CHƯƠNG XXII
Dù sao mặc lòng, kể từ hôm ấy coi như tôi bị mất việc ở cơ quan tình báo xô-viết. Huỳnh Ngự cũng lờ tịt, không quay lại với đề tài bị thối lần nào nữa. Tôi hiểu mình đã tước của các nhà chuyên chính vô sản một con bài quan trọng. Không phải đó là sự tước đi lý do buộc tội tôi, có lẽ là lý do duy nhất, hoàn toàn không phải thế. Ðiều đó không làm họ suy nghĩ. Chẳng cần phải vò đầu bứt tai nghĩ cách buộc tội tôi người ta vẫn có thể tống tôi vào xà lim như thường. Cái chính là họ mất đi kỳ vọng dùng tôi làm tấm ván bắc cầu vào nhà người khác - Võ Nguyên Giáp, Bùi Công Trừng, Ung Văn Khiêm, Lê Liêm và các nhà cách mạng lão thành bị bắt trong vụ này.
Nhưng Huỳnh Ngự không cho tôi nghỉ ngơi. Bắt đầu cuộc đánh vật mới về những nhân vật quan trọng. Tôi bình tĩnh, khiêm tốn nói tôi chẳng biết gì về họ. Huỳnh Ngự phát chán. Y để họ đấy đã, chuyển qua hỏi tôi về những người mà theo tôi, chẳng mấy liên quan tới chủ nghĩa xét lại hiện đại. Tính Tào Tháo(1) của nhà cầm quyền không phải là điều mới lạ. Nhưng nghi ngờ bất cứ ai, không căn cứ trên một chứng cứ nào thì thật quá đáng. Ðó là sự phỉ báng trắng trợn những người cùng chung hàng ngũ mà họ hàng ngày vẫn tay bắt mặt mừng, vẫn gọi bằng đồng chí. Tôi xin kể một câu chuyện làm thí dụ. - Anh ghê thiệt đó, chẳng kém ủy viên Bộ Chính trị bao nhiêu đâu. Ngồi tại Hà Nội mà có nhãn tiến(2) dâng tận miệng, ghê thiệt ! - Huỳnh Ngự bỗng dưng nói một câu bâng quơ trong tuần trà thông lệ, trước khi bước vào cuộc hỏi cung. Tôi nhớ ra : cách đây ít lâu anh Lê Quý Quỳnh, bí thư tỉnh ủy Hưng Yên, có gửi cho tôi một bó nhãn tiến làm quà. Thì ra việc ấy cũng đến tai nhà chức trách. Anh Lê Quý Quỳnh cho cán bộ mang tới cơ quan chứ không mang tới nhà riêng. Thế mới biết chẳng có gì mà bọn chỉ điểm không báo cáo. Nói chuyện này ra Huỳnh Ngự muốn khoe sự hiểu biết thần thông quảng đại của cơ quan công an hay còn có ý gì khác ? - Tui cần một báo cáo về Lê Quý Quỳnh. - y nói tiếp, mặt lạnh tanh. Tôi còn đang ngỡ ngàng thì còi báo động đột ngột hú lên, cắt ngang buổi làm việc. Huỳnh Ngự lật đật ôm hồ sơ chạy ra ngoài. Bom Mỹ cứ việc rơi trúng Hỏa Lò đi, chẳng sao hết. Tôi có một cuộc đời đẹp đến nỗi chẳng buồn tiếc nó làm gì ! Thành nói Hỏa Lò là nơi an toàn nhất Hà Nội, máy bay Mỹ không bao giờ ném bom vào nơi có tù binh Mỹ. Theo lệnh quản giáo, tù xà lim phải chui vào gầm phản khi có báo động. Chúng tôi chưa một lần chui xuống đó. Còi báo động chỉ làm tôi nhớ nhà. Nhớ lắm ! Từ nhà tôi tới Nhà Hát Lớn thành phố chỉ ba bước chân. Mỗi lần còi báo động trên nóc Nhà Hát Lớn hú lên là các con tôi phải bịt chặt tai lại. Huỳnh Ngự quay trở vào, xếp lại hồ sơ lên bàn. Cuộc hỏi cung tiếp tục. - Tôi biết gì về anh Lê Quý Quỳnh để có thể nói về anh ấy ?! - Anh biết quá đi chớ. Không dưng Lê Quý Quỳnh gởi nhãn tiến cho anh ? Thứ nhãn quý ni, anh thừa biết, chỉ dành riêng cho Bác và Bộ Chính trị, đâu phải bí thư tỉnh muốn cho ai thì cho. Thì viết. Tôi lùi bước theo cách của tôi. Giờ Huỳnh Ngự muốn bắt tôi viết gì tôi cũng viết. Có thể coi việc viết những báo cáo này là cách tiêu thời gian trong tù lắm chứ. Bọn mao-ít chẳng sử dụng được những báo cáo của tôi để hại ai đâu. Tôi thừa khôn để không trao cho chúng vũ khí hại người. Tôi viết rằng Lê Quý Quỳnh là một trong những bí thư tỉnh ủy ít ỏi mà tôi được gặp. Hiếm có một bí thư tỉnh ủy gần dân như anh. Anh không mấy khi có mặt ở cơ quan tỉnh ủy mà lăn lộn hàng ngày với dân, giải quyết những vấn đề nảy sinh tại chỗ. Ðám nhà báo tìm anh rất khó. Tôi quen anh lần đầu vào mùa thu năm 1963 trong khi đi viết về Hưng Yên, không phải về Hưng Yên đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà về vùng đất "thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến" ngày xưa. Lê Quý Quỳnh tiếp tôi trong phòng làm việc, nơi mọi vật bị bụi phủ một lớp dầy. Vừa cầm giẻ lau qua quít cái bàn để lấy chỗ tiếp khách, Lê Quý Quỳnh vừa nói :"Nhà báo ạ, nếu anh được một bí thư tỉnh tiếp tại một bàn giấy bóng lộn thì anh hãy cảnh giác - anh đang hỏi chuyện một tên quan liêu đấy !". - Tại sao anh không viết về khẩu hiệu "Hưng Yên mở hội làm giàu" của Lê Quý Quỳnh ? Mấy bận anh đi làm việc cho tòa soạn về Hưng Yên, chúng tôi biết, anh thường đi với Lê Quý Quỳnh tới các xã, ăn cùng mâm, nằm cùng giường với anh ta, thể nào Lê Quý Quỳnh cũng nói chuyện quan điểm với anh, đúng thế chứ ? Lại quan điểm ! Tôi nhìn thấy trên những bức tường ở Hưng Yên khẩu hiệu này. Chúng bị xóa lem nhem nhưng vẫn còn đọc được. Vì khẩu hiệu "Hưng Yên mở hội làm giàu" Lê Quý Quỳnh bị nguyên tổng bí thư Trường Chinh gọi lên Trung ương cạo(3) cho một mẻ đến nơi đến chốn. Mở hội làm giàu là cái gì ? Phục hồi chủ nghĩa tư bản, hử ? Lê Quý Quỳnh tính vốn lành, Trường Chinh vừa quát là anh nhận lỗi liền. Vẻ phiền muộn, anh nói với tôi trong chuyến đi dọc đường số 5 rằng lỗi của anh chẳng phải cái gì khác ngoài ý muốn cho dân Hưng Yên của anh có được một cuộc sống tốt hơn, để xóa đi câu nói đau lòng "Oai oái như phủ Khoái xin cơm". Hưng Yên có mật độ dân số cao nhất miền Bắc. Số người tha phương cầu thực cũng đông nhất miền Bắc. Ăn mày Hưng Yên nhan nhản trên đường phố Hà Nội, thỉnh thoảng Công an Hà Nội lại gom vào một chỗ, chất lên xe trả Lê Quý Quỳnh. Người lành như anh chẳng dám ngang nhiên vượt rào. Anh có cách tính toán thực tế, rất nông dân của anh, là muốn khai thác những lợi thế tiềm tàng khác của đất đai ngoài khoản ruộng năm phần trăm(4) mà Ðảng còn dành cho nông dân, để cho nông dân tỉnh anh được sống khấm khá hơn một chút. Anh thú nhận có giấu giếm làm thí điểm khoán sản phẩm ở một vài đội sản xuất và khoe rằng đó là phương án rất có lợi. Kim Ngọc, bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú, theo tôi nhớ, còn đi sau Lê Quý Quỳnh trong sáng kiến khoán sản phẩm cuối cùng đến hộ nông dân, tính về thời điểm khởi đầu cuộc thí nghiệm. Trường Chinh lập tức cách chức Kim Ngọc. Lê Quý Quỳnh mới khoán chui đã bị xỉ vả, bị đá lên(5), thì Kim Ngọc bướng bỉnh dám một mình cho "khoán hộ" trên diện rộng(6) có mất chức bí thư tỉnh ủy cũng đáng. Lê Quý Quỳnh kết thúc cuộc đời hoạt động cách mạng của anh bằng chức hội trưởng Hội những người nuôi ong. Cơ chế khoán tới hộ lao động không phải xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam. Nếu như tháng 1.1962 Mao Trạch-đông đã lên tiếng phê phán cơ chế này thì hẳn ở Trung Quốc nó đã có trước đó ít nhất cũng một năm. Trường Chinh là người chăm chú nghiền ngẫm các trước tác của Mao, ông có kiên quyết chặn đứng mưu toan của Kim Ngọc cũng không lạ. Từ bản báo cáo nhạt như nước ốc về Lê Quý Quỳnh và một số nhân vật trong Ðảng, tôi bị Huỳnh Ngự quay sang bắt khai về các văn nghệ sĩ quen biết : nhà thơ Dương Tường, nhà báo Mạc Lân, các nhà điện ảnh Huy Vân, Vũ Huy Cương, kịch sĩ Bửu Tiến, các nhà văn Châu Diên, Hứa Văn Ðịnh, Xuân Khánh, Phù Thăng và nhiều người khác. Cứ như tôi là cán bộ tổ chức Hội Nhà văn không bằng. Người tôi khẳng định đã nằm đâu đó trong Hỏa Lò là Vũ Huy Cương. Sau khi được thả, gặp anh tôi mới biết tôi đoán sai một chút - Cương bị giam trong Sở Công an, trước kia là Sở Liêm phóng, chứ không bị đưa vào Hỏa Lò. Người ta bắt Vũ Huy Cương chỉ cốt để hỏi về Hoàng Minh Chính. Vũ Huy Cương kể thời gian đầu anh còn được ở trong một căn phòng không có khóa ngoài, báo động còn được chạy ra hầm trú ẩn cơ quan. Sau đó, tất nhiên, anh cũng bị giam như chúng tôi ở các trại. Tội giao du với Hoàng Minh Chính làm cho Vũ Huy Cương phải ở tù sáu năm, cộng với ba năm lưu đầy ở địa phương, không khác Hoàng Minh Chính đầu vụ một chút nào. Ðã quen với những câu hỏi ngớ ngẩn, tôi vẫn phải ngạc nhiên khi Huỳnh Ngự đòi tôi khai về Dương Tường. Anh là bạn thân nhất của tôi. Dương Tường là nhà thơ. Trong chúng tôi anh ít quan tâm chính trị nhất, nếu không nói là chẳng thèm đoái hoài tới nó. Trong hai nhà sáng lập chủ nghĩa Mác anh thích Engels vì Engels khoái chuyện tình dân gian Tristan và Iseul. Anh không thích Mác vì Mác chỉ thích các saga mang chất anh hùng ca viking vùng Scandinave(7). Là người mơ mộng, anh chìm đắm trong cái đẹp của những con chữ, những vần điệu của thứ thơ không dễ hiểu đối với cả dân đen lẫn trí thức, đối lập với thơ hạt lúa củ khoai. Châu Diên, tác giả tập truyện ngắn "Con nhện vàng" được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam đầu những năm 60 thì chỉ ham nghiên cứu. Vào thời kỳ nảy ra cuộc đấu tranh giữa hai đường lối tôi ít gặp Châu Diên. Anh học ở Trung Quốc vào thời gian những trò lẩm cẩm của họ Mao chưa đạt tới đỉnh cao vĩ đại. Chắc hẳn anh lại lỡ lời ở đâu đó về Mao chủ tịch kính mến nên mới bị Huỳnh Ngự hỏi đến. Xuân Khánh chủ trương nhà văn không cần hư cấu, cuộc đời như nó có đã thừa đủ chất liệu cho nhà văn rồi, viết cả đời không hết. Nhưng viết thực về cuộc đời là trái với phương châm hiện thực xã hội chủ nghĩa rồi, làm sao in ? Những nhà lãnh đạo quốc gia thì lại chỉ thích một thứ hiện thực, gọi là hiện thực trong chiều hướng đi lên, tức là không viết về cái xấu (nó là tạm thời) đang tồn tại, mà chỉ viết về những cái cũng đang tồn tại nhưng báo hiệu những cái sẽ có trong tương lai mà Ðảng hứa hẹn. Trong khi những cái sáng lạn thuộc về tương lai chưa kịp lấp ló ở chân trời mơ ước thì nhà văn phải viết về người tốt việc tốt cho quần chúng noi gương. Viết theo lời Ðảng dạy như thế khó lắm, bởi vì nó nhạt lắm. Cho nên sau cuốn Rừng Sâu, là cuốn được cấp trên khen, anh không viết nữa. Hẳn có bản thảo nào của anh rơi vào tay công an, cho nên người ta mới vặn vẹo tôi về anh. Mạc Lân nóng như Trương Phi, ăn nói bặm trợn, bị vào sổ đen là chuyện đương nhiên. Anh là con trai cả nhà văn Lê Văn Trương(8). Thân sinh anh ở trong thành rồi vào Nam, còn anh nhập bộ đội rồi đi Nam tiến đến tận Sài Gòn. Trong kháng chiến chống Pháp anh ở cùng đơn vị với nhà thơ Dương Tường, nhà báo Tất Vinh, có thời gian cùng công tác với Việt Phương(9), Trần Dần. Anh có hoàn cảnh gia đình trục trặc, phải nuôi một lũ con đông, đâm ra rành nghề viết thuê. Những người muốn làm nhà văn mà không có tài thường tìm đến anh để thuê anh viết. Viết thứ văn nhảm nhí ấy anh viết "như bổ củi". Anh chỉ viết chậm những gì anh tâm đắc. Hứa Văn Ðịnh viết rất nhiều. Làm việc ở Xưởng phim Việt Nam, anh ít khi tới cơ quan, mà làm việc ở nhà, cho mình nhiều hơn cho nhà nước. Tôi không biết Hứa Văn Ðịnh viết vào lúc nào, nhưng thỉnh thoảng gặp nhau anh lễ mễ khuân cả yến bản thảo ra khoe. Trong những sáng tác không được in của anh có những đoạn cực hay, chỉ có thể thấy ở những nhà văn bậc thầy. Anh bị công an để ý chỉ vì anh chơi thân với Kỳ Vân. Ngoài ra người ta chẳng có cơ sở gì để nghi anh hết. Tôi nói các bạn tôi chẳng liên quan gì tới chủ nghĩa xét lại hiện đại thì điều đó chỉ đúng với quan niệm của tôi. Với các nhà chấp pháp đầy cảnh giác thì khác. Những người bạn tôi giống tôi ở chỗ không ai muốn sống như người Trung Quốc, với vòng Kim Cô của chủ nghĩa Mao trên đầu. Họ đều là những nhà văn bị cớm. Những cây đa cây đề của nền văn học quan phương đã che hết ánh sáng mặt trời và họ không còn điều kiện để lớn lên trước mắt bạn đọc. Tôi còn nhớ nhà văn Phù Thăng từ vùng mỏ trở về Hà Nội gặp tôi :"Tao đến để mày giải thích cho tao nghe : tao đọc các tài liệu Trung Quốc thấy đúng ra phết, có lý lắm, dễ hiểu lắm, thuyết phục lắm, thế mà những thằng bạn tao cho là thông minh lại bịt mũi nói thối không ngửi được. Vậy trong cuộc cãi vã ầm ĩ cả thế giới này mày cho bên nào đúng ?". Tôi cẩn thận trả lời rằng chỉ có một bên không được nói tới là đúng - đó là cuộc đời. Anh hỏi tiếp : trong cái tương đối hiện có tôi thấy cuộc sống ở đâu tốt cho con người hơn. Tôi nói tôi thích cuộc sống ở Liên Xô hơn, ở đó đã có bóng dáng một nền dân chủ. Chúng tôi nói chuyện suốt đêm. Sáng ngày ra Phù Thăng lại lên đường, đen đủi, nhếch nhác, nhưng vẫn như bao giờ, rất đáng yêu. Anh là người hóm hỉnh, thích đùa, bút hiệu Phù Thăng của anh là sự đọc ngược hai chữ thằng phu. Chả là tên cúng cơm của anh là Phu. Phù Thăng may mắn hơn các nhà văn bị cớm bạn anh - anh đã có cuốn Phá Vây dày cộp. Huy Vân, căn cứ những câu hỏi đặt ra của bọn chấp pháp, cũng có nhiều khả năng bị bắt. Về Huy Vân chúng chỉ hỏi miệng, chứ không bắt tôi viết. Sở dĩ chúng không vặn vẹo tôi về anh là vì mấy năm cuối cùng trước khi tôi bị bắt chúng tôi ít khi gặp nhau. Quả nhiên tôi đoán đúng. Huy Vân bị bắt, rồi được thả ra, cũng sau sáu năm giam cầm, mặc dầu anh cũng không hề thuộc nhóm xét lại hiện đại chống Ðảng như bất cứ ai trong nhóm này. Trong bọn xét lại hiện đại bị bắt anh quen tôi và Vũ Huy Cương, trong bọn xét lại hiện đại không bị bắt mà chỉ bị trấn áp anh quen ủy viên Trung ương Lê Liêm, đều do những quan hệ nghề nghiệp. Bộ phim đầu tay và cuối cùng của anh là Một Ngày Ðầu Thu, được thực hiện với sự trợ giúp của đạo diễn Liên Xô Agida Ibraguimov, là một bộ phim không tồi trong giai đoạn điện ảnh Việt Nam chập chững bước vào lĩnh vực phim truyện. Cuộc sống trong xà lim cứ thế trôi - một chuỗi lê thê những cuộc hỏi cung, ngày này qua ngày khác, lãng nhách, nhạt phèo. Nói cho đúng, thời gian đầu không phải là như vậy. Cảm giác bất cần chỉ xuất hiện khi tôi trở nên lạnh lùng với số phận. Ðã trót sa chân vào đây rồi tôi chẳng có thể làm gì hơn là ngồi rung đùi chờ xem sự thế xoay vần đến đâu. Nhân nói về những cuộc hỏi cung lăng nhăng diễn ra trong Hỏa Lò tôi lại nhớ tới một chuyện nói lên cái hèn của lớp trí thức chúng tôi hồi ấy. Một hôm, Huỳnh Ngự bắt tôi khai về nhà báo Vũ Kiện(10). Tôi giật mình. Chẳng lẽ cả Vũ Kiện cũng bị bắt ? Anh là người cẩn trọng lắm mà. Tôi quen Vũ Kiện khá thân. Về quan điểm chính trị Vũ Kiện gần chúng tôi. Tôi trọng anh vì anh sắc sảo trong nghề, giỏi nhiều ngoại ngữ, là người thiên kinh vạn quyển. Trước khi tôi bị bắt mấy ngày Vũ Kiện gặp tôi còn nói :"Mấy hôm nay có ai bị nữa không ? Chúng mình rồi lần lượt cũng bị hết, chẳng đứa nào thoát đâu. Chủ nghĩa nhà quê (anh nói tiếng Tây : le campagnardisme) không bao giờ đội trời chung với trí thức. Nó chỉ công nhận có một thứ trí thức nông nô thôi". Hồi học Nghị quyết 9 Vũ Kiện có đọc cho tôi nghe một bài thơ do anh sáng tác : Mấy năm nay bị chứng nhức đầu, Tìm thầy thuốc hóa ra loạn thị. Cái thằng mình hèn nào láo thế. Nhìn những bậc bệ vệ nghiêm trang Thành toàn một phường ba lăng nhăng. Tôi khoái bài thơ của anh. Khi Huỳnh Ngự hỏi tôi về Vũ Kiện, tôi chợt nhớ tới bài thơ hóm hỉnh ấy và tủm tỉm cười. Huỳnh Ngự hỏi tôi cười cái gì. - Tôi buồn cười vì câu hỏi. Vũ Kiện không phải là người đáng nghi ngờ, nếu cơ quan an ninh muốn biết ý kiến tôi về anh ấy. Bác gặp Vũ Kiện bao giờ chưa nhỉ ? Chưa hả ? Thế thì cứ gặp anh ấy đi đã, sau hãy hỏi tôi. Nếu đến lúc ấy bác vẫn thấy cần phải hỏi. - Anh nói vậy nghĩa là thế nào ? - Bởi vì Vũ Kiện không phải người ta. Anh ấy là người nước ngoài. - Giỡn hoài. - Xin lỗi, chúng tôi quen nhìn Vũ Kiện như một người châu Âu, một người Pháp. Tôi biết anh ấy không nhiều, nhưng chỉ cần một lần gặp thôi cũng đủ thấy Vũ Kiện chẳng có quan điểm chính trị nào, trừ một cái là làm sao cho mình phải giống người Pháp, một thứ francophile(11) chính hiệu. Ðến nói chuyện với chúng tôi anh ấy cũng nói với kiểu cách và điệu bộ người Pháp nữa là... Nhìn vào mắt Huỳnh Ngự tôi biết y không tin tôi bao nhiêu, nhưng cũng không ngờ vực nhiều lắm. Huỳnh Ngự còn quay lại với cái tên Vũ Kiện vài lần nữa, nhưng lần nào tôi cũng tìm cách bịa ra vài giai thoại vui vui để gạt đi và gạt đi được. Vậy mà khi ra khỏi nhà tù tôi mới biết rằng trong thời gian chúng tôi nằm xà lim, nhà báo này tuyên bố khắp nơi rằng sở dĩ Ðảng bắt chúng tôi là vì chúng tôi chống Ðảng có tổ chức. Cứ xem anh ta thì biết, anh vẫn bảo lưu quan điểm của anh, nhưng Ðảng đâu có bắt, lại còn cho đi nước ngoài. Tôi ngờ rằng Vũ Kiện cũng bị gọi tới Bộ Nội vụ như một số anh em có vấn đề, nhưng ông Tây to xác của chúng tôi không có lá gan cần có. Ông được bề trên vỗ vai khen ông thành khẩn, được hứa những tiêu chuẩn ưu tiên ưu đãi, rồi được dạy bảo cách ăn nói về vụ nhóm xét lại chống Ðảng. Ông làm theo lời khuyên, được tưởng thưởng như Ðảng hứa - một chuyến đi nước ngoài, không nhớ là Cộng hòa Dân chủ Ðức hay Bungari gì đó. Ðược Ðảng cho đi nước ngoài là một ân huệ lớn. Vì ân huệ ấy có nói vài điều trái với lương tâm kể cũng đáng. Nhưng cái trái lương tâm lớn nhất mà kẻ sĩ không thể làm thì Vũ Kiện làm tỉnh queo, không biết ngượng, Anh đổ cho bạn mình chống đối có tổ chức, tức là, như các cụ nói, nối giáo cho giặc. Hơn ai hết, Vũ Kiện biết rõ tôi và các bạn anh bị bắt chẳng hề có một tổ chức chống đối nào. Nếu có một tổ chức như vậy thì trong đó không thể thiếu Vũ Kiện. Hơn thế, anh phải là một trong những người đứng đầu. Tôi không ân hận đã bảo vệ Vũ Kiện. Tôi không thể làm khác, cho dù có biết ở ngoài kia anh đang tuyên bố bậy bạ về chúng tôi theo sự mách bảo của trên. Cách sống cơ hội là cách sống mang tính thời đại. Tôi còn nhớ năm 1966, Vũ Kiện từ Thanh Hóa về, anh kể cho tôi nghe chuyện người ta dựng huyền thoại về một anh hùng thiếu nhi như thế nào. Có một nhà báo nào đó trong phút ngẫu hứng đã dựng nên câu chuyện một chú bé cứu bạn bị thương dưới mưa bom bão đạn và vì thế hy sinh. Người ta làm ầm lên về người anh hùng tí hon, như một phát hiện về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Vũ Kiện đang ở Thanh Hóa, anh đến ngay địa phương có người anh hùng, anh phát hiện sự thật là không có hai trận đánh bom liền nhau, như vậy không thể có chuyện vị anh hùng thiếu nhi kia cứu bạn giữa bom đạn được. Trở về Hà Nội anh chê bai sự không trung thực của các cơ quan tuyên truyền. Không biết có phải vì sự chê bai ấy mà anh được nhà thơ Tố Hữu mời cơm tối hay không, nhưng anh đã ăn và khoe ầm ĩ với bè bạn về bữa cơm vinh dự. Sau đó ít lâu một cuốn sách thiếu nhi được ra đời về người anh hùng không có thật nọ mà tác giả lại chính là... Vũ Kiện. Gặp tôi, Vũ Kiện quên mất chuyện bữa trước, khoe cuốn sách mới in, tôi hỏi anh nhuận bút "lừa già dối trẻ được bao nhiêu ?" thì Vũ Kiện sượng sùng nói sang chuyện khác. Anh không tặng tôi cuốn sách mang theo trong xà cột. Trường hợp Vũ Kiện không phải là trường hợp duy nhất, nhưng là trường hợp điển hình. Một số người, may mắn là không nhiều, trong lớp trí thức cứng đầu cứng cổ, trước rất thích giao du với chúng tôi, vậy mà chúng tôi vừa bị bắt vội vã phân trần rằng họ không hề có quan hệ với chúng tôi. Thậm chí họ không dám giáp mặt vợ con những người bị bắt để nói một câu hỏi thăm sức khỏe. Thì ra cái tiếng thơm là người dũng cảm dám đối lập với chính quyền chỉ là bộ cánh để cho họ chưng diện chừng nào chính quyền chưa vung lên cái dùi cui. Cha tôi rất quý các trí thức về nước năm 1945 trong dịp phái đoàn chính phủ sang Pháp. Trong số đó ông đặc biệt cưng bác sĩ Trần Hữu Tước. Chính ông thuyết phục Trần Hữu Tước trở về Việt Nam. Ông thương Trần Hữu Tước đã có gan bỏ cuộc sống sung sướng ở nước ngoài để về với đồng bào, chịu đựng khó khăn, thiếu thốn. Ông săn sóc Trần Hữu Tước như săn sóc đứa em út, ông lo chuyện vợ con, nhà cửa cho Trần Hữu Tước. Ông này mỗi khi giận vợ lại chạy sang với cha tôi, ăn dầm nằm dề trong nhà chúng tôi dăm bữa nửa tháng là thường. Ðến khi cha tôi bị bắt, Trần Hữu Tước biến mất, không hề lai vãng, không hề thăm hỏi. Cha tôi bị đau răng, nằm trong tù ông tưởng đâu vẫn có thể nhờ cậy người bạn thiết, nhắn các em tôi gặp Trần Hữu Tước nhờ ông lo thuốc gửi vào. Em gái tôi tìm gặp Trần Hữu Tước trong bệnh viện Bạch Mai, ngay tại khoa Tai Mũi Họng của ông, nhưng ông bạn thân mến của cha tôi tìm mọi cách thoái thác, không những không gửi thuốc, mà còn không gửi một câu hỏi thăm, viện cớ bận họp, chuồn thẳng. Tôi không trách Trần Hữu Tước nhiều - hoàn cảnh xã hội làm cho nhiều người thành như thế. Nhưng tôi cũng không thân mật được với ông nữa. Tôi gặp Trần Hữu Tước lần cuối tại khách sạn Bến Nghé (Sài Gòn), năm 1983. Chúng tôi đi ngang nhau như những người không quen biết. Ông ngượng ngùng nhìn tôi, có vẻ ông muốn tiến đến bắt tay tôi, nhưng nỗi hổ thẹn giữ chân ông lại, còn tôi thì cũng không vượt qua được mình. Sau khi ra khỏi nhà tù chúng tôi không bao giờ chủ động đến với ai. Trong sự xa lánh này có cả nỗi hờn mát lẫn lòng tự ái. Tôi không căm ghét, không thù hận những người quay lưng lại nỗi đau khổ của gia đình tôi, nhưng tôi không chơi với họ nữa. Mất thời giờ. Nói chung, hồi ấy tôi bắt đầu học được cách nhìn độ lượng đối với nhân quần. Tôi hiểu ra rằng chúng tôi chỉ là con cháu loài tinh tinh ngu độn bị những con đầu đàn ranh ma lợi dụng. Những con này sau khi thành chủ nhân liền bắt đồng loại làm tôi đòi. Ðược dạy dỗ bằng roi vọt kèm với mồi thưởng để làm các công việc mà chủ muốn, lũ tinh tinh xấu số giành giật nhau từng miếng ăn được bố thí, cắn xé nhau để được hưởng một đoạn xích dài thêm. Khả năng bỏ chạy không còn, vậy thì việc gì phải thương hại con nằm bên ? Huỳnh Ngự làm việc với tôi thưa dần. Thay chân y là một người đàn ông có dáng trí thức mà tôi nhắc tới ở trên. - Tôi tên là Hoàng. - anh ta tự giới thiệu. Tôi có cảm tình với Hoàng ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Gương mặt sáng sủa của anh ta làm tôi yên lòng. Trông bề ngoài của Hoàng có thể thấy y thuộc về nhóm tinh tinh phát triển cao trong bầy tinh tinh nô lệ. Hoàng làm công việc Huỳnh Ngự thường làm, nhưng y làm khác hẳn, từ tốn, nhã nhặn. Tôi lập tức cảnh giác với anh ta. Ðàng sau vẻ ngoài không hăng hái vì lợi ích của Ðảng, biết đâu lại chẳng là sự tính toán khôn ngoan của một khối óc có nhiều nếp nhăn hơn óc con tinh tinh Huỳnh Ngự. Làm việc với Huỳnh Ngự một thời gian, tôi hiểu tính y. Xét cho cùng, y mộc mạc, không nhiều thủ đoạn, chiều y cũng chẳng khó. Chỉ cần viết những báo cáo dài thượt đầy ắp sự kiện vô thưởng vô phạt với những câu chữ ồn ào biểu lộ sự thành khẩn hết mình theo công thức thời thượng là y hài lòng Hoàng đọc báo cáo của tôi với nụ cười khó hiểu. - Anh có khi nào nghĩ tới chuyện những mối quan hệ xã hội hình thành như thế nào không ? Này, nghiên cứu chuyện đó cũng thú vị đáo để đấy. Tôi không hiểu y muốn nói cái gì. - Mối quan hệ giữa Ðảng và đảng viên chẳng hạn... - ??? - Tôi để ý tới chuyện này, và thấy trong cách nhìn nhận nó có nhiều điều chưa rõ ràng. Quan hệ giữa Ðảng và đảng viên, xét cho cùng, chẳng qua là quan hệ hợp đồng. Hai bên thỏa thuận với nhau thực hiện một công việc nào đó, và mối liên hệ hỗ tương được thiết lập... Tôi đỏ mặt. Liều lượng những lời ca ngợi Ðảng được cho vào bản báo cáo vừa mới nộp cho Hoàng có hơi cao quá mức cần thiết, do thói quen làm việc với Huỳnh Ngự. Nhưng cái sự hô khẩu hiệu rầm rĩ để đánh trống lảng đã không lừa được anh ta. Tôi thấy cần phải nói thêm một chút về những bản gọi là báo cáo của tôi. Sau khi quyết định lùi bước, thôi không đôi co với Huỳnh Ngự về tính hợp pháp của việc giam giữ nữa, nói cách khác tôi đã chịu vào khuôn vào phép, thì lẽ đương nhiên tôi phải chấp nhận các tập tục xã hội chủ nghĩa trong quan hệ đối với Ðảng. Một trong những tập tục đó là phải bày tỏ sự trung thành của mình trong những lời ồn ào tôn vinh Ðảng mỗi khi có dịp. Tập tục này bắt nguồn từ những năm 50, khi khởi đầu cuộc vận động giảm tô giảm tức. Từ Cải cách ruộng đất trở đi tập tục này lan rộng và ăn sâu trong sinh hoạt của dân chúng. Người dân mở miệng là "Nhờ ơn Ðảng, Chính phủ". Người ta nói "Nhờ ơn Ðảng, Chính phủ, mùa màng năm nay khá, gia đình em tạm đủ ăn", "Nhờ ơn Ðảng, Chính phủ, nhà em vừa sinh thằng cu". Quen miệng, người ta còn nói : "Nhờ ơn Ðảng, Chính phủ, cái mụn chốc thằng cu nhà em đỡ rồi, em lấy cao nhà ông lang Sửu đấy ạ!" Trong nhân dân, cũng vào thời kỳ này, xuất hiện câu ca dao thú vị, nói rất trúng cách tuyên truyền của Ðảng về những thành tựu lãnh đạo : Mất mùa là tại thiên tai, Ðược mùa là tại thiên tài Ðảng ta. Thấm nhuần tập quán được vun trồng từ thập niên này qua thập niên khác, lũ tinh tinh hiện đại tự nguyện xóa sạch bản thân để tuân theo Ðảng ngõ hầu được Ðảng thương đến. Ðảng là Ðấng Tối Cao, như Chúa Trời. Ðảng còn hơn cả Chúa Trời nữa, vì Chúa Trời vô hình vô ảnh, còn Ðảng là có thực, cũng như những nhà tù của Ðảng là có thực, Ðảng là người quyết định hết thảy, Ðảng cho thì có, Ðảng lấy thì mất. Ðùng một cái, nghe người của Ðảng, lại là "cán bộ thực hành chuyên chính vô sản", nói một câu lạ tai, tôi sững sờ nhìn y. Hoàng lấy thế làm thú vị, y nháy mắt với tôi : - Anh không thấy thế là đúng à ? Tôi lo ngại một cái bẫy. Tất nhiên, cái bẫy này chẳng nguy hiểm. Nó không đụng tới một cái gì cụ thể, nhiều nhất chỉ là một sự thăm dò tư tưởng. Nhưng vẫn cứ phải cẩn thận - ở Việt Nam tư tưởng sai là tội, người ta trừng trị tư tưởng là chuyện thường ngày ở huyện(12). Hơn thế, mình nhận tư tưởng sai thì ắt phải khai tiếp đã chia sẻ tư tưởng ấy với ai, có khi lại làm hại người khác. - Cũng có thể là như thế. - tôi nói lấp lửng - Ðiều đó hoàn toàn đúng ở các hình thái xã hội trước kia. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa nội dung quan hệ này có khác, xuất phát từ một hệ khái niệm khác. Mối quan hệ giữa Ðảng và đảng viên ở đây được đặt trong một bối cảnh đặc biệt, nó mang tính chất khác thường, có thể nói một tính chất thiêng liêng... - Anh muốn nói mối quan hệ ấy mang tính chất tôn giáo ? - giọng tưng tửng, Hoàng hỏi. Thằng cha giỏi, tôi nghĩ. - Tôi không khẳng định, nhưng về mặt nào đó những mối quan hệ thiêng liêng có nét giống nhau. - Có lý, có lý lắm. - Tính chất thiêng liêng thể hiện trong sự thần thánh hóa vai trò của tổ chức thế tục, trong sự đặt ra nhiều hy sinh hơn hưởng thụ trong cuộc chiến đấu cho những mục tiêu thực ra không mấy thiêng liêng như cơm áo, việc làm, nhà ở... - Anh đồng ý với tôi rồi đấy : quan hệ giữa đảng và đảng viên chỉ là quan hệ hợp đồng - Hoàng cười tủm tỉm - Hợp đồng là hợp đồng, nó chẳng có gì thần thánh, chẳng có gì thiêng liêng. Trên đời này chỉ có một mối quan hệ thiêng liêng - ấy là quan hệ huyết thống. Quan hệ máu mủ ruột rà là cái không thể chế tạo ra, không thể mua sắm được... Nhưng thôi, ta trở lại với công việc. Này, nhân tiện anh có thể nói gì về quan hệ giữa Văn Cao và Nguyễn Ðình Thi cho chúng tôi biết không nhỉ ? - Anh đang hỏi cung hay hỏi vì tò mò ? - Tôi đang làm việc với anh. - Tôi nghĩ rằng nếu anh quan tâm đến mối quan hệ giữa hai người thì cách tốt nhất là hỏi thẳng họ. - Tôi lại nghĩ rằng nếu anh có cho tôi biết chút ít thêm vào những gì chúng tôi đã biết rồi cũng chẳng chết ai. Ðảng yêu cầu anh đóng góp ý kiến cho Ðảng mà. Có khi những câu chuyện của anh lại có tác dụng làm sáng tỏ những điều chưa được Ðảng hiểu đúng cũng nên. Cách hỏi cung của Hoàng là như vậy. Anh ta không hùng hục đi thẳng tới đích, mà thủng thẳng mời tôi cùng dạo bước trên những câu chuyện mung lung rồi bỗng đột ngột rẽ vào đề tài mà y muốn biết. Nắm được phong cách làm việc của Hoàng, tôi tương kế tựu kế thỉnh thoảng lại nhân vui chuyện thọc một mũi thăm dò. Tôi muốn qua Hoàng tìm hiểu thái độ của Ðảng đối với vụ chúng tôi, và đối với văn nghệ sĩ nói chung, trong giai đoạn hiện tại. Tại sao lại không kể cho anh ta nghe những điều xét cho cùng là vô thưởng vô phạt ? Một hôm tôi kể cho Hoàng nghe chuyện xảy ra trong cuộc chỉnh huấn cho văn nghệ sĩ tại ấp Hoàng Cao Khải thời kỳ Nhân văn - Giai phẩm. Trong cuộc đấm ngực tập thể Nguyễn Ðình Thi lên diễn đàn xỉ vả Văn Cao và câu nói "trong giọt nước có cả trời xanh" của anh. Chửi xong, từ diễn đàn bước xuống Nguyễn Ðình Thi ôm lấy Văn Cao thì thầm "Văn hiểu cho mình, cái thế mình phải thế !". Văn Cao kể cho tôi nghe câu chuyện này, với một ánh buồn trong mắt. "Trước cách mạng nó đâu đến nỗi thế. Nó là thằng anh hùng, bây giờ cam phận làm con giun". Câu chuyện nhiều người biết, có nói ra cũng chẳng hề gì. Hoàng chăm chú nghe rồi nói, giọng bùi ngùi : - Có vẻ tinh thần nho sĩ Bắc hà chẳng còn lại bao nhiêu trong giới văn nghệ sĩ các anh, phải thế không ? Hoàng không tỏ ra muốn bảo vệ Nguyễn Ðình Thi. Y không phủ nhận câu chuyện thực. Thái độ y bàng quan. - Nguyễn Ðình Thi không phải nho sĩ. - tôi nói - Nguyễn Ðình Thi là con người hiện đại. Những người hiện đại không hành xử theo cách của nhà nho, họ không cần tới thứ tinh thần cổ xưa ấy, nhất là những người cộng sản. Ðối với Nguyễn Ðình Thi lợi ích của Ðảng là cao nhất. - Anh nghĩ rằng những người cộng sản không cần tới nhân phẩm ? - Tôi nghĩ rằng những người cộng sản không có nhiều khả năng lựa chọn. Họ làm những việc xét thấy có lợi cho Ðảng, cho sự nghiệp của Ðảng. Hoàng lại nhếch mép cười. Một lần nữa y hiểu ý ngầm trong câu nói của tôi và tôi giật mình. -Anh có quan hệ thân tình với Nguyễn Ðình Thi, phải không ? - Không. Tôi bao giờ cũng trọng Nguyễn Ðình Thi vì phổ tài hoa của anh. Nó rất rộng. Có lẽ trong thập niên 40 chỉ có hai người đa tài như thế : Văn Cao và Nguyễn Ðình Thi. Những bài hát của Nguyễn Ðình Thi làm mê mệt lớp thanh niên chúng tôi một thời. Hát về Hà Nội tôi chưa thấy bài nào hay hơn Bài Hát Của Người Hà Nội. Thơ của anh cũng gợi nhiều. Nguyễn Ðình Thi trong thơ như cá tung tăng trong nước, không cần phải lên gân lập trường "Ðêm đêm rì rầm nghe tiếng đất, Những buổi ngày xưa vọng nói về..." "Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh, Soi đường chiến sĩ giữa đèo mây. Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh, Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa rừng cây...". Nhưng Nguyễn Ðình Thi mà tôi biết cũng là người yếu đuối, anh luôn lúng túng trước những ngã ba ngã tư của cuộc đời và tình yêu. Có thể tôi nhầm, nhưng giả thử tôi có nhầm thì cái nhầm cũng không lớn. Nhớ một đêm tháng 10 mát mẻ năm 1954, vài ngày sau khi tiếp quản thành phố Hà Nội, chúng tôi ở cùng nhau trong khách sạn Splendid(13), Nguyễn Ðình Thi qua phòng tôi rủ tôi đi chơi. Chúng tôi lững thững thả bộ từ Lý Thường Kiệt qua chợ Hôm rồi rẽ sang Trần Xuân Soạn. Ðang đi, Nguyễn Ðình Thi đột ngột rẽ vào Triệu Việt Vương hay Bùi Thị Xuân tôi không nhớ. ê đầu phố anh rủ tôi ngồi xuống bậc thềm một ngôi nhà, đau đáu nhìn sang ngôi nhà trước mặt chìm trong bóng tối của giàn hoa giấy um tùm. - Không biết bây giờ ai ở trong nhà này. - Nguyễn Ðình Thi thở dài - Trước đây là nhà người yêu mình... Anh rủ tôi đi tiếp : - Mình đã đi đi lại lại không biết bao nhiêu đêm trên vỉa hè này. Người ta viết nhiều về mối tình đầu, dường như nó lớn hơn bất kỳ mối tình nào khác. Ðiều có thật là con người không thể quên được mối tình đầu, cho dù nó thoảng qua, cho dù nó không sâu sắc. Trong điều kiện nó là mối tình đích thực... Khi chúng tôi về tới khách sạn, trời đã khuya. Hà Nội còn đang trong thời kỳ giới nghiêm. Không đội tuần tra nào bắt gặp chúng tôi. - Anh có biết về mối tình của Nguyễn Ðình Thi với Madeleine Riffaud không ? - Anh hỏi cung ? Hoàng cười hiền lành : - Cung gì đâu, chúng ta đang nói chuyện vãn mà. Anh không thích trả lời thì không cần phải trả lời. - Tôi biết hai người thân nhau trong thời gian chị Riffaud tới Việt Nam. Không rõ có phải là một mối tình không, tôi không được nghe anh Thi tâm sự chuyện đó, nhưng nếu có thì cũng chỉ là một mối tình thoảng qua, nhiều chất hữu nghị hơn là tình yêu... Ðêm hôm ấy đi dạo với tôi về, Nguyễn Ðình Thi sang phòng Madeleine, tôi về phòng tôi. Hồi ấy có nhiều tiếng xì xào về mối tình Việt-Pháp của anh. Nếu anh không phải là Nguyễn Ðình Thi thì lôi thôi to. Anh sẽ bị buộc tội hủ hóa, tội luyến ái bất chính, là thứ tội nặng đối với cán bộ, khó tránh khỏi bị thi hành kỷ luật. Nguyễn Ðình Thi được hưởng ngoại lệ. Trường Chinh, và nói chung các nhà lãnh đạo chủ chốt, rất quý anh. Tôi không thích những lời xì xào ấy. Tôi quý Madeleine vì tình yêu khó giải thích của chị đối với Việt Nam. Madeleine yêu đất nước của những dòng sông nồng nàn phù sa bằng tình yêu bản năng chứ không phải bằng tình yêu quốc tế vô sản, như thể nó là nơi chôn nhau cắt rốn của chị vậy. Cùng ở Việt Nam vào thời gian này còn có Helena Lemanska và Roman Karmen. Helena Lemanska có cái nhìn đồng cảm dịu dàng của người Ba Lan Thiên Chúa giáo đối với một Việt Nam mới được phát hiện, bình dị mà nồng thắm, có pha trộn chút ít tính chuộng lạ. Từ Moskva Karmen đến với Việt Nam như anh đã đến với Tây-ban-nha trong cuộc chiến đấu của những người Cộng hòa chống lại bọn phát-xít, với hai tư cách : nghệ sĩ và chiến sĩ cộng sản(14). Madeleine Riffaud ước ao"Rồi đây đũa ngọc mâm vàng có nhau". nhưng mộng không thành. Vì sao không thành, tôi không biết. Có thể vì Nguyễn Ðình Thi không thể bỏ vợ. Mà cũng có thể do Ðảng của anh cấm. Madeleine Riffaud xa Việt Nam và mối tình của hai người chìm vào quên lãng. Mùa hè năm 1967 tôi có một buổi dạo phố tình cờ với Nguyễn Ðình Thi. Anh vừa ra khỏi trụ sở Nhà xuất bản Văn học nằm trên đường Hai Bà Trưng thì gặp tôi. - Sao dạo này không thấy cậu viết gì ? - Nguyễn Ðình Thi hỏi tôi. - Có gì đâu, cái đầu tôi nó không ổn. Tôi có những ý nghĩ vô kỷ luật. Sau Ðường Số 4 bị lên án vì chủ nghĩa ấn tượng mà tôi không có, thậm chí không hiểu nó là gì, đến Ðêm Mất Ngủ bị ông Tố Hữu gọi là "bất mãn với chế độ hiện hành", rồi Ðêm Cuối Cùng Ngày Ðầu Tiên bị ông Nguyễn Chí Thanh đánh, tôi chán, không muốn viết nữa... Nguyễn Ðình Thi cười khe khẽ. Tôi quen với cách cười của anh. Cười để không nói, ai hiểu thế nào cũng được. - Thảo nào cậu vắng bóng hẳn. Không viết thì có đọc được nhiều không ? - Thì tôi còn làm gì nữa ngoài đọc ? Tôi đang mê châu Phi. - Châu Phi à ? Mà tại sao lại châu Phi ? - Văn xuôi ở đại lục này nhiều chất thơ, nhiều triết lý dân dã cội nguồn, chứ không phải triết lý tư biện, không tả chân, không giải thích, đọc thú lắm. Anh đọc mấy cuốn Con Báo, Ông Giê-su Khốn Khổ ở tỉnh Bomba chưa ? - Chưa. Mình dạo này ít đọc lắm.- Nguyễn Ðình Thi thở dài - Toàn bận những chuyện không đâu. Ði lên thỉnh thị, đi xuống truyền đạt. Họp và họp. Thậm chí mình không biết có những cuốn ấy. Hay lắm à ? - Tuyệt vời ! Tôi không kỳ thị chủng tộc. So sánh nền văn học của những người anh em da đen tôi thấy xấu hổ cho nền văn học của chúng ta. Toàn một thứ thuyết giảng dài dòng, minh họa thô thiển... Nguyễn Ðình Thi trầm ngâm một lát. Sau một quãng tản bộ dài, anh nói khẽ : - ê các nước khác cần phải có tài mới thành nhà văn... Tôi hiểu đoạn cuối của câu nói :"... còn ở nước ta thì không ". Nguyễn Ðình Thi có lối nói như thế - người nghe phải tự hiểu lấy điều anh không nói. Chúng tôi nhắc lại những kỷ niệm trong kháng chiến chống Pháp. Giữa câu chuyện Nguyễn Ðình Thi hỏi tôi : - Cậu thấy Vỡ Bờ của mình thế nào ? Tôi lúng túng. Câu hỏi thẳng đòi một câu trả lời thẳng. Tôi không muốn làm Nguyễn Ðình Thi mất lòng. - Tôi không thú Vỡ Bờ. - Có thể nói rõ thêm được không ? - Nó cũng là sự thuyết giảng. Mà thừa. Nó rõ ràng không phải là nhu cầu nội tâm của anh. Ðọc qua cũng thấy tác giả không viết cũng chẳng sao. Không cảm thấy sự thúc bách buộc anh phải viết. Thêm nữa, tôi không thích cách anh chấm phẩy, xuống dòng trong cuốn này. Không chỉnh. So với Xung Kích là sự thụt lùi. Tôi thích thơ của anh hơn. Nó là tiếng lòng anh, đích thực, nó nói thay cho tiếng lòng tôi, tiếng lòng của người đọc... Chúng tôi im lặng đi bên nhau một lúc lâu. Lúc chia tay Nguyễn Ðình Thi nói, giọng buồn hẳn : - Lẽ ra mình chỉ nên làm nhạc. Âm nhạc - đó mới là chỗ của mình. Cái sự lúng túng không tìm ra chỗ của mình có trong tâm trạng nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam. Mọi người, sau khi đặt số phận mình vào bàn tay dìu dắt của Ðảng đều phải gò mình vào cái tôi chung, cái tôi tập thể, là một cái tôi vô hình vô ảnh, chui vào trong đó để tự biến mình thành nó. Trong cái tôi tập thể này ai cũng thấy vướng víu, không thoải mái. Nhưng đã tự nguyện chấp nhận nó rồi, người ta đành buông tay, mặc cho mọi sự xuôi dòng. Nhưng con người là con người, có những lúc nó không làm chủ được mình, trong trường hợp cái tôi đích thực bất thình lình vùng lên, thúc bách đòi lại vị trí tự nhiên của nó, đòi được là nó. Năm 1962, hoặc 1963 tôi không còn nhớ rõ, Nguyễn Ðình Thi cho ra vở kịch Con Nai Ðen có chất ngụ ngôn nói bóng gió chuyện những người thành đạt quay lưng lại với bè bạn thời gian khổ. Sự bóng gió trong vở kịch, theo anh em cầm bút đánh giá, nhẹ tới mức bằng không, thế nhưng những nhà lãnh đạo vẫn không hài lòng và vở kịch bị đánh(15). Cùng trong khoảng thời gian ấy, hoặc sau đó ít lâu, Kim Lân viết Con Chó Xấu Xí và Vũ Tú Nam cho ra Văn Ngan Tướng Công. Cả hai con vật này cũng bị đánh nốt. Người ta giải thích rằng Kim Lân ví Ðảng như ông chủ, còn trí thức như con chó. Ông chủ hắt hủi con chó khi nó ghẻ lở gày còm, ông chỉ quan tâm tới nó khi thấy nó hứa hẹn những đĩa luộc, đĩa dồi và nồi nhựa mận bốc mùi ngào ngạt. Con chó khốn khổ thì cứ một mực trung thành với chủ cho đến chết. Miêu tả thân phận con chó còi cọc đói khổ trên nền xám của nông thôn Việt Nam Kim Lân có ngòi bút cực hay. Còn Văn Ngan Tướng Công thì bị buộc tội ám chỉ Ðảng bay không biết bay, bơi không biết bơi, chỉ nỏ mồm cạc cạc. - Chớ có viết về những con vật ! - Kim Lân nói - Không hiểu sao cứ nói chuyện súc vật là y như rằng có người động lòng. Mà nhiều, mới chết chứ ! Không rõ các nhà văn tác giả bôi nhọ Ðảng bao nhiêu, nhưng chính các nhà phê bình mới là người có công vạch ra những cái xấu của Ðảng. Không có các nhà phê bình thì người đọc bình thường chưa chắc đã hiểu nhà văn định móc máy cái gì. Bên Trung Quốc vào thời gian này cũng có những nhà văn kỳ tài trong chuyện nói xỏ Ðảng như Ðặng Thác, Ngô Hàm, Liêu Mạt-sa của Nhân Dân Nhật Báo Bắc Kinh. Những chuyện ngụ ngôn kiểu mới dưới đề mục Yến Sơn Dạ Thoại ("Chuyện canh khuya dưới chân núi Yến") và Tam Gia Thôn ("Thôn ba nhà") là những áng văn rất thú vị. Ðọc họ hay thì thấy hay, nhưng không hiểu hết ý họ muốn nói, nếu như không có những nhà phê bình chỉ ra những ý ngầm cho mình thấy. Trong nhà thơ lớn Chế Lan Viên sự lủng củng giữa cái tôi bản năng, cái tôi tự nhiên, với cái tôi được Ðảng nhào nặn, được nhà thơ tự ép mình mà thành, kéo dài không chỉ vài năm mà cả cuộc đời. Tôi quý Chế Lan Viên thông minh và tôi thích thơ anh. Nhưng những bài thơ chính trị của Chế Lan Viên thì tôi chịu không nổi. Tôi đánh giá cao bao nhiêu những lời thơ tâm tình : "Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ. Nơi nào qua mà lòng chẳng yêu thương. Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn", thì tôi ngán bấy nhiêu những lời ngợi ca chiến tranh (dù là chiến tranh giải phóng) của anh : "Hỡi những con thỏ hòa bình đang tìm nơi gặm cỏ. Súng ta nổ cũng là vì ngươi đó !(16)" Mùa thu năm 1965, tôi gặp Chế Lan Viên ở Ðồng Hới. Hồi ấy khi mặt trời lặn rồi, cả khu 4 chìm trong bóng tối mịt mùng, duy nhất có thị xã này còn điện. Vượt qua những khúc sông trước kia có cầu Bùng, cầu Phủ, Chánh Hòa, Lý Hòa... tôi đạp mải miết về phía vòm sáng trên nền trời đêm. Vừa thở ra khoan khoái khi đi vào vùng sáng của nó thì lại giật nẩy mình vì một tiếng thét lớn :"Ðứng lại!". Tưởng gặp trạm gác dân quân, tôi vội xuống xe. Ðã thò tay vào túi để lấy thẻ nhà báo thì một người đội mũ lá sùm sụp từ một ụ chiến đấu to đùng bước ra : - Vũ Thư Hiên hử ? Ðó là Chế Lan Viên. Anh cười hà hà, mặt rạng rỡ : - Nửa tháng nay mình phục ở đây mà chẳng gặp ma nào trong cánh ta cả. Nhìn thấy Vũ Thư Hiên mình mừng quá. Mới quát lên một tiếng cho vui. Anh lôi tuột tôi về nhà khách tỉnh ủy. Nhà khách xây lưng ra sông Nhật Lệ xa xa, phong cảnh hữu tình, nhưng vắng tanh vắng ngắt. Ngoài Chế Lan Viên và tôi chẳng còn khách nào khác. Mờ đất nhà bếp đã nấu xong cơm trưa, úp lồng bàn để đấy cho chúng tôi, rồi kéo nhau đi sơ tán. Cơm chiều chúng tôi tự nấu. Chúng tôi hì hục xách nước tưới cho những chậu cảnh xơ xác thay cho tập thể dục sáng rồi mò tới quán bánh bèo duy nhất còn lại trong thành phố. Chủ quán, một bà già hom hem, vừa dọn bàn vừa than phiền bánh bèo bây giờ thiếu tôm bông và không có nước mắm Ô Long. Có hôm thiếu bột hay thiếu cái gì khác bà chủ dọn món cháo sườn băm thay cho bánh bèo rồi tự động bớt tiền cho chúng tôi. Buổi tối, chúng tôi nằm mỗi người một giường gần nhau, vừa vỗ muỗi vừa chuyện vãn. Một hôm tôi hỏi Chế Lan Viên : - Này, anh Chế, theo anh, thơ và từ của Mao Trạch-đông có hay lắm không mà thiên hạ tán tụng om xòm đến thế ? Chế Lan Viên cười hức hức : - Thơ phú gì cái thằng cha ấy ?! Vũ Thư Hiên thấy hay à ? Anh bao giờ cũng gọi tôi đủ tên họ. - Thơ phú là chuyện tôi mù tịt, mới phải hỏi anh. Chế Lan Viên hạ một câu xanh rờn : - Làm đến hoàng đế nước Tàu rồi thì cục cứt của hắn thiên hạ cũng khen tuốt. Tôi ngẩn người. Chẳng lẽ đó là tác giả của câu thơ ca ngợi hai lãnh tụ vĩ đại : "Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao ! " ? Mãi cho tới khi các di cảo của Chế Lan Viên được xuất bản tôi mới hiểu được tâm trạng nhà thơ mà tôi yêu mến. Anh có nội tâm bị giằng xé bởi nhiều mâu thuẫn : là đảng viên, anh muốn trở thành người tuyên truyền đắc lực cho Ðảng của anh, là con người anh muốn cái khác. Bằng trái tim nhà thơ anh bất bình với những bất công, phi lý, anh đồng cảm với nỗi đau của nhân dân không có tự do, nhưng người cộng sản trong anh ngăn lại, không cho anh nói ra. Trong những câu chuyện không đề với tôi, người đối thoại độc nhất của anh trong nhà giao tế Ðồng Hới năm ấy, Chế Lan Viên nói rằng anh rất thích Nazim Hikmet(17), nhưng tôi biết anh tin tôi mới nói thế chứ với người khác anh không dám vì Hikmet đã cả gan chửi Stalin vĩ đại :"Ðĩa súp của ta ria hắn cũng thọc vào". Nhưng đấy là chuyện thơ phú. Giới cầm bút kêu ca nhiều về cách hành xử của Chế Lan Viên trong đời thường. Người ta nói anh thích những mưu mô chính trị, anh là tên cơ hội. Chẳng hạn như trường hợp anh khuyên Nguyên Ngọc đến đầu thú Tố Hữu sau khi bị nhà thơ của chế độ đập tơi bời bản Ðề dẫn(18) do Nguyên Ngọc dự thảo để làm báo cáo chủ chốt trong Ðại hội nhà văn lần thứ ba. Trả lời Chế Lan Viên, Nguyên Ngọc nói : "Tôi không thấy có gì để phải nhận lỗi với ông Tố Hữu. Nếu cần gặp ông Tố Hữu tự tôi sẽ đi, không khiến ông phải dẫn". Trong quá trình chuẩn bị Ðại hội Nhà văn lần thứ tư người ta lại bắt gặp một bức thư đánh máy ký tên Chế Lan Viên nói lại chuyện cũ "Nguyên Ngọc khóc lóc nhận khuyết điểm với anh Tố Hữu"(19). Cuộc đời Chế Lan Viên, một tài năng lớn của thi ca Việt Nam, cho ta thấy nhà văn hay nhà thơ không thể cứ đưa tay cho người dắt mà đi đến bờ đến bến được. Không những thế, cái sự đưa tay cho người dắt dễ làm hỏng mình lắm, dễ đánh mất mình lắm, nhất là khi trót dại trao thân gửi phận cho một sự dắt dẫn ngu đần. Người nghệ sĩ cảm nhiều hơn biết, nhìn bằng tim nhiều hơn bằng mắt. Thay thế sự mẫn cảm của nghệ sĩ bằng bộ óc duy lý, chủ quan, hơn nữa lại là bộ óc đi mượn thì tránh sao khỏi bị mù lòa. Nói đến Chế Lan Viên tôi lại nhớ tới số phận một nhà thơ Việt Nam khác, một nhà thơ của quần chúng, Hữu Loan. Không ai trong thế hệ chúng tôi không biết bài Màu Tím Hoa Sim của anh. Mặc dầu bài thơ trong kháng chiến chống Pháp không được in, nhưng trong sổ tay của người lính nào cũng có bài thơ bất hủ ấy. Lần đầu tiên bài Màu Tím Hoa Sim được in là trong tờ Trăm Hoa. Hồi ấy Hữu Loan đang giữ một chức vụ cao, tất nhiên lương cũng cao tương xứng. Nhìn thấy tính chất bẩn thỉu của vụ án, Hữu Loan thôi việc. Anh không muốn dây vào những việc làm đốn mạt không xứng với kẻ sĩ, mà còn ở lại triều đình dù muốn dù không anh sẽ bị dây vào. Việc treo ấn từ quan làm anh trở thành một kẻ bất hợp tác, gần như một tên phản động. Ngay cả cuộc sống dân thường anh chọn cũng không phải là cuộc sống bình yên. Nhà cầm quyền không tha cho anh tội không theo họ. Anh bị sách nhiễu đủ đường, kể cả khi anh chỉ còn là một người đánh giậm, một người làm xe thồ, một nông dân, ở Thanh Hóa. Gặp nhau ở Sài Gòn năm 1988, Hữu Loan buồn phiền bảo tôi : "Khổng tử đúng mới buồn chứ : "Ðời đục ta trong làm sao được ! " Thân mình, thôi chẳng nói làm gì, vì muốn lương tâm trong sạch nên mình mới chọn con đường làm dân, nghèo mà thanh thản. Nhưng các con mình vì thế mà không được học hành, thì mình sai mất rồi". Cũng năm ấy anh cùng nhà thơ Bùi Minh Quốc và nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự làm một chuyến ngao du xuyên Việt để vận động trí thức, văn nghệ sĩ đấu tranh cho dân chủ. Tôi im lặng. Tôi cũng lúng túng trong cách hành xử chẳng kém gì anh - sống thế nào bây giờ ? Sau vụ Nhân văn - Giai phẩm nhiều trí thức chọn cách tu tại triều đình, nhưng cách này xem ra cũng không ổn. Người ta không cho phép anh được đứng giữa các xung đột, hoặc lảng ra ngoài. Người ta kéo anh vào bằng được, buộc anh phải có lập trường rõ rệt. Cho nên tôi không lấy làm lạ khi thấy trong vụ đánh Nhân văn - Giai phẩm có cả những tên tuổi đáng kính của nền văn nghệ như Tú Mỡ, Thế Lữ..., có cả một bức thư của 304 văn nghệ sĩ và cán bộ văn hóa gửi Ban chấp hành Trung ương Ðảng Lao động Việt Nam lên án nhóm Nhân văn - Giai phẩm chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa, chống Ðảng và chống nhân dân. Cái sự đánh hội đồng, đánh hôi bị người đời phỉ nhổ hồi ấy trở thành chuyện thường tình. Ðảng đã giúp văn nghệ sĩ cắt bỏ cảm giác xấu hổ như cắt khúc ruột thừa. Tôi không loại trừ tình cảm kính yêu thật sự đối với Ðảng, nỗi bất bình thấy Ðảng bị xúc phạm, nhưng sau này tôi được biết trong đại đa số trường hợp đó là sự bảo vệ nồi cơm. Trong giai đoạn có cuộc đấu tranh giữa hai đường lối, một hôm chúng tôi đang tụ tập tại nhà Thanh Châu, Kim Lân bỗng nháy tôi ra ngoài sân nói khẽ :"Này, ông cẩn thận cái mồm đấy nhá. Trong cuộc họp vừa rồi ở Hội (Văn Nghệ) Ðỗ Nhuận nói hiện nay có một số văn nghệ sĩ trắng trợn tuyên truyền cho chủ nghĩa xét lại đấy. Rồi dẫn tên ông, Phan Kế An với vài người nữa ra làm ví dụ. Nguy chứ chẳng phải chơi đâu". Tôi ngạc nhiên quá. Tính lại ngày giờ thì đúng, ngay sau cuộc họp mà Kim Lân nói, Ðỗ Nhuận đến tòa soạn rủ tôi đi uống cà phê để bàn chuyện tôi viết bài giới thiệu nhạc kịch Cô Sao. Trước đó tôi đã được anh mời xem nháp vở nhạc kịch anh mới viết. Tôi không thích vở này. Nó không nhuyễn. Nhưng tôi nhận lời giới thiệu nó trên báo - dù sao cũng là một cố gắng của nhạc sĩ trong một loại hình sân khấu chưa quen với khán giả Việt Nam. Chúng tôi ngồi cả giờ với nhau ở cà phê Lâm. Hoàn toàn không có gì chứng tỏ Ðỗ Nhuận đang phải ngồi với một kẻ thù của cách mạng cả. Sau tôi kiểm tra lại thấy đúng thật, Ðỗ Nhuận có nói như vậy. Mà anh là nghệ sĩ đàn anh của chúng tôi, tham gia cách mạng từ trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, từng bị tù đầy vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, người để lại những bài hát hằn sâu trong trí nhớ chúng tôi : Chiều Tù, Hận Sơn La, Côn Ðảo(20)... Trong không khí tù hãm của nền văn nghệ bị trói ai cũng phải tìm cách thích nghi với cách sống gò bó. Ðỗ Nhuận chỉ quá nhiệt tình trong sự thích nghi ấy. Trong một Ðại hội Nhà văn Nguyễn Tuân khéo léo chê lối viết văn lê thê, rồi dẫn thí dụ tiền nhân viết văn ngắn mà hay như thế nào để chửi bọn xu nịnh. Ông kể chuyện Cái Rắm. Rằng một hôm nhà vua đang ngự triều bỗng đánh rắm, tả quan lắng tai rồi tâu :"Muôn tâu bệ hạ, nghe như tiếng đàn tiếng sáo", hữu quan hít hà rồi tâu :"Muôn tâu bệ hạ, ngửi như mùi huệ mùi lan". Nhà vua nghe tâu sướng tai lắm, nhưng rồi đâm lo :"Phàm thiên hạ đánh rắm thời phải thối, nay trẫm đánh rắm lại không thế, e trẫm băng đến nơi". Tả hữu mặt chảy dài. May sao nhà vua lại phát ra một cái tiếp. Tả quan vươn cổ ra tâu:" Muôn tâu bệ hạ, thối ạ !" Hữu quan cũng không kém :" Muôn tâu bệ hạ, không những thối mà còn thối lắm ạ !". Tố Hữu mặt đỏ bừng. Hoài Thanh giận lắm, từ đó không bao giờ giàn mặt Nguyễn Tuân nữa. Văn Cao đặt cho Hoài Thanh cái biệt hiệu chef des claqueurs(21). Mỗi lần lãnh tụ nói chuyện, Hoài Thanh ngồi ở hàng đầu, chực sẵn để khi lãnh tụ xuống giọng chấm câu hoặc hết đoạn thì đứng lên vỗ tay làm gương cho cử tọa vỗ theo. Tôi không hiểu tác giả Thi Nhân Việt Nam. Ông hiển nhiên có một chỗ trên chiếu dành cho bậc lão làng văn chương, ông còn muốn gì nữa ? Một lần tôi đến nhà Hoài Thanh để xin ông một bài viết về thơ Tố Hữu. - Thưa bác, - tôi nói - bình thơ Tố Hữu không ai qua mặt được bác. Có thể nói bác là chuyên gia độc nhất vô nhị về thơ Tố Hữu, cho nên tòa soạn chúng tôi muốn xin bác một bài... - Anh nói đúng lắm ! - Hoài Thanh cười vui vẻ - Không một ai dày công nghiên cứu để có quyền nói về thơ Tố Hữu như tôi. Thơ Tố Hữu mở ra không phải một dòng thơ, mà một biển thơ, một thời đại thơ... Từ Tố Hữu thơ Việt Nam bước vào một chân trời mới... Mênh mông lắm ! Trong các cuốn Văn tuyển người ta đưa cả thơ Sóng Hồng vào, có những bài chỉ trên mức vè thôn xóm một chút, chỉ vì nhà thơ Sóng Hồng chính là ông Trường Chinh đáng kính. Nhiều nhất vẫn là thơ Tố Hữu. Ðến nỗi trong một buổi Tố Hữu đến giảng tại Trường Nghiệp vụ Văn hóa, kịch sĩ Bửu Tiến phải đứng lên xin hỏi : - Thưa anh Tố Hữu, theo anh thì thơ anh hay hay thơ cụ Nguyễn Du hay ? Nhà thơ khiêm tốn trả lời : - Tôi không dám so sánh tôi với cụ Tiên Ðiền. Thơ của tôi chưa được kiểm chứng qua thời gian, nó là thơ thời hiện tại. Cần phải có một khoảng cách mới đánh giá được... - Vậy tại sao trong các kỳ thi tuyển, thi tốt nghiệp học sinh không học thơ Nguyễn Du mà chỉ học thơ anh mới có hi vọng đỗ ? - Bửu Tiến hỏi tiếp - Lâu nay đề thi nào cũng là thơ Tố Hữu cả, trò nào không học thơ Tố Hữu tất trượt. - Cái này không phải lỗi tại tôi. Các đồng chí phải đấu tranh với Bộ Giáo dục. Bửu Tiến cười nhạt : - Bộ Giáo dục chúng tôi không ngại. Nhưng cái chính là muốn đấu tranh chúng tôi phải biết tránh đâu(22)... Có vẻ Hoàng không ác cảm với tôi. Y không có ý muốn hạ nhục tôi bằng thái độ kênh kiệu như Huỳnh Ngự. Mỗi buổi làm việc bao giờ Hoàng cũng chiêu đãi tôi dăm ba câu chuyện phiếm. Ðại loại Hoàng kể cho tôi biết ở ngoài kia rạp nào chiếu phim gì, có vở kịch nào mới, xem được hay không xem được. Hoàng sắc sảo trong cách nhận định tác phẩm, chứng tỏ một trình độ học vấn khá. Tôi thích làm việc với Hoàng, nhưng cũng cảnh giác với cái thích của mình. Không phải ngẫu nhiên người ta cử Hoàng làm việc với tôi. Mà cảnh giác là phải. Hoàng dễ dàng đồng ý với tôi trong cách nhìn nhận vấn đề này hay vấn đề khác, nếu có tranh cãi thì cũng theo cách bình đẳng, tôn trọng người đối thoại. Ngoài công việc hàng ngày anh ta phải hỏi và tôi phải viết, chúng tôi còn thời gian cho những câu chuyện vãn, chẳng hạn về những sự kiện lịch sử không mấy dính dáng tới thời hiện tại. - Anh nghĩ thế nào về chiến dịch Thập Vạn Ðại Sơn ? Tôi thì tôi không tán thành ý kiến cho rằng đó là một hành động quân sự được thực hiện trong tinh thần quốc tế vô sản. - một hôm nhân nói tới anh Hoàng Thế Dũng, Hoàng đột ngột rẽ sang chuyện thời kháng chiến chống Pháp - Xét cho cùng, chẳng qua cách mạng Việt Nam cần bảo vệ lưng mình. Một động cơ nói thẳng ra là bản vị. Anh không đồng ý à ? Anh thử nghĩ xem : lúc ấy Hồng quân Trung Hoa chưa xuống tới Hoa Nam, quân đội Tưởng lại ở sát nách, cho nên ta phải đánh gấp Thập Vạn Ðại Sơn để ngăn bọn này tràn sang một khi Hồng quân từ phía Bắc tấn xuống. Bọn Pháp đang yếu thế, còn đang phải chống đỡ những cuộc tấn công của ta, cho nên chúng sẵn sàng cho quân Tưởng vào Việt Nam... Hoàng có lý. Nhưng sự kiện Quân đội Nhân dân Việt Nam giải phóng một phần đất Trung Quốc vẫn cứ là niềm hãnh diện của Việt Nam. Người Trung Quốc không muốn nói tới Thập Vạn Ðại Sơn thì ta lại càng phải nhắc cho họ nhớ trong công cuộc chiếm lại lục địa có sự đóng góp xương máu của các chiến sĩ Việt Nam. Ðáng tiếc, do sự nể nang đối với Trung Quốc, cho tới nay chưa có một tác phẩm nào nói tới chiến dịch Thập vạn đại sơn cho xứng đáng, ngoài vài bài báo do chính Hoàng Thế Dũng viết sau khi ra tù. Do cách hỏi khôn khéo, nhiều lần Hoàng đưa tôi vào ngõ cụt. Một cán bộ công an lành nghề như Hoàng thì phải biết tôi không thành khẩn. Ðược cái những câu hỏi của Hoàng không vượt ra ngoài những địa hạt những câu hỏi của Huỳnh Ngự, phần lớn là hỏi thêm, hỏi bổ sung. Tôi phải căng óc ra để trả lời không bị tiền hậu bất nhất. Với bạn bè có khả năng bị bắt, nhưng không biết liệu họ đã bị bắt chưa, hoặc không bị bắt mà chỉ bị thẩm vấn, tôi thận trọng. Nếu tôi sơ ý để lộ ra chi tiết vô thưởng vô phạt đối với vụ án, nhưng lại là cái chỉ có chúng tôi biết với nhau, mà thấy công an biết thì bạn tôi sẽ tưởng tôi đã khai, đâm ra mất tinh thần, khai lung tung. Cần phải nhắc lại một lần không thừa rằng tôi chẳng hề có một hành động chống chế độ nào hết. Các bạn tôi cũng vậy. Tội lớn nhất của chúng tôi là dám nói ngược giáo điều chính thống, cho dù chỉ nói khẽ. Tôi tin bọn chấp pháp thừa biết thế, nhưng họ tin rằng Ðảng làm đúng - cần phải đè bẹp bất kỳ biểu hiện chống đối nào, cho dù nhỏ bé nhất. Cách xử lý những người khác chính kiến kiểu Lênin đối với Berdiaev(23) không thể có ở Việt Nam. Một hôm, nhân hỏi tôi về Hoàng Minh Chính, Hoàng đột nhiên ghé sát mặt tôi : - Tôi khuyên anh đừng nhọc lòng bảo vệ Hoàng Minh Chính. Anh không biết đấy thôi, chứ Hoàng Minh Chính có mưu đồ lớn lắm, anh ta muốn lật đổ Trung ương bằng một Ðại hội bất thường (Hoàng không nói đến đảo chính), trước hết bằng cách gây ảnh hưởng ngay trong Bộ Chính trị, vận động Trung ương chống lại Bộ Chính trị, bầu ra ban lãnh đạo mới... Anh thì chúng tôi biết, anh chỉ mải chuyện văn chương, anh không biết mưu đồ ấy. Anh tưởng nếu rồi đây Hoàng Minh Chính làm tổng bí thư anh ta sẽ dành cho anh một chức bộ trưởng chăng ? Ðừng hòng. Với Hoàng Minh Chính anh chẳng là cái gì. Một con tốt trong nước cờ phiêu lưu, chấm hết. Tại sao anh nhất định không chịu nói về những điều anh biết ? Hoàng Minh Chính có quan hệ mật thiết với đám cán bộ bất mãn trong quân đội, họ gặp gỡ nhau ở cả trong nhà anh, điều đó anh biết quá đi chứ, nhưng anh không chịu nói ra. Anh nói Hoàng Minh Chính không có liên lạc với Võ Nguyên Giáp nhưng mặt anh lại thú nhận rằng có rồi đó. Tại sao anh không thể thành thực với tôi, dù chỉ một lần này ? Tôi cười : - Hoàng Minh Chính làm gì là việc của anh ấy, tôi không có trách nhiệm phải quan tâm. Anh ta coi tôi là con tốt hay con xe cũng là việc của anh ấy. Tôi nghĩ anh hiểu tôi : tôi không thích làm con tốt hay con xe của bất cứ kẻ nào, trên bất cứ bàn cờ chính trị nào. Riêng với anh, tôi cũng muốn anh thành khẩn với tôi, dù chỉ một lần : anh cần gì ở tôi ? - Hãy trở lại với điều tôi vừa hỏi anh : có hay không ? - Không biết. - Anh sẽ không nói lại chứ ? - Tôi sẽ nói y như thế. Với bất cứ ai, ở bất cứ đâu. Hoàng nhìn chằm chằm vào mặt tôi : - Anh toát mồ hôi rồi đó. Anh không thấy trên mặt anh mồ hôi rịn ra đó sao ? Tôi cười phá : - Tôi đánh giá anh cao hơn đấy. Tôi lầm, đáng buồn. Vừa nãy, nhờ ơn nhà bếp tôi được ăn bát cháo nóng, vì thế trên mặt tôi có mồ hôi, đơn giản là vậy. Hoàng ngượng ngùng quay đi : - Anh vẫn chưa trả lời tôi. - tôi nhắc - Nói đi : anh cần gì ở tôi ? - Tôi cần gì ? Tôi chỉ muốn anh thành khẩn báo cáo những gì Ðảng hỏi. Tôi cười nhạt : - Anh nói dối. Giọng của anh không thật thà khi nói câu đó. Nhưng thôi, anh không muốn trả lời cũng được, tôi cũng chẳng có quyền đòi hỏi ở anh sự thực thà. Tôi mến anh, vì đối với tôi anh người hơn. Anh không tự giới thiệu, nhưng tôi biết anh là cấp dưới của Huỳnh Ngự, lương của anh thấp hơn lương Huỳnh Ngự... Hoàng chăm chú nhìn tôi : - Anh nói thế có ý gì ? Tôi nhìn vào mắt anh ta : - Ðúng là lương anh thấp hơn chứ ? - Anh nói tới lương của tôi để làm gì ? - Ðể nói rằng tôi đánh giá anh cao hơn thủ trưởng của anh. Anh nói rằng ngành của anh là một ngành đặc biệt. Nhưng theo tôi, nó chỉ đặc biệt ở chỗ nó có quá nhiều quyền hành, phần còn lại nó giống ngành tuyên giáo mà tôi biết, trong ngành này chủ nghĩa thành phần cũng được đẩy tới đỉnh cao nhất, ở đó những người cấp dưới thường giỏi hơn cấp trên. Chúng ta đều là cán bộ cả. Trong cuộc sống được cào bằng, tình cảnh chúng ta chẳng khác nhau là bao. Tôi hình dung anh có một gia đình đông đúc. Chị chắc là giáo viên, ba cọc ba đồng. Các cháu ăn cơm phải nhìn nhau, không đứa nào dám gắp quá tiêu chuẩn, không đứa nào được phép ăn hơn đứa nào... - ??? - Tôi đã thẳng thắn nói với anh rồi : tôi không biết nhiều về anh Hoàng Minh Chính. Ðó là sự thật. Rất có thể anh Hoàng Minh Chính có nhiều chuyện giấu tôi, hoặc giả anh ấy thấy không cần nói với tôi. Vì thế mà tôi không biết. Ngoài ra, xin anh hiểu cho điều này : tôi không phải kẻ đưa chuyện, vì thế có những điều tôi biết nhưng tôi thấy chẳng cần nói lại với anh làm gì... - Anh đánh giá anh hơi cao đấy. Anh không nói người khác sẽ nói. Và họ đã nói rồi. - Tôi không cần biết ai sẽ nói. Tôi không nói là đủ. Bởi vì tôi chẳng có gì để nói. Hoàng Minh Chính không rủ tôi vào một tổ chức nào. Anh ấy cũng không rủ tôi làm đảo chính. Nhưng tôi biết, các anh rất muốn tôi nói một cái gì tương tự cho anh Chính, đúng thế không ? Cái ấy thì không được. Không bao giờ. Hoàng nhếch mép cười. - Có cái này thì được, tôi sẵn sàng nói : đó là tất cả những gì thuộc về tôi, thuộc về một mình tôi. Anh có thể đề đạt với tôi bất cứ điều gì có lợi cho anh. Chẳng hạn, tôi sẽ nhận tôi là Việt Quốc, Việt Cách, Ðại Việt hay là cái gì đó anh muốn... Tôi sẽ ký, thật đấy. Giờ đây tôi chẳng còn gì để mà mất. Lịch sử không mù. Nó sẽ tìm ra sự thật, nó sẽ lên tiếng, không phải trong tương lai gần thì trong tương lai xa. Còn ngay bây giờ anh sẽ được lên lương, chị và các cháu sẽ bớt được một phần vất vả. Ðây là việc tốt, có thể là việc tốt cuối cùng mà tôi có thể làm cho ai đó... Hoàng gầm lên, đập mạnh tay xuống bàn : - A, anh dám láo hả ? Láo ! - Chính anh láo ! Tôi tức lắm rồi, tôi đập bàn còn mạnh hơn. Bộ đồ trà nhảy lên, mấy cái chén rơi loảng xoảng xuống nền gạch, vỡ tan. Hoàng chồm tới : - Mày sẽ biết tay tao ! Nhìn bộ mặt đỏ gay của Hoàng, nhìn nắm đấm chực vung lên của anh ta, tôi nghĩ anh ta sẽ đánh tôi. Tôi lùi lại, tay vung lên cái ghế ba nan. - Này, báo trước cho mày biết, nếu mày tiến thêm một bước thì hối không kịp đấy ! - tôi chẳng buồn giữ lịch sự nữa - Hãy nghĩ tới vợ con mà dừng lại ! Nếu mày chết ở đây người bị thiệt sẽ không phải là Ðảng của mày đâu mà là vợ con mày đấy ! Không biết có phải tại ánh mắt của kẻ sẵn sàng liều mạng hay tại cái gì khác đã làm cho anh ta tỉnh ra, nhưng Hoàng dừng lại ngay tức khắc sau câu nói của tôi. Như một con rối hết cót, anh ta rũ ra, lẳng lặng bỏ đi. Tôi hạ cái ghế xuống. Một lát sau Hoàng quay lại với bộ trà mới, chắc lấy từ một phòng khác. Anh ta cặm cụi thu dọn các mảnh vỡ mang đi rồi trở về hí hoáy với cái tầu ngầm(24). Chờ cho nước sôi, Hoàng pha ấm trà mới. Nhìn thẳng vào mắt tôi, anh ta nói, giọng trầm hẳn xuống : - Tôi thành thật xin lỗi anh. Vừa rồi tôi có nóng. Hoàng dám nhìn thẳng vào mắt tôi, có nghĩa là anh ta thành thật. Tôi lặng lẽ nâng chén trà lên miệng, chứng tỏ tôi cho qua chuyện vừa rồi. Tôi cũng cảm thấy một chút xấu hổ. Cơn giận dữ trào lên, nguyên nhân không phải ở tôi, nhưng tôi đã không kiềm chế được nó. - Tôi cũng lấy làm tiếc. - tôi nói - Lẽ ra chúng ta có thể nói chuyện với nhau bình tĩnh hơn. Dù sao chúng ta cũng đã từng là đồng chí của nhau... một lúc nào đó, trước kia. Tôi nói thật lòng. Trong câu nói của tôi không có bóng dáng của sự đạo đức giả, của mánh khóe chính trị. Tôi muốn được nhìn thấy ở Hoàng một con người. Người có đầu óc như Hoàng mà ở phía những tên vô sản lưu manh thì thật đáng tiếc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét