạng choạng lê bước đi
trước, một lũ cán bộ ồn ào theo sau. Gần tới cầu ván bắc qua con suối cạn gần
trại mộc, tên Thượng sĩ Khải là một võ sĩ huấn luyện viên vũ thuật cho cán bộ,
đang đứng thủ thế ở phía trước chờ tôi tới. Khi vừa đúng tầm, hắn nhún người nhảy
vọt lên cao, tống nguyên gót chân vào mặt tôi khiến tôi lộn nhào xuống cái suối
cạn ở gần đó, máu mũi và máu miệng chảy ra lênh láng. Phải công nhận đây là một
cú đá rất đẹp, đúng bài bản và có rèn luyện. Bị cú này, tôi cảm thấy thấm thía
hơn là bị trận đánh đấm vừa rồi của những con ngựa non háu đá. Lúc đó tôi vẫn
còn tỉnh nhưng chợt nghĩ là phải giả vờ chết, bằng không sẽ chết thật. Tôi nằm
yên bất động. Bọn cán bộ đứng trên bờ gọi giục, tôi cũng nằm yên. Có mấy tên
nhào xuống đánh tiếp, tôi cứ mặc kệ và nằm ngửa ra như một xác chết. Có lẽ
chúng tưởng tôi đã chết nên gọi 2 anh Trật Tự Thi và Phát xuống suối kéo tôi
lên và mang về trại.
Bùi Ðình
Thi nhập cuộc:
Bùi Ðình
Thi và Trương Văn Phát, mỗi anh một bên nắm lấy cổ tay tôi kéo lê về trại, lưng
và mông tôi lết trên đường đá cục, đau đớn không chịu được, nhưng biết làm gì
hơn? Chúng kéo tôi thẳng vô sân trại, vất nằm ngửa trên nền xi măng của hội trường.
Nằm yên một chốc, tôi mê đi không còn biết gì nữa. Chẳng biết mê man như thế
bao lâu vì tôi đã mất ý niệm về thời gian. Lúc chợt tỉnh lại, tôi mở mắt ra thấy
Bùi Ðình Thi đang cầm sô nước lạnh giội lên mặt tôi. Vừa thấy tôi tỉnh lại, anh
ta vội đặt cái sô xuống và nhanh như con hổ sợ con mồi vuột chạy mất, nhảy chồm
lên, 2 tay túm lấy một cánh tay tôi kéo thẳng lên, đồng thời dùng gót chân đạp
một cái điên cuồng vào ngực, vào bụng tôi, miệng anh ta sùi bọt mép, nghiến răng
trợn mắt nói như muốn hụt hơi: "Ð.M. mày Lễ, ăn cơm không muốn mày muốn
ăn cứt, mày muốn chết tao cho mày chết!"
Lúc đó nằm
ngửa nhìn lên, tôi bắt gặp cặp mắt của Bùi Ðình Thi, một hình ảnh mà tôi còn cảm
thấy kinh hãi cho tới giờ, một cặp mắt đỏ ngầu như máu, 2 tròng con mắt lồ lộ
ra ngoài như mắt của một người treo cổ tự tử mà vì bổn phận có lần tôi đã chứng
kiến. Chưa bao giờ và tôi nghĩ là cũng chẳng bao giờ tôi thấy đôi mắt của ai
như đôi mắt Bùi Ðình Thi lúc đó. Ðánh đập chán chê, anh ta bỏ tôi nằm yên. Sau
này tôi mới biết anh ta bỏ tôi quay sang "thăm" 2 anh Ðặng
Văn Tiếp và Nguyễn Sỹ Thuyên đang nằm rải rác gần đó. Tôi lại đi vào cơn hôn mê
lần nũa. Khi tỉnh lại, tôi thấy Bùi Ðình Thi đang cầm 2 chân tôi kéo lê lên các
bậc thang đúc bằng xi măng từ sân hội trường lên khu kiên giam. Lưng và đầu tôi
va chạm vào các bậc thang (12 bậc) làm tôi bừng tỉnh lại và nhờ đó tôi mới
chưng kiến cảnh tượng hãi hùng khác: Cảnh Ðại úy Bùi Ðình Thi giết chết
Thiếu tá Ðặng Văn Tiếp!
Mạng người
thứ nhất
Bùi Ðình
Thi kéo tôi vào lại buồng cũ, nơi mà chúng tôi vừa đào tường vượt ngục đêm qua.
Chắc chắn một điều là Bùi Ðình Thi tưởng tôi đã chết rồi nên mới lôi đầu tôi
vào phòng trước, đặt tôi nằm quay mặt nhìn ra sân, nhờ thế tôi mới có cơ hội
nhìn thấy tội ác tày trời của anh ta. Nếu biết tôi còn sống, có lẽ Bùi Ðình Thi
đã ban cho tôi một "cú ân huệ" rồi.
Vừa quẳng
tôi vô buồng, Bùi Ðình Thi vội quay trở ra cửa khu kiên giam đẩy mạnh anh Tiếp
vào. Từ lúc thấy anh Tiếp bị đánh ở bờ sông cho đến lúc đó là bao lâu, tôi cũng
không thể đoán được vì trí nhớ tôi lúc đó rối loạn. Anh bị đòn nhiều ít thế nào
tôi cũng chẳng hay. Tôi chỉ biết là lúc đó tôi trông anh còn có vẻ khá hơn tôi,
tuy dáng anh trông tả tơi, nhưng anh còn đi đứng được. Chung quanh anh lố nhố bọn
cán bộ. Tôi nghe có cả tiếng phụ nữ chắc là vợ con cán bộ nghe tin cũng đã chạy
lên xem cảnh hành hạ tù vượt ngục. Tôi không biết ai đã quật anh Tiếp ngã xuống,
nhưng tôi thấy rõ Bùi Ðình Thi, và chỉ có một mình Bùi Ðình Thi mà thôi, nhảy
chồm tới cầm tay anh Tiếp kéo lên, rồi dùng ngón chân dậm lên một cách điên cuồng
lên ngực, lên bụng anh giữa tiếng chửi bới và cổ võ của một lũ cán bộ.
Nằm nhìn
ra cảnh ấy, tôi biết là anh Tiếp không thể chịu nỗi cú đòn hiểm độc này của Bùi
Ðình Thi. Không rõ Bùi Ðình Thi hành hạ anh Tiếp trong bao lâu cho tới khi tôi
nghe anh kêu lên thật to:"Chắc con chết mất Mẹ ơi!" Tôi không ngờ
đó là câu nói cuối cùng của đời anh. Ðặng Văn Tiếp đã chết. Không ai ngờ được một
cuộc đời đã từng ngang dọc oai hùng của anh đã bị chấm dứt một cách tức tưởi
như thế này vào một buổi sáng âm u ngày 2/5/79 trong nhà tù Thanh Cẩm, lúc anh
vừa 46 tuổi. Bùi Ðình Thi đã giết chết anh một cách dã man. Nếu tôi không sống
sót thì ai biết được ghi thêm một thảm trạng trong nhà tù CS?
Hôm nay
ngồi viết lại cảnh tượng này lòng tôi đau nhói. Tôi có cảm tưởng như đang xem một
đoạn phim chiếu những hình ảnh méo mó, bệnh hoạn. Ruột tôi co thắt lại và tôi cảm
thấy buồn nôn! Trong cả cuộc đời của tôi, không cảnh nào làm tôi đau xót bằng cảnh
một Ðại úy QLVNCH đang trợn trừng cặp mắt đỏ ngầu như máu, điên cuồng đánh đập,
chà đạp một Thiếu tá QLVNCH đang nằm vật xuống đất, dở sống dở chết, mình đầy
máu me, trước sự chứng kiến của một lũ cán bộ VC đứng vây quanh vừa chửi bới vừa
hò hét cổ võ. Cảnh tượng này không khác gì cảnh tượng trong một đoạn phim của
cuốn phim "quo Vadis" mà tôi đã xem, đó là cảnh một đám
khán giả khát máu tập trung trong một hí trường thời cổ đại La Mã đang là hét
điên cuồng cổ võ những con ác thú cắn xé các nạn nhân bị kết án tử hình được vất
cho chúng. Ðiều đáng tiếc là "Chắc con chết mất Mẹ ơi!" lại
không phải là một con thú, anh ta là một con người. Hơn thế nữa, anh đã từng là
chiến hữu của Bùi Ðình Thi, và 2 người chưa hề có thù oán gì với nhau, anh được
chúng tôi coi là một người anh em, một người bạn tù đồng chung cảnh ngộ. Viết tới
đây, cảm giác kinh hoàng của 17 năm về trước bừng sống dậy làm tim tôi se thắt
lại, nước mắt tôi bỗng dưng tuôn trào xuống, những ngón tay tôi không còn giữ nỗi
cây viết. Tôi phải ngừng lại để nói chuyện với anh Tiếp.
"Anh
Tiếp ơi! Giờ này oan hồn anh ở đâu? Anh có biết người em này đau xót như thế
nào khi ngồi ghi lại những dòng này không? Nước mắt của người em này cứ tuôn
trào ra, chảy xuống ướt cả áo... Mỗi năm, vào ngày giỗ của anh, khi thắp nén
hương đứng cầu nguyện trước bàn thờ anh, lòng em đau xót vô cùng, nhưng chưa
bao giờ em khốn khổ như lúc em đang viết lại từng chi tiết về cái chết của anh.
Tháng 8/1995 vừa rồi, khi qua Mỹ, em đã thay anh tới nghĩa trang Arlington viếng
mộ của Mẹ anh vào một buổi sáng tinh sương, khi không khí còn trong lành. Em đi
với Thụ. Khi nhìn làn khói hương bay tỏa lên cao, tự nhiên em nhớ lại câu nói của
anh trước khi Bùi Ðình Thi đưa anh về bên kia thế giới: "Chắc con chết mất
Mẹ ơi!". Người em này bồi hồi xúc động, quay đi để gạt nước mắt, trong khi
Thụ đang lúi húi lau chùi mộ bia của Mẹ..."
Giết chết
anh Tiếp xong Bùi Ðình Thi lôi xác anh vào buồng vất chồng lên người tôi đang nằm
như một thây ma bất dộng dưới lối đi, nơi mà mấy tháng trước đây tên Ðại tá
Công an VC Hoàng Thanh đã đi qua để nhìn mặt chúng tôi. Lúc này tôi nằm ngửa
còn xác anh Tiếp mềm nhũn nằm sấp áp lên người tôi. Trong tư thế đó, tôi là người
thân cuối cùng có mặt để tiễn đưa anh về thế giới bên kia.
Linh
mục Nguyễn Hữu Lễ
Nhóm Quyết
Tiến 48 Viết tại Auckland, New Zealand Ngày 2/1/1995
Không biết bạn nào có thể phổ-biến hình ành của Bùi-Đình-Thi được chăng ? Tôi vẫn mang thắc-mắc, không biết dạng của loài súc-vật này ra sao ?
Trả lờiXóaĐề nghị cha Lễ hoặc có ai đó đưa hình tên Thi lên đây cho mọi người biết .Tôi là người lính phía Bắc nhưng hết sức ghê tởm với hạnh động dã man không còn tính người của tên Thi này .Phải đưa nó lên cho nhiều người biết cái mặt quái vật của nó .
Trả lờiXóa